Phóng tác theo bài giảng của một Linh Mục

Toại uể oải trở mình cho đỡ mỏi. Đã mấy ngày qua, cơn sốt hâm hấp hành hạ chàng nằm bải hoải trên giường. Vợ chàng nói đang có cơn dịch cúm nên anh cố tịnh dưỡng vài ngày rồi tự nhiên sẽ khỏi. Gân cốt trong người Toại mỏi nhừ. Người chàng rũ ra như tàu lá chuối sau cơn bão. Vi trùng cúm len lỏi vào đến tận cùng từng tế bào trong thân thể chàng, gặm nát từng thớ thịt, xoi mòn từng mạch máu, cắn đứt mọi sợi thần kinh dẫn mệnh lệnh từ não bộ đến tứ chi. Vì thế chàng gần như tê liệt chả muốn làm gì cả. Nguyện, vợ chàng, vẫn đi làm mãi đến bốn giờ chiều mới về. Nhà ở gần trường nên hai đứa con, một gái một trai, đi bộ về nhà mà chẳng cần ai đưa đón. Về đến nhà, chúng tạt vào hỏi thăm chàng:

- Bố đỡ chưa bố?

- Bố cần gì không bố?

Chàng uể oải:

- Cám ơn con! Bố chưa cần gì cả. Các con ra chơi đi, để bố nghỉ.

Có mệt nhọc đến đâu cứ nhìn hai đứa con lớn khôn là chàng cảm thấy khỏe khoắn ngay. Chúng mới 14 và 12 tuổi. Cái tuổi chỉ biết ăn và học. Ăn chưa no, lo chưa tới. Vợ chồng Toại làm quần quật suốt ngày cũng chỉ vì tương lai của con Bắc thằng Nam. Nhiều khi Toại nghĩ nếu chúng không hiện diện trên cõi đời này thì mọi nỗ lực của vợ chồng chàng chẳng mang một ý nghĩa gì cả. Nguyện hoàn toàn đồng ý với chồng. Nàng thở dài:

- Mình lo cho nó thế, chả biết lớn lên nó có biết ơn mình không?

Toại lạc quan:

- Em rõ lo bò trắng răng. Chúng không biết ơn mình thì biết ơn ai. Không lẽ biết ơn ông bà hàng xóm?

- Anh cứ nói thế! Thiếu gì đứa đẩy cha mẹ vào viện dưỡng lão cho được tự do thoải mái.

Chàng cười đùa:

- Em lo xa quá. Chuyện còn đến cả vài chục năm nữa. Thôi để anh nói chúng học hành xong ra trường kiếm việc làm rồi đưa hết tiền lương cho em, chịu không?

Nguyện nghiêm trang:

- Em chả cần thế. Em chỉ mong chúng biết đến cội nguồn, ông bà, cha mẹ, thế thôi.

Toại ôm lấy vợ:

- Đựợc mà. Em khỏi lo. Anh chắc chắn chúng sẽ lớn lên theo ý mình.

Cái thắc mắc ấy lâu lâu trở lại trong câu chuyện hàng ngày của vợ chồng Toại. Lần nào chàng cũng trấn an vợ. Và mỗi lần nhớ đến nỗi lo âu của Nguyện, chàng không khỏi mỉm cười. Đúng là đàn bà. Chuyện trước mắt đây không lo, lo gì chuyện đâu đâu. Kết tinh của tình yêu nồng nàn là hai đứa con, Toại cảm thấy mãn nguyện thật sự. Lẽ sống của chàng là chúng, Toại vui vẻ làm tròn nhiệm vụ của người cha, người chồng. Dĩ nhiên trong cuộc sống, đôi lúc vợ chồng chàng cũng gấu ó nhau vì những bất đồng, nhưng cả hai vợ chồng cố gắng san bằng mọi dị biệt để thằng Nam, con Bắc thấy nếp sống gia đình rất có ý nghĩa và chúng luôn sống an vui dưới căn nhà này. Toại có quan niệm thật rõ ràng, ngày nào chúng chán ở trong nhà là kể từ ngày đó vợ chồng chàng xem như mất con. Đang mải suy nghĩ, Toại giật mình khi nghe tiếng Nguyện:

- Anh! Anh! Dậy uống nước cam.

Nguyện về lúc nào mà chàng chẳng hay. Cơn sốt dấy lên như quân phiến loạn. Bác sĩ nói nên uống nhiều nước cam có sinh tố C để chống vi trùng cúm. Hôm nay chàng bỗng thèm ly sữa:

- Thôi em mang cho con uống đi. Cho anh ly sữa được rồi.

Nguyện cố nài:

- Anh uống nước cam đi rồi tối uống sữa. Nước cam mới trừ được cúm.

Toại quay mặt vào tường:

- Không! Anh uống sữa thôi.

Thở dài, Nguyện đứng lên:

- Chồng với con đến chán! Đã bảo uống nước cam thì lại đòi sữa.

Một lúc sau, Nguyện trở vào với ly sữa. Nàng đặt ly sữa lên bàn đêm rồi vội vàng đi ra để sửa soạn bữa cơm chiều. Xem vậy mà cả một ngày thật mệt nhọc đối với nàng. Toại đau ốm nên mọi việc trong nhà Nguyện đều quán xuyến cả. Lo xong bữa cơm chiều, xắng tụi nhỏ học hành, ngồi với chúng một lát là đã mười giờ đêm. Lại còn săn sóc cho Toại nữa chứ. Mấy đêm nay, nàng mệt lử cả người. Đặt mình xuống là nàng thiếp đi ngay. Trong phòng, Toại đang uống ly sữa. Ăn uống ít nên chàng cố uống thật nhiều sữa để bù lại sức. Cơn cúm này vật chàng đến cả tuần chứ chẳng chơi. Đang uống, chàng bỗng khựng lại. Có vật gì đen đen nổi bật giữa ly sữa trắng. Toại nghĩ ngay đến con ruồi. Chàng nhìn kỹ lại, đúng là con ruồi. Môt con ruồi chết nổi lềnh bềnh như khúc gỗ mục trôi lênh đênh giữa giòng. Toại rùng mình, chàng có cảm giác lờm lợm ở cuống họng. Toại rất ghê tởm loại sinh vật dơ bẩn này. Nó đậu ở đống rác, đống phân. Cứ nơi nào bẩn thỉu nhất là có ruồi. Thưở còn học trong trường, chàng có dịp nhìn nó qua ống kính hiển vi. Chân nó lông mọc ra tua tủa, mang theo không biết bao nhiêu là vi trùng. Chỉ nhìn thôi Toại đã nổi gai ốc khắp người. Từ đó, Toại rất có ác cảm với giống ruồi. Chỉ cần một con ruồi trong nhà là chàng đã khó chịu rồi. Đang ngủ mà nghe tiếng nó vo ve qua tai là cho dù mệt đến mấy chàng đều ngồi bật dậy, tìm để đập chết nó cho được rồi chàng mới an tâm ngủ tiếp. Thế mà chàng đã uống gần hết ly sữa có con ruồi chết. Kinh quá! Cái cảm giác buồn nôn thôi thúc ào ạt đến nỗi nếu Toại không mau chân chạy vào phòng tắm, có lẽ chàng đã mửa thốc mửa tháo ra nền thảm. Đang làm bếp, nghe tiếng ói mửa của chồng, Nguyện dừng tay làm bếp chạy ngay vào phòng tắm. Nàng đứng sát người Toại, vuốt vuốt lưng chồng:

- Anh sao thế?

Toại cố moi, mửa cho hết những giọt sữa cuối cùng trong dạ dày, không thèm trả lời Nguyện. Chàng hớp một miếng nước, súc súc trong miệng rồi nhổ toẹt xuống bồn rửa mặt. Toại xoay người lại vừa lúc Nguyện tiếp tục hỏi dồn, vẻ lo lắng hiện rõ lên khuôn mặt trái xoan:

- Sao vậy anh?

Toại đi về phòng ngủ, nói xẳng:

- Còn sao nữa! Nguyên cả một con ruồi chết trong ly sữa.

Nguyện lẽo đẽo theo sau:

- Vậy à! Để em xem.

Nàng cầm ly sữa lên xem xét. Quả có vật gì đen đen ở trong ly. Nàng cố nhìn cho rõ thì Toại dằng lấy cái ly trong tay Nguyện, giọng mỉa mai:

- Vậy à! Vậy à cái gì nữa. Tôi đang đau ốm mà uống sữa... ruồi thì càng chết sớm.

Nguyện không ngờ trong ly lại có con ruồi. Thật đúng là con ruồi chết tiệt. Trong nhà bếp có cả chục cái ly, nó không chui vào mà lại chui ngay vào cái ly sữa của chồng. Nàng thầm trách mình vô ý không rửa ly trước khi rót sữa cho chồng. Nguyện nhỏ nhẹ:

- Xin lỗi anh! Em quên không rửa ly. Thôi để em rót cho anh ly khác.

Toại vẫn giữ chặt lấy cái ly, nói dỗi:

- Thôi chả cần! Để tôi lo lấy thân được rồi. Không dám nhờ đến cô.

Nguyện thấy tức ứ ở cổ. Về đến nhà là bắt tay vào việc liền, nàng không có lấy một phút để nghỉ ngơi. Cơm bưng nước rót, đưa đến tận nơi thế mà Toại đã không biết ơn, lại còn trách cứ. Chuyện chỉ có một con ruồi con con mà sao lại xé ra to thế. Giá như có con chuột to tổ bố chết trong ly sữa thì cũng phải hiểu là nàng không cố ý, chứ đâu mà nặng lời như thế kia. Lại còn cái giọng hờn dỗi, như đàn bà. Để cho Nguyện nói dỗi nghe vẫn... êm tai hơn vì dù sao nàng là đàn bà. Cái thằng Nam thật in hệt bố nó, cũng cái giọng dỗi hờn nghe chướng tai hết sức. Đúng là cha nào con nấy. Nguyện cố nén cơn giận xuống:

- Vậy cũng được. Để tôi đi làm cơm.

Toại nói dỗi thế nhưng vẫn muốn Nguyện cầm lấy cái ly, rót cho chàng ly sữa khác. Khi thấy nàng thản nhiên bước ra khỏi phòng, cơn giận lại đổ về dồn dập, chàng bước ra khỏi cửa phòng, gào thẳng về phía phòng bếp:

- Cô làm ăn cẩu thả vừa vừa! Cô muốn tôi chết thì cứ nói chứ đừng giết người theo kiểu này.

Con Bắc, thằng Nam đã vặn nhỏ TiVi khi nghe bố nó to tiếng trong phòng ngủ. Đến khi nghe tiếng gào của bố, con Bắc đứng lên đi vội về phía phòng riêng và đóng cửa lại. Mắt thằng Nam dán chặt vào TiVi nhưng chẳng còn tâm trí đâu thưởng thức chương trình hoạt họa nữa. Nguyện không thèm để ý đến lời của Toại, nàng quay sang la thằng Nam:

- Dẹp TiVi ngay! Mày không chịu học hành gì cả, lúc nào cũng TiVi. Tướng mày rồi cũng chả làm gì nên thân.

Toại tiếp ngay lời của vợ:

- Đừng khinh nó! Nó còn làm được khối việc, chứ không làm ẩu như bà.

Đến nước này thì Nguyện không còn nhịn được nữa. Nàng cố không to tiếng với chồng mà Toại cứ lải nhải, lảm nhảm lại dám chê nàng trước mặt thằng con "nhà tông giống cả lông lẫn cánh" thì không cãi lại còn đợi đến khi nào:

-  Làm ẩu cái gì! Có con ruồi con con mà anh làm toáng lên cứ như cha chết mẹ chết không bằng. Anh nằm dài trong phòng có người hầu hạ rồi anh nói tôi làm ẩu. Tôi có làm ẩu thì mấy đứa con mới có miếng cơm nuốt vào bụng, nhà cửa mới tươm tất. Nếu nằm đó mà chờ anh thì chắc nhà này đã tan hoang rồi.

Toại nghiến răng:

- Tôi không khiến bà! Không làm thì thôi, đã làm thì làm cho đàng hoàng, chứ không có kiểu rót ly sữa rồi bỏ con ruồi chết vào.

Nguyện uất nghẹn khi nghe Toại nói là bỏ con ruồi chết vào ly sữa. Ôi chao ôi! Oan còn hơn thị Kính. Lỡ quên không tráng ly. Lỡ con ruồi phải gió chết đâu không chết, chết ngay vào ly sữa đẩy nàng vào tình trạng há miệng mắc quai này. Máu uất trong người chạy dồn lên mặt, Nguyện trả đũa:

- Ừ! Tôi bỏ đấy! Anh uống rán chịu. Nếu muốn sạch anh tự rót lấy mà uống. Từ nay, đừng sai tôi nữa.

- Nếu tôi còn muốn sống thì tôi sẽ không bao giờ nhờ bà nữa. Để cho bà có thì giờ đi tán gẫu với con mẹ Cầu cho sướng miệng.

Nàng dừng tay chặt thịt:

- Anh nói gì? Chị em tôi nói chuyện thì đã chết ai? Tôi nói là nói chuyện minh bạch, không nói xấu một ai vắng mặt. Anh cứ thử hỏi anh xem, ngồi uống vài ba loong bia với mấy thằng bạn không nghề không ngỗng rồi đi nói xấu người này người nọ. Anh tưởng anh tốt lắm hay sao?

Vừa dứt tiếng, Nguyện phóng con dao thật mạnh xuống cái đùi gà cuối cùng. Miếng thịt bay dạt sang bên, bắn thẳng vào bồn rửa bát, dội ngược trở lại trúng ngay người nàng, máu gà dính bết vào chiếc áo trắng, trông đỏ lòm. Đang cơn tức, sẵn con dao, Nguyện phạt một nhát thứ hai, miếng thịt đứt làm đôi, bay ra mỗi phía mỗi miếng. Nhìn thấy vợ giận cá chém... thịt, Toại lại càng điên tiết. Cơn cúm mấy ngày vật Toại mệt lử cả người, nhưng hôm nay sao chàng lại có sức thế không biết. Càng nói càng hăng, Toại giận rung cả người khi Nguyện nói đến bạn bè của chàng. Đành rằng chàng có kể tội người khác thật nhưng mấy thằng vắng mặt đều có tội cả, thằng thì ly dị vợ, thằng thì nịnh bợ xếp, thằng thì ưa nói phét. Còn chàng trong sạch quá, những tội vừa kể chàng không vướng một tội nào. Thế thì mình có quyền kể tội bọn nó chứ! Còn vợ chàng, thân phận đàn bà, biết quái gì mà dám lạm bàn, lại còn chỉ trích chàng nữa mới thật là liều. Ngay bây giờ, Toại bỗng nhớ lại tất cả những tật xấu của vợ. Nó rõ mồn một, nhắm mắt lại là Toại đã hình dung ra ngay. Ít nhất là có đến chục tật. Tật nào tật nấy to gấp trăm lần con ruồi chết, thế mà chàng vẫn chịu đựng được từ ngày cưới đến giờ. Toại bỗng thấy mình... tốt quá. Không nói cho nó biết, nó lại tưởng nó tốt hơn cả mình kia đấy. Toại chỉ tay vào mặt vợ:

- Chuyện của tôi bà biết gì mà bàn. Tôi chỉ kể lại những chuyện mắt thấy tai nghe, thế thôi. Nhưng dù sao đi nữa, ngồi uống mấy loong bia với mấy thằng bạn thế mà đỡ tốn tiền hơn bà đi mua sắm. Bà bớt mua một cái áo, tôi uống bia cả năm chưa hết.

Bây giờ lại chuyển sang chuyện mua sắm. Cái áo giá năm trăm, sale rồi còn có ba trăm, không mua nghĩ cũng... uổng. Mà mua áo đẹp thì cũng cho chồng con cả, đâu phải chỉ làm đẹp cho chính mình. Ra ngoài đường mặc chiếc áo cho nó tươm tất không thì xấu thiếp hổ chàng. Đã không hiểu cho mà lại còn phân bì. Đàn ông phải rộng lượng chứ đâu mà xét nét còn hơn cả đàn bà nữa. Trời ơi! Lấy chồng làm gì cho khổ thế hở trời! Có ai hiểu cho thân phận đàn bà như tôi không? Mặt Nguyện đanh lại, nàng mím môi, hét lớn:

- Tiền là tiền chung. Anh đi làm tôi cũng đi làm, về nhà lại còn hầu hạ cho cha con anh nữa. Tôi có được nghỉ ngơi đâu. Mà nếu có nghỉ ngơi cũng không nghỉ được, vì anh ngáy to quá. Nghe tiếng xe lửa chạy tôi thấy vẫn còn dễ ngủ hơn tiếng ngáy của anh. Không ai có thể ở với anh được đâu. Chỉ có dại dột như tôi mới bám lấy anh. Anh hiểu chưa?

Nguyện nói một hơi nhưng vẫn chưa hả giận. Với tấm thân đẫy đà, nàng chồm lên như con trăn quăng mình quấn lấy mồi. Giọng nói dịu dàng thường ngày không còn nữa, giọng nói mà Toại thường khen là nhỏ nhẹ lôi cuốn không thua gì giọng các cô tiếp viên hàng không. Thay vào đó, nàng gầm gừ trong cổ họng như con hổ ngoạm được mồi, chân nàng dậm xuống nền nhà thình thịch như đàn voi đang chạy trốn nạn cháy rừng. Toại cũng không vừa, mặc dù đang đau yếu, chàng vẫn không hổ danh nam tử. Mắt chàng long lên sòng sọc như con sư tử đang ra oai thần phục bầy thú dữ. Toại vừa gào vừa vỗ vào ngực thùm thụp mà nếu một tay chàng cầm trái chuối đố ai không bảo chàng giống con khỉ đột trong sở thú đang nổi cơn điên. Toại rít lên như con rắn hổ mang:

- Tôi không cần bà ở với tôi. Bà cứ làm đơn ly dị đi. Cuộc đời tôi sẽ sáng sủa hơn nhiều, bà biết không?

- Anh muốn thế cũng dễ cho tôi. Để ngày mai tôi đi gặp luật sư cho xong cái nợ đời.

Nói xong, Nguyện bỗng cảm thấy thấm mệt. Cãi nhau để đi đến tình trạng đồng ý ly dị thì chẳng còn gì để mà cãi nữa. Hơn hay thua thì cũng anh đi đường anh tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi. Đôi mắt Nguyện đã long lanh ngấn lệ. Nguyện cố nín không khóc trước mặt Toại, nhưng hình như nàng không còn nhịn được nữa. Nguyện đưa tay quyệt ngang mắt, chùi vội những giọt nước mắt đùn ra chảy dài trên má. Cuối cùng Nguyện đành chịu thua sự cảm xúc, nàng đưa tay bụm lấy miệng cố ngăn cho tiếng khóc đừng bật ra rồi chạy vội về phòng đứa con gái. Vào đến phòng, nàng quăng mình lên giường và bật khóc nức nở. Con Bắc đưa tay khép nhẹ cánh cửa phòng. Nó buồn rầu ngồi sát ở mép giường, hai tay úp vào mặt, suy nghĩ mông lung. Chỉ một phút sau, nó cũng sụt sùi khóc theo mẹ.

Ở phía ngoài, Toại vẫn chưa hả giận. Đàn bà chỉ tổ mau nước mắt. Cho mình uống sữa với con ruồi chết rồi ngồi đó mà khóc. Vừa nghĩ đến con ruồi, Toại chạy ngay vào phòng. Mình phải giữ con ruồi làm tang chứng mới được. Ra toà có bằng chứng rõ ràng, phần thắng mới về phía chàng được. À! Ly sữa còn đó. Chàng cẩn thận trải miếng tissue lên bàn, thò ngón tay vớt con ruồi rồi để lên miếng giấy cho ráo sữa. Mà sao con ruồi rụng chân đâu hết chỉ có cái thân mình. Ôi chao! Thế là mình uống luôn cả sáu cái chân vào bụng rồi, không biết bao nhiêu là vi trùng. Thảo nào chàng cứ  âm ỉ đau bụng từ nãy giờ. Không khéo lại thổ tả như chơi. Toại nhìn xuống con ruồi một lần nữa. Lần này chàng cảm thấy nó là lạ thế nào ấy. Hình như nó không phải là con... ruồi. Con ruồi mà không phải là con ruồi thì là cái quái gì? Chàng bật đèn và dụi mắt một lần nữa để nhìn cho kỹ. Rồi gần như không tin ở mắt mình, Toại lấy ngón tay hất hất con ruồi. Chàng ghé sát mắt vào con ruồi và kịp nhận ra đó chỉ là cái... bã trà!!!

Toại bàng hoàng nhón cái bã trà bằng hai ngón tay, người thẫn thờ cứ như bị ma ám. Sao lại có thể là miếng bã trà. Toại tin chắc là chàng thấy con ruồi. Nó rõ ràng chết trôi trong ly sữa của chàng, mà nếu không khéo thì Toại đã nuốt trôi vào bụng rồi còn đâu. Nhưng sự thật vẫn rành rành trước mắt chàng. Bã trà là bã trà. Con ruồi là con ruồi. Không thể lẫn lộn hai thứ đó được. Vậy mà chàng lầm. Toại đã trông gà hoá cuốc. Cái tai hại là Toại đã to tiếng trách mắng Nguyện. Nhưng tai hại nhất là Toại đã đồng ý ly dị chỉ vì cái bã trà. Trời ơi! Sao trên đời lại có lúc lầm lẫn khốn nạn như thế này! Toại ngồi bệt xuống sàn nhà, chán nản đến cùng cực. Cuộc sống hơn mười lăm năm, với hai đứa con xinh xắn, với biết bao nhiêu là kỳ vọng giờ đây buông trôi theo giòng nước chỉ vì cái bã trà. Đời sống vợ chồng như khúc phim hạnh phúc quay lại chầm chậm trong tâm trí chàng. Cơn cúm đau nhức bây giờ lại dấy lên dữ dội hành hạ Toại. Chàng ngồi bải hoải, mệt nhoài với bao nhiêu ý nghĩ. Dựa lưng vào giường, gục mặt xuống hai đầu gối, Toại ngồi mãi yên bất động...

Trong nhà, một sự yên lặng lạnh lùng đè nặng lên từng hơi thở, mỗi cử động của mọi người. Yên ắng đến nỗi người ta có thể nghe tiếng vo ve của con ruồi, nhưng lắng tai mãi vẫn không nghe tiếng một con ruồi nào bay. Ngoài kia, thành phố đã lên đèn. Một ngọn đèn đường xế trước cửa nhà tỏa ánh sáng vàng vọt, yếu ớt xuống mặt đường, nhưng cũng đủ quyến rũ đám côn trùng tụ lại đùa giỡn dưới ánh đèn. Nếu nhìn kỹ, người ta sẽ thấy trong đám côn trùng đấy có một con ruồi!

Đã bao lần trong cuộc sống lứa đôi, chúng ta đã nhìn lầm cái bã trà thành con ruồi?

 Hải Ngữ
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Lời Bàn Mới

Hình Mới