Tấm ảnh cũ có hai cô bé chừng bốn và sáu tuổi đứng dựa nhau có vẻ như đang cười bên cạnh một trụ gạch nhìn như ống khói, cô chị mặc chiếc váy đầm dài quá đầu gối cả gang tay và khoác áo len. Thời ấy xa lắc rồi em bây giờ vẫn nhớ chiếc áo đầm chị màu máu khô có những đường hoa văn thêu ngoằn ngoèo trên thân váy, chiếc áo len chị màu nâu có cải những chú mèo nhỏ màu vàng, áo len này mẹ đan cho chị, mẹ cũng như bao nhiêu cô gái xứ Bắc rất giỏi đan len, mẹ đan không cần phải nhìn, tay mẹ thoăn thoắt, mắt mẹ cười miệng mẹ nói có hai lúm đồng tiền hai bên má, da mẹ trắng ngần...

Vì thế mà em khóc suốt ngày đêm nhớ mẹ, nhớ mẹ ngay cả lúc đi chơi Chùa Non Nước, nước mắt em làm một thầy tu cho em trái cam đủ để em nín khóc lúc chụp hình. Em nhớ rõ chị mặc áo đầm màu gì áo len màu gì, nhưng em không nhớ chiếc áo đầm của mình thế nào, em cũng không nhớ mình đi Đà Nẵng bằng cách nào, em chỉ còn nhớ góc giường đó có trải chiếc chiếu hoa, em khoanh tay quì gối mặt hướng vào vách và khóc, trí nhớ em chỉ quanh quanh những lần quì gối khóc và bị đòn, chắc em khóc nhiều lắm nên bác ghét có lần cho em quì trên gai mít rồi bỏ đi, chắc bác biết em sẽ đứng lên khi bác đi chợ, thật ra bác rất thương hai chị em là những đứa cháu mồ côi cha và bác quyết tâm mang về nuôi, nhưng những chiếc gai nhọn đã cắm sâu vào trái tim em mất rồi ! em nhận biết nỗi đau thân xác cùng lúc với nỗi đau trong tim, em nhận ra cái đau cùng lúc em biết chịu đựng.

Em nhớ mẹ, nhớ cả đứa em nhỏ mới vài tháng tuổi ở nhà, em khóc suốt ! Chị của em hình như ít khóc, hay là chị lớn hơn biết che dấu nước mắt của mình, còn em cứ lăn lóc như con vụ quay quắt mọi xó xỉnh khóc ngày đêm, khóc đến nỗi em bị nhốt vào chiếc rương to tối đen. Phải chăng lá gan em lớn hơn lên từ màu đen tối đó? Phải chăng cái đầu em cứng hơn từ chiếc rương đóng kín đó ? Em biết nhúng con tôm kho em cho là rất mặn vào tô nước canh dù sau đó bị đòn.

Từ màu tối đen trong chiếc rương em biết nhận ra màu đỏ rất đẹp của những con chuồn chuồn ớt bay trong chiều nắng vàng bên hàng dậu thưa, màu đỏ ấy sáng ngời và rất trong lên xuống như những cánh hoa đỏ bay, dắt em đi ngược đi xuôi thơ thẩn qua hết hàng dậu thưa đến những hàng cây cao cao nhả xuống đất những hột be bé hai màu đen đỏ. Chuồn chuồn ớt đã bay cao, em phải trở về nhà và bị đòn.

Em khóc cả khi màu đen buông chụp rạp hát lúc người lớn dắt đi xem chiếu phim, em khóc khi thấy trên màn ảnh người ta đánh nhau, em chỉ thích ngọt ngào yêu thương ấp ủ em như mẹ từng ấp ủ. Có lần em thức giấc không thấy người lớn trong nhà, chị của em cũng đi đâu mất ! cả nhà đã bỏ em hay đã lừa cho em ngủ để đi ? em nhớ mình cuống quít như thế nào khóc như thế nào, phải như sấm chớp ngang trời hay gió mưa xô ngã lắt lay cọng cỏ mềm rũ rượi, có như thế mới ra cô hàng xóm một mình xô đẩy chiếc tủ đứng che giữa hai nhà, đưa bàn tay tiên kéo em ra khỏi vũng tối cô độc.

Mẹ em đứt từng đoạn ruột tất tả đi thăm con, mẹ tay bế theo em bé tay ôm em vào lòng mà em vẫn còn khóc, mẹ xin mang con về nuôi nhưng bác nói, hai mươi mấy tuổi đầu chỉ biết đạp máy may làm gì nuôi nổi ba đứa con. Em nhớ chị đã nói, con thương em lắm em khóc nhiều và em bị đòn, con muốn dắt em ra bến xe về với mẹ nhưng con không có tiền. Em không nhớ khi nói như thế chị có khóc không, riêng em khóc nhiều hơn nữa, còn mẹ, mẹ đem bày hết cả khúc ruột tan nát của mình ra cho bác xem. Thế là em được về với mẹ.

Phần chị, chị vẫn còn ở đấy nhìn em và mẹ đi, chị bây giờ nước mắt đã biết đường đi ra, ngoài nỗi nhớ mẹ, giờ còn thêm nỗi nhớ em với những trận đòn và những cơn khóc điên dại của em, chị chỉ còn biết hướng nỗi nhớ của mình về những ngày êm đềm với mẹ với em ở phố biển Qui Nhơn, đứa em vừa buông lỏng cảm xúc vừa lì vừa bướng của chị thường gánh trên vai hai chậu hoa mười giờ của chuồng chim bồ câu, em mặc váy hoa xanh ngúng ngoảy bên màu hoa mười giờ tím đỏ, em đi trên cát vàng những buổi sáng nắng nghiêng nghiêng thêu màu rực rỡ trên những hàng cây khuynh diệp gió đùa lá lao xao, chị nhớ dấu chân em bước trên nền cát biển lún mềm, những bước chân có hình dấu hỏi của năm ngón chân bấm vào cát hất văng cái đuôi dấu hỏi bay lên trời. Chị nhiều lần được đưa ra biển Đà Nẵng chơi, lần nào chị cũng đi trên cát lún mềm tìm em qua những dấu hỏi hất văng cái đuôi cát bay lên trời.

Em về nhà với mẹ nên thôi không khóc nữa, mẹ ngoài việc đạp máy may thêu thùa và làm khuy nút áo vest, áo chemise, mẹ còn khóc vì nhớ chị và đứt ruột nhìn chị từ xa. Mẹ tay bế em bé, tay dắt em đi Đà Nẵng đòi chị nhiều lần, mẹ khóc, chị ở đó chưa được đi học, đầu của chị nhiều chí. Rồi có lẽ lần ấy mẹ lại phải moi hết cả đoạn ruột đứt của mẹ bày ra cho bác nhìn thấy, mẹ dẫn được chị về. Mẹ suốt ngày sau đó bắt chí, ngày đã thế đêm mẹ chong ngọn đèn dầu bắt chí trên đầu chị suốt cả đêm, tính mẹ thích sạch sẽ mẹ sợ chị lây chí cho mẹ và hai em. Mẹ dắt chị đi xin học bằng lớp với em dù chị chưa biết chữ, mẹ dắt chị xin học lớp giáo lý rước lễ lần đầu khi em đã xong lớp ấy từ lâu. Em không biết chị đã ở Đà Nẵng mấy năm.

Chị đã xa nhà mấy năm ? Một tấm ảnh nữa có thể trả lời câu hỏi của em, ảnh này có lẽ lúc chị mới được trở về nhà, vì em mặc áo đầm mới, chị vẫn mặc chiếc áo cũ màu máu khô, chắc mẹ chưa kịp may áo đầm mới cho chị. Hai chị em dựa vai nhau cười tươi một bên là sóng biển, một bên là bãi cát dài, sau lưng vẫn núi đứng đó muôn đời đợi người về, chiếc áo đầm màu máu khô của chị bây giờ chị mặc đã ngắn trên đầu gối cả gang tay, khác với tấm hình có em cầm trái cam, khi đó áo chị dài qua đầu gối cũng một gang tay người lớn. Sau này nhiều lần em tự hỏi, vì sao mẹ cho chị con nít mặc chiếc áo màu máu khô, có lẽ ấy là màu máu của ba khi mẹ dắt hai chị em rưỡi nhìn ba một lần trong nhà xác, ba quấn khăn trắng quanh người, mắt ba nhắm ngủ rồi nhưng miệng ba biết ứa máu tươi khi vợ và hai đứa con rưỡi nhìn ba. Màu máu ấy có lẽ đã khô đi và ở lại trên áo đầm của chị.

Rồi mẹ lẩn thẩn bỏ thành phố lớn mang hai đứa con rưỡi đi ra phố biển, chưa kịp nhìn biển mẹ đã sinh ra em bé, mẹ đặt tên em mang ý nghĩa rất mát và rất trong, mẹ muốn cùng ba đứa con gái sẽ mát rượi trong ngần giữa thành phố có biển, có những con sóng bạc đầu đánh tan và cuốn trôi hết những ưu tư của mẹ, mẹ không biết lòng mẹ đã là biển bao la ôm cả các con vào lòng chỉ với đôi tay nhỏ, gầy. Đôi tay mẹ thêu may và làm khuy áo suốt ngày đêm, những chiếc khuy áo em chưa bao giờ thấy có ai làm đẹp như mẹ, nó đều đặn cứng cáp khép kín suốt chiếc khuy và mở ra cười rạng rỡ ở đầu chiếc khuy áo. Chiếc khuy áo cứng cáp như lòng mẹ đi đòi lại hai đứa con rồi khép kín bao bọc con mình và cuối cùng chiếc khuy áo biết cười khi nhìn mẹ và ba đứa con sum vầy.

Hàng ngày chị nhỏ xíu đã biết cơm nước quán xuyến việc nhà và chăm sóc hai em, tình yêu và lòng nhớ thương gia đình của chị suốt thời xa nhà chị gói chặt vào tim rồi đổ hết ra cho gia đình khi được về nhà, nước mắt khô của chị nay biến thành việc làm, chị hiền lành nhẫn nhịn như bà mẹ nhỏ thứ hai trong gia đình không có đàn ông, thật khác xa em chỉ biết khóc cười yêu thương theo cảm tính, chỉ biết chạy theo hoa cỏ và con chuồn chuồn. Em như vậy chẳng biết khi nào thì em lớn !

Phố biển bao dung nuôi dưỡng ba cô bé mồ côi dần trở thành thiếu nữ với da nâu ướp gió lộng biển khơi, tóc ướp mặn mùi thơm muối biển, vóc dáng hình hài sáng loà lồng lộng, ba chị em sải một bước dài từ trẻ con qua thềm thiếu nữ. Trên mỗi bước đi của ba chị em và mẹ có nhiều việc thay đổi, nhưng việc quán xuyến gia đình, chăm sóc mẹ và hai em chị không bao giờ đổi thay. Chị mười tám tuổi lấy chồng, trước khi chị theo chồng, em mười sáu chị vẫn tắm gội cho em, mái tóc em dài chị buộc nơ, thắt bím, em lừng lững đi đứng cao hơn chị vẫn ngồi yên cho chị chăm sóc, để mãi đến sau này khi em tóc đổi sang màu nắng còn nghe bạn nhắc lại một ngày xưa, em " loáng thoáng thon cao và rất yểu điệu quí tộc với dáng hình diễm lệ thoáng qua nhớ nhớ... quên quên..." Thật ra chỉ có chị mới hiểu em mong manh thế nào.

Và em yếu đuối thế nào, khi em đang trôi cùng chiều còn ngồi đây rơi nước mắt nhìn con nhỏ cầm trái cam trong tấm ảnh xưa, nhớ về lúc em quì gối và những chiếc gai nhọn đau đớn trong tim là lúc em bắt đầu biết chịu đựng, nhớ về màu tối đen trong chiếc rương cũ nhốt em là lúc lá gan em lớn hơn, cái đầu em cứng hơn, nhớ về con tôm kho mặn ngày xưa có thể là lúc bắt đầu, em biết nêm nếm gia giảm vị mặn ngọt chua cay đắng chát đời thường để trở thành người đàn bà nấu ăn ngon, dẫu là thế em không nấu nổi món hạnh phúc cho mình, để rồi cái đầu cứng cùng lá gan đủ lớn em tự cởi trói thoát ra khỏi khúc đời đắng ngắt. Em đã đục bỏ khúc đời xám, chỉ còn lại xa xăm màu đỏ sáng ngời trong suốt của chuồn chuồn ớt như những cánh hoa đỏ bay, và cô bé mặc váy hoa xanh gánh gánh hoa mười giờ tím đỏ, với dấu chân trên cát in dấu hỏi có cái đuôi cát văng lên trời.

Ở mãi đoạn cuối đời đang trôi, em, dấu hỏi, cùng con tim yếu mềm ướt át chìm trong yêu thương từ đâu đâu xa thăm thẳm... để bây giờ chị vẫn cầm chiếc nón che nắng cho em khi em mải chạy theo cỏ dại. Cỏ và tóc em nhạt phai, em chui vào bụi gai chụp tấm hình cỏ dại chỉ mình em mới hiểu.

  Thiên Thủy

Tháng bảy 2014.

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.