- Đăng ngày 24 Tháng 1 2022
- Lượt xem: 374
Trong nhà thờ và các nơi phụng tự, giáo dân thấy rất nhiều biểu tượng và ký hiệu. Đôi khi thấy các thánh và những con vật, tay lại cầm thêm lá cờ, trên đó ghi các ký hiệu. Trong thánh lễ, chúng ta thấy những ký hiệu trên áo lễ của các linh mục, kể cả trên mặt các đồ vật thánh. Trên cổng và trong ngoài nhà thờ, trên bia mộ, cũng như trong các trường Đại học Công giáo đều thấy các ký hiệu. Trên huy hiệu của các Đức Giáo Hoàng đầy dẫy những biểu tượng và ký hiệu. Ngay cả Đức Kitô cũng có nhiều biểu tượng tượng trưng cho nhân tính và thiên tính của Người. Mỗi biểu tượng, dấu hiệu, và ký hiệu đều mang một ý nghĩa sâu sắc. Vì thế, nếu hiểu được ý nghĩa của chúng sẽ giúp chúng ta sống và nên thánh như các ngài, và càng thêm lòng yêu mến Thiên Chúa hơn.
Bài viết sau đây giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của các biểu tượng và ký hiệu đó.
CÁC THÁNH SỬ
• Thánh Matthêu. Biểu tượng là một người có cánh. Vào thời cổ đại, Thánh Matthêu được mệnh danh là “Người Đàn Ông Tuyệt Vời” vì Tin Mừng của Ngài dạy cho chúng ta biết về nhân tính của Đức Kitô.
• Thánh Máccô. Con sư tử có cánh, biểu tượng cổ xưa của Thánh Máccô, vì Tin Mừng của Ngài cho chúng ta biết phẩm giá vương đế của Đức Kitô.
• Thánh Luca. Con bò có cánh, tượng trưng cho Thánh Luca, vì Tin Mừng của Ngài nói về khía cạnh hy sinh trong cuộc đời của Đức Kitô, như con vật được hy sinh tế lễ trong thời Cựu ước, (Lv. 16:11 & 18; Tv. 20:8-9).
• Thánh Gioan. Thời cổ đại biểu tượng là một con đại bàng vươn cánh vì cái nhìn của Ngài đào sâu vào những bí ẩn của Nước Trời hơn bất cứ thánh sử nào.
CÁC THÁNH TÔNG ĐỒ
• Thánh Phêrô. Tử đạo tại Rôma và bị đóng đinh vào năm 66 Công Nguyên (CN) nhưng ngài xin trở ngược thánh giá xuống đất vì thấy không xứng đáng được chết như Thầy của mình là Đức Kitô. Biểu tượng có thêm 2 chìa khóa Nước Trời, được Đức Giêsu trao cho thánh Phêrô quyền cai quản Hội thánh, (Mt. 16:15-20).
• Thánh An-rê. Quan thầy của nước Nga, Tô-cách-lan, và Chính thống giáo. Theo truyền thuyết, thánh An-rê tử đạo khi bị đóng đinh, vào năm 74 CN, trên cây thánh giá nhưng để lệch sang bên, như hình chữ X. Ngày nay, người ta vẫn thấy thánh giá hình X của thánh An-rê ở Achaia, Hy-lạp. Đó là biểu tượng thánh giá của Chính thống giáo Hy-lạp.
• Thánh Giacôbê. Còn có tên là Giacôbê Cả, con ông Zêbêđê – để phân biệt với con ông Anphê là thánh Giacôbê Thứ – và là anh của thánh Gioan. Ngài là tông đồ tử đạo đầu tiên, bị vua Hêrôđê chém đầu vào năm 44 CN. Ngài là người duy nhất được sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại cái chết, (Cv. 12:1-2). Những người hành hương đến mộ của ngài tại Santiago, thuộc thành phố duyên hải Galicia, Tây-ban-nha thường mang về một vỏ sò – một kỷ vật phổ biến của phố biển này – đặt lên đầu hoặc gắn lên ve áo. Ngoài ra, theo truyền thuyết, lúc cải táng xác người ta thấy thân xác của ngài được các vỏ sò che phủ. Vì thế, vỏ sò trở thành biểu tượng của ngài, và cây gươm chỉ cách ngài chết vì xử trảm.
• Thánh Gioan. Em của thánh Giacôbê Cả, ngài được xem là môn đệ được Chúa yêu thương nhất. Ngài là tông đồ duy nhất chết bình thường, không tử đạo. Ngài chết khoảng năm 96 CN. Truyền thuyết cho rằng có người muốn ám hại đã đưa cho ngài một chiếc cốc tẩm độc nhưng âm mưu không thành.
• Thánh Simon. Ngài thường sánh đôi với thánh Tađêô đi rao giảng Tin Mừng. Ngài tử đạo tại Persia vào năm 74 CN. Biểu tượng là con cá và cuốn Phúc âm. Ngài là dân chài lưới và sau này trở thành đánh cá người cho Đức Kitô.
• Thánh Batôlômêô (còn tên nữa là Nathanien). Ngài tử đạo vào năm 52 CN, chịu nhiều hình phạt khốc liệt như bị lột da, bị đóng đinh quay ngược đầu xuống đất rồi mới bị chặt đầu. Ba con dao biểu tượng cái chết thảm khốc của ngài.
• Thánh Tôma. Ngài đi truyền giáo tại Ấn độ và tử đạo vào năm 52 CN, bị đâm chết bằng thương. Đặc biệt, thánh Tôma cần cù xây nhà thờ bằng chính hai bàn tay của ngài. Vì thế, biểu tượng là cây thước thợ của thợ mộc, và cây giáo nhắc nhớ sự tử đạo của ngài.
• Thánh Giacôbê Thứ. Con ông Anphê. Năm 60 CN, ngài bị xô từ một nóc đền thờ tại Giêrusalem, bị đánh đập và ném đá. Sau cùng, kẻ thù cưa xác ngài thành từng khúc.
• Thánh Philípphê. Ngài bị đóng đinh tử đạo vào năm 52 CN. Cây thánh giá tượng trưng sức mạnh trên các ngẫu tượng. Ổ bánh đặt hai bên, nhắc nhớ phép lạ Chúa hóa nhiều bánh và cá cho năm nghìn người, khi Người hỏi ông, “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga. 6:3-9)
• Thánh Giuđa Tađêô (còn tên nữa là Jude). Ngài dong thuyền cùng với ông Simon khắp các bến cảng để rao giảng Tin Mừng. Ngài tử đạo khi bị loạn tên vào năm 72 CN.
• Thánh Mátthia. Người thay thế ông Giuđa Iscariốt (Cv. 1:15-26). Ngài rao giảng tại vùng Giuđêa và tử đạo, bị ném đá và chặt đầu. Biểu tượng là sách Phúc âm và lưỡi dao xử trảm ngài.
• Thánh Mátthêu. Ngài rao giảng Tin Mừng cho dân Do thái tại vùng Palestine, rồi đến Êthiopia, châu Phi. Ngài tử đạo nơi này, bị đóng đinh và chặt đầu. Biểu tượng là ba bao tiền, vì ngài là người thu thuế.
Còn lại ông Giuđa Iscariốt. Thời cổ đại, biểu tượng của Giuđa là sợi dây thừng và những đồng tiền.
CHÚA BA NGÔI
Học thuyết Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm độc đáo của Thiên Chúa giáo. Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Mỗi khi chúng ta làm dấu tức tuyên xưng mầu nhiệm này.
Biểu tượng là một hình tam giác, và ba đỉnh tượng trưng cho ba Ngôi. Đôi khi tam giác lồng trong vòng tròn, hoặc ba vòng tròn đan kết với một tam giác.
Riêng hình ở giữa tóm tắt mầu nhiệm này bằng chữ La-tinh. Nằm ở trung tâm là “Deus,” nghĩa là Thiên Chúa. Ba đỉnh tượng trưng cho Chúa Cha (Pater), Chúa Con (Filius), và Chúa Thánh Thần (Spiritus Sanctus). Chữ “est,” nghĩa là “là”. Chữ “non est,” nghĩa là “không là”. Như thế, biểu tượng này hiểu là Chúa Cha không là Chúa Con hoặc Chúa Thánh Thần. Chúa Con không là Chúa Cha hoặc Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần không là Chúa Con hoặc Chúa Cha. Nhưng cả ba là Thiên Chúa.
Đôi khi ba con cá xếp thành hình tam giác tượng trưng cho mầu nhiệm Ba Ngôi. Hoặc ba hình tròn, cũng xếp thành hình tam giác; trong đó con mắt là biểu tượng của Chúa Cha, cây thánh giá là của Chúa Con, và chim bồ câu của Chúa Thánh Thần.
ĐỨC CHÚA CHA
Biểu tượng của Chúa Cha là bàn tay, hoặc con mắt thông suốt mọi sự.
Bàn tay ngửa là biểu tượng chung nhất. Kiểu La-tinh xòe hai ngón tay. Kiểu Hy-lạp lại khum hai ngón tay vào. Bàn tay khum hết năm ngón nhằm cứu vớt linh hồn những người công chính. Con mắt biểu tượng sự “thông suốt mọi sự” của Chúa Cha. Chúng ta thấy hình con mắt này trên mặt sau tờ giấy bạc 1 đồng của Mỹ.
ĐỨC CHÚA CON
Biểu tượng của Chúa Con phổ biến nhất mang tên “Chiên Thiên Chúa” (Agnus Dei). Đây là lời tuyên bố của thánh Gioan Tẩy giả sau khi ngài rửa tội cho Đức Giêsu tại sông Jordan, (Ga. 1:29, 36), (Kh. 5:13), (1 Cr. 6:7). Con Chiên cầm lá cờ chiến thắng.
Biểu tượng Con Cá của Chúa Con rất thú vị. Trên mình con cá có năm chữ Hy-lạp “IXΘYΣ” đọc là “iota, chi, theta, upsilon, sigma” (trên bàn phím, bấm Alt và 233 = Θ, Alt và 228 = Σ).
• Chữ I là chữ đầu của Iesous (IHΣOYΣ), nghĩa là Giêsu
• Chữ X là chữ đầu của Christos (XPIΣYOΣ), nghĩa là Kitô, danh hiệu của Chúa Giêsu
• Chữ Θ là chữ đầu của Theos, nghĩa là Thiên Chúa
• Chữ Y là chữ đầu của Yios, nghĩa là Con Trai
• Chữ Σ là chữ đầu của Soter, nghĩa là Cứu Thế
Đọc cả câu là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế. Gộp những chữ đầu này, “IXΘYΣ”, lại có nghĩa là con cá.
Hình giữa là Chiên Thiên Chúa “…ngự trên ngai một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, niêm bảy ấn.” (Kh. 5:1), nói đến ngày chung thẩm. Chim Phượng Hoàng, một loài chim quý (như Long Lân Quy Phụng trong văn hóa Việt), vươn cánh trỗi dậy từ đống tro tàn. Thời cổ đại dùng hình ảnh con chim Phượng Hoàng để chỉ sự Phục Sinh vinh hiển của Đức Kitô.
Suối nước còn là biểu tượng của Chúa Con. “Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Ða-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế.” (Zc. 13:1). Ngày nay, hình ảnh Chiên Thiên Chúa và Con Cá là hai biểu tượng phổ biến nhất.
ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN
Có nhiều biểu tượng cho Chúa Thánh Thần như chim bồ câu, lưỡi lửa, gió, đèn soi, đèn cầy, tia nắng, mây, nước, dầu, niêm ấn, bàn tay, ngón tay. Ngoài ra còn bảy lưỡi lửa, bảy đèn, vương miện bảy mũi nhọn, bảy bồ câu… biểu tượng cho bảy ơn Chúa Thánh Thần. Đó là: Khôn ngoan, Thông minh, Biết lo liệu, Dũng cảm, Hiểu biết, Đạo đức, Kính sợ Chúa.
Ngày nay, chim bồ câu và lưỡi lửa là hai biểu tượng phổ biến nhất.
KÝ HIỆU THÁNH
Những ký hiệu thánh dùng cả hai ngôn ngữ Hy-lạp và La-tinh. Chẳng hạn như:
• Giêsu tiếng Hy-lạp là IHΣOYΣ (Ιησους), tiếng La-tinh là IHCOYC
• Kitô tiếng Hy-lạp là XPIΣYOΣ (Χριστος), tiếng La-tinh là XPICTOC
• NIKA tiếng Hy-lạp, nghĩa là Chiến Thắng, (1 Cr. 50:54; 1 Ga. 5:4-5)
Đôi khi, IHCOYC (Giêsu) và XPICTOC (Kitô) lấy hai mẫu tự đầu và cuối thành IC và XC.
Danh hiệu Kitô, lấy hai mẫu tự đầu của XPIΣYOΣ là XP (Chi Rho, đọc là Ki Rô); (trên bàn phím, bấm Alt và 9767 = ☧). Ngoài ra, những ký tự thánh này thường kèm thêm hai mẫu tự Hy-lạp α & Ω (trên bàn phím, bấm Alt và 224 = α, Alt và 234 = Ω). Đây là hai mẫu tự đầu và cuối trong ngôn ngữ Hy-lạp. Lấy ý trong sách Khải Huyền của thánh Gioan và sách tiên tri Isaia, “Ta là Anpha và Ômêga, là Ðầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng.” (Kh. 22:13, 1:8, 21:6-7, 1:17-18; Is. 44:6, 48:12).
Lấy ba mẫu tự đầu IHΣ (đọc là iota-eta-sigma) trong IHΣOYΣ thành IHS (vì Σ=S), hoặc IHC trong IHCOYC đều có nghĩa là Giêsu. Đôi khi thấy chữ JHC, hoặc JHS là vì trước thế kỷ 17, trong tiếng La-tinh hai chữ I và J xem như nhau.
Chữ X trong XP đôi khi xoay thẳng thành cây thập tự. Đôi khi chân thập tự biến thành cái neo, biểu tượng cho Thiên Chúa và Đức Tin. Nếu cái neo giúp thuyền đứng vững qua cơn sóng gió thì Đức Tin và niềm Hy Vọng giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách ở đời này, (Dt. 6:19; 1 Pr. 5:7-10). Ký hiệu XP thêm chữ N(ika) nghĩa là Kitô Chiến Thắng.
Đôi khi, chữ α & Ω biến thể khó nhìn hơn. Nếu thêm Chi Rho nữa thì phải tinh mắt mới nhận ra.
TRINH NỮ MARIA
Dĩ nhiên, không thể không nói đến các biểu tượng của Đức Mẹ Maria vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa như kinh Kính Mừng chúng ta thường đọc… Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời. Sau khi Đức Giêsu sống lại và về Trời, thánh Gioan đưa Đức Mẹ về Êphêsô (Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay) và sau này ngài thành lập cộng đoàn Êphêsô. Người ta tin rằng Đức Trinh Nữ Maria mất tại Êphêsô và được Thiên Chúa đưa cả hồn lẫn xác về Trời. Giáo hội mừng kính vào ngày 15 tháng 8 hàng năm.
Giáo hội kính bảy sự thương khó của Mẹ Maria thấm nhiều đau khổ, nát lòng. Thương khó đầu tiên là khi dâng Chúa Hài đồng vào đền thờ, gặp ông Simêon ôm lấy Hài nhi và tiên đoán “…một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”, (Lc. 2:35). Biểu tượng đầu tiên là hai cánh và lưỡi gươm; đôi khi có cả hình trái tim ở giữa, và lưỡi gươm đâm suốt qua. Chữ M biểu tượng cho tên Maria, bên trên là triều thiên tượng trưng cho sự vinh hiển. Hoa Huệ tượng trưng cho sự trong trắng và tinh khiết của Mẹ Maria, như Giáo hội mừng kính Mẹ Vô Nhiễm Thai vào ngày 8 tháng 12. Huệ cũng tượng trưng cho Thánh Cả Giuse với cùng một ý nghĩa. Riêng Fleur-de-Lys có ba cánh biểu tượng cho Chúa Ba Ngôi, và vòng tròn ở giữa liên kết Ba Ngôi là tượng trưng cho Mẹ Maria, (trên bàn phím, bấm Alt và 9884 = ⚜). Từ thế kỷ 1, giáo dân tặng cho Đức Trinh Nữ Maria danh hiệu Hoa Hồng Huyền nhiệm, như trong sách Huấn ca, “Ta đã vươn lên… như những khóm hồng ở Giê-ri-khô…”, (Hc. 24:14). Từ thế kỷ 5 trở về sau, Hoa Hồng Huyền nhiệm trở thành biểu tượng của Mẹ Maria.
Chữ M trong Maria đôi lúc được viết bay bướm và nét hoa văn khó nhìn hơn, nhưng nếu chú ý sẽ thấy chữ M.
Mỗi biểu tượng nói lên nét đặc thù của từng Ngôi Thiên Chúa, và các Thánh. Ngoài ra, biểu tượng còn nhắc nhở chúng ta đến các đức tính cao quý như Khiêm nhu, Trinh khiết, Hiền lành, Bác ái, Vâng phục, Hy sinh, Can đảm, Dũng cảm. Ẩn dấu đàng sau các biểu tượng là cả một kho tàng đạo đức, xứng đáng để chúng ta noi theo.
Làm theo những gì các ngài đã làm. Đi theo con đường các ngài đã đi. Và mong mai này chúng ta được phần thưởng như các ngài đã hưởng. Đó là sự sống muôn đời.
Hạ Ngôn