Chỉ mục bài viết

Nhà ngoại tôi, nằm trên Quốc Lộ số I; cạnh cầu Tân An, thuộc thôn Huỳnh Kim, xã Nhơn Hòa quận An Nhơn Bình Định. Nếu đi từ hướng Qui Nhơn lên chợ Gò Chàm, đi qua khỏi Tháp Bánh ít hơn nửa cây số, gặp xóm Gò Bắn là sắp đến nhà ngoại tôi, ba căn nhà ngói nằm liền nhau, bên kia là dòng sông Tân an .

Sau một thời gian rong chơi, đã đến thời điểm chúng tôi phải cắp sách đến trường. Mẹ tôi bàn tính với cậu mợ tôi: phải chuẩn bị cho chúng tôi đi học lúc đó tôi và hai anh họ tôi cùng xấp xỉ tuổi nhau nên đi đâu cũng đi cùng. Được biết ý định này tôi rất buồn vì sắp phải lìa xa những ngày thần tiên trên Biển Cát. Chúng tôi được gởi về nhà Ngoại tôi để theo học lớp vỡ lòng chuẩn bị cho chúng tôi vào trường công, niên khóa sắp tới. Ba anh em chúng tôi, sẽ theo học lớp vỡ lòng ở trường Ông Giáo Chín.

Ngôi nhà gạch đổ nát của Ngoại tôi, nay lại có thêm ba đứa trẻ nghịch phá leo trèo. Ngôi nhà cũ kỹ đổ nát; dấu tích của sự đập phá, loang lỗ. Theo lời kể lại ngày trước, ông cố Ngoại tôi là người bản xứ đầu tiên đứng ra hợp tác với người Pháp để kinh doanh về ngành dệt vải. Ngôi nhà này trước kia là một xưởng dệt vải ở vào thời Pháp thuộc. không ai ở miền này mà không biết đến Ông Thông Nhẫn. Đến thời Việt Minh nắm chính quyền, họ cho đập phá để tránh bom đạn hai bên. Vì thế chỉ còn chừa lại một gian, dùng làm nơi thờ phượng, một dãy nhà ngang làm chỗ nghỉ ngơi và một nhà kho nay làm chuồng gà.

Ba anh em chúng tôi đột nhiên mất đi những ngày tháng chơi đùa tự do nơi vùng Biển cát, giã từ những thân quen về sống nơi buồn bã này để đi học. Mặc dù đã được mẹ tôi hứa hẹn: mỗi tuần sẽ về thăm chúng tôi với những quà bánh mà chúng tôi ưa thích. Mẹ tôi còn sắm cho mấy bộ quần áo mới. Nhưng vì là lần đầu tiên xa nhà, xa mẹ... Từ nay hằng đêm tôi không còn cái cảnh nằm ôm lưng mẹ, nghe mẹ tôi kể chuyện, tay mân mê vú mẹ...cho đến khi thiếp dần dần vào giấc ngủ thần tiên. Nước mắt tôi lại tiếp tục chảy dài....khi mỗi lần ai nhắc đến tên mẹ .

Những ngày mới đến, mỗi sáng mỗi chiều, tôi cứ ra ngồi ở bậc tam cấp trước nhà ngoại mắt dõi nhìn những chiếc xe lam, những chuyến xe ô tô buýt đỏ chạy về hướng thị xã Qui Nhơn... tự nhiên nước mắt không biết từ đâu kéo về cho tôi kéo dài những cơn tức tưởi. Khóc mãi mà không thấy ai dỗ dành, tôi thường chui vào các xó cửa, khóc thầm một mình và thiếp đi lúc nào không hay biết. Đến bữa ăn, không thấy tôi, mọi người đi tìm kiếm, hễ vào các xó cửa là ngay chóc...

Hằng đêm ba chúng tôi ôm nhau ngủ trên nền gạch trước dãy nhà thờ. Đến bữa ăn dì Mai tôi, người con gái Út , thứ 14 của ngoại tôi, lúc đó dì khoảng 16 tuổi, dì phát cho mỗi đứa một tô cơm đã được chan nước cá kho, một khứa cá ngừ kho mặn hay nửa quả trứng vịt luộc, với tiêu chuẩn bằng nhau.

Thời gian này, chỉ cần có ai vô tình nhắc đên mẹ tôi là tức thì tôi bật khóc rất ư là thảm thiết và rất dai dằng vì thế tôi còn có thêm biệt danh là "con khóc dai". Hai anh tôi tuy cũng rất ưu phiền nhưng còn dũng cảm hơn tôi, thường chạy kiếm những trái ổi, trái khế, kiếm được đem đến cho tôi đỡ tủi thân vì còn được thấy có người quan tâm đến tôi.

Hằng ngày các anh tôi chuyền khắp các cây ổi,cây khế quanh vườn, nhặt nhạnh nhũng cây trái còn sót lại, còn nhiệm vụ của tôi là đứng dưới gốc cây đón lấy những phẩm vật thiên nhiên ban cho chúng tôi, lúc nào gói muôi ớt đỏ thắm cũng được tôi thủ sẵn trong túi áo. Đó chính là những món ăn mà chúng tôi có được trong thời gian này.

 

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.