Trong sách Giảng viên có câu đọc nghe rất ngược đời, "Đi đám tang thì tốt hơn đi đám tiệc", (Gv 7:2). Tại sao thế? Thưa vì chia buồn dù sao vẫn quý hơn là chia vui. Niềm vui cần san sẻ là điều quý nhưng nếu người buồn sầu được an ủi thì quý hơn nhiều. Khi hoạn nạn cần nhau hơn là lúc hạnh phúc (dễ) sống bên nhau. Ngọn đèn khi để, khi treo, Vợ chồng khi đói, khi nghèo có nhau. Đói nghèo là nỗi khốn khổ và những lúc này vợ chồng cần có nhau hơn bao giờ. Đến chia buồn một đám tang là một hành động nhân bản. Tình người với người. May mắn bạn bè tôi chưa ai gởi thiệp tang, nhưng thiệp cưới thì những năm gần đây khá rộn ràng. Ba năm vừa qua, ba đám cưới con cái của bạn bè. Năm kia ở Canada, con của Cảnh; năm ngoái ở Indiana, con của Huynh; và đầu tháng 8/2014 ở Beaverton, thuộc bang Oregon, con của Hưng.

Năm kia tôi hụt, nhưng năm ngoái tôi đi. Và năm nay, tôi cũng bay sang Oregon.

Oregon, bang nổi tiếng là "xanh". Được gọi "xanh" vì sạch về môi trường, về lượng thán khí ít, về không khí trong lành, về mức độ ô nhiễm thấp ảnh hưởng đến tầng ô-zôn. Cả toàn bang đi đâu cũng thấy cây xanh. Oregon còn được biết đến là tiểu bang bảo vệ môi sinh chặt chẽ nhất. Năm 2003, tạp chí Forbes chấm Oregon và Vermont vào vị trí hạng nhất (43.6/50) về môi trường và môi sinh. Cũng với thang điểm 50, California và New Mexico xếp hạng 14 và 18 với số điểm suýt soát nhau, 37.1 và 34.7. Trong khi đó, Indiana xếp gần chót với điểm 15.2/50, chỉ hơn bang West Virginia (14.2) đội sổ. Một thập niên sau, Oregon tụt hạng nhưng vẫn đứng đầu bảng 10 của 50 tiểu bang, và một lần nữa, Indiana vẫn đội sổ. Ngoài ra, Oregon, đặc biệt vùng Beaverton là nơi có nhiều phong cảnh đẹp. Mỗi độ Thu về, các nhiếp ảnh gia thường về vùng này để săn hình in lịch cho năm tới. Cả rừng cây trùng điệp với sắc lá xen lẫn xanh, vàng, cam, đỏ in hằn lên nền trời nhìn như một bức tranh vẽ. Phải gọi là rừng vì bức tranh lộng lẫy dài hun hút trong tầm mắt. Người ta giải thích vào mùa Thu ánh nắng mặt trời bớt gay gắt nên nhiệt độ thay đổi dẫn đến lượng diệp lục tố giảm dần. Sự thay đổi diệp lục gây ra sắc tố của lá cây thay đổi theo. Tùy theo sắc tố của từng loại cây, người ta sẽ thấy nhiều màu khác nhau; chẳng hạn như cây sồi đổi sang màu cam; cây phong lá lớn, cây gỗ tần (ash), cây dương (aspen), cây bạch dương (birch) và cây tổng quán (alder) đổi sang vàng; cây thù du (dogwoods) đổi sang huyết dụ; cây phong nho (vine maples) và việt quất (huckleberries) lại đổi sang đỏ thắm. Thời điểm lá thay đổi màu, thay đổi theo nhịp độ nhanh hay chậm, và sắc màu rực rỡ hay không... đều tùy thuộc vào nhiều yếu tố của môi trường chung quanh, kể cả nhiệt độ và độ mưa trong vùng. Lái xe dọc theo con sông Columbia vào giữa tháng 10, du khách sẽ thấy một rừng lá cây làm dáng đổi màu sắc như cô dâu thay đổi xiêm y lộng lẫy trong ngày lễ cưới.

Hưng và Vân làm lễ cưới cho con trai thứ 2, Don Lao. Thiệp mời đã gửi ra từ hơn tháng trước. Vợ chồng Cảnh/Vân hối hả đặt vé nhưng đứa con dâu sửa soạn sinh cần ông bà nội ở nhà. Xem ra câu ca dao, sinh con so về nhà mạ, sinh con rạ về nhà chồng không đúng nữa. Thế là đành hủy bỏ chuyến bay. Một số bạn bè khác gửi lời chúc mừng, và một số khác hứa bay đến Beaverton để tham dự đám cưới đứa con trai đầu tiên của hai vợ chồng. Khiêm Cai đến sớm nhất, chiều thứ 4, và cũng trong đêm đó, vợ chồng Huynh/Thu cùng với gia đình thầy Hiến có mặt tại Beaverton; dĩ nhiên có Thanh Tâm, người bạn lớp 12 năm nào và là phu nhân của thầy cũng có mặt. Ngày hôm sau, thứ Năm, vợ chồng Thắng/Nguyệt từ Canada bay đến Vancouver thăm người em, rồi từ đó đáp xe đò Greyhound suốt đêm và đến bến xe từ sáng sớm. Vợ chồng Thắng thật tội, đến bến xe đò từ 3 giờ sáng, ngại không dám làm phiền chủ nhà nên đợi mãi đến 6 giờ sáng mới mới thỏ thẻ lên tiếng. Thắng có biết đâu, cả bọn đã dậy từ sáng sớm tinh sương, đang cà-phê đấu láo rổn rảng ngoài sân. Vừa nghe tin cả bọn vội chạy ra bến xe để đón 2 vợ chồng. Gần trưa, lại đón vợ chồng Bích/Danh bỏ vùng sa mạc New Mexico rong chơi một tuần. Và tôi, người sau cùng, có mặt tại nhà Hưng/Vân vào sáng thứ Sáu, tức trước ngày cưới của cháu Don chỉ vỏn vẹn một ngày. Từng ấy khách đến dồn dập nên việc đưa đón khá bận rộn.

Công việc đưa đón từ phi trường về nhà rất mệt nhọc, vì ngay trong đêm thứ Tư phải đón 2 gia đình và Khiêm. Thật may, ở Beaverton cũng có Quốc Phương, nên Phương xin nghỉ làm và chịu khó làm tài xế chở bạn bè về nhà mỗi ngày ba bốn chuyến. Đến sau rốt cũng có lợi vì hôm đó Hưng, Huynh, và Bích đón tôi ở phi trường. Tôi chắc chắn Khiêm đến sớm nhất nên chỉ có mỗi chủ nhà ra đón.

Đường đi khoảng nửa tiếng rộn tiếng cười vì tính ra lần cuối chúng tôi gặp đã hơn 1 năm nên biết bao nhiêu chuyện xoay tròn trong đầu, đang chờ dịp tuôn ra. Tôi bước vào nhà sau cùng với va ly, túi xách trên tay và đi thẳng vào phòng gia đình. Sở dĩ tôi thuần thuộc căn nhà vì cách đây 10 năm tôi đã đến thăm vợ chồng Hưng nhiều lần trong chuyến công tác. Chiều nào cũng đến ăn cơm với thức ăn la liệt trên bàn trong suốt cả tuần. Và không phải chỉ một tuần đó, mà những tuần công tác tiếp theo, tôi đều về nhà Hưng dùng bữa cơm chiều, suốt như thế trong 2 năm. Vân cứ lo tôi ăn không đủ no. Chỉ có 3 người ăn – vợ chồng Hưng và tôi – thế mà một bàn thức ăn cứ tưởng đãi cho cả chục người.

Vừa đặt chân vào phòng khách đã thấy thầy Hiến đon đả bước ra. Thấy thầy Hiến là thấy ngay Thanh Tâm. Cô bạn lững thững đến bắt tay tôi mỉm cười. Thầy vẫn ôm ốm, dáng thư sinh như lần cuối tôi gặp. Khiêm cũng nặng từng ấy cân với khuôn mặt xương xương, gọn gàng trong chiếc áo polo bỏ vào quần. Nhìn sang gian bếp, Thu, Danh, và Nguyệt đang pha cà-phê và lúi húi làm bữa ăn sáng. Tôi đảo mắt nhìn quanh vẫn chưa thấy Vân, vợ Hưng. Hóa ra Vân đang đứng khép nép gần bàn ăn, khuôn mặt mệt mỏi. Vân bảo em đang mệt và bị sụt cả chục cân sau một lần bị đột quỵ nhỏ. Người Vân ốm thấy rõ, khác với Vân trước đây. Hưng bảo vì lo lắng đám cưới cho cậu con nên mấy tháng nay cứ xuống cân. Ôi, thế mới biết lòng mẹ thật bao la. Từ lúc con sinh ra đến khi con lập gia đình lúc nào cũng nghĩ đứa con cũng còn đỏ hỏn bồng trên tay. Vân có tật hay lo, hễ mở mắt là lo: lo cho 3 cậu con, lo cho chồng, ngay cả chuyện bạn bè đến đầy một nhà, Vân cũng lo lắng thái quá... Hưng bảo vậy. Nào là mua thêm tủ lạnh đặt ở nhà xe trữ thức ăn, nào là nước lạnh, nước ngọt để đầy một góc nhà. Thật sự, bạn bè gặp nhau ăn cho xong bữa, cụng với nhau vài ly, rồi chuyện trò nổ như bắp rang từ sáng sớm đến tối khuya và nằm vật ra giường ngủ vùi. Tôi bảo Hưng, có người sinh ra hay lo, có người thì sướng hơn, cứ bình thản trước mọi việc. Người hay lo thì cản mấy cũng lo, và nếu không lo thì thúc mấy vẫn vô tư.

Sự ưu tư đôi lúc thể hiện qua dáng đi tất bật, qua đôi môi không trọn nụ cười. Danh thì ngược lại, đi đứng khoan thai, và giọng cười dòn tan của vợ Bích thật khó quên. Cười thoải mái, cười như để quên đời. Mà hai vợ chồng chẳng có gì phải lo lắng, con cái đã dựng vợ gả chồng xong xuôi nên tâm hồn thư thái nghĩ cũng đúng. Tình cảnh của Huynh cũng gần như thế, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện hưu. Có lẽ vì thế mà Thu – vợ Huynh – cười sảng khoái, chưa thấy người đã nghe tiếng. Thu nhanh nhẹn, đảm đang trong nhà ngoài ngõ. Bạn tôi thật may mắn khi có một người vợ quán xuyến, giỏi giang đến vậy. Tôi chợt thấy Nguyệt, đứng âm thầm ở góc bếp. Và rồi thấy Thắng từ ngoài sân bước vào. Cặp vợ chồng này đặc biệt. Chúng tôi quen nhau từ năm ngoái khi về Indiana dự đám cưới của con trai Huynh. Gặp nhau chỉ mấy ngày thế mà lại thân cứ như bạn cũ từ thuở nào. Hai vợ chồng gần như hai thái cực, Nguyệt thâm trầm, ít nói nhưng Thắng lại ồn ào, sôi nổi. Từng ấy người bạn và thầy đang đứng trước mặt tôi, trong tầm mắt. Gần lắm. Tôi siết tay họ. Tôi ôm lấy bạn tôi. Tôi vỗ lưng, khoác vai. Thật lắm, tay trong tay chứ không phải nhìn hình bóng qua thế giới ảo của công nghệ skype thời thượng. Và ngay lúc đó, tôi thầm tạ ơn Trên, gia đình họ vẫn bình yên, sức khỏe tuy có kém sút nhưng chúng tôi đã tụ về căn nhà của Hưng để gặp nhau trong một ngày đầu tháng 8.

Những ngày đầu tháng 8 ở Beaverton thời tiết ấm áp, nên chúng tôi dọn ra sân sau dùng bữa cơm chiều. Phương và Phương Nam đến trước nửa tiếng. Phương giới thiệu Nam một lần nữa, đặc biệt với tôi, vì tôi là người đến sau cùng. Người đàn bà nhỏ nhắn với cặp kiếng cận gọng đen nổi bật trên khuôn mặt trắng hồng. Nam ít nói như Nguyệt, chỉ ngồi ăn nhỏ nhẹ; ai hỏi thì trả lời chứ không hề khơi một đề tài nào để bàn (cãi). Phương thuở còn đi học, dáng thấp thấp như tôi, và đặc biệt ít nói. Thế mà không hiểu sao qua từng ấy năm không gặp, Phương bỗng to lớn không ngờ. Bây giờ thằng bạn đứng cao hơn tôi gần một cái đầu, bờ vai rộng, dáng nam nhi chi chí xuống Đông Đông tĩnh lên Đoài Đoài tan chứ không đẹt như tôi. Mỗi lần nghĩ đến cũng tủi phận đàn ông cho cái thằng tôi. Nhưng tôi cứ thắc mắc, hai vợ chồng ít nói đến thế (chả bù với tôi) chẳng biết có khi nào cãi nhau không? Đang nghĩ lan man thì thầy Hiến nhắc mọi người ra sân để dâng lời cảm tạ Thiên Chúa trước bữa ăn.

Bữa cơm chiều thức ăn bày la liệt trên bàn. Nào cá sturgeon hấp chấm mắm nêm, nào tôm hùm ướp lạnh ăn sống với wasabi, nào cua rang me, chưa kể nồi canh chua óng mỡ cá, và sau cùng nồi thịt kho trứng nổi lềnh khênh làm rệu vị giác, (thêm món dưa giá nữa thì tuyệt).

Khi ăn, không những cần vị giác mà còn cả khứu giác nữa. Hương thơm của bữa cơm chiều tỏa khắp sân sau. Công của những bà nội trợ khéo tay nấu nướng. Tôi ngồi cạnh thầy Hiến, nhắc lại một vài kỷ niệm thời thầy còn làm cố vấn cho lớp đệ Lục chúng tôi. Tôi hỏi thầy còn nhớ đến mỗi lần thi Tam cá Nguyệt, các học sinh phải tự mang bàn học ra ngoài nhà chơi. Các lớp đệ Thất và đệ Lục ngồi xen kẽ thành từng hàng dài. Đề thi phát ra, các thầy và sư-huynh chắp tay đàng sau, đi bách bộ lên xuống khu vực nhà chơi, mắt xoi mói nhìn ngang dọc và đố có học sinh nào dám liếc sang bên cóp bài bạn bè. Thầy Hiến có lúc đã làm giám thị xem thi như thế. Cái cảm giác nghẹt thở trong nhà thi thuở nhỏ được lập lại mấy năm sau đó trong phòng thi Tú tài I và II. Lan man nói chuyện một lúc, cả bọn chuyển sang đề tài Thanh Tâm lập gia đình với thầy Hiến.

Có những cô gái cao số, khó lấy chồng, hoặc muộn màng. Có những người vướng lấy nghiệp nhà binh, tránh thế nào rồi cũng là vợ lính. Có những cô gái làm vợ nghệ sĩ, suốt đời khổ vì tính bay bướm của chồng. Và cũng có cô gái ánh mắt chỉ trông vời chiếc áo chùng thâm. Chúng tôi ghẹo Thanh Tâm như thế. Cả bọn rộ lên cười. Tâm phân trần ông thầy đã bỏ áo dòng từ thời nào, lúc gặp nhau là một người đàn ông bình thường như bao nhiêu người khác. Chẳng bao giờ thấy chiếc áo dòng của ông thầy để mà mê như mấy ông đoán (mò). Chúng tôi lại bật cười ha hả vì sự thật đúng như thế. Thầy Hiến quyết định sống ngoài đời đã lâu và tình cờ gặp Thanh Tâm qua cậu em vốn là học trò cũ của thầy. Kết quả tình yêu của hai vợ chồng là cô bé Julian. Cô gái rượu, được thầy cưng như trứng mỏng (hình như cưng con hơn mẹ). Thanh Tâm đến giờ này vẫn là gái một con.

Gái một con trông mòn con mắt là nhờ Thanh Tâm chịu khó chăm sóc làn da nên trông tươi trẻ hẳn ra. Ít ai ngờ người đàn bà đó đã 60 tuổi đời. Chung quanh tôi, vợ của bạn bè cũng bước gần đến tuổi lục tuần. Họ sống hạnh phúc bên chồng nên trông họ trẻ hơn số tuổi. Đêm trở mình gây gây lạnh nhưng tôi chợt thấy hạnh phúc bao quanh tôi ấm áp. Hơi ấm tỏa ra từ từng cặp vợ chồng bạn bè tôi đang hưởng hạnh phúc. Họ ăn uống, cười đùa vô tư cơ hồ không còn một nỗi bận tâm nào trên cõi đời này làm phiền được họ nữa. Tiếng cười vang vọng trong đêm đến nỗi tôi phải hỏi Hưng có làm phiền người hàng xóm không. Nếu ai hỏi tôi có lúc nào cảm thấy thật thỏa mãn với chính mình, và tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng chính những giây phút này đây, khi ngồi chuyện trò với thầy, đấu láo với bạn bè, nốc một chút rượu cay nồng và cảm thấy đê mê tình bằng hữu.

Đêm hôm đó Hưng xếp tôi ngủ chung phòng với Khiêm. Một chiếc giường rộng rãi, dư dả chỗ nằm cho cả hai đứa. Hai chai rượu XO và Johnny Walker loại Gold đã quật ngã chúng tôi đến say khướt. Khiêm say nhất và chỉ kịp leo lên lầu, mở cửa phòng và nằm vật ra giường. Cơn say đã nhận chìm Khiêm vào cõi mông lung đến nỗi quàng tay và gác chân qua tôi mà không hay. Đang váng vất trong cơn say và lơ mơ giấc ngủ, tôi lại ngỡ bị bóng đè. Hất được chân thì tay bị kẹp ngang cổ đến nghẹt thở. Tôi thẳng tay xô Khiêm qua bên lấy chỗ cho tôi nằm. Suốt đêm cứ mải đánh vật với tay chân của thằng bạn cho đến lúc chìm hẳn vào giấc ngủ chẳng còn biết gì nữa. Chưa thấy ai ngủ hỗn như bạn tôi.

Tôi thức dậy, hé mắt nhìn qua màn cửa sổ. Buổi sáng ở Beaverton bầu trời trong vắt, thoáng đám mây trắng trôi bồng bềnh trên cao, hứa hẹn một ngày thật đẹp cho đám cưới của cháu Don. Khiêm thức giấc, lơ mơ nằm sấp hỏi chuyện tôi. Tôi bảo ngay mày ngủ hỗn hơn gấu. Khiêm rối rít phân trần vì quá say nên không biết gì. Tôi cũng ngà ngà, may còn đủ tỉnh để nhận ra cái đùi nặng chình chịch của thằng bạn, và cả cánh tay dài (không nhớ có phải cánh tay hay không nữa) như vượn kẹp ngang cổ. Hai đứa nằm nói chuyện lan man một lúc thì Huynh vào bảo bọn mày xuống uống cà-phê. Tôi kể lại chuyện gác chân quàng tay của Khiêm và khuyên đừng bao giờ ngủ chung giường với nó. Huynh bảo thôi cho tao lên nằm giữa để ôm Khiêm thử xem. Tôi phải la toáng lên chúng mày có điên không, thôi để tao xuống nhà dưới để chúng mày nằm ôm nhau cho rộng chỗ. Thế, mới buổi sáng đã có tiếng cười rộn từ trong phòng xuống đến nhà bếp, và lan ra cả sân sau.

Mọi người đã thức giấc và xuống nhà dưới. Cà-phê thơm lừng từ bàn tay của Thu. Tôi chợt nhớ bài Quỳnh Hương và lẩm nhẩm trong trí, cà-phê thơm hay tay em thơm? Danh và Nguyệt đang tất bật với bữa ăn sáng. Một điếu thuốc, một ngụm cà-phê là điều đầu tiên tôi thưởng thức để bắt đầu một ngày tràn trề sức sống. Một thói quen (xấu) không thể bỏ được. Bích thở hổn hển từ ngoài bước vào, áo quần ướt đẫm mồ hôi. Hóa ra Bích đã dậy từ 6 giờ sáng, chạy bộ đúng 10 vòng khu phố, mất đúng một tiếng đồng hồ. Ngày nào cũng vậy, không bỏ. Năm ngoái hai vợ chồng đến San Jose, sáng nào Bích cũng chạy một vòng từ khách sạn đến nhà tôi. Chính thói quen này đã giúp Bích khỏe hơn nhiều. Bạn tôi cao nhất lớp. Bích lêu khêu từ thuở học tiểu học, nằm sát bên trường Trinh Vương chỉ cách một con đường nhỏ. Lên đến trung học, Bích vẫn như cây nêu, hơn hẳn bạn bè một cái đầu. Đứng xếp hàng vào lớp, Bích luôn luôn đứng sau cùng; khác hẳn với Phước, là người luôn luôn đứng đầu hàng, sau đó là Chiến, rồi Phương...

Vị trí đứng xếp hàng của bạn bè tôi vẫn còn nhớ. Dưới tàng cây muồng, bóng của bạn bè và của tôi đổ dài trên sân trường vào những buổi sớm mai đứng yên lặng nghe giáo huấn của sư-huynh Hiệu trưởng. Những cậu học sinh chen lấn, chọc phá nhau khi đứng trong hàng thuở nào bây giờ tóc đã hoa râm. Nhưng trong tâm trí tôi, hình ảnh tươi rói của những chú nhóc con đứng ở sân trường La San ngày nào bỗng khựng lại ở cái tuổi hoa niên ấy, và mãi mãi không già đi chút nào.

Vẫn có những dung nhan không già theo nhịp độ bình thường của năm tháng. Thường thì thời gian và dung nhan đi sóng đôi, đôi khi dung nhan sải bước, nhưng vẫn có những dung nhan ngạo nghễ thách đố thời gian, đi chậm phía sau cách một quãng dài, thật dài. Tôi có một người bạn như thế. Thu Oanh, hiện sống ở Úc. Hơn 40 năm sau, khuôn mặt của Thu Oanh vẫn là một khuôn mặt ở sân trường La San, lớp 12. Đôi má phính, cặp răng khểnh vẫn như xưa. Bà ngoại Oanh sống hạnh phúc bên ông ngoại Dũng. Có lẽ hạnh phúc làm con người già chậm đi. Đó là hạnh phúc lứa đôi của bạn bè tôi.

Hạnh phúc của cuộc sống độc thân cũng khiến dung nhan của Nga đứng sững lại, nhường thời gian đi trước. Nga là em ruột Vân, em vợ của Hưng. Hơn 10 năm trước, tôi đã gặp Nga. Một cô gái có khuôn mặt tròn, tóc úp vừa phủ gáy, đôi gò má khá cao. Nga liến thoắng, nhanh nhẹn, vui tươi, hầu như lúc nào cũng cười. Duyên dáng ở Nga theo cảm nhận của tôi chính là lối nói chuyện. Nàng có thể "đấu hót" bất cứ đề tài nào, từ tốn tranh luận, mím môi cương nghị khi không chịu thua. Mười năm sau gặp lại, Nga vẫn quên lấy... chồng để dành thì giờ lo cho các cháu, cho những công tác xã hội. Nga rất khéo tay, biết làm nhiều thứ bánh để đem biếu chứ không ăn. Đám cưới của Don, dì Nga điều động, sắp xếp hầu như mọi việc, ngay cả bông hoa cài áo cho cả hai họ cũng từ bàn tay thon thon của Nga kết cả đêm hôm trước.

Buổi sáng thứ Bảy, Nga bất ngờ xuất hiện với khay bông cài áo trên tay trong khi chúng tôi đang lôi thôi lếch thếch với bộ quần áo ngủ. Chỉ riêng Khiêm đã chững chạc trong bộ quần áo với cà-vạt trông rất lịch lãm. Còn hơn 3 tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ ra nhà thờ cử hành lễ cưới, thế mà Khiêm lo xa ăn mặc tươm tất trước tất cả mọi người. Vừa thấy Nga, bạn tôi đứng bật dậy và thốt lên, "em đến, như mùa xuân đến". Tôi đứng ngẩn người vì cứ ngỡ thằng bạn suốt ngày miệt mài trong phòng thí nghiệm với ý tưởng sáng chế giúp ích cho đời lại có thể thốt lên một câu ướt át đến thế. Ôi, tâm hồn "cằn cỗi" của bạn tôi bỗng dưng văn thơ lai láng... đầy kinh điển.
Khiêm có cả một kho tàng những câu nói kinh điển như thế. Tuy là kinh điển, nhưng nếu áp dụng đúng lúc, đúng người thì tác dụng của nó thật vô vàn. Mà cũng đúng, Nga tươi mát trong chiếc áo đầm màu hồng phấn, in chìm những bông hoa nở rộ. Tay Nga nâng chiếc khay ngập bông lan màu tím trắng kết hai cánh để gắn lên ve áo. Mùa xuân nằm ở trên áo Nga, và trên khay đầy hoa lan. Câu nói của Khiêm có tác dụng mạnh, ngỡ ngàng nơi chúng tôi và bằng lòng nơi Nga. Tôi tin như thế vì Nga cười khanh khách xòe tay cho Khiêm bắt và trao cho bạn tôi một nhánh bông lan. Khiêm là người đầu tiên cài hoa lan lên ve áo. Cả bọn cứ xuýt xoa khen Khiêm không tiếc lời, khéo ăn khéo nói. Riêng thầy Hiến và Thanh Tâm cũng gật gù đồng tình. Chúng tôi tiếp tục bàn tán sôi nổi mãi đến khi lên xe đến nhà thờ tham dự lễ cưới.

Lễ cưới. Thề hứa. Trọn đời. Don trang nghiêm. Kelsey gọn gàng trong chiếc áo cưới trắng tinh, những lọn vải trắng kết thành vồng bao quanh từ đầu gối xuống gấu áo. Kelsey là người bản xứ, dáng nhỏ nhắn. Cô dâu và chú rể trông thật xứng đôi. Ca đoàn từ Salem (cách Beaverton khoảng 1 tiếng lái xe) do bác chú rể điều động đến để hát trong thánh lễ. Tiếng hát của họ ngân vang trong ngôi thánh đường thánh Stêphanô, vị tông đồ tử đạo đầu tiên, giúp mọi người thêm sốt sắng. Trong bài giảng, cha chủ tế nhắn nhủ đến giá trị của gia đình, và khuyến cáo những tiện nghi kỹ thuật trong cuộc sống có thể giết chết bầu khí gia đình dần dần không hay. Lấy ví dụ, cái smartphone. Đã có gia đình trong bữa cơm, con cái vừa ăn vừa gửi tin nhắn, và quên đi khi ăn cần đối thoại với những thành viên khác. Vừa ăn vừa nói chuyện với nhau chứ không thể vừa ăn vừa nhắn tin.

Năm ngoái, trong lễ cưới của con trai Huynh, cha chủ tế nhắc đến chất keo trong tình yêu. Vị linh mục hỏi các con có biết sự khác biệt giữa dung hợp (mixture) và hợp chất (compound) không? Ngài bảo dung hợp vẫn giữ tính chất hóa học của mỗi chất cho dù được trộn chung nhưng trong hợp chất mỗi chất phải hy sinh những đặc điểm của mình để trộn lẫn với đặc tính của chất kia. Dung hợp không có tên chung, nhưng hợp chất trộn lẫn với nhau để mang một sắc thái mới, tên mới. Ngài kết luận, các con phải là hợp chất chứ không thể là dung hợp. Mỗi lễ cưới, nếu chú tâm, chúng ta đều nghe được một thông điệp, một khuyến cáo, một lời khuyên nào đó rất hữu ích cho cuộc sống lứa đôi.

Don và Kelsey chính thức cuộc sống lứa đôi trước mặt Hội thánh sau lời thề hứa. Xong lễ, bước ra ngoài, tình cờ gặp lại chị Mỹ, chị cả của Hưng. Chị thay đổi nhiều nên tôi ngờ ngợ. Đến khi tôi hỏi chị Mỹ phải không, và chị nhận ngay ra tôi. Chị giới thiệu với tôi ông xã và cô con gái đầu lòng. Nó tên Vân, em còn nhớ không? Thú thật, tôi không nhớ một chút gì về đứa con của chị. Ngày tôi đến nhà Hưng chơi, Vân cỡ chừng 8, 9 tuổi. Thế thì làm sao tôi nhớ được. Tôi nhận ra Vân là cô gái chuyên săn hình, chịu khó đến từng nhóm để chụp, từ trong nhà thờ cho đến bên ngoài. Lúc chụp, Vân cứ bảo các cậu đứng gần vào nhau để cháu chụp cho tấm hình. Hóa ra đứa con đầu của chị Mỹ đây, cháu của Hưng. Hỏi thêm, Vân nói đã 5 con rồi. Tôi giật mình, bộ Vân muốn đua với mẹ hay sao. Vân quay mặt đi, cười giả lả, có biết đâu...



Về lại nhà nghỉ ngơi một chút lại lục tục kéo nhau ra nhà hàng. Nói là nhà hàng nhưng thật ra đây là phòng đãi tiệc của một khu nghỉ mát. Khách hơn nửa thuộc bên đàng trai, gồm họ hàng, khách của bố mẹ và bạn bè của con cái. Ban nhạc gồm 4 người, trong đó tay trống là Hưng La San, bố chú rể. Sau phần giới thiệu quan viên hai họ, thực khách lần lượt tự lấy thức ăn. Thì tiệc cưới theo lối Mỹ lúc nào chả thế, ăn ít uống nhiều để mau đến phần khiêu vũ. Những bài hát tiếng Việt mở đầu khách của đàng trai thưởng thức từ âm thanh réo rắt giọng hát ngọt ngào của bác chú rể, cặp song ca Phong Nguyên. Khách Mỹ tuy không hiểu lời nhưng vẫn cảm nhận được tiếng hát cao vút quyện với giòng nhạc trữ tình, êm ả như cơn gió thoảng thổi qua hiên nhà vào buổi trưa hè, và họ vỗ tay khen tặng thật tình. Bản "Black Magic Woman" của Hưng là một bất ngờ. Lối trình diễn của Hưng thật điêu luyện, níu kéo khách khứa đàng gái đang lơ đãng dần vì giòng nhạc Việt. Ngay câu hát đầu tiên, got a black magic woman... Hưng thật sự đã gây sự chú ý nơi khán giả, nhất là đám bạn bè La San ngồi ở hai bàn đầu ngay trước sân khấu. Một bất ngờ khác là Thắng, thay thế Hưng trong vai trống. Đám La San sững người khi thấy Thắng đưa cao hai dùi trống, gõ gõ 3 lần ra hiệu rồi đập mạnh xuống mặt trống, bắt đầu điệu chachacha vui nhộn. Lối Thắng rouler trên mặt trống, rê chập chã làm tôi chợt nhớ đến Trần ngọc Hà, người bạn đã khuất, một tay trống La San thời trung học.

Đang đắm mình trong dòng nhạc thì tôi nghe tiếng hét bên tai, anh quên em phải không. Quay lại và tôi chợt nhận ra Hà. Thu Hà. Mười năm trước, đến nhà Hưng tôi đã gặp vợ chồng Hà. Lúc đó Hà đã 4 con, và đứa con gái đầu sửa soạn lập gia đình. Đến giờ này, Hà vẫn ồn ào, nhí nhảnh như thuở 13, 14. Con bé học Gia Long ngày nào thường đến căn nhà trọ của chúng tôi mỗi buổi chiều ở hẻm 92 Trương minh Giảng. Hà níu lấy áo tôi nói em gọi mà anh làm ngơ. Tôi trợn mắt, nhạc chachacha ồn đến thế thì bố anh cũng chẳng nghe được nữa là anh. Hà vẫy tay gọi chồng đến để tôi giới thiệu với đám bạn La San. Liêm, dân không quân đóng ở Pleiku. Huynh nghe nói đến không đoàn ở Pleiku thì chộp ngay Liêm hỏi chuyện, bỏ mặc Hà ngồi xoắn bên tôi. Hỏi ra tôi mới biết Hà đã gả chồng cho 2 đứa con, và hai đứa con trai cũng đã lớn khôn, nhưng vẫn chưa chịu dừng chân lập gia đình. Con bé nhí nhảnh năm nào bây giờ đã là bà ngoại nhưng tính lí lắc, chọc phá vẫn như xưa. Thật lạ, khuôn mặt thì thay đổi nhưng tính tình lại chẳng hề. Hà rót cho tôi một ly đầy và bắt tôi uống cạn. Anh uống với em một ly, Hà bảo thế. Tửu lượng Hà khá cao, theo lời Vân kể. Nhưng khi say, Hà khóc ngon lành. Khóc như chưa từng bao giờ được khóc. Chả bù với lúc cười, Hà cười rũ rượi, cười nắc nẻ, cặp mắt Hà nhắm tít để chỉ thấy một chân trời tím ngắt. Thế mới đáng gọi là cười.

Tiếng cười nói tràn ngập căn phòng. Hưng hát một bài nữa để tặng cho 2 con trong điệu slow mùi mẫn dành riêng cho cô dâu và chú rể. Khán giả vỗ tay không ngớt. Đám La San vẫn trang trọng chiếm trọn những bàn đầu. Khách đàng trai lần lượt lên sân khấu để trình diễn. Đến lúc này, khách Mỹ hầu như ra về gần hết. Cô dâu chú rể và đám phù dâu phù rề đứng mãi tận cuối phòng, kiên nhẫn nhìn bạn bè của bố đang vui đùa. Ban đầu, Vân cống hiến bản "Như Đã Dấu Yêu", với phần phụ họa của Hưng. Trong đôi mắt em, anh là tất cả... Hưng ngây ngất, Anh đến với em với tất cả trái tim. Đến lượt Khiêm xuất thần với bản Dư Âm. Khiêm tiếp tục tạo bất ngờ cho bạn bè. Ăn nói lịch thiệp đã là một bất ngờ, thêm giọng ca là một bất ngờ khác. Giọng ca nhẹ như khói lam chiều tỏa lên cao, Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió, Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng. Hình như khói thuốc làm giọng Khiêm khàn đục nhưng tôi nghe ấm hẳn khi đêm xuống ngoài kia mang theo chút se lạnh của sương gió. Dân La San vỗ tay rầm rập. Đã có bạn đứng lên chụm hai tay hét lên, bis bis. Tôi nói đùa, chúng nó đang mặc áo thụng vái nhau. Được trớn, Khiêm mời Nguyệt song ca bản Đường Xa Ướt Mưa. Đến đoạn, Da em lụa là tóc em xõa mềm... Khiêm lim dim đôi mắt, đưa tay làm một cử chỉ như đang vuốt ve một hình bóng nào đó. Hưng, Khiêm, và Thắng là ba nhân vật làm nở mày nở mặt La San trong đêm tiệc cưới.

Đêm tiệc cưới của cháu trai mà hầu như dân La San làm mưa làm gió, cứ như đêm hội ngộ của riêng cựu học sinh La San không bằng. Từ 9 giờ tối trở đi, nhóm La San làm chủ sân khấu, làm chủ hoàn toàn. Từ tiếng trống đến tiếng hát. Đêm văn nghệ nhạc sống bất ngờ thành công ngoài sức tưởng tượng. Đàn hát say mê đến nỗi người chủ phải đến nhắc khéo đã đến giờ đóng cửa.

Niềm vui tạm khép lại chứ không chịu đóng cửa. Chúng tôi ra về trong tiếc nuối. Ra ngoài sân, cả đám còn đứng lại bàn tán. Gia đình chị Mỹ cũng nán lại, chuyện trò. Về đến nhà cũng gần 11 giờ khuya. Phương và Nam nán lại một chút. Thức ăn lại dọn ra bàn. Cả đám ngồi lại ăn ít, uống nhiều. Tạm chia tay với vợ chồng Thắng, vì ngày mai cả hai phải trở lại Vancouver, nhà người em, rồi từ đó mới bay về nhà. Thắng bắt tay từng người nói vui quá. Đáng lẽ tao phải ở lại vài ngày nữa cho bõ chuyến đi, thôi để khi khác, bọn mình phải còn gặp nhau nhiều lần nữa, Thắng bảo thế. Khiêm gật gù nói tao có linh cảm đám La San sẽ gặp nhau cỡ 20 lần nữa rồi mới chấm dứt cuộc vui. Tôi ngồi im nhẩm tính trong đầu không biết có được không. Cỡ 2 năm gặp nhau một lần thì phải mất 40 năm. Bây giờ đã như thế này, 40 năm nữa sẽ ra sao? Thôi, cứ tự hứa với lòng mình, cứ mong thời gian đi chậm lại, cứ mong ánh đèn không bao giờ tắt.

Nhà Hưng chong đèn đến thật khuya mới chịu tắt, lúc mọi người rã rời kéo nhau lên lầu. Đêm nay, tôi còn phải ngủ chung với Khiêm. Đặt mình xuống mặt giường êm, nhìn lên trần nhà, tôi để hồn trôi thong thả trong bóng tối mông lung; bên cạnh bạn tôi cũng đang ngon giấc ngáy đều. Một ngày trôi qua bình yên, êm ả bóng mát tình bạn, dỗ tôi vào giấc ngủ đầy. Thật may, một đêm ngủ thật ngon. Khiêm ngủ hiền như con mèo nằm trốn nắng ở góc hiên nhà. Sáng Chủ nhật cả nhà phải dậy sớm để tham dự thánh lễ. Hai xe đầy nhóc người, vợ chồng Bích & Huynh lên xe Hưng (Vân quá mệt phải ở nhà), còn lại gia đình thầy Hiến và tôi đi xe Nga.

Nga chưa biết một ai thuộc dân La San, ngoài tôi. Trên xe, tôi phải giới thiệu thầy Hiến là thầy cũ năm đệ Lục, Thanh Tâm là bạn học nhưng lấy thầy nên không biết gọi thế nào cho xứng đây. Nga bảo gọi bằng cô chứ còn thắc mắc gì nữa. Tôi nói, đành vậy nhưng vẫn ngường ngượng thế nào ấy. Nga bảo ngượng cũng phải gọi. Cho dù tôi phân trần giải thích đến mấy Nga vẫn chắc nịch phải gọi bằng cô. Tôi thầm nghĩ đàn bà khi nổi cơn ương thì tránh voi chẳng xấu mặt nào. Thanh Tâm ngồi ở băng ghế sau cười ruồi, không đồng tình cũng chẳng phản đối.

Những ngày tiếp theo, Hưng Vân, Phương, Nga chở chúng tôi đi đây đó thăm thắng cảnh vùng Portland (thành phố lớn của bang Oregon). Khiêm phải về thăm người anh cách đó hơn tiếng lái xe. Thác Multnomah hùng vĩ, nước đổ từ độ cao gần 200m. Đường đi lên đỉnh thác quanh co khoảng hơn 3km. Thu, Bích, Phương, và Hưng lội bộ leo lên đỉnh. Đàn bà như Thu ở tuổi đó mà sức leo dốc ngang ngửa với đám đàn ông kể cũng hiếm. Buổi chiều về đến nhà đã có nồi canh chua cá ngừ Phương Nam hy sinh ở nhà nấu nướng. Đang đói, ăn bữa cơm với canh chua ngon hơn bao giờ. Cám ơn Phương Nam. Cám ơn Nam đã theo Phương đến gặp gỡ bạn bè của chồng. Cám ơn Nam đã đóng góp vào vườn hoa muôn sắc màu của nhà La San. Và thêm lời cám ơn của Huynh đến bạn bè như sau:

Cảm ơn sự thật tình của vợ chồng Hưng, vợ chồng Phương, vợ chồng thầy Hiến, vợ chồng Thắng, vợ chồng Bích, Trinh và cháu Julian. Đặc biệt cảm ơn Khiêm những màn tung hứng gây tiếng cười bất tận. Không "ưa" nó nhưng vắng nó lại thấy buồn, nhớ nó đến nỗi phải chạy đi tìm. Cảm ơn những bữa ăn thân mật, nồi canh chua cá ngừ của Phương Nam, những càng cua xào me của Thu và Nguyệt. Những ly cà phê buổi sáng của Vân, những ổ bành mì của Hưng, những giọng cười vang của thầy Hiến và sư Tỉ. Những đêm nằm cạnh (cùng phòng) với Bích, Danh. Cảm ơn những màn trống tuyệt vời của Thắng. Cũng không dám quên những dĩa bánh, những chén xu xa, những ly chanh muối và đặc biệt là món hến xúc bánh tráng của dì Nga.

Chỉ vọn vẹn có mấy ngày mà hàng trăm tấm hình tươi sáng rực rỡ của bạn bè liên tiếp đập vào tâm trí tôi đến choáng ngợp. Chúng va chạm vào màng óc của tôi và gây ra những chấn động đến trung tâm não bộ. Làm thế nào mà bộ óc có thể ghi nhận hết từng ấy hình ảnh. Ai cũng biết bộ óc chỉ nặng chừng 1k36 nhưng chứa hơn 100 tỷ tế bào thần kinh (neurons) và truyền đạt với nhau qua hàng nghìn tỷ gút liên lạc (synapses). Thật ra, bộ óc là một kỳ công hết sức phức tạp của tạo hóa ban cho con người. Những chấn động tại màng óc gây tổn thương các trung khu bên trong, nhưng vẫn có lúc tạo ra những bất ngờ.

Một trong những bất ngờ xảy ra ngay tại bang Oregon, bà Karen Butler tỉnh dậy sau một cuộc giải phẫu trồng răng, bỗng phát âm đúng giọng Anh mang âm hưởng Transylvania, giống như vị bác sĩ của bà. Người ta gọi là hội chứng trọng âm ngoại quốc (foreign accent syndrome). Trên thế giới chỉ có 60 trường hợp như thế được ghi nhận, gây ra do vết thương từ hàm răng dính liền với một phần của não bộ liên quan đến giọng nói và ngôn ngữ. Trường hợp nữa, Derek Amato bị ngã đập đầu vào thành hồ tắm năm 2006 và mất khoảng 35% thính giác. Bốn ngày sau, ông đến thăm phòng thu âm của một người bạn và tự nhiên ngồi xuống giàn keyboard điện rồi say mê đánh một bản giao hưởng suốt... 6 tiếng đồng hồ không nghỉ. Trước tai nạn, ông không hề hiểu nhạc lý, và cũng chưa bao giờ biết chơi một nhạc cụ nào. Bác sĩ tuyên bố sức va chạm vào thành não bộ đã vô tình đánh thức một khả năng tiềm tàng nằm sâu trong óc. Người ta gọi là hội chứng sở hữu uyên bác (acquired savant syndrome). Một trường hợp hy hữu khác, Orlando Serrell, năm 10 tuổi, bị một quả bóng chày (baseball) ném trúng đầu gây đau nhức suốt mấy ngày. Khi cơn đau nhức chấm dứt, Serrell bỗng buột miệng nói đúng phong phóc ngày thứ mấy trong tuần của bất cứ ngày tháng năm nào, kể từ ngày 17 tháng 8, 1979 là ngày cậu bé bị tai nạn. Đây là hyperthymestic syndrome, một khả năng đột biến nhớ đến bất cứ biến cố nào liên hệ đến ngày tháng.

Có thể tôi có khả năng đột biến này. Bất cứ cuộc gặp gỡ nào, tôi nhớ đúng từng chi tiết về ngày tháng, về khuôn mặt của từng người bạn. Tôi chẳng ngã đập đầu, tôi cũng chẳng bị quả bóng nào ném trúng sọ, nhưng chính những hình ảnh tươi sáng rực rỡ của bạn bè đập vào thành não bộ, và đưa đến một hội chứng về ngày tháng như thế. Đây không phải là hyperthymestic syndrome, nhưng tôi tự đặt cho nó cái tên là hội chứng tình bằng hữu, friendship syndrome.



Ngày cuối cùng, chúng tôi đến thăm Vườn Hồng. Một khu vườn đầy hoa hồng nở rộ màu sắc, trắng tinh, tím sẫm, hồng phấn, đỏ thắm, vàng nghệ, cam tươi. Cả một rừng bông hoa nhưng trong tâm trí tôi, vườn hoa ở Beaverton nở muôn sắc màu, và đẹp hơn những bông hoa ở Vườn Hồng nhiều. Đó là bông hoa đỏ thắm Vân, Thu, Danh, Nam, Nguyệt là nội tướng của bạn bè tôi. Bông hoa màu cam tươi Thanh Tâm là nội tướng của thầy tôi. Hoa hồng trắng dành cho cháu Vân, và cháu Julian là cháu của bạn tôi và con của thầy tôi. Thu Hà màu tím sẫm. Màu hoa hồng phấn dành riêng cho Nga. Và sau cùng, bạn bè tôi là những bông hoa màu vàng nghệ, vàng trong ký ức, và vàng mãi mãi về sau.

Xin cám ơn những bông hoa ấy, đã xuất hiện và mãi in hình trong tâm trí tôi vào một ngày đầu tháng tám.

  Hà Ngân 
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Lời Bàn Mới

Hình Mới