Ca dao tục ngữ VN là cả một kho tàng văn chương truyền khẩu. Ca dao biểu hiện một kinh nghiệm về thời tiết như, "Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm." hoặc kinh nghiệm về súc vật như, "Con lợn có béo thì lòng mới ngon." hay về chăn nuôi như, "Giàu lợn nái, lãi gà con." Đây là túi khôn của cha ông để lại sau những năm quan sát, phân tích, suy nghĩ, và cô đọng lại thành những vần nghe xuôi tai cho con cháu dễ nhớ.

Ca dao tục ngữ còn truyền lại cho những thế hệ sau những điều đạo đức căn bản, những răn đe, răn dạy về nhân đức như, "Sinh ra trong cõi hồng trần, Là người phải lấy chữ Nhân làm đầu.", về họ hàng gia tộc như, "Tu đâu cho bằng tu nhà, Thờ cha kính mẹ, cũng là đi tu.", hay về đời sống vợ chồng như, "Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn." và còn rất nhiều phương diện khác.

Năm nay, thử bàn đến một vài kinh nghiệm sống của người xưa có dính dáng đến NGỰA.

- Đầu trâu mặt ngựa, chỉ những kẻ côn đồ, hung dữ
- Được đầu voi đòi đầu ngựa (được voi đòi tiên), chỉ kẻ tham lam
- Mồm chó vó ngựa, chỉ những nơi nguy hiểm (mõm chó coi chừng bị cắn, vó ngựa coi chừng bị đá)
- Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ, chỉ sự chia sẻ nỗi đau với đồng loại
- Ngựa non háu đá, chỉ kẻ bồng bột, không biết tự lượng sức mình
- Ngựa quen đường cũ, chỉ những tật xấu khó bỏ
- Thẳng (như) ruột ngựa, chỉ người thẳng tính, bộc trực, có sao nói vậy
- Thiếu voi phải dùng ngựa (không có chó bắt mèo ăn...kít), chỉ việc sử dụng người không đúng chỗ
- Lên xe xuống ngựa (chó), chỉ thời thế thay đổi bất ngờ, vô thường
- Ngựa hay ngựa chứng, chỉ những kẻ có tài nhưng cũng lắm tật
- Ngưu tầm ngưu mà tầm mã, chỉ những kẻ cùng chí hướng (hay tật xấu) thường giao du với nhau
- Đường dài hay sức ngựa, gian nan đánh giá phẩm cách của con người
- Một lời nói ra bốn ngựa khó đuổi, khuyên nên thận trọng lời nói
- Tái Ông mất ngựa, trong cái rủi có cái may, khuyên đừng nên thất vọng

Năm Ngọ, xin bàn thêm một truyền thuyết về tướng và ngựa rất phổ biến ở Hoa kỳ và có lẽ ở các nước Âu-châu. Các vị tướng ngày xưa, và mãi đến đầu thế kỷ 20, khi ra trận đều cỡi ngựa, cầm kiếm để chỉ huy quân sĩ. Khi chết đi, người sau thường tạc tượng những vị tướng này ngồi trên lưng ngựa và đặt ở các công viên, nghĩa trang, quảng trường... để ghi công ơn của họ. Nếu ở Mỹ, chúng ta thường thấy những con ngựa này đứng trong 3 tư thế khác nhau:

1. hai vó trước cách mặt đất như chồm về phía trước (dĩ nhiên, hai chân sau chạm đất)
2. một vó cách mặt đất, và ba chân sau chạm đất
3. cả bốn chân chạm đất

  



Truyền thuyết cho rằng, (1) với tư thế hai vó cách mặt đất, vị tướng này tử trận ngoài chiến trường, gọi nôm na là chết trận; (2) với tư thế một vó cách mặt đất, vị tướng này bị thương ngoài chiến trường và chết tại hậu cứ (có thể vì vết thương hoặc chết bình thường); và (3) với tư thế này, vị tướng này chết bình thường vì bệnh, vì già yếu.

Làm thử môt vòng vùng Washington DC, đếm được khoảng 30 tượng, trong đó có 10 tượng theo đúng truyền thuyết:

1. Francis Asbury: bốn chân ngựa chạm đất, chết bình thường
2. Sir John Dill: bốn chân ngựa chạm đất, chết bệnh
3. Tướng Ulysses Grant: bốn chân ngựa chạm đất, chết bình thường
4. Tướng Winfield Hancock: một chân ngựa chạm đất, bị thương ngoài chiến trường
5. Tướng John Logan: một chân ngựa chạm đất, bị thương 2 lần ở chiến trường
6. Tướng Winfield Scott: bốn chân ngựa chạm đất, chết bình thường
7. Tướng Philip Sherdan: bốn chân ngựa chạm đất, chết bình thường
8. Tướng Tecumseh Sherman: bốn chân ngựa chạm đất, chết vì viêm phổi
9. Tướng George Thomas: bốn chân ngựa chạm đất, chết bình thường
10. John Wesley: bốn chân ngựa chạm đất, chết bình thường

Nhưng những tượng sau đây lại không đúng:

1. Tướng Simon Bolivar: một vó cách mặt đất, chết vì bệnh lao
2. Tướng nataniel Greene: một vó cách mặt đất, chết ngoài chiến trường, chưa bao giờ bị thương
3. Tướng Andrew Jackson: hai vó cách mặt đất, chết bình thường
4. Tướng Thomas Jackson: bốn chân ngựa chạm đất, bị thương và chết
5. Tướng Philip Learny: một vó cách mặt đất, chết ngoài chiến trường
6. Tướng George McClellan: một vó cách mặt đất, chết bình thường, chưa bao giờ bị thương
7. Tướng James McPherson: một vó cách mặt đất, chết ngoài chiến trường
8. Tướng George Washington: một vó cách mặt đất, chết bình thường

Như thế, khi tạc tượng, người ta không theo một "qui luật" nào. Có thể tùy thuộc vào ngẫu hứng của nhà điêu khắc. Đưa hai vó lên trời trông hung dũng hơn là cả bốn chân chạm đất. Non nửa số tượng ngẫu nhiên đúng với truyền thuyết và từ đó lan ra qua sách vở, torng bài viết đến nỗi phần lớn dân Mỹ tin vào truyền thuyết này.

Bây giờ bàn đến các vị tướng nổi danh của nước Việt chúng ta, một thời tạo chiến công lừng lẫy trên lưng ngựa:

1. Đức Ngô Quyền (năm 938), đại thắng quân Hán, giết chết thái tử Hoằng Tháo. Lợi dụng thủy triều và lập mưu đóng cọc gỗ bọc sắt trên sông Bạch Đằng, Đức Ngô Quyền đã đại thắng quân Hán, giết chết thái tử Hoằng Tháo. Hoàng đế Nam Hán là Lưu Cung cũng kéo quân tiếp ứng theo đường bộ, kịp nghe tin con tử trận bèn vội vã rút quân về.



2. Tướng Lý thường Kiệt và Tôn Đản (năm 1075) kéo 10 vạn quân tái chiếm vùng châu Khâm, châu Liêm và châu Ung, nay thuộc Quảng Đông, Quảng Tây. Năm 1076, vua Tống sai Quách Quì và Triệu Tiết kéo hơn 30 vạn quân sang xâm lấn nước ta. Nhưng nhà Tống bị đánh tan ở sông Như Nguyệt.



3. Đức Trần Hưng Đạo, ba lần đánh bại quân Nguyên Mông (năm 1258, 1285, và 1287). Quân Mông cổ đánh bại nhà Kim, và dĩ nhiên nhòm ngó nước ta. Lần đầu vào năm 1258. Tướng Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqatai) từ Vân Nam đem 3 vạn quân Mông Cổ và hơn một vạn quân Đại Lý tấn công Đại Việt, chiếm Thăng Long, đốt phá và giết mọi người trong thành. Vua Trần Thái Tôn hỏi ý kiến Trần thủ Độ. Ông thưa: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin Bệ Hạ đừng lo." Trần Quốc Tuấn (tên của tướng Trần Hưng Đạo), lúc ấy giữ chức Tiết chế đem thủy quân trấn giữ biên giới phía Bắc, hợp lực với vua Trần thái Tôn đánh thắng quân Mông Cổ trong trận Đông Bộ Đầu. Trên đường rút lui, quân Mông Cổ còn bị quân ta chận đánh tan tành ở vùng Qui Hóa.



Đây là thời vàng son của hậu duệ Thành Cát Tư Hãn. Từ lúc lên ngôi Đại Hãn năm 1206, Thành Cát Tư Hãn đã rong ruổi trên lưng ngựa đem quân đi chinh phạt các nước lân cận, kéo dài mãi đến Balcan, phía Nam đến Hoàng Hà, phía Đông đến sông Tùng Hoa, Tây đến Lý Hải (biển Caspian), nghĩa là bao gồm phần đất liền mênh mông Nam Siberia, Bắc Trung hoa, Trung Á và một phần ngoại Caucasia, kể cả nước Đức, Ba Lan, Bagdad. Vó ngựa Mông Cổ đã gieo rắc kinh hoàng đến dân chúng các nước thời đó đến nỗi người ta truyền khẩu, "vó ngựa quân Mông cổ đi đến đâu cỏ không kịp mọc đến đó." Vào thời kỳ cực thịnh, diện tích của Đế Chế Mông Cổ đạt tới 33 triệu km vuông. Tức bằng gấp đôi diện tích quốc gia rộng lớn nhất thế giới hiện nay là nước Nga.

Lần hai vào năm 1271. Hốt Tất Liệt (Khubilai) trở thành Đại Hãn của đế quốc Mông Cổ, đổi quốc hiệu thành Nguyên. Năm 1279, quân Nguyên chiếm trọn đất Trung Hoa. Đế quốc Mông Cổ bao trùm 40 quốc gia từ Á sang Âu. Năm 1285, Hốt Tất Liệt sai con là Thoát Hoan (Toghan), cùng với các danh tướng Toa Đô (Suodu), Ô Mã Nhi, kéo 50 vạn quân xâm lăng Đại Việt. Quân Nguyên còn có thủy binh từ Chiêm Thành đánh lên. Khi đó, toàn thể quân Đại Việt chỉ có 20 vạn. Trước tình hình nguy biến, nhiều người muốn hàng hoặc tìm kế hoãn binh. Nhưng các tướng Trần Quốc Tuấn và Trần Khánh Dư cương quyết xin đem quân trấn giữ. Vua Trần Nhân Tôn liền triệu tập các bô lão trong dân tại điện Diên Hồng để hỏi ý kiến. Toàn thể đồng thanh xin đánh!

Trước thế giặc quá mạnh, quân ta phải rút về Vạn Kiếp. Ở phía Nam, quân Nguyên từ Chiêm Thành cũng đã chiếm Nghệ An. Vua Nhân Tôn lại lo sợ, 'muốn hàng để cứu muôn dân'. Nhưng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đáp: "Bệ Hạ nói câu ấy thật là lời nhân đức. Nhưng Quê hương Dân tộc thì sao ? Nếu Bệ Hạ muốn hàng, xin chém đầu tôi trước đã!"

Thoát Hoan dùng đại bác bắn phá, và vào được Thăng Long. Triều đình ta chạy về Thanh Hóa. Khi đó tướng Trần Bình Trọng bị bắt. Thoát Hoan dụ hàng và hỏi: "Có muốn làm Vương không?" Trần Bình Trọng quát to: "Ta thà làm quỷ Nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc!"

Tháng 5 năm 1285, tướng Trần Nhật Duật phá được quân Toa Đô ở cửa Hàm Tử. Sau đó, tướng Trần Quang Khải đưa quân đi thuyền từ Thanh Hóa ra đánh tan quân Nguyên ở bến Chương Dương, rồi dùng phục binh chiếm lại Thăng Long. Đức Hưng Đạo Vương đem quân đánh ở Tây Kết, và giết được Toa Đô. Quân ta bắt được 3 vạn quân Nguyên và vô số chiến thuyền, khí giới.
Hưng Đạo Vương lại sai phục kích chận mọi đường quân Nguyên có thể rút lui, và tự mình dẫn đại quân lên Bắc Giang đánh Thoát Hoan. Quân Nguyên thua chạy, tới bến Vạn Kiếp bị phục kích, chết quá nửa. Thoát Hoan trốn thoát về Tàu. Quân Nguyên kéo qua 50 vạn và sáu tháng sau, chỉ còn 5 vạn rút về.

Lần thứ ba vào năm 1287. Cuối tháng 12 năm 1287, Thoát Hoan lại theo hai đường thủy bộ, kéo thêm 50 vạn quân xâm lấn, với hơn 800 chiến thuyền, cùng với đoàn tàu 100 chiếc chở lương thực. Phía Đại Việt có khoảng từ 20 tới 30 vạn quân.

Quân Nguyên chiếm được Thăng Long, nhưng sợ bị cắt đường liên lạc, nên tập trung ở Vạn Kiếp. Bộ chỉ huy của Đại Việt rút về vùng Đồ Sơn, Hải Phòng. Tướng Trần Khánh Dư đưa quân phục ở bến Vân Đồn và phá tan đoàn thuyền lương. Tháng 3 năm 1288, cạn lương, Thoát Hoan sai Ô mã Nhi mở đường theo sông Bạch Đằng. Hưng Đạo Vương lại dùng kế đóng cọc bịt sắt xuống sông Bạch Đằng (như Đức Ngô Quyền năm 938). Với trận Bạch Đằng, quân ta tiêu diệt hoàn toàn thủy quân của giặc Nguyên. Nghe tin thủy quân tan vỡ, Thoát Hoan kéo chạy về qua vùng Bắc Giang và Lạng Sơn, và cũng bị quân Đại Việt chận đánh tan tành. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để trốn chạy về nước.

4. Đức Lê Lợi (năm 1428). Năm 1406, giặc Minh kéo quân xâm lấn nước ta. Nhà Hồ thua. Giặc Minh, với Trương Phụ, bắt đầu chính sách đồng hóa dân ta với dân Tàu... Năm 1418, nông dân Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa, tự xưng là Bình Định Vương, gởi hịch kể tội giặc Minh và nêu rõ mục đích đánh đuổi quân giặc cướp nước. Năm 1426, sau 8 năm gian khổ, với nhiều lần nguy cấp, Bình Định Vương thắng trận Tụy Động, và bao vây thành Đông Quan, Thăng Long.



Cuối năm 1427, giặc Minh lại đưa thêm 2 đạo quân sang đánh Đại Việt. Đạo quân do Liễu Thăng cầm đầu với hơn 10 vạn lính, 2 vạn ngựa. Đạo quân do Mộc Thạnh dẫn 5 vạn lính và 1 vạn ngựa. Nhưng tại Chi Lăng, quân ta giết Liễu Thăng, phá tan toàn bộ quân tiếp viện của giặc, bắt sống hơn 3 vạn quân. Mộc Thạnh nghe tin, bỏ chạy. Quân Nam theo đánh, giết hơn 1 vạn giặc Minh. Nghe tin, Vương Thông đang chiếm đóng Đông Quan, viết thư cầu hòa, và xin cho chúng rút quân về Tàu.

5. Đức Quang Trung (Nguyễn Huệ, năm 1789). Năm 1788, Tôn Sĩ Nghị kéo 20 vạn quân Nhà Thanh, chia làm 3 đạo, tiến đánh Đại Việt, chiếm đóng Thăng Long. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đang ở Huế, được tin, tính chuyện tiến đánh. Quan quân xin Ngài lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung. Đức Quang Trung kéo quân ra tới Nghệ An, nghỉ 10 ngày để mộ thêm lính. Tất cả được 10 vạn quân và 100 con voi. Ngài cho ăn Tết sớm, đêm 30 sẽ kéo quân đi, và hẹn ngày mùng 7 Tết sẽ ăn Tết lại tại Thăng Long.



Trận đánh thần tốc đã phá hết các đồn giặc, đến nỗi chúng không kịp báo tin cho nhau. Chỉ trong mấy ngày, quân ta đánh chiếm từ Giản Thuỷ, tới Phú Xuyên, Hà Hồi, Ngọc Hồi... Sáng mùng 5 Tết, quân ta vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị không kịp mặc giáp, lên ngựa tháo chạy. Giặc Tàu chạy theo, chết đuối chật sông Hồng. Các đạo quân giặc ở phía Bắc cũng tất tả rút chạy. Tất cả đều chỉ trong 5 ngày.

Tuy tạo chiến công lẫy lừng trên lưng ngựa nhưng toàn cõi Việt nam nhưng hiếm hoi thấy một vài tượng danh tướng được tạc chung với chiến mã. Mà nếu có tạc chung với chiến mã, tượng cũng chẳng hề theo qui luật bất thành văn đã nói ở trên. Tượng Vua Quang Trung và Tướng Lý Thường Kiệt với chiến mã hai vó tung lên trời (chết trận) nhưng thật sự cả hai đều chết bệnh. Theo thiển ý, nhà điêu khắc muốn chọn thế tung 2 vó chỉ muốn nói lên sự hiên ngang, hùng dũng của các vị danh tướng mà thôi.

Ở Qui nhơn, trước khi qua đảo Hải Minh, ai cũng thấy tượng Đức Trần Hưng Đạo đứng chỉ kiếm ra biển cả trong tư thế hiên ngang. Nhưng không hề thấy bóng dáng con ngựa nào. Ở Phú Phong, quê hương của Đức Quang Trung chắc chắn có tạc tượng để ghi nhớ công ơn của ngài. Ngày mùng Năm Tết, có ai về Phú Phong chịu khó quan sát xem có tượng nào được tạc chung với chiến mã hay không.

Nếu có, chụp một tấm để có dịp bàn luận tiếp về vị anh hùng đất Bình Định.

Sơn Nghị
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.