- Đăng ngày 09 Tháng 12 2011
- Lượt xem: 4865
Những vụ lừa đảo có hỗn danh là Ponzi bắt nguồn từ một chuyện đầu tư do Charles Ponzi khởi xướng từ năm 1919. Ponzi gọi vốn đầu tư vào những phiếu đổi tem ở ngoại quốc. Ngày xưa, khi gửi thư ra nước ngoài, người gửi thường kèm theo một phiếu tem để người nhận dùng gửi thư trả lời. Tiền mua phiếu tem ở nước ngoài thường rẻ hơn giá trị bưu phí trên mặt tem vì thế nếu mua những phiếu tem này ở ngoại quốc và đem về Mỹ chuộc lại thì số tiền lời thường gấp đôi, đôi khi hơn. Một phiếu tem giá trị không bao nhiêu nhưng nếu có tiền để mua lại thật nhiều thì số tiền lời thật đáng kể. Đây là lối giải thích về cách đầu tư của Ponzi. Anh ta hứa chỉ trong vòng 45 ngày, tiền lời sẽ là 50%và 100% trong vòng 90 ngày. Thế là thiên hạ nghe tin ùn ùn đổ tiền vào túi Ponzi. Ban đầu Ponzi làm ăn theo đúng như lời giải thích, dùng tiền đầu tư gửi ra ngoại quốc để mua phiếu tem và đem về Mỹ bán lại. Số tiền lời tăng vùn vụt, dư sức trả vốn và lời cho những người đầu tư, phần còn lại đủ bảo đảm cho Ponzi một cuộc sống vương giả. Thật ra lối làm ăn như thế hợp pháp, mua rẻ bán đắt, không có gì sai trái. Nhưng khi số tiền đầu tư tăng đến độ chóng mặt, Ponzi không đủ sức mua phiếu tem để trả tiền lời nữa. Và anh ta chợt nghĩ ra cách dùng tiền đầu tư của người sau trả tiền lời cho người đầu tư trước như đã hứa ban đầu. Sự lừa bịp bắt đầu từ đó nhưng không một ai nghi ngờ gì vì tiền lời vẫn được trả đầy đủ. Cứ thế, tiền đầu tư vẫn tiếp tục đổ vào công ty và mãi đến một lúc nào đó thì Ponzi không còn đủ sức trang trải tiền lời nữa và chuyện buôn bán đổ bể. Đến lúc đó mọi người mới bật ngửa ra vì tiền chẳng được đầu tư mà chỉ chạy từ túi người này sang túi người khác, một kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”. Ponzi bị truy tố ra tòa về tội gian lận bưu phiếu vào năm 1920 và ngồi tù. Mãn án, Ponzi bị trả về Ý năm 1934. Điều mỉa mai là vào lúc cuối đời, Ponzi chết tại Rio de Janeiro, Ba-tây (năm 1949) không có một xu dính túi đến nỗi phải đem chôn trong nghĩa trang thí của những người vô gia cư.
Madoff cũng lừa bịp những kẻ đầu tư bằng phương cách cổ điển như Ponzi. Lời rao bán rất đơn giản, đầu tư một số tiền và bạn sẽ nhận một tiền lời gấp đôi trong một thời gian ngắn, rất ngắn. Đành rằng có những kẻ xấu chuyên lợi dụng lòng tin của nhiều người để trục lợi nhưng tại sao có quá nhiều người u mê, lú lẫn đến mức không hề nhận ra những sơ hở của sự lừa bịp mà khi chuyện đổ bể ra có dịp nhìn lại mới nhận ra mình quá ngây thơ và cả tin đến độ không ngờ. Thêm một câu hỏi nhức nhối khác cứ dằn vặt nhiều người là tại sao vụ lừa đảo lên đến nhiều tỉ bạc lại có thể kéo dài một thời gian quá lâu như thế. Cơ quan FBI ước tính Madoff lừa mọi người bắt đầu vào khoảng thập niên 1980, tính đến tháng 12, 2008 khi nội vụ đổ bể, ông ta đã lừa đảo thành công trong khoảng 20 năm với số tiền đầu tư có thể lên đến 65 tỉ. Trong một thời gian dài như thế, không một ai thắc mắc hoặc hoài nghi sao có thể lời dễ dàng đến vậy? Đúng ra, những lời rao bán với tiền lời gấp đôi hoặc gấp ba rất dễ làm động lòng người. Người nghèo dĩ nhiên muốn có tiền, nhưng người giàu cũng muốn giàu thêm. Ai cũng muốn có thật nhiều tiền để tiêu xài cho thoải mái. Chính vì vậy mà mọi người tiếp tục đầu tư, tiếp tục đổ tiền vào tay Madoff để cuối cùng trở thành những nạn nhân của một cuộc lừa bịp vĩ đại nhất trong lịch sử tài chánh thế giới.
Madoff đã đánh đúng vào yếu huyệt của con người: lòng tham. Vâng, đơn giản chỉ có thế. Chính vì lòng tham mà từ ngàn xưa cho đến nay con người vẫn rơi vào bẫy sập của những kẻ khá sành tâm lý, vẫn là nạn nhân của những canh bạc bịp. Bài học đừng tham lam hình như con người không bao giờ muốn học, hoặc chẳng bao giờ học thuộc.
Tham lam là một tính xấu có lẽ đã xuất hiện ngay tự khi có con người trên trái đất. Trong vườn Địa đàng, con rắn đã khích động lòng tham của bà Evà muốn trở thành một người thông suốt mọi sự. Nó dụ dỗ: Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác. (Sáng thế ký, 3:4-5). Evà đã rơi vào bẫy sập của con rắn và tội nguyên tổ từ đó đổ lên đầu hậu duệ của ông bà. Những con rắn thời đại vẫn trườn bò nhan nhản trong đời sống hàng ngày với những lời dụ dỗ ngon ngọt êm tai, và bằng những món hàng hấp dẫn nhìn khó cưỡng. Vì tham lam, họ dùng lời lẽ gạt gẫm anh em để trục lợi. (Thư Phêrô 2, 2:3). Vì tham lam nên trong thế gian có những kẻ sẵn sàng lừa bịp nhưng cũng vì tham lam nên vẫn có người lắng tai nghe lời đường mật. Đừng vội lên án những kẻ lừa bịp nhưng hãy tự trách mình đã quá tham lam.
Tính tham lam được khuyến cáo trong cả Cựu ước lẫn Tân ước. Anh em phải biết rõ điều này: không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Ki-tô và của Thiên Chúa. (Êphêsô 5:5). Sự tham lam không chỉ giới hạn ở tiền bạc mà còn lan rộng đến nhiều lãnh vực khác như quyền lực, danh vọng, ẩm thực, sắc dục…v..v. Bất cứ những ham muốn vật chất nào vượt quá giới hạn đều xem là tham lam. Từ thèm khát trong tâm trí sẽ dẫn đến hành động làm thế nào để đáp ứng và thỏa mãn lòng tham lam. Và tội bắt đầu từ đó.
Đam mê là một hình thức tham lam trong tình yêu. Yêu say đắm, yêu cuồng nhiệt như ngọn lửa bùng lên mãnh liệt rồi vội tắt ngấm. Chẳng thà yêu vừa phải nhưng kéo dài những ngày hạnh phúc còn hơn là đam mê để rồi tình yêu chết yểu. Tham ăn dễ gây ra bội thực. Uống không điều độ sẽ gây ra bệnh tật. Tham lam về quyền lực, danh vọng khiến con người dễ dàng bán rẻ lương tâm. Tham lam về sắc dục sẽ gây ra những ước muốn xác thịt bất chính. Nhìn thấy phụ nữ là họ ao ước ngoại tình, họ phạm tội mãi không chán; họ nhử mồi các tâm hồn nông nổi; lòng họ đã quen thói tham lam. (Thư Phêrô 2, 2:14). Tham lam về tiền bạc khiến con người nô lệ vật chất, chọn vật chất làm ông chủ đời mình (đừng làm tôi hai chủ, xem Luca, 16:13), một hình thức tôn thờ ngẫu tượng trong thế giới hôm nay và dĩ nhiên khi tham lam vật chất họ sẽ keo kiệt với tha nhân. Kẻ có mắt tham lam thì không bằng lòng với phận mình, và keo kiệt làm cho tâm hồn ra cằn cỗi. (Huấn Ca, 14:9).
Thánh Phaolô có đề cập đến đến những tội dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén… (xem Ga lát, 5:19-21) nhưng lạ một điều là ngài không hề nói đến tính tham lam. Từ những tội này Giáo hội gom thành 8 tội theo mức độ nghiêm trọng từ nhỏ đến lớn: ham mê ăn uống, tà dâm, tham lam tiền bạc, nóng giận, buồn sầu, làm biếng, khoe khoang, và kiêu ngạo. Mãi đến thế kỷ thứ 6, Đức Giáo hoàng Grêgôri I rút gọn lại thành 7 tội nhưng ngài gộp chung buồn sầu và làm biếng việc đạo làm một, khoe khoang gộp với kiêu ngạo, và thêm vào tội ganh tị. Đó là (theo mức độ nghiêm trọng từ lớn đến nhỏ đi ngược lại luật Tình Yêu của Đức Giêsu): kiêu ngạo, ganh tị, nóng giận, buồn sầu, tham lam, ham mê ăn uống, và tà dâm. Đến thế kỷ thứ 7, Giáo hội thay thế tội “buồn sầu” bằng “làm biếng việc đạo”.
Đến nay, ai cũng biết đó là Bảy Mối Tội Đầu. Gọi chúng là “tội đầu” vì đó là căn nguyên đưa đến những tội khác nghiêm trọng hơn. Để khuyến khích giáo dân sống ngay lành, Giáo hội cũng liệt kê những nhân đức đi ngược lại với những “tội đầu”: Khiết tịnh (#Tà dâm), Điều độ (#Ham mê ăn uống), Rộng lượng (#Tham lam), Siêng năng (#Làm biếng), Kiên nhẫn (#Nóng giận), Hiền hậu (#Ganh tị), và Khiêm tốn (#Kiêu ngạo). Sách Giáo lý Công giáo bản tiếng Việt đã gộp chung những “Tội đầu” và những “Nhân đức” lại mà chúng ta thường đọc trong ngày lễ Chủ nhật: Khiêm nhường chớ kiêu ngạo, Rộng rãi chớ hà tiện, Giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục, Hay nhịn chớ hờn giận, Kiêng bớt chớ mê ăn uống, Yêu người chớ ghen ghét, và Siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng.
“Rộng rãi chớ hà tiện” chính là nói đến tội tham lam. Trở lại vấn đề khủng hoảng tài chánh, chính lòng tham của nhiều người đã dẫn đến sự phá sản của hệ thống ngân hàng. Nguyên do bắt đầu từ năm 2000, năm thị trường chứng khoán tuột dốc. Nhiều người khánh tận vì cơn lốc chứng khoán và cũng chính lòng tham, ai ai cũng đổ dồn vào cuộc đỏ đen. Trong suốt năm 1999, hễ ngồi xuống là thiên hạ hứng khởi bàn chuyện chứng khoán vì hôm nay mua một ngày mai đã thấy lời mười mặc dù hầu hết chẳng một ai hiểu gì về cổ phần, đầu tư dài hạn, ngắn hạn, thả nổi... toàn những danh từ chuyên môn mà cần phải có một kiến thức chuyên biệt mới hiểu được cặn kẽ để đầu tư cho đúng cách. Lòng tham đã kích thích mọi tầng lớp trong xã hội, từ kỹ sư tới bác sĩ, từ thợ cắt tóc đến thợ làm vườn, từ tiểu thương tới đại thương gia, đổ hết tiền tiết kiệm vào thị trường chứng khoán. Vì mọi người đổ dồn tiền vào mua cổ phiếu nên thị trường nên theo luật cung cầu, giá mua tăng vùn vụt. Giá mua tăng phi mã hàng ngày nên ai bỏ tiền vào đều có lời, lời xổi. Càng có lời lòng tham con người càng tăng theo với tốc độ phi mã.
Nhưng cuộc vui nào cũng có lúc tàn. Đến một lúc nào đó giá cả tăng đến tột đỉnh, giới tài phiệt đổ hàng triệu cổ phiếu ra thị trường bán sạch đem về mức lợi nhuận cao nhất. Lại theo luật cung cầu, số cổ phiếu bán ra quá nhiều trong một thời gian ngắn nên giá bán tuột dốc thê thảm. Nếu không có lòng tham, đem bán đi lúc này thì cũng còn gỡ lại chút vốn nhưng không, ai cũng cố giữ cổ phần với hy vọng thị trường sẽ có ngày vinh quang trở lại. Có kẻ lấy tiền lời từ căn nhà đổ tiếp vào thị trường chứng khoán. Nhưng giữ đến một lúc nào đó đành phải bán nhà vì giá cổ phần cứ tuột dần xuống đến số không. Cái ngày “con tim đã vui trở lại” mọi người đang ngóng chờ thật sự chẳng bao giờ đến. Thế là trắng tay.
Sau đợt khủng hoảng chứng khoán, nền kinh tế xuống dốc thê thảm. Cơ quan Dự Trữ Liên Bang phải giảm tiền lời bách phân xuống để tạo điều kiện vay mượn dễ dàng giúp nền kinh tế phục hồi. Hai chiếc máy bay phản lực bọn khủng bố lái đâm vào tòa Tháp Đôi ngày 9 tháng 11 là một cú đấm vào trọng huyệt của nền kinh tế Hoa kỳ vốn đang ngắc ngoải khiến nó lao đao gần như ngã quỵ. Cơ quan Dự Trữ Liên Bang lại giảm tiền lời bách phân xuống đến mức tối đa để khuyến khích đầu tư, vay mượn. Vì tiền lời xuống quá thấp người ta đổ xô nhau đi làm lại nợ nhà với mức tiền lời bách phân thấp hơn. Cũng trong thời gian này, chương trình “xóa nghèo” được nối dài từ thời TT Clinton sang đến chính quyền Bush bắt đầu có hiệu quả. Chương trình này nhằm mục đích khuyến khích những người ăn tiền trợ cấp (wellfare) dần dần tự lập về tài chánh bằng cách mạnh dạn bung ra kiếm việc làm. Nền kinh tế phồn thịnh (1997-1999) đã tạo ra những công việc cho những người nghèo với số lương căn bản. Dĩ nhiên, ban đầu họ không đủ chi tiêu nhưng chính phủ sẽ chu cấp phần thiếu hụt. Chính phủ vẫn tiếp tục chu cấp cho đến khi những người nghèo hoàn toàn tự lập được về tài chánh. Ngoài ra, chính phủ còn đặt ra những đạo luật như chương trình trả lại thuế cho người nghèo (Expand the Earned Income Tax Credit = EITC), nhằm tăng quỹ tiết kiệm của mỗi gia đình. Theo báo cáo của Tòa Bạch ốc thì tính đến năm 1998 chương trình trả thuế này đã giúp 4.3 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Không những thoát khỏi cảnh nghèo đói mà họ còn để dành được một số tiền khá lớn tích lũy theo thời gian. Từ số tiền tiết kiệm này, họ sẽ có cơ hội đặt tiền cọc và làm chủ một căn nhà qua sự giúp đỡ của cơ quan U.S. Housing and Urban Development Department. Tiền lời giảm xuống quá thấp là một cơ hội bằng vàng giúp nhiều người nghèo với số tiền dành dụm qua sự giúp đỡ của chính phủ có thể làm chủ được một căn nhà.
Thế là mọi người đổ xô đi mua nhà và làm lại nợ nhà vì tiền lời bách phân xuống quá thấp. Lại theo quy luật cung cầu, khi có nhiều người mua thì giá bán tăng. Chỉ trong vòng vài năm (2002 – 2006), giá nhà ở Thung lũng Hoa Vàng nhân gấp đôi, có vùng tăng gấp ba. Một căn nhà trị giá 200 nghìn chỉ sau vài năm giá trị tăng đến 600 nghìn. Thế là người ta ùn ùn kéo nhau đi mua… thêm nhà.
Thấy giá nhà tăng vùn vụt, giới trung lưu (những người đã làm chủ được một căn nhà) động lòng tham. Sau khi làm lại nợ, số tiền trả ngân hàng hàng tháng giảm xuống giúp họ có thêm tiền tiết kiệm. Thêm vào đó, vì giá nhà tăng bất ngờ, tiền lời thặng dư (equity) trên căn nhà họ đang ở cũng tăng vọt. Do đó họ dễ dàng rút số tiền này ra để mua thêm nhiều căn nhà khác. Làm sao mà một cặp vợ chồng làm vừa đủ tiền để trả nợ nhà hàng tháng, đủ nuôi con, và dư giả chút đỉnh lại có thể làm chủ nhiều hơn là một căn nhà? Xin thưa ngay là nhờ sự tiếp tay của nhiều thành phần khác trong quá trình mượn nợ mua nhà. Nên biết rằng quá trình xét duyệt một hồ sơ mượn nợ phải trải qua nhiều giai đoạn, và nhiều giấy tờ chứng minh tình trạng tài chánh khá nhiêu khê. Nào là điểm tín dụng phải cao (credit point), cuống ngân phiếu trả lương (pay stub) chứng thực mức thu nhập, nào là tờ báo cáo trương mục trong 3 tháng gần nhất (bank statement), tất cả số tiền nợ hiện hành… Với số tiền lương của hai vợ chồng ký cóp hàng tháng, may ra chỉ có thể làm chủ thêm một căn nhà nữa là cùng. Thế mà có gia đình vẫn làm chủ một lúc 5 căn nhà.
Ngân hàng tạo điều kiện cho những người muốn mua thêm nhà bằng cách có những chương trình cho vay đặc biệt, gọi nôm na là subprime lending. Thật ra, chương trình này giúp những người có điểm tín dụng thấp không đủ điều kiện để mượn nợ có cơ hội mua nhà với sự rủi ro rất cao về phía ngân hàng vì người mua có thể không đủ khả năng trả nợ nhà hàng tháng. Do đó, người mua phải chịu một mức tiền lời cao hơn bình thường (bù vào rủi ro mà ngân hàng chịu), và nhân viên làm nợ nhận một khoản tiền thù lao nhiều hơn thù lao của những hồ sơ hợp tiêu chuẩn. Chưa bao giờ nhân viên tín dụng lại bận rộn với đống hồ sơ vay mượn đến thế. Có người trong một ngày có thể hoàn tất (funding) vài ba hồ sơ mượn nợ. Tính đổ đồng một hồ sơ vay mượn tiền thù lao lên đến hai nghìn, như thế một ngày họ kiếm về năm đến sáu nghìn. Những người giỏi việc, thu nhập của họ có thể lên đến vài trăm ngàn mỗi tháng.
Vì lòng tham, người mua sẵn sàng rút tiền lời thặng dư (equity) để mua thêm nhà. Tĩnh từ tham lam được cải dạng thành một động từ khác nghe êm tai hơn: đầu tư. Và không còn gì bằng đầu tư vào thị trường địa ốc. Nhân viên làm nợ lại lạm dụng chương trình subprime để giúp người mua. Những ngân hàng nhỏ khi đổ vốn cho vay cũng không cần xét duyệt hồ sơ kỹ càng vì họ chỉ giữ số nợ này trong vòng vài tháng và đem bán lại các ngân hàng đang sẵn vốn tiết kiệm đang chờ cơ hội đầu tư, bán luôn sự rủi ro và lấy về một số tiền lời. Ngân hàng lớn cho vay những món nợ lớn, ngân hàng nhỏ cho vay nợ nhỏ. Chưa bao giờ ngân hàng lại bận rộn đổ tiền vào thị trường địa ốc đến thế.
Ngày càng nhiều người đổ xô đi mua (thêm) nhà, giá nhà càng tăng. Những người may mắn mua nhà ngay lúc đầu của cơn dịch nhà cửa, giờ này giá nhà đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Họ lại đem tiền thặng dư mua thêm nhà nữa, căn thứ tư, thứ năm không chừng. Càng nhiều người mua, nhân viên làm nợ và đại diện công ty tín dụng càng thêm dễ dãi trong quá trình duyệt xét. Tiền vay mượn đổ vào thị trường địa ốc nhiều đến nỗi có những công ty tín dụng hết… tiền.
Giá nhà vượt quá giá trị thực thụ chỉ trong một thời gian ba bốn năm. Như một hòn đá ném lên cao, đến một thời điểm không lên được nữa, hòn đá phải rơi trở lại mặt đất nhưng rơi với một gia tốc chóng mặt như định luật rơi tự do trong vật lý. Do đó, chỉ trong vòng một năm, giá nhà tuột dốc nhanh hơn thời gian phình lớn giả tạo. Khi giá nhà rớt, nhiều người hốt hoảng bán nhà. Chính sự hốt hoảng này lại càng làm giá bán rơi nhanh hơn như đổ thêm dầu vào ngọn lửa vốn đã cháy rụi lòng tin. Ngày càng có nhiều người đem rao bán trên thị trường địa ốc với giá rẻ không ngờ.
Vì bán thốc bán tháo nên bất cứ giá nào cũng bán để mong lấy về chút tiền lời hoặc cùng lắm lỗ chút ít. Giá nhà do đó lại càng tuột dốc thê thảm. Cái xui là vận mệnh kinh tế lại rơi đúng vào thời kỳ suy thoái nên nhiều người thất nghiệp. Vì mất việc nên không đủ tiền trả nợ nhà hàng tháng. Nếu sở hữu một căn nhà thì khi thất nghiệp vẫn còn khả dĩ kham được nhưng làm chủ đến ba bốn căn thì không thể nào chịu đựng nổi. Vừa không bán được nhà, nhà dư không có người thuê, lại không đủ tiền trả nợ ngân hàng nên giải pháp cuối cùng là “bỏ của chạy lấy người”.
“Bỏ của chạy lấy người” nghĩa là bỏ nhà cho ngân hàng kéo. Nói nôm na là cho không ngân hàng và mất hết kể cả tiền đặt cọc lúc ban đầu. Có người vừa mất cả những căn mua thêm đã đành mà ngay cả căn nhà chính gia đình đang ở cũng đành mất chỉ vì lấy tiền lời thặng dư ra nên giờ này tiền nợ căn nhà chính tăng lên gấp bội. Thế là một lần nữa lại trắng tay. Chỉ riêng năm 2008, số nhà bị ngân hàng tịch thu đã lên trên 3.1 triệu căn, trực tiếp ảnh hưởng đến 861.664 gia đình. Năm 2009 cũng chẳng khá hơn, số nhà bị tịch thu cũng trên 2 triệu căn. Ba tiểu bang có số nhà bị ngân hàng kéo nhiều nhất là Nevada, Florida, và Arizona. Vùng Stockton ở tiểu bang Cali bị nặng nhất với tỷ lệ 9.5%. Las Vegas đứng thứ nhì với tỷ lệ 8.9% và San Bernardino (cũng Cali) xếp hạng thứ ba với tỷ lệ 8%. Tiền bạc gầy dựng trong bao nhiêu năm chỉ qua hai lần (chứng khoán và địa ốc) để lòng tham chế ngự tâm trí mà trở thành công dã tràng. Ôi! Giấc Nam Kha thật quá bất bình.
Số tiền nợ mất sạch nên nhiều ngân hàng không còn vốn luân chuyển đành phải khai phá sản. Tháng 9, 2008 công ty tài trợ dịch vụ Lehman Brothers Holdings khai phá sản với số vốn 613 tỉ đồng thời kéo theo sự sụp đổ của công ty bảo hiểm American International Group (AIG) khi những nhà đầu tư khám phá AIG cũng mua lại nợ subprime. Theo nguồn tin từ bankrates.com, chỉ riêng trong năm 2009, số ngân hàng khai phá sản lên đến 137 với tổng số tiền vỡ nợ trên 58 tỉ. Đòn chí tử cuối cùng đánh vào hệ thống ngân hàng là có những người nhạy bén với thời cuộc, khi giá nhà vừa xuống, họ lấy hết tiền lời thặng dư (equity) trên mỗi căn nhà và rồi khai phá sản. Tính trung bình mỗi căn họ lấy về trên dưới 100 nghìn, với quyền sở hữu chừng vài căn nhà, họ đã lấy không gần nửa triệu bạc. Làm sao những chủ nhà lại có thể lấy hết tiền lời thặng dư nhiều đến như vậy? Thưa lý do cũng vì sự tắc trách và lòng tham của nhân viên làm nợ, của ngân hàng nên đã không xét duyệt hồ sơ kỹ càng. Những nhà kinh tế tiên đoán sẽ còn rất nhiều ngân hàng bị phá sản nữa và có thể kéo dài đến giữa năm 2010.
Nếu chỉ tính số phận chừng vài triệu người bị lâm vào cảnh trắng tay thì cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế vì số tiền nợ mất tính ra chỉ chừng 600 – 700 tỉ. So với tổng sản lượng của Hoa kỳ lên đến chục ngàn tỉ thì sự phục hồi nền kinh tế sẽ không mấy khó khăn. Nhưng sự phá sản của hệ thống ngân hàng kéo theo sự lừa bịp của một số người bán rẻ lương tâm như Madoff, Stanford đã đánh mất niềm tin của kẻ tiêu dùng. Khi niềm tin của dân chúng xuống dốc một cách thảm hại thì nền kinh tế sẽ rất khó có cơ hội vươn lên.
Đành rằng dân chúng là những nạn nhân trong những canh bạc bịp vĩ đại nhưng chính lòng tham của họ cũng góp phần vào việc đưa đến tình hình kinh tế khủng hoảng hiện nay. Trong kinh Lạy Cha có câu, “xin cho chúng con lương thực hàng ngày…” nên hiểu như một lời khuyến cáo chớ tham lam của cải đời này và càng nên suy gẫm lời của thánh Luca: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu". (Luc, 12:15).
Hạ Ngôn