- Đăng ngày 08 Tháng 4 2022
- Lượt xem: 556
38. BỞI VÌ GIÁO HỘI BẢO VỆ TẤT CẢ TẠO VẬT CỦA THIÊN CHÚA CŨNG NHƯ ĐẤNG TẠO HÓA
Giáo hội bảo vệ bản tính cũng như ân sủng, bởi vì Giáo hội tin rằng ân sủng hoàn thiện và cần thiết cho công trình cứu chuộc, đồng thời yêu mến và xác thực bản tính chứ không chối từ, giảm thiểu, bỏ qua hoặc loại trừ nó. Có rất nhiều ví dụ về nguyên tắc trọng yếu này của Công giáo:
• Giáo hội bênh vực con người cũng như Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã trở thành con người, và Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa là một con người và là Thiên Chúa mãi mãi. Thăng thiên không có nghĩa là tiêu diệt Nhập thể. Chúa Giêsu không bỏ lại thân xác nhân tính hay linh hồn của Ngài ở trần gian.
• Giáo hội bảo vệ lý trí cũng như đức tin. Theo định nghĩa của Công đồng Vatican I, vấn đề đức tin về sự hiện hữu của Thiên Chúa có thể chứng minh được bằng lý trí chứ không chỉ riêng là vấn đề đức tin!
• Giáo hội bảo vệ thân xác cũng như linh hồn, vì cả hai là một, giống như ý nghĩa và chữ của một cuốn sách.
• Và vì Giáo Hội bảo vệ thân xác cũng như linh hồn, nên Giáo Hội bảo vệ không chỉ linh hồn nhân tính của Đức Kitô mà còn cả thân thể của Ngài, và sự tiếp nối của thân thể Ngài trong Giáo Hội. Và Giáo hội bảo vệ cả Đầu (Chúa Kitô) và thân thể (chúng ta).
• Giáo hội bảo vệ vật chất cũng như tinh thần, vì Thiên Chúa tạo ra cả hai. Từ những thời kỳ đầu tiên (thời kỳ dị giáo Ngộ đạo được thánh Gioan nhắc đến trong thư thứ nhất) cho đến nay, Giáo hội luôn phản đối thuyết Ngộ đạo, hay thuyết duy linh (Chesterton gọi “duy linh” là “một sự diệt vong đáng sợ”).
• Giáo hội bảo vệ quốc gia cũng như Giáo hội (tất cả đều là Thành trì của Chúa theo thánh Augustinô).
• Giáo hội bảo vệ tình yêu tự nhiên cũng như tình yêu siêu nhiên (xem Four Loves của C. S. Lewis và của Giáo hoàng Bênêdictô XVI về sự hợp nhất giữa eros và agape trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, Deo Caritas Est).
• Giáo hội bảo vệ văn học thế tục cũng như Kinh thánh. (Có nhiều tiểu thuyết gia, nhà thơ và nghệ sĩ của Công giáo hơn là của Tin lành.)
Ân sủng luôn yêu thương, bảo vệ, che chở, hoàn thiện, thánh hóa, sử dụng và tôn vinh bản tính. Nguyên tắc đó hiển nhiên – và tuyệt vời. Và nguyên tắc đó đúng về mặt thần học vì Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu luôn yêu thương và hoàn thiện chúng ta.
Khuynh hướng Tin lành luôn là chọn một trong hai (như tiêu đề của cuốn sách nổi tiếng Either/Or A Fragment of Life của Kierkegaard), trong khi khuynh hướng Công giáo luôn là cả hai: cả ân sủng và bản tính, trong tất cả các ví dụ trên.
Ngay cả cuộc tranh luận giữa Tin lành một-trong-hai và Công giáo cả-hai vẫn là cả-hai chứ không thể một-trong-hai, vì lẽ tinh thần Công giáo giúp cho người Tin lành chọn lựa một-trong-hai (như Thiên đàng hay Hỏa ngục, thiện hay ác, đức tin hay tội lỗi, xin vâng hay từ chối Thiên Chúa), nhưng họ vẫn nghi ngờ khuynh hướng chọn cả-hai của Công giáo.
(còn tiếp)
Peter Kreeft, Giáo sư Tiến sĩ Triết
Hạ Ngôn dịch