- Đăng ngày 12 Tháng 12 2021
- Lượt xem: 354
Lời nói đầu: bài viết sau đây nói về tình trạng hưu trí của những ai ở lứa tuổi sửa soạn, đang, hoặc đã nghỉ hưu. Nói chung, bài viết nhắm vào những ai ở lứa tuổi 60 đến 70 tính đến năm 2020, đặc biệt độc giả đang ở Mỹ. Một số độc giả ở các nước phương Tây, tình trạng hưu trí cũng gần tương tự. Riêng với độc giả ở Việt nam thì việc nghỉ hưu tuy có khác về mặt tài chính, nhưng về các mặt khác xem ra cũng khá tương đồng. Mục đích của bài viết là gợi lên một ý tưởng để chúng ta sống 1/3 đoạn đường còn lại của cuộc đời cho xứng đáng và thật ý nghĩa.
Vòng quay của đời người đều trải qua 4 bước: Sinh, Bệnh, Lão, và Tử. Bắt đầu bằng tiếng oa oa chào đời, và chấm dứt bằng tiếng thở dài (hay nụ cười mãn nguyện) rồi nhắm mắt. Từ sinh đến tử đếm được ba vạn sáu ngàn ngày theo Cao Bá Quát. Thôi, cứ cho là ai cũng sống thọ được đến 100 tuổi đi, nhưng nên nhớ trong từng ấy năm của tuổi già là bệnh tật.
Nói rõ hơn, trong 100 năm này, ai ai đều phải làm việc, mang trong người một hay nhiều chứng bệnh, và trước khi bước vào tuổi già, người ta nghỉ hưu. Thời khoẻ mạnh năng động làm việc đã chấm dứt, và đến lúc dừng chân (bước chậm) khoan thai hưởng tuổi già. Tuy vậy, không hẳn về già mới hưu trí. Có những người hưu khi tuổi còn trẻ. Nhưng hưu sớm hay hưu muộn, hưu non hay hưu già – để hưởng thời gian hưu trí thật nhàn hạ và hữu ích – mỗi người cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, và cần có kế hoạch rõ ràng trên 2 phương diện: tài chánh và tinh thần.
Nhưng trước hết, cần biết khi nào thì chúng ta nên về hưu.
I. TUỔI NÀO THÌ NÊN HƯU TRÍ
Đây là câu hỏi then chốt và chí tử cho tất cả mọi người. Ở Hoa Kỳ, luật lệ cho phép tuổi hưu bắt đầu từ 62 tuổi; nghĩa là từ tuổi này, người dân được hưởng tiền An sinh Xã hội (Social Security Benefits) từ chính phủ. Một khảo cứu của viện Gallups1 năm 2018 cho thấy dân Mỹ quyết định:
- sẽ hưu trước 59 tuổi là 12%
- sẽ hưu giữa tuổi 60 và 64 là 15%
- sẽ hưu ở tuổi 65 là 24%
- sẽ hưu ở tuổi 66 hoặc trễ hơn là 41%
Tỷ lệ hưu ở tuổi 66 tăng vọt lên 41% so với 12% vào năm 1995, và hưu trước 59 tuổi giảm từ 27% xuống còn 12% trong cùng một thời gian. Những người trong lứa tuổi làm việc, khi được hỏi lúc nào sẽ hưu: câu trả lời, tính trung bình, vào năm 1995 là 60 tuổi, và năm 2018 là 66 tuổi, và năm nay số tuổi có lẽ cũng tăng chứ không giảm. Một cuộc khảo cứu khác2 , năm 2017, cho thấy gần ¾ số lượng người trong lứa tuổi làm việc có ý định sẽ tiếp tục làm việc cho dù đã đến tuổi hưu chính thức.
Nhìn chung, ngày nay người ta làm việc nhiều hơn, trì hoãn tuổi hưu. Có nhiều lý do. Có thể vì tình trạng tài chánh không cho phép hưu. Vì sức khỏe con người ngày càng tăng, sống lâu hơn, thọ hơn nên không cần hưu sớm. Điều kiện làm việc dễ dàng hơn khi hãng xưởng cho phép làm việc tại nhà…v..v.
Thật ra, hưu thì lúc nào cũng có thể hưu nếu tiền bạc xem như đủ, và muốn nghỉ ngơi, hưởng nhàn. Tiền bạc thế nào là đủ thì tùy vào quan điểm của mỗi người. Còn nếu chưa muốn nghỉ ngơi thì cho dù có đủ tài chánh để hưu người ta vẫn đi làm. Hoàn cảnh của mỗi người khác nhau, quan niệm sống cũng không giống nhau nên quyết định khi nào hưu cũng khác nhau. Bài viết không bàn luận về triết lý sống nên tôi chỉ đưa ra một vài nét chung về cuộc sống để độc giả suy nghĩ. Và đây là một vài yếu tố căn bản để chúng ta cùng tham khảo và giúp mỗi người quyết định dễ dàng hơn.
1. Cụ Nguyễn Công Trứ nói: biết đủ là đủ, chờ cho đủ thì không biết đến bao giờ mới đủ3 . Làm việc như thế là đủ. Tiền bạc như thế cũng đủ. Có người hiểu được triết lý sống của cụ Tồn Chất “biết đủ là đủ” nên hưu sớm khi vừa đủ. Có kẻ vẫn miệt mài làm việc tích trữ tiền bạc cho đến khi sức khỏe không cho phép mới hưu. Hoặc tệ hơn, có kẻ làm việc đến khi đổ bệnh mới quyết định hưu. Lúc đó về nhà hay vào viện dưỡng lão nằm chờ… chết, hoặc nếu sống sót qua cơn bệnh trầm kha thì cũng sống èo uột, quanh quẩn trong nhà, đi đứng mệt nhọc. Một cách sống mòn.
Tôi quen một gia đình hiện ở cùng một thành phố với tôi. Anh chị có 2 đứa con đã ra riêng, và thành công về mọi mặt, nhất là mặt tài chính. Đã quá tuổi hưu, thế mà hai vợ chồng vẫn hì hục làm việc, nói là để giúp con cái. Tôi hỏi có khi nào anh chị nghe chúng than van thiếu thốn không? Anh chồng bảo chúng tôi ký cóp để khi chết đi để lại cho các cháu một ít. Hóa ra là anh chị muốn để lại chút tài sản làm quà cho cháu; không phải cho con, mà là con của con mình. Tôi nghĩ trách nhiệm của mấy đứa cháu là của cha mẹ chúng – như xưa anh chị phải chu toàn cho con cái – còn ông bà nội ngoại, là anh chị, chẳng có trách nhiệm gì cả. Ký cóp đến 70 thì chị đổ bệnh, không phải bệnh thường của tuổi già, mà là bệnh nghiêm trọng, mãn tính. Thuốc men hơn năm thì chị đuối, đi đứng không vững, phải lết từ giường đến phòng vệ sinh. Dĩ nhiên, dù có ham làm đi nữa, anh vẫn phải bỏ việc, để ở nhà săn sóc chị. Tuổi hưu của anh chị là một người mang bệnh và một người săn sóc người mang bệnh. Căn nhà rộng hoác chỉ còn hai vợ chồng già vật vã, mỗi ngày.
2. Thế giới ngày nay tiến bộ về mọi mặt, nhất là nền y khoa, nên hầu hết tuổi thọ mọi người đều tăng một cách đáng kể. Ở Hoa Kỳ, tuổi thọ trung bình là 79.1 năm; dĩ nhiên phụ nữ luôn sống thọ hơn đàn ông, 81.7 so với 76.6 năm. Nếu một người hưu non ở tuổi 62 thì trung bình sống thêm 17 năm nữa; còn nếu hưu ở tuổi 70 thì trung bình chỉ sống thêm 9 năm nữa, và theo giới tính thì đàn ông sống thêm chưa đến 7 năm.
Tuy vậy, số người sống quá ngưỡng tuổi thọ trung bình – 79,1 tuổi – ngày càng tăng. Theo Cục Điều tra Dân số4 năm 2020, chiếu theo biểu đồ trên, với tổng dân số là 331.002.647, có 2.3% nữ giới và 1.6% nam giới sống thọ trên 80 tuổi. Quy ra số người là 7.613.060 phụ nữ và 5.296.042 đàn ông.
Còn số người sống đến 100 tuổi thì sao? Theo thống kê dân số năm 2010 thì có 53.364 người sống thọ 100 tuổi hoặc thọ hơn5 , chiếm 0.0173% tổng dân số. Năm 20146 , con số tăng vọt lên 72.197 người. Theo báo cáo của Cơ quan Y tế và Dịch vụ Dân sinh7 , năm 2019 có 100.322 người sống đến 100 tuổi hoặc thọ hơn; tăng gấp ba so với năm 1980 chỉ có 32.194 người. Theo dự kiến của Cơ quan Khảo cứu Statista8 , số người sống thọ 100 tuổi tăng lên 589.000 người vào năm 2060.
3. Tuổi thọ của các thành viên trong gia đình. Theo tôi, đây là yếu tố quan trọng nhất để quyết định hưu lúc nào. Nên có một cái nhìn tổng quát về tuổi thọ của những người thân thuộc. Cha mẹ tuổi thọ ra sao. Anh chị em trong nhà sống bao lâu. Nếu cần, nên biết luôn tuổi thọ của cô chú bác nếu là đàn ông, và cậu dì dượng nếu là đàn bà. Nhân tố di truyền đóng vai trò cốt yếu cho các thế hệ. Nếu cha mẹ vướng một căn bệnh trầm kha thì con cái cũng có thể vướng cùng một căn bệnh. Và nếu cha mẹ sống thọ thì con cái cũng hưởng gen di truyền sống thọ9 .
Xin đơn cử một ví dụ. Trường hợp một gia đình họ hàng của tôi. Gia đình bên anh có tuổi thọ từ 70 đến 80 tuổi. Cô em mất vì ung thư lúc 70. Chú em mất vì đột quỵ lúc 72. Người anh cả cũng bán thân bất toại ở tuổi 76. Riêng bà chị cả thì sống đến 85. Anh về hưu trễ, lúc 68 tuổi, và đến 75 thì bị ung thư. Sau vài lần xạ trị, anh yếu hẳn và bị nhiễm trùng ở màng óc. Anh rơi vào hôn mê, sống đời thực vật. Nằm quằn quại trên giường bệnh vài năm thì mất. Nếu suy tính theo yếu tố 3, đáng lẽ anh nên hưu ở tuổi 62 vì ít nhất anh có 13 năm vui thú dưỡng già, vẫn còn hơn hưu trễ và chỉ hưởng tuổi hưu được 7 năm. Cả một đời làm lụng vất vả để rồi sống nhàn được 7 năm thôi thì thật uổng. Quá uổng!
Ba yếu tố căn bản trên giúp chúng ta tìm ra một tuổi hưu thích hợp cho riêng từng người. Sự thật là không ai biết được ngày mai ra sao, sống chết thế nào. Nhưng để có một quyết định – tương đối đúng – chúng ta phải dựa vào một vài yếu tố căn bản. Đoán tương lai bất định nhờ những dữ kiện cố định trong quá khứ. Nhưng luôn nhớ, đây chỉ là một quyết định mang ý nghĩa tương đối vì cái chết xảy đến bất cứ lúc nào.
II. CHUẨN BỊ HƯU
Cần chuẩn bị kỹ càng trước khi quyết định hưu. Tuổi hưu có thể kéo dài 20 hoặc 30 năm là lẽ thường, vì con người thời nay sống thọ. Nếu tính trung bình là 25 năm hưu, thì quãng thời gian đó xem như gần 1/3 đời người. Từng ấy năm mà không có sự chuẩn bị kỹ càng thì chắc chắn cuộc sống sẽ thiếu thốn, nhàm chán, và mất hết ý nghĩa. Một khi cuộc sống không cảm thấy hứng thú, gây ra buồn bực, và lúc đó bệnh tật sẽ nổi lên hoành hành. Ai cũng hiểu, tuổi già mà vướng nhiều bệnh tật thì càng mau chết, và nếu có sống thì cũng sống èo uột, đời sống cũng chẳng có gì vui vì cả ngày mệt mỏi với thuốc men.
Tôi có người bạn, quyết định hưu chỉ trong vòng 1 tháng. Anh ta luôn cho rằng hưu chỉ là chuyện nhỏ, vì hưu là để nghỉ ngơi thì thoải mái quá, chẳng cần phải lo lắng chuẩn bị. Ở nhà 2 tuần, anh ta cảm thấy quá buồn chán, vì đi ra đi vào không biết làm gì cho hết ngày. Tập thể dục gần một tiếng. Xem TV chừng hơn tiếng. Làm vườn cũng từng đó. Anh ta còn tập chụp hình để tiêu khiển. Nhưng cho dù tìm mọi cách để bận rộn, anh cũng không thể lấp đầy 24 tiếng mỗi ngày. Tiền bạc không thiếu, nhưng lý do chính là thiếu niềm vui. Rõ ràng, anh không có một kế hoạch cụ thể nào để tiêu khiển, để vui hưởng tuổi hưu. Rốt cuộc, anh xin trở lại làm việc. Tuy mệt mỏi vì phải làm việc ở tuổi già, nhưng ít nhất anh tránh được sự buồn nản trong đời sống.
Theo thiển ý, hai phương diện mà chúng ta nên chuẩn bị và có kế hoạch rõ ràng là: Tài Chánh, và Tinh Thần.
A. Tài Chánh
Xin nói ngay, nếu đang còn nợ nhà thì không nên hưu, kể cả nợ thẻ tín dụng. Khi hưu, không nên giữ một món nợ nào, dù nhỏ. Trả hết các món nợ, cho dù món nợ với lãi suất thấp nhất. Một là cứ tiếp tục làm việc để trả cho xong nợ nhà và các món nợ khác. Hai là bán đi mua căn nhà khác, nhỏ hơn, vừa vặn với đời sống hai vợ chồng. Dĩ nhiên, có người bảo con cái thay cha mẹ gánh vác nợ nhà, vì sau này để lại nhà cửa cho chúng. Nhưng chúng ta đang bàn đến vấn đề tài chánh độc lập, (tuyệt đối) không nhờ cậy vào con cái. Một khi con cái đã trưởng thành, có công ăn việc làm, gánh vác gia đình riêng thì nên để chúng nó gánh trách nhiệm với con cái của chúng. Không nên bảo con cái gánh vác thêm trách nhiệm nào nữa, chưa kể phải có sự đồng ý của dâu và rể. Không khéo, vì giúp gánh vác nợ nhà cho cha mẹ, vợ chồng lại xích mích. Vô tình, yêu cầu của cha mẹ lại gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình của con cái.
Vì thế, vấn đề tài chánh rất quan trọng trong tuổi hưu cho cả hai vợ chồng. Phải tính toán, tiết kiệm, đầu tư để cuộc sống hưu không dựa vào con cái, kể cả chi phí lúc chết từ nhà quàn đến đất chôn (hoặc thiêu). Một khi không phải lo lắng về tiền bạc lúc tuổi già thì tinh thần sẽ thoải mái, không bị căng thẳng, sống thanh thản nhàn hạ. Cuộc sống càng nhàn hạ vô ưu bao nhiêu thì càng ít vướng bệnh tật bấy nhiêu.
Tài chánh trong khi hưu gồm các nguồn tiền sau đây:
- tiền An sinh Xã hội (Social Security Benefits),
- quỹ 401K (saving before tax),
- lương hưu (pensions) từ các công ty lớn,
- tiền lời (dividend) từ cổ phần,
- tiền lương từ công việc bán thời gian (part-time job),
- tiền lời (home equity) từ căn nhà đang làm chủ,
Theo ước tính, người Mỹ cần khoảng 70% tiền lương mới đủ sống trong tuổi hưu. Theo tôi, người Việt chỉ cần có 40-50% tiền lương lúc chưa hưu là đủ có một cuộc sống hưu đơn giản và đầm ấm cho hai vợ chồng rồi. Không đua đòi, không se sua. Các thói quen xa hoa phung phí phải giảm bớt, hoặc bỏ hẳn. Tôi sẽ bàn thêm trong phần “Tinh Thần” để có cuộc sống dưỡng già bình an, hạnh phúc.
Vì thế, các nguồn tài chánh chuẩn bị cho tuổi hưu rất quan trọng, nhưng nguồn tiền quan trọng nhất có lẽ là tiền An sinh Xã hội (ASXH) đối với một người có tiền lương trung bình, đời sống bình thường, tiêu pha vừa phải, biết tiết kiệm để dành. Họ đại diện cho tầng lớp trung lưu ở Mỹ. Xin phân tích loại tiền ASXH này để cùng nghiên cứu, vì đây là quyền lợi thiết yếu của chúng ta sau một thời gian vài chục năm làm việc.
1. Tiền An sinh Xã hội
Theo Cơ quan Quản lý Quỹ An sinh Xã hội, bất cứ ai làm việc đủ 40 tín chỉ thì được hưởng tiền An sinh Xã hội (ASXH). Số tiền tượng trưng cho một tín chỉ thay đổi từng năm. Năm 2021, một tín chỉ là $1470. Mỗi năm được tối đa là 4 tín chỉ; tương đương $5880. Như thế 40 tín chỉ tương đương 10 năm làm việc. Một khi đã đạt được 40 tín chỉ, quý vị nên vào trang nhà của Quỹ An sinh Xã hội (https://www.ssa.gov/site/signin/en/) để mở một trương mục. Sở dĩ phải mở trương mục vì để theo dõi thu nhập hằng năm của quý vị do hãng xưởng gửi về cho Quỹ An sinh Xã hội có chính xác không. Ngoài ra, quý vị biết trước số tiền ASXH (phỏng chừng) được hưởng khi về hưu. Nếu không mở trương mục, khi quý vị 60 tuổi trở đi, Quỹ An sinh Xã hội sẽ tự động gửi bản báo cáo (Social Security Statement) 3 tháng trước ngày sinh nhật của quý vị. Thường thì không thể có sai sót vì là thời đại kỹ thuật số và điện tử hóa nên rất chính xác, nhưng chúng ta không thể tin tưởng hoàn toàn vào Quỹ An sinh Xã hội và phải kiểm tra hằng năm vì đây là quyền lợi chính đáng của mỗi người. Một khi có sai sót, lập tức phải báo ngay cho Quỹ An sinh Xã hội để điều chỉnh. Giấy tờ duy nhất để chứng minh là giấy W2, lợi tức khai thuế mỗi năm. Vì thế, phải giữ bản sao W2 hằng năm để điều chỉnh nếu có sai sót.
Nếu một người đi làm và đóng thuế đầy đủ, tuổi hưu chính thức (hợp pháp) bắt đầu từ năm 62 tuổi. Chính thức có nghĩa là người dân bắt đầu nhận được tiền An sinh Xã hội từ chính phủ, nếu quyết định hưu. Tiền An sinh Xã hội tăng tỷ lệ thuận với tiền lương, và tăng vọt vào 4 năm cuối, từ 66 đến 70 tuổi. Sau 70 tuổi, tiền An sinh Xã hội sẽ không tăng nữa, cho dù vẫn đi làm.
Thế hệ “baby boomers” là những người sinh từ năm 1946 đến 1964. Sở dĩ gọi là baby boomers vì đất nước Hoa Kỳ vừa trải qua Thế chiến II, trai tráng chết quá nhiều nên các gia đình có khuynh hướng sinh sản nhiều (booming). Những ai sinh từ 1943 đến 1954 thì tuổi hưu chính thức là 66 tuổi. Số còn lại, từ 1955 đến 1959, hưu từ 66 tuổi và cọng thêm 2 tháng cho mỗi năm sinh. Những ai sinh từ 1960 trở về sau thì hưu chính thức lúc 67 tuổi.
Có 4 sự lựa chọn khi quyết định hưu vào lúc 62 tuổi: (a) hưu non 62 tuổi, và tiếp tục làm việc; (b) hưu non 62 tuổi, và không làm việc nữa; (c) hoãn hưu, và tiếp tục làm việc; (d) hoãn hưu, và không làm việc nữa.
a. hưu non 62 tuổi, và tiếp tục làm việc; nhận tiền An sinh Xã hội và tiền lương từ việc làm.
Ví dụ một người hưu – sinh từ 1943 đến 1954 – nhận được $1000/tháng tiền An Sinh Xã Hội (ASXH) ở tuổi hưu chính thức (66 tuổi) và quyết định hưu ở tuổi 62 thì bị khấu trừ 25%; là $250 và chỉ còn nhận $750. Nếu quyết định hưu năm 63 tuổi thì thì bị khấu trừ ít hơn. Cứ thế, tỷ lệ khấu trừ giảm dần cho đến tuổi hưu chính thức là 66 tuổi thì hưởng trọn 100%; là $1000. Người vợ/chồng có thể nhận tối đa 50% tiền ASXH của chồng/vợ, nếu tiền ASXH của vợ/chồng ít hơn so với tiền ASXH của chồng/vợ. Nhưng nếu người phối ngẫu chọn hưu non ở tuổi 62 thì cũng bị khấu trừ. Theo ví dụ trên thì người phối ngẫu nhận tối đa là $500; một nửa của $1000. Vì hưu non nên cũng chỉ nhận được $350; khấu trừ 30%.
Nên nhớ, một khi quyết định hưu ở tuổi nào thì lãnh số tiền ASXH tương ứng như thế suốt đời. Theo ví dụ trên thì người hưu sẽ nhận số tiền $750 cho đến khi chết; người phối ngẫu cũng thế, sẽ nhận $350 cho đến khi lìa đời.
Tỷ lệ khấu trừ này tăng dần theo số tuổi. Như bảng trên, những người sinh năm 1959, nếu hưu non ở tuổi 62 thì bị khấu trừ 29.17%; chỉ còn nhận $708. Nếu sinh năm 1960 và về sau, nếu hưu non ở tuổi 62 – so với tuổi hưu chính thức là 67 tuổi – thì bị khấu trừ 30%; chỉ còn $700.
Một người có thể vừa nhận tiền ASXH, vừa đi làm bình thường. Nhưng tiền ASXH sẽ bị trừ tùy theo tiền lương. Có 2 mức hạn định:
- những năm dưới tuổi hưu chính thức; cứ $2 sẽ bị trừ $1
- năm đúng tuổi hưu chính thức; cứ $3 sẽ bị trừ $1
Năm 2022, mức hạn định là $19.560 cho dưới tuổi hưu chính thức và $51.960 cho năm đúng tuổi hưu chính thức. Giả sử một người sinh năm 1960, năm 2022 là đúng 62 tuổi và quyết định vừa lãnh tiền ASXH, vừa đi làm. Lấy ví dụ lãnh tiền ASXH là $1000, nhưng vì hưu ở tuổi 62, nên chỉ còn $700; cả năm là $8.400 = $700 x 12 tháng. Chẳng hạn tiền lương năm 2022 là $30.000. Lấy $30.000 trừ cho mức hạn định $19.560 còn lại $10.440; và số tiền sở ASXH sẽ trừ đi ($10.440÷2) là $5.220; vì cứ $2 trên mức hạn định sẽ bị trừ $1 tiền ASXH. Như thế, tiền ASXH lãnh chỉ còn $3.180 = $8.400 – $5.220. Sở ASXH sẽ không rải đều số tiền bị trừ vào từng tháng, nhưng trừ theo đơn vị năm. Trường hợp này, người này sẽ không nhận được tiền ASXH từ tháng 1 đến hết tháng 7, sang tháng 8 sẽ nhận được $320 = $700 – $380. Số tiền $380 là tiền bị trừ còn lại, sau khi trừ 7 tháng, cho đủ tổng số tiền bị trừ là $5.220 ($700 x 7 tháng = $4.900 + $380 = $5.220), và từ tháng 9 đến tháng 12 nhận đủ $700 mỗi tháng.
Mức hạn định tăng mỗi năm. Một khi vẫn đi làm và dưới tuổi hưu chính thức, tiền ASXH đều bị trừ cho đến khi bước qua tuổi hưu chính thức. Trở lại ví dụ trên. Năm sau, 2023, người này 63 tuổi, vẫn dưới tuổi hưu chính thức, vì vẫn đi làm nên vẫn bị trừ tiền ASXH theo mức hạn định mới; không dùng mức $19.560 như năm 2022 nữa. Những năm 2024, 2025, và 2026 đều bị trừ với mức hạn định mới cho mỗi năm. Năm 2027, đúng tuổi hưu chính thức, nghĩa là 67 tuổi, thì cứ $3 sẽ bị trừ $1 nếu tiền lương cao hơn mức hạn định ấn định vào năm đó. Lấy ví dụ, những ai sinh năm 1956, và tháng 8/2022 là đúng tuổi hưu chính thức. Nếu người này làm $96.000/năm, tính ra lương từ tháng 1 đến tháng 7 (tháng 8 là đúng tuổi hưu) là $56.000 = ($96.000÷12) x 7. Mức hạn định năm 2022 cho tuổi hưu chính thức là $51.960 nên sở ASXH sẽ tính toán như sau. Số tiền cao hơn mức hạn định là $4040 = $56.000 – $51.960. Vì cứ $3 tiền lương sẽ trừ $1 nên số tiền bị trừ là $1.347 = $4040÷3.
Từ 68 tuổi trở đi (năm 2028), tiền ASXH sẽ không bị trừ (nhận trọn $700, theo ví dụ trên) cho dù tiền lương cao thế nào đi chăng nữa.
Mức hạn định thay đổi tùy theo năm. Lấy vài thí dụ như sau:
- năm 2018, mức hạn định là $17.040 và $45.360
- năm 2019, mức hạn định là $17.640 và $46.920
- năm 2020, mức hạn định là $18,240 và $48.600
- năm 2021, mức hạn định là $18.960 và $50.520
- năm 2022, mức hạn định là $19.560 và $51.960
- năm 2023, sở ASXH sẽ cho biết mức hạn định mới vào tháng 11/2022
b. hưu non 62 tuổi, và không làm việc nữa; lãnh tiền An sinh Xã hội. Số tiền ASXH này (chỉ còn 70% nếu sinh 1960 trở đi) sẽ được lãnh cho đến cuối đời. Năm 2016, theo Cục Thống kê Lao động10 , khoảng 1/5 người cao niên từ 65 tuổi trở lên vẫn làm việc, chiếm gần 20% lực lượng lao động. Vào giữa thập niên 1980, tỷ lệ này là 1 trên 10. Tính đến đầu năm 2019, số người cao niên trên 65 tuổi đang làm việc hoặc đang tìm việc vẫn chiếm 20% – tổng số 10.6 triệu người11 .
Nhưng đến quý 3 năm 2021, khoảng 50.3% người cao niên từ 55 tuổi trở lên lại quyết định nghỉ hưu, theo khảo cứu của Pew Research Center12 . Cụ thể hơn, chỉ riêng trong quý 3 năm 2021, 66.9% người cao niên từ 65 đến 74 tuổi quyết định nghỉ hưu, so với 64% cùng quý 3 năm 2019. Cứ 3 người trong lứa tuổi này thì có 2 người quyết định hưu. Rõ ràng, thế hệ “baby boomers” (1946-1964) quyết định nghỉ ngơi sớm hơn dự tính.
Với con số 72 triệu, đại diện cho thế hệ này, một khi hưu, sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến nền kinh tế. Người ta cho rằng lý do chính là vì kinh tế suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra. Các nhà kinh tế cho biết ảnh hưởng đại dịch COVID-19 đến việc nghỉ hưu không biết sẽ kéo dài bao lâu.
c. hoãn hưu, và tiếp tục làm việc; không nhận tiền An sinh Xã hội, lợi tức là tiền lương từ việc làm. Nếu tiếp tục làm việc, hoãn hưu non thì những năm về sau tiền hưu tăng gấp bội; đặc biệt từ năm chính thức hưu đến năm 70 tuổi; tăng 8% mỗi năm. Từ 70 tuổi trở đi, tiền ASXH sẽ không tăng nữa. Công thức lũy tiến để tính tiền ASXH từ 66 tuổi đến 70 tuổi như sau:
A = B (1 + %tiền lời)70t–66t
Trong đó, B là tiền ASXH được lãnh vào năm 66 tuổi, tức năm hưu chính thức. A là tiền ASXH được lãnh vào năm 70 tuổi, nếu hoãn hưu. Số phần trăm là 8. Lũy thừa là 70 – 66 = 4. Ví dụ, một người lãnh $1.000 vào tuổi hưu chính thức là 66, đến năm 70 tuổi số tiền ASXH sẽ là:
$1.000 (1 + 0.08)4 = $1.361
Số tiền ASXH được lãnh, nếu hoãn hưu, từ $750 (hưu non, 62 tuổi) lên đến $1.361 lúc 70 tuổi, sai biệt $611. Đây là số tiền lãnh nhiều hơn mỗi tháng, và một năm lãnh về nhiều hơn $7.332 – nếu hoãn hưu và làm việc thêm 8 năm. Số tiền thặng dư $7.332 cho mỗi năm sẽ tiếp tục cho đến khi chết. Nếu sống thêm 20 năm sau khi hưu trễ ở tuổi 70, số tiền thặng dư lên đến $146.640.
d. hoãn hưu, và không làm việc nữa; nhưng không nhận tiền An sinh Xã hội và chờ đến tuổi hưu chính thức. Tình trạng tài chánh của những người này rất ổn định nên nghỉ hưu và không cần tiền ASXH. Họ chờ đến tuổi hưu chính thức để lãnh trọn số tiền.
Nhưng nên nhớ điều này, nếu hưu non và không làm việc, và làm chưa đủ 35 năm thì nên tiếp tục làm việc cho đủ 420 tháng (35 x 12 tháng). Đây là con số căn bản sở ASXH dùng để tính ra tiền hưu cho mỗi người. Nếu làm trên 35 năm, sở ASXH sẽ chọn 35 năm có mức lương cao nhất. Còn nếu làm ít hơn 35 năm mà hưu thì tiền hưu sẽ bị giảm sút, vì sở ASXH vẫn chia đều cho 420 tháng. Như đã nói trên, nên mở một trương mục tại trang nhà của sở ASXH để theo dõi tiền thu nhập hàng năm. Nếu thấy sai sót, từ số năm làm việc đến tiền lương hàng năm, lập tức phải báo ngay cho sở ASXH để điều chỉnh.
Chi tiết sở ASXH chiết tính ra tiền hưu như sau.
- Mỗi năm đều có một Chỉ số Tiền lương Trung bình (AWI = Average Wage Index)13 . Sở ASXH sẽ lấy chỉ số của năm người đó 60 tuổi để làm chuẩn. Thí dụ, sinh năm 1956, sở ASXH sẽ lấy chỉ số của năm 2016 (60 tuổi) làm chuẩn. Một thí dụ khác, sinh năm 1960, sở ASXH sẽ lấy chỉ số của năm 2020 làm chuẩn.
Thu nhập mỗi năm sẽ được nhân với thương số riêng biệt từ chỉ số của năm 60 tuổi chia cho chỉ số của năm hưởng thu nhập. Thí dụ, người sinh năm 1960 lấy chỉ số tiền lương năm 2020 là 55.628 làm chuẩn, và chỉ số năm 1990 là 21.027, thương số là 2.64 =55.628 ÷21.027. Đây là con số sẽ nhân cho tiền lương năm 1990 để quy tiền lương năm 1990 lên ngang ngửa với tiền lương năm 2020. Từ năm 60 tuổi trở đi, thương số luôn luôn là 1, vì cùng một chỉ số.
Giả sử tiền lương năm 1990 là $18.000 thì số tiền tính vào tiền hưu là $47.620 = $18.000 x 2.64. Sở dĩ phải nhân lên vì đồng tiền mất giá do lạm phát, sức mua năm 2020 giảm sút so với cùng sức mua năm 1990.
Quý vị vào trang sau (https://www.ssa.gov/oact/cola/awifactors.html) để thấy thương số cho mỗi năm lương. Ở trang này, sở ASXH đã so sánh các chỉ số của từng năm so với chỉ số năm 60 tuổi.
“Year of eligibility” là năm bắt đầu có quyền hưu; nghĩa là năm 62 tuổi. Ví dụ, sinh năm 1956 thì lúc 62 tuổi là năm 2018. Gõ “2018” và nhấn “Submit request”. Khi trang mới hiện ra (https://www.ssa.gov/cgi-bin/awiFactors.cgi), quý vị nên kiểm soát xem năm sinh của quý vị đúng hay không. Như trường hợp này, sinh năm 1956 là đúng.
Quý vị sẽ thấy cột bên trái là số năm và cột bên phải “Factor”, chính là thương số cần phải nhân cho mỗi năm lương.
- Thu nhập cao nhất của 35 năm làm việc sẽ nhân với chỉ số riêng biệt mỗi năm như trình bày trên; tất cả được cọng lại và chia cho 420 tháng (35 năm x 12). Nếu làm ít hơn 35 năm, sở ASXH vẫn chia cho 420 tháng. Thương số gọi là Thu nhập Trung bình Ấn định Hàng tháng, “Average Indexed Monthly Earnings” (AIME)14 . Số AIME càng lớn thì tiền hưu càng cao, và ngược lại. Nhưng đây chưa phải là tiền hưu chính thức.
- Mỗi năm, đều có 2 điểm uốn (bend points)15 riêng biệt dựa theo Chỉ số Tiền lương Trung bình (AWI) của năm 1977 và AWI của 2 năm trước tuổi hưu 62 tuổi, tức 60 tuổi. Ví dụ, tính điểm uốn cho năm 2022 phải lấy AWI của năm 1977 là 9.779,44, và AWI của năm 2020 (2 năm trước năm hưu 2022) là 55.628,6 để so sánh. Điểm uốn đầu tiên được tính như sau: (55.628,6 ÷ 9.779,44) * 180 = 1.024. Điểm uốn thứ hai được tính như sau: (55.628,6 ÷ 9.779,44) * 1.085 = 6.172. Chỉ số năm 1977 là chỉ số gốc, và hai con số 180 và 1085 là hằng số, nghĩa là năm nào cũng lấy AWI của năm 1977 và thương số nhân cho hai hằng số này để tính ra các điểm uốn. Thật ra, chúng ta không cần phải cộng trừ nhân chia làm gì, vì sở ASXH đã tính dùm và đưa lên trang nhà. Tính toán trên nhằm giúp những người ham học hỏi và muốn biết rõ chi tiết.
Một vài điểm uốn cho những năm qua.
AIME sẽ được cắt ra dựa trên 2 điểm uốn này. Như tính toán trên, năm 2022, hai điểm uốn là $1.024 và $6.172. Giả sử một người về hưu năm 2022 với AIME là $6250 thì tiền hưu được tính như sau.
Điểm uốn đầu tiên là $1.024 sẽ nhân cho 90% là $921.60. Điểm uốn thứ hai là $6172 – $1024 = $5148. Số tiền này nhân cho 32% là $1647.36. Phần còn lại sẽ nhân cho 15%, $6250 – $6172 = $78 x 0.15 = $11.7. Tổng cộng 3 số tiền chiết tính qua 2 điểm uốn là $921.60 + $1647.36 + $11.7 = $2580.66. Đây là số tiền ASXH được lãnh nếu về hưu đúng tuổi hưu chính thức và được gọi là Tiền Bảo đảm Căn bản (Primary Insurance Amount =PIA).
Ngoài cách tính trên, tiền hưu còn được điều chỉnh theo giá cả sinh hoạt (Cost-Of-Living Adjustments = COLA)16. Tùy theo năm – năm có năm không – sở ASXH quyết định tăng tiền hưu theo một tỷ lệ để bù vào vật giá leo thang vì lạm phát. Chẳng hạn, năm 2022, tỷ lệ điều chỉnh giá cả sinh hoạt là 5.9%. Nên nhớ, giá cả sinh hoạt được điều chỉnh chỉ sau năm 62 tuổi. Chẳng hạn một người sinh năm 1960, năm 2022 là đúng 62 tuổi, nên những năm 2023 trở đi mới được điều chỉnh tiền ASXH.
Lấy thêm một thí dụ để chiết tính tiền ASXH. Một người sinh năm 1960, làm việc năm đầu tiên 1987 với thu nhập là 16 nghìn. Giả sử mỗi năm tiền lương tăng đều đặn $1,500 trong suốt 35 năm. Làm việc đến năm 2022 thì quyết định hưu non. Sau đây là bảng chiết tính chi tiết.
Làm việc từ năm 1987 đến 2022 là đúng 35 năm nên toàn bộ số tiền lương được cộng vào để tính lương hưu. Năm 60 tuổi là 2020 nên lấy chỉ số năm này làm chuẩn. Lương năm 1987 là $16.000 nhân với chỉ số 3.01 để đưa mệnh giá lên ngang ngửa với giá sinh hoạt năm 2020. Số tiền được cọng là $48.303 và tiền lương mỗi năm tiếp theo đều được nhân với một chỉ số khác nhau. Tổng cộng là $2.201.319. Đem chia cho 420 tháng là $5.241 (AIME). Dùng 2 điểm uốn cho năm 2022 (62 tuổi) là $1.024 và $6.172, tiền hưu chính thức là $2.271 (PIA) = 0.9(1024) + 0.32(5241-1024). Vì hưu non nên chỉ nhận 70% thành $1.590. Nếu hoãn hưu, tiếp tục làm việc đến năm 70 tuổi thì tiền ASXH là $3.089. Sai biệt là $1.499/tháng, một năm lãnh thêm $17.988. Sau 70 tuổi, tiền ASXH sẽ không tăng nữa.
Một ví dụ khác17 . Một người sinh năm 1956, làm việc năm đầu tiên 1987 với thu nhập là 28 nghìn. Giả sử mỗi năm tiền lương tăng đều đặn $2.000 trong suốt 35 năm. Làm việc đến năm 2022 thì đúng tuổi hưu chính thức, và quyết định hưu. Sau đây là tính toán chi tiết.
Làm việc từ năm 1987 đến 2022 là đúng 35 năm nên toàn bộ số tiền lương được cộng vào để tính lương hưu. Năm 60 tuổi là 2016 nên lấy chỉ số năm này làm chuẩn. Lương năm 1987 là $28.000 nhân với chỉ số 2.64 để đưa mệnh giá lên ngang ngửa với giá sinh hoạt năm 2016. Số tiền được cọng là $73.914 và tiền lương mỗi năm tiếp theo đều được nhân với một chỉ số khác nhau. Tổng cộng là $2.960.416. Đem chia cho 420 tháng là $7.049 (AIME). Dùng 2 điểm uốn cho năm 2018 (62 tuổi) là $895 và $5.397, tiền hưu chính thức là $2.494 (PIA) = 0.9(895) + 0.32(5397 – 895) + 0.15(7049-5397). Vì tuổi hưu bắt đầu từ 2018, nên tiền ASXH giá cả sinh hoạt được điều chỉnh (COLA) cho những năm 2019, 2020, 2021, và 2022. COLA những năm đó là 2,8%, 1,6%, 1,3%, và 5,9%, theo thứ tự. Cuối cùng, số tiền được lãnh vào năm 2022 của người này là $2.794.
2. Quỹ 401K
Có thể nói đây là tiền để dành khi về hưu. Khi bỏ tiền vào quỹ 401K, nhân viên không phải đóng thuế trên số tiền này. Như thế, nếu tiền lương cao, cách hay nhất để giảm thuế là bỏ tối đa vào quỹ 401K. Ngay cả khi mới bắt đầu làm việc, lương còn thấp, cũng nên trích ra một ít để sung vào quỹ. Ngoài ra, số tiền này được các hãng xưởng bỏ ra một số phần trăm tương ứng nào đó; chẳng hạn cứ $1 bỏ vào quỹ thì hãng ứng cho $0.5 miễn phí, cho không. Như thế, nếu nhân viên bỏ ra một đồng thì quỹ 401K của mình được $1.5 = $1 + $0.5, nhưng chỉ đến một mức phần trăm nào đó mà thôi. Thường thì hãng cho miễn phí tối đa 3% trên 6% đầu tiên nhân viên sung vào quỹ 401K. Có hãng cho miễn phí tối đa 6%. Ví dụ, lương của một nhân viên là $50.000, để dành 10% là $5.000 sung vào quỹ 401K, và được hãng ứng thêm 3% là $1.500, hoặc 6% là $3.000. Tổng cộng được $6.500 hoặc $8.000, trong đó nhân viên được không $1.500 hoặc $3.000. Thêm vào đó, số tiền $5.000 trích ra từ tiền lương không phải đóng thuế. Tiền lương về sau ngày càng tăng thì quỹ 401K ngày càng cao.
Nếu cứ bỏ liên tục trong vài chục năm, và đầu tư khéo léo, khi về hưu, số tiền 401K có thể lên đến vài trăm nghìn. Theo ví dụ trên, chỉ cần bỏ $200/tháng, bắt đầu từ năm 25 tuổi, đến năm 65 tuổi số tiền đã tăng lên hơn $600.000. Dĩ nhiên, phải biết tính toán đầu tư. Tuy thế, theo thống kê của Cục Điều tra Dân số, chỉ có khoảng 32% lực lượng lao động để dành tiền vào quỹ 401K; nghĩa là cứ 3 người thì có 2 người không để dành vào quỹ 401K18 . Nếu quý vị có con cháu đang làm việc, nên nhắc nhở chúng về quỹ 401K và tận dụng số tiền hãng cho không, miễn phí.
Tiền hưu ASXH rõ ràng không đủ để chi phí trong tuổi già, cho dù lương cao đến mấy đi nữa. Nếu biết tiết kiệm, để dành và sung vào quỹ 401K, đến tuổi hưu, số tiền này cọng với tiền ASXH giúp chúng ta sống an nhàn hơn, không phải lo nghĩ nhiều về việc tiêu pha.
3. Lương hưu (pensions) từ các công ty lớn
Một chương trình phúc lợi thường gọi là “lương hưu”. Khoảng thập niên 1980, các hãng lớn hầu như bỏ dần loại phúc lợi này, và chuyển sang quỹ 401K. Mặc dù “lương hưu” ngày càng hiếm, nhưng vẫn còn là lợi tức cho một số người, đặc biệt những người làm việc cho chính phủ. Quỹ phúc lợi này dựa trên tiền lương và số năm làm việc. Thời gian làm việc càng lâu và lương càng nhiều thì lương hưu càng cao.
4. Tiền lời (cổ tức) từ các cổ phần
Tiền lời từ các cổ phần, thường là cổ phần của hãng lúc làm việc. Trừ những nhân viên có hàng trăm nghìn cổ phần tích lũy sau một thời gian dài làm việc, phần lớn những baby boomers không có lợi tức từ khoản này. Cần phải có hiểu biết tường tận về cổ phần mới đầu tư trong tuổi hưu vì những rủi ro sẵn có. Nên nhớ điều này, nếu thất bại trong việc đầu tư lúc còn trẻ thì vẫn còn thời gian để gỡ lại, nhưng tuổi hưu (thời gian ngắn) với lợi tức cố định (vốn hạn chế) thì việc lấy lại vốn rất khó khăn. Vì thế, rất cẩn trọng khi đầu tư vào cổ phần trong tuổi hưu.
5. Làm việc bán thời gian
Nếu hưu và cảm thấy thời gian trôi qua vô vị, nên kiếm một việc làm nào đó thích hợp với khả năng và sức lực. Công việc cũng là yếu tố giúp chúng ta duy trì sức khỏe, giữ tinh thần nhạy bén và hăng say, đồng thời kiếm thêm một chút thu nhập. Thật sự không nhất thiết phải tám giờ mỗi ngày, và một công việc không gây căng thẳng. Về hưu, tìm một lịch trình linh hoạt, ký hợp đồng làm theo mùa hoặc một hoạt động nào đó giúp chúng ta luôn sinh động về trí tuệ, tài chính và tinh thần. Một công việc giúp chúng ta thấy cuộc sống có mục đích, cũng như không cảm thấy thừa thãi trong quãng đời còn lại.
6. Tiền lời từ căn nhà hiện đang làm chủ
Thường khi đến tuổi hưu, đa số chúng ta đã hoàn toàn trả dứt nợ. Giá bất động sản tăng trong suốt thời gian chúng ta làm chủ căn nhà, và tạo ra một số tiền lời. Bây giờ là lúc chúng ta hưởng lợi từ căn nhà này. Có nhiều cách:
– Thế chấp ngược căn nhà (reverse mortgage); gọi nôm na là ngân hàng ứng ra trước một số tiền cho chủ nhà tùy theo giá trị của căn nhà với vài điều kiện: không còn một món nợ nào, và phải trên 62 tuổi.
- Bán nhà sau khi con cái ra riêng, và mua một căn khác nhỏ hơn, hợp với đời sống 2 vợ chồng. Hoặc bán xong, dọn qua một tiểu bang khác, nơi vật giá rẻ nên giá nhà cũng rẻ. Cả hai trường hợp, sau khi mua một tổ ấm cho cả hai vợ chồng già, chúng ta luôn dư một số tiền để chi tiêu.
Một vài điều lợi của thế chấp ngược, như số tiền lấy ra không phải đóng thuế, chủ nhà vẫn ở trên căn nhà. Chỉ sau khi bán nhà hoặc chủ nhà dọn ra, chủ nợ mới đòi toàn bộ số nợ. Tuy cũng là một cách mượn nợ, nhưng lãi suất rất thấp. Một vài điểm bất lợi như chi phí rất cao, cao hơn chi phí làm lại nợ. Tiền lấy ra tối đa là $822.375, cho dù giá trị căn nhà cao hơn số tiền đó. Nên tham khảo thêm về loại nợ này, vì khá phức tạp.
Đó là các loại thu nhập trong tuổi hưu. Tùy hoàn cảnh mỗi người, mỗi gia đình, biết tiện tặn, số tiền hàng tháng đủ để chúng ta chi tiêu, quyết không nhờ cậy vào con cái.
2. Tinh thần
Phần Tài Chánh, tôi trình bày khá dài. Vì là quyền lợi nên tôi phải viết cặn kẽ, chi tiết, và có lẽ dài nhất so với các phần khác. Tuy dài nhưng không có nghĩa là quan trọng nhất. Phần quan trọng nhất để hưởng một tuổi hưu ý nghĩa chính là Tinh Thần.
Trước hết nên hiểu chữ Hưu và Nhàn. Cụ Nguyễn Công Trứ nói về chữ Nhàn: Nguyệt lai môn hạ nhàn (thấy trăng trước cửa là nhàn), So lao tâm lao lực cũng một đàn, Người trần thế muốn nhàn sao được? Người xưa, khi về hưu, ngâm thơ uống rượu, ngắm trăng lên. Thật chẳng còn gì nhàn hạ hơn. Ngày nay, chúng ta không hưu như thế, nhưng xưa và nay đều giống nhau ở chỗ tinh thần cần nhàn hạ ở tuổi hưu.
Tiếng Anh, hưu trí là retirement. Chữ “retire” bắt nguồn từ động từ “tirer” của Pháp, nghĩa là “lôi, kéo.” Chữ “re” nguyên mẫu La-tinh đặt đàng trước chữ “tire” có nghĩa “phía sau, đàng sau.” Như thế, “retire” nghĩa là “lui về sau, rời bỏ, ngưng hoạt động, nhường chỗ, bỏ cuộc.” Chữ “hưu” trong tiếng Việt có nghĩa là nghỉ ngơi, thôi việc, lui về. Rõ ràng, cả hai ngôn ngữ đều mang một ý nghĩa như nhau.
Một khi không phải lo nghĩ về tài chánh, tuổi hưu sẽ nhàn hạ hơn. Nếu nhàn hạ thì tinh thần phấn chấn hơn, khoáng khoát hơn, và chắc chắn ít bệnh tật hơn. Khi hưu, cuộc sống cần chậm lại, tinh thần cũng thế, cần nhàn nhã. Rõ ràng, hưu về thể xác và nhàn về tinh thần gắn bó với nhau.
Tiền bạc đầy đủ tuy cần thiết nhưng không phải là điều kiện ắt có và đủ để có một tuổi hưu vui tươi, hạnh phúc. Sống nhàn hạ không nhất thiết tiền bạc phải dồi dào mà là chúng ta tận hưởng cuộc sống như thế nào trong những năm tháng còn lại. Tiền bạc chỉ là một trong những phương tiện giúp tinh thần tuổi hưu thoải mái.
Nếp sống của những người tỵ nạn từ thập niên 1980, khác với thế hệ con cháu, vì chúng sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Nên quan niệm hưu của người dân bản xứ – kể cả con cháu thuộc thế hệ sau – cũng khác ít nhiều so với thế hệ chúng ta, nhưng vẫn có khá nhiều điểm chung. Xin điểm qua một vài điểm cần thiết để duy trì một tinh thần vui tươi, nhàn hạ.
- Cần sức khỏe. Càng có sức khỏe càng thấy yêu đời, theo nghiên cứu của tổ chức tư vấn toàn cầu Watson Wyatt. Đây là điểm quan trọng nhất vì thật sự nếu tiền bạc dư thừa nhưng cả ngày nằm trên giường bệnh thì tuổi hưu xem như thừa thãi. Câu khuyên hay nhất vẫn là “Health Not Wealth”, sức khỏe vẫn tốt hơn của cải. Không gì bằng sức khỏe. Ngạn ngữ có câu: một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện. Tinh thần và sức khỏe bổ trợ cho nhau.
Thân thể về già đã rệu rạo như một chiếc xe cũ, điều này không thể tránh, nhưng chúng ta có thể làm chậm tiến trình lão hóa bằng cách ăn uống điều độ, kiêng khem, và năng tập thể dục mỗi ngày. Một chiếc xe có thể chạy được 20 năm, nếu biết bảo trì theo quy định. Thân thể cũng thế, về già không thể ăn uống vô độ, phải biết tránh những thức ăn khó tiêu hoặc thức uống độc hại, gây ra bệnh tật. Không thể chiều theo ý muốn và sở thích ăn uống như lúc còn trẻ. Người ta bảo chính cái miệng hại cái thân. Ý nói những kẻ ăn nói không đúng lúc, và không đúng chỗ, nhưng cũng chính cái miệng đưa thức ăn vào dạ dày gây nguy hại cho thân thể.
Nên có thói quen tập thể dục mỗi ngày. Có nhiều cách, như bơi lội, đi bộ, vào phòng tập. Tùy theo sức khỏe cho phép, tập vừa phải, không dùng quá sức. Ban đầu có thể khó khăn, nhưng nếu chịu khó tập chừng hơn tháng, thể dục sẽ trở thành một thói quen.
- Tuổi hưu cần vợ chồng, cũng theo Watson Wyatt. Những người có đôi thường yêu đời hơn những kẻ độc thân. Theo khảo cứu của University of Greenwich (Anh quốc), cả hai vợ chồng hưu cùng một lúc yêu đời hơn là cặp vợ chồng chỉ có một người hưu.
- Tuổi hưu cần bạn bè, cũng theo nghiên cứu của University of Greenwich. Về già, bạn bè quan trọng hơn con cái. Những người có nhiều bạn bè sống hạnh phúc hơn 30% so với cuộc sống của những kẻ sống thui thủi một mình. Điều ngạc nhiên nhất qua kết quả nghiên cứu, có con hoặc cháu không ảnh hưởng đến niềm vui trong tuổi hưu. Đến đây nên mở một dấu ngoặc. Nghiên cứu này thực hiện về dân Mỹ; riêng phong tục Việt nam, nhiều người ở tuổi hưu lấy việc chăm sóc cháu làm niềm vui, thậm chí họ lấy đó làm lẽ sống cho tuổi già. Điều này chẳng có gì sai, nhưng nếu hạnh phúc khi thấy bầy con cháu, thì cũng nên có bạn bè trong tuổi già để niềm vui hạnh phúc tròn trịa hơn.
Dĩ nhiên, bạn bè đồng lứa tuổi, đồng điệu. Yếu tố đồng điệu rất quan trọng, vì tuổi già tránh tranh luận, bàn cãi. Không nên hơn thua vì mỗi người đều có quan điểm riêng. Cần tôn trọng ý kiến và tư tưởng của mỗi người, và cách hay nhất để tránh tranh luận là giao du với những người đồng quan điểm.
- Tuổi hưu, chúng ta có cả 24 tiếng/ngày. Cần có nhiều thú tiêu khiển khác nhau để lấp đầy một ngày. Theo khảo cứu của Học viện Empirical Research khoa Kinh tế tại Zurich năm 2005, những người ngồi trước truyền hình để giết thì giờ trong ngày dần dà đời sống hưu sẽ nhàm chán. Niềm vui tuổi già tỷ lệ nghịch với thời gian ngồi xem truyền hình. Càng xem truyền hình ít, đời sống hưu càng có ý nghĩa. Chỉ xem một cuốn phim trong ngày là đủ. Một khảo cứu khác của Đh. Maryland năm 2008 cũng dẫn đến một kết quả tương tự. Nghiện truyền hình, hoặc xem youtube cả buổi là một cách thụ động chẳng ích lợi gì cho trí óc, cuộc sống hưu không lành mạnh, và chắc chắn chẳng tìm thấy niềm vui trong tuổi già. Hãy đứng lên, làm một công việc gì khác. Hãy bước ra ngoài, vui cảnh thiên nhiên hoặc rong chơi đây đó. Đừng bao giờ chôn mình trong bốn bức tường.
Có nhiều thú tiêu khiển để lấp đầy một ngày:
a. học một thứ mới: học một nhạc cụ, học yoga, học tai-chi, học một ngoại ngữ, ngồi thiền, chụp hình, làm các đồ thủ công, chơi gôn, viết lách, thiết lập blog, vẽ, đan thêu (phụ nữ), xếp giấy origami, viết nhật ký…v..v.
b. làm giàu kiến thức: đọc sách, ghi danh học một lớp, đọc một truyện ngắn rồi đưa lên youtube, thăm viếng các danh lam thắng cảnh, thăm viện bảo tàng, tìm hiểu thiên văn…v..v.
c. các thú khác: làm vườn, nấu nướng, chế biến các món ăn, khiêu vũ, bơi lội, tập tại phòng gym, picnic, chơi ô chữ, chơi cờ, du lịch, câu cá, sưu tầm, đạp xe đường dài, đi bộ đường dài (hiking), cắm trại, gặp gỡ bạn bè cuối tuần hát hò, xem thể thao, gia nhập các nhóm xã hội, giữ cháu, dạy kèm, cắt giữ coupons, bán hàng trên ebay, tình nguyện giúp nhà thờ, nhà chùa, hoặc một cơ sở từ thiện nào đó…v..v.
Càng có nhiều thú tiêu khiển, tuổi hưu càng không nhàm chán, đáng sống. Tinh thần vui tươi, phấn chấn sẽ giúp cơ thể vượt qua được bệnh tật. Một trong những chứng bệnh đáng sợ nhất của tuổi già là bệnh mất trí nhớ (Alzheimer)19; gọi nôm na là lú lẫn. Theo thống kê của Hiệp hội Alzheimer , năm 2014 đã có khoảng 5 triệu người 65 tuổi hoặc già hơn mắc bệnh lú. Đến năm 2020, con số lên đến 5,8 triệu người và tiên đoán khoảng 13,8 triệu người vào năm 2050. Theo khảo cứu của tổ hợp luật sư Nolo, Ralph "Jake" Warner trình bày trong cuốn “Retire Happy: What You Can Do Now to Guarantee a Great Retirement” khuyến cáo những người nghiện truyền hình trong tuổi già có nguy cơ gấp 2,5 lần mắc bệnh lú lẫn hơn những người tìm thú tiêu khiển bằng trí óc. Cách hay nhất để làm chậm sự thoái hóa của não bộ là động não.
Hiểu biết mới nhất về não bộ qua cuộc nghiên cứu từ một tu viện nhỏ ở Mankato, Minnesota, gần 20 năm trước và được khẳng định trong những năm gần đây. Đây là cuộc khảo cứu tuổi thọ của các nữ tu thuộc School Sisters của Notre Dame. Các nữ tu sống ở đây có tuổi thọ trung bình vượt xa tiêu chuẩn toàn quốc. Gần một phần tư các nữ tu sống khỏe mạnh trên 90. Họ không những sống thọ mà còn tránh được bệnh lú lẫn, kể cả các chứng bệnh liên quan đến não bộ. Trung tâm Sanders Brown về Lão hóa tại Đại học Kentucky tiến hành cuộc khảo cứu và kết luận rằng những nữ tu có bằng đại học, giảng dạy và không ngừng trau dồi trí óc của họ sống lâu hơn những người chỉ biết lo luyện tập thân thể cho khỏe mạnh20 .
Từ 60 tuổi trở đi, chúng ta nhận thấy hay quên những chuyện nhỏ nhặt trong ngày. Đó là triệu chứng của bệnh lú lẫn và là tiến trình tự nhiên, vì các tế bào não bộ chết dần và không thể thay thế được. Cách duy nhất là làm chậm tiến trình lão hóa não bộ bằng cách sử dụng trí óc thường xuyên. Đừng bao giờ để đầu óc thụ động, dù chỉ một ngày. Lập thời khóa biểu cho mỗi ngày, mỗi tuần; dĩ nhiên linh động, không gò bó vào giờ giấc hoặc một quy tắc nào. Chủ đích ở đây là mỗi sáng thức giấc, trước khi ngồi dậy ra khỏi giường, chúng ta phải biết những việc cần làm ngày hôm đó. Không thể để một ngày trôi qua với ý nghĩ: ồ… hôm nay không có gì làm, thôi ngủ nướng thêm vài tiếng nữa cũng được. Ngày lại ngày trôi qua như thế là một tiêu cực, uổng phí mất 24 tiếng. Chúng ta đang bước dần đến điểm cuối của đời người. Một ngày không có gì làm trôi qua là một mất mát quá lớn.
Có nhiều cách để kích thích não bộ làm việc tùy theo ý chí học hỏi của mỗi người. Chẳng hạn, nghiên cứu một đề tài nào đó rồi tập viết và đưa lên blog. Nghiên cứu và viết giúp não bộ hoạt động, vừa mở rộng tầm hiểu biết. Chơi cờ, chơi ô chữ, hoặc đọc sách cũng là những cách hay nhất giúp trí óc hoạt động. Nên luyện tập thú đọc sách, vì thú tiêu khiển này tiện và rẻ. Khoa học chứng minh đọc sách mang đến nhiều lợi ích cho trí óc như tránh tình trạng trầm cảm, ngủ dễ hơn, giảm căng thẳng, học thêm ngữ vựng, tăng kiến thức, tăng trí nhớ, tâm hồn thư thái hơn, nhạy bén hơn, trí óc sắc sảo hơn, kích thích trí tưởng tượng21.
- Những người giữ chức vụ cao đi vào tuổi già khó khăn hơn chỉ vì những thành công họ gặt hái được trước khi hưu. Nghỉ hưu, họ thường nghĩ đến những thành tựu trong quá khứ và nếu không khéo dễ sinh thất chí, chán nản. Vì thế, đừng nghĩ đến thành tựu hoặc thành công trong tuổi già. Sống khỏe mạnh thêm hai ba mươi năm nữa là đủ vui. Tre già măng mọc. Thời chúng ta đã qua, xã hội cần tiến bộ, và lớp người trẻ sẽ thay thế chúng ta bằng những thành tựu khác, tốt hơn, hiệu quả hơn.
- Nếu cần, nên kiếm một công việc bán thời gian nào đó nhẹ nhàng, hợp với khả năng. Làm việc không phải vì tiền nhưng để khuây khỏa và giúp trí óc hoạt động, tránh bệnh lú lẫn. Khảo cứu của Đh. Maryland cho thấy những người làm thêm một chút việc trong tuổi hưu sống mạnh khỏe hơn, thọ hơn, và vui tươi yêu đời hơn.
III. HƯỞNG TUỔI HƯU
Thời gian hưu có thể kéo dài 20 năm, thậm chí 30 năm. Chúng ta nên tìm đủ mọi cách để duy trì sức khỏe và trí óc minh mẫn càng lâu càng tốt. Dĩ nhiên, mình tính không bằng trời tính, nhưng chúng ta cứ làm hết khả năng, còn kết quả thế nào đi chăng nữa thì cũng bằng lòng vì chúng ta đã tận tâm, tận lực.
Điều quan trọng nhất trong tuổi hưu là tìm thấy ý nghĩa của đời sống hưu. Học giả Eric Thurman viết cuốn “Thrive in Retirement”, trong đó ông bàn đến ba yếu tố cần thiết cho tuổi hưu lành mạnh. Đó là Purpose (mục đích, ý nghĩa), Pleasure (vui thú), và Peace (bình an). Tuy là ba chữ P, nhưng ông nhấn mạnh đến yếu tố cốt lõi của chữ P đầu tiên: “Mục đích, Ý nghĩa” của đời sống hưu22 . Đời sống không phải là một hành trình tìm kiếm vui thú, nhưng là tìm ra ý nghĩa của cuộc đời. Bs. Patricia Boyle, chuyên viên tâm lý thần kinh của Trung tâm Rush Alzheimer’s Disease tại Chicago theo dõi khoảng 1 nghìn các cụ cao niên, tuổi trung bình 80, trong suốt 7 năm và nhận thấy cụ nào xác định được ý nghĩa của cuộc sống hưu thì khả năng tránh được bệnh lú lẫn cao gấp 2,4 lần23 . Ngay cả các cụ chớm vướng căn bệnh đáng sợ này, với tinh thần phấn chấn, cảm nhận được ý nghĩa tuổi hưu, vẫn ngăn ngừa được bệnh phát triển, và trí óc vẫn minh mẫn mãi đến cuối đời. Qua mổ xẻ và nghiên cứu 246 bộ óc của các cụ hiến cho y khoa dẫn đến kết quả trên24 .
Bs. Tâm lý Thần kinh Viktor E. Frankl – kiêm triết gia, học giả – nạn nhân sống sót nạn diệt chủng Holocaust, đã trải qua 4 trại tập trung Đức quốc xã, kể cả trại Auschwitz nổi tiếng. Ông sử dụng vốn liếng y khoa để cứu chữa các đồng hương Do-thái trong các trại tập trung nhưng đóng góp đặc thù của ông là nâng đỡ các nạn nhân vượt qua nỗi tuyệt vọng, chán nản, buông xuôi, chỉ muốn chết. Bs. Frankl phỏng vấn hàng trăm nạn nhân trong các trại và rút ra được một kết luận duy nhất, được trình bày tường tận trong cuốn Man’s Search for Meaning.
Bs. Frankl viết xong cuốn “Man’s Search for Meaning” (Tìm Kiếm Ý Nghĩa Cuộc Sống của Con Người) vỏn vẹn chỉ trong 9 ngày. Sách được viết bằng tiếng Đức, và ngay sau lần xuất bản đầu tiên năm 1946, nó đã nổi tiếng. Năm 1959, sách mới được dịch sang Anh ngữ, và đổi thành tựa đề như trên năm 1962. Từ đó, “Man’s Search for Meaning” được tái bản nhiều lần, bán ra hơn 12 triệu cuốn và hiện nay vẫn nằm trên kệ sách được độc giả yêu chuộng của Amazon. Về một vài lãnh vực khác, cuốn sách này đứng đầu về sách bán chạy nhất25 . Thử tưởng tượng, một cuốn sách được viết từ năm 1946, và sau ¾ thế kỷ vẫn còn (rất nhiều) người tìm đọc.
Cái gì trong cuốn sách này đã thu hút nhiều độc giả đến vậy? Thưa, Bs. Frankl trình bày làm thế nào để tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, dù trong một hoàn cảnh nghiệt ngã nhất. Nói cách khác, cần một thái độ tích cực khi đứng trước những thử thách cam go. Bs. Frankl kể lại, trong trại tập trung có những tù nhân buổi sáng nằm lỳ trên giường, chung quanh đầy mùi phân và nước tiểu, mặc kệ cai tù sỉ vả và đánh đập. Một khi những tù nhân này không tìm được lý do để sống, họ chấp nhận chết, kể cả chết thảm. Lại có tù nhân nói với Bs. Frankl rằng anh ta tin chắc chiến tranh sẽ chấm dứt vào ngày 30/3. Chiều 29/3, mọi chuyện vẫn như cũ. Ngày 31/3, tù nhân này chết cứng trên chiếc giường gỗ.
Một thái độ tích cực sẽ thêm sức cho con người chịu đựng được đau khổ và thất vọng. Một thái độ tiêu cực làm gia tăng nỗi đau và dẫn đến tuyệt vọng. Tuổi hưu, chúng ta nên nhìn cuộc sống với thái độ tích cực như thế. Những người có đời sống tâm linh mạnh mẽ thường có thái độ tích cực hơn. Tuổi già, với niềm tin vào Thiên Chúa hoặc Đức Phật, sẽ dễ dàng trả lời những câu hỏi như: Tôi là ai? Tôi sống ở thế gian làm gì? Chết rồi đi đâu? Tôn giáo giúp chúng ta nhìn vào cuộc sống tích cực hơn. Một khi hiểu được thân phận của đời người, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui trong tuổi hưu. Cuộc đời thật ý nghĩa, xứng đáng sống thêm 20 hoặc 30 năm nữa. Vì thế, nên chăm chút đời sống tâm linh, tùy theo niềm tin tôn giáo của mỗi người.
Một khi tìm được ý nghĩa của tuổi già, chúng ta sẽ sống vui tươi và hạnh phúc. Đó là mặt bên trong, tâm linh. Tuy nhiên, chúng ta cần phác họa kế hoạch về vật chất để cuộc sống trọn vẹn hơn.
1. Chi tiêu
Vấn đề tài chánh khá quan trọng trong tuổi hưu, nên cần lập kế hoạch chi tiêu để không rơi vào cảnh túng thiếu đến nỗi phải nhờ con cái. Tiền hưu có giới hạn chứ không phải như tiền lương lúc còn trẻ.
Bởi vậy phải có kế hoạch chi tiêu cho từng món. Sau đây là chi phí cho những nhu cầu căn bản trong tuổi già.
a. Nhà cửa: nếu còn giữ nhà nên chuẩn bị các chi phí như thuế thổ trạch (property tax), sửa chữa và bảo trì.
b. Chi phí hàng tháng: tiền điện, tiền ga, điện thoại (nhà và di động), truyền hình, internet, hệ thống an ninh.
c. Bảo hiểm: nhân thọ, tàn tật, sức khỏe, nhà cửa, xe cộ. Đất chôn, hộc đựng tro, hậu sự.
Những chi phí sau đây ít hay nhiều tùy hoàn cảnh mỗi người:
a. thức ăn, ăn ngoài, bác sĩ, nha sĩ, thuốc men, quần áo, xăng, sửa chữa xe, hấp tẩy quần áo, chi phí cá nhân, giải trí, từ thiện, thú cưng nuôi trong nhà, linh tinh…
b. nợ xe, nợ cá nhân, thuế lợi tức, linh tinh…
Những nhu cầu căn bản bắt buộc phải chi, nên phải để dành riêng ra một khoản tiền nhất định để trang trải những phí tổn đó. Những nhu cầu khác, ít hoặc nhiều tùy khả năng tài chánh và sự tiêu pha của từng người. Các món chi tiêu này tăng giảm tùy nghi nên khoản tiền dành riêng cho những nhu cầu này cũng linh động theo.
Nên ghi chép tất cả các khoản chi tiêu trên vào một tờ giấy, hoặc nếu rành máy vi tính, ghi vào excel, và phỏng chừng khoản tiền cần thiết. Cộng hết lại cột chi phí. Cũng thế, viết hết tất cả các nguồn lợi tức vào một cột. Các nguồn cố định như tiền ASXH. Có nguồn bất định như quỹ 401K, cổ tức. Cộng lại nguồn lợi tức. So sánh 2 cột chi và thu, rồi tăng giảm tùy theo ngân quỹ cho thích hợp.
Thành ngữ Mỹ có câu: nên sống giàu còn hơn chết giàu. Nghĩa là nếu có tiền cứ tiêu pha, chẳng cần dành dụm nhiều, chắt bóp làm gì. Lợi tức trong tuổi hưu hầu như cố định, sau khi trích ra một khoản tiền cho các nhu cầu căn bản, và số còn lại nên tiêu pha thỏa mãn cho các nhu cầu cá nhân. Một hình thức tự thưởng công mình sau một thời gian làm việc lâu dài. Đó cũng là lý do quỹ 401K bắt buộc phải rút ra hàng năm (Required Minimum Distributions, RMD) ít nhất 4% sau 72 tuổi (trước đây là 70,5 tuổi); nghĩa là sau 25 năm chúng ta phải tiêu sạch quỹ 401K. Dĩ nhiên, không nên phung phí, và các nhu cầu xa hoa cần giảm bớt để thích nghi với tuổi già.
Ý tưởng để của lại cho con không còn phù hợp nữa. Đây là một tục lệ cần loại bỏ. Một hủ tục tạo ra một thế hệ chỉ biết xài tiền của cha mẹ để lại, mà không biết sáng tạo tự nuôi lấy bản thân. Thật ra, chính cha mẹ đã làm hư con cái, biến chúng thành một loại ký sinh trùng trong xã hội. Cha mẹ đã bỏ tiền cho con ăn học, một cách sắm cho chúng cái cần câu để tự câu cá. Khi thành tài và chúng ra đời làm việc, có tiền lương, tự nuôi lấy bản thân và gia đình của chúng – như chúng ta đã làm lúc còn trẻ. Câu khuyên của các tỷ phú rất rõ: nếu con cái không biết cách sống, tiền của để lại cho chúng biết bao nhiêu cho vừa, và trước sau gì tiền của cũng hết. Nhưng nếu đã biết cách sống, thì chúng lại không cần của cải của cha mẹ để lại. Như thế, rõ ràng cha mẹ chẳng cần để lại gì cho con cái.
Nếu dư dả, trích ra một số tiền nhỏ tặng cho con cái. Điều này chẳng sai. Nếu không dư, không cần phải biếu con cái, nhưng hãy nghĩ đến người phối ngẫu đang đi với chúng ta quãng đường còn lại. Đó là người mà chúng ta cần phải chăm sóc, lo lắng, và bảo bọc. Khi lên kế hoạch cho tuổi hưu, các sinh hoạt và chi tiêu đều bao gồm người phối ngẫu, không đưa con cái vào các dự tính.
2. Nhà hưu dưỡng
Thế hệ chúng ta gọi nôm na là thế hệ “ba chỉ”, kiểu nửa nạc nửa mỡ, vì chúng ta là thế hệ cuối cùng phụng dưỡng cha mẹ già yếu, và là thế hệ đầu tiên mạnh dạn tự bước vào nhà dưỡng lão. Đừng mong con cái phụng dưỡng chúng ta khi về già như chúng ta đã làm cho cha mẹ chúng ta. Chúng có đời sống riêng, và trách nhiệm riêng với gia đình và con cái của chúng. Đừng bắt chúng phải cưu mang thêm một gánh nặng. Không phải chúng không thương cha mẹ, nhưng văn hóa Tây phương là vậy, và chúng biểu lộ thương yêu cha mẹ một cách khác. Tục lệ báo hiếu rất tốt, nhưng nếu tránh được cho con cái khỏi phải lo lắng cho chúng ta nhiều thì càng tốt hơn. Thương con cái chính là lúc này, nên sống tự lập, quyết không nhờ vả đến con cái, nhất là tiền bạc. Nên để chúng có thì giờ xây dựng gia đình riêng của chúng.
Một khi đau yếu không thể tự chăm sóc, nên tự động bước vào nhà dưỡng lão. Nhà cửa lúc này cần bán để sống trong một nhà dưỡng lão xứng đáng. Đừng nghĩ sẽ ở với con cái khi về già. Hai vợ chồng già phải sống riêng. Khi một trong hai người chết, người kia cũng đừng nghĩ đến việc về sống chung với con cái. Bán nhà lớn, mua một căn chung cư, khu dành riêng cho người cao niên. Ngày nay, trong các khu cao niên có rất nhiều sinh hoạt vui tươi, hợp với tuổi già. Ngoài ra, chính phủ còn có chương trình giúp những người già neo đơn. Mỗi ngày có người đến tắm rửa, nấu nướng, làm những việc vặt vãnh trong nhà. Phí tổn hoàn toàn do chính phủ đài thọ.
3. Hậu sự
Nếu đã có bảo hiểm nhân thọ thì quá tốt. Nếu không, phải chuẩn bị phí tổn cho cái chết, đừng làm phiền đến con cái. Nên mua đất ở nghĩa trang, nếu muốn chôn. Nên mua hộc ở nhà thờ hay nhà chùa, nếu muốn thiêu. Hoặc tiện nhất, thả tro lên núi hay ngoài biển, theo đúng nghĩa tro bụi trở về bụi tro; đỡ tiền mua hộc. Thêm một chi phí nữa là hậu sự.
Thường chúng ta quên chuyện này. Đây là chi phí về nhà quàn. Một khi chúng ta chết, nhà quàn sẽ đến liệm xác, đến ngày đã định, nhà quàn sẽ đặt xác trong một phòng, và thân nhân họ hàng đến thăm viếng. Nhà quàn sẽ đưa xác đến nhà thờ nếu có thánh lễ an táng, hoặc chạy ngang nhà theo tục lệ nếu có yêu cầu của nhà hiếu, và sau đó chở đến nghĩa trang hoặc lò hỏa thiêu. Nếu thiêu, vài ngày sau, nhà quàn sẽ gửi cho thân nhân một bình đựng tro. Tùy theo yêu cầu của chúng ta, con cái sẽ đem đến nhà thờ hoặc nhà chùa, hay đem rải tro tại một nơi nào đó. Giá chi phí hậu sự ngày nay khoảng $10,000/người. Nên mua trước, đừng để lúc nằm xuống, nhà quàn sẽ ra giá gấp đôi là chuyện thường, và gánh nặng đó đổ lên đầu con cái.
Những người có niềm tin thì đây là thời gian chuẩn bị tâm linh để đón nhận cái chết. Sống an nhàn, không ganh đua, không cãi vã, không tranh luận, không giận hờn, biết tha thứ… từng ngày, chính là vun xới đời sống thiêng liêng một cách hay nhất.
* * *
Tóm lại, cần chuẩn bị kỹ càng rồi hưu. Nên có một kế hoạch về tài chính và sinh hoạt cho cả hai vợ chồng. Nếu được, cả hai nên hưu một lúc để có thời gian cùng nhau hưởng hưu. Vòng quay sinh tử của tạo hóa vẫn xoay vần. Khi hưu, chúng ta lui vào hậu trường, dành sân khấu cho thế hệ trẻ trung hơn, năng động hơn, giỏi giang hơn. Cứ để thế hệ con cháu gánh vác, đừng tiếc nuối một quá khứ (vàng son) nào đó. Biết phận, lui vào hậu trường nhưng không phải là bóng tối của tuổi hưu. Một tuổi hưu đầy ánh sáng sinh động, vui hưởng quãng đời còn lại, rồi lần lượt thanh thản bước sang bên kia thế giới.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
1 https://news.gallup.com/poll/234302/snapshot-americans-project-average-retirement-age.aspx
2 https://news.gallup.com/poll/210044/employed-adults-plan-work-past-retirement-age.aspx
3 Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc.
4 https://www.quora.com/What-percent-of-the-total-population-in-the-U-S-is-80-or-older
5 https://www.census.gov/prod/cen2010/reports/c2010sr-03.pdf (tr. 7)
6 https://www.smithsonianmag.com/smart-news/there-are-more-americans-over-age-100-now-and-they-are-living-longer-180957914/
7 https://acl.gov/sites/default/files/Aging%20and%20Disability%20in%20America/2020ProfileOlderAmericans.Final_.pdf (tr. 4)
8 https://www.statista.com/statistics/996619/number-centenarians-us/
9 Theo Ts. Thomas Perls, giáo sư Y khoa và Di truyền thuộc Boston Medical Center, thì nhân tố sống thọ gồm 70% về di truyền, và 30% về nếp sống, thói quen hằng ngày. https://www.smithsonianmag.com/science-nature/keeping-track-oldest-people-world-180951976/
10 https://www.msn.com/en-us/money/careers/more-older-americans-stay-on-the-job-working-from-home-helps/ar-BB1des4n
11 https://www.businessinsider.com/personal-finance/baby-boomers-working-past-retirement-age-healthier-2019-4?op=1
12 https://www.pewresearch.org/fact-tank/2021/11/04/amid-the-pandemic-a-rising-share-of-older-u-s-adults-are-now-retired/
13 https://www.ssa.gov/oact/cola/AWI.html
14 https://blogs.claconnect.com/agribusiness/what-are-your-social-security-bend-points/
15 https://www.ssa.gov/OACT/COLA/bendpoints.html
16 https://www.ssa.gov/cola/
17 https://www.ssa.gov/oact/ProgData/retirebenefit1.html
19 https://alz-journals.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1016/j.jalz.2018.06.3063
20 Mitch Anthony, The New Retirementality, 4th ed., John Wiley & Sons, Inc. (2014), Ch. 7: The Real Meaning of Work
21 https://ideapod.com/15-incredible-benefits-reading-read-every-day/
22 Eric Thurman, Thrive in Retirement, WaterBrook (2019), Ch. 4: The Best Secret
23 Paula Span, “Living on Purpose,” The New Old Age (blog), New York Times, June 3, 2014
24 Paula Span, “Living on Purpose,” http://newoldage.blogs.nytimes.com/ 2014/ 06/ 03/ living-onpurpose
25 https://www.amazon.com/Mans-Search-Meaning-Viktor-Frankl-ebook/dp/B009U9S6FI
Hà Ngân