Kỷ niệm thời niên thiếu -La San Bình Lợi 1965-69

… nhất Quỷ, nhì Ma, thứ ba Học trò

Năm vào đệ Thất tôi được mẹ sắm cho cây viết máy - rất tự hào, đi đâu tôi cũng gắn cây viết vào túi áo, mặt vênh lên. Trẻ con đi học, được thưởng cây viết máy, mừng hơn được áo mới ngày Tết, mừng hơn học giỏi được thưởng tiền tiêu vặt. Cây viết máy kết thúc giai đoạn tiều học, mở đầu chặng đường trung học, cho phép mình tập tành làm người lớn. Ngoái đầu nhìn lại, bọn tiểu học, vẫn còn vật lộn với viết mực, đi học phải đem theo lọ mực lem nhem, ôi chao phiền toái!


Giữa năm đệ thất, dần dà các bạn trong lớp đều thủ trên tay cây Pilot, cây Parker đủ màu đủ kiểu. Nắp nhựa hay nắp kim loại nhũ bạc, nhũ vàng, khi mở thì trịnh trọng, đóng lại rất cẩn thận từ từ -nghe nói ngòi viết làm bằng hợp kim có chứa vàng, quý lắm, cứ sợ ngòi viết đụng vào nắp, mau hư.

Mực thì có 3 loại: màu xanh đậm, xanh lợt, màu đen. Mực đỏ dành cho các Frere và thầy chấm điểm, còn mực tím, bọn con trai chúng tôi nhất quyết không đụng tới! Lúc bơm mực phải vặn vòng xoắn thân bút, rút đầu viết ra, cắm vào lọ mực, bóp bóp cái ruột viết bằng cao su, trở ngược đầu viết lại, búng búng, gõ gõ cho mực xuống. Lâu lâu, kẹt mực thì phải nghĩ ra đủ kiểu, dùng đầu kim găm rà trên đường rảnh hoặc khơi nhè nhẹ đầu ngòi. Kẹt hơn nữa thì phải bơm hết mực ra, rửa, súc chùi, có khi phải tháo tung ruột và ngòi ra ngâm nước đến sáng hôm sau mới gắn lại. Cần nói thêm, sở dĩ nghẹt mực là vì mực chưa được phẩm chất tốt, nên tuy là chất lỏng nhưng để lại nhiều lợn cợn, lâu ngày bít ống mực, gây ra nghẹt.

Viết cũng có ba cách, mới đầu đặt viết xuống giấy nghiêng góc khoảng 45°, viết nhè nhẹ, tập cho quen rồi mới dám đè mạnh tay hơn. Mỗi đứa chỉ có một ngòi duy nhất, thành ra có đứa còn nghĩ cách xoay nghiêng cây viết lại cho chữ mỏng hơn. Lúc ngòi viết đã bắt đầu tà thì lật ngược đầu viết lại, viết kiểu bơi ngửa, nét rất thanh.

Ôi, còn cách cầm viết nữa, chưa biết thì cầm viết bằng ngón cái và ngón giữa, ngón trỏ hơi đưa lên. Có đứa chụm cả bốn ngón tay lại, ôm chặt phần dưới thân bút, lúc viết gồng cứng tay, như người vật lộn, cau mặt nhíu mày, viết mà tay che kín, không thấy được ngòi. Đứa nào tập được đặt thân viết tựa nhẹ lên ngón giữa, áp ngón cái vào, dùng ngón trỏ đẩy cây viết lên xuống cho đúng độ cao, rồi từ tốn viết rõ ràng, nét chữ đều đặn là đoạt giải nhất.

Đến lúc cả bọn xử dụng thành thạo rồi thì ngòi viết bắt đầu tòe, mực ra nhiều hơn. Nhất là những đứa viết ngửa, lại đè mạnh, mau mòn ngòi, lỡ dại mà xoay viết thẳng lại, vừa đặt trên mặt giấy là mực chảy ra lênh láng. Từ đó, một trò chơi quái ác cũng bắt đầu xuất hiện: Chơi Rảy Mực.

Đọc đến đây chắc các bạn đang tự hỏi: Rảy Mực là trò chơi gì? Xin thưa: Cầm thẳng cây viết như cầm dao đang chuẩn bị phóng đi, vung tay thật nhanh, thật gọn, ngắm dòng mực phun ra, tiến đến mục tiêu là chiếc áo trắng tinh bạn mình đang mặc. Khoái trá cười, dấu nhanh cây viết và mặt tỉnh queo, ra vẻ như người vô tội vạ. Vô phước cho đứa nào tình cờ nằm trong „lằn đạn“; áo trắng điểm hoa mực, về nhà vội vàng thay ra, dấu ngay. Không may, bố mẹ biết được thì ốm đòn!

Lũ con trai vô tư, hồn nhiên nhưng nghịch ngợm tinh quái như vậy đó!

La San Bình Lợi - từ đệ Thất cho đến đệ Tứ tôi thuộc nhóm học gạo nên ngồi ở hàng đầu. Một hôm, đang chăm chú nghe thầy giảng bài, bỗng thấy lành lạnh ở lưng. Vòng tay qua bả vai, thấy có cảm giác hơi ướt ướt. Vài tiếng cười rúc rích từ những hàng sau, không cần kiểm tra tôi cũng đã biết là mình lãnh đạn. Quay phắt lại, mấy khuôn mặt đang nhăn nhở cười chợt đông cứng; Đưa mắt dò hỏi, đứa nào cũng lắc đầu quầy quậy: không nghe, không thấy, không biết!

Thằng bạn ngồi bên cạnh nói nhỏ: „Mày lãnh 5, 6 vết trên lưng và vai“. Vừa bực, vừa lo cho chiếc áo trắng mới mặc lần đầu hồi sáng, tôi suy nghĩ thật lung. Làm sao tra ra cho được chính danh thằng thủ phạm, và quan trọng hơn là làm gì để trả thù? Mà thằng này cừ thật, lớp chật, học trò đông mà nó nhắm trúng phóc, chỉ có mình tôi bị! Nghĩ đến đấy tôi sôi máu lên, quay lại giang tay lia một vòng. Tia mực bắn ra, vài tiếng suýt xoa, la khe khẽ, có tiếng rít giữa kẽ răng.

Tôi hể hả, xoay lưng, làm bộ chăm chú học, nhưng lấn bấn quá chừng. Quái lạ! Cái cảm giác hả hê, chiến thắng qua đi rất nhanh. Thế vào đó là sự ân hận - mình đã đi quá đà và lo sợ, tụi nó sẽ tấn công hàng loạt. Vậy đó, mặt vẫn hướng lên bảng, mà lòng dạ thấp tha thấp thỏm, chờ đợi giây phút áo mình tiếp tục bị... ướt thêm!

Mãi một lúc sau, không có chuyện gì xảy ra, tôi hơi bình tâm trở lại, thì một viên giấy nhỏ, bắn lên từ phía sau, đáp xuống bàn, hạ cánh ngay trước mặt! Hồi hộp, run run tôi mở mẩu giấy ra đọc. Hai hàng chữ rành rành, nét viết cứng cỏi hiện ra:

Nợ Máu phải trả bằng Máu!
Nợ Mực phải trả bằng Mực!
cộng thêm lời tuyên chiến: Hẹn giờ ra chơi sẽ thanh toán!

Sáu chữ ký bên dưới báo cho tôi biết kết quả lằn đạn mình phóng ra. Mỗi chữ tô đậm trong câu „Nợ Mực“ là một chữ ký. Sáu địch thủ! Làm sao đây? Tình huống thật là vô phương cứu chữa!

Giờ ra chơi, tôi trốn nhủi.
Trường La San lúc đó - đối với bọn trẻ chúng tôi, rộng mênh mông. Từ cổng vào đến trường, ít nhất phải hơn một trăm mét. Đi thẳng vào sẽ gặp nhà nguyện, hai bên là hai dãy lớp học với hành lang rộng thênh. Tầng thứ nhì chia thành hai, chính giữa là lối đi cầu thang rộng rãi, bên trái là lớp học còn phía bên kia dành cho học sinh nội trú. Phòng của các Frère nằm ở lầu 3. Giữa sân trường là hai sân bóng chuyền và một khoảng đất trống. Vào những dịp lễ lớn học sinh sắp hàng chào cờ hoặc nghe Frere hiệu trường nói chuyện ở đấy. Từ ngoài nhìn vào, bên trái là câu lạc bộ bán thức ăn và nhà chơi với sân bóng rổ, hằng năm đều có thi đấu với trường Sùng Nhơn trên sân này. Học sinh và giáo sư trường Tàu chơi bóng rổ nổi tiếng ở Qui Nhơn, nhưng vào chung kết kỳ nào La San cũng đoạt giải. Mỗi đội bóng - kể cả các đấu thủ dự bị, chỉ được có dự tham dự tối đa của hai Thầy hoặc hai Sư Huynh. Đội học sinh La San được các Frère hổ trợ, trong đó có Frère Syrille chơi rất cừ. Cùng phía với khu này là văn phòng của thầy Đại lý (nhiệm vụ thu tiền học phí) và Frère Hiệu trưởng. Phía bên phải là một dãy lớp ngắn và nhà ở của cha Sanh. Ngoài ra trường còn có thêm hai sân bóng rổ ngoài trời. Sân đá banh thì xa hơn, tuốt bên hông trái của trường, giáp với trường Cao Đẳng Sư Phạm Qui Nhơn. Ngay sau trường là nhà ăn dành cho các Frère và học sinh nội trú, nhà ở của bác tài lái (xe ca) đưa đón chúng tôi đi học, mỗi ngày đi về hai chuyến. Học sinh ít khi dám bén mảng tới khu vực này, đứa nào cùng gờm hai con chó berger to cao canh giữ. Đằng sau sân đá banh là một bãi cát, nói đúng hơn là đồi cát trải dài thênh thang với rặng phi lao xanh tốt (tôi sẽ kể chuyện về thung lũng cát này trong bài sau).

Khu đất của trường La San bây giờ đã thu hẹp hẳn lại, cổng cũng được dời lùi vào trong để mở rộng đường. Nhưng bấy giờ, là cả khoảng không gian rộng lớn cho chúng tôi tha hồ chạy nhảy, đùa giỡn trong giờ ra chơi và nhất là để trốn!

Tôi trốn thật sự, trốn chui trốn nhủi. Trốn đám bạn, trốn những trò chơi hào hứng hàng ngày. Trà trộn vào nhóm các anh lớn, mặt mày lơ láo, liếc tới lui, cảnh giác cao độ. Thấy khuôn mặt nào quen quen hiện ra, là lỉnh ngày đến chỗ khác. Cũng may, trường lớn trò đông, qua đến khu „lạ“, là „yên ổn“.
Một điều tôi chưa tiết lộ là tôi cũng đã nai nịt kỹ càng, sẳn sàng ứng chiến. Trước giờ ra chơi, tôi gom góp mượn được 5 cây viết máy của các bạn ngồi gần, mở nắp sẵn, chia làm hai, phủ lên đó một mảnh giấy xé từ tập vở cho khỏi dơ quần. Thế là, cứ hai tay đút túi, mỗi tay 3 cây viết thủ thân, đón chờ giờ phút lâm nguy.

Vậy mà êm thắm, êm ru. Chẳng có chuyện gì ghê gớm xảy ra. Tôi trốn thoát, mấy thằng bạn địch thủ đã biết tôi đề phòng quá kỹ lưỡng nên thôi hay là tuổi trẻ mau quên, dễ tha thứ?

Mấy mươi năm sau tôi vẫn nhớ như in đường kiếm ngang tàng của mình và nỗi sợ hãi đi liền sau đó. Nhớ và thương đám bạn học trò, ngoài miệng hung hăng nhưng lòng rất hiền, sẵn sàng xí xóa.

 Hà Quang
tháng Giêng 2011

Ghi chú: xem hình trường La San trước 1975
http://tvqn.info/index.php/la-san-vi-nhan/712-truong-la-san-binh-loi-truoc-75.html

kỳ tới: Tắm Mưa Trực Thăng
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Lời Bàn Mới

Hình Mới