- Đăng ngày 03 Tháng 3 2022
- Lượt xem: 384
2. VÌ ĐÓ LÀ SỰ LỰA CHỌN TỐT NHẤT TRONG 5 LỰA CHỌN
Hiện nay có nhiều tôn giáo và đa số người ta là hữu thần và theo một tôn giáo nào đó. Nhưng tôi lại chọn đạo Công giáo? Sau đây là suy luận của tôi.
Lựa chọn đầu tiên là vô thần hoặc hữu thần. Tôn giáo là một “ràng buộc” hoặc là một “sự liên hệ mật thiết.” Đúng ra, tôn giáo là sự liên hệ với Thiên Chúa. (Thiên Chúa ở đây có thể hiểu nghĩa rộng lớn hơn, là Thượng Đế, có quyền phép hơn chúng ta). Nếu hiểu như thế thì rõ ràng người vô thần không tin có Thiên Chúa, và vì không tin có Thiên Chúa (Thượng Đế) nên dĩ nhiên họ không cần tôn giáo.
Các cuộc tranh luận chống lại thuyết vô thần thì hầu hết chúng ta đều biết. Tôi xin đưa ra hai luận thuyết nằm trong Kinh thánh.
- Bằng chứng trong thiên nhiên. Ai tạo ra? Thuyết “Big Bang” không thể tự nhiên mà có? Tại sao vạn vật lại sinh ra một cách trật tự và tuyệt diệu đến vậy?
- Lương tâm tuyệt đối: Tại sao khi quý vị cố ý làm ngược với tiếng lương tâm thì lòng luôn luôn cảm thấy ray rứt? Lương tâm lấy quyền tuyệt đối đó ở đâu nếu không phải từ Thiên Chúa, hay lương tâm chỉ đến từ tình cờ, di truyền, tiến hóa, xã hội hoặc từ lời dạy dỗ của ông bà cha mẹ quý vị, mà không một ai trong họ lại không thể phạm sai lầm?
Hai lý do căn bản tôi không phải là vô thần không phải vì cha tôi hoặc mẹ tôi, nhưng chính là vì lương tâm và vũ trụ tôi đang sống.
Lựa chọn tiếp theo là lựa chọn giữa Thiên Chúa và nhiều thần linh khác. Thuyết đa thần hầu như không còn đất sống hiện nay. Cả đời tôi chưa gặp một người đa thần. Thực tế cho thấy đa thần không hiện hữu, vì lẽ trong vô số thần linh, thế nào chúng ta cũng chọn một vị thần linh tối thượng, một thần linh quyền lực nhất, mạnh mẽ nhất. Không thể nào có hai thần linh tối thượng.
Lựa chọn tiếp theo là lựa chọn giữa Thiên Chúa trong Thánh kinh – Người đã tạo dựng nên vũ trụ – và thần linh của thuyết phiếm thần (một quan niệm về thế giới và triết học), không phải là một người siêu việt với ý niệm đạo đức nhưng chỉ là một tinh thần vô danh, hoặc một quyền lực hoặc một lý tưởng không tên.
Một lý do trỗi vượt để chọn Thiên Chúa của Kinh thánh hơn phiếm thần vì thần linh trong phiếm thần là tất cả người và vật. Nói gọn đi, tất cả con người và muôn vật đều là thần linh. Như thế, thiện và ác ngang nhau, vì đều là thần linh. Tôi không thể tôn kính và thờ lạy một thần linh “hai mặt,” một mặt là ác hoặc hai mặt thiện ác xem như nhau.
Một lý do nữa để chọn hữu thần hơn là phiếm thần vì chỉ có Thiên Chúa của Kinh thánh (Do-thái giáo và Thiên Chúa giáo và Hồi giáo) kết hợp hai bản năng sâu thẳm nhất của con người là bản năng tôn giáo và bản năng đạo đức. Chúng ta có nhiệm vụ tôn thờ một Thiên Chúa như thế.
Lựa chọn tiếp theo là – một khi đã nhìn nhận Thiên Chúa mà tôi trình bày trên – chấp nhận hay từ chối Đức Giêsu là Đấng thiêng liêng, Con Thiên Chúa. Điểm này tách biệt Thiên Chúa giáo ra khỏi Do-thái giáo và Hồi giáo.
Đức Giêsu là Thiên Chúa. Có kẻ cho Đức Giêsu là kẻ dối trá, tự xưng là Chúa nhưng lại dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ, chứ không phải trừ quỷ do quyền năng của Thiên Chúa (Mc. 3:22, Lc. 11:14-15). Có kẻ nói Đức Giêsu mất trí (Mc. 3:21). Nếu Đức Giêsu không là Đấng thiêng liêng thì phải là kẻ mất trí vì hành động của Ngài. Nếu Đức Giêsu không là Đấng thiêng liêng thì phải là kẻ phạm thượng, phỉ báng Thiên Chúa tồi tệ nhất vì lời nói của Ngài. “Ta là Đấng thánh, hãy tin Ta để được sống đời đời. Ta là Đấng toàn thiện. Chính Ta tạo dựng nên vũ trụ và linh hồn ngươi.” Từ tạo thiên lập địa đến nay, từ cổ chí kim, trong lịch sử nhân loại có ai dám công khai tuyên bố những điều cả thể như thế không? có ai dám khẳng định mạnh mẽ và quyết liệt về thân phận của mình như Đức Giêsu chưa?
Nếu con người thực sự của Ngài là kẻ nói dối hoặc kẻ mất trí, thì ai đã nặn ra nhân vật Giêsu trong Phúc âm, một nhân vật trái ngược với kẻ nói dối và mất trí như hai thái cực qua các đức tính: trung thực, vị tha, nhiệt thành, khôn ngoan, thực tế, sáng tạo, thánh thiện, và lôi cuốn? Lôi cuốn là tính từ đáng nói nhất vì không thể ai cũng bắt chước thành công. Một khi biết và hiểu các đặc tính này, thì quý vị sẽ nhận ra những kẻ mất trí làm sao hấp dẫn dân chúng được, và những kẻ tự cao tự đại nói dối cũng không thể lôi cuốn người nghe được. Ngay cả khi Chúa Giêsu là một nhân vật hoàn toàn hư cấu, thì Ngài vẫn là một nhân vật văn học hấp dẫn và lôi cuốn nhất trong lịch sử nhân loại. Ai đã tạo ra nhân vật Giêsu? Nếu nhân vật Giêsu được miêu tả trong Thánh kinh chỉ là hư cấu, thì ai đã phát minh ra thể loại giả tưởng hiện thực trước nhà văn Tolkien hai mươi thế kỷ? (J. R. R. Tolkien là tác giả viết truyện giả tưởng nổi tiếng trong thế kỷ 20, chú thích của người dịch). Một đám ngư dân Galilê ít học lại tài giỏi đến thế sao?
Sự lựa chọn tiếp theo là về việc tuyên bố Giáo hội Công giáo do Đức Kitô lập nên và ủy quyền. Điều này rất khó nghĩ đối với tôi, vì tôi được dạy dỗ và lớn lên trong môi trường Tin lành. Nhưng chứng từ lịch sử về tính cách liên tục của Giáo hội Công giáo về giáo lý, về tông truyền, và niềm tin của Giáo hội về sự Hiện diện Thực sự của Thánh Thể qua hai nghìn năm là những dữ kiện quá lớn lao không thể làm ngơ ngoảnh mặt đi. Nếu tôi muốn trở thành một Kitô hữu, tôi phải đến nơi mà chính Đức Kitô muốn tôi đến, cư ngụ trong căn nhà Ngài tạo dựng nên như một chốn tựa nương tinh thần và như một khí cụ để rao giảng giáo lý của Ngài. Và chính Kinh thánh cho chúng ta biết rằng nơi trú ẩn đó không chỉ riêng Kinh thánh mà là Giáo hội.
Các mắt xích nối liền chuỗi suy luận là: (1) tôn giáo, không thể vô thần; (2) độc thần, không thể đa thần; (3) hữu thần, không thể phiếm thần; (4) Thiên Chúa giáo, và Chúa Ba Ngôi, không thể Chúa Một Ngôi; (5) Công giáo, không thể Tin lành. Hoặc ngắn gọn hơn, (1) Uy Quyền hơn; (2) Một; (3) Đấng Sáng tạo; (4) Đức Kitô; (5) Giáo hội.
Ba mắt xích cuối quan trọng hơn cả: chính vũ trụ này do Thiên Chúa tạo dựng nên, Đức Kitô là Ngôi Hai nhập thể, và Giáo hội là nhiệm thể của Đức Kitô.
Tất cả chưa hẳn là một bằng chứng trọn vẹn nhưng là sự sắp đặt của cuộc hành trình dẫn đến đích, cũng là sự sắp xếp dẫn đến một bằng chứng; hay nói khác đi, một lời biện minh cho cuộc hành trình, khi lắng nghe lời của vị giáo hoàng tiên khởi khuyên nhủ chúng ta “…hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” (1 Pr. 3:15).
(còn tiếp)
Peter Kreeft, Giáo sư Tiến sĩ Triết
Hạ Ngôn dịch