22. VÌ CHỈ CÓ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ĐƯỢC BIỂU HIỆN QUA BỐN DẤU ẤN


Kinh Tin Kính Nicene xác định Giáo Hội của Đức Kitô bằng bốn dấu ấn: Giáo Hội là một, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Chỉ có một Giáo hội phù hợp với mô tả đó.

Kinh Tin Kính diễn đạt một ngôi nhà thực sự của chúng ta. Đó là ngọn hải đăng, là lộ trình, là dấu ấn rõ ràng cho người tìm kiếm sự thật.

Thuần Nhất. Có giáo hội nào khác – ngoài Giáo hội Công giáo – thuần nhất đến nỗi tất cả những sự chia rẽ xảy ra trong giáo hội đó rõ ràng là sự phân chia giữa cái cũ và cái mới, giữa Giáo hội đến từ Đức Kitô và một hội thánh đến từ con người, giữa một Giáo hội hiện hữu từ thuở ban đầu và các giáo phái được thành lập từ sự ly khai? Giáo hội Công giáo là giáo hội duy nhất mà tất cả các giáo phái khác tách ra từ đó.

Có giáo hội nào khác – ngoài Giáo hội Công giáo – thuần nhất qua các thời đại, giảng dạy các tín lý giống nhau, không bao giờ mâu thuẫn với chính mình, không hề sửa đổi trong lãnh vực thần học hoặc đạo đức không?

Có giáo hội nào khác – ngoài Giáo hội Công giáo – thuần nhất trong không gian cũng như thời gian? Có hội thánh nào khác công giáo, mang tính phổ quát (cho tất cả mọi người) không? Như Chesterton nói, làm thế nào một nhà truyền giáo lại có thể yêu cầu một người Ngoại Mông trở thành một người Tin lành?

Tông truyền. Có giáo hội nào khác – ngoài Giáo hội Công giáo – có chức năng tông truyền (được truyền lại bởi các tông đồ) dạy dỗ những gì các tông đồ đã dạy và với thẩm quyền mà Đức Kitô đã ban cho họ và những người kế vị không? Có giáo hội nào khác mang tính chất tông truyền trong sự tuyển chọn những người kế vị bằng bí tích không? Trong số các giáo hội Tin lành, chỉ có Giáo hội Anh giáo dám tuyên bố tính chất tông truyền, nhưng không còn giá trị khi Henry VIII đoạn tuyệt với Rôma, đoạn tuyệt luôn với các giám mục Giáo hội Công giáo, mất luôn cả thẩm quyền về bí tích Truyền chức khi giám mục tấn phong các giám mục kế vị bằng cách đặt tay, thể hiện chức năng tông truyền bắt đầu từ thánh Phêrô, vị giáo hoàng tiên khởi.

Phổ quát. Có giáo hội nào khác – ngoài Giáo hội Công giáo – dám tuyên bố tên là catholic, nghĩa là "phổ quát" (chung cho tất cả mọi người) không? Giáo hội Công giáo phổ quát theo nhiều nghĩa: cho mọi người, cho mọi thế giới, cho mọi thời đại, cho mọi nền văn hóa, và giảng dạy tất cả những gì Đức Kitô và các tông đồ đã dạy.

Thánh thiện. Nhưng thánh thiện ra sao? Giáo hội bao gồm nhiều tội nhân đáng kính, và cả tội nhân đáng khinh. Ngay cả một vài người mang tai tiếng còn là giáo hoàng!

Khi mạnh dạn tuyên bố Giáo hội Công giáo thánh thiện không có nghĩa là tất cả người Công giáo đều thánh thiện, hay giáo dân Công giáo thánh thiện hơn các tín hữu Thiên Chúa giáo khác. Lời tuyên bố có nghĩa là chính Giáo hội là thánh (thánh thiện nghĩa là “tách biệt,” ngụ ý “tách biệt nhờ Thiên Chúa”), và đó là nguồn gốc của sự thánh thiện. Không thể cho đi những gì mình không có: đó là nguyên tắc luật nhân quả. Giáo hội là người tạo ra thánh.

Ý nghĩa của cuộc sống và mệnh lệnh thiêng liêng không thể thay đổi, mà Thiên Chúa đã lặp đi lặp lại khi Ngài ban lề luật cho dân Do-thái: “Hãy là thánh, vì Ta là Thánh, Ta, Giavê Thiên Chúa của các ngươi.” (Lv. 19:2).

Đức Kitô đã không xem nhẹ mệnh lệnh thiết yếu này nhưng lặp lại với mục đích khẳng định tính tuyệt đối rõ ràng hơn, không thể thay đổi, và đương nhiên được hiểu là: "hãy trở nên thánh với hết sức lực, hết tâm trí." Ngài nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện.” (Mt. 5:48). Đó là lý do của Luyện ngục. Chúa sẽ không đưa chúng ta ra khỏi lò lửa nếu chúng ta chưa được thanh luyện hoàn toàn.

Giáo hội là mối liên kết của chúng ta với Đức Kitô. Phá vỡ mối liên kết đó là phá vỡ sự kết hiệp với Đức Kitô. Từ chối thân xác (Giáo hội ) là từ chối Người Đứng Đầu (Đức Kitô). Đó là lý do tại sao thánh Thomas More chịu tử đạo thay vì chấp thuận hành động Henry ly khai với Rôma khi Giáo hoàng không chấp thuận việc ly hôn của vua. Đây là cách thánh More giải thích với cô con gái yêu quý, Margaret, tại sao ngài không chấp thuận hành động của vua Henry, trong A Man for All Seasons:

More. Nếu chúng ta sống trong một tình trạng mà đức hạnh sinh hoa kết trái, thì công ích sẽ giúp chúng ta sống tốt. . . và chúng ta sẽ sống như những con vật hay thiên thần trong vùng đất hạnh phúc. Nhưng vì trên thực tế, chúng ta thấy sự tham lam, tức giận, ghen tị, kiêu căng, lười biếng, ham muốn và ngu ngốc thường được trọng vọng vượt xa sự khiêm tốn, khiết tịnh, dũng cảm, công bằng và tư tưởng... tại sao thế, vậy thì có lẽ chúng ta phải nhanh nhẹn đứng lên, ngay cả khi có nguy cơ phải chết.

Margaret. Nhưng cha cần lý do! Cha đã làm hết sức theo ý Chúa rồi?

More. Này con… cuối cùng… không phải vì lý do; cuối cùng, vì tình yêu.

Tại sao lại cần một Giáo hội để nên thánh? Bởi vì chúng ta không thể tự mình nên thánh được. Chúng ta không thể tự nâng mình lên bằng khả năng của chính mình. Bác sĩ không thể tự chữa bệnh. Con hổ không thể thay đổi lớp lông vằn của nó.

Nhưng cho dù sự thánh thiện không phải tự làm nên, cho dù chúng ta phải cần Thiên Chúa và ân sủng, tại sao chúng ta cần một Giáo hội mang tính vật chất, hữu hình, cụ thể, lịch sử, bí tích? Tại sao mối quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa và sự cậy trông vào Ngài lại không thể là mối quan hệ một-đối-một và tâm linh?

Bởi vì Đức Kitô không phải là quan hệ một-đối-một và tâm linh. Đức Kitô tập hợp một nhóm tông đồ, và thiết lập một Giáo Hội hữu hình, và ban cho Giáo Hội mình và máu theo nhân tính của Ngài, cả trên Thập giá và trong Bí tích Thánh Thể. Người Công giáo trang điểm với phẩm chất của Ngài, không hề chống lại. Người Công giáo chỉ gửi đi thông điệp của Ngài; không hề sửa đổi nội dung.

Thiên Chúa làm nên các vị thánh, nhưng Ngài làm điều đó qua Đức Kitô, và Đức Kitô làm điều đó qua thân thể Ngài, tức là Giáo hội của Ngài.

Tất nhiên, điều đó được thực hiện bởi Chúa Thánh Thần, và là tinh thần. Điều đó cũng được thực hiện bởi thân xác nhập thể của Đức Kitô, và là vật chất. Tại sao? Bởi vì nó được thực hiện trong con người và cho con người; tuy con người không phải là thiên thần nhưng luôn là sự kết hợp giữa vật chất và tinh thần.

Để tìm được ý nghĩa cho cuộc sống và sống cho ý nghĩa (của cuộc đời quý vị), hãy trở thành một vị thánh.

“Ngưu tìm ngưu, mã tìm mã.” hoặc “Trai khôn tìm vợ chợ đông. Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.” Tìm đúng nơi để gặp đúng người. Đến đúng chỗ để là người tốt. Để trở thành một vị thánh, hãy đến với Đức Kitô. Để trở nên thánh thiện, hãy tìm đến nơi có Đức Kitô.

Chúa Kitô ở đâu? Ở trong nhiệm thể của Ngài, là Giáo hội, không phải ngoài Giáo hội. Đến với Đức Kitô thế nào? Hãy đến với nhiệm thể của Ngài, chính là Giáo hội.

Chúa Kitô cũng ở trong những người không Công giáo, một cách trừu tượng tinh thần, nhưng không là cụ thể vật chất, không bí tích, không Thánh Thể như Chúa Kitô ở trong những người Công giáo.
Tại sao lại chọn một chiếc thuyền con trong khi quý vị có nguyên cả một con tàu?

 

(còn tiếp)


  Peter Kreeft, Giáo sư Tiến sĩ Triết
  Hạ Ngôn dịch

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.