37. VÌ CHÚA THÁNH THẦN LÀ LINH HỒN CỦA GIÁO HỘI, VÀ TÔI CẦN CHÚA THÁNH THẦN THÔI THÚC TÔI BẰNG CHÍNH SỰ SỐNG CỦA THIÊN CHÚA.


Chúng ta cần được Chúa Thánh Thần “ám”. Nó hoàn toàn trái ngược với việc bị quỷ ám: với Chúa Thánh Thần trong tâm trí, chúng ta được tự do, thanh sạch và tràn đầy niềm vui.

Đón nhận Chúa Thánh Thần là giai đoạn cuối cùng và trọn vẹn nhất để kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu tìm kiếm sự thân mật, sự hợp nhất cá nhân với người được yêu. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa bày tỏ chính Ngài trong ba giai đoạn. Đó là các giai đoạn của sự thân mật: trước tiên là tình yêu nghiêm từ của Chúa Cha trong Cựu ước, sau đó là tình yêu bạn hữu của Người Con nhập thể trong Phúc âm, và cuối cùng là tình yêu Thánh Thần trong lịch sử Giáo hội (Thiên Chúa ở bên ngoài, bên cạnh, và bên trong chúng ta).

Vì Chúa Thánh Thần là giai đoạn cuối cùng của sự thân thiết của Thiên Chúa với chúng ta, nên chúng ta luôn cần Ngài để đạt được niềm vui tột độ, và chúng ta tìm thấy Ngài trong Giáo hội, vì Ngài là “chính linh hồn (sự sống) của Giáo hội”.*

Chúa Thánh Thần là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Cũng như Chúa Cha hiểu biết về chính Ngài thấu đáo và thật đến nỗi đó là một Ngôi vị, (Chúa Thánh Thần) được Chúa Cha "sinh ra" thiêng liêng và từ muôn đời, vì vậy tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con keo sơn và thật đến nỗi nó cũng là một Ngôi vị, (Chúa Thánh Thần) mãi mãi được "tiếp nối" từ Chúa Cha và Chúa Con.

Chúa Thánh Thần rất thật, không thể là bất cứ điều gì khác ngoài một Ngôi vị. Điều này cần hiểu rằng trên đời có nhiều mức độ thực tế, không phải mọi thứ đều thật như nhau. Dối trá không thật như chân lý. Hư cấu không thật như thực tế. Số lượng (chẳng hạn như các số đếm) không thật bằng phẩm chất (chẳng hạn như khôn ngoan). Những điều trừu tượng (chẳng hạn như sự sáng suốt) không thực bằng những thứ cụ thể (chẳng hạn như một nhà thông thái). Cái ác không thật bằng cái thiện (vì đó là một lỗ hổng trong sự thiện). Không có sinh vật nào thật như Đấng Tạo Hóa (vì tự sinh vật không thể hiện hữu, trái ngược với Ngài; nó được tạo dựng nên). Và không gì thật bằng con người. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa là Ba Ngôi vị, không phải là một thế lực hoặc một lý tưởng hoặc một tâm trí hay ý chí phi ngôi vị. (Tâm trí và ý chí phụ thuộc vào con người, chỉ có ở con người và là quyền lực của con người.)

Chúa Thánh Thần không phải là một cái gì đó trừu tượng, chẳng hạn như “tinh thần dân chủ” hay “tinh thần học đường”. Ngài là một Người cụ thể. (Ở đây, cụ thể không có nghĩa là “vật chất” mà là “cá thể”. Tổng lãnh Thiên thần Micae, một thần linh thuần khiết không có thân xác vật chất, nhưng rất cụ thể.)

Và Ngài hiến dâng chính Ngài cho linh hồn chúng ta về mặt tâm linh (cả ba Ngôi vị đều làm như thế) qua các bí tích vật chất của Giáo hội Ngài. Và khi có Ngài sống trong tâm hồn, đời chúng ta tràn đầy niềm vui và không thể bị khuất phục, vì chúng ta sống trong chính tình yêu gắn kết Ba Ngôi với nhau mạnh mẽ hơn, một hợp nhất keo sơn mà không một thế lực trần gian nào có thể tách rời. Ngay như chúng ta, tình yêu khiến hai người yêu nhau dâng hiến trọn vẹn cho nhau (một xương một thịt) tạo nên một hợp chất khắng khít hơn, một chất keo bền chặt hơn, chứ không phải là một dung hợp – tuy trộn lẫn với nhau, nhưng vẫn giữ riêng tính chất của từng người một – vì một trong hai người sẵn sàng chết vì người kia, rõ ràng mỗi người “gắn bó” với người kia hơn là với chính mình.

Tình yêu là lẽ sống của Thiên Chúa mạnh hơn sự thù ghét, mạnh hơn tội lỗi, mạnh hơn sự chết. Cái chết tách chúng ta ra khỏi chính chúng ta (vì chúng ta gồm cả thể xác lẫn linh hồn, và cái chết tách rời thể xác khỏi linh hồn) và bơm vào hữu thể của chúng ta cái vô thể, tức là hư vô, đó là tính chất của Ma quỷ. Chính Ma quỷ là “thủ lãnh của thế gian này” (xem Ga. 16:11). Nhưng chính sự sống của Thiên Chúa ở trong chúng ta qua Đức Kitô và Giáo hội của Ngài, và do đó “Ðấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian” (1 Ga. 4:4). Nếu chúng ta ở trong Đức Kitô, thì Chúa Thánh Thần đối với linh hồn chúng ta như linh hồn đối với thân thể chúng ta: đó là sự sống siêu việt.

* Thánh GH. Gioan Phaolô II, Nói Với Các Tín Hữu, 8 tháng 7, 1998

 

(còn tiếp)


  Peter Kreeft, Giáo sư Tiến sĩ Triết
  Hạ Ngôn dịch

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.