(Viết nhân kỷ niệm một năm ngày TV/LS sống chung một mái nhà)

Bài hát “Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài” kết thúc một câu nghe buồn não nuột: “Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm”. Thì cuộc tình nào chả thế! Lấy nhau không được đành để trôi vào dĩ vãng, lâu lâu hồi tưởng để nhớ lại một mùi hương.

Thưở cắp sách đến trường, ngoài chuyện học hành, thế nào cũng mơ một lá tương tư. Chẳng may không có gì để mơ ước cho cuộc tình thì cũng thấy thấp thoáng ở cổng trường một bóng người. Tan học, tà áo trắng bay rợp trên đường, có người lẽo đẽo theo sau. Chiếc nón che đôi má ửng hồng. Bước chân ngượng ngập rồi “quấn quýt vân vê tà áo”. Tiếng thì thầm nghe như gió thoảng xin làm quen. Thôi… đừng… mẹ đánh đòn. Tiếng trả lời lơ lửng như mây chiều. Và chàng trai xem đó là một lời hẹn hò như ngầm bảo đừng theo em lộ liễu quá. Người ta biết là mẹ biết. Nghĩa là anh nên kín đáo một chút thì cuộc tình may ra vuông tròn.

Ở Qui nhơn cũng có những trường nữ, trường nam, trường cả nữ lẫn nam. Thế nào cũng có những e ấp như thế ở thập niên 60. Những lần hẹn hò vội vã theo nhịp độ sôi động của cuộc chiến. Rồi từ giã. Rồi mất mát. Rồi “thương hoài ngàn năm”.

Trường Trinh Vương và La San là hai trường đạo ở Qui nhơn. Một trường do các nữ tu dòng Mến Thánh giá chăm lo. Một trường do các sư huynh chăm sóc. Cả một thời gian dài hơn một thập niên, có anh La San nào hẹn hò các cô Trinh Vương không? Chắc có nhưng không nhiều. Nên duyên vợ chồng lại càng hiếm. “Thương hoài ngàn năm” e lại càng hiếm hoi hơn.

Nhưng nếu nên duyên chẳng đặng thì bẵng đi mấy chục năm sau, cơ duyên lại tái hợp Trinh Vương và La san ở một tình huống thật kỳ diệu. Nghe tưởng như chuyện thần thoại. Vậy mà duyên số lại run rủi để hai trường sum họp dưới một mái nhà. Đó chính là mái nhà tvqn.info.

Khoảng thời gian này năm ngoái, một số cựu học sinh La San có lòng muốn lập một trang nhà để kiếm lại bạn bè xưa, thầy cũ. Vi-thư bay như chim vượt đại dương nối liền VN, Âu châu, và Mỹ quốc. Đây là phương cách duy nhất để giao tiếp với nhau. Nhưng làm thế nào để kiếm thêm bạn bè, một câu hỏi mấu chốt mà cả tuần không ai kiếm được câu trả lời thỏa đáng. Có người đề nghị nên lập một trang nhà lấy tên La San Bình Lợi. Nghe thì dễ nhưng hỏi đến lại chẳng thấy ai có tài đứng ra cáng đáng việc chung. Nhiệt tình hăm hở nhưng thực tại như một bức tường đá. Tuy dội ngược nhưng vẫn không chịu thua. Vài ngày sau có người mách bảo có trang nhà của các cựu học sinh Trinh Vương (TV), cũng ở Qui nhơn. Hỏi xin “ở rể” may ra được chăng. Ngần ngừ mãi rồi đành viết thư gửi đi, trông chờ vào sự rủi may.

Nếu ngày xưa ở rể trước khi đến nhà vợ, chàng trai đã được sự đồng ý của gia đình cô gái cho gửi thân, còn bây giờ hú họa gửi thư đi ngỏ ý mà lòng phập phồng không biết kết quả sẽ ra sao. Thư gửi đi ngày 19/12, ngày hôm sau nhận được thư trả lời của các chị, đại để “…nhà không có đàn ông, rất hân hạnh đón tiếp các anh về chung mái nhà.” Ngày bước lên xe hoa về nhà chồng cô dâu nào cũng khóc sướt mướt (khấp như thiếu nữ vu quy nhật), còn các anh La San lại cười hớn hở khăn gói đi ở rể. Vì nay đã có chỗ nương thân, đã có chỗ để bạn bè tìm đến nhau.

Góp gạo thổi cơm chung. Thế mà gia đình Trinh Vương và La San đã nên bột nên hồ được một năm rồi đấy! Cứ tưởng già rồi thì tính tình bằng hai lần con nít, có ngờ đâu tóc bạc mà cơm vẫn lành canh vẫn ngọt. Mỗi ngày các chị dọn cho “ăn” ba món. Thơ có, văn có… không bữa nào thiếu. Vừa đủ bụng một ngày. Căn nhà mới đây lại được sửa sang sơn phết lại. Màu đỏ thẫm dịu mắt chứ không đỏ loét như trước. Tên trang nhà có thêm dòng chữ La San – Vi Nhân. Nội thất cũng được bày biện khác đi bằng một màu xanh hòa nhã. Chữ trên màn hình lớn hơn một chút, dễ đọc hơn. Không như trước, mỗi lần đọc xong một bài là “nước mắt chan cơm.” Sự thay đổi này phải cám ơn a. Hạnh ở xứ Chuột Túi thông cảm cho đôi mắt kèm nhèm ở tuổi phải mang kiếng lão. Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ.

Chuyện lớn mà các anh La San ở rể hân hoan là nhờ mái nhà tvqn.info này mà chúng tôi tìm kiếm được rất nhiều bạn bè. Ban đầu chỉ có “ba chàng ngự lâm pháo thủ”, rồi lên “võ lâm ngũ đế”. Chừng hơn tháng đã được “thập nhị sứ quân”. Hơn nửa năm con số xem như ngang với “nhị thập bát tú”. Và tính cho đến nay, danh sách cựu học sinh La San / Vi Nhân đã lên đến gần 70, trải dài từ niên học 1961 đến 1974. Một con số kỷ lục trong vòng chỉ một năm. Bạn bè bây giờ sống rải rác khắp nơi. Từ châu Mỹ đến châu Âu cách nhau một đại dương. Nếu tính thêm châu Úc thì đường còn dài hơn nữa. Tính ra ở Mỹ có khá đông bạn bè sống ở nhiều tiểu bang, đông nhất là ở Cali. Ngay trên quê hương, các cựu học sống tản mác từ cao nguyên đến đồng bằng, tràn xuống miệt vườn nhưng phần đông sống tập trung ở Sàigòn và các vùng phụ cận. Gia cảnh cũng khác nhau nhiều lắm. Có đứa đã là ông nội, ông ngoại. Vợ chồng thảnh thơi không còn vướng nợ cơm áo, con cái. Bởi vậy mới được rảnh rỗi lên mạng tìm kiếm bạn bè. Có kẻ giờ này vẫn còn chống gậy nuôi con. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng chúng tôi thật vui mừng khi tìm ra một tên họ lạc loài đâu đó trên mạng. Hỏi dần ra thì đúng thằng bạn ngày xưa. Từ một người phăng ra được thêm vài người, và cứ như thế danh sách cứ dài dần ra.

Một điều may mắn khác đến với chúng tôi là tìm gặp được các sư huynh, những thầy dạy dỗ chúng tôi từ thuở mới bước lên trung học. Các sư huynh nay đã già lắm rồi. Các thầy tóc cũng đã hoa râm. Biết tin thêm những sư huynh và thầy đã lìa cõi đời. Đưa tin cho nhau biết rồi buồn đến mấy hôm, chẳng tha thiết gửi mail gì nữa. Bạn bè cũng biết được đứa còn đứa mất. Có đứa bạn vừa bắt được tin, tìm đến nhà thì mới biết nó đã mất mấy năm nay. Cảnh nhà đơn chiếc. Nhìn lên bàn thờ thấy hình thằng bạn mà lòng ngậm ngùi. Ngồi xuống gõ vài dòng gửi tin buồn đến cho bạn bè. Có thêm lời nhắn, nhớ đọc cho nó một kinh. Có người bạn sốt sắng hơn xin một lễ Misa cầu nguyện cho linh hồn của sư huynh, của thầy, của bạn bè vừa được tin. Người sống, kẻ chết liên kết tình thân với nhau qua lời cầu nguyện. Đẹp lắm! Thật tuyệt vời tình thầy trò, tình bè bạn!

Nếu không có trang nhà tvqn.info thì làm thế nào để các cựu học sinh La San Bình Lợi tìm đến nhau đây? Gọi phôn,hỏi thăm, dò la… lâu quá! Còn bây giờ chỉ cần đánh tên “la san bình lợi” là tìm đến ngay trang tvqn.info. Cũng nhờ vậy mà nhiều bạn bè đã tìm về tổ ấm La San dễ dàng. Cứ nghĩ đến chuyện bạn bè nối kết lại với nhau là vội nghĩ đến các chị TV, đến mái nhà ấm cúng tvqn.info. Và lòng biết cám ơn các chị TV thế nào cho hết đây.

Bài hát “Bài Tango Cho Em” mở đầu với câu: “Từ ngày có em về, Nhà mình toàn ánh trăng thề…” như một niềm hạnh phúc vợ chồng. Các anh La San về sống chung một mái nhà cũng có niềm hạnh phúc gần như vậy. Nhìn lên có trăng sao, nhìn vào nhà thấy tình thân nồng nàn với các chị TV, thế thì còn mong gì hơn. Có anh còn nhớ rõ ngày bắt đầu ở rể năm ngoái, cứ thúc dục viết đôi lời cám ơn các chị TV. Cả nhóm hân hoan bày tỏ nỗi lòng và gửi lên mạng.

Nhân ngày sinh nhật một tuổi của cựu học sinh Trinh Vương / La San – Vi Nhân, chúng tôi ngỏ lời cám ơn các chị TV một lần nữa. Đừng chê chúng tôi đã sống chung dưới một mái nhà mà còn khách sáo. Không, chúng tôi thật lòng, muốn nói lên lòng ưu ái của các cựu học sinh La San – Vi Nhân với mái nhà tvqn.info. Đôi khi chữ nghĩa lại không diễn tả hết tấm lòng biết ơn đó, nên chỉ biết dùng diễn đàn này để bày tỏ tấm lòng một lần nữa.

Tóc mai đã bạc màu nhưng sợi vắn sợi dài vẫn cong vút trên khuôn mặt kiều diễm của các chị TV. Tuy sống chung mới có một năm nhưng vẫn luôn ước mơ chúng ta sẽ “thương hoài ngàn năm”.

 Nhóm cựu học sinh La San ( 65-72)
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Lời Bàn Mới

Hình Mới