- Đăng ngày 01 Tháng 9 2023
- Lượt xem: 470
https://www.youtube.com/watch?v=mipujcSZrJs
Gần đây, một ca nhạc sĩ vô danh, Oliver Anthony, đưa bản nhạc Rich Men North of Richmond do chính anh viết và hát lên iTunes, và nhanh chóng trở thành cơn sốt. Tính đến thứ Sáu 18/8, số lượt views đã lên đến 21 triệu. Còn kênh Youtube vọt lên 48 triệu views1 từ ba tuần trước.
Oliver bất ngờ nổi tiếng qua đêm với bản nhạc này. Anh sử dụng cây đàn guitar, biến thể gần giống như cây banjo, loại đàn phổ biến của nhạc đồng quê. Anh đứng hát ở một bìa rừng, dưới chân có con chó trắng ngóng tai nghe chủ hát. Phong cảnh thiên nhiên, không ánh đèn màu. Áo quần lại càng bình dị hơn ai hết, chẳng màu mè sặc sỡ. Chỉ mỗi cây đàn, không trống, không bass, không kèn saxo. Tất cả bình thường, thế mà kết quả thật phi thường.
Bài hát diễn tả cái gì mà được nhiều người đón nhận nồng nhiệt đến thế? Xin lược dịch nội dung như sau.
PK1: Tôi bán linh hồn để làm việc suốt ngày
Làm thêm giờ cho mớ lương chua cay
Để ngồi đây và nhìn cuộc đời trôi lãng phí
Lê thân về nhà và cố quên nỗi ưu tư mộng mị
ĐK: Thật xấu hổ nhìn thế giới biến hình đổi dạng
Cho những người như tôi và những người như bạn
Ước mơ khi thức giấc thấy không còn tất bật
Nhưng đó vẫn là sự thật
Sống trong thế giới mới
Với mảnh hồn cũ
Những kẻ trọc phú ở phía bắc Richmond
Chúa biết họ chỉ muốn kiểm soát toàn dân
Muốn biết bạn nghĩ gì, muốn biết bạn làm gì
Và họ không nghĩ rằng bạn biết, nhưng tôi biết rằng bạn biết
Vì đồng bạc của dân là mồ hôi nước mắt và bị đánh thuế vô tận
Vì những kẻ trọc phú ở phía bắc Richmond
PK2: Tôi ước gì các chính trị gia quan tâm đến thợ mỏ
Kể cả đám trẻ vị thành niên trên hòn đảo nhỏ
Chúa ơi, dân nằm đầy trên đường phố, không có miếng ăn
Và người béo phì lạm dụng trợ cấp
Ôi Chúa ơi, nếu bạn nặng 300 cân và người thấp
Tha hồ ăn bánh Fudge Rounds2 không cần trả thuế
Lớp người trai trẻ đang ngã xuống lỗ huyệt sâu
Bởi vì đất nước chết tiệt này đạp họ xuống suốt đêm thâu
ĐK: Chúa ơi, thật xấu hổ vì thế giới biến hình đổi dạng
Cho những người như tôi và những người như bạn
Ước mơ khi thức giấc thấy không còn tất bật
Nhưng đó vẫn là sự thật
Ngôn từ trong bài hát là những chữ thường dùng trong giới lao động, bày tỏ cảm xúc khi tức giận, bất bình, và khó chịu. Chúng trần trụi, nếu không nói là thô tục. Ngôn ngữ bình dân nhưng biểu lộ tính bộc trực, không khách sáo đãi bôi. Thật ra, chính những chữ này lại khiến thính giả hiểu được tâm trạng của anh, của tầng lớp thợ thuyền phải làm việc cật lực mới có đủ miếng ăn.
Ngay từ vài câu đầu, Oliver đã vẽ lên một thế giới xa lạ, không còn nét xưa cũ. Theo đà tiến hóa, xã hội phải đổi thay, nhưng mức thay đổi chóng mặt nên con người đuối hơi chạy theo không kịp. Và cũng trong phần điệp khúc, anh thẳng thừng đưa ra những sự kiện mà con người sống trong thời đại này từ chối, hoặc cố tình ngoảnh mặt đi, không muốn (dám) nhắc đến. Chỉ vì phạm húy (political correctness). E sợ (ngại) chỉ vì quyền lực của giới tinh anh quá lớn.
Sự kiện đầu tiên là đám trọc phú ở phía bắc thành phố Richmond, như tên của bản nhạc. Đây là thủ phủ của tiểu bang Virginia, và phía bắc của Richmond chính là Washington D.C., nơi đám chính trị gia họp hành quyết định vận mệnh của người dân. Hướng bắc cũng là phố Wall, nơi bọn tài phiệt đầu tư, kinh doanh kiếm lợi nhuận.
Oliver chỉ ra đám chính trị gia chỉ muốn kiểm soát toàn bộ dân chúng, từ tư tưởng đến thân xác, nhất là khi công nghệ AI3 tinh vi hóa, mọi suy nghĩ (dự định, kế hoạch, tính toán) của hàng tỷ người đều nằm gọn trong các bộ máy siêu vi tính. Chưa kể đến từng đồng tiền làm ra đều phải bị đóng thuế; từ thuế cá nhân đến thuế tiêu dùng, thuế nhà ở, thuế đất…v..v. Đành rằng thuế má là bổn phận của người dân, nhưng tiền thuế thu về có được dùng vào việc xây dựng hệ thống phúc lợi cho người dân, hay là lãng phí vào những việc phù phiếm như xiển dương LGBTQ+ ở các nước chậm tiến, hoặc dùng vào những cuộc chiến vô nghĩa. Trong khi số người vô gia cư nằm la liệt trên đường phố, không có miếng ăn, như tại các thành phố lớn San Francisco, Oakland, Portland, New York, Philadelphia hiện nay; kể cả những nạn nhân thiên tai đang cần chính phủ giúp đỡ để gầy dựng lại những gì đã mất.
Oliver cũng đụng chạm đến tầng lớp chính trị gia trọc phú (kể cả đám tài tử, hoàng thân, tỷ phú) có một nếp sống tình dục bệnh hoạn. Ở phiên khúc 2, anh chỉ (dám) nói chung chung phải bảo vệ trẻ vị thành niên trên hòn đảo xa. Ai cũng biết đó là cặp vợ chồng tỷ phú Jeffrey Epstein & Ghislaine Maxwell, và hòn đảo riêng Little St.James4 ở vùng Caribbean. Jeffrey và Ghislaine chuyên dụ dỗ các cô gái đang tuổi học sinh muốn kiếm chút tiền tiêu riêng đến đảo để phục vụ cho đám chính trị gia kên kên ở Washington D.C5. Bị bắt, ra tòa ở Florida năm 2008 và được tha vì có tay trong. Epstein khôn ngoan giữ tên các chính khách trong sổ bay (manifest) từ đất liền sang đảo và lén đặt máy quay phim trong các phòng ngủ của khách. Epstein giữ cuốn sổ đen và các thước phim (gay cấn) làm bùa hộ mạng. Theo một điều tra, Epstein giàu có là nhờ dùng cuốn sổ đen và phim ảnh để tống tiền đám trọc phú. Bị bắt lần nữa năm 2019 và bị truy tố về tội buôn bán tình dục. Epsteins lần này không thoát được búa công lý, và ngồi tù. Trong khi bị tạm giam để chờ chuyển sang khám lớn, Epstein tự tử. Thật ra, Epstein đã gây thù chuốc oán quá lớn với giới tinh hoa. Cái chết của Epstein trong tù là một bí mật vì viên cảnh sát trông tù lại ngủ say không biết gì, và camera đột nhiên bị hư ngày hôm đó. Thêm nữa, cảnh sát bỏ qua không hề khám xét tử thi xem có đúng là tự tử không. Cái chết của Epstein rất tiện lợi6 , giải quyết gọn mọi vấn đề, vì không lẽ để Epstein khai ra hết tên tuổi và hành động vụng trộm của giới tinh hoa.
Một nhóm thiên tả chỉ trích Oliver vì anh hát, những kẻ béo phì ngồi không ăn tiền trợ cấp của chính phủ. Lại một loại phạm húy. Nhưng không, họ hoàn toàn chẳng hiểu ý nghĩa của phiên khúc 2. Chính sách trợ cấp của chính phủ dễ dãi khiến nhiều người lười biếng lạm dụng. Theo khảo cứu mới nhất, có gia đình nhận trợ cấp cả trăm nghìn một năm, bao gồm nhà ở, xe cộ, thức ăn, thức uống, bảo hiểm y tế… Nếu ngồi không mà nhận được từng ấy tiền thì chắc chắn chẳng ai muốn đi làm. Một tai hại tinh thần về lâu về dài là chính nguồn trợ cấp cũng giết chết ý chí tự lập của những kẻ này. Chưa kể có người dùng tiền trợ cấp để mua thịt bò beefsteak, loại ngon nhất, mà chính giới trung lưu cũng ít dám ăn. Điều tệ hại nhất là dùng bông sữa (trợ cấp sữa cho con nhỏ) để mua thuốc lá, rượu bia, thậm chí cần sa và các loại thuốc có chất kích thích.
Sở dĩ những điều này xảy ra chỉ vì chính sách trợ cấp quá dễ dãi, và sự kiểm soát hời hợt. Nếu muốn vực người dân dậy, thoát nghèo thì phải đưa ra chính sách thúc đẩy người dân đi làm. Làm bất cứ việc gì, và bất kể thu nhập bao nhiêu. Phần thiếu hụt, chính phủ sẽ chu cấp miễn phí. Vài năm sau, tiền lương khá, người dân sẽ dần dần thoát khỏi tiền trợ cấp. Từ nghèo sẽ tiến dần lên tầng lớp trung lưu. Với sự cộng tác của hai bên, kẻ nhận trợ cấp và chính phủ, chắc chắn sẽ tiết kiệm được ngân quỹ và chính phủ dùng số tiền dư vào các phúc lợi khác.
Trớ trêu thay, chính sách của chính phủ lại không làm thế. Họ đưa ra các chính sách dễ dãi để người dân sống hoàn toàn lệ thuộc vào chính phủ. Một khi lệ thuộc thì, dĩ nhiên, mỗi 4 năm phải bầu cho đảng đã gửi tiền cho mình tiêu xài hàng ngày. Và khi chính phủ bảo gì, đám người này đều nghe theo, làm theo. Răm rắp không thua gì một robot. Rõ ràng chính phủ trợ cấp dễ dãi với ý định giữ mãi quyền lực trong tay.
Và khi dồn tiền vào chính sách trợ cấp, chính phủ quên đi giới lao động; những kẻ phải đổ mồ hôi nơi hầm mỏ, ngoài cánh đồng, trên đường phố… với công việc nặng nhọc. Có người cho rằng bài hát này là Tuyên ngôn của Những Người Lao động. Tôi nghĩ không sai. Chính phủ Hoa Kỳ ngày càng hủ bại và tha hóa. Đời sống của người dân trở nên khó khăn hơn vì lạm phát, vì các chính sách đối ngoại (bành trướng thế lực) của chính phủ mà quên đi xã hội cần ổn định, phúc lợi chính đáng của người dân cần phát triển. Bài hát của Oliver ra đời đúng lúc, giúp người dân thấy được hiện tình của xã hội, và mong giới tinh anh chính trị chăm sóc đời sống của giới lao động nhiều hơn.
Ngay khi bài hát tạo cơn sốt mạng, một hãng nhạc đề nghị anh ký một hợp đồng trị giá 8 triệu, và tổ chức các cuộc lưu diễn khắp nước Mỹ. Oliver trả lời trong một cuộc phỏng vấn, “Người ta ngạc nhiên khi thấy tôi từ chối hợp đồng 8 triệu để lưu diễn. Không, tôi không muốn ngồi trên xe bus hoặc bay bằng máy bay riêng; tôi không muốn thấy những toa xe moóc chở dụng cụ và nhạc cụ; tôi không muốn hát giữa một rừng người trong sân vận động; tôi cũng không muốn nổi tiếng… Bài hát của tôi liên kết với trái tim hàng triệu người bởi vì họ cảm nhận được thông điệp của bài hát. Họ yêu thích vì bài hát nói lên tâm trạng chán nản và tuyệt vọng của người dân… Lời lẽ trần trụi, thô tháp, không trau chuốt. Tôi chỉ là một tên ngốc với cây đàn .” Anh nói thêm, “Tôi không phục vụ hay gia nhập một đảng phái nào. Bất cứ tổ chức hoặc phe nhóm nào (lợi dụng) bản nhạc của tôi như một tuyên ngôn, lập tức phe đối lập xem tôi là kẻ thù. Tôi chỉ muốn gửi bài hát đến cho mọi người, đặc biệt giới lao động (blue collar), và dứt khoát không đồng ý để bất cứ phe nhóm, hoặc tổ chức nào sử dụng bản nhạc của tôi như một công cụ để tuyên truyền hoặc một vũ khí để cổ vũ chính sách của họ8 .”
Anh đứng giữa, nói cho người dân thấp cổ bé miệng. Riêng tôi lại cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của bài hát. Câu đầu tiên khiến tôi nhớ đến đoạn Kinh Thánh, “…được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì” (Lc. 9:25). Nếu tôi bán linh hồn để kiếm thật nhiều tiền, liệu có đáng không? Bài hát giúp tôi xét lại nếp sống của tôi, mục đích đời sống của tôi là gì? Là tiền bạc hay danh vọng? Nên tìm trong cuộc đời một cái gì đó linh thiêng hơn, cao quý hơn tiền và quyền. Có thể vì tôi đã nghỉ hưu nên suy nghĩ nhiều về tâm linh. Cũng đúng, nhưng nếu ai còn bương chải, còn bận rộn với kế sinh nhai thì cũng nên dành ít thời gian để tìm ra đúng ý nghĩa của cuộc sống. Tôi nghĩ Oliver đã tìm được ý nghĩa đích thực của đời sống.
Oliver Anthony chỉ là nghệ danh. Tên thật của anh là Christopher Anthony Lunsford, 30 tuổi. Đã có thời anh bị khủng hoảng và trầm cảm vì cuộc sống khó khăn.
Sơn Nghị
1https://www.youtube.com/watch?v=sqSA-SY5Hro
2Một loại bánh ăn vặt rẻ tiền; ăn nhiều dễ lên cân.
3Artificial Intelligence.
4Sau biến cố này, hòn đảo mang hỗn danh Island of Sin, và Pedophile Island.
5https://time.com/5662688/jeffrey-epstein-accusers-court/
6A Convenient Death. Alana Goodman and Daniel Halper. Sentinel, Penguin Random House LLC, 2020.
7https://www.theguardian.com/music/2023/aug/21/rich-men-north-of-richmond-us-chart-history
8https://people.com/oliver-anthony-claps-back-politicians-using-his-viral-hit-i-wrote-this-about-those-people-7866940