Cả hai đang sống trong khu dưỡng lão khá sang, có giàn bông giấy và hàng cây cọ quanh năm xanh tươi bao bọc. Phong cảnh vốn đã hữu tình lại càng thêm quyến rũ vì các cô giúp việc trong khu đều ăn mặc đồng phục, xinh tươi, ăn nói nhã nhặn lịch sự, di chuyển bằng xe điện loại nhỏ trong khắp khu vực. Người đàn bà, bà Nữ, quấn hờ mảnh khăn lụa màu hoa cà ngang đầu để che mớ tóc còn sót lại sau nhiều lần xạ trị. Người đàn ông, tên Nam, đứng ngoài cửa lưới nhìn vào và cất tiếng chào, “Tôi đây.”

 

Hôm nay ông hẹn đến phòng bà sau lần gặp gỡ tình cờ tại phòng giải trí. Cả khu dưỡng lão có đến mấy trăm căn. Nhà một phòng, có sân trước vườn sau. Tuy nhỏ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. Ông sống trong khu dưỡng lão đã lâu, để xem, ít nhất hai năm nay. Còn bà Nữ, con cái mới đưa vào sống được hơn tháng. Ngay sau khi thấy bà, ông mon men làm quen và hẹn sẽ đến thăm. Bà Nữ đồng ý, và hôm nay, một ngày đẹp trời, ông mặc quần áo chỉnh tề đến thăm bà.


“Cửa mở, mời ông vào,” bà Nữ vẫn ngồi trên chiếc ghế bành, gấp cuốn sách đang đọc dở dang, nói vọng ra. Bà nhìn ông đang khoan thai bước vào trong chiếc sơ-mi màu xanh nhạt, bỏ vào trong chiếc quần màu đen thẫm.

“Sao hôm nay ông diện thế?”
“Diện gì đâu. Tươm tất thì đúng hơn. Tôi mà diện bà không nhận ra tôi đâu.” Ông cười cười nhìn bà.

Bà Nữ thích ông ở nụ cười. Khuôn mặt hằn nhiều vết nhăn, nhưng nụ cười của ông san bằng những vết nhăn đó, kể cả cái mũi cà chua trông khá vô duyên nằm giữa cặp lưỡng quyền cao. Ông từ tốn ngồi xuống chiếc ghế trước mặt bà. Bà Nữ thích dáng bề ngoài của ông Nam, trông thư sinh lịch lãm. Người ông toát ra một vẻ thông minh, ẩn dấu sau mái tóc bạc trắng. Nhưng bà thích nhất khi nghe ông nói chuyện. Ông nói chậm rãi. Giọng ông kể chuyện trầm và ấm, nghe như rót vào tai. Bà thích đọc sách, và khi nghe ông nói, bà cứ tưởng bà đang đọc một câu truyện tiểu thuyết trữ tình.

Ông Nam bắt chuyện. “Tôi đoán đúng. Tôi gặp được người tâm đầu ý hợp để nói chuyện.”

“Chuyện gì?”

“Bất cứ chuyện gì, ngoài chuyện đánh gôn.”
“Ông hên lắm. Tôi chẳng biết gôn giếc gì!” Bà đặt cuốn sách xuống chiếc bàn nhỏ bên cạnh. Rồi bà ưỡn lưng, luồn bàn tay ra phía sau ấn ấn vào đốt xương cụt. Ngồi lâu một chút thì lưng mỏi, chân tê, đau cả bàn tọa. Bà đổi thế ngồi, hai chân đang vắt chữ ngũ đặt xuống song song. Vì lưng đau, bà duỗi người trên chiếc ghế nên trông cặp chân thuôn thuôn của bà hình như dài thêm ra. Dáng chừng bớt đau, bà ngồi thẳng dậy, ngả người vào lưng ghế, hai tay đặt hờ hững lên đùi.


“Ông vào đây lâu chưa?
“Khoảng hai năm.”
Bà Nữ vòng tai hay trước ngực. “Hôm nay giống như hẹn hò rồi. Ông nghĩ sao?”


Ông thích cách hỏi của bà. Bà hỏi lửng lơ nhưng cả câu nói ngầm chứa một chuyện đã rồi. Khi hỏi, bà thường kèm theo ánh mắt sáng rực ở phía đuôi. Bà nhìn thẳng vào người đối diện khi nói chuyện, và lúc đặt câu hỏi, bà nhìn lướt bằng đuôi mắt khi hết câu. Và ý muốn chắc nịch của bà lộ ra từ đuôi mắt lá răm. Mảnh và sắc. Ông Nam hơi mất bình tĩnh.
“Bà muốn thế thì tôi chiều theo ý bà.” Ông nhấn mạnh mấy chữ cuối, như ngầm bảo ông vẫn biết nịnh đầm. Đột nhiên, ông bối rối, đánh trống lảng.
“Tuần tới có đoàn văn nghệ vào trình diễn, có cả khiêu vũ.”
“Gì chứ văn nghệ văn gừng là tôi thích. Tôi hát nghe cũng được lắm.”
Chẳng mấy chốc, ông Nam lấy lại dáng nhanh nhẹn, lịch thiệp cố hữu. “Tôi thích cách bà choàng tấm lụa qua đầu rồi thả hờ xuống ngực.”
“Ô… kiểu này xưa rồi. Ông chưa thấy tôi đội tóc giả, mặc đầm, đi giày cao…”
“Phụ nữ khó nhận ra họ đang đội tóc giả, nhưng cánh đàn ông nhìn thì biết ngay.”
“Vì thế mà ông không chải tóc?”
Ông Nam vuốt mớ tóc lởm chởm bên tai. “Không, tóc thật đấy chứ. Nếu xạ trị thì rụng hết chẳng còn một sợi. Nhưng tôi quyết định rồi, không mổ, cũng chẳng xạ trị. Tôi hỏi bà tuổi này còn xạ trị làm gì. Tôi hơn tám mươi, e không qua nếu nằm lên bàn mổ. Còn xạ trị thì chỉ chuốc lấy đau đớn. Nằm quằn quại vài ngày lại xạ trị. Cứ thế, thân xác đau đớn triền miên. Bác sĩ cho biết, xạ trị thành công 30%. Bà thấy không, còn 70% kia là cái chết. Trước sau gì cũng chết thì tại sao phải chịu đau đớn làm gì.”
Ông thở dài. “Sống lâu phải khỏe kia, vì sống lâu càng dễ mắc bệnh lẫn, như ông Vong. Cả ngày mặc áo vét, cà-vạt đi tán tỉnh phụ nữ khắp khu nhưng lại không nhớ tên khu dưỡng lão, kể cả tên con cái.”
“Ồ… ông Vong đến đây tuần trước, cũng ngồi chỗ ông đang ngồi. Mấy ngày nay lại xoắn lấy bà Lài, xem ra cũng được đôi.”
Bà Nữ ngưng một chút rồi tiếp. “Tháng tới, tôi đúng tám hai.”
Ông Nam nhìn bà, giọng ngạc nhiên. “Nhìn bà, ai dám nghĩ tám hai.” Ông Nam không ngờ nhìn bà Nữ trẻ nhiều hơn số tuổi. Nếp nhăn thì ai tránh được, nhưng khuôn mặt của bà thanh tú, sống mũi cao, và nhất là đôi mắt. Chính đôi mắt có sức thu hút lạ lùng, và toát ra một sức sống tiềm ẩn. Ánh mắt bà rạng rỡ, hình như lúc nào cũng có điều gì muốn thổ lộ. Ông nghĩ bà Nữ có duyên. Chính cái duyên vẫn ở lại với bà sau từng ấy tuổi tuy nhan sắc đã phai mờ. Thì đúng là ông xoắn lấy bà ngay lúc thấy bà ngồi đọc sách ở góc phòng, và ngước mắt lên thấy ông đang nhìn trộm bà.
“Thật không ngờ trông bà trẻ hơn tuổi.”
Bà nheo mắt. “Ông đoán chừng bao nhiêu? Bảy lăm không?”
Tránh không trả lời câu hỏi, ông điềm đạm. “Để tôi nói bà nghe. Trong khu dưỡng lão này, bà là người thanh tú nhất. Tôi không nói nịnh, vì tôi ở đây đã hơn hai năm nên biết kẻ đến người đi. Mấy người giúp việc còn trẻ nhưng mấy ai dám so với bà. Còn mấy bà y tá nhìn càng chán. Họ chuyên về sức khỏe mà lại không lo xong cái thân của chính họ. Ở nhà thương cũng thế. Tôi nghiệm ra điều này, những người chuyên lo về y tế hầu như ai cũng mắc bệnh phì.”
“Ông nằm nhà thương bao lâu?”
“Cũng vào ra nhưng không lâu. Chỉ có khu dưỡng lão này là lâu nhất. Nơi này, họ nói đúng sách vở, ‘Một cuộc sống thanh thản xứng với phẩm giá của quý vị.’ Nói màu mè hoa mỹ chứ không có tiền thì đừng mơ ở một chỗ sang trọng như thế này. Tôi đã từng xây những dãy nhà sang trọng hơn đây nhiều. Tiền bạc không thiếu lúc ăn nên làm ra. Nhưng bà thấy không, khi vướng bệnh thì tiền của chẳng còn ý nghĩa gì nữa.”
Ngả người ra sau, ông Nam nhìn bà. “Tôi biết bà đã có gia đình. Thế chồng bà làm gì?”
“Kinh doanh bất động sản. Cũng hao hao giống nghề của ông.” Rồi không đợi ông hỏi, bà tiếp lời. “Ông nhà tôi mất nhanh lắm. Từ khi phát bệnh đến lúc đi chỉ vỏn vẹn có nửa năm. Để lại cho tôi hầu hết gia tài. Đến lượt tôi lại vướng bệnh. Trầm kha. Tôi nghĩ như ông, một khi vướng bệnh thì tất cả đều là phù du. Chỉ mong mỏi sức khỏe hồi phục, nhưng căn bệnh tàn ác phá hủy cơ thể rất nhanh, hầu như không thể gượng được nữa. Bây giờ tôi chỉ mong sức khỏe xuống chầm chậm, chứ chẳng còn mong hồi phục.”
Ông nhìn quanh. Bàn ghế, tủ trà… đồ đạc trong nhà toàn thứ đắt tiền. Tiền bạc trong tay dư thừa, nhưng bà Nữ chỉ mong sống được ngày nào hay ngày đấy.
“Bà cảm thấy ở đây vui không?”
“Ý ông nói có thoải mái dễ chịu, phải không?”
“Ý tôi muốn hỏi bà thấy cuộc sống ở đây thế nào?”
Bà Nữ đảo mắt nhìn quanh. “Thì cũng được.”
Ông nhìn sững bà. Hình như ông muốn hỏi điều gì đó nhưng cảm thấy không tiện nên ngần ngừ. Sau cùng, ông hỏi. “Bệnh làm bà đau đớn nhiều không?”
“Tôi có thuốc giảm đau. Sáng, trưa, chiều… ba lần.”
“Buổi chiều, bà cứ chiêu một ngụm vốt-ka cho thoải mái. Đừng để ý mấy lời khuyên của bác sĩ.”
“Phải đợi đến chiều mới uống sao?”
“Chẳng cần, tiện lúc nào uống lúc đó.”
“Đúng thế. Tôi muốn uống lúc nào thì uống, miễn là phải vốt-ka của Nga.”
Bà lấy thế rồi đứng dậy. Nhìn về phía tủ rượu, bà hỏi. “Ông muốn nhâm nhi một chút không?”
Ông chưa kịp trả lời, bà đưa tay ngăn. “Ông cứ ngồi đấy. Chủ nhà phải tiếp khách chứ.”
Nói xong, bà bước khoan thai về phía tủ rượu. Chiếc áo sơ-mi trắng kéo dài gần chấm gối, để lộ đôi chân trần thuôn thuôn. Thường phụ nữ ở tuổi này, gân xanh nổi lên cuồn cuộn như mạng nhện. Riêng đôi chân bà vẫn trắng hồng, chẳng biết bà có mang vớ chân không nữa. Ông tưởng tượng bà Nữ năm mươi năm về trước. Với cặp chân ống điếu, mái tóc nâu bóng, thân hình dong dỏng cao, dáng tự tin trong bước đi, và với cặp mắt lẳng nhìn đàn ông bằng đuôi mắt… không biết bà Nữ đã hớp hồn bao nhiêu đàn ông đờ đẫn.
Bà trở lại với hai ly pha lê, rượu vốt-ka trong suốt. Ông đỡ ly rượu từ bàn tay gầy guộc. Bà từ tốn ngồi xuống, mím môi nén cơn đau đến bất thần. Nhìn khuôn mặt nhăn nhúm, ông biết các tế bào ung thư đang dấy lên hành hạ bà. Rồi cơn đau chợt biến đi thình lình, bà nhìn ông bình thản như không hề đau đớn gì. Ông thấy trong đôi mắt sinh động, rực sức sống, một niềm tin nào đó thật mạnh mẽ.
“Ông có người đối ẩm chứ?”
“Mấy ông chưa mắc bệnh lẫn, ngày ngày đánh gôn, và hễ ngồi xuống là nói chuyện gôn. Cứ làm như sống trên cõi đời này là để đánh gôn, ngoài thú đánh gôn ra chẳng còn gì khác. Những kẻ như thế thì làm sao ngồi nhâm nhi nói chuyện đời được.”
Bà nhấp một ngụm. “Bác sĩ bảo ông sao? Bao lâu?”
Ông Nam nhún vai. “Sáu tháng. Còn bà?”
“Tôi ngắn hơn. Vài tháng. Mà không chừng vài năm.”
“Bà sợ không?”
“Trước thì có. Cả người run rẩy khi bác sĩ báo cho biết tin dữ. Nằm liệt giường đến mấy tuần. Bây giờ thì tôi thản nhiên nhìn căn bệnh. Đôi lúc nỗi sợ lại hiện về, như bóng ma, trong giấc ngủ. Tâm hồn tôi bình an lắm rồi. Sợ hãi không còn làm chủ hồn xác tôi được nữa.”
Ông Nam tư lự. “Bà tìm cách sống với căn bệnh và nỗi sợ.”
Bà nở nụ cười. “Cũng là một cách nói.”
Ông tiếp lời, vẻ mặt đăm chiêu. “Cần tìm một ý nghĩa cho cuộc sống, rồi làm quen với ý nghĩa đó.” Ông trầm ngâm, giọng bình thản hơn bao giờ. “Riêng tôi không thể làm quen với cuộc sống trầm lặng, mỗi ngày lang thang đây đó, ngày lại ngày, chẳng làm gì.”
Bà Nữ xoay xoay ly rượu trong tay, giọng trầm mặc. “Không hẳn là không làm gì. Chúng ta đang kiên nhẫn chờ đấy chứ!”
Cả hai im lặng không nói gì. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng tư. Ông Nam nhìn mông ra bãi cỏ sau nhà. Ánh nắng chan hòa trên thảm cỏ xanh. Khóm hoa Ngọc Nữ trắng nuốt ở góc vườn nở rực nhụy đỏ, lung linh trong nắng. Bỗng nhiên, ông Nam cảm thấy cuộc đời này còn đáng sống lắm, cho dù căn bệnh đang ăn mòn dần cơ thể.
Ông nhìn bà Nữ, giọng rắn rỏi. “Bà muốn rong chơi một chuyến không?”
Bà nhíu mày, ngạc nhiên. “Ông nói sao?”
“Ra khỏi chỗ này, đi đâu đó… mà đi đâu cũng được, miễn là thoát khỏi nơi này.”
Bà Nữ ngồi thẳng người, đặt ly rượu xuống bàn, gật gật đầu. “Hay đấy! Phiêu du với ông một chuyến cũng thú lắm.”
Nét mặt bà chợt tư lự như suy nghĩ điều gì thật lung. Cuối cùng, bà Nữ nhìn ông, giọng nhỏ nhẹ. “Hay là ông dọn sang đây sống với tôi. Ông nghĩ sao?”
Cũng cách hỏi chết người đó. Đuôi mắt kéo dài theo câu hỏi. Hỏi nhưng thật ra như ngầm ra lệnh. Ông Nam cảm thấy đề nghị của bà Nữ nghe dễ thương quá đi chứ. Ông không hề nghĩ đến, hoặc giả không dám nghĩ đến thì đúng hơn.
“Ngủ chung giường chứ?”
Đuôi mắt bà Nữ dài hơn bao giờ, “Đêm đầu tiên thì không!”

 Hải Ngữ phóng tác

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.