Giọng người mẹ đưa Nhất Đông trở về thực tại:
- Phải nó chịu ưng thằng Hòa... con người ta được người được nết còn chê.
- Bộ má hết ghét người Bắc rồi sao?

Nhất Đông vừa nói vừa cười. Cô nhớ đến sự bất mãn của mẹ khi mình lấy Vinh. Cả sau đó nữa, mẹ cô vẫn còn thành kiến nhất là người vào sau 75. Bà hận vì họ đã làm em trai bà mất, gia đình gặp bao đau thương, nhất là từ ngày phải bốc mộ chồng để cải táng. Bà Tâm rít răng:

- Chết cũng còn không yên. Tao không đem đi đâu hết. Huyệt mộ mình mua đàng hoàng. Cứ để.

Mấy cô con gái xúm lại vừa an ủi, vừa khuyên mẹ, dù chính các cô cũng cảm thấy đau lòng. Ngày ba mất, gia đình mua huyệt ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để ba được gần nhà, các con dễ dàng thăm viếng. Trên bia, mấy đứa con gái ghi dòng chữ “Cầu xin linh hồn ba một nghị lực trong những tháng ngày sắp tới”. Mỗi lần có chuyện buồn, Nhị Thu thường đến nghĩa trang, ngồi rất lâu bên mộ ba. Cô nhớ tới người cha nghệ sĩ rất gần gũi các con. Đối với Thu, ông là người bạn lớn. Các cô rất hay trò chuyện với ông. Người cha coi trọng bữa cơm gia đình vì theo ông đó là lúc cả nhà gặp nhau. Ngày ông nằm xuống, cả nhà như hụt hẫng. Những đôi mắt kinh hoàng nhìn vào bình oxy đang tiếp hơi cho ông. Hơi thở yếu dần nhưng gương mặt ông vẫn bình thản như đang ngủ say, tuy phía mặt bên trái đỏ bầm vì chứng tai biến mạch máu não. Các con đưa ông vào bệnh viện ngày mùng 6 Tết. Chợ Rẫy “trạm cuối cùng của đời người” đã làm mọi cách để cứu một sinh mạng. Nhưng nhìn ánh mắt không mấy lạc quan của bác sĩ trực, Nhất Đông nói với người anh họ vừa đến:

- Anh sẵn xe về đưa dùm má em vô.

- Tình hình cậu ra sao rồi?

Nhất Đông đưa mắt nhìn cha đang hôn mê, lắc đầu:

- Ít hy vọng. Bác sĩ bảo nên để những người thân gặp lần cuối. Họ vẫn đang điều trị, nhưng mong manh lắm.

Giọng cô nghẹn lại.

- Được rồi. Anh về đón mợ lên. Các em bình tĩnh, đừng làm kinh động cậu nghe.

Vừa nói anh vừa phóng nhanh ra hành lang. Nhất Đông đến bên cạnh các em. Mấy chị em làm dấu đọc kinh.

Bà Tâm đến, tựa vào tay người cháu. Bà dừng lại nhìn các con. Trừ Tứ Xuân còn nhỏ, ba đứa con gái đã hiểu thế nào là cái chết. Những ánh mắt đầy tuyệt vọng nhìn lên cái giường có người thân nằm bất động. Một lúc, họ tưởng ông đã ngừng thở. Nhưng không, chỉ là tim đập quá yếu. Nhất Đông nói với mẹ:

- Ba đang cần yên tĩnh. Má đừng khóc, đến với ba đi!

Bà Tâm gật đầu. Gương mặt bà mệt mỏi nhưng bình tĩnh. Bà đến bên giường chồng, cầm lấy bàn tay của cánh tay không truyền nước biển đưa lên môi hôn. Bà úp mặt vào bàn tay của người bạn đời đã cùng chia ngọt sẻ bùi suốt bao năm tháng. Nước mắt trào ra lặng lẽ. Bà Tâm quỳ bên giường lặng yên nhìn lên nét mặt bình thản của ông, hy vọng sẽ thấy ông mở mắt nói một điều gì đó. Nhưng điều đó không xảy ra. Nhị Thu lau nước mắt đến dìu mẹ đứng dậy:

- Anh Hai đưa má về nghe.

Bà phản đối bằng cái lắc đầu yếu ớt. Người cháu thuyết phục:

- Mợ nên về nghỉ. Cậu đang trong tình trạng hôn mê nhưng hy vọng sẽ qua khỏi. Mợ cần giữ sức khỏe.

Bà Tâm lại lắc đầu, giọng bà gần như thì thào:

- Đừng dấu mợ.

- Con nói thật. Bác sĩ...

- Mợ biết. Mợ linh cảm cậu sẽ không qua khỏi.

Bà nhìn các con:

- Má muốn ở đây với ba. Đây là những phút cuối cùng. Má không thể bỏ ba một mình lúc này, dù không giúp gì được cho ba, má vẫn phải có mặt.

Bà nấc một tiếng nhỏ, cắn môi như cố nén lại tiếng khóc:

- Cả đời ba đã có má bên cạnh.

Những đứa con gái mắt đỏ hoe, nhìn nhau bất lực. Hơi thở người bệnh yếu dần, đến nỗi dường như không còn thấy nữa. Giọt nước biển đang nhỏ giữa chừng trong ống chuyền bỗng nhiên ngừng lại như máu đã ngừng chảy về tim, như mọi việc trên đời không còn gì quan trọng nữa.

Những đôi mắt căng ra hốt hoảng, cố tìm một nhịp sống nào đó lại bật lên, nhưng vô vọng. Người nữ y tá bước tới rút ống chuyền oxy khỏi mũi nạn nhân. Nhất Đông lao tới nắm ngực áo chị ta hét lên:

- Chị làm gì vậy? Ba tôi còn thở mà.

Anh Hai và Tam Hạ giữ tay Đông mặc cho cô vùng vẫy. Nhị Thu vừa nói vừa khóc:

- Cô tha lỗi, chúng tôi đau khổ quá.

- Không có gì.

Người nữ y tá vừa buông ba tiếng lạnh và gọn, vừa thản nhiên cầm chai oxy đi ra. Chị ta đã quá quen những tình huống này. Trước nỗi tuyệt vọng về sự mất người thân, thường có những cơn điên ngắn. Tam Hạ quay sang Nhị Thu:

- Chị dìu má, coi chừng má xỉu.

Nhưng mẹ cô không xỉu. Bà vẫn bước, những bước chân xiêu vẹo không hồn. Dường như hồn bà vẫn đứng lại bên chồng, giờ chỉ còn là một thi thể bất động.

Những ngày sau đám tang nặng nề và lạnh lẽo. Mấy chị em thường ngồi quanh mẹ để an ủi bà. Nói là an ủi nhưng thật ra mấy mẹ con cùng khóc. Tứ Xuân hỏi một cách ngây thơ:

- Ba đâu má?

- Ba đi chơi rồi.

- Chừng nào ba về? Con nhớ ba quá hà.

- Ba cũng nhớ con.

- Má. Sao bỏ ba vô cái hộp bự hả má? Bỏ xuống đất nữa, làm sao ba ra?

Tam Hạ nạt em:

- Có im không, hỏi nữa ăn đòn à.

Tứ Xuân mếu máo bỏ đi. Bà Tâm bảo Hạ:

- Em còn nhỏ, đừng mắng nó tội nghiệp. Các con phải biết thương em, nó mồ côi sớm quá.

Bà lại khóc, Tam Hạ đi tìm em dỗ. Buổi tối không đứa nào dám ra phòng khách vì phải đi ngang qua bàn thờ. Nhà vắng một người mà thấy hiu hắt hẳn đi vì đó là trụ cột gia đình. Không phải chỉ là vấn đề vật chất mà là điểm tựa tinh thần. Khi bác sĩ cho biết căn bệnh, nếu cứu được, bệnh nhân có thể bị liệt nửa người, mắt mù hoặc những biến chứng tệ hại khác nữa. Nhị Thu nói với em:

- Cầu xin cho ba sống. Dù chỉ nằm một chỗ, nhưng mình còn nhìn thấy ba, còn biết rằng có ba ở đó. Ba chết không biết chị em mình sẽ ra sao?

Nhưng ba cô đã ra đi, rất nhẹ nhàng, bình thản, như ông đã sống. Như vậy là đủ, không còn vướng bận điều gì. Nhưng ông còn trẻ, mới bốn mươi tám tuổi. Cái tuổi người đàn ông bắt đầu vững vàng trong sự nghiệp. Ông chỉ hưởng dương mà chưa hưởng thọ, như Nhị Thu đã viết trong nhật ký:

“Con cắm lại những cành hoa huệ trắng,
Cánh hoa nghiêng như ba ngã nửa đời”.

Đúng là như thế. Ông đã ngã ở thời điểm tràn trề sức sống. Giao thừa năm đó, mấy mẹ con lại khóc trước di ảnh ông. Bàn thờ không chưng dưa hấu như mọi năm vì ngày mồng một Tết, ông đã xẻ một trái dưa rỗng nửa ruột và mồng sáu Tết, ông vào bệnh viện để không bao giờ trở về với cuộc sống nữa. Từ đó dưa hấu trở thành một ám ảnh cho điềm gở. Bà Tâm và các con thề không mua dưa ngày Tết. Một năm sau ngày ông ra đi, mọi vật trong nhà vẫn giữ nguyên vị trí. Chiếc ghế đu ông hay nằm đọc báo. Cây vợt tennis treo gần tủ quần áo. Bộ mạt chược bằng ngà voi quý giá vẫn để dưới di ảnh người quá cố. Nhị Thu lại viết trong nhật ký:

“Đêm giao thừa nhìn mẹ trào nước mắt.
Con bâng khuâng an ủi “Mẹ đừng buồn
Ba đã chết - nhưng ba còn sống mãi
Trong con tôn thờ và trong mẹ yêu thương”

Người mẹ đã không quỵ ngã như các con vẫn lo sợ. Trái lại, bà có vẻ khỏe mạnh hơn lúc còn ông. Dường như bản năng người mẹ đã vực bà đứng vững để nuôi nấng và bảo vệ các con. Vì bây giờ, tất cả trông vào người mẹ. Có lần Tam Hạ đã nói khi thấy bà vừa đốt nhang trước bàn thờ vừa khóc:

- Má đừng lo, ba sẽ phù hộ cho mẹ con mình mọi điều may mắn. Bốn đứa con gái, má sẽ không khổ đâu. Ông bà xưa đã nói: “Tam nam bất phú, tứ nữ bất bần”. Má làm sao nghèo được.

Bà Tâm lau nước mắt, cốc đầu con gái, Tam Hạ vừa chạy vừa cười. Bà lắc đầu, nhìn theo con nhỏ bướng nhất nhà, mà lúc còn sống, thỉnh thoảng ông vẫn gọi “con trai của ba”.

Những ngôi mộ trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi được bốc lên, để lộ huyệt mộ trống trải đen ngòm. Năm 82, bà Tâm mới chịu cải táng chồng. Mấy mẹ con đứng nhìn những lưỡi cuốc bén nặng bổ xuống thành mộ. Từng mảng ciment văng ra. Nhị Thu lắc đầu, Tam Hạ mím chặt môi. Nhất Đông đứng bên cạnh mẹ, sẵn sàng đỡ bà. Gió nghĩa trang rờn rợn như cái hiu hắt của lòng người. Khi chiếc quan tài lộ ra trong lòng kim tĩnh, mấy mẹ con cùng căng mắt nhìn: họ sắp thấy lại người thân sau bao nhiêu năm xa cách. Một sự gặp gỡ ngoài ý muốn. Nắp quan tài được nạy bật lên, người quật mộ cúi dở lớp vải liệm và nhanh nhẹn đỡ cả lần vải bỏ sang quan tài gỗ mỏng bên cạnh. Tam Hạ và mẹ bước tới trước nhất. Bà Tâm quỳ xuống ôm mặt khóc ngất. Tam Hạ tới sát quan tài cúi nhìn xuống thi thể người cha chỉ còn là bộ xương khô. Một ít tóc bết máu dính vào vải kê đầu. Hai hố mắt của đầu lâu như nói lên cái phù du của kiếp người. Không còn chút gì của người trụ cột gia đình vững chãi năng động, nơi nương tựa của một người đàn bà và bốn đứa con. Tam
Hạ chợt tẩn mẩn tự hỏi liệu linh hồn ba có còn lẩn khuất bên vợ con? Ước gì ông nói cho cô biết ông đã gặp điều gì sau cái chết? Bà Tâm mệt nên không theo ông đến lò thiêu Phú Lâm được. Nhất Đông và Tứ Xuân về theo mẹ, chỉ có Nhị Thu, Tam Hạ là ở lại chờ thiêu xong đưa cốt về.

Bà Tâm buồn rất lâu sau ngày bốc mộ chồng, như bà phải mất ông thêm lần nữa. Người ta đồn đại nhiều chuyện hoang đường về nghĩa trang không còn mộ. Ma hiện lên muôn hình vạn trạng ngay giữa Sài Gòn, đến nỗi một dạo, những người yếu bóng vìa không dám đi ngang vùng nghĩa trang bị giải tỏa lúc đêm khuya. Bà Tâm không bận tâm về những điều đó.

Nỗi bận tâm của người mẹ bây giờ là hai cô con gái ngoài ba mươi vẫn còn “phòng không gối chiếc”. Bà lo đến lên “tension”, đến bệnh tim tái phát. Và mỗi lần gặp cô con gái lớn là bà lại than vãn cho nhẹ lòng. Nhất Đông hiểu mẹ và đồng thời cũng hiểu các em. Cô biết mỗi người lo mỗi khác. Điều chắc chắn là Nhị Thu và Tam Hạ không nhởn nhơ, vô tư như mẹ vẫn nghĩ. Có tiếng cười từ bếp vọng lên. Rồi Ý Yên hét :

- Thấy chưa, Yên nói rồi mà, tuyệt cú mèo.

Tiếng Tứ Xuân:

- Không thể nào có loại bánh Flan ngon hơn. Đầu bếp Tây còn phải ngả mũ.

Nhất Đông vừa đi xuống, mỉm cười:

- Vậy là cô giáo “Khéo tay hay làm” trên ti-vi được khen phải không?

Ý Yên nhanh nhẩu:

- Con chứ mẹ. Con làm mà. Cô Tuyết chỉ được biết đến khi bánh bị hỏng thôi.

- Bà còn lạ gì con gái bà - Tam Hạ chen vô. Rồi cô bất chợt nhìn thẳng chị:

- Hồi nãy má với bà đang nói chuyện gì vậy?

- Nói gì đâu?

- Lúc tôi vừa bước vô nhà, thấy tôi, bà via stop liền. Chắc lại hài tội tôi với bà Thu phải không?

Nhất Đông biết không nên nói quanh, con bé này rất tinh, chỉ tổ cho nó làm toáng lên. Cô nhỏ nhẹ:

- Má nhận được thiệp cưới.

- Lại cưới - Nhị Thu thở ra - của ai, hở Đông?

- Hoa điệu.

Tam Hạ nheo mắt:

- Con quỷ lẹ thiệt. Mới đầu năm nó không có mảnh tình vắt vai mà, chắc chớp được anh Việt kiều nào đó.

- Mày làm như Việt kiều dễ chớp.

- Gì nữa. Mấy anh về Việt Nam đâu có nhiều thời gian. Cứ thấy em nào trẻ trẻ, xinh xinh là OK. Mấy anh đâu biết con gái bây giờ phần nhiều lấy chồng theo kiểu chọn “Made ngoại”. Việt Nam... nội địa là chê, dù hàng nội có phẩm chất tốt hơn.

Cô lại nhìn Nhất Đông:

- Bà nữa. Mỗi lần má nói chuyện chồng con của tụi này, bà làm ơn lảng đi, cứ đốc vô làm gì cho phiền ra. Bộ tụi tôi thích “ế” lắm hả ? Bà lớn lên là có người để yêu, để cưới. Còn tụi này? Lấy ai? Lấy chồng chứ đâu phải mua quần áo.

Hạ nói một mạch, mặt đỏ bừng. Nhất Đông làm hòa:

- Thôi bỏ đi. Má cũng đâu có nói gì.

Tam Hạ cướp lời:

- Tôi quá biết cái điệp khúc cũ rích đó. Đồng ý má thương con mới lo. Nhưng đừng có bấn lên như thế. Cái điệu này tiếp tục con cái chồng đâu không thấy lại vào Chợ Quán vì loạn thần kinh.

Nhị Thu nhăn mặt:

- Thôi đi, Hạ. Em nói nghe không được rồi đó. Má nghe má buồn. Thương con thì nói vậy thôi, má có ép đứa nào đâu.

- Nhưng bọn tụi mình bao nhiêu đứa chưa chồng, cả Sài Gòn này con gái ba, bốn chục thiếu gì mà người ta vẫn nhởn nhơ, có chết ai đâu? Má cứ so sánh với chị Đông sao được? Lứa tuổi chị ấy thanh thản hơn bọn mình cả vật chất lẫn tinh thần. Hai mươi mấy tuổi đầu vẫn đi học, chẳng bận tâm đến chuyện kiếm tiền. Một người cha làm tư chức quèn cũng đủ nuôi được cả lũ con ăn học đến nơi đến chốn. Đến tuổi yêu đương chung quanh toàn bạn bè cùng trình độ, cùng môi trường xã hội. Sống và lớn lên chung môi trường xã hội dễ đồng cảm. Bao nhiêu là điều kiện thuận lợi. Còn bọn mình? Chưa vào đời là lo tranh sống. Thời buổi ai lo thân nấy làm sao mà vô tư được? Bạn bè hơn 5, 3 tuổi thì đã thi hành quân dịch: thế là học tập. Dân civil mắt trước mắt sau là vượt biên: không đến Bi-đông cũng gặp bi đát. Còn lại: ông già: chê! Con nít: hổng dám. Cán bộ: sợ! Còn gì nữa?

Giọng cô gái trầm dần, trở thành gần như khôi hài. Ý Yên nháy mắt với Tứ Xuân rồi che miệng cười. Không khí bớt căng khi nồi hấp bánh mở ra. Mùi thơm của bánh Flan thật hấp dẫn. Tứ Xuân hít một cách khoan khoái. Hai dì cháu lấy kẹp kẹp từng ô nhôm đựng bánh để ra cho nguội trước khi cho vào tủ lạnh. Ý Yên đếm nho nhỏ: Cái này cho ngoại, cái này của dì Thu - nó nhìn Tứ Xuân - phần dì Hạ hai cái, mẹ cái này... còn lại... Yên với dì Xuân.

Những cái bánh vàng ươm màu hột gà với lớp caramel nâu thật ngon. Nhất Đông đã lên nhà trên. Cô sợ cuộc tranh luận lại tiếp tục. Đông biết Hạ đã nói đúng: Sự thúc ép của mẹ khiến con gái thêm mặc cảm và mất dần sự tự tin trong cuộc sống. Không có gì kinh khủng bằng một con người lúc nào cũng nghe nói mình bất tài vô dụng. Điều đó sẽ ám ảnh nặng nề và những khả năng thật sự họ có cũng dần bị thui chột bởi họ không còn tin ở mình nữa. Các cô gái độc thân cũng vậy. Sự cuống cuồng của gia đình càng khiến họ tuyệt vọng thêm, hủy diệt sự trẻ trung còn lại ở họ nhanh hơn và họ trở nên xa lánh, thậm chí căm thù những hạnh phúc kẻ khác được hưởng. Thuở Đông mới lớn, đúng là một chuỗi dài những ngày tháng mộng mơ tiếp nối. Sự vô tư kéo dài đến lúc lấy chồng. Có nhiều mơ ước tương lai hơn là lo toan cơm áo. Bởi thế tuổi trẻ dường như dài hơn. Cô cảm thông hai em, hiểu sự thiệt thòi của chúng nhưng mẹ thì không. Tình thương con khiến bà thường xuyên trở nên bẳn gắt, khó chịu. Mỗi cái thiệp cưới của người quen là mỗi nhát dao cứa thêm vào vết thương đã rỉ máu của mẹ. Bà lo thêm, buồn thêm và than vãn nhiều hơn. Mẹ mường tượng ra cái cảnh hai đứa con gái sống trơ trọi trong tuổi già. Bà cũng cô đơn trong những năm tháng cuối đời, nhưng có con cái. Còn chúng nó? Và rồi Tứ Xuân nữa! Cô con út sẽ ra sao nếu hai bà chị cứ “bình chân như vại” không lấy được chồng? Nhất Đông đã phì cười khi nghe nỗi lo của mẹ:

- Má ơi, Tứ Xuân khác. Lớp tuổi của nó không bất hạnh như Thu và Hạ đâu. Quanh nó thiếu gì bạn bè cùng lứa. Nhưng bọn nhỏ bây giờ không thích bị ràng buộc sớm đâu má. Họ muốn được tự do để tạo được một tương lai, có việc làm, khỏi bị lệ thuộc vào chồng càng nhiều càng tốt, không phải như thế hệ trước lấy chồng là chỉ biết nhà chồng cho đến hết đời.

- Nhưng chồng thì phải nuôi vợ con. Người phụ nữ lấy chồng để nương tựa, bổn phận của họ là trong gia đình, chăm sóc chồng, lo con cái, như vậy là chưa đủ sao?

- Nhưng phụ nữ bây giờ họ không thích, đúng hơn là không chịu lệ thuộc, má à. Họ cũng có nhiều bổn phận với xã hội không kém gì đối với gia đình. Họ có khả năng làm việc gần như nam giới vậy. Hơn nữa, má thấy không, bây giờ một mình người chồng đi làm đâu có đủ cho gia đình sống. Vợ chồng cùng “cày”, nhà còn chật vật.

Đông nói, nói rất nhiều với mẹ. Cô viện dẫn cả đến việc ngày trước, người phụ nữ hoàn toàn lệ thuộc chồng nên người đàn ông nhiều quyền hành, muốn vợ hai, vợ ba gì, người đàn bà cũng phải cắn răng chịu vì đã bị trói buộc cả đường con cái lẫn vấn đề sinh kế vào nhà chồng, buông ra không biết làm gì để sống. Hơn nữa, người phụ nữ thời trước phải đóng khung mình trong khuôn thước “Tứ đức, tam tòng”, đi lệch ra ngoài là bị xã hội lên án, dư luận nguyền rủa, nên có người giam hãm cả cuộc đời trong một gia đình địa ngục mà vẫn không dám tìm cách thoát ra.

Bà Tâm nghe con gái nói đến đó, cắt ngang:

- Người ta hy sinh vì con cái. Chồng có không ra gì nhưng con cái nó hiểu, thương mẹ. Thời tôi, hai mươi tuổi mà chồng chết cũng ở vậy đến già. Lo nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ chồng. Vậy mà tôi thấy đời xưa người ta sống yên ổn, con đàn cháu đống. Đâu như bây giờ, nam nữ bình đẳng, hở một chút là ly dị, chẳng còn ra thể thống gì nữa. Con cái lớn lên không thiếu cha cũng thiếu mẹ, chúng nó tội gì?

Câu chuyện bao giờ cũng bế tắc, mỗi người kết luận theo một kiểu, kiểu của thế hệ mình sống và lớn lên. Mỗi người đều có lý và đều phi lý trong suy nghĩ người kia. Nhất Đông muốn mẹ vui và các em hạnh phúc. Cô ở cửa giữa, hiểu cả đôi bên mà không thể làm nhịp cầu cảm thông trọn vẹn được.

Tam Hạ bấm nút thang máy, đứng chờ. Một người đàn ông từ trong thang máy bước ra. Dáng ông ta cao to và gương mặt cương nghị. Ông nhìn lướt qua cô gái rồi đi ra phía cửa. Bước chân nhanh, vội vã. Hạ nhìn theo, nhủ thầm: Có lẽ ông ta người Nhật. Cô bấm nút cho thang máy đến tầng 3, nơi đặt văn phòng đại diện của Nhật Bản tại thành phố. Cánh cửa có gắn bảng tên Javitex. Tam Hạ gõ nhẹ ba tiếng rồi mở cửa bước vào.

- Sao mặt buồn hiu vậy, Tam Hạ? Bị mẹ mắng hở? - Giọng Bắc nhẹ nhàng của Hằng và cô đứng lên kéo ghế cho bạn ngồi.

Hạ lắc đầu:

- Chán.

- Không đi làm à?

- Hôm nay xin nghỉ đi đo mắt, sợ lên độ. Tự dưng nhức quá chừng.

Cô nhìn quanh phòng:

- Anh Hưng đâu?

- Vừa đi với đoàn, chắc trưa mới về.

Hằng vuốt tóc Hạ như người chị chăm sóc em:

- Uống nước mát nhá. Có chocolate đây. Rồi ngồi chơi với mình. Cũng đang bấn lên đây.

- Hằng ấy à?

- Còn ai vào đây nữa.

Cô đẩy miếng chocolate tròn về phía bạn, rồi kéo ghế ngồi bên cạnh:

- Nào. Có gì nói đi. Cãi nhau với chị Thu à? Hay Út Xuân?

- Vẫn bài kinh muôn thuở của bà via.

Hằng gật gù ra vẻ hiểu biết. Cô đã nhiều lần nghe bạn tâm sự chuyện bản thân, gia đình. Hằng quý bạn. Như phần đông những cô gái đẹp, Hằng rất ít bạn gái, cô chỉ có bạn giao tế. Với Tam Hạ thì khác, hai người rất thân nhau. Vài lần gặp vì công việc, họ tìm thấy ở nhau sự trung thực đáng quý và Tam Hạ thường đến văn phòng Hằng làm việc. Hai thiếu nữ, một Sài Gòn, một Hà Nội nói với nhau tất cả những buồn vui đến trong cuộc sống mình. Hằng rất dễ thương, dáng cao và mảnh mai, cô có mái tóc thả ngang lưng rất thơ, gương mặt Hằng thùy mị, khả ái. Cô là cái đinh của Javitex, là bông hoa hương sắc làm dịu lòng người trong những lúc bối rối nhất. Hằng đã có gia đình và cũng đã chia tay với chồng. Cô sống với đứa con gái lên 6 xinh xắn, bụ bẫm. Đôi khi nhìn bé, Hạ cũng chợt ước ao có một đứa con như thế.

Tam Hạ uống một ngụm nước. Cô thả mắt quanh căn phòng bài trí gọn gàng, trang nhã. Phòng đại diện trực thuộc Bộ Thương mại, thường xuyên đón tiếp khách Nhật Bản liên hệ đủ mọi vấn đề. Công ty Tam Hạ làm việc của tư nhân nhưng vẫn có nhiều vấn đề cần đến văn phòng đại diện. Hai cô gái đã gặp nhau trong môi trường đó. Hằng thong thả mở một thỏi chocolate, cô bẻ một miếng nhỏ đưa vào miệng. Hằng không nhai vội mà “ngâm” miếng kẹo ở đầu lưỡi. Chất ngọn tan dần trong cổ, dễ chịu lạ lùng. Cô chờ đợi. Hằng biết cách chờ cho bạn nói. Cô hiểu Tam Hạ hơn ai hết. Đã đến, Hạ phải nói một điều gì đó, nhất là với vẻ mặt sa sầm như bây giờ.

Nhưng Tam Hạ đã im lặng. Điều đó khác với thường ngày. Những nỗi bực dọc trong nhà làm cô gái cảm thấy khó thở. Hạ tìm đến Hằng để giải tỏa ẩn ức. Nhưng khi đến đây, nhìn nét mặt dịu dàng, nhẫn nhục của bạn, cô cảm thấy tim mình chùng lại. Bỗng dưng Tam Hạ thấy nếu so sánh giữa hai người, chưa chắc ai đã sung sướng hơn ai. Hằng ra đời sớm, cũng bầm dập vì hồng nhan thường đi đôi với đa truân. Cô yêu và trở thành vợ người mình yêu. Nhưng mọi việc không đẹp như tuần trăng mặt. Người đàn ông tuyệt vời trong tim cô bỗng trở nên tầm thường, ích kỷ. Bản chất của con người nhỏ mọn lộ ra ngay sau những tháng chung sống đầu tiên. Người vợ trẻ chới với rồi tuyệt vọng. Cô chỉ biết nhìn sững trước những cơn ghen bóng gió và thói chi li của chồng. Cuộc sống trở thành địa ngục. Đứa con gái ra đời cũng không thể cứu vãn được hạnh phúc. Nó chỉ đày đọa thêm người đàn bà phải đắn đo trước quyết định của mình. Nhiều đêm, Hằng đã nhìn con khóc âm thầm. Nhưng cô biết mình không thể còn cách nào để chọn lựa. Người chồng không mang niềm vui cho gia đình cả vật chất lẫn tinh thần lại trở nên cộc cằn, độc ác. Xung đột bắt đầu trong căn phòng nhỏ chỉ vừa kê một chiếc giường và những vật dụng cần thiết tối thiểu. Hằng cắn răng chịu đựng sự dằn vặt. Cô suy nhược thấy rõ. Làn da bạch ngọc trở nên xanh lướt và đôi mắt đẹp đầy ắp những ước mơ ngày nào giờ đây chỉ còn là bóng tối của sợ hãi. Rồi việc gì phải đến đã đến. Khi nghe vợ đòi ly dị, Tuấn sững sờ:

- Cô nói gì?

- Tôi nói chúng ta nên xa nhau, như thế tốt hơn.

- Cô điên đấy à?

- Tôi tỉnh, rất tỉnh - Hằng nói lạnh lùng - Ly dị là giải pháp duy nhất, tôi không còn cách nào khác.

- Còn bé Uyên?

- Tôi nuôi, anh khỏi phải lo.

Tuấn gật gù:

- Cô giỏi, giỏi lắm, bây giờ tôi mới biết.

- Muộn rồi, tất cả đều muộn, dù anh biết hay không cũng chẳng có gì quan trọng.

- Nhưng nếu tôi không đồng ý.

Đôi mắt người vợ nhìn thẳng, dữ dội:

- Đời tôi, tôi phải lo, anh không đồng ý là quyền của anh, bởi vì ly dị hay không, kể từ giờ phút này, quan hệ giữa chúng ta chấm dứt.

- Cô suy nghĩ kỹ rồi đấy chứ?

- Không bao giờ tôi ân hận việc mình làm. Anh biết tính tôi mà.

Hằng chấm dứt câu nói bằng một hành động dứt khoát. Cô lấy quần áo của mình và con bỏ vào valise. Tuấn dằng tay vợ lại:

- Cô không đi dễ dàng với tôi đâu.

Hằng dằn giọng:

- Anh còn muốn gì ở tôi nữa? Chừng đó chưa đủ sao?

- Tôi không nhiều lời, không có ly dị. Vậy thôi. Và cô phải ở đây, bé Uyên là con tôi, cô không có quyền mang nó đi.

Hằng tức uất, cô dồn nỗi căm hận vào ánh mắt tóe lửa nhìn thẳng vào gã đàn ông mà lúc này cô cảm thấy ghê tởm. Gần hai năm chung sống đã cho cô nhận rõ chân tướng hắn. Vẻ mặt Tuấn lầm lì, Hằng nhìn đứa con gái nhỏ đang ngồi nghịch con búp bê nhựa trên giường: đôi mắt tròn xoe vô tội. Nó toét miệng cười, sung sướng với niềm vui trẻ thơ, không biết sóng gió đang dấy lên giữa hai người thân yêu nhất. Bất giác, Hằng muốn khóc. Cô có cảm tưởng khóc được lúc này sẽ nhẹ bớt nỗi uất ức chất chứa. Nhưng hắn đang đứng kia, đang theo dõi cô bằng ánh mắt thách thức. Không, Hằng không thể cho hắn nhìn thấy sự mềm yếu của mình. Cô phải can đảm, cô biết Tuấn chỉ chờ cô khóc. Điều đó xảy ra quá nhiều lần rồi. Sau những lần hắn lăng nhăng rượu chè, Hằng đã dọa bỏ đi, rồi cuối cùng, khi hắn dỗ dành, những dòng nước mắt tức tưởi trào ra cùng với sự tha thứ. Nhưng rồi đâu lại vào đấy. Mọi việc lại được lặp lại... bây giờ thì đừng hòng. Cô đã khôn ra, không mắc lừa hắn nữa. Nhưng bây giờ... liệu hắn sẽ để yên cho hai mẹ con ra khỏi nhà không? Hằng phân vân, cắn môi suy nghĩ. Tuấn dịu giọng:

- Đừng bướng nữa, anh sẽ lo cho hai mẹ con.

Hằng không trả lời. Cô biết đó chỉ là lời nói và cô đã được nghe nhiều lần. Cô để nguyên quần áo trong valise đẩy vào góc giường.

Tối đó, Tuấn về rất khuya. Hằng vẫn chưa ngủ, cô suy nghĩ cách để ra khỏi cuộc đời hắn êm thắm. Tuấn đi vào, sặc mùi rượu. Cô đã cẩn thận nằm ép vào bên trong giả vờ ngủ. Tuấn lè nhè:

- Hằng.

- ...

- Em ơi... ngủ hả?

Hằng thở đều. Tuấn cúi xuống gần sát mặt vợ rồi hắn đẩy bé Uyên ra phía ngoài và nằm xuống giữa hai mẹ con. Hằng muốn nín thở, cố gắng để không nhăn mặt kinh tởm. Mùi rượu phả vào mặt cô nồng nặc. Hằng cảm thấy buồn nôn. Tuấn lay vợ, Hằng vẫn im. Hắn ôm lấy cô, đưa tay mở nút áo. Hằng biết không thể yên lặng được nữa, lăn qua một bên, giọng ngái ngủ:

- Đừng.

- Anh yêu mà.

Cô ghì mình lại để ép vào vách, nhưng Tuấn mạnh hơn, đã dằn ngửa vợ ra. Hắn đè lên Hằng bằng tất cả sức nặng của thân thể, mặc cho cô vùng vẫy. Lúc này cô mới nhận ra hắn trần trụi. Hằng hết chỗ tránh, hết đường chống cự. Cô biết bên kia vách gỗ là cặp vợ chồng láng giềng đang ngủ. Đánh thức người ta bằng cách này không vui chút nào. Rồi ngày mai, câu chuyện của vợ chồng cô sẽ được chuyền nhau khắp miệng những người đàn bà ngồi lê đôi mách trong ngôi nhà tập thể này. Thậm chí được thêu dệt theo ngẫu hứng người kể. Đã có người dở cười dở khóc vì chuyện kín của vợ chồng bị rao bán, không phải chỉ trong nhà tập thể 5 hộ mà còn lan rộng cả xóm lao động. Sau đó là một cuộc đôi chối mà đến người nghe cũng phải đỏ mặt vì ngượng. Từ đó, Hằng cố gắng giữ kín chuyện gia đình, nhất là những chuyện thuộc loại phòng the. Ý nghĩ đó khiến người đàn bà khốn khổ trân mình chịu đựng cơn bão táp trôi qua trên thân thể mệt mỏi. Nhưng nước mắt uất nghẹn không kìm được, lặng lẽ trào ra chảy dài xuống gối. Gã đàn ông vẫn hùng hục trong hơi men, những hành động của dục vọng không còn chút gì là tình yêu. Đối với Hằng, tình yêu đã chết từ lâu. Từ lần đầu tiên gặp Tuấn ngồi ngất ngưởng bên đứa con gái mặt mày son phấn lòe loẹt. Chiều đó, cô nói thẳng với chồng:

- Anh đi với những loại người như vậy coi chừng mang bệnh về cho vợ con đấy. Thứ gái đó không sạch sẽ gì đâu.

Tuấn thề thốt là vì chuyện làm ăn nên phải đến những nơi đó: “Làm ăn bây giờ phải thế em ạ. Bàn chuyện làm ăn là phải nhà hàng, bia ôm. Mấy ngài giám đốc đâu chịu ngồi nói chuyện suông trong phòng giấy? Đèn càng mờ, gái càng đẹp mới dễ thành công... Anh có muốn thế đâu?”

Hằng biết chồng nói dối, nhưng không cãi. Cô đã quen thụ động. Nhưng niềm tin ở chồng thì không còn nguyên vẹn. Đêm đó, cô mơ thấy hai cánh tay đứa con gái quấn quanh cổ Tuấn, bỗng dưng biến thành hai con rắn. Hai con rắn ngóc đầu lên, ngo ngoe hướng về đôi mắt chồng cô. Hằng đã hét lên kinh hoàng và tỉnh dậy, mồ hôi vã đầy mình.

Khi Tuấn ngã vật qua một bên và bắt đầu ngáy, Hằng choàng dậy. Cô nhảy xuống giường, rón rén đi ra nhà tắm. Cô ngồi ở đó thật lâu cho cảm giác tởm lợm lắng xuống. Khi quay trở lại giường, Hằng hiểu đây là lần cuối cùng cô ở trong căn phòng này. Cô sẽ ra đi, không phải vì sự chật hẹp, bẩn thỉu của nhà tập thể, mà vì sự bẩn thỉu và ti tiện của con người.

Hôm sau, lúc Tuấn đi làm, Hằng bế con, xách quần áo đến ở nhờ nhà người bạn gái. Cô không dám về nhà mẹ sợ Tuấn đến tìm. Hằng muốn lánh mặt một thời gian để tạo khoảng cách rồi đưa đơn ly dị.

Sau đó, Hằng gửi con cho mẹ, một mình vô Sài Gòn tìm việc làm. Hằng hy vọng đất cũ đãi người mới. Cô sẽ tự lập để nuôi bé Uyên ở miền đất màu mở, quá khứ lùi lại sau lưng, Hằng chỉ còn nhìn về phía trước để với hai bàn tay trắng và một con tim rướm máu, cô sẽ làm lại từ đầu.

(còn tiếp)

  Lý Thụy Ý
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.