Thật ra Qui Nhơn không phải là quê hương của tôi- cũng không phải là nơi tôi đã có thời gian sống lâu nhất, cũng chẳng có chàng trai xứ nẫu nào trở thành người yêu của tôi sau thời gian dài ca bài “em tan trường về anh theo ngọ về”, tuy nhiên không hiểu sao dù đã ở Sài Gòn đến hơn bốn mươi năm nhưng khi gặp người dân xứ nẫu nào tôi cũng thường hay được nhận là đồng hương đồng khói. Ngay cả ông trưởng khoa cơ bản của trường tôi, dù trong hồ sơ của tôi ghi nơi sinh là Nam Định, nhưng ông vẫn giới thiệu với các thày cô khác mỗi khi họp khoa rằng “ cô Thu là đồng hương của tui”

Có lẽ tại tôi một phần, vì năm học mới nào khi vào lớp trước khi nhìn vào danh sách sinh viên ( trongđó có ghi đầy đủ năm và  nơi sinh) tôi cũng vẫn thường hỏi hai câu:

- Ai theo đạo Công Giáo giơ tay lên

-Ai là dân Qui Nhơn, Bình Định giơ tay lên

Ngay cả khi ra chợ mua hàng hễ nghe giọng nẫu là tôi hỏi ngay ở huyện nào, thường là dân Phù Cát, Phù Mỹ hay vào bán trái cây ở chợ gần nhà tôi, đôi khi cũng gặp dân Tuy Phước hay Tây Sơn (phú phong), thế là tôi được mọi người nhận là đồng hương ngay, và tôi cũng vui vẻ dở ngay vốn liếng ngôn ngữ của mình để đáp trả như “ thâu đi, nói thách  dẩy sao mà mua, nói cho nẫu mua chớ bây” và còn nhiều chữ mang tính phương  ngữ như, thay vì nói câu: “ nói tầm bậy quá” thì tôi lại nói: “ bay nói bí dơ bí dửng quá  chừng đi”

Tôi thường được bạn bè ngộ nhận là dân nẫu, cũng chẳng hiểu tại sao lại như thế, tôi nhớ năm học đệ nhị ở Trinh Vương ( năm đó tôi làm tổng thư ký của trường), một lần trong buổi chào cờ sáng thứ hai tôi lên nói chuyện vể việc thi đua đóng góp tiền giúp cứu trợ bão lụt miền trung, sau khi vào lớp có mấy đứa bạn nói : “con nhỏ này điệu quá, bày đặt sửa giọng Bắc nữa”, tôi vô cùng ngạc nhiên và nói :sửa hồi nào, tao người Bắc chứ bộ, mà mắc mớ gì phải sửa giọng “ tụi nó trả lời : “ thì nói giọng Bắc cho sang” thế có chết người không chứ, thế ra lâu nay tôi nói giọng nẫu hay sao ( có lẽ vì cả đám bạn đều là dân nẫu nên tôi bị ảnh hưởng mà không haychăng ?)

Thật lòng mà nói thì Qui Nhơn không phải là quê hương, cũng không là nơi tôi sống lâu nhất, nhưng Qui Nhơn lại là nơi tôi sống trong khoảng thời gian đẹp nhất đời người,( tôi ở Qui Nhơn từ khi học lớp nhất là lớp cuối cùng của bậc tiểu học cho đến khi thi xong tú tài bán phần  mới vào Sài Gòn để học đệ nhất và đại học)

Nói như vậy để cho thấy ở Qui Nhơn tôi có cả tuổi thơ lẫn thời thiếu nữ với vô vàn kỷ niệm, và dù tôi chỉ học ở các trường chỉ toàn nữ sinh ngay từ năm lớp Ba, nhưng đám bạn thân thiết để có thể mày tao mi tớ và chia sẻ đủ thứ chuyện trên đời là con trai thì tôi cũng có hàng tá ( chúng tôi sinh hoạt chung trong các hội đoàn ở nhà thờ), và cái đám này là đám bạn thường cùng tôi và hai đứa con gái nữa hay ngồi ở Café Dung nơi góc đường Lê Lợi và Phan Bội Châu để nhâm nhi café đá không đường và nhìn mưa rơi

Cái thời của chúng tôi là thời còn chiến tranh, nhưng chúng tôi thì vẫn vô tư đến trường, chiến tranh chỉ hình như hiện diện bằng những trái hỏa châu bừng sáng đêm đêm và thi thoảng tin một thằng bạn phải nhập ngũ vì thi rớt tú tài ( đám bạn của tôi tuy mày tao mi tớ nhưng đứa nào cũng lớn hơn tôi vài ba tuổi).

Chúng tôi chỉ thấy không khí chiến tranh một chút là vào đầu thập niên 1970, khi bắt đầu cuộc chiến tranh hạ lào và sau đó thành phố xuất hiện một anh chàng mũ xanh ngồi trên xe lăn, cùng lúc với bài hát “ Em hỏi anh bao giờ trở lại, xin trả lời mai mốt anh về. . .” với tôi, bài hát này cũng có chút kỷ niệm vui vui, chả là con nhỏ bạn cùng lớp có anh chàng bạn trai học ở trường Sư Phạm QN, và trường Sư Phạm có tổ chức một đêm nhạc, có cả các thức uống để gây quỹ giúp các anh chiến sĩ hay thương binh trong các Quân Y Viện gì đó thì lâu quá tôi cũng quên . . .nhỏ này đi một mình ba mẹ không cho nên rủ tôi đi cùng, đó lần đầu tiên tôi uống trà Lipton và về nhà thức trắng một đêm ( vừa vì trà và cũng vì nhiều nỗi xuyến xao trong đêm văn nghệ đó…)

Bồ của con nhỏ bạn ở trong ban tổ chức và không biết nghe nó nói thế nào đó về tôi nên lên sân khấu giới thiệu và mời tôi lên hát một bài, quả thật thì tôi cũng hơi bối rối vì không biết trước và vì chủ đề của đêm nhạc là “Đêm Hạ” mà tôi thì chẳng nhớ ra nổi một bài nào có liên quan đến mùa hạ, trong khi đó khách mời là các sĩ quan và binh lính VNCH cũng khá đông, bất chợt tôi nhớ đến anh chàng mũ xanh, hàng ngày được người nhà đẩy xe lăn ngang qua nhà tôi hai buổi đi về, một chút lãng mạn thoáng qua, và tôi cũng chợt nhớ đến Thiếu tá Lê Hằng Minh của TQLC nên tôi hát bài Kỷ Vật Cho Em ( lúc đó bài này chưa in thành bài hát mà tôi chỉ nghe Khánh Ly hát trên Radio va Thái Thanh hát trên truyền hình mà thôi)

Với mái tóc dài bay bay trong gió cùng với chiếc áo dài lụa đen tay Raglan bằng ren, ánh đèn sân khấu mờ mờ và sự xúc động thật sự trong lòng khi  tôi hát “ anh trở về bằng chiếc bằng ca trên trực thăng sơn màu tang trắng . ..” không biết những người đêm đó có ai xúc động cùng tôi hay không, chỉ biết ngay sáng hôm sau khi tan học về, cả đám chúng tôi đang đi trên đường Gia Long thì có vài anh chàng chạy xe Honda gọi với theo “ Kỷ vật cho em, kỷ vật cho em . . .” ( có lẽ vì không biết tên tôi chăng, quả thật là cái thành phố QN của chúng tôi nhỏ bé quá chừng phải không ???)

Qui Nhơn với tôi là kỷ niệm một thời thiếu nữ, cái thời mà trái tim bắt đầu biết nhúc nhích vì yêu, nhưng thời chúng tôi vẫn còn nhiều e ấp trong lòng, vẫn còn thứ tình yêu cao thượng thà người phụ ta chứ ta không phụ người, tình yêu vẫn còn che giấu vì sợ mẹ cha, và vì thành phố quá nhỏ nên chẳng bao giờ dám sánh đôi với người mình thật sự yêu thương khi đi ra phố ( tôi như vậy đó, còn không biết các bạn tôi có ai dạn dĩ hơn không).

Đám bạn trai của tôi thì công khai hơn nhiều vì tôi đâu có yêu anh chàng nào trong đám đó, và cũng vì sợ có chuyện tình cảm mà tôi không chịu gọi ông nào bằng “Anh” mà chỉ mày tao mà thôi, mấy chục năm sau, khi tôi về Bình Định thay mặt cha mẹ để cưới vợ cho cậu em trai, bạn tôi đã chở chúng tôi trên chiếc xe 16 chỗ ra QN, trên xe chúng tôi kể đủ thứ chuyện trên đời, đa số là những chuyện thời chúng tôi còn ngồi đồng ở café Dung, cả những chuyện tôi lội mưa bì bõm ngang qua quán café Mây Tím.

Qua câu chuyện tôi mới biết quả thật lúc đó các chàng cũng có thích tôi trên mức tình cảm bạn bè nhưng vì thấy tôi có vẻ như đang chôn giấu một tình cảm nào đó  và vì tính tôi có vẻ con trai quá ( đi ăn uống với nhau, tôi ít khi để cho đám con trai trả tiền, tôi thường móc túi ngay nếu trong túi sẵn tiền, mà túi tôi thì luôn sẵn có tiền vì ba má tôi có mình tôi là con gái nên rất cưng, muốn gì được nấy), bạn tôi nói với đứa con trai út của tôi

•Mẹ con hồi đó láo lắm, mấy chú người nào cũng lớn tuổi hơn mà lúc nào cũng gọi mấy chú là thằng này , thằng kia và mày tao luôn, chẳng bao giờ gọi mấy chú bằng Anh , tôi nghe vậy trả lời ngay

•Ngu sao gọi mấy ông bằng anh, gọi bằng anhlỡ mấy ông cua tui sao, bạn tôi trả lời

•Em đúng là đồ khờ nghe Thu, của nào ăn thì ăn, của nào cúng thì cúng, em là “đồ cúng” đố cha thằng nào dám đụng vô
 
Trời đất, sao hồi đó ông không nói làm sao tui biết chớ

Ngu sao nói, nhưng tụi anh hợp đồng với nhau rồi, đứa nào nhắm cưới được em thì mới được nhào vô, còn không em là đồ cúng của cả bọn anh, đứa nào mà làm khổ em thì cả bọn sẽ không tha, nhờ vậy mà giờ này tụi mình vẫn còn tới giờ, dù nhiều năm không gặp.   Hồi đó cả bọn biết thằng Vy thương em, nhưng biết nó“ken” nên tụi anh chặn nó liền, em nhớ hồi đó nó đào ngũ về kiếm em không ( giờ này thì già rồi nên tôi mới chịu gọi đám bạn cũ bằng anh chứ chẳng lẽ mày tao hoài con cái nó cười cho, nhưng đặc biệt khi vợ hay chồng đứa nào hay ghen thì chúng tôi lại mày tao tiếp tục cho mấy ông chồng bà vợ đó bớt ghen đi)

Qui Nhơn của tôi đó, ký ức một thời của chúng tôi kể không bao giờ hết cả, cộng tất cả những năm tháng lang thang theo ba tôi khắp bốn vùng chiến thuật, lẫn hơn bốn mươi năm sống ở Sài Gòn cũng không thể nhiều kỷ niệm, nhiều chuyện kể bằng những tháng năm sống ở Qui Nhơn, với mỗi đứa bạn tôi lại có vài kỷ niệm thân thương, nên khi có dịp gặp và ngủ lại một đêm với nhau dường như cũng không đủ cho chúng tôi, có đứa là những chia sẻ về tình yêu của tụi nó mà có bàn tay tôi nhúng vào, có đứa thì cùng nhau ở nội trú và những nghịch phá thời trẻ con, có đứa thì sụt sùi thương nhớ, có đứa thì kỷ niệm khiến chúng tôi cười lăn, cười bò với nhau tới độ rớt xuống giường, lồm cồm bò dậy vẫn còn cười. Không làm sao kể hết chỉ trong vài trang giấy, thôi thì khi nào buồn tôi sẽ dở từng trang kỷ niệm của Qui Nhơn để chia sẻ cùng các bạn  đồng hương nhé.

Thôi nhé Qui Nhơn của một thời con gái
Nhớ nhung nhiều nhưng phải giữ trong tim
Bởi cuộc sống bon chen nhiều tục lụy
Trong tim ta, Em, một chốn đi về

  Phạm Thiên Thu



Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.