- Đăng ngày 23 Tháng 2 2012
- Lượt xem: 5170
Lịch sự nói lên phong cách của một người. Phong cách của một người đứng đắn chắc chắn phải bao gồm thái độ lịch sự, lối cư xử nhã nhặn, lời nói ôn hòa, tính tình điềm đạm. Những đức tính lich sự, nhã nhặn, ôn hòa, và điềm đạm được hun đúc qua kinh nghiệm sống và học hỏi. Bài lược dịch này cũng mong cống hiến quý bạn đọc cách cư xử cho đúng điệu, hợp với mỗi hoàn cảnh. Có thể một vài cách cư xử này quý bạn đọc đã biết, và đã áp dụng hiệu quả nhưng bài báo sau đây đưa ra nhiều tình huống khác nhau để chúng ta cùng học hỏi rồi áp dụng. Một cách làm tăng phong cách của chúng ta trong xã hội hiện tại.
Cần nói thêm là bài viết dành cho xã hội phương Tây nhưng thật sự nhiều cách cư xử có thể áp dụng vào xã hội Việt nam. Theo Reader’s Digest, số January 2012, Hillary Stern đề nghị những cách cư xử của một người lịch sự.
Tại Bàn Ăn
- Khi kéo ghế mời một phụ nữ ngồi, tay nắm lấy thành ghế và nương theo thế ngồi rồi đẩy nhẹ chạm vào phần sau của đôi chân của họ. Đừng thẳng tay đẩy để họ cảm thấy sự đụng chạm quá mạnh.
- Trong một buổi tiệc mang tính nghi lễ (formal party), nên đứng dậy kéo nhẹ ghế cho phụ nữ khi họ xin phép đi vào phòng vệ sinh hoặc ra ngoài gọi điện thoại. Tóm lại, nên chú ý đến người phụ nữ đi cặp với bạn.
- Khi ngồi vào bàn có 8 người khách hoặc ít hơn, nên chờ khi thức ăn dọn lên bàn đủ hết từng ấy người rồi mới cầm đũa. Nếu là một yến tiệc thì bạn có thể bắt đầu dùng bữa khi phần đông thực khách đã được dọn phần.
- Những thứ lỉnh kỉnh của cá nhân không nên để trên bàn ăn. Chùm chìa khóa, xắc tay (lớn), bao thuốc lá, kiếng râm, điện thoại cầm tay… nên bỏ vào túi. Xắc tay nên bỏ xuống gầm bàn. Nhưng nếu là bóp nhỏ đựng son phấn thì vẫn có thể để trên bàn, trong tầm tay.
- Đừng bao giờ trải rộng khăn chùi miệng (kể cả giấy chùi miệng)
- Nếu không muốn uống rượu khi có người rót, đừng úp ngược ly hoặc nói tôi không uống rượu. Nhưng nên để một ngón tay lên miệng ly và nhẹ nhàng lắc đầu nói, hôm nay tôi không uống (Not today, thanks). Điều này tránh làm phật lòng những thực khách (muốn) uống rượu khác ngồi cùng bàn.
- Khi vắt chanh, một tay vắt, tay kia khum lại để che những giọt chanh có thể văng bắn vào người đối diện hay bên cạnh. Điều này áp dụng cho bạn khi ăn phở, hoặc các món ăn khác cũng cần chanh.
- Khi đang ăn và muốn nhắp một chút nước uống hoặc rượu, phụ nữ nên chậm chậm môi vào khăn chùi miệng trước khi uống, tránh để lại vết bẩn trên miệng ly.
- Khi tộ (bowl) xà lách hoặc lọ tiêu, lọ muối đưa ngang bạn cho người bên cạnh, đừng bao giờ chận ngang để dùng trước. Thái độ này cũng giống như xen vào giữa hàng chờ đợi.
- Thức ăn được chuyền đi ngược chiều kim đồng hồ, nhưng nếu người ngồi bên trái cần cái gì trong tầm tay, bạn cũng có thể lấy và trao cho họ.
- Nếu cần phải đi vào phòng vệ sinh để tô điểm lại, chỉ cần nói, “tôi xin phép” (Please excuse me). Đừng bao giờ nói việc mình sắp làm, hoặc nơi đến.
- Khi ra ngoài ăn với gia đình hoặc bạn bè, bạn có quyền mang thức ăn dư về. Nhưng nếu là một bữa ăn do công sở đãi thì không nên.
- Trong bàn ăn, nếu cần phải điện thư (texting) hoặc gọi điện thoại nên xin phép rồi bước ra ngoài. Đừng bao giờ ngồi ngay bàn ăn để gọi phôn hoặc điện thư. Khi nói, Please excuse me, bạn chỉ nói chung chung chứ không hẳn nói với người ngồi bên trái hoặc bên phải.
- Nếu muốn xỉa răng sau khi ăn xong, nên khum bàn tay để che miệng. Nhưng hay nhất là ngậm miệng khi xỉa răng (không cần khum bàn tay che). Đừng bao giờ khoe hàm răng của bạn khi xỉa răng.
Tại Hãng Xưởng
- Đừng đứng ló đầu qua ô phòng (cubicle) của đồng nghiệp để hỏi chuyện. Nên bước tận đến cửa ô phòng cho dù chỉ là một câu hỏi ngắn.
- Đừng bao giờ dùng loa (speakerphone) của điện thoại để bàn ngoại trừ bạn dùng trong một cuộc họp nhiều hơn là 2 người. Nên cho người phía đầu dây kia biết những người đang hiện diện trong phòng họp và phải đóng cửa phòng. Khi nghe thư nhắn trong điện thoại, đừng dùng loa trên máy ngoại trừ trong phòng có một mình và cửa đóng. Điều này áp dụng cho cả điện thoại cầm tay.
- Khi nhận một cuộc điện thoại, phải giới thiệu theo thứ tự, tên công ty, tên của mình và lời chào. Tiêu biểu: ABC Corporation. Susan Smith speaking. How may I help you?
- Khi để lại lời nhắn trong điện thoại, phải để lại tên của mình, tên và địa điểm của công ty, ngắn gọn về lý do tại sao gọi đến. Cuối cùng, lập lại tên của bạn, tên và địa điểm của công ty, rồi chào tạm biệt.
- Ai đến cửa trước thì nên giữ cửa mở cho người đi sau, không phân biệt phái tính, rồi bạn mới bước vào sau.
- Đừng mang theo thức ăn bốc mùi khi dùng lò vi-ba để hâm thức ăn.
- Khi giới thiệu, nên giới thiệu trước với người có chức vụ cao. Chẳng hạn, Chào ông giám đốc, đây là anh X, nhân viên đưa thư…
- Nếu để điện thoại cầm tay ở bàn làm việc, nên tắt nó đi. Không thể để điện thoại reo mỗi khi có cú điện thoại gọi đến.
- Đừng nói, “Pardon me” nhưng nói, “I beg your pardon”. Câu trước là một mệnh lệnh. Câu sau là một lời xin phép.
Sinh hoạt xã hội
- Tại phi trường, đừng xúm lại trước khu vực soát vé vào cổng. Cứ ngồi ở ghế đợi, khi hàng người vơi bớt thì đứng dậy nhập vào hàng.
- Nếu muốn đứng dậy làm việc gì trên chuyến bay, đừng nắm lấy ghế trước mặt để lấy đà đứng lên.
- Tại công viên, bạn có quyền lấy những đồ chơi bỏ quên nhưng phải trả lại cho chủ nhân nếu họ đòi lại.
- Thay tã cho con nhỏ một cách kín đáo, nhất là chỗ có người đang ăn uống.
- Đưa chó đi dạo nên dọn sạch phân của nó.
- Lên taxi với xếp, nên vào trước, tránh cho xếp phải chuồi người suốt băng ghế sau.
- Nếu khách dự tiệc say tại buổi tiệc do bạn khoản đãi, nhã nhặn bảo họ nằm nghỉ ngơi. Nên sắp xếp có người đưa khách say về. Đừng bao giờ để họ lái xe về lúc đang say.
- Đừng hỏi đưa thêm khách đến buổi tiệc của đám cưới nếu trong giấy mời không đề cập đến chuyện này. Nếu bạn là cô dâu hoặc chú rể, đừng bao giờ nói khách tặng quà phải là tiền mặt.
- Nếu điện thoại cầm tay mất sóng khi đang nói chuyện, người mở đầu cuộc điện thoại nên gọi lại lần nữa, cho dù hai người đã (sắp) kết thúc cuộc nói chuyện.
- Đừng dùng IPod với ống nghe rẻ tiền (leaky earbuds) để lọt tiếng nhạc ra ngoài.
- Khi chuẩn bị vào thang máy, nên chờ cho tất cả mọi người bước hết ra ngoài rồi mới bước vào. Nên giữ cửa thang máy cho những người khác.
- Nên lấy ống nghe (earbuds) và kiếng râm ra khi nói chuyện với người khác
Tiện dụng
- Nếu dùng vi-thư (email) để chỉ viết vỏn vẹn một chữ “Cám ơn” thì chẳng thà đừng viết và gửi đi.
- Nói chuyện dài trên Twitter làm khó chịu những người khác. Nên vào Twitter Direct Message (DM) hoặc dùng vi-thư.
- Đừng dùng điện thoại cầm tay trong phòng đợi, khi đứng xếp hàng chờ, nhà hàng… và nhất là không nên nhận hay gọi điện thoại khi ngồi trong phòng cầu.
- Khi đang nói chuyện với người đối diện, đừng bao giờ liếc mắt vào điện thoại cầm tay để xem ai gọi đến, hoặc đọc tin nhắn.
- Trả lời ngay cho những lời mời qua vi-thư. Nếu cần một thời gian ngắn, nên xác định với người mời.
- Tránh dùng chữ hoa trong vi-thư, chữ màu, những biểu tượng cảm xúc (emoticons), gửi kèm tài liệu quá lớn… ngoại trừ những trường hợp biết chắc nhóm người nhận không phàn nàn, hoặc gửi cho bạn thân.
- Khi gửi vi-thư cám ơn về tiệc tùng hoặc quà biếu, không nên gửi chung cho tất cả mọi người trong một vi-thư. Tối kỵ dùng c/c cho loại vi-thư này. Nhưng nên gửi từng vi-thư riêng rẽ đến từng người. Tuy mất thời gian nhưng nói lên lòng trân trọng của bạn với người nhận.
- Trên Facebook, bạn có quyền nói về mình nhưng nên luôn ủng hộ, đồng tình với bạn hữu.
- Vi-thư về công việc nên gửi sớm nhất là một tiếng đồng hồ trước giờ làm việc, và không trễ quá 2 tiếng đồng hồ sau giờ làm việc quy định.
- Có thể gia nhập Twitter cùng một nhóm với xếp của bạn nhưng không nên tỏ vẻ quá thân tình nhưng vẫn giữ khoảng cách của một nhân viên.
Từng ấy việc nhưng nếu chúng ta giữ được, đời sống sẽ dễ thở hơn, vui vẻ hơn. Những việc làm trái ngược với đề nghị trên sẽ gây ra khó chịu cho những người chung quanh. Và chắc chắn người đời sẽ nhìn chúng ta với ánh mắt thiếu thiện cảm.
Tôi tin chắc bạn không muốn mọi người bĩu môi và cho rằng bạn là người bất lịch sự.
Hảo Nghiên (phỏng dịch)