Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao tôi là người Công giáo chưa? Phần lớn câu trả lời là vì cha truyền con nối, cha mẹ tôi là người Công giáo nên tôi được rửa tội và nhận các phép Bí tích theo lẽ tự nhiên. Câu trả lời hoàn toàn đúng khi chúng ta ở tuổi vị thành niên, nhưng khi đã trưởng thành, đặc biệt những người ở lứa tuổi về chiều, thử hỏi có bao giờ chúng ta nghiêm túc suy nghĩ tại sao tôi là người Công giáo chưa?


Nếu là người sùng đạo, câu trả lời có thể là nhờ đức tin: vì tin có Chúa nên tôi theo đạo. Đức tin là món quà Chúa ban và không hẳn ai cũng may mắn nhận được món quà đó. Với dân số hiện nay 7.5 tỷ, chỉ 31.2% là Thiên Chúa giáo, biết Chúa; nếu kể riêng Công giáo và Chính thống giáo thì tỷ lệ chỉ còn 19.9%. Chúng ta may mắn nằm trong tỷ lệ ít oi đó. Sâu sắc hơn, có thể nói tôi yêu Chúa là nhờ đức tin, như thánh Augustinô nói, “Niềm tin là tin những gì không thấy và rồi niềm tin sẽ cho thấy những gì đã tin.” Như thế, chúng ta là người Công giáo vì biết Chúa, và yêu Chúa bằng đức tin, với trái tim. Câu hỏi tiếp theo là, có bao giờ chúng ta hiểu Chúa bằng trí óc chưa?

 

Những người tân tòng ở tuổi thành niên, hoặc những kẻ gia nhập (cải) đạo Công giáo từ tôn giáo khác, hoặc những kẻ vô thần dửng dưng trước tôn giáo… tất cả thường tìm hiểu đạo bằng trí óc, bằng suy luận. Họ muốn biết đạo Công giáo có gì hay hơn đạo họ đang giữ không, hoặc tệ hơn, chỉ là một tôn giáo với lịch sử tỳ vết, và triết lý khập khiễng, hoặc thần học ngổn ngang rối loạn. Họ suy nghĩ thật kỹ lưỡng trước khi chịu phép Rửa. Đã có những kẻ vô thần, cũng có nhiều người hữu thần từ một tôn giáo khác, gia nhập Giáo hội khi hiểu được vẻ đẹp (qua lý luận) của đạo Công giáo. Như thánh Hồng Y John Henry Newman, cải đạo từ Anh giáo, một nhà thần học lỗi lạc trong thế kỷ 19, để lại một kho tàng lý luận lớn lao về đạo Công giáo; như Giáo sư Tiến sĩ Thần học Scott Hahn, nói về hành trình cải đạo của hai vợ chồng từ Tin lành trong cuốn “Rome Sweet Home”, một nhà biện giải Kinh thánh xuất chúng; như Giáo sư Tiến sĩ Triết Peter Kreeft, cũng cải đạo từ Tin lành, đã viết hơn 80 cuốn sách về Công giáo dưới nhãn quan triết học, giúp giáo dân suy luận, suy tư, và suy niệm. Vì là Giáo sư Triết, ông lập luận niềm tin bằng trí tuệ. Trong cuốn “40 Lý Do Tôi Là Người Công Giáo,” qua lý giải và biện luận, ông trình bày các lý do khá đơn giản và rất thuyết phục. Thật ra có rất nhiều lý do để là người Công giáo, nhưng ông cô đọng lại thành từng đó, theo suy luận và tầm hiểu biết của ông. Mỗi giáo dân đều có một vài lý do riêng về đạo, hoặc – buồn thay – chẳng có một lý do nào. Hy vọng đọc xong cuốn sách này, mỗi người sẽ có (thêm) một vài lý do. Và khi hiểu được Chúa một cách minh bạch, niềm tin sẽ bén rễ sâu.


Tân tòng, hoặc bất cứ ai muốn biết đạo, hoặc những người đang lưỡng lự, đang phân vân, muốn hiểu đạo Công giáo bằng trí óc, qua lý luận thì đây là những lý do cần biết, trước khi Chúa ban cho đức tin qua trái tim. Riêng với giáo dân Công giáo – những người đã yêu Chúa bằng trái tim – với trí khôn hạn hẹp Chúa ban, cũng cần đọc để củng cố niềm xác tín về Thiên Chúa, về Giáo hội qua trí óc, và bằng suy luận.


Một khi đã yêu Chúa bằng trái tim, và nếu hiểu Chúa bằng trí tuệ, thì chắc chắn tình yêu đối với Chúa sẽ mãnh liệt hơn, sâu đậm hơn vì hiểu biết Chúa bằng cả con tim lẫn trí khôn.
Cuốn sách cô đọng trong 40 lý do, phù hợp với 40 ngày trong mùa Chay. Vì thế, mỗi ngày tôi sẽ gửi ra một lý do, xem như một ý tưởng để cùng nhau suy niệm trong ngày. Đến Chủ nhật lễ Lá – đúng 40 ngày từ lễ Tro – mừng Chúa Giêsu vinh quang tiến vào thành Giêrusalem, trước khi bước vào tuần Thánh để chuẩn bị đón Chúa Phục sinh vinh hiển, hy vọng chúng ta sẽ hiểu đạo Công giáo hơn, hiểu Giáo hội hơn, và hiểu Chúa hơn.

1. VÌ TÔI TIN ĐẠO CÔNG GIÁO LÀ SỰ THẬT


Tôi là người Công giáo vì tôi tin đạo Công giáo chân thật, chân chính và là chân lý. Đối với tôi, một điều hiển nhiên là khi tin bất cứ điều gì thì trước hết điều đó phải là chân lý đã, là điều chân chính đã. Không ai dại tin vào điều giả dối cả. Đó là lý do trung thực đầu tiên và duy nhất khi đặt niềm tin vào bất cứ điều gì.


Nếu quý vị thấy không đúng, nếu đó không phải là lý do đầu tiên khi quý vị đặt niềm tin thì tôi nghĩ quý vị không thành thật với chính mình.


Quý vị không đồng ý với tôi? Hoặc giả quý vị cho rằng nói như thế khó hiểu quá thì đây, tôi xin đơn cử một vài suy nghĩ để quý vị quyết định.


Lấy ví dụ Thiên Chúa trao cho quý vị quyền phán xét trong ngày Chung Thẩm. Trước mặt quý vị là hai người, một người Công giáo giả dối, và một người vô thần chân thật. Khoan nghĩ đến Hỏa ngục, cứ tạm cho rằng cả hai đều được lên Thiên đàng, nhưng một người cần được thanh luyện trong Luyện ngục một thời gian. Quý vị có toàn quyền quyết định số phận của hai người này.


Xin quý vị suy nghĩ xem người nào cần được thanh luyện trong Luyện ngục? Hoặc nếu quý vị không hề có khái niệm Luyện ngục thì xin hỏi người nào quý vị thấy xứng đáng được vào Thiên đàng hơn? Và đây, xin nghe họ trình bày quan điểm của mỗi người.


Một người nói rằng tuy có tin nhưng anh ta không nghĩ đạo Công giáo chân chính, hoặc chẳng cần biết đạo Công giáo chân thật hay không, nhưng tin và giữ đạo vì một vài lý do bình thường như: bạn bè chung quanh nhiều người tin đạo, hoặc cảm thấy tâm hồn thoải mái khi theo đạo, hoặc theo đạo vì nhận được một vài lợi ích vật chất nào đó. Rõ ràng anh không màng đến sự chân chính của đạo Công giáo. Nói khác đi, anh giữ đạo vì hai động lực tốt nhất và quan trọng nhất: đạo đức và hạnh phúc. Đơn giản như thế. Nói nôm na là anh theo đạo chỉ vì cảm thấy tâm hồn hạnh phúc hoặc vì cảm thấy đạo đức hơn. Quý vị nghĩ Thiên Chúa sẽ nói gì với anh?


Theo thiển ý của tôi, Chúa sẽ nói với anh như thế này: hạnh phúc thiếu sự thật thì không phải là hạnh phúc chân chính và như thế không phải là niềm hạnh phúc đích thực; đạo đức thiếu sự thật thì không phải đạo đức chân chính và như thế không phải là đạo đức đích thực. Tóm lại, người Công giáo giả dối cần thời gian thanh luyện hơn là kẻ vô thần chân thật. Tôi tin rằng quý vị đồng ý với kết luận của tôi.


Nếu quý vị vẫn chưa đồng ý, tôi xin đưa ra một ví dụ khác. Lúc quý vị còn nhỏ, khoảng 4-5 tuổi, vào dịp lễ Chúa Giáng Sinh, quý vị tin ông già Noel sẽ tặng quà vào đêm 24; tùy vào thái độ của quý vị tốt hay xấu trong năm. Như thế, vì món quà vào dịp cuối năm của ông già Noel ít ra làm đứa trẻ cư xử tốt hơn, ngoan hơn trong suốt cả năm. Nhưng khi lớn lên, quý vị không còn tin chuyện ông già Noel nữa. Sao vậy? Thưa chỉ vì một lý do duy nhất: vì quý vị thành thật với quý vị nên không tin một điều không phải là sự thật nữa, cho dù điều giả tưởng này thật sự mang lại hạnh phúc và làm cho quý vị (lúc còn bé) tốt hơn; như hai động lực quan trọng hạnh phúc và đạo đức tôi nêu trên.


Nếu quý vị là người hoàn toàn trung thực, chắc chắn quý vị phải đồng ý với tôi qua hai ví dụ trên. Trung thực xem sự thật là điều tuyệt đối không thể chối cãi.


Nếu quý vị chưa là người Công giáo, xin đừng vào đạo trừ phi quý vị thành tâm tin Công giáo là đạo chân thật. Nếu quý vị là người Công giáo nhưng chỉ vì một lý do nào đó – ngoài lý do là đạo chân chính – chẳng hạn như đạo Công giáo giả dối, hoặc nghi ngờ sự chân thật, ngay cả khi quý vị không màng đạo Công giáo chân thật hay không thì đây là lúc quý vị nên bình tâm suy nghĩ – với tất cả tấm lòng thành, với tất cả lòng trung thực – tự hỏi tại sao quý vị lại mang danh Công giáo làm gì. Nếu quý vị thành tâm nghi ngờ sự chân chính của đạo Công giáo và thấy cần bỏ đạo thì đây là lúc quý vị cần sống thật với lòng của quý vị. Thánh Thomas Aquinas nói nếu ở lại trong lòng Giáo hội nhưng lại tin Công giáo là một đạo giả dối thì đó là một tội trọng, một tội đạo đức giả, một tội lỗi chống lại sự trung thực tuyệt đối, một tội lỗi nghiêm trọng đến mức đáng bị án phạt đời đời nếu không biết hối cải. Nói cách khác, nếu quyết định rời bỏ Giáo hội, quý vị đang phạm một sai lầm, nhưng nếu đây là một sai lầm trung thực với tâm tình muốn tìm kiếm sự thật, thì xin Chúa chúc lành cho hành trình tìm kiếm sự thật của quý vị, và xin Chúa soi sáng cho quý vị tìm ra con đường đích thực dẫn đến sự thật. (“…cứ tìm sẽ thấy,” Mt. 7:7)


Riêng với tôi, tôi tin đạo Công giáo chân thật và chân chính, là chân lý. Đó là lý do duy nhất tại sao tôi là người Công giáo.

(còn tiếp)

  Peter Kreeft, Giáo sư Tiến sĩ Triết
  Hạ Ngôn dịch

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.