16. BỞI VÌ LÒNG BIẾT ƠN LÀ ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT CẦN THIẾT CHO TẤT CẢ CÁC TÔN GIÁO


Cha Norris Clarke, dòng Tên, giáo sư triết học của tôi tại Fordham, một lần đến Tây Tạng, một mình, và có dịp trò chuyện với các nhà sư Phật giáo. Sau một ngày trò chuyện vui vẻ với sư trụ trì về triết lý Phật giáo, sư trụ trì nói: “Rõ ràng là hai tôn giáo của chúng ta rất khác nhau. Nhưng tôi nghĩ cả hai cũng rất giống nhau về gốc rễ trong sâu thẳm trái tim con người. Tôi muốn thử ý tưởng này, xin cha cho phép. Đây là bốn thầy của tôi nói tiếng Anh giỏi. Tôi sẽ hỏi cha và họ cùng một câu hỏi và so sánh câu trả lời. Cha cần biết là tôi chưa bao giờ hỏi họ câu hỏi này trước đây. Câu hỏi là: Yêu cầu đầu tiên là gì đối với bất cứ tôn giáo nào?” Cha Clarke nghĩ rằng đây là một thí nghiệm tuyệt vời, và ngài đồng ý. Ngài và bốn nhà sư viết câu trả lời của họ vào năm mảnh giấy. Khi các tờ giấy được mở ra đọc, chỉ có một chữ duy nhất, giống nhau, trên cả năm tờ giấy. Chữ đó là lòng biết ơn.

“Hay quá,” cha Clarke nói. "Nhưng lòng biết ơn đối với các Phật tử là gì?"

Sư trụ trì trả lời: “Biết ơn tất cả. Vì sự sống, cái chết, thú vui, đau khổ, tâm trí, thể xác – cho tất cả.”

Cha Clarke gật đầu đồng ý: “Đây cũng là điều tôi muốn nói. Nhưng tôi có một câu hỏi: Nếu không tin một vị thần linh đã tạo ra muôn vật, thì quý sư biết ơn ai đây?” Trụ trì nhún vai nói, "Chúng tôi không biết." Cha Clarke mỉm cười nói, "Nhưng chúng tôi biết."

Tôi là người Công giáo vì thật vô ơn biết bao nếu tôi từ chối món quà lạ thường mà Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta: chính thân xác của Ngài, qua đó Ngài cứu chuộc thế gian – trên Thập giá, trong Giáo hội và trong Bí tích Thánh Thể.

Thật vô ơn biết bao nếu tôi phàn nàn, rút lui, và hoài nghi về bản chất, thực chất, của món quà này chỉ vì vỏ bọc bên ngoài xem ra cũ kỹ và quá nhiều tỳ vết. Giáo hội trông giống như một sở thú to lớn vĩ đại, với từng đống phân thú vật, nhưng trên thực tế, Giáo hội chính là con tàu cứu độ. Bí tích Thánh Thể trông giống như bánh và rượu bình thường, nhưng thực chất là Mình và Máu Chúa Kitô. Chúa Giêsu trông giống như bất kỳ con người đơn thuần nào khác, đặc biệt khi Ngài chết trên Thập giá – nhưng thật ra Ngài là Chúa Con nhập thể.

Thật vô ơn biết bao nếu từ chối Món Quà chỉ vì vỏ bọc tồi tàn của nó, những bình sành dễ vỡ (2 Cr. 4:7). Nếu tôi nhận món quà và xé vỏ bọc bỏ sang bên, tôi tìm thấy gì bên trong? Không gì quý giá hơn món quà vĩ đại nhất từng được ban tặng: Chính Thiên Chúa toàn năng, chính sự sống của Ngài, mà Ngài muốn chia sẻ với chúng ta và Ngài ban tặng cho chúng ta bằng giá máu quý giá vô vàn của chính Ngài. Nhìn món quà đó, làm sao tôi có thể vô ơn nói: “Chán lắm! Tôi muốn tiền tài danh vọng kia.”

Máu rất dễ nhìn thấy, rất thể lý, theo nghĩa đen. Máu không phải là một biểu tượng phức tạp về tâm linh.

Cái chết là một “vấn nạn” rất cụ thể, theo nghĩa đen. Phục Sinh là một “giải pháp” rất thể lý, cũng theo nghĩa đen. Món quà là vật chất. Chúng ta được cứu nhờ Đức Kitô hiện thân, chứ không phải Đức Kitô bị phân thân. Ngài đã sống lại trong một thân xác thể chất. Thân xác đó bây giờ ở đâu? Chỉ trên Thiên đàng thôi sao?

Không, thân xác của Đức Kitô vẫn ở đây, ngay trên trần gian này. Mình và Máu Ngài vẫn là món quà cho chúng ta, mỗi ngày. Vẫn hiến tặng nhưng không cho con người.

Hãy nhận. Và tỏ lòng biết ơn.

(còn tiếp)


  Peter Kreeft, Giáo sư Tiến sĩ Triết
  Hạ Ngôn dịch

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.