Từ xa Thụy nhìn thấy cái dáng còm cõi quen thuộc của người cha mà năm tháng qua đi đã làm mái tóc bạc phơ. Thụy thở dài bùi ngùi; cha nó già nhanh quá! Khi Thụy tới gần, ông ngẩng lên nhìn rồi thản nhiên cúi xuống tiếp tục chà miếng cao su vá xe. Thụy bàng hoàng: ba nó không nhận ra nó nữa? Mắt ông đã mờ quá hay chính nó đổi thay nhiều? Có lẽ cả hai. Thấy cậu thanh niên đứng tần ngần trước mặt, ông lại ngước nhìn hơi ngạc nhiên nhưng không hỏi câu nào, lại tiếp tục công việc. Thụy bước xéo qua một bên, kiên nhẫn ngồi xuống bực thềm nhà bằng gỗ, chờ đợi; nó biết giờ nầy ba nó sắp về, có lẽ sáng giờ chưa kiếm được bao nhiêu nên ông Ba ngó ra đường như chờ đợi một chiếc xe bể bánh.

Rồi ông cũng thu xếp đồ đạc vào cái túi vải cáu bẩn, chất lên ba ga chiếc xe đạp già như tuổi ông rồi chậm rãi dẫn ra đường. Thụy chỉ chờ có thế, nó đứng lên đi theo ông về nhà. Nhìn ngôi nhà lá xiêu vẹo thảm hại hơn ngày nó ra đi, Thụy muốn rớt nước mắt! Trong nhà đang ăn cơm trưa. Mọi người ngước nhìn cậu thiếu niên đứng tần ngần ở cửa bằng ánh mắt ngạc nhiên. Không ai nhận ra thằng Thụy ngày nào. Cơn nghẹn ngào dâng lên làm Thụy muốn khóc. Gia đình quên nó dễ dàng đế thế sao? Không lẽ nó thay đổi nhiều đến thế? Mẹ nó ngồi kia, vẫn không có gì thay đổi, như hôm qua nó vẫn ở nhà, như ngày kia nó vẫn còn rong chơi với mấy thằng bé nghịch ngợm trong xóm. Nhưng con người thì không đứng lại với thời gian: các em nó lớn nhanh quá, con út Hiền năm nó ra đi còn bé tí bây giờ đã dài tóc, mởn da, sắp là một thiếu nữ rồi còn gì? Thằng Lộc què quặt vẫn thế, không lớn hơn là bao; hai ống chân như chân gà ngồi xếp một cách ngộ nghĩnh, nó ăn như nghiến củ khoai luộc. Mâm cơm vẫn như dạo Thụy ở nhà, chỉ thêm vài củ khoai đỡ gạo. Nhà nó không đổi thay gì; nghèo quá đến nỗi không thể nghèo hơn được nữa. Trong ánh mắt mọi người chỉ có tia nhìn của người mẹ là khác lạ. Bà nhíu mày như cố nhớ ra một điều gì rồi bật kêu lên:

-Thụy, thằng Thụy phải không?

Mọi người ồ lên; Thụy đứng chon chân tại chỗ, nước mắt trào ra. Má nó bước xuống chiếc divan ọp ẹp đến bên, xoay đầu nó nhìn sau ót. Đúng nó, nốt ruồi đen sau gáy. Thụy ôm lấy mẹ, bà khóc. Lần đầu tiên trong đời Thụy nhận được sự âu yếm của tình mẫu tử.

Ông Ba ngẩn người; bây giờ ông mới nhìn kỹ thằng bé hồi nãy giờ cứ lẩn quẩn chờ ông sửa xe ngoài đường Phạm Thế Hiển; đúng là thằng con trai của ông mất tích bảy năm về trước. Dạo đó gia đình cũng có tìm kiếm Thụy mấy ngày đầu không thấy nó về nhà, sau đó coi như nó đã tự bỏ nhà đi hay chết bờ, chết chợ, không ai có thì giờ tìm kiếm nữa. Cuộc sống của một gia đình đông đúc nghèo khổ mất đi một thành viên cũng không có gì đáng nói lắm. Ở cái xóm lao động nầy thiếu gì đứa bỏ nhà đi một thời gian rồi lại lò dò về, có khi xơ xác vì nghiện xì ke, cũng có đứa là tội phạm hình sự đang lẩn trốn. Thường là tụi nhóc đi hoang không bao giờ trở về với sự thành đạt trong cuộc sống. Chúng từ tận cùng xã hội bước ra thì cũng chỉ lẩn quẩn trong vòng xã hội đã tạo ra mình. Xã hội tàn nhẫn ít khi chịu mở cánh cửa địa ngục cho chúng bước lên trên; nơi mà cũng những con người đầu đen máu đỏ đang sống ở một tầng lớp khác không nhìn xuống đáy xã hội bao giờ. Lang thang bụi đời, con người không bao giờ được học ở nhau sự xây dựng tốt đẹp, mà chỉ học được những mánh mung vô liêm sĩ, để càng ngày móng vuốt càng được giũa sắc hơn, để giương ra làm vũ khí tự vệ và kiếm sống. Ở trong trường Thụy ở, mỗi chiến dịch lại hốt thêm về những đứa trẻ lang thang; chúng kể với nhau những kiểu làm ăn giựt dọc, những cách lừa đảo tinh vi được hình thành trong bộ óc non nớt. Chúng nói đến chuyện làm ăn bất lương như những chiến công hiển hách. Có thằng mười bốn, mười lăm đã biết đàn bà. Phần nhiều bọn nhóc không chịu nổi cuộc sống kỷ luật gò bó ở trường giáo dưỡng, chúng tìm cách trốn về với xã hội để tiếp tục cuộc sống lang thang đầu đường xó chợ, muốn làm gi thì làm, hợp với máu giang hồ trong huyết quản của chúng hơn. Bởi thế sau giây phút sững sờ vì sự trở về đột ngột của Thụy, cả nhà ùa đến vây lấy nó. Thằng Lộc chớp ngay cái túi xách của anh, kéo cái rẹt để kiểm soát xem sau bao năm lưu lạc, anh nó đem về được những gì? Hai bộ đồ tây, vài cái quần cụt, đôi giày bat a cũ. Hết. Như thế cũng là khá. Ông Ba hắng giọng hỏi Thụy:

-Mày ở đâu về? Không trốn trại đó chớ?

-Trường cho về mà ba.

-Trường nào?- Con Hiền cướp lời- Bộ anh ở trường cải tạo hả?

-Mày làm gì ở tù?

Ông Ba hỏi giật giọng.

-Cướp hay giựt dây chuyền?

Bà mẹ hỏi tiếp, vẫn giọng bình thường như không có gì quan trọng.

Lộc ra vẻ hiểu biết:

-Chắc không phải đâu, ảnh đi làm đâu xa đó.

Thụy giải đáp thắc mắc:

-Con bị chiến dịch hốt về trường Giáo dưỡng …

-Ở đó vui hông?

-Ăn uống đàng hoàng không anh Thụy?

Thằng Lộc, con Hiền tranh nhau hỏi. Thụy ngồi xuống divan, lần lượt kể lại những ngày xa nhà. Mọi người chăm chú nghe, thích thú như xem một cuốn phim xã hội. Khi mọi người đã tan hàng tìm giấc ngủ trưa, Thụy ngồi lại bên mẹ, nó hỏi về những người vắng mặt; cuộc sống anh chị nó vẫn bấp bênh, không người nào có được một nghề nghiệp đàng hoàng.

-Còn con Ngọc bây giờ làm gì?

Thụy nhắc đến đứa em gái kế nó.

-Con Ngọc đi làm.

-Nó làm gì má?

-Thì mày biết rồi, nó không học hành, chẳng nghề nghiệp gì, còn làm gì ngoài làm gái.

-Trời đất, sao để nó làm điếm?

-Ai cấm nó được? Nó phải kiếm sống chớ.

-Thiếu gì nghề để kiếm sống? Buôn bán trái cây, bán xôi...những việc đó không kiếm ra tiền sao? Bộ cứ phải bán xác mới có tiền sống sao?

Nhìn gương mặt đỏ bừng vì tức giận của con trai, bà Ba thản nhiên:

-Con gái xóm nầy đi làm như nó thiếu gì. Tụi nó rủ nhau lúc nào ai mà biết? Lúc đầu nó nói đi bán bia ôm, bia bóp gì đó. Tao hỏi nó nói tụi khách đàn ông chỉ kêu ngồi bên cạnh vuốt ngực, vuốt mông chút xíu rồi cho tiền. Nó kiếm cũng khá. Nói ngay con nhỏ cũng đẹp, nó đâu chịu đi làm cực khổ mà kiếm tiên lẻ. Nó cũng muốn có nhiều tiền để ăn diện với người ta…

-Rồi nó làm điếm luôn?

-Nghe tụi con trai trong xóm kháo nhau “ đi” với nó tao hỏi ra mới biết.

Thụy nhìn mẹ trách móc:

-Nó là con gái, có chút quý giá cuối cùng để lấy được tấm chồng đàng hoàng nương thân, cũng không giữ được. Thà nó lấy chồng rồi bỏ nhau, còn có người đàng hoàng lấy nó, cái thứ đã làm điếm rồi, suốt đời chỉ là đồ chơi cho đàn ông…Má không để ý gì đến con cái. Con là con trai, có hư cũng còn thuốc chữa, con gái bán xác rồi là hết.

-Có phước có phần mày ơi. Biết đâu may mắn nó vớ được lão nhà giàu nào bao nó cũng sướng đời. Buôn gánh bán mẹt chừng nào mới khá? Rồi cũng đến lấy một thằng cyclo là cùng. Đời tao qua rồi, tao biết, năm bảy đời chồng, không làm đĩ cũng chẳng có tiếng chính chuyên thà làm đĩ còn đỡ tức. Máy con mẹ bán bar hồi xưa lấy hết Mỹ đen đến Mỹ trắng, hết Phi đến Đại Hàn, bây giờ cũng theo con lai đi Mỹ, huy hoàng có thua ai đâu?

Thụy nhăn mặt:

-Má nói kiểu đó thì còn gì để nói nữa. Có đi Mỹ đi Tây thì cũng là me Tây me Mỹ, bộ qua đó làm bà người ta sao? Nó bán xác thì bây giờ còn trẻ kiếm được tiền, nhưng khi tàn rồi nó sống bằng gì? Cuộc đời đâu phải chỉ sống có mấy năm tuổi trẻ? Phải nghĩ xa một chút chớ.

-Mốc xì- người mẹ bĩu môi- Thôi dẹp cái mớ lý thuyết cùn của mày lại. Nói thiệt cả nhà nầy không có nó với thằng Lộc thì có mà hốt đất ăn.

Sực nhớ đến thằng em què quặt, Thụy hỏi mẹ:

-Thằng Lộc thì nó làm được gì mà nhờ?

-Ăn xin.

Mẹ nó trả lời tỉnh bơ, như nói đến một việc bình thường nhất trên đời. Thụy lập lại:

-Ăn xin?

-Tay chân nó què quặt không ăn xin thì làm gì?

Thụy rên lên:

-Mẹ khéo chọn nghề cho tụi nó thật. Con gái có sắc một chút thì làm đĩ, con trai tật nguyền thì ăn mày; toàn những nghề có ích cho xã hội.

Bà Ba nổi giận:

-Tao không chọn nghề ngỗng cho đứa nào hết. Có thân thì lo, tự kiếm mà sống. Thằng què cũng phải ăn chớ. Tao già rồi, nuôi tụi bây đủ lông đủ cánh thì bay. Còn mày nữa, mấy năm nay cha mẹ sống chết ra sao mày đâu cần biết? Mày cũng chỉ biết có thân mày, làm gì cho ai nhờ? Bây giờ học lóm được ba mớ về nhà hạch xách. Xin ông con vểnh tai nghe đây, năm ngoái con thằng Hoàng bị sốt xuất huyết phải đưa vô nhà thương, không có tiền của con điếm với thằng ăn mày đó thì đứt bóng mẹ nó rồi!

Con Ngọc làm đĩ, thằng Lộc đi ăn xin? Gia đình còn gì nữa?! Con út Hiền mai mốt nếu xinh xẻo một chút chắc cũng theo chân chị. Thụy lặng người trước kiểu lý luận tàn nhẫn nhưng rất thực tế của mẹ. Què quặt như thằng Lộc người ta thương hại bố thí là phải. Xinh xắn như con Ngọc đàn ông tìm đến cũng đúng thôi! Nhưng những người sống bám vào những số phận thương tâm này thật đáng nguyền rủa. Thụy không vặn vẹo mẹ nữa, nó sợ sẽ phải nghe thêm những lời sĩ nhục luân lý và đạo đức.

Cuộc sống ở trường dù khổ cũng còn có nề nếp của nó. Về lại với gia đình, Thụy không sao chịu nổi sự lộn xộn, bừa bãi của lối sống bạt mạng, mạnh ai nấy sống, trấn lột lẫn nhau. Nhiều buổi sáng thức giấc Thụy nghe tiếng léo nhéo của mẹ nó cãi nhau với con Ngọc hay thằng Lộc về số tiền đưa cho bà, không đủ để café thuốc lá. Bà rủa chúng nó làm nhiều tiền mà “nhím” không đưa cho bà xài.

-Tổ mẹ bây, có tiền vung ngoài đường mà tiếc với tao từng cắc. Biết vậy hồi nhỏ tao bóp mũi chết hết đỡ nuôi.

Bao giờ bà cũng rủa câu đó, có khi nặng nề hơn. Bà kê mấy miếng ván làm cái gác riêng cho mình, phía dưới là thế giới riêng của ông Ba với lỉnh kỉnh lốp xe, ruột xe, niềng, sườn, toàn đồ cũ sì, bẩn thỉu. Mỗi mùa nắng công an khu vực phải đến kêu gọi ông dẹp bớt những vật dụng dễ bắt lửa để tranh hỏa hoạn, vì ở khu ổ chuột nhà lá vách ván nầy, chỉ cần một tàn lửa ngún là biến thành bình địa; vậy mà ông vẫn khăng khăng không chịu bỏ đi một thứ gì; đối với ông một cái đinh sét cũng quý. Thỉnh thoảng lại thấy ông la hoảng mất cái niềng nhôm, cái kềm, cái búa…Út Hiền thì cười hì hì kêu hàng đậu hủ ăn hai, ba chén; sau đó nó gân cổ thề sống thề chết là không lấy gì của ông cả. Lộc què cứ buổi chiều được người nào đó chở xe đạp qua bỏ ở chợ cầu Muối hay cầu Ông Lãnh tùy địa điểm nó chọn. Nó quanh quẩn xin ăn, đợi khi các lái cá đem cá đến cho các chủ vựa để khuya bán sỉ cho thương lái, thằng Lộc vừa lết xin cá, vừa tiện thể chôm chỉa để sáng hôm sau út Hiền mang ra chợ Rạch Ông hay chợ nhỏ ngay hẻm ông Địa bán tùy cá ít hay nhiều.

Cuộc sống gia đình khiến Thụy càng bất mãn; nó muốn vươn lên cho mọi người trong gia đình thấy rằng làm ăn lương thiện cũng sống được, miễn là biết chịu khó. Ở trường, mặc dù biết rằng số tiền từ thiện dành để giúp cho bọn trẻ bất hạnh bị ăn chặn, công sức mồ hôi lũ trẻ đổ ra để lao động bị bóc lột, nó vẫ cho rằng người ta dành thời gian công sức cho chúng nó đương nhiên được đền bù, không có lợi ai người ta làm? Nhưng Thụy không thể chịu nổi ngay cả những người trong cùng một gia đình bóc lột lẫn nhau. Phi nhân quá ! Thụy gặp lại một số bạn cùng trang lứa, một số ít thành nhân, số còn lại thành một thứ gì…đại loại như vậy, là những con người nhưng suy nghĩ của chúng hết sức bất lương; lúc nào cũng toan tính lừa đảo, cướp giật. Chuyện đánh lộn, chửi lộn xảy ra như cơm bữa ở con hẻm mà những con người hiểu nhau từ chân tơ kẽ tóc. Khu vực có nhiều tội phạm hình sự, tuy không có trọng án nhưng thành tích quậy phá làm phiền không ít bà con!

Thụy xin vào khuân vác cá ở các vựa. Nó đi làm từ chiều và sáng hôm sau về, ngủ một giấc có khi quên ăn. Sinh kế tạm ổn. Mẹ nó lại có thêm một thành viên lo café, thuốc lá.

Có lần về tham trường Thụy được đề nghị ở lại phụ trách văn nghệ và dạy học cho các em. Đồng lương giáo viên trường giáo dục trẻ bụi đời là đồng lương chết đói, nhưng nó có những tình cảm ràng buộc để chịu đựng; Thụy cũng muốn trở lại trường, sống trong môi trường nó từng quen trong mấy năm trời, ít ra thì cũng xa được con hẻm khốn khổ, nhưng rồi nghĩ kỹ, nó thấy gia đình có một người biết phân biệt phải trái vẫn hơn, ít ra nó cũng còn trách nhiệm với út Hiền. Không làm gì lợi cho xã hội thì cũng ngăn cản được đứa em gái đi vào con đường hư hỏng.

*********

Kể hết về cuộc đời mình, Thụy không dám nhìn lên. Nó ngồi như một phạm nhân trước quan tòa. Nó biết những người ngồi trước mặt mình đều có thừa hoàn cảnh để làm người lương thiện, và có lẽ họ rất xa lạ với những điều nó đã trải qua trong cuộc sống.

-Từ ngày trở về em có gặp Tí cô đơn không? Chú nhóc dạy em chiêu thức “hành hiệp giang hồ” ấy mà.

Vương Quyền hỏi với nụ cười cởi mở. Thụy rụt rè:

-Dạ không; em có ý tìm mà không gặp.

-Ở trường họ dạy em những gì?

-Dạ, dạy lao động, dạy văn hóa, nhiều thứ, nhưng thưa anh- Thụy hơi ngập ngừng-những điều đạo đức em được học không có chỗ đứng trong cuộc sống. Người ta nghĩ ra trăm ngàn hình phạt để trừng trị kẻ phạm tội nhưng không tìm ra biện pháp hữu hiệu để diệt nguyên nhân phạm tội!

Ông Quang nhẹ nhàng:

-Sao cháu lại nói vậy?

-Thưa ông, vì cháu thấy như thế. Người ta bắt một đứa trẻ ăn cắp, trừng trị, thậm chí đánh đập về hành động ăn cắp mà không có biện pháp diệt cái đói, vốn là nguyên nhân đưa chúng đến hành động đó. Thưa ông, trước khi thực hiện những lời hay ý đẹp của danh ngôn bao tử người ta cần phải đầy trước đã!

Dung Nghi vỗ tay:

-Hay quá. Em nói chí lý. Người ta không thể đọc sách thánh hiền khi bao tử lép kẹp.

-Em chỉ kể đại khái. Nếu đi vào từng chi tiết cuộc sống xã hội hạ lưu chị không đủ can đảm nghe đâu. Và em cũng không đủ trơ tráo mà lập lại những câu tục tằn, những trò bỉ ổi.

Vương Quyền nghĩ thầm “ở xã hội nào mà không có những câu tục tằn, những trò bỉ ổi; có điều mỗi trình độ nó lại thể hiện dưới một hình thức khác, có khi lại còn ghê tởm hơn những người thất học, vì chẳng những sự bỉ ổi xuất phát từ bản chất, nó còn được bổ sung bởi kiến thức và óc sáng tạo. Tội lỗi ở xã hội thượng lưu được ẩn núp dưới những hình thức huê dạng, bởi thế càng bẩn thỉu hơn”. Anh nhìn chàng thanh niên trước mặt bằng ánh mắt dịu dàng:

-Nhà trường mời em về tổ chức đêm trình diễn?

Thụy gật đầu:

-Vâng. Cô giám đốc trường bảo em viết cho một vở kịch đại ý nói về cái đẹp của cuộc đời, nhưng em lại viết vở “Trẻ bụi đời” kể lại chính cuộc đời mình vì em nghĩ không có gì đẹp bằng sự thật; bởi vì nếu tưởng tượng để viết một vở kịch nội dung thơ mộng chắc em không viết nổi; em chỉ có thể ghi lại được những thực tế mình đã trải qua…

Dung Nghi chen vào:

-Ban tổ chức đồng ý chứ?

-Lúc đầu họ không chịu, họ cho rằng lột trần xã hội một cách tồi tệ quá, nhất là hình ảnh người mẹ hầu như sống phè phỡn do “trấn lột” con mình; nhưng em dẫn chứng bao nhiêu đứa trẻ mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi; đâu phải đứa nào cũng mồ côi? Xã hội đâu có hiếm những bậc cha mẹ thiếu trách nhiệm?!Chị thử tưởng tượng những đứa trẻ bất hạnh nhất mà lại diễn một vở kịch chứa đựng nội dung cuộc sống ấm êm, sang trọng thì có buồn cười không? Đương nhiên người ta có quyền ước mơ, và những cuộc cách mạng đòi hỏi công bằng no ấm thường xuất phát từ hạ tầng xã hội; nhưng những em bé mồ côi không bao giờ diễn nổi những vai trò mà chúng chưa từng sống, từng biết. Chị thấy tập dượt đấy, tụi nó nói, diễn rất tự nhiên, vì đó chính là cuộc sống, là hình ảnh của chúng.

Dung Nghi gật gù:

-Diễn hay. Nhất là những câu đối thoại, chửi thề cứ giòn như bắp rang.

Mọi người cùng cười, Vương Quyền hỏi Thụy:

-Em vẫn sống với gia đình?

-Vâng.

-Vẫn vác cá?

-Dạ.

-Em có ý định tìm một việc gì khác không?

-Hiện tại em chưa thấy một hướng nào khác sáng sủa hơn.

-Để anh xem lại. Anh không hứa, nhưng sẽ lưu ý đến trường hợp của em.

Thụy cảm động chớp mắt. Nó thật sự cảm thấy ba người ngồi trước mặt mình là những người có tâm hồn đẹp; ít ra thì họ đã không khinh rẻ nó như những kẻ giàu có phách lối khác. Hôm diễn tập, nó dã say mê nhìn Dung Nghi múa và lân la đến làm quen. Dung Nghi thấy cậu bé rụt rè, hiền lành nên cũng mến. Cô thích lối diễn xuất tự nhiên của nó, nhất là khi biết vở kịch “Trẻ bụi đời” có nội dung xã hội sâu sắc kia do Thụy viết. Cô làm một cuộc phỏng vấn nhỏ và biết rõ lai lịch của nó. Hai chị em nói chuyện rất hợp; Thụy tỏ ra hiếu học và hiểu biết so với những đứa đồng lứa đồng cảnh. Nó có cá tính khá phức tạp và nhận thức cuộc đời một cách sâu xa không kém phần cay cú.

Khi Dung Nghi đề nghị Thụy theo cô về nhà kể cho ba cô nghe cuộc đời của nó, Thụy đã lung túng từ chối. Trong thâm tâm nó sợ phải bắt gặp những đôi mắt nghiêm khắc lạnh lung; những cái nhìn và câu nói đã hơn một lần quát vào mặt nó “Đi ra ngoài kia cho người ta ăn, quân bẩn thỉu, thấy mày ăn mất cả ngon”; Thụy nhớ đời câu rủa phũ phàng đó, và cũng chính vì câu khinh bạc đó nó đã quyết định ở lại trường cho đến khi lớn khôn. Cứ mỗi khi nghe chúng bạn rũ rê trốn trường về tung hoành giang hồ, Thụy lại nhớ đến những ngày lây lất, bụng đói tay run, bưng đĩa thức ăn thừa của người ta như không muốn nổi; cứ nuốt, cố mà nuốt! Còn chút nước lều bều cũng húp cho hết. Trong suốt đoạn đời ăn xin của Thụy, có hai người nó không quên được, đó là cô gái tốt bụng đã gọi thức ăn cho nó trong ngày “ra quân” đầu tiên và lão đàn ông râu quai nón đã chửi nó sau nầy. Suy cho cùng thì cũng không trch1 họ được; ngồi ăn mà có một thằng nhỏ quần áo bẩn thỉu, hôi hám, cứ nhìn đăm đăm vào miệng mình, cổ nó thì nuốt nước bọt liên tục, đôi mắt hau háu chỉ chờ khách bỏ đũa là nhào tới chụp, nó có thể mất đà té nhào vào khách, kéo theo cả bàn với bình trà, hũ ớt, chai tương…chỉ có một điều là hận chính số phận mình…

Thụy không biết những người ngồi trước mặt mình đang suy nghĩ những gì, chỉ yên tâm với những ánh mắt đầy nhân ái. Ông Quang vỗ hết thuốc lá trong tẩu ra cái gạt tàn, đăm chiêu nhìn đứa trẻ trước mặt. Thụy vẫn còn là một đứa trẻ không hơn không kém, vóc dáng nhỏ thó, gương mặt hơi vuông trắng xanh. Nó làm ông nhớ đến hình ảnh đứa con người bạn ông gặp cách đây không lâu.

Hôm đó vào buổi chiều, ông thả bộ từ Vương cung thánh đường xuống Duy Tân. Một chiếc cyclo trờ tới:

-Bác về đâu cháu chở?

Ông nhìn lên định trả lời, chợt thấy người phu xe hơi luống cuống; anh ta bỏ cần thắng như muốn đạp xe đi; ông hơi ngạc nhiên nhưng cũng trả lời:

-Cháu cho bác về Phú Nhuận.

-Dạ.

Anh cyclo đáp lí nhí, ông Quang ngồi lên xe, hơi ái ngại nhìn cái cổ ốm trơ xương của người phu xe vươn về phía trước khi cố dướn người đạp xe. Xe chạy một đoạn, ông hỏi thăm hoàn cảnh của anh ta và ngạc nhiên nghe giọng nói nghèn nghẹn như sắp khóc, ông quay lại:

-Cháu làm sao vậy? Sao bác hỏi cháu không trả lời?

-Bác…bác thật không nhận ra cháu sao?

Ông sững sốt:

-Cháu biết bác à?

-Hồi trước 75 cháu có theo ba cháu đến nhà bác.

-Ba cháu là ai?

-Dạ…đại tá Duy.

Ông Quang kêu lên:

-Cháu là con anh Duy?

-Vâng, tên cháu là Phương.

-Bác nhớ rồi…lúc nãy bác không nhận ra. Cháu lớn và khác trước nhiều quá.

Phương ngậm ngùi:

-Không khac sao được hở bác. Cuộc sống đổ thay hoàn toàn. Trước gia đình cháu là thế, giờ như vầy đây!

Đi ngang tiệm phở, ông Quang khoác tay:

-Ngừng đi cháu. Vào  đây bác cháu mình nói chuyện đã.

Phương ngoan ngoãn nghe lời. Hai bác cháu tìm một góc vắng. Ông Quang gọi cho Phương tô phở đặc biệt còn ông ly café sữa. Phương lặng lẽ ngồi ăn không hỏi tại sao ông không ăn phở. Cậu ta biết ông còn bữa cơm chiều đang đợi ở nhà ông chỉ ghé để mình ăn thôi. Nhìn chàng thanh niên ăn phở ngon lành, ông Quang có vẻ hài lòng. Ông gọi tiếp café đá cho Phương rồi hỏi nhẹ nhàng:

-Lúc nãy cháu nhận ra bác à?

-Ngay lúc cháu mời bác đi xe và bác ngước lên cháu đã tính đạp xe đi luôn rồi.

Ông Quang nhớ đến cử chỉ luống cuống của Phương lúc nãy, gật gù:

-Bác nhận ra điều đó. Nhưng tại sao cháu phải chạy trốn bác? Đạp cyclo có gì là xấu đâu? Bạn bác học tập về đạp cyclo thiếu gì.

Phương chớp mắt:

Thoạt đầu cháu muốn lánh mặt bác. Không phải cháu cho đạp cyclo là xấu, nhưng cháu thấy tủi thế nào ấy. Nhớ ngày nào hai cha con ngồi xe hơi đến thăm bác, bây giờ ba cháu thì mất rồi, còn cháu thân sơ thất sở!

Cậu ta hạ giọng cho bớt nghẹn:

-Nhìn thấy bác cháu nhớ ba cháu quá. Lúc nãy bác hỏi thêm vài câu chắc cháu khóc…

Ông Quang lắc đầu:

-Con trai phải tập khống chế tình cảm. Đâu phải mình gia đình cháu tan nát?. Điều quan trọng là tư cách của mình sau những biến động đó.

Phương cúi đầu:

-Thưa bác cháu hiểu.

-Bác mừng là cháu biết chọn con đường lao động để sinh nhai; dù cực khổ nhưng lương tâm yên ổn. Hãy kiên nhẫn học một nghề nào đó, rồi tương lai cũng đến thôi.
-Bạn cháu nhiều đứa hư hỏng bác ạ. Mẹ cháu sợ cháu theo chúng nó, khóc ngày khóc đêm.

-Bác cũng thấy con của nhiều người bạn không giữ được bản chất lương thiện của mình; chúng chán nản tìm cách đốt cuộc đời trong trụy lạc!

Phương cười buồn:

-Muốn trụy lạc phải có điều kiện chứ bác. Cháu một bầy năm đứa em, làm sao nuôi chúng sống được là giỏi, lấy gì mà ăn chơi. Cháu đang học lái xe buổi tối bác ạ.

-Tốt lắm. Khi nào có bằng bác có thể giới thiệu cho cháu chỗ làm.

Mắt Phương sáng lên:

-Cháu cám ơn bác.

-Cho bác địa chỉ, bác sẽ ghé thăm chị Duy và các cháu.

Khi Phương đưa ông về đến nhà, ông Quang móc túi lấy hết tiền trong ví đưa cho Phương; cậu be từ chối nhưng ông lừ mắt:

-Cháu phải nhận cho bác vui; mua trái cây gì đó về cho mẹ và các em, hôm nào bác đến.

Phương riu ríu nhận tiền, cám ơn rồi nhảy lên xe đạp đi. Nhìn đưa con trai của bạn gò lưng trên chiếc cyclo, ông Quang quay đi thở dài. Ông không biết trong cái thành phố rộng lớn nầy có bao nhiêu người như Phương? Ông cũng đã từng gặp người bạn trước là trung tá bộ Tổng tham mưu, từng đi Mỹ, đi Pháp. Đi đạp cyclo, ông ta vẫn có trong túi áo bên trái tấm ảnh mình mặc pardessus đứng trước tháp Eiffel, ông Quang hỏi mang ảnh theo như thế để làm gì? Người bạn trả lời “để đừng quên mình!”

-Ba!

Tiếng kêu của con gái khiến ông Quang trở về thực tại; Dung Nghi nắm cánh tay ông:

-Hôm tụi con trình diễn ba đi xem nghe.

-Tất nhiên. Đi để xem con gái ba múa chứ.

Dung Nghi nhìn Thụy:

-Và xem Thụy và các bạn diễn kịch nữa, hay lắm ba à.

-Nhất định rồi.

Nụ cười của ông hiền từ. Thụy bỗng ước giá mình được sống gần người đàn ông nầy.

*********


Nhật ký của Dung Nghi.

Ngày…

Hôm nay đi ngang rạp Minh Châu, thấy quảng cáo đoàn kịch của mẹ trình diễn ở đó. Ảnh mẹ treo cao nhất, tên mẹ viết to nhất, đậm nhất. Tim mình bỗng thắt lại như bị ai bóp nghẹt. Mẹ đó, và mình đây; đứa con gái duy nhất của mẹ. Khá lâu mình không gặp mẹ. Mẹ gọi điện hỏi thăm mình hoài. Mẹ thương mình, mình biết. Mẹ thương theo kiểu của mẹ. Có người thương con là phải giữ con gần mình, tự tay chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ. Có người cắn răng xa con để nó tạo tương lai ở một phương trời mà mình không thường gặp được. Người mẹ nào cũng có lý. Lâu nay mình xa lánh mẹ, chắc mẹ buồn mình lắm. Tối hôm kia Quyền rủ mình đi xem mẹ diễn vở “Bông hồng không tỏa hương”; anh muốn mình nhìn thấy những giọt nước mắt mẹ khóc với chính Dung Nghi của mẹ trong kịch. Anh Quyền bảo nhất định là mình không phải với mẹ; mẹ có làm gì đi nữa thì cũng là người đã cưu mang mình, banh da xẻ thịt sinh ra mình; chỉ chừng đó cũng đủ để mình yêu quý, tôn kính. Tại sao lại bắt mẹ phải sống theo ý muốn ích kỷ của mình?Anh thì lúc nào cũng đứng về phía mẹ; điều đó khiến mình cảm thấy yên tâm, chỉ mong anh đừng biết sự dan díu của mẹ với Hoàng Kỳ, lúc đó chắc chắn hình ảnh đẹp của mẹ trong anh không còn nữa.

Cái tên Hoàng Kỳ ấy, sao mình ghét hắn thế không biết. So sánh với ba mình hắn không bằng một góc, chỉ được cái hắn còn trẻ. Không hiểu tại sao mẹ lại yêu hắn được? Hắn cũng chẳng phải tay vừa, cứ nhớ đến lần hắn thú nhận sự ngoại tình với vợ qua điện thoại mình còn sởn gai ốc! Hôm đó, nhìn mắt chị Mai, vợ hắn, mình cứ sợ án mạng xảy ra. Bây giờ cứ mỗi lần nghĩ đến việc ấy mình lại thấy có lỗi với mẹ. Mình là con của mẹ mà lại đi hành động như thế thật quá đáng, dù với lý do muốn người ta trả mẹ  về cho ba mình đi nữa.

Chiều qua chị Mai lại đến chơi hỏi mình cuộc sống của mẹ và Hoàng Kỳ dạo nầy ra sao? Có đầm ấm không? Mình phát cáu. “Chồng bà thì đi mà giữ, sao lại hỏi tôi? Nói thật cho bà biết bà còn trẻ thật  nhưng thua mẹ tôi xa; chồng bà mà chinh pục được mẹ tôi là phúc bảy mươi đời đấy”; nhưng nhìn vẻ mặt đau khổ của chị ta, mình không nở. Có người đàn bà nào mất chồng mà vui đâu? Bà ta không cho Hoàng Kỳ về nhà có phải là một kế đắc sách không nhỉ? Hay là lại tạo cơ hội cho chồng rời gia đình vĩnh viễn? Ai biết được trong những ngày xa cách người đàn ông nghĩ gì? Có ăn năn vì đã lừa dối vợ hay ngã hẳn vào tay người đàn bà khác?Không biết rồi mình có gặp cảnh nầy không?Nếu gặp, chắc mình đau khổ biết chừng nào?Vương Quyền có giống Hoàng Kỳ không? Người ta nói mọi người đàn ông đều giống nhau cái khoản háo sắc. Bây giờ cưới nhau thì chìu chuộng hết ý nhưng mai kia?Quyền thì lúc nào cũng nhắc đến đám cưới với tất cả sự háo hức một tương lai tươi đẹp, nhưng mình cứ chần chờ…làm sao anh hiểu mình? Cho anh biết mình sợ lập gia đình vì nhìn thấy thảm kịch mà người gây sóng gió là mẹ ư?Trong thâm tâm mình không bao giờ muốn xa mẹ, nhưng cuộc sống của mẹ sao mà đáng ghét thế? Chẳng có cả thì giờ dành cho chồng con!

Ngày…

Vừa gặp nhỏ Tuyền; con quỷ ngồi nói năm điều ba chuyện phát mệt; nó nhắc đến Quyền hoài, khen giọng anh ấm như xướng ngôn truyền hình. Con nhỏ nhận xét đúng ghê, mình cũng thích giọng nói anh ấy. Mới đó mà sắp đến ngày trình diễn rồi. Hôm đó mình phải cố gắng diễn thật xuất sắc, có người yêu xem mà. Mọi người đều công nhận mình vũ còn rất uyển chuyển dù bỏ khá lâu. Buổi biểu diễn được quảng bá rầm rộ ghê, làm không ra gì có nước muối mặt…

Ngày…

Buổi sáng có hqi cha con ở nhà, ba gọi mình vào nói chuyện; ba hỏi về Quyền, về dự tính của hai đứa rồi khen Quyền ngoan. Ai cũng khen anh, chỉ có mình; Quyền bảo mình là người duy nhất hành hạ được anh…hành hạ? Vậy mà người ta làm tỉnh không thèm nhõng nhẽo có hai ngày đã cuống lên.

Ngày…

Mình vừa đi xem kịch về, Quyền năn nỉ mãi cũng phải chìu anh ấy. Hai đứa ngồi hàng ghế thứ hai, bên trái sân khấu. Lâu lắm mình mới lại xem mẹ diễn. Mẹ hợp làm sao trong vai trò người mẹ của đứa con gái 18 tuổi. Tóc mẹ bới cao, sang cả. Mẹ mặc bộ pyjama màu café sữa trong càng đẹp. Mẹ đối thoại với chị Đan hà trong vai đứa con gái bướng bỉnh. Mình nghe báo chí dư luận ca tụng sự thành công của mẹ trong vở “Bông hồng không tỏa hương”nhưng không ngờ mẹ diễn xuất hay thế, cả chị Đan Hà nữa, đương nhiên không sánh được với mẹ. Nhưng giá như mình đứng trong vai diễn của Đan Hà cũng chỉ có thể ngang ngạnh đến thế là cùng. Tới bây giờ mẩu đối thoại giữa hai mẹ con vẫn còn vang rõ bên tai mình:

Người mẹ: -Đến bao giờ con mới hiểu được mẹ hở Thủy Tiên?

Thủy Tiên (giọng đanh sắc):-Con chỉ hiểu mẹ bao giờ mẹ tỏ ra xứng đáng.

Người mẹ (nghẹn ngào):- Mẹ phải sống như thế nào mới là xứng đáng?

Thủy Tiên:- Con đâu dám đòi hỏi mẹ phải làm nhà vàng, gác ngọc cho con. Con chỉ muốn mẹ sống với hình ảnh ba con, dù ba có như thế nào với mẹ. Chúng con lớn rồi, không muốn người ta đàm tiếu về phẩm hạnh của mẹ mình.

Người mẹ gạt nước mắt nhìn thẳng vào mặt con gái:

-Phẩm hạnh của mẹ không có gì để thiên hạ đàm tiếu cả. Nếu có thì đó là những người có tâm địa xấu;họ có hạnh phúc thì được nhưng không muốm ai được như họ. “Thánh thiện chỉ là lớp mât nạ che ngoài tâm địa tội lỗi. Chính những người lên án mẹ là những người giả dối nhất. Mẹ la một người đàn bà không có chồng, mẹ có quyền chọn cho mình một nơi nương tựa để tránh những cạm bẫy đê hèn khác. Con còn nhỏ, chưa thể nào cảm nhận được nổi cô đơn của người đàn bà như mẹ. Có một người bạn không có nghĩa là hết thương con. Mẹ đã lo cho con bằng tất cả khả năng của mẹ.

-Con cần ít hơn mà cũng nhiều hơn những gì mẹ cho con. Vật chất không phải là tất cả đối với một đứa con. Con cần tình mẹ.

-Mẹ không thương con sao?

-Không. Thì giờ của mẹ là sự nghiệp ngoài xã hội và hạnh phúc riêng tư với chồng mới. Mẹ không còn chỗ cho con!

-Con bất công với mẹ quá.

-Con chỉ đòi hỏi quyền lợi của một đứa con ( cô gái nghẹn giọng rồi bật khóc )Mẹ làm sao biết được con đã tủi thân như thế nào khi nghe bạn bè nói về hạnh phúc của chúng nó khi gối đầu lên tay mẹ thì thầm kể cho mẹ nghe những điều trong cuộc sống mà nó gặp. Còn con? Con biết nói với ai khi buổi sáng thức dậy chỉ thấy tiền mẹ để trên tủ phấn? Khi đêm về trong phòng mẹ có một người đàn ông không phải là ba con? Mẹ trả lời đi? Nếu mẹ là con mẹ sẽ nghĩ gì? Ngày xưa bà ngoại yêu mẹ là thế, sao bây giờ mẹ không yêu con? Sao vậy hở mẹ??

Cô gái ngừng một lát rồi tức tửi nói tiếp:

-Không phải chỉ mình con nói mẹ không đúng, mà bà ngoại cũng thấy như vậy. Nếu không có tình thương của ngoại không biết con sẽ ra sao?!

Người mẹ thở dài:

-Mẹ biết nói sao bây giờ? Con chưa đến hai mươi và bà ngoại đã bảy mươi- hai thế hệ quá trẻ và quá già để có thể cảm thông với mẹ được.

-Mẹ ạ, Phật giáo có lệ tổ chức lễ “Bông hồng cài áo”dịp Vu lan, Phật tử nào còn mẹ, tức là còn được hưởng tình mẫu tử sẽ nhận một bông hồng đỏ, người bất hạnh bị mất mẹ phải nhận bông hồng trắng. Nhưng người ta quên rằng có người còn mẹ mà không được hưởng tình mẫu tử; do đó con đã xin một bông hồng bằng giấy, loại bông hồng không có hương, để biểu hiện hoàn cảnh của mình, vì…có mẹ cũng như không!

Cô gái dằn ba tiếng cuối cùng một cách tàn nhẫn rồi bước ra khỏi phòng, trước đôi mắt tuyệt vọng và tiếng kêu não lòng của người mẹ. Bà gục xuống trong nỗi đau đớn ê chề. Mái tóc mẹ xổ tung và gương mặt mẹ thảm não như lúc mình phản đối mẹ ở nhà. Mình đã khóc không dấu diếm. Mẹ đóng hay- không- mẹ đóng thật quá thì đúng hơn. Vuong Quyền lau nước mắt cho mình rồi cúi sát xuống tai mình, thì thầm:

-Mẹ tuyệt quá phải không?

Mình chỉ có thể gật đầu, Quyền tiếp:

-Có khi nào em nói với mẹ như cô bé Thủy Tiên đó không?

Mình lắc đầu:

-Em không biết…nhưng nếu như vậy thì em tệ quá.

-Mẹ biết em nghĩ thế chắc mẹ vui lắm.

Mình cúi đầu không trả lời. Mẹ ơi! Có bao giờ Dung Nghi không thương mẹ đâu, ngay cả những khi con cãi mẹ. Có điều con không được như người xưa, hiếu thảo quên mình như sách thánh hiền mà con đã học. Con nghĩ đến mình nhiều quá, bắt buộc mẹ phỉa sống cho con, vì con mà không nghĩ rằng mẹ cũng cần phải sống. Con đã đóng một cái khung khổ hạnh để gò cuộc đời mẹ vào đó. Có những lúc mẹ đến gần con nhưng con tàn nhẫn xua mẹ ra rồi trách mẹ không gần. Có lần con nóng sốt, mẹ đến ngồi bên con, đặt tay lên trán con âu yếm, nhưng con đã mở đôi mắt lạnh lùng nhìn mẹ rồi quay mặt đi. Con đã cố quên rằng mình có một người mẹ và người mẹ đó rất yêu mình. Con đắp lên mẹ những tội lỗi do con tưởng tượng ra rồi oán trách. Lúc sau nầy anh Quyền đã mở mắt cho con nhìn được lẽ phải, con cám ơn anh vô cùng. Mẹ ơi! Con đã nhìn con bé Thủy Tiên trong kịch và thấy mình thật đáng trách. Sau nầy con sẽ dạy con của con rằng: “Con có thể nghi ngờ bất cứ điều gì trừ tình thương người mẹ”.

(còn tiếp)
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.