- Đăng ngày 05 Tháng 4 2022
- Lượt xem: 325
35. VÌ TÔI CẦN LUYỆN NGỤC
Khi tôi chết, thay vì vào Luyện ngục, tôi sẽ có những lựa chọn nào?
• Tôi có đủ thánh thiện để hưởng phước Thiên đàng, trực tiếp chịu đựng được ngọn lửa thiêng bất diệt của công lý thánh? Nếu đúng thì cũng giống như tôi đủ sức leo lên đỉnh Everest bằng hai đầu gối trong tuổi già; thật là chuyện đội đá vá trời.
• Tôi xuống Hỏa ngục, mặc dù tôi yêu Chúa Giêsu và Chúa Giêsu yêu tôi? Làm sao Ngài đành lòng để tôi xuống Hỏa ngục?
• Tôi được đầu thai? Nhưng Kinh Thánh nói, “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.” (Dt. 9:27).
• Tôi không bao giờ chết mà sống trên trần gian mãi mãi trong thân xác thối rữa này? Về mặt sinh học rõ ràng không được, và về mặt tâm lý cũng chẳng xong.
• Tôi tan biến không còn hiện hữu? Nhưng tôi được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, và linh hồn tôi bất tử.
Rõ ràng là không có một lựa chọn nào khả dĩ thay thế được.
Và chỉ có Giáo Hội Công Giáo mới dạy cho tôi cách hiểu Luyện Ngục, qua lời cầu nguyện với sự Thông công của Các Thánh. Giáo Hội là niềm hy vọng của tôi vì Luyện ngục là niềm hy vọng của tôi. Cũng thế, Luyện ngục là hy vọng của tôi vì Giáo Hội là hy vọng của tôi.
Luyện ngục là niềm vui khôn cùng hơn là đau khổ vì mọi người ở Luyện ngục đều chắc chắn trước sau gì họ cũng được lên Thiên đàng, điều mà chúng ta không thể chắc chắn khi còn sống ở thế gian; và theo một cách nào đó, Thiên Chúa cũng ở đó với chúng ta, nắm tay nâng đỡ chúng ta vượt qua được ngọn lửa thanh luyện đau đớn mà chúng ta cần, và chắc chắn chúng ta nhận ra sự cần thiết của ngọn lửa thanh luyện với lòng khao khát bằng cả trái tim. Vì thế, niềm khao khát được thanh luyện sẽ không làm chúng ta chán chường nhụt chí, trái lại chúng ta cảm thấy hài lòng, phấn chấn cho dù đau đớn vì lửa hồng rực cháy.
Luyện ngục không thể thay thế cho Thiên đàng, số phận thứ ba sau Thiên đàng và Hỏa ngục, và là một phần của Thiên đàng (tạm trú), nên nơi đó phải tràn ngập niềm vui cũng như nỗi đau. Đau đớn không phải là tai họa, như tội lỗi, vì vậy cũng có thể có đau đớn trên Thiên đàng. Nhưng đó là nỗi đau tốt, và chúng ta có đủ khôn ngoan để mong muốn và đón nhận đớn đau, vì nhờ thanh luyện đau đớn, chúng ta sẽ được hưởng phước Thiên đàng, mục đích tối hậu mà chúng ta hằng ước muốn.
Nếu quý vị chưa hiểu được, tôi xin đưa ra một ví dụ khác. Những người bị ung thư phải dùng xạ trị hay hóa trị để chữa trị. Mỗi lần xạ trị xong là cả thân thể mệt nhoài và đau đớn cùng cực (cứ hỏi những người bị ung thư sẽ rõ). Vừa khỏe đôi chút lại xạ trị, và đau đớn tiếp tục hành hạ thân xác. Cứ thế, đau đớn triền miên kéo dài cả tháng tùy theo tình trạng ung thư nặng hay nhẹ. Người bệnh phải sống với đau đớn, cần thiết như hơi thở. Sau một thời gian xạ trị, bác sĩ cho biết là mầm ung thư đã bị diệt hoàn toàn. Người bệnh không cần phải xạ trị gây đau đớn nữa. Niềm vui khỏi bệnh cũng giống như niềm vui được thanh luyện trong Luyện ngục. Hoặc nếu quý vị có trí tưởng tượng phong phú, hãy nghĩ quý vị như một con rắn cần trút bỏ lớp da cũ, cứng, bẩn và sần sùi để tìm một làn da mới, mềm, sạch và trơn tru.
Khi tôi chết, tôi sẽ chịu phán xét như thân phận con cái của Thiên Chúa trong Đức Kitô, và tôi sẽ bước vào Thiên đàng. Và khi đứng ngơ ngác trước cửa Thiên đàng với tâm hồn nhơ nhớp và bối rối vì những thói quen tội lỗi vẫn còn in đậm trong nhân cách của tôi, cho dù Thiên Chúa thương xóa những hình phạt chính đáng vì tất cả những việc làm của tôi ở trần gian, tôi nghĩ Ngài sẽ nói với tôi như thế này, “Con yêu dấu của Ta, vì con mà Con Ta phải chết, con luôn được tiếp đãi ân cần trong tiệc mừng của Ta. Nhưng trước khi ngồi xuống bàn ăn, con có muốn tắm nước nóng tẩy rửa trước không? Vì con đầy bùn đất, phân và sâu bọ. Người con quá hôi hám. Ta yêu con vô cùng, cho dù người con bẩn thỉu. Ta muốn ôm con, nhưng Ta không thể ôm lấy ô uế. Ta không thể yêu con nhiều như Ta muốn, và con cũng không thể ôm lấy Ta như con muốn, cho đến khi ô uế bẩn thỉu của con được tẩy sạch." Nghe xong, quý vị có muốn xin đi tắm ngay không?
Nhưng tâm hồn quý vị sẽ đau đớn chính vì tự ái và tự mãn, nỗi sợ hãi và sự hèn nhát. Đau đớn vì câu nói bộc lộ sự khủng khiếp về tất cả tội lỗi của quý vị đã xúc phạm đến Ngài và làm tổn thương đến những người thân yêu, và có thể khi nghe xong, quý vị hầu như chết đứng, cả người tê liệt, bất động. Sau khi bình tâm suy nghĩ, quý vị sẽ xin được tắm rửa, gội cho sạch những vết nhơ, bằng ngọn lửa hồng và chấp nhận đau đớn. Nên nhớ, lửa – như đèn đuốc – không những tỏa sức nóng mà còn ban phát nguồn sáng nữa. Chúng ta cần thấy, chúng ta cần biết sự thật, ngay cả sự thật mất lòng, gây đau khổ. Đó là lý do tại sao phải có Hỏa ngục: để đánh tan hồ nghi, nghi ngờ, ngờ vực không biết có Hỏa ngục hay không. Hỏa ngục là sự thật và khi biết được thì quá muộn màng.
Thánh Catherine thành Genoa, người được Thiên Chúa cho thị kiến về Luyện ngục, nói (1) vì tội lỗi tồi tệ hơn bất kỳ điều ác nào khác, nên những đau khổ ở Luyện ngục dùng để thanh luyện những thói quen và ham muốn tội lỗi còn sót lại của chúng ta ray rứt hơn nhiều so với bất cứ nỗi đau nào ở trần gian, nhưng đồng thời (2) niềm vui của Luyện ngục cũng hưng phấn hơn nhiều so với bất cứ niềm vui nào ở trần gian vì Thiên Chúa ở cùng quý vị, chăm sóc và nâng đỡ quý vị, và đây là điểm cốt lõi, quý vị biết chắc chắn sẽ được hưởng ơn cứu độ đời đời một khi đau khổ của thời gian thanh luyện qua đi, lúc đó niềm vui choáng ngợp và hạnh phúc dạt dào không thể nào diễn tả được khi quý vị biết sẽ được hưởng phước bên Ngài mãi mãi. Và (3) mức độ niềm vui của Luyện ngục bao la hơn mức độ đau khổ của Luyện ngục.
Khi tôi trở thành Công giáo, cha tôi rất khó chịu. Ông là một tín hữu trung thành theo thuyết Calvin, khôn ngoan, thánh thiện, và chúng tôi có rất nhiều tranh luận thần học. Một trong số đó là Luyện ngục. Mẹ tôi lắng nghe cuộc tranh luận, và sau nửa tiếng nghe cha con tranh cãi mà chẳng đi đến đâu, bà cắt ngang.
“Này ông,” mẹ tôi nói, “nếu tôi hiểu thì Peter (là tôi) chỉ nói những gì Kinh thánh nói.”
“Bà có lầm không,” cha tôi trả lời. “Nó cứ bênh vực là có Luyện ngục. Bà giở Kinh thánh ra xem, chẳng có đoạn nào nói về Luyện ngục."
“Hmm… ông nói cũng không sai, nhưng tôi nghĩ lý do duy nhất khiến Peter tin vào điều đó là vì Peter tin Kinh thánh. Peter, đây là những gì mẹ nghe con nói. Mẹ lập lại xem có đúng không nhé. Kinh thánh nói chúng ta là tội nhân: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.” (1 Ga. 1:8). Và Kinh thánh cũng cho biết không ai có tội được vào Thiên đàng (xem Kh. 21:27). Và Kinh thánh cũng khẳng định rằng tội lỗi (bóng tối) và thánh khiết (ánh sáng) hoàn toàn khác biệt, như một trời một vực (xem 1 Ga. 1:5). Vì thế, Thiên Chúa phải làm một cái gì đó để sau khi chết chúng ta được thanh luyện, để biến đổi chúng ta từ tội nhân thành thánh nhân, và nếu người Công giáo muốn gọi cái gì đó là Luyện ngục thì đó là quyền của họ, mặc dù chúng ta không tin. Hóa ra, cha con chỉ tranh luận về từ ngữ mà thôi, đúng không?”
Cha tôi im lặng. “Hmm.. có lẽ vậy. Thôi, nói chuyện khác đi!"
(còn tiếp)
Peter Kreeft, Giáo sư Tiến sĩ Triết
Hạ Ngôn dịch