26. VÌ TÔI BIẾT TÔI NÊN ĐỐI XỬ VỚI CON NGƯỜI NHƯ CHÍNH HỌ LÀ ĐỨC KITÔ


Giáo hội cho tôi lý do tốt nhất để đối xử với người khác như chính họ là Đức Kitô: vì họ đúng là Đức Kitô.

Họ là chi thể (members) của thân thể Ngài (1 Cr. 12:12-27). Tiếng Việt dịch là các bộ phận của thân thể. Riêng chữ “members” trong tiếng Anh dễ gây hiểu lầm. Nó giống như thẻ hội viên (membership) trong một câu lạc bộ, một doanh nghiệp hay một hội kín. Không, các bộ phận của cơ thể phải hiểu là nội tạng. Chúng ta là nội tạng của Thân thể Đức Kitô. Đó là lý do Đức Kitô nói, “…mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt. 25:40). Ngài không nói, “ngươi làm điều đó với Ta,” nhưng nói, “ngươi làm điều đó cho Ta.” Cùng một lý do Ngài hỏi Saolô trên đường đến Đamát, “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv. 9:4).

Đó là lý do Mẹ Teresa là một vị thánh. Mẹ tin điều này, và khi nhìn vào một người khác, Mẹ đã thấy Chúa Giêsu Kitô. Và đó là lý do quý vị cũng có thể trở thành một vị thánh. Chỉ cần tầm nhìn của của đức tin, và cách nhìn của trái tim.

Chỉ có người Công giáo mới có tầm nhìn như thế? Thưa gần đúng.

Những người Tin lành thường xem mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và tín hữu là hợp pháp và đạo đức, cá nhân và tâm lý, không phải siêu hình (xem lý do số 27 tiếp theo), như hầu hết họ xem sự cứu rỗi công chính là hợp pháp. (C.S. Lewis nghiêng về Công giáo hơn Tin lành về điểm này: xem phần 4 của Mere Christianity). Họ cho rằng ơn cứu độ chỉ là hòa hợp với Thiên Chúa (công chính hóa), chứ không thực sự biến đổi con người thành “một thọ tạo mới” (2 Cr. 5:17), không trở nên thánh (thần hóa); chỉ mỗi đức tin là đủ được cứu rỗi, chứ không phải đức tin và việc làm, không cần việc làm của tình yêu. Họ cho rằng Thiên Chúa nhìn mỗi người như thể là một vị thánh và đưa quý vị lên Thiên đàng miễn là quý vị đặt niềm tin nơi Đức Kitô. Họ tin rằng người ta thực sự không cần là thánh để lên Thiên đàng, mà chỉ cần tin; chính Đức Kitô đã làm trọn vẹn các đòi hỏi căn bản (qua sự cứu độ) về luật pháp dùm cho chúng ta, và đó là lý do tại sao chúng ta được tha.

Nói cách khác, Thiên Chúa là một luật sư. Trên cả lời lăng mạ báng bổ và dị giáo trong lịch sử từ trước đến nay!

Chữ mà Thánh Phaolô thường dùng nhất để diễn tả mối quan hệ giữa Đức Kitô và giáo dân là một chữ nhỏ, khó tả nhưng rất sâu sắc: trong. Chúng ta không chỉ là những người tin vào Đức Kitô và là môn đệ của Đức Kitô, những người yêu mến Đức Kitô và thậm chí là những người thờ phượng Đức Kitô; nhưng chúng ta ở trong Đức Kitô, và Đức Kitô ở trong chúng ta. Thật thế sao! Đó không phải là một hư cấu trừu tượng; nhưng là một thực tế siêu hình.

Pascal gọi Giáo hội là “một hiệp hội của những thành viên có tư duy” (Pensée 482). Nói cách khác, quý vị là ngón chân út của Đức Kitô, và người hàng xóm của quý vị là ngón tay cái của Ngài. Bây giờ quý vị đã biết nên đối xử với người hàng xóm thế nào cho phải, và hiểu tại sao phải như vậy.

Thánh Phaolô áp dụng cùng một phép siêu hình vào hôn nhân trong Ê-phê-sô 5:28-33 khi so sánh thật tuyệt vời giữa sự kết hợp một xương một thịt trong hôn nhân vợ chồng với sự kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo hội. Đó không chỉ là đạo đức, cảm xúc và tâm lý; mà cả siêu hình. Cả hai thực sự trở nên một – một trong bản thể, không chỉ riêng trong cảm nghĩ mà thôi.

Đó là tầm nhìn Công giáo và là tầm nhìn trong Kinh thánh. Những người Tin lành có thể đã quên và vội chạy theo chủ nghĩa chủ quan hiện đại.

Nhưng người Công giáo thì dứt khoát không.

 

(còn tiếp)


  Peter Kreeft, Giáo sư Tiến sĩ Triết
  Hạ Ngôn dịch

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.