- Đăng ngày 28 Tháng 3 2022
- Lượt xem: 488
27. VÌ NGƯỜI CÔNG GIÁO VẪN KHOÁC ÁO SIÊU HÌNH
Siêu hình học thường bị hiểu lầm. Đó không phải là phân khoa triết học đề cập đến cái phi vật chất hay cái siêu nhiên; nhưng là nhánh triết học liên quan đến vấn đề hiện hữu – tất cả hiện hữu.
Cái tên phổ biến thường hay gọi là thế giới quan. Nghĩa là chỉ đơn giản nghĩ về những gì đang hiện hữu, và bản tính thực sự, cốt yếu của những gì đang hiện hữu. Nó cần thiết và bình thường như câu hỏi của một đứa bé, "Cái gì vậy?"
Tất cả các triết gia lớn thời cổ đại và trung cổ đều dính dáng đến siêu hình học. Mọi cuộc đối thoại của Plato đều bắt đầu bằng một câu hỏi siêu hình: "Cái gì vậy?" (công lý, hoặc tình bạn, hoặc dũng cảm, hoặc cái chết, hoặc tình yêu, hoặc hiểu biết, hoặc đức hạnh, hoặc ngôn ngữ).
Nhưng các triết gia đương đại có xu hướng hoài nghi về môn siêu hình chỉ vì chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa thực chứng (chủ nghĩa khoa học, cái gì cũng phải được chứng minh), chủ nghĩa lịch sử, chủ nghĩa vị lợi, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa tương đối, và trên hết chính là vì nhận thức hoài nghi luận của Kant, vốn phủ nhận rằng chúng ta có thể biết “nội tại của sự vật” khác biệt với vẻ bên ngoài; và cũng vì siêu hình học không thể thực hiện được bằng phương pháp khoa học, mà trong thời đại này nhiều người tin khoa học là phương pháp duy nhất dẫn đến sự xác tín, để chứng thực những gì chúng ta tin. (Nhưng khi cho rằng “chỉ có phương pháp khoa học mới cho chúng ta sự xác tín” thì lập luận này lại không thể chứng minh được bằng phương pháp khoa học. Giống như sola scriptura, nó mâu thuẫn với chính nó.)
Lý trí điển hình trong thời đại ngày nay không phải là suy niệm mà là thực tiễn và thực dụng, và vì thế, lý trí thời nay không cần dựa vào nền tảng siêu hình để trả lời những câu hỏi như "Nó có ích lợi gì không?" hoặc "Nó trông ra sao?" hoặc "Nó làm gì?" hoặc "Chúng ta dùng nó vào việc gì?" hoặc "Nó có ý nghĩa gì với tôi?" hoặc "Nó tượng trưng cho điều gì?" hoặc "Nó khiến tôi cảm thấy thế nào?" Nó hoàn toàn nghiêng về thực dụng. Tất cả suy nghĩ đều phải là thực tiễn, phải chứng minh được mới tin.
Đạo Công giáo không thể tách rời khỏi siêu hình học. Vì những tín lý căn bản về đạo đều mang tính chất siêu hình.
Một ví dụ rõ ràng là giáo lý về sự Hiện diện Thực sự (khách quan) của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, và học thuyết về Sự Biến Thể, sự thay đổi thực chất của bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, mặc dù về hình dạng bên ngoài, cả bánh và rượu có vẻ như không biến đổi gì. Điều này đòi hỏi sự phân biệt siêu hình giữa bản chất (bản thể, nội dung) và vẻ bên ngoài (ngẫu phát, hình thức).
Một ví dụ quan trọng khác của siêu hình học là khẳng định về các bí tích thực sự ban cho chúng ta ân sủng thiêng liêng – trên thực tế, (như Kinh thánh nói rõ ràng) “Nước đó là hình bóng làm phép rửa nay cứu thoát anh em.” (1 Pr. 3:21). Đó không chỉ là một biểu tượng hay một biểu hiện thánh. Đó không phải là một tác phẩm nghệ thuật; nhưng là một cuộc giải phẫu cho linh hồn chúng ta.
Vẫn còn một ví dụ quan trọng khác nữa là sự khác biệt giữa thuyết công chính hóa (nó không thay đổi chúng ta về mặt siêu hình mà chỉ về mặt hợp pháp; Chúa xem chúng ta như thánh mặc dù chúng ta không thực sự biến đổi trong bản thể của chúng ta, chỉ trong tâm trí của Thiên Chúa mà thôi) và thuyết “tái sinh bởi ơn trên” (Ga. 3:3) của đạo Công giáo và Kinh thánh; tái sinh từ bios (sự sống tự nhiên) đến zoe (sự sống siêu nhiên, sự sống vĩnh cửu), từ xác thịt (sarx: sa ngã, bản tính phàm tục con người) đến tinh thần (pneuma: bản tính con người được tái tạo bởi Chúa Thánh Thần).
Luther thú nhận rõ ràng là ông không thể nào thể hiện được siêu hình vì ông theo Chủ nghĩa Duy danh (chỉ là danh xưng mà không có thực). Những người theo chủ nghĩa duy danh giản lược tất cả các tính phổ quát (như công lý, hoặc bản chất, hoặc tự hữu thể) thành những tên gọi (nomina) đơn thuần, chỉ là tên gọi trống rỗng mà thôi. Luther gọi chúng là flatus vocis, "âm thanh rắm thối."
Vẫn còn một ví dụ khác về siêu hình học là sự khẳng định của Công giáo và Kinh thánh rằng chúng ta thực sự “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr. 1:4). Người Công giáo ủng hộ tín lý tuyệt vời này và sản sinh ra nhiều nhà thần bí. Những người Tin lành thường hoài nghi về tín lý đó, và về khoa thần nghiệm nói chung.
Những tín lý căn bản của Công giáo đều là siêu hình. Giáo hội tuyên bố biết điều gì đó, nhờ mạc khải thần linh, về thực tại khách quan, chứ không chỉ là kinh nghiệm cá nhân. Công giáo cũng giống như khoa học: phổ quát và khách quan. Đạo Tin lành giống tâm lý thực dụng hơn: cá nhân và chủ quan.
Tất nhiên, Công giáo cũng nói rất nhiều về kinh nghiệm cá nhân, về những gì là cá nhân và chủ quan. Kinh nghiệm cá nhân đủ lớn để bao gồm cả thực tại khách quan. Tâm thức của Công giáo luôn bao gồm cả hai: thực tại khách quan và kinh nghiệm cá nhân; không thể chọn lựa một trong hai.
(còn tiếp)
Peter Kreeft, Giáo sư Tiến sĩ Triết
Hạ Ngôn dịch