- Đăng ngày 03 Tháng 1 2010
- Lượt xem: 7596
(Thày Vũ Linh Châu là người dạy văn của mình năm lớp đệ thất- chính nhờ Thày mà mình và nhiều bạn cùng lớp đã có một tâm hồn tràn đầy chất thơ sau này- Trân trong giới thiệu với các bạn bài viết của Thày- những kỷ niệm của Thày khi dạy ở TV. Phạm Thiên Thu)
Nghề giáo, được coi là một nghề bạc bẽo, bị gọi mỉa mai là nghề Bán Cháo Phổi. Nhưng tôi thì may mắn hơn rất nhiều, vì đã được bán cháo phổi tại một tiệm ăn mà khách hàng toàn là các thiếu nữ xinh tươi mơn mởn, giống như là được thơ thẩn trong một vườn hoa đủ mầu đủ sắc, suốt 15 năm trời. Vào lính mất hơn hai năm rồi lại được cho về dậy học lại, tiếp tục bán cháo phổi cho... con gái. Như là đang được giao cho chăm sóc một khu vườn đặc biệt với muôn ngàn đóa hoa xinh tươi mĩ miều. Sở dĩ tôi trụ ở ngôi trường dễ thương đó được lâu như vậy, có lẽ nhờ tôi luôn luôn biết thân biết phận kẻ làm vườn của mình. Kẻ làm vườn, nếu chỉ nhìn ngắm các bông hoa bằng mắt, thì đâu có ai thèm rầy la trách cứ làm gì, đâu có ai nghĩ đến chuyện cho mình lay off. Câu chuyện càng rắc rối phức tạp hơn nữa vì ngoài việc đứng lớp dậy học, tôi còn được giao cho công tác điều khiển Hiệu Đoàn nữa. Dậy học, hết giờ là ai về nhà nấy, nhưng với các công việc của Hiệu Đoàn, không thể tránh khỏi các gần gũi và tiếp xúc riêng tư. Thế mà tôi đã cầm cự được tới...15 năm. Có lẽ tại vì tôi luôn luôn suy nghĩ rằng nếu có lỡ dại, thì đâu phải chỉ có một mình mình chịu, mà nó còn liên lụy tới cả một Hội Dòng, cả một tôn giáo nữa.
Hình như tôi đang nghe văng vẳng đâu đây nhiều giọng oanh vàng của các độc giả phái đẹp, đang thúc gịục tôi thành thật khai báo đi. Thôi thì...khổ lắm ... vâng. Vâng... tôi không có tài làm thơ, nhưng lại thuộc một vài câu thơ nhái của một thi sĩ miền quê nào đó để thỉnh thoảng ngâm nga một mình. Rất khẽ, chỉ vừa đủ cho một mình mình nghe mà thôi.
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
(Hàn Mặc Tử)
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cả tôi.
Kiếp sau tôi quyết thôi nghề giáo
Để tránh cho ai một chữ thầy.
Đã vậy, thật là khổ cái thân tôi, một ông thi sĩ nổi danh nào đó, hình như cũng lại là Ông Thi sĩ gốc gác tại Bình Định Qui Nhơn đó thì phải, lại chẳng thèm bóng gió xa gần gì cả:
Biết đâu trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ yêu mình chẳng nói ra.
Rất may là tôi cũng thuộc cả câu ca dao này nữa:
Ai ơi, chớ lấy học trò...TV.
Đọc xong mấy vần thơ lẩm cẩm, phảng phất câu chuyện lòng... thòng trên đây, chả biết có được một nụ cười thông cảm bao dung nào không. Nhưng mà, lại lỡ nữa rồi, tới luôn lần chót đi bác tài.
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở.
Đời hết vui khi đã vẹn câu thề.
...
Giữa tuổi thanh xuân, trong suốt 15 năm trời, số mạng đã ném cuộc đời tôi vào giữa một thế giới đàn bà, một thế giới toàn là các tiên nữ xinh tươi ngoan hiền, nhưng mỗi người, nghe nói lại có tới ... 6 giác quan lận. Nếu hồi đó lỡ dại mà táy máy tay chân thì chạy đường nào cho thoát, bị đuổi ra khỏi Vườn địa đàng ngay lập tức rồi, và hôm nay đâu còn thơ thơ thẩn thẩn như thế này được nữa.
Nhưng mà nếu có vẹn câu thề một cách đàng hoàng chính chính, công khai minh bạch, thì chắc là ngay từ hồi đó, đời cũng đã hết vui đi rất nhiều rồi. Nói chi tới ngày hôm nay, trên trang giấy này, trong đám xuân xanh ấy, đâu có còn phảng phất một chút gì đó, để mà quên quên nhớ nhớ, để mà vu vơ lẩn thẩn như thế này được nữa...
Thôi, bây giờ nói chuyện đàng hoàng, giống như ngày trước đi.
Mục đích của ngôi trường đó là để đào tạo nên những người phụ nữ Khôn & Ngoan (vừa Khôn vừa Ngoan). Cho nên thỉnh thoảng hãy nhắc cho con cháu rằng ngày xưa, khi còn đi học, trước khi vào lớp, ngày nào Bà Ngoại (Bà Nội) cũng phải cầu kinh thế này:
“Lạy Chuá, xin cho chúng con biết chăm chỉ học hành, rèn luyện tư cách chúng con, trau dồi tâm hồn chúng con bằng những đức tính tốt, để chúng con có đủ khả năng giúp ích cho bản thân, cho gia đình và cho Tổ Quốc chúng con. A men.”
Xong rồi từ từ, mỗi ngày giải nghĩa cho các cháu từng điểm một, để con cháu cũng vừa Khôn vừa Ngoan giống như Bà Nội, Bà Ngoại ngày xưa.
Tôi cũng đã giới thiệu cho hết lớp này tới lớp khác câu chuyện “Em vẫn chờ Anh trong nghĩa nặng Vợ Chồng” của Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Biết đâu nhờ vậty mà chả có nhiều vị, sau mười mấy năm tù tội, khi về đến nhà thì thấy bà xã hân yêu vẫn còn đang chờ đợi mình trong nghĩa nặng vợ chồng.
Vũ Linh Châu