Khi rời bỏ một chỗ đến một nơi khác, người ta thường tưởng nhớ đến chốn cũ. Nếu chốn cũ đọng nhiều kỷ niệm thì sự tưởng nhớ càng da diết. Nỗi quyến luyến nơi chốn cũ dai dẳng đến ngậm ngùi. Ở nơi đó còn cha mẹ, còn họ hàng quyến thuộc nên nỗi nhớ day dứt, thôi thúc mãi, và người ta đứng dậy. Về nhà.

Hiện tượng nhớ nhà, nhớ về nơi chốn cũ xảy ra nơi những kẻ xa nhà một thời gian dài. Trong vở kịch nổi tiếng của Homer, Odyssey, Athena cãi vã với thần Zeus muốn đưa Odysseus về nhà, vì Odysseus nhớ vợ và quê hương. Lịch sử dân Do-thái là một khoảng thời gian dài đăng đẵng gồm nô lệ, lưu đày, biệt xứ, lưu lạc khắp bốn phương trời và cuối cùng là hội tụ về miền Đất Hứa. Bắt đầu từ thời Abraham, khoảng năm 1812 trước Thiên Chúa Giáng sinh (TCGS) mãi đến năm 1948 là năm nước Do-thái được thành lập.

Tổng cọng 3760 năm lịch sử. Gần 4 thiên niên kỷ.

Trong gần 4 thiên niên kỷ đó, trừ một thời gian ngắn ngủi ở trên quê hương, người Do-thái lúc nào cũng mơ ước trở về miền Đất Hứa, trở về Zion (Giêrusalem), như lời than thở trong Thánh Vịnh 137:1 được viết thành ca khúc Rivers of Babylon do Boney M., một ban nhạc thịnh hành vào giữa thập niên 70. Bên bờ sông Babylon, ta ngồi ta khóc khi nhớ về Zion. Nhớ đến chảy nước mắt. Mai-sen, vị ngôn sứ của Giavê, người dẫn dân nô lệ Do-thái ra khỏi đất Ai-cập, đặt tên Gershom (Xuất hành 2:22) cho đứa con trai đầu lòng khi trốn sang miền Madian. Gershom nghĩa là “kẻ xa lạ ở chốn đó”. Một khi chưa về lại miền Đất Hứa, tất cả đều xa lạ. Đất lạ quê người.

Đức Huy, một nhạc sĩ khá nổi danh trước 75, cảm xúc nỗi nhớ nhà viết lời ca “Khóc Một Dòng Sông”. Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều. Nhất là những buổi chiều mưa rơi. Cũng may Cali trời mưa ít không như Sài Gòn. Nếu không tôi đã khóc một dòng sông. Những người lính lênh đênh trên mặt biển. Lính chinh chiến ở những vùng xa. Những kẻ tỵ nạn rời bỏ quê hương sống ở vùng đất tạm dung. Cứ hễ sống xa nơi chốn cũ một thời gian dài, tâm hồn khắc khoải, rồi băn khoăn mãi thở dài. Thời gian đầu định cư tại Hoa kỳ, hễ đến những ngày lễ cuối năm, tôi nhớ nhà khủng khiếp. Nhìn cảnh gia đình quây quần đầm ấm bên ngọn lửa hồng, tôi gần như nghẹn ngào mờ lệ. Nỗi nhớ đôi lúc bàng bạc, nhất là vào buổi chiều đông, mây xám giăng bủa cả bầu trời. Đôi lúc nỗi nhớ trỗi dậy như thác lũ khiến tôi đứng ngồi không yên. Nỗi nhớ nhà khủng khiếp kéo theo nỗi buồn não lòng. Một khi nỗi nhớ nhà đè nặng tâm tư, tôi thừ người, cả cơ thể bải hoải như người bệnh đến giai đoạn cuối. Con bệnh nằm chờ chết.

Giáo sư Tiến sĩ Susan J. Matt, phân khoa Sử tại đại học Weber State trong cuốn “Homesickness: An American History” trình bày công trình khảo cứu của bà về những người sống xa nhà từ thời lập quốc. Trong 2 thế kỷ 18 & 19, những người bỏ đất mẹ đến Tân Thế giới tìm một cuộc sống mới, ngay cả những kẻ khai phá Tây tiến tìm vàng (Gold Rush), thợ mỏ...v..v... họ sẵn sàng thổ lộ về nỗi nhớ nhà. Chia sẻ nỗi niềm nhớ nhà nói lên nhân cách, đặc biệt giới phụ nữ. Suốt 4 năm nội chiến (1861 – 1865), đàn ông ra trận với tâm trạng yếm thế, chán chường hầu hết bắt nguồn từ nỗi nhớ nhà. Họ tìm quên bằng cách uống rượu như hũ chìm, say sưa, và cờ bạc bạt mạng. Mãi cuối thế kỷ 19, khái niệm xã hội thay đổi, thanh niên rời bỏ tổ ấm gia đình biểu lộ sự trưởng thành, và không bao giờ thổ lộ nỗi nhớ nhà vì đám đông cho là yếu đuối. Gần đây, khoảng đầu thập niên của thiên niên kỷ thứ 3, thanh niên thiếu nữ rời gia đình trọ học, hoặc con cái trưởng thành lập nghiệp ở phương xa... đều có khuynh hướng muốn quay trở về quê cha đất tổ (homeland), nơi cha mẹ đang sống ở tuổi già. Những dịp lễ Tạ ơn, hay Giáng sinh... những đứa con xa nhà luôn tìm cách dẫn cả gia đình về nhà ông bà nội, ngoại. Khi được hỏi, họ cho biết cảm thấy bứt rứt, bồn chồn, lòng dạ không yên. Đó là một trạng thái của bệnh học tâm lý (psychopathology), mà nếu tình trạng trầm trọng có thể gây ra chứng trầm cảm, khiến người ta kiệt quệ về tâm sinh lý, và đôi khi dẫn đến tự tử (homesick suicides).

Một nỗi nhớ nhà khác, nhớ bạn cũ trường xưa. Sau 7 năm trung học, học sinh rời trường, bước vào đời lập nghiệp. Đến một tuổi nào đó, những học sinh này chợt nhớ Thầy Cô, nhớ trường cũ quay quắt. Đám học sinh La San chúng tôi vẫn nhớ đến sân chơi, đồi dương, eo nín thở. Cuối năm 2010, đám học sinh niên khóa 65-72, nối kết nhau qua mạng lưới toàn cầu. Mỗi lần gặp nhau trên mạng chuyện trò, đứa nào cũng nhắc nên có một lần hội ngộ, về lại trường xưa. Giấc mơ nhen nhúm từ giữa năm 2011, hình thành một sự kiện bàn cãi năm 2012, cưu mang suốt cả năm 2013, và mãi đến 2014 mới thành sự thật. Trong suốt 3 năm dài, hễ gặp nhau là nhắc đến ngày hội ngộ. Thời lưu lạc, người Do-thái luôn chào từ biệt nhau bằng câu nói, “năm sau về Giêrusalem,” như một quyết tâm, một lòng, một ý. Họ chào từ biệt như thế suốt hơn hai nghìn năm. May mắn hơn, chúng tôi chỉ nhắc nhở trong một thời gian ngắn, “năm 2014 về La San,” như một lời hứa nắm tay nhau. Ngôi trường đã đổi chủ, cảnh vật đã đổi khác, nhưng lòng chúng tôi chẳng hề đổi. Bạn tôi, Trương kim Lý, băn khoăn không biết làm sao để gọi bạn bè tụ về trường cũ, ngồi trước cây dương cầm, gõ những nốt nhạc, và gom lại thành ca khúc “Về Đây”. (https://www.youtube.com/watch?v=g0bf8kmIbL0&feature=youtu.be)

Ngàn mây nương theo gió nâng cánh chim bay về,
về đây ôn năm tháng cùng dưới mái trường xưa.
Đời tha phương chinh chiến bao cánh chim không về, đầu xanh còn xanh mãi trong ký ức bạn bè.
Trường đây, bạn xưa, gặp nhau mừng vui.
Mày mày, tao tao mộc mạc thân thương ngày xưa ấy xa rồi.
Đồi dương còn ghi, ngày ta cùng nhau học hành vui chơi.
Ôi, thơ ấu đã đi về đâu?
Mặc cho biển dâu, vượt qua trần ai, đường đời ta luôn nhớ lúc này.
Ngày mai lìa xa, bạn ơi cùng ta, nguyện cầu an khang hạnh phúc mãi đến cho mọi người.

Về Đây là một lời mời gọi bằng dòng nhạc nhịp ¾, nhẹ nhàng và du dương hơn lời nhắc nhở về ngày hội ngộ nghe mãi đến thuộc lòng. Mời gọi phải mở lời. Vời gọi thì bằng tay. Bàn tay mở, đưa về phía trước và kéo về phía thân mình, đầu hất về phía sau. Tất cả những động tác đó giống như một lời mời không nói, chỉ nghe những nốt nhạc và lời ca, “về đây ôn năm tháng cùng dưới mái trường xưa...”
Hứng khởi về ngày hội ngộ, bàn tay của hai người bạn khác cũng vẫy gọi bạn bè. LaSan Tìm Về, nhạc và lời của Hà Quang và Phan Khối. La-San Ngày Hội của Phan Thường. Dòng nhạc chảy dạt dào với nhịp ¾ và lời nhắn nhủ êm đềm như bóng chiều thu.

LaSan Tìm Về

Dắt nhau về chốn trường xưa, êm êm dòng cũ thời gian
Tìm về một ngày thờ ấu, Lan San Bình Lợi Qui Nhơn, dạt dào đậm sâu ký ức
Ôi thầy xưa, bạn xưa về đây cùng ôn tích cũ
Ôi thầy yêu, bạn yêu mừng ngày chờ mong bất lâu
Hôm nao mịt mờ La San thuở nào, đồi cát trắng với ngàn thông reo
Hôm nay ngạt ngào La San mùa hội
Bạn bè đó cùng ta sum vầy ngờ trong giấc mơ.

La-San Ngày Hội

Ngày hội La San hoan ca đến muôn nhà
Ngày hai tám tháng hai luôn khắc ghi
Trường La San đón xuân bên thềm hoa
Mừng anh em khắp nơi sum vầy

ĐK. Mùa xuân nới nguồn vui tới gió xuân lên chơi vơi mừng La San ngày gặp nhau hát câu ca yêu đời. Niềm hăng say trên sức sống góp chung xây thanh bình nhìn tương lai ngày đẹp tươi quyết tâm dâng hiến đời. Xuân về, đây trên quê hương. Mùa hoa cùng đua sắc tưng bừng. Biển xanh dập dìu chim én liệng. La San mình hát khúc tương phùng.
Hội ngộ đến rồi đi. Bạn bè khắp nơi tụ về trường cũ. Thời gian hội ngộ kéo dài được một tuần rồi cánh chim lại bay tản mác khắp phương trời. Đến rồi đi nhưng dư âm của “Về Đây”, “LaSan Tìm Về,” và “La-San Ngày Hội” vẫn đọng lại trong tâm trí của bạn bè.

Năm 2015, Tỉnh dòng La San mở Năm Thánh kỷ niệm 150 năm (1866 – 2016) ngày thành lập trường La San đầu tiên tại Việt nam. Trích Lịch sử Tỉnh dòng Việt nam, “Theo lời đề nghị của Đức Giám Mục Lefèbvre, chính quyền thuộc địa mời các Sư huynh Trường Kitô Giáo sang Nam kỳ để điều khiển trường học Adran. Ngày 9 tháng Giêng năm 1866, sáu sư huynh Lames, Alpin de Jésus, Adelphinien, sư huynh Adrien-Victor, sư huynh Basile de Jésus, sư huynh Adilbert-Jean, và sư huynh Alpin de Jésus chính thức đến nhận điều hành và dạy học tại trường Adran, Sài Gòn. Sư huynh James được đặt làm hiệu trưởng. Dưới sự điều hành của các Sư huynh, và với đặc sủng và phương pháp giáo dục của cha Thánh Jean-Baptiste de La Salle, các Sư huynh chia học sinh thành nhóm cùng trình độ, tổ chức thi đua hàng tháng, khen thưởng cho các em siêng năng và có kết quả học tập tốt, không bao lâu sau trường đã hoàn toàn đổi khác. Học sinh ham học và hăng hái thi đua cùng nhau trong việc học tập và rèn luyện nhân cách.” Nhân ngày trọng đại này, các sư huynh mở cuộc thi về ba môn nhạc, văn, và hội họa. Cả ba tác phẩm nhạc được gửi đi và hồi hộp chờ.

Vào chiều thứ Năm, ngày 08/12/2016, các Sư Huynh La San đã tổ chức Thánh Lễ Mừng Kính Trọng Thể Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và Bế Mạc Năm Thánh La San, kỷ niệm 150 năm Dòng La San hiện diện tại Việt nam. Trong phần mở đầu, tôi ghi nhận lời mở đầu của buổi lễ, “Ánh sáng lan tỏa khắp mọi miền đất nước, để những môn đệ của Thánh Gioan La San, góp phần rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Một nền giáo dục đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh ưu tú cho quê hương. Năm 1874, trường Taberd được các cha thừa sai thành lập, và đến năm 1890 chính thức giao phó cho các sư huynh La San điều hành. Sư huynh Trần văn Thiên đã trở thành sư huynh Giám tỉnh Việt đầu tiên. Trong suốt 150 năm phục vụ sứ mạng giáo dục tại VN... đảm nhận sứ mạng giáo dục này, các sư huynh La San đã tận tâm đào tạo nhiều học sinh ưu tú cho đất nước...” Và trong buổi lễ này, Ban Tổ Chức (BTC) đã long trọng trao hai giải Nhất và Nhì về nhạc cho hai người bạn tôi, Trương kim Lý với “Về Đây”, và Phan Thường với “La San Ngày Hội.” Tất cả có 3 giải, bạn bè tôi chiếm hai giải. Riêng bài La San Tìm Về của Hà Quang đang ở Đức khong trúng giải. Tôi đoán BTC dành ưu tiên cho các nhạc sĩ trong nước. Nếu không, bạn bè tôi thuộc niên khóa 65-72 đã giật hết giải nhạc trong ngày lễ mừng 150 năm Tỉnh dòng La San Việt nam.

Tôi yêu những bản nhạc điệu luân vũ (valse). Một thời, giới thượng lưu ở Âu châu chuộng bước khiêu vũ này, và những bản nhạc nổi tiếng của Johann Strauss II, một nhạc sĩ tài hoa nước Áo cũng theo nhịp ¾. Bước khiêu vũ lả lướt của valse trông rất quý phái, với váy áo đầm cuộn tròn quay theo bước nhảy. Trong tự điển nhạc luân vũ của riêng tôi, ngoài những bản Bài Luân Vũ Trong Mưa, Dòng Sông Xanh, Lãng Du... nổi tiếng một thời, bây giờ lại có thêm “Về Đây”, “LaSan Tìm Về,” và “La-San Ngày Hội.”

  Hà Ngân
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Lời Bàn Mới

Hình Mới