alt

Đức Khổng dạy các đồ đệ của ông về Ngũ Thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín mà đứng đầu là Nhân – lòng yêu người. Đức Phật khuyên chúng sinh yêu tha nhân, đồng loại: Dù xây chín bậc phù đồ, Không bằng làm phước cứu cho một người. Cả 10 điều răn của đạo Công giáo chỉ tóm lại 2 điều duy nhất: Mến Chúa và Yêu Người. Thánh Phaolô cũng luôn cổ võ một lòng nhân từ, bác ái trong suốt thời gian đi rao giảng cũng như trong các thư Ngài gửi đến cho các cộng đoàn. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì…  Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. (1Côrintô 13:2,13). Những đứa trẻ trước 75 được dạy bảo trong suốt bậc Tiểu học về tình đồng loại qua những câu ca dao, tục ngữ của cha ông để lại như: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng hoặc, Lá lành đùm lá rách…

Những đứa trẻ lớn lên ở phương Tây cũng thấm nhuần một tình yêu thương đồng loại như thế. Môi trường gia đình, trường học, và xã hội đều cổ võ một lòng yêu thương không biên giới đối với những người kém may mắn. Những gương lành nổi bật thấy nhan nhản trên hệ thống truyền thông. Có những vị bác sĩ bỏ cả cuộc sống nhàn hạ để hòa mình sống với bệnh nhân AIDS ở Phi châu. Bác sĩ Albert là một ví dụ điển hình. Ông thành lập một bệnh viện miễn phí ở Gabon, Phi châu để giúp đỡ những kẻ đau yếu không có điều kiện chữa bệnh. Vừa là thầy thuốc, vừa là nhạc sĩ, vừa là nhà thần học kiêm triết gia, ông đã cống hiến quãng đời còn lại để săn sóc những bệnh nhân ở vùng xa xơi hẻo lánh nhất của nước Gabon. Còn bác sĩ Mark Jacobson thì sao? Nguyên cả gia đình ông gồm vợ và 4 đứa con gái tuổi từ 7 đến 13 đến sinh sống ở Tanzania, Phi châu để chăm sóc cho các bệnh nhân xấu số. Cô con gái lớn nhất 13 tuổi tình nguyện làm việc thiện nguyện tại nhà thương sau những giờ học hành. Còn bà Linda Jacobson cũng tình nguyện giúp đỡ các bệnh nhân sau những giờ dạy học cho 4 cô con gái tại gia.

Họ là ai mà có tấm lòng từ tâm vĩ đại đến thế? Họ sẵn sàng từ bỏ cuộc sống an bình tại một đất nước văn minh để tìm đến những người xấu số ở một vùng đất xa xôi, thiếu thốn những điều kiện sống căn bản. Ở lồng ngực của mỗi người đều có một trái tim chỉ cân nặng chưa đến 500 grams nhưng sao lại có những trái tim dễ thổn thức trước nghịch cảnh và cũng có những trái tim dửng dưng trước thảm cảnh? Cái gì đã thúc đẩy họ quyết định sống một cuộc sống khác thường như thế? Khi nghĩ đến một làng mạc xa xôi ở một vùng nhiệt đới nóng nực quanh năm, nhà che bằng chòi lá, người và vật sống chung, vấn đề vệ sinh thiếu thốn, bệnh tật truyền nhiễm, bẩn thỉu, hôi hám… chắc chắn ai cũng phải từ chối đến một nơi như thế để sinh sống, cho dù chỉ thăm viếng. Đó là suy nghĩ bình thường của một người bình thường trong một xã hội bình thường. Nhưng nếu có người quyết định đến tận nơi – hoặc liều lĩnh hơn – quyết định bám lấy mảnh đất xa lạ để giúp đỡ những kẻ khốn cùng thì những người này tấm lòng của họ quả thật phi thường. Những tấm lòng vàng.

Có hai cô gái sẵn sàng làm những việc phi thường như thế. Cả hai đều liên quan đến một nước Việt nam khốn khổ, nơi mà đại đa số đồng bào (khoảng 80 triệu) vẫn còn sống trong cảnh nghèo nàn, thu nhập trên dưới 300 USD hàng năm. Đối với mảnh đất sống chen chúc 88 triệu dân, họ là những cô gái ở phương xa, không chút máu mủ, không họ hàng thân thích. Họ là những người hoàn toàn xa lạ. Vậy mà tấm lòng của những cô gái này lại tha thiết hơn ai hết.
Trước tiên, xin nói đến cô bé Carly Zalenski.

CARLY ZALENSKI

alt

Cho dù chỉ là một đứa bé mới 12 tuổi, Carly Zalenski có một lòng từ tâm thật bao la. Em làm những tờ quảng cáo cho chương trình “Một Chiếc Áo Dạ Trong Mùa Đông” đi rải khắp nẻo đường trong thành phố Canton, tiểu bang Ohio nơi cha mẹ em sinh sống. Em chỉ xin một chiếc áo dạ cho những người không nhà không cửa trong mùa đông lạnh giá. Em cũng lao vào bếp phụ nấu súp mỗi khi xứ đạo em tổ chức những buổi lạc quyên. Carly bắt đầu giúp người từ lúc em 8 tuổi. Trong mùa Tạ ơn, em cổ động các bạn em đi gõ cửa từng nhà xin thức ăn để tặng cho mỗi gia đình nghèo một rổ “Tình Thương” đầy ắp đồ hộp. Vào một ngày tuyết rơi, em tình cờ thấy một đứa bé gái co ro trong chiếc áo mỏng. Năm sau, em đi đến từng nhà xin áo tơi, mũ, găng tay, khăn quàng… để phát lại cho những người nghèo.

Những hành động yêu người như thế nghĩ cũng đủ để chúng ta khâm phục một em bé mới 12 tuổi, nhưng không, Carly muốn làm nhiều hơn thế nữa. Em muốn thay đổi cuộc đời của những kẻ xấu số. Carly nhớ đến hội từ thiện Rotary của bà ngoại, mấy năm trước đây đã gây quỹ để giúp xây một trường học ở Việt nam. Thế rồi em quyết định em cũng xây một trường học ở Việt nam cho các trẻ em nghèo.

Với sự nâng đỡ nhiệt tình của cha mẹ, Carly lập hội “Kids Buiding Hope” (Trẻ em Ươm Hy Vọng) để gây quỹ. Em chuẩn bị giới thiệu đến mọi người những làng mạc xa xôi ở nước Việtnam. Carly dùng PowerPoint để lồng hình ảnh của những đứa trẻ quần áo rách rưới, những ngôi nhà lụp xụp ở làng Hòa Lạc, thuộc thị xã Châu Đốc. Em tâm sự, “Chính vì nhìn thấy các trẻ em hằng ngày đương đầu với những điều kiện thiếu thốn đến thế đã thôi thúc em phải làm nhiều hơn nữa…” Với thân hình nhỏ bé, em khệ nệ ôm chiếc laptop, một khung vải nhỏ (screen), một máy phóng hình (projector) đi khắp nơi trong tỉnh Canton để tỏ bày mộng ước của em. Chỉ mới 12 tuổi, không đủ cao để đứng vượt quá bục gỗ, thế mà em mạnh dạn đứng trước một cử tọa khoảng 200 người để nói lên mục đích gây quỹ. Giọng Carly sôi nổi, “Những đứa trẻ ở mãi tận vùng sâu vùng xa không có một lớp học… So với những gì chúng ta có ở đây thì thật tội cho những đứa trẻ này. Cháu muốn xây một ngôi trường để chúng có cơ hội học hành như bao đứa trẻ khác.”

Trong suốt 2 năm gây quỹ để thực hiện ước mơ xây dựng một ngôi trường cho các trẻ em nghèo tại làng Hòa Lạc, Carly gặp phải khá nhiều khó khăn. Có người hỏi vặn: “Tại sao lại giúp một nước cộng sản?” Carly thản nhiên: “Cháu chẳng cần biết đến những chuyện đó. Cháu chỉ biết chúng là những đứa trẻ như cháu, thế thôi.” Và như thế ròng rã trong suốt 2 năm trời, Carly đã lạc quyên được một số tiền khá lớn, $50,000. Carly lại được Hội Vietnam Children's Fund ủng hộ thêm cùng một số tiền. Tổng cọng số tiền em lạc quyên được lên đến $100,000.

Cuối tháng 3 năm 2008 vừa qua, lúc tròn 14 tuổi, Carly cùng với cha mẹ và họ hàng đã bay từ Canton, Ohio đến Sàigòn rồi từ đó thuê xe đò chạy về hướng Châu Đốc mất khoảng 6 tiếng, rồi đáp thuyền lá len lỏi trên vùng sông lạch mới đến làng Hòa Lạc, nơi em vừa xây xong một ngôi trường 2 tầng khá khang trang. Tất cả dân chúng, thầy cô, và hơn 500 em học sinh đứng xếp hàng dài từ cổng để đón tiếp gia đình em Carly nhân ngày khánh thành. Cô Hiệu trưởng của ngôi trường mới thật xúc động khi nhìn thấy một cô bé Mỹ với khuôn mặt thơ ngây là vị đại ân nhân dân chúng làng Hòa Lạc. Cô nén cảm xúc để bày tỏ cảm tưởng, “Đúng là một tấm lòng vàng, nhưng tôi vẫn cảm thấy ngẩn ngơ trước tấm lòng vị tha của một cô con gái chỉ mới 12 tuổi.

altaltaltalt




Một cô gái khác, người Thụy sĩ, trên bước đường phiêu du từ Âu sang Á để tìm cảm hứng hội họa đã tìm thấy cảm hứng của tình thương nơi các em bé tàn tật.


ALINE REBEAUD

Aline theo học ngành hội họa. Một ngày kia, cô quyết định lên đường tìm cảm hứng để vẽ. Bước chân của cô rảo qua nhiều nước ở châu Âu, Tây-ban-nha, Pháp, Ba lan và mầy mò sang đến Nga, vào đến tận Moscow xem những kiến trúc cổ. Aline đặt chân đến Tàu, trải qua nhiều thành phố lớn Thượng hải, Bắc kinh và tình cờ cô lạc bước đến Việt nam, một nước hoàn toàn xa lạ với cô trên bản đồ cũng như trong tâm tưởng.
Cô đặt chân đến Sàigòn vào một ngày trong năm 1992. Lúc bấy giờ, thành phố Sàigòn sửa soạn bước vào một thời kỳ đổi mới. Cao ốc bắt đầu được xây dựng, người đông và xe cộ lưu thông trên đường phố bắt đầu tăng dần cùng với số người cư trú. Người người tranh đua kiếm sống và các trẻ em bụi đời cũng tràn ngập đường phố. Con số các trẻ em mồ cô, tàn tật bị bỏ rơi cũng tăng dần theo nhịp sống. Cả một thành phố cựa mình thoát ra khỏi những năm bao cấp ngu xuẩn đến độ bần cùng hóa xã hội với luồng gió tự do kinh doanh nên ít ai để ý đến những hệ quả của một nước thời hậu chiến. Một trong những hệ quả gây nhiều hệ lụy nhất là các trẻ em tàn tật. Các em nhỏ này hầu như hoàn toàn bị bỏ rơi không thương tiếc.

altThật không ngờ, chính những trẻ em mồ côi tàn tật này lại làm thay đổi toàn diện cuộc sống của một cô gái trẻ Thụy sĩ. Vào một đêm, trên đường về nhà trọ, Aline tình cờ nghe tiếng kêu rên của một sinh vật. Ban đầu cô cứ ngỡ là mèo nhưng khi lắng nghe, lần theo tiếng rên, men theo đường mương bẩn thỉu của xóm nhỏ lầy lụa, cô nhận ra đó không phải là một con vật nhưng là một con người. Đúng ra của một em bé tàn tật nằm liệt bên vũng nước.

Aline nâng em dậy. Người em lả đi vì đói. Em không thể đứng lên trên đôi chân gầy guộc. Cô dìu em về nhà trọ, cho ăn uống và săn sóc em. Ngôn ngữ bất đồng, cô không thể làm gì hơn nên ngày hôm sau cô đưa em đến bệnh viện. Em được điều trị một thời gian và dần dần hồi sức nhưng vẫn còn yếu. Nhà thương phải cho em xuất viện để dành giường chiếu cho kẻ khác mang bệnh nặng hơn. Nhà của em là đường phố nên từ bệnh viện em sẽ tiếp tục lăn lóc trên đường phố để kiếm ăn. Với khiếm khuyết trên thân thể, chắc chắn việc kiếm ăn của em sẽ rất khó khăn và một ngày nào đó em sẽ trở lại nằm liệt bên vũng nước như thuở nào, chờ đợi một tấm lòng vị tha khác.

Em bé tàn tật biết điều đó, Aline cũng biết rõ như thế. Cô quyết định bán hết mấy tấm tranh cô vẽ trên bước đường phiêu du lấy tiền đùm bọc em bé tàn tật. Tiền bán tranh đủ cho cô mua được một căn nhà nhỏ hẹp ở một khu lao động nghèo nàn ở Sàigòn. Từ đó, Aline lượm lặt những đứa trẻ mồ côi lê la trên hè phố, nhất là những em bé tàn tật đáng thương đem về căn nhà chật hẹp để săn sóc, nuôi nấng. Cô quyết định dừng bước chân giang hồ để tiếp tục săn sóc các trẻ em mồ côi tàn tật tại Sàigòn.

Năm đó Aline vừa tròn 20 tuổi.

Năm tôi 20 tuổi, tôi làm gì được những gì nhỉ? Hình như tôi chỉ lo được việc học cho thân tôi. Tiền bạc vẫn còn lệ thuộc vào cha mẹ, suy nghĩ chưa qua khỏi cửa giảng đường thì làm sao nghĩ đến người khác. Những năm đó, tôi nhớ có thấy những trẻ em tàn tật đứng xin ăn bên lề đường, trong khu chợ, ở các quán ăn. Tim tôi có bồi hồi thương các em nhưng mối cảm xúc chỉ thoáng qua rồi tan biến mất, hiếm hoi như một cơn gió mát vào buổi trưa hè. Lòng thương cảm chưa hề đọng lại trong tôi đủ lâu để thôi thúc tôi phải làm một cái gì đó. Cây Tình Yêu trong tôi chưa bén rễ. Nó hời hợt, mọc cạn trên một tâm hồn khá khô cằn. Vì thế, tôi không làm gì hơn bằng một cái chép miệng và thở dài. Những đứa trẻ xấu số đó cũng tóc đen, da vàng, mũi tẹt như tôi chứ chẳng phải tóc nâu, mắt xanh như Aline. So với Aline, chúng gần giống với tôi hơn. Cô không thấy những cách biệt của màu da. Cô chỉ thấy một bầy trẻ khốn cùng đang cần sự chăm sóc. Aline chỉ thấy chúng nó quá đáng thương đang cần sự nâng đỡ. Và cuối cùng một cô gái trẻ từ phương xa, tình cờ đặt chân đến một mảnh đất lạ, đã quyết định ở lại cưu mang chúng đến cùng.

Căn nhà tranh đầu tiên chứa được khoảng 20 em. Mãi về sau, con số cứ tăng dần và đến một lúc nào đó, Aline phải dọn đến một chỗ khác rộng lớn hơn. Cô kêu gọi các nhà hảo tâm, ngay trong nước Việt nam cũng như ở ngoại quốc để có phương tiện tài chánh lo cho các em. Thuở ban đầu, cô làm hết tất cả những gì cô có thể làm. Từ việc dạy học đến săn sóc các em như một y tá. Nhưng trên hết cô yêu thương các em như một người mẹ ruột. Tình thương đó thể hiện qua cái tên Việt nam nghe thật bồi hồi cảm xúc: Tim. Và các em trìu mến gọi cô là Mẹ Tim.

alt

Căn nhà của Aline từ đây được gọi là Nhà May Mắn (Maison Chance). Thật may mắn cho các em có một người thầy như Tim. Thật hạnh phúc cho các em khi có một người mẹ như Mẹ Tim. Và rồi, tiếng lành đồn xa, các em tàn tật cứ nườm nượp tìm đến Tim, nôi tình thương. Căn nhà lại rộn ràng tiếng cười nói của bầy con trẻ, không còn nghe tiếng rên rỉ bên vũng nước đen ngòm như đêm nào.
Mộng ước của Tim không dừng lại ở chỗ chỉ đơn thuần săn sóc sức khỏe cho các em nhưng cô tận tâm dạy các em kiếm được một nghề nào đó để tự mưu sinh. May vá, thuê thùa, hội họa, thủ công… các em lớn lên từ căn nhà May Mắn, vững chãi bước vào đời, hãnh diện không còn là một kẻ ăn bám, tự tin làm lợi ích cho xã hội, cho tha nhân.

Thật không ai ngờ một cô gái ngoại quốc tràn trề sức sống, xinh đẹp, tương lai sáng lạn lại “phải lòng” các em tàn tật, hôi hám, bẩn thỉu sống lê la trên đường phố Sàigòn. Cũng không ai ngờ Tim đã ở lại săn sóc các em tàn tật hơn 15 năm. Từ quyết định ban đầu chỉ ở lại săn sóc một đứa trẻ xấu số cho đến nay cả tuổi xuân của Tim đã “chôn vùi” trong công việc nuôi nấng và dạy dỗ các em tàn tật. Ba mươi lăm tuổi đời, thời đẹp nhất của đời người con gái đã qua, vẫn chưa lấy chồng nhưng bù lại, Tim đã sống những năm tháng thật hạnh  phúc bên những đứa trẻ và nhất là Tim có một đàn con đông không ai có. Tính đến nay, con cái của Tim lên đến gần 300 em, chưa kể những em đã lớn lên, đủ lông đủ cánh để rời bỏ tổ ấm May Mắn.

Tài chánh để lo cho từng ấy đứa phải lên đến bạc nghìn mỗi tháng. Tính đổ đồng mỗi em cần khoảng hơn 1.5 đô la một ngày, ba trăm em cần 500 đô la, một tháng số tiền Tim cần phải có để điều hành 2 căn nhà May Mắn lên đến 15 nghìn. Như thế mỗi năm Nhà May Mắn của Tim cần nghót nghét hai trăm nghìn đô la.

Công việc của Tim hàng ngày tuy nặng nhọc nhưng không nhức đầu bằng việc lo tài chánh. Từng ấy số tiền đào đâu ra để có. Tim chỉ biết đến gõ cửa từng trái tim như đứa trẻ mồ côi tối nọ đã gõ đúng trái tim của Tim.

Cho đến bây giờ, khi tôi ngồi viết những dòng chữ này về hai cô gái ngoại quốc, tôi vẫn khâm phục tấm lòng của cô bé Carly nhưng tôi vẫn hoàn toàn không hiểu nổi trái tim của Aline, người không cùng chung huyết thống, không hề biết đến truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, không hề có chung một quá khứ. Thế mà Tim đã thật sự yêu thương những đứa trẻ da vàng, mũi tẹt, bơ vơ lăn lóc khắp đầu đường xó chợ dơ bẩn. Và tôi chợt nghiệm ra Tình Yêu quả thật kỳ diệu. Nó bàng bạc qua tiếng khóc than, dịu dàng hiện trên khuôn mặt thơ ngây, phơn phớt thoáng qua ánh mắt và man mác đi vào lòng người, len lỏi và nằm yên ở một góc của trái tim. Khi đó, màu da, chủng tộc, tôn giáo, trình độ, giai cấp sẽ không bao giờ là chướng ngại để Tình Yêu mãi mãi vươn cao.

 Sơn Nghị
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.