Bài này in trong tập tiểu luận Nghĩ về văn học hải ngoại do Văn Mới xuất bản năm 2004 tại California, USA.

Ðọc Truyện Kiều, có lẽ không ai quên được chiều Thanh minh ba chị em Kiều đi tảo mộ. Mặc dù Nguyễn Du đã báo trước cho mọi người biết câu chuyện ông sắp kể thuộc vào loại chuyện “đứt ruột”, “bể dâu”, “trông thấy mà đau đớn lòng”, nhưng buổi chiều xuân mở đầu câu chuyện đứt ruột ấy sao mà mênh mông, thanh thản, trong vắt. Bầu trời xanh cao. Cỏ non phơi phới ngút mắt, dàn đến tận chân mây. Hoa lê điểm trắng. Người người nô nức, chen nhau tận hưởng tất cả sắc đẹp và sức sống của mùa xuân. Ðó là cảnh trí làm nức lòng, không phải cảnh trí làm người ta chau mày, nói chi đến những “đứt ruột, dâu bể”.

Dấu báo hiệu bao nhiêu tai ương cho Thúy Kiều trong buổi chiều xuân hôm ấy, không phải là nấm mồ bị đời bỏ quên của Ðạm Tiên, mà là những cánh én.

Như một người đưa thư vừa mang cả tin buồn lẫn tin vui, chim én vừa báo hiệu mùa xuân, vừa nhắc nhở cho mọi người trần thế nhớ rằng: “lại thêm một năm mới”, “thêm một tuổi đời”, “con đường một chiều từ quá khứ tới vị lai cùng nghĩa với sự mất mát, tiếc nuối, hối hả, hoang mang, lo âu, thống khổ”. Người đưa tin không chịu trách nhiệm về những gì họ mang tới, những cánh én cũng vậy.

Những người vui mừng suy diễn én là tín hiệu của mùa xuân thường đông đảo, và trả giá đắt cho ngộ nhận ấy. Vồ vập tận hưởng hạnh phúc trước mắt, mọi người thường quên rằng cánh én không làm nên mùa xuân, chưa nói đến câu hỏi phải đặt ra là liệu mùa xuân ấy có thật hay không. Mùa xuân giả định ấy, ngay tức khắc, tạo ra một nỗi hoang mang. Có thì sợ mất. Có mà không dám tin là đang có, và có mãi. Có mà ngờ như không có thực. Chính Thúy Kiều cũng băn khoăn tự hỏi:

Biết bây giờ là bao giờ
Rõ ràng trước mặt còn ngờ chiêm bao.


Hạnh phúc “bây giờ” kéo dài được đến “bao giờ”? Kinh nghiệm tích lũy trong vô thức truyền từ đời này sang đời nọ dạy cho người ta bài học về sự mong manh của hạnh phúc trước mắt. Không cần những trí thức uyên bác, không cần trí thông minh quán chúng, một người bình thường cũng biết cái vui như gió thoảng, và những dư âm xót xa còn lại sau cái vui là thành sầu. Cho nên tận hưởng mà lòng thắc thỏm.

Cảm giác phức tạp ấy dù sao cũng để lại những dấu ấn đậm đà trong trí nhớ. Qua thời gian, những thắc thỏm lo âu chờn vờn trên mùa xuân nhạt đi, người ta xem giai đoạn đời có cánh én bay trên trời cao xanh, cỏ non ngút mắt chân mây... ấy là thời hoàng kim của mình. Tuổi xuân qua đi, cái thời hoàng kim đó càng trở nên một gánh nặng. Như “chút nghĩa cũ càng” từng làm khổ đời Kiều suốt mười lăm năm lưu lạc, mọi người cứ ôm lấy cái quá khứ vàng son ấy mà than thở, mà tiếc nuối. Nó định chuẩn mọi xét đoán, mọi hành động. Người ta cố lặp lại những khuôn mẫu cũ, dù hiện tại đã khác. Hãy nhìn một kẻ thất thế sa cơ cư xử trong một hoàn cảnh bất như ý. Anh ta không chịu sống cho đúng với những ràng buộc của đời sống trước mắt. Anh ta ăn mặc, đi đứng, phát biểu như một ông hoàng. Anh ta làm nhiều người khó chịu. Anh ta say sưa kể lại những điều không ai còn muốn nghe. Anh chỉ sống thoải mái trong cái thế giới mộng mị của thời hoàng kim, và biến cuộc đời anh, cuộc đời những người thân thuộc quanh anh, cuộc đời bạn bè anh thành địa ngục. Cánh én giả tưởng của một thời xa xưa chưa phải là mùa xuân, nhưng qua tưởng tiếc, cánh én ấy trở thành cánh quạ đen chờn vờn đe dọa. én không báo mùa xuân mà trở thành báo bão!

Có những người nhìn xa hơn, không nhìn én như dấu hiệu mùa xuân, mà như một giai đoạn trong cuộc tuần hoàn. Nghĩa là hiểu nguyên vẹn toàn thể bốn chữ trong thơ Nguyễn Du: “con én đưa thoi”.

Cách nhìn này chấp nhận sự biến chuyển không ngừng của đời sống, hiểu rất rõ những ngọn cỏ non xanh mướt trong chiều thanh minh chỉ xanh mướt có một mùa. Trên nấm mồ hoang của Ðạm Tiên, cỏ xanh chen lẫn với cỏ khô cỏ áy của những mùa xuân cũ. Chấp nhận ý nghĩa “đưa thoi” của cánh én là chấp nhận có sinh phải có lão, có bệnh, có tử. Chấp nhận sự thực hiển nhiên ấy, thật dễ. Nhưng sống cho đúng với chân lý hiển nhiên không dễ chút nào. Tất cả tôn giáo, triết lý, nghệ thuật, văn chương từ xưa tới nay, bằng nhiều phương cách khác nhau, đều có mục đích giúp cho người đời dễ dàng nuốt viên thuốc đắng ấy: giải thích cho được những phi lý bất trắc trên đường đời, an ủi những kẻ yếu đuối bệnh tật, giúp cho kẻ sắp từ trần một chuyến ra đi an lạc...

Tuy nhiên, tất cả những cố gắng nói trên, như “con én đưa thoi”, đều chỉ chạy vòng! Thoát ra khỏi cái vòng luân hồi miên viễn ấy mới thoát khỏi những cánh én chờn vờn của những mùa xuân giả.

Nguyễn Mộng Giác

Nguồn: http://nguyenmonggiac.info
  
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.