12. BỞI VÌ TÔI MUỐN TIN NHỮNG ĐIỀU MÀ CHÚA GIÊSU DẠY, KỂ CẢ CÁC TÔNG ĐỒ VÀ NHỮNG NGƯỜI KẾ VỊ CŨNG NHƯ MỌI GIÁO DÂN THIÊN CHÚA GIÁO TRÊN TRẦN GIAN TIN TRONG MỘT NGHÌN NĂM TRĂM NĂM QUA.


Tôi muốn tin những điều tất cả các giáo dân đã tin cho đến khi “những người cải cách” Tin lành bắt đầu chặt bỏ các nhánh của cây Đức tin Công giáo – những lẽ thật mà tất cả các giáo dân đã tin trong hơn năm mươi thế hệ:

• Quyền năng giảng dạy thiêng liêng, vì thiêng liêng nên Giáo hội không thể sai lầm khi tuân theo Truyền thống tông truyền, kho Ký thác Đức tin được truyền lại từ Đức Kitô; nghĩa là, khi Giáo hội dạy thần học hoặc đạo đức từ ngai giáo hoàng (từ ghế Phêrô) luôn tuân theo những gì giáo dân đã tin từ thuở ban đầu (không phải sola scriptura, chỉ một mình Kinh thánh có thẩm quyền tối hậu, theo tín lý Tin lành)

• Không chỉ một mình đức tin (sola fide, theo tín lý Tin lành) mà là tin, cậy, và mến (tức là từ thiện, caritas, agape, đối với Công giáo không phải là cảm giác của tình yêu mà là “việc làm của tình yêu” theo tiêu đề cuốn sách của Soren Kierkegaard, triết gia Tin lành vĩ đại nhất trong mọi thời đại); như George MacDonald, một triết gia Tin lành vĩ đại khác, chỉ ra, Ngài được đặt tên là “Giêsu” không chỉ vì Ngài cứu chúng ta khỏi hình phạt do tội lỗi gây ra mà bởi vì Ngài cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi (Mt. 1:21)

• Xác định rằng ân sủng tôn trọng bản tính và làm cho bản tính hoàn thiện chứ không làm tệ đi, đặc biệt là lý trí tự nhiên và ý chí tự do (không phải sola gratia, chỉ một mình ân sủng theo tín lý Tin lành)

• Kêu cầu lên Phêrô và những người kế vị, các giám mục Rôma (sau này gọi là “giáo hoàng”) là người có thẩm quyền cuối cùng (“Rôma là phán quyết tối hậu”)

• Trên thực tế, Thiên Chúa giáo về căn bản là một tôn giáo xã hội (đạo cho tất cả mọi người, phổ quát); chúng ta được cứu rỗi khi kết hợp với Nhiệm thể của Đức Kitô, chứ không phải với tư cách cá nhân quyết định “gia nhập giáo hội” hoặc “đặt mình vào giáo hội”

• Quyền kế vị tông đồ (tông truyền) là một bí tích, điều này ban cho các linh mục quyền năng truyền phép Thánh Thể, nghĩa là đại diện Thiên Chúa biến bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Kitô

• Sự Hiện diện Thực sự – đầy đủ nhất, hiểu đúng nghĩa nhất – của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể

• Quyền năng và thẩm quyền của các linh mục trong sứ mạng kế vị tông đồ để trở thành công cụ của Thiên Chúa trong việc tha thứ tội lỗi qua bí tích Hòa giải (Giải tội)

• Luyện ngục có thật, và nhiệm vụ cầu nguyện cho những kẻ qua đời đang được thanh luyện ở đó

• Hoàn toàn đúng đắn khi cầu xin các thánh trên Thiên đàng cầu nguyện cho chúng ta, vì tín lý các Thánh Thông công (Giáo lý Công giáo, Tiết 5, mục 946), các mối liên hệ sống động của những người đang ở ba nơi: Giáo hội chiến đấu trên trần thế, Giáo hội đau khổ trong luyện ngục, và Giáo hội khải hoàn trên Thiên đàng

• Hoàn toàn đúng đắn khi gọi Maria là “E-và thứ hai”, “Mẹ Thiên Chúa” và “Mẹ Vô nhiễm Thai”, được Chúa đưa hồn xác lên Trời như Kha-nốc và Ê-li-a

• Thực tế là tất cả bảy bí tích đều thông ban ân sủng thiêng liêng cho các tín hữu một cách khách quan, ex opera operato (bởi việc đã làm; không phải là kết quả của việc làm từ phía tín hữu nhưng bởi quyền năng và lời hứa của Thiên Chúa), chứ không riêng gì sự trợ giúp đức tin cho họ

• Ơn thiêng liêng “bất khả ngộ” (vô ngộ, không thể sai lầm) và thẩm quyền của Giáo hội trong việc xác định sách nào là Kinh thánh (qua sự mạc khải của Thánh Linh) và sách nào không phải là Kinh thánh
Tôi cần phải tin tất cả những điều này, không phải vì tôi tự tìm tòi và biết, mà bởi vì Giáo hội luôn dạy như thế, và tất cả các giáo dân tin, hoặc ít nhất là không một ai lên tiếng phủ nhận những giáo huấn trong suốt một nghìn năm trăm năm, ngoại trừ một số người theo dị giáo.


Sau đó, một cuộc “cải cách” nhanh chóng trở thành một cuộc cách mạng.

(còn tiếp)


  Peter Kreeft, Giáo sư Tiến sĩ Triết
  Hạ Ngôn dịch

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.