Tôi đến Indiana lần thứ hai trong một buổi chiều chớm hè. Tuổi hưu, nhìn quãng đường dài đã qua, và thấy con đường trước mặt chợt ngắn hơn bao giờ vì điểm đích hiện dần trong tầm mắt. Không rong ruổi lúc này thì còn đợi đến bao giờ. Vì thế, tôi khoác túi xách trên vai và lên đường.


Người bạn đón tôi ở phi trường Fort Wayne đầu bạc trắng. Trên đường về nhà, nhìn từ xa lộ, rừng cây xanh ngát, nắng thoi thóp trải dài trên những cánh đồng bạt ngàn. Trời đã về chiều, trả lại không gian yên tịnh sau một ngày vất vả. Cảnh vật hầu như không thay đổi mấy, chỉ có hình dạng con người đổi thay. Quãng đường quanh khu phố mỗi sáng thức dậy đi bộ với bạn tôi yên ắng đến lạ thường. Thời gian uể oải đọng lại trên lá cây, đong đưa vẫy chào chúng tôi trong ngọn gió thoảng ban mai của tiết xuân tàn

.

Tôi đến Fort Wayne-Indiana lần này vì tiện đường đi Chicago thăm người bạn đã ra đi mấy năm trước. Tấm thân còm cõi của nó còn sót lại một nhúm tro đặt trong ngôi chùa trên con đường vắng. Không gian tĩnh mịch chìm lắng vào một buổi trưa êm ả làm tôi nhớ đến giấc ngủ trưa no mắt khi ngọn gió nồm thổi suốt qua hiên nhà thời thơ ấu. Cảnh vật gần như thinh lặng chiêm niệm như biết chúng tôi đến thăm người đã khuất. Không có tiếng chim ríu rít trên tàng cây cao như tôi thường nghe ở những nơi khác. Tôi ngỡ nghe tiếng gà trưa đâu đó như lời một bài hát, “…tiếng gà trưa gáy ran bên đồi.” Lời Thiên Thu Gọi. Lời gọi nhiệm mầu ít ai hiểu thấu, và thường xuôi tay chấp nhận.


Hình dáng ngôi chùa uy nghi mang kiến trúc Tây phương chứ không thấy mái cong uốn lượn theo kiểu Á đông. Hỏi ra mới biết sư trụ trì mua lại từ một mục sư Tin Lành. Trần chính điện cao vút, sàn gỗ bóng loáng. Trên kia, tượng Phật nghiêm trang ngồi thiền, gương mặt hiền lành, đôi mắt nhắm nghiền như không muốn thấy cảnh nhiễu nhương của chúng sinh. Người giữ chùa dẫn chúng tôi vào căn phòng nhỏ bên hông chánh điện, nơi đặt các hộp tro. Kệ hẹp, đủ đặt một hộp tro nhỏ ghi tên người quá cố. Tôi đếm khoảng vài chục hộp, không như lần tôi đến một nhà thờ, hàng trăm hũ tro xếp lớp từ trần xuống sàn, tìm mãi mới thấy hũ tro của người bạn cũ. Cả một thân xác bây giờ chỉ còn một nhúm tro tàn có thể đặt gọn trong lòng bàn tay. Nếu thả tro bay theo gió, có lẽ không đủ làm xót mắt người đời, may ra đủ làm cay đôi mắt người vợ. Vũng vẫy một thời, vất vả một đời, vang vọng danh thơm tiếng tốt… xem ra chỉ là phù du. Tôi bâng khuâng tự hỏi cuối đời chỉ thế thôi sao?


Tiện đường, tôi cũng đi thăm vợ chồng người bạn ở Michigan đang nhuốm nhiều bệnh tật. Con mắt kéo cườm vừa mổ xong, lại chuẩn bị phẫu thuật vì một chứng bệnh của võng mạc. Bạn tôi bước chậm rãi, không hiểu vì bệnh tật hay vì thói quen. May ra còn tiếng cười rộn rã là khỏe mạnh. Thôi, hưu cho khỏe, bạn tôi nói. Làm cũng đến thế, lại sinh bệnh, bạn tôi nói thêm. Con cái thành đạt dọn ra riêng, chỉ còn hai thân già quạnh quẽ, quanh quẩn từ nhà trên xuống hầm dưới. Tuy vậy, bạn tôi yêu đời, yêu người vợ hiền chay tịnh, chăm chỉ tụng kinh mỗi ngày trong căn phòng nhỏ cho tâm tĩnh, lòng an. Bám víu lấy tôn giáo như một cách sống tích cực trong tuổi hưu.


Thêm một bất ngờ, người bạn khác học chung La San ở Buôn ma thuột, đang miệt mài chăm sóc mẹ già đã trên chín mươi. Bàn tay bà cụ lạnh ngắt, nhưng ánh mắt thật ấm áp. Cụ niềm nở hỏi thăm tôi. Tôi ân cần chúc cụ sống bình an. Chuyến đi gặp lại những người bạn cũ như dự tính, nhưng hình ảnh bạn bè đập vào mắt khiến tôi không tránh khỏi lòng bồi hồi.
Nhúm tro, tóc trắng, bệnh tật, tuổi già… là những hình ảnh rất gần đối với tôi trong tuổi hưu. Một chút ngậm ngùi khi nghĩ đến ngày tháng ngắn ngủi trước mặt. Đâu đó trên quãng đường ngắn, tôi thấy thấp thoáng bóng tà huy. Những đêm đặt mình nằm xuống trên chiếc giường lạ, tôi trăn trở nghĩ mãi về thời gian qua mau. Khó có thể ngờ chúng tôi đã đến 70. Suốt đời vật lộn với kế sinh nhai, luật đào thải tre già măng mọc nên không thể làm việc mãi, chưa kể sức lực ngày giảm dần. Quãng đời còn lại phải làm gì đây cho ý nghĩa. Chuyến đi này giúp tôi thấy một góc cạnh khác của cuộc đời trầm luân khi nhìn những đổi thay xảy ra ngay trước mắt.


Tuy thế, tôi tìm được một ngày thật bình yên ở Grabill.


Vì… thật không ngờ ở Indiana lại có cộng đồng Amish1 . Từ lâu, tôi tò mò về nếp sống của dân Amish, một sắc dân sống cách biệt với các sắc dân khác2 , không hề dùng các kỹ thuật của thế giới văn minh3 . Họ tập trung thành từng khu vực riêng, làm nghề nông, thắp đèn dầu, đi xe ngựa, canh tác bằng tay và cày bừa bằng ngựa như những thế kỷ trước. Đây là những giáo dân Tin Lành hiền hòa4 , rất bảo thủ, sống nghiêm nhặt theo Kinh Thánh, như các giáo dân thời giáo hội sơ khai (ngay sau khi Chúa Giêsu về trời), và nếp sống gần giống như dân Do-thái cổ (trước khi Chúa Giêsu sinh ra) ràng buộc bởi khá nhiều luật lệ khe khắt. Họ tách ra từ nhánh Anabaptist vào cuối thế kỷ 17, sau cuộc Cải Cách Tin Lành vĩ đại vào năm 1517. Phần đông họ di dân từ Đức, Hòa Lan, Pháp, Thụy Sĩ, Nga và đến lập nghiệp ở Hoa Kỳ và Canada vào giữa thế kỷ 18. Thuở ban đầu, họ tập trung ở Pennsylvania, và tản mác ra các tiểu bang lân cận, trong đó có Indiana, tiểu bang tôi đến thăm người bạn.



Khoảng giữa thập niên 80, tôi có xem cuốn phim “Witness5 do tài tử Harrison Ford đóng. Chuyện kể một thám tử điều tra một vụ sát nhân, vì phải bảo vệ nhân chứng là một cậu bé Amish 8 tuổi, nên đưa mẹ con chạy trốn ra ngoại ô, trong một cộng đồng Amish. Lẩn trốn ở đây một thời gian, viên thám tử làm quen dần với nếp sống và sinh hoạt của Amish, và nảy sinh tình cảm với mẹ của cậu bé, một phụ nữ góa chồng. Cuốn phim kết thúc có hậu khi những kẻ sát nhân đền tội, nhưng lại không có hậu khi viên thám tử phải đè nén tình cảm để trở về thế giới văn minh, bỏ lại sau lưng một quả phụ thổn thức với tình yêu mới, chỉ vì hai thế giới quá cách biệt, mặc dù thành phố và vùng ngoại ô Amish cách nhau không xa.


Từ đó đến nay, tôi luôn háo hức và tự nhủ thế nào cũng tìm cách đến thăm cộng đồng Amish cho biết nếp sống của họ. Đến Indiana lần này, tôi hoàn toàn không nghĩ đến cộng đồng Amish vì nếu họ sống mãi đầu mút tiểu bang thì thú thật tôi không có thì giờ đi thăm. Không ngờ bạn tôi bảo dân Amish sống ở Grabill, thuộc quận Allen, cách đây chừng 10 phút lái xe. Thế là ngày cuối cùng trong chuyến đi thăm bạn bè, chúng tôi lái xe đi một vòng khám phá cộng đồng Amish.



Vừa ra khỏi Fort Wayne chừng vài dặm, xe lạc vào vùng đồng ruộng bao la, trông ngút ngàn. Nhìn đường sá nhỏ hẹp là biết ngay vùng ngoại ô. Thị trấn Grabill6 chỉ vọn vẹn hơn nghìn dân cư, trong đó dân Amish sống xen lẫn với các sắc dân khác. Đường với hai phân lộ, phải và trái, vừa đủ một chiếc xe hơi lên và xuống. Nhà cửa nằm trơ trọi giữa cánh đồng quang đang chờ vụ mùa mới. Một vài chú ngựa đen đuôi phe phẩy, bình thản gặm lớp cỏ xanh thấp ngang mặt đất. Một chiếc xe thổ mộ7 chạy bon bon ngược chiều. Lần đầu tiên tôi thấy tận mắt loại xe, phương tiện di chuyển độc nhất, của dân Amish. Con ngựa kéo cỗ xe bốn bánh lớn, một phụ nữ ngồi đàng trước cầm cương, chở đàng sau vài cô gái tuổi đang lớn. Tôi đoán mẹ con họ chở nhau đi mua sắm. Tất cả đều mặc váy dài từ trên xuống gần mắt cá chân, màu đơn điệu đến tẻ nhạt8 . Chiếc mũ trắng đội trên đầu để che đuôi tóc. Thấy chúng tôi, người phụ nữ bỏ cương, thân thiện đưa tay chào, cả các cô gái cũng nghiêng đầu nở nụ cười, niềm nở vẫy tay. Bạn tôi nói dân Amish luôn thân thiện như thế.



Trời trong, mây trắng lãng đãng trôi mang theo ngọn gió hiu hiu cuối xuân. Trên suốt con đường dài, chỉ thấy xe thổ mộ với vó ngựa gõ nhịp nhàng trên mặt đường nhựa, thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe hơi chạy từ từ, nhường quyền ưu tiên cho xe ngựa. Không gian thật yên tịnh, bình an đến lạ lùng. Bao nhiêu ưu tư những ngày trước chợt tan biến hẳn khi bước vào vùng đồng quê thanh bình của dân Amish.


Tôi mải mê ngắm phong cảnh đồng quê và tò mò muốn vào nhà trò chuyện với họ nhưng chưa biết phải làm thế nào. Cứ thấy nhà nào phơi quần áo ngoài trời thì biết ngay đó là nhà dân Amish, vì họ không dùng điện hoặc bất cứ hình thức năng lượng nào của thế giới văn minh. Tuy biết thế nhưng chúng tôi không dám đường đột đi thẳng vào nhà họ để hỏi thăm. Cứ đến trung tâm thị trấn rồi tính, bạn tôi bảo. Đến nơi, loay hoay mãi trong cửa hàng tạp hóa mà không biết nên hỏi ai. Thật may, bạn tôi mở lời với Dawn, một phụ nữ chở bà mẹ mang chứng bệnh parkinson tình cờ cũng đi mua sắm. Sau khi biết ý định, chị niềm nở bảo sẽ dẫn đường cho chúng tôi đến gặp một gia đình Amish.

Dawn dẫn chúng tôi chạy ngoằn nghoèo một lúc rồi chỉ vào căn nhà bên trái, hình dạng giống như những căn nhà chúng tôi gặp trên đường từ sáng nay. Chúng tôi đánh bạo chạy xe vào. Con đường đất dài hơn trăm mét dẫn đến một căn nhà to, hai bên là những căn nhỏ hơn. Đậu xe, chúng tôi bước xuống quan sát. Tôi đoán có thể nhiều gia đình ở chung trên mảnh đất này.


Bước vào sâu hơn. Sân lót gạch trông sạch sẽ. Chúng tôi phải lên tiếng ngay, vì đã bước vào khu vực nhà riêng. Indiana nhà nào cũng có vài cây súng, nhất là vùng đồng quê, cần vũ khí để tự bảo vệ. Nếu khách xâm phạm khu vực riêng không có phép, chủ nhà có quyền nổ súng cảnh cáo. May quá, một chàng thanh niên Amish bước ra, dáng vẻ từ tốn. Chúng tôi trình bày lý do muốn hiểu về nếp sống và sinh hoạt của dân Amish. Anh bảo để anh gọi chủ nhà. Hóa ra anh dùng điện thoại di động để gọi. Tôi hiểu ngay đây là sắc dân Amish không quá bảo thủ. Họ vận giữ lề luật truyền thống nhưng phóng khoáng hơn; chẳng hạn như được phép dùng các tiện nghi của thời đại9 . Nhìn ra xa, những tấm pin năng lượng mặt trời xếp ngay ngắn cả một hàng dài.


Chẳng bao lâu, chủ nhà bước ra, theo sau một cậu bé mà tôi đoán là con, cả hai cha con chỉnh tề trong bộ quần áo truyền thống của Amish: áo trắng không cổ, quần đen có hai sợi dây treo, mũ rơm. Người đàn ông râu quai nón tua tủa10 trạc 50 giới thiệu tên Sam (sau này tôi biết đầy đủ tên họ là Samuel Graber), và cậu bé Danny. Một tình cờ thú vị, tên của cậu bé Amish trong cuốn phim Witness cũng là Sam, và nếu câu chuyện có thật thì cậu bé Amish ngày nào giờ này cũng cỡ tuổi chủ nhà.


Khi biết ý định của chúng tôi, Sam vui vẻ nhận lời. Trước hết, ông dẫn chúng tôi vào một căn phòng nhỏ, trong đó có hàng chục bình ắc-cu chứa điện mặt trời. Tôi hỏi giáo phái ông cho phép dùng điện. Ông trả lời điện nhà thì không, nhưng điện đến từ thiên nhiên thì được. Ông nói thêm, trước đây dân Amish dùng quạt gió để chứa điện, còn bây giờ hầu hết đều dùng pin mặt trời. Sam mở cửa nhà kho rộng lớn, chứa đầy máy móc dùng trong canh nông. Giáo phái của ông không quá nghiêm nhặt về luật lệ, nên vẫn dùng các nông cụ bằng máy. Tuy nhiên, những luật lệ như không được chụp hình bán thân, kể cả hình gia đình. Quần áo phải mặc theo đúng truyền thống, không màu mè sặc sỡ, không có khuy nút (chỉ dùng kẹp để gài). Sang chuồng ngựa, chúng tôi thấy 2 chú ngựa con đen tuyền, một 6 tuần tuổi, và một 3 tháng tuổi. Ông khoe, nếu nuôi chừng một năm, một chú ngựa đen tuyền có thể bán với giá 20 nghìn. Bán 2 con cũng có thêm thu nhập cho một gia đình 3 người, vợ chồng ông và cậu con trai.


Trong nhà chính, cả một phòng lớn có thể chứa vài trăm người. Lý do là cộng đồng Amish thay phiên nhau tụ họp vào mỗi Chủ nhật. Cùng nhau học hỏi Kinh Thánh, hát thánh ca và sau đó là bữa cơm cho toàn thể cộng đồng. Ông cho tôi xem cuốn Thánh Kinh song ngữ, một bên là tiếng Anh, bên kia là tiếng Đức (Dutch). Tôi quên không hỏi ăn uống theo lối potluck, nghĩa là mỗi gia đình mang một món, rồi ăn chung, hoặc là chủ nhà phải thiết đãi tất cả mọi người. Mỗi cộng đồng có thể đến cả trăm gia đình11 , vì thế phải hơn năm mới đến lượt tụ họp tại nhà mình. Sam chịu khó dẫn chúng tôi đi từng phòng, từ phòng tắm đến nhà bếp và phòng ngủ. Ông giới thiệu vợ, người đàn bà độ 40, ốm và khá cao. Bà mặc chiếc váy màu xanh nhạt, dài từ cổ đến chân. Nhân có cả các thành viên của gia đình, tôi xin chụp chung với gia đình ông. Sam nói không, vì đi ngược lại truyền thống Amish. Chụp hình cái gì trong nhà ngoài sân đều được, nhưng không thể chụp hình người, ngay cả hình gia đình cũng không. Hỏi tại sao, Sam bảo vì khi chụp hình, in ra, treo trên tường, là một hình thức chú trọng đến cá nhân. Dân Amish quan niệm mọi người ngang nhau, không ai hơn ai. Họ loại bỏ tất cả mọi hình thức làm nổi bật cá nhân, vì đó là mầm mống của ganh ghét, tị hiềm. Những tấm hình lưu truyền trên mạng là do chụp lén, hoặc dàn dựng chứ không phải là dân Amish chính thống. Tôi nhìn quanh, thật sự không có hình một ai treo trên tường.



Về học vấn, mỗi cộng đồng đều có trường. Giáo viên là những người trong cộng đồng tình nguyện dạy. Trẻ em Amish chỉ học đến lớp 8, rồi nghỉ lo việc đồng áng. Tôi hỏi Sam có ai trong cộng đồng học lên đại học, hoặc có ai giữ bằng cấp cao. Ông nói chưa thấy ai, ngay cả tên các học vị Sam cũng không biết nghĩa là gì. Cậu bé Danny, tuy mới 9 tuổi, nhưng đã từng đi săn và bắn hạ một con hươu to. Sam chỉ cái đầu hươu treo trên tường, hãnh diện bảo chính Danny bắn hạ. Danny nghiêng đầu mỉm cười, thật sự tự hào về thành tích của cậu. Hỏi có muốn học lên lớp 9 không. Cậu trả lời không, chỉ muốn ra đồng làm việc giúp bố. Sam cười nói, nó ham làm hơn ham học.


Dân Amish chuộng một nếp sống bình dị, từ trang phục đến học vấn, không đua đòi12 . Cách suy nghĩ của họ cũng đơn giản, không sâu sắc. Họ sống thanh thản giữa những cánh đồng rộng bao la, vui thú công việc đồng áng bằng tay chân hoặc nghề mộc, không rượu bia, cà phê, thuốc lá. Cuối tuần gặp gỡ nhau, ăn uống, chuyện trò, hỉ nộ buông xả hết. Có lẽ vì thế mà dân Amish sống khỏe mạnh hơn, thọ hơn13 , ít vướng các chứng bệnh trầm kha như ung thư, trụy tim, đột tử…


Mười năm trước, nếu có ai hỏi tôi muốn sống ở Indiana không. Chắc chắn câu trả lời là không. Lần này, sau khi thăm cộng đồng Amish, tìm hiểu và chuyện trò với họ, tôi chợt nhận ra một nếp sống bình dị, đơn giản kể ra không khó thực hiện, nhất là trong tuổi hưu. Nên học nơi dân Amish làm thế nào giữ cho lòng thanh thản, sống an nhiên tự tại, vui thú điền viên, giữa bầu trời rộng, cảnh vật hiền hòa, không gian yên tịnh.


Có nên dọn về Indiana để học theo nếp sống như dân Amish không?

 

 

1 Giáo phái Tin Lành mang tên Anabaptism do Jakob Amman lập ra. Từ họ Amman mới có tên Amish, chỉ những người theo giáo phái này.
2 Vì thế, hãy ra khỏi Dân ấy, hãy rời xa chúng, Chúa phán như vậy, (2 Cô-rin-tô 6:17).
3Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo, (Romans 12:2).
 4Không bao giờ dùng vũ lực, tuyệt đối không giữ hận thù: https://murderpedia.org/male.R/r/roberts-charles.htm

5 https://myflixertv.to/movie/witness-61524

6 https://www.justshortofcrazy.com/day-trip-to-the-amish-community-of-grabill-in/
7 Gọi là buggy, không mui hoặc có mui. Gần giống chiếc xe thổ mộ của miền Nam, dùng để di chuyển trong sinh hoạt hằng ngày.
8 Phụ nữ phải luôn mặc váy một mảnh gồm cả áo, dài từ vai xuống gần cổ chân. Phụ nữ Amish không được xõa tóc, phải búi tó, và dùng vải may thành mũ (cape) mỏng để che búi tóc, dây mũ để thõng hai bên. Đàng trước treo chiếc tạp-dề (apron).

9 Amish thời thượng, gọi là New Order Amish. Còn lớp người theo Old Order Amish thì giữ truyền thống và luật lệ nghiêm nhặt, như lúc mới định cư.
10 Thanh niên không được để râu. Đàn ông lập gia đình bắt buộc phải để râu, nhưng không được để râu mép. Nhìn thoáng, người ta có thể lầm lẫn với giáo sĩ Do-thái.
11 Nếu đông quá, cộng đồng sẽ chia ra để dễ quản trị. Đứng đầu mỗi cộng đồng được gọi là giám mục, và nhiều bô lão.

12 Đàn ông và phụ nữ tuyệt đối không được mang nữ trang; riêng đàn ông được đeo đồng hồ lên dây.
13 Đột biến gin, đặc biệt của dân Amish: https://www.weforum.org/agenda/2017/11/why-some-amish-people-live-a-decade-longer/

 

  Hà Ngân 

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.