- Đăng ngày 17 Tháng 9 2023
- Lượt xem: 392
Gian trá và lừa dối rất sợ kiểm tra. Vì sự thật sẽ được phơi bày1.
Samuel Johnson (1709-1784), học giả Anh
Không hiểu có phải yếm thế hay bi quan hay không nhưng khi nhìn ra xã hội ngày nay, tôi thấy đầy dẫy những gian dối và lừa đảo. Thật may mắn, trong cuộc sống vẫn có những tấm gương thành thật, gieo hy vọng cho những ai chán nản như tôi; rằng người ngay thẳng vẫn còn, rằng vẫn có người gìn giữ bản chất trung thực.
Trong buôn bán, người ta gian dối bằng cách ướp tẩm chất độc bảo quản vào thịt thà, rau củ khiến người dân sớm vướng bệnh ung thư. Về thể thao, lực sĩ tìm cách tiêm vào người các chất kích thích bị cấm để đoạt huy chương. Chính trường vốn là nơi gian dối và lừa đảo, nhưng thời nay các chính trị gia xem dối trá là hơi thở. Chính quyền lừa đảo dân chúng qua lời nói, đưa những con số khống lên mặt báo. Phát ngôn viên, đại diện cho chính quyền, cũng loan tin giả với nét mặt thản nhiên, không hề chớp mắt. Truyền thông cũng tiếp tay với chính quyền nhồi nhét vào đầu óc người dân những điều giả dối, kể cả báo chí không còn mang tính trung thực khi loan tin tức. Họ sẵn sàng bóp méo tin tức để trục lợi, và phù hợp với lập trường chính trị của họ. Mạng xã hội không thiếu chuyện lừa đảo, dối trá… miễn sao đạt được lợi ích vật chất và nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng.
Rõ ràng hầu như mọi lãnh vực đều hiện diện sự dối trá và trong bài viết này, chúng ta cùng khám phá một lãnh vực quan trọng khác, liên quan trực tiếp đến đời sống con người. Đó là sự gian dối trong các ngành khoa học; kể cả trong y học.
KHOA HỌC NHÂN VĂN
Thử tìm hiểu một vài vụ gian dối nổi bật trong ngành nhân văn.
Ts. Diederik Stapel, một chuyên gia về khoa tâm lý xã hội, giáo sư tại Đh. Tilburg, Hòa Lan. Những khảo cứu của Stapel đăng trên các tạp chí nổi tiếng như Nature và Science gây tiếng vang trong giới trí thức, đặc biệt khoa tâm lý xã hội. Nghiên cứu của Stapel nhằm chứng minh một luận cứ rằng người ta thể hiện thành kiến, thậm chí dẫn đến kỳ thị chủng tộc, khi ở trong một môi trường hỗn loạn hoặc bẩn thỉu2 . Vì kỳ thị chủng tộc là một căn bệnh xã hội, nên các nghiên cứu3 của Stapel được các nhà xã hội học đón nhận nồng nhiệt. Từ đó, danh tiếng Stapel nổi như cồn. Ông đoạt được nhiều giải thưởng và thuờng xuyên xuất hiện trên các chương trình của truyền hình Hòa Lan với tư cách là một trong những trí thức hàng đầu của xứ sở hoa Tulip. Stapel còn nhận được tiền tài trợ khắp nơi cho các khảo cứu và thường được mời làm diễn giả nói chuyện trong các buổi hội thảo. Ánh hào quang của Stapel rực rỡ như nét đẹp của đất nước thấp hơn mặt biển Hòa Lan.
Nhưng một vài đồng nghiệp nghi ngờ kết quả khảo cứu của Stapel vì xem ra quá hoàn hảo. Hơn nữa, khi nghiên cứu một chủ đề nào đó, các vị giảng sư, vì quá bận rộn với công việc giảng dạy, nên thường nhờ các sinh viên giúp thu thập các dữ kiện4 . Đằng này, Stapel làm hết các công việc thu thập và phân tích, tuyệt đối không nhờ một ai. Hoặc giải thích rõ hơn, không một ai biết gì về tiến trình của cuộc khảo cứu. Stapel đưa ra chủ đề khảo cứu, thăm dò, khảo sát, thu thập, phân tích, và cuối cùng căn cứ vào kết quả để đưa ra kết luận. Sau khi các đồng nghiệp nêu nghi ngờ lên Ban Quản trị Đh. Tilburg, Stapel bị tạm ngưng việc giảng dạy và một cuộc điều tra được tiến hành.
Trong tập tự thú Faking Science bằng tiếng Dutch dày 224 trang do chính Stapel viết, ông nhận lỗi chẳng bao giờ ra ngoài tiếp xúc với các đối tượng để đặt câu hỏi, nhưng chỉ ngồi ở bàn giấy sau giờ làm việc và tự tưởng tượng ra các con số ảo, sửa đổi làm sao cho ăn khớp với mục đích của cuộc khảo cứu, đã định trước, cho cuộc khảo cứu. Stapel viết: “Thật không ngờ tôi lại tồi tệ đến thế, nếu không nói là ghê tởm. Tôi tạo ra những con số ảo và tự nghĩ ra các nghiên cứu chưa một ai nghĩ đến, kể cả kết quả theo trí tưởng tượng của tôi. Tôi làm việc một mình, không một ai tham gia vào cuộc khảo cứu và biết rõ tôi đang làm gì… Lòng tôi dửng dưng, vô cảm: không ghê tởm, không xấu hổ, cũng không hối tiếc5.” Stapel tự nghĩ ra trường lớp, tự bịa ra các đề tài để nghiên cứu, kể cả các đồng nghiệp ảo, sinh viên ảo mà ông trực tiếp thảo luận và bàn bạc về các khảo cứu; những bài giảng, các bài học về xã hội học, những món quà mà ông tặng để cảm ơn sự tham gia của mọi người6 . Từng chi tiết – chủ đề, trường lớp, đồng nghiệp, sinh viên, dữ kiện, kết luận – đều nằm trong trí tưởng tượng của Stapel. Toàn bộ 137 bài viết7 , và 24 chương sách, và 55 cuộc khảo cứu của Stapel bị rút khỏi diễn đàn và thư khố8 . Đúng là mớ giấy lộn không hơn không kém. Nhìn số lượng đồ sộ qua “công trình” khảo cứu của Stapel để hình dung được sự tai hại lớn lao do ông gây ra đối với khoa tâm lý xã hội thế nào.
Với trí tưởng tượng phong phú đến thế, có lẽ Stapel nên đổi sang viết tiểu thuyết thì hay hơn. Ngoài Stapel, còn các khảo cứu khác, có thể vẫn còn nằm trong bóng tối chưa biết mức độ trung thực ra sao, nhưng gần đây, một vụ gian dối nữa xảy ra làm lung lay lòng tin của mọi người vào các cuộc khảo cứu của những chuyên gia.
Vụ bê bối xảy ra tại Đh. Harvard.
Harvard là trường đại học cổ nhất tại Hoa Kỳ. Thành lập năm 1636 và duy trì danh tiếng từ đó đến nay với một lịch sử dài gần 4 thế kỷ. Harvard đứng đầu nhóm Ivy League thuộc hệ đại học miền đông Hoa Kỳ9 .
Ts. Francesca Gino là giáo sư giảng dạy tại Khoa Kinh doanh tại Đh. Harvard từ năm 2010. Gino là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về hành vi. Bà được vinh danh là một trong 40 giáo sư Khoa Kinh doanh dưới 40 tuổi hàng đầu thế giới và là một trong 50 nhà tư tưởng quản lý có ảnh hưởng nhất thế giới thuộc Thinkers 50. Gs. Gino đoạt được nhiều giải thưởng cho công việc giảng dạy. Các nghiên cứu của bà luôn được các tờ báo hàng đầu nồng nhiệt đón nhận như The Economist, The New York Times, Newsweek, Scientific American, Psychology Today và The Wall Street Journal, đồng thời các khảo cứu của bà được thảo luận rộng rãi trên National Public Radio và CBS Radio.
Tháng 6/2023, Gino bị tố cáo là cố ý sửa đổi các dữ kiện trong những khảo cứu về Khoa học Hành vi10 của bà; có ít nhất 4 khảo cứu bị phát hiện có dấu hiệu như thế. Điều mỉa mai là Gino nghiên cứu về đề tài hành vi dối trá và vô đạo đức của con người. Hiểu được sự tai hại trầm trọng của các khảo cứu gây ra (có lẽ Harvard học được từ bài học Diederik Stapel), Harvard lập tức đình chi việc giảng dạy của bà.
Thật ra Harvard đã nghi ngờ và âm thầm điều tra công trình của bà từ một năm nay. Ban điều tra Harvard tìm thấy các số liệu thu thập trong các khảo cứu bị sửa đổi cho phù hợp với ý tưởng của Gino11 . Cho đến khi tờ The Chronicle of Higher Education công bố kết quả cuộc khảo cứu của Gino không trung thực, Harvard liền ra quyết định như trên.
Một khảo cứu vào năm 2012 của Gino về tính thành thật của con người khi khai báo các dữ kiện cá nhân, hoặc khai báo bất cứ chi tiết nào mang tính riêng tư. Theo Gino, buộc người ta ký tên trước khi khai báo thì thường họ thành thật hơn. Vì thế, bà đề nghị, trong tất cả tờ khai báo, ô chữ ký nên đặt lên hàng đầu. Như thế, các dữ kiện và số liệu trong tờ khai báo sẽ trung thực hơn. Chẳng hạn tờ khai thuế sau đây.
Theo bà, vì việc đầu tiên là phải ký tên nên thường người ta ngại, không dám khai dối. Kiểu bút sa gà chết. Bà làm cuộc thí nghiệm, mời các sinh viên trong trường tham gia. Sau đó, Gino thâu thập các dữ kiện, phân tích và thấy kết quả đúng như giả thuyết của bà nêu ra. Tuy nhiên, ba Giáo sư Tiến sĩ thuộc ngành Khoa học Hành vi như bà Gino: Uri Simonsohn thuộc Đh. California, Leif Nelson thuộc Đh. Berkeley, và Joseph P. Simmons thuộc Đh. Pennsylvania làm một cuộc điều tra và phát hiện các con số bị sửa đổi trong 4 khảo cứu của Gino. Những khảo cứu này kéo dài từ năm 2012 đến nay. Ba giáo sư gửi bản phân tích đến Harvard, và đem lên trang DataColada12 .
Chẳng cần phải tài ba gì để phát hiện các con số bị sửa đổi. Nhìn vào bản excel13 rút ra từ kho dữ liệu, ba giáo sư nhận ra ngay các số liệu bị thay đổi. Cách sửa, theo hiểu biết của ba vị, chắc chắn cố ý chứ không phải vô ý. Nhờ sửa đổi các con số, kết quả phù hợp với giả thuyết ban đầu của bà.
Bà Gino có cả trăm bài viết về nhiều chủ đề, nhưng các thí nghiệm của bà đều tập trung vào một chủ đề then chốt: tại sao một người bình thường lại gian dối và lừa đảo? Sau khi lộ tẩy sự gian dối, nhiều người châm biếm cho rằng có thể Gino đang tự nghiên cứu chính bà. Cuối cùng, Harvard quyết định thu hồi 4 khảo cứu của Gino ra khỏi thư khố.
Sự tai hại do những cuộc khảo cứu gian dối này gây ra thật vô vàn, vì vừa tốn công sức, vừa tốn tiền của. Chưa kể tai hại trầm trọng khi đem kết quả của khảo cứu áp dụng vào đời sống con người. Nhưng sự gian dối không ngừng ở lãnh vực Khoa học Nhân văn, người ta cũng tìm thấy sự gian trá trong các khảo cứu của Khoa học Thực nghiệm.
KHOA HỌC THỰC NGHIỆM
Ts. Hwang Woo-Suk, giáo sư sinh học chuyên về tế bào gốc (stem cell) tại Đại học Quốc gia Seoul ở Đại Hàn. Năm 2004, Hwang công bố trên Science, tạp chí mà Stapel thường đăng đàn, rằng ông thí nghiệm thành công tái tạo phôi (noãn) người14 , một lãnh vực sinh học khá mới mẻ, đang cần nhiều nghiên cứu và khám phá. Một năm sau, Hwang tiếp tục công bố kết quả thí nghiệm tái tạo thành công một lần nữa. Sự thành công trong việc tái tạo tế bào gốc của ông mở ra cánh cửa hy vọng chữa trị các chứng bệnh nan y như bệnh tiểu đường, bệnh lú lẫn (Alzheimer), và bệnh rối loạn thần kinh (Parkinson).
Thật ra, các nhà sinh học tìm cách tái tạo tế bào gốc từ lâu nhưng thường thất bại, vì tế bào gốc rất mong manh và chỉ sống chừng vài ngày. Hwang bắt đầu thí nghiệm trên phôi thú vật từ cuối thập niên 90, và thành công tái tạo tế bào gốc cho bò và heo. Sau khi Hwang tuyên bố thí nghiệm thành công trên phôi người, một bước đột phá trong ngành sinh học, cả xứ Hàn bùng cháy trong nỗi hân hoan, hừng hực lòng yêu mến quê hương. Chỉ qua một bài báo, danh tiếng Hwang vang lừng, cả trong và ngoài nước. Cả nước Hàn tràn ngập các biểu ngữ in hình Hwang, với dòng chữ: Hy vọng của Thế giới, Giấc mơ của xứ Hàn, Niềm Hãnh diện của Đại Hàn. Năm 2005, Đại Hàn phát hành một con tem in hình Ts. Hwang Woo-Suk. Từ đó, Hwang nhận được rất tiền tài trợ. Riêng trong năm 2005, Hwang nhận từ chính phủ 30 triệu USD để tiếp tục công trình nghiên cứu khác.
Cơn sốt của lòng tự hào kéo dài chừng hai năm rồi tàn rụi khi một đồng nghiệp của Hwang trong cuộc thí nghiệm, Roh Sung-Il, tiết lộ sự tái tạo tế bào sống không phải từ người mà là từ thú vật15 , ngay cả các dữ liệu cũng giả dối. Lập tức, trường đại học Seoul mở cuộc điều tra. Hwang thú nhận các số liệu trong cuộc khảo cứu không đúng nhưng lại đổ lỗi cho đồng nghiệp. Chính số liệu (giả) của một đồng nghiệp trẻ làm Hwang tin tưởng ông đã thành công trong việc tái tạo tế bào gốc của người. Tháng 3/2006, ban Quản trị Đh. Seoul chính thức sa thải Hwang ra khỏi ban giảng huấn nhà trường. Vài tháng sau, ông Lee In-kyu – đại diện chính phủ – truy tố Hwang và 5 người trong nhóm khảo cứu ra trước tòa.
Hwang bị kết tội ép buộc các nữ đồng nghiệp hiến noãn và biển thủ hơn 800 triệu won (hơn nửa triệu USD) từ chính phủ và các tổ chức tư để dùng vào việc cá nhân. Hwang còn bị kết án nhận hơn 2 tỷ won (hơn 1 triệu USD) làm tặng thưởng từ công trình khảo cứu và thí nghiệm tái tạo thành công trên phôi người. Riêng người đồng nghiệp trẻ, người sửa đổi dữ liệu, bị truy tố vì tội giả mạo mẫu nghiên cứu, ba người khác về tội gian dối, và một về tội vi phạm luật đạo đức sinh học. Tuy nhiên, Hwang không bị kết án tội gian dối vì, theo ông Lee, chưa có tiền lệ kết án người sửa đổi dữ liệu trong khảo cứu để đạt danh tiếng.
Ngoài danh tiếng, con người sẵn sàng gian dối để đạt lợi ích vật chất.
Đó là vụ gian dối xảy ra tại Đh. Stanford. Nếu Ivy League miền đông gồm 8 đại học danh tiếng thì Stanford được mệnh danh là đại học hàng đầu thuộc Ivy League miền tây, nơi Giáo sư Tiến sĩ Sinh lý học Marc Tessier-Lavigne, kiêm nhà khoa học về khoa thần kinh, làm hiệu trưởng từ 2016.
Nội vụ đổ bể nhờ ý chí kiên quyết của chàng thanh niên Theo Baker16 , 18 tuổi, sinh viên khoa báo chí năm đầu tại Đh. Stanford. Baker cộng tác với Stanford Daily17 , một tờ báo phát hành cho cư dân quanh vùng trường Stanford.
Tiếng xôn xao bàn tán bắt đầu từ năm 2015 về Ts. Marc Tessier-Lavigne, khi ông đưa các khảo cứu của ông lên PubPeer18 , một diễn đàn mở rộng cho các nhà khoa học để chia sẻ, tự do bàn bạc và thảo luận các công trình nghiên cứu. Nhưng có lẽ do tiếng tăm của Tessier-Lavigne, vì chỗ đứng cao ngất ngưỡng trên nền trời khoa học, vì địa vị của một giáo sư chuyên ngành Thoái hóa Thần kinh (neurodegeneration) tại các trường đại học nổi tiếng, vì chức vụ phó giám đốc hãng công nghệ sinh học Genentech và trưởng các phòng thí nghiệm sinh học, nên tiếng xôn xao bừng lên rồi im ắng dần.
Nhưng Baker lại không chịu im lặng. Xem xét các điểm nghi ngờ bàn tán về các khảo cứu của Ts. Tessier-Lavigne trên diễn đàn PubPeer, Baker bắt tay vào việc điều tra. Sau khi xem xét kỹ lưỡng 5 khảo cứu của Tessier-Lavigne, Baker nhận ra nhiều hình ảnh mẫu thí nghiệm hình như được photoshopped, một nhu liệu tinh xảo của Adobe chuyên chỉnh sửa hình ảnh. Để biết chắc chắn, Baker gửi những tấm hình này đến bà Elisabeth Bik, tiến sĩ vi sinh học, một chuyên viên điều tra các hình ảnh sinh học19 .
Nên nói một chút về Elisabeth Bik. Bà vốn là giáo sư vi sinh học tại Đh. Stanford. Một lần, lấy một câu trong bài khảo cứu của bà và dùng Google để tìm kiếm. Không ngờ có nhiều bài khảo cứu sao chép đúng nguyên văn câu viết của bà, thậm chí lấy (cắp) ý tưởng của cả một đoạn mà không ghi xuất xứ. Tức giận, bà quyết định nghỉ dạy, và dấn thân vào nghề điều tra sự trung thực của các mẫu nghiên cứu.
Bà Bik có cặp mắt sắc sảo. Vốn xuất thân từ ngành sinh học, bà nhận ra hình ảnh bị sao chép và đặt vào các vị trí khác nhau của bài khảo cứu để tránh sự chú ý. Như ảnh chụp các tế bào sau đây (bỏ qua thuật ngữ khó hiểu của ngành sinh học), độc giả nhận ra sự sao chép.
Đôi khi, ảnh thêm thắt một chút để trông có vẻ khác, nhưng thật ra cũng chỉ là một20 . Tất cả đều nhờ nhu liệu Photoshop.
Tin tưởng vào sự phân tích của Ts. Bik, Baker viết bài tường thuật đăng lên tờ Stanford Daily vào cuối tháng 11/2022. Tiếng xôn xao và bàn tán, một lần nữa, lại bừng lên. Lập tức Stanford ra thông báo sẽ điều tra 5 khảo cứu của Ts. Tessier-Lavigne. Bài báo của Baker như ngọn gió trung thực đầu tiên thổi vào sân trường Stanford, làm tan đám mây mù gian dối của các cuộc khảo cứu.
Cuộc điều tra kéo dài 8 tháng. Các bài khảo cứu về khoa học thần kinh của Tessier-Lavigne liên quan đến bệnh lú lẫn vào năm 1999, 2010, từ 2015-2016, và mới nhất 3/2021 đều thấy dấu hiệu sửa đổi các hình chụp mẫu nghiên cứu. Lavigne nhìn nhận các lầm lỗi trong bài khảo cứu nhưng lại không giải thích được tại sao ông không sửa lại cho đúng trong một thời gian dài, từ 2009 đến nay. Cho dù Lavigne không sửa đổi các hình sinh học (có thể người phụ tá sửa), nhưng với cương vị là trưởng phòng thí nghiệm, buộc ông phải xem xét các mẫu thí nghiệm để đánh giá mức độ trung thực của chúng.
Trong khi đó, Baker và tờ Stanford Daily nhận được nhiều thư với lời lẽ gay gắt từ tổ hợp luật sư Cooley, tổ hợp nổi tiếng ở vùng Thung Lũng Silicon, đại diện cho Lavigne. Trong thư, Stephen Neal, trưởng tổ hợp luật sư, đòi hỏi tờ Stanford Daily phải rút các bài báo điều tra của Baker xuống khỏi trang nhà. Nên biết thêm, Stephen Neal cũng là luật sư đại diện cho bị cáo Elizabeth Holmes21 , người sáng lập công ty Theranos, một trong những vụ lừa đảo tồi tệ của ngành khoa học lên đến 10 tỷ USD. Elizabeth Holmes cũng là sinh viên Hóa (bỏ học nửa chừng) tại Đh. Stanford.
Mãi đến giữa tháng 7/2023, Jerry Yang, Giám đốc Hội đồng Quản trị Stanford, kết thúc cuộc điều tra và đúc kết qua bài tường trình dài 95 trang22 , trong đó nhìn nhận hình chụp mẫu nghiên cứu bị sửa đổi, và một vài số liệu bị thay đổi… nhưng lại bênh vực cho Ts. Tessier-Lavigne, và cho rằng những sai sót này không ảnh hưởng gì đến các dữ liệu hoặc kết quả của cuộc khảo cứu. Ts. Bik hoàn toàn không đồng ý. Bà nói, “…trái lại, nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính trung thực về mặt khoa học của các bài khảo cứu.”
Hội đồng Quản trị quyết định rút 3 khảo cứu của Lavigne khỏi thư khố, và sẽ cập nhật nhiều chi tiết trong 2 khảo cứu khác trước khi gửi ra (lại) cho công chúng. Một trong những khảo cứu bị thu hồi về bệnh lú lẫn được đánh giá trước đây là có tầm vóc của một ứng viên cho giải Nobel. Cuối tháng 7/2023, Tessier-Lavigne tuyên bố sẽ từ chức hiệu trưởng vào ngày 31/8/2023. Niên học của Stanford bắt đầu vào ngày hôm sau, 1/9/2023, dưới sự điều hành của một vị hiệu trưởng tạm thời, Richard Saller.
Baker cũng viết một bài báo kết thúc cuộc điều tra23 , trong đó anh trình bày chi tiết và diễn tiến từng bước trong thời gian hơn nửa năm. Văn phong của Baker như một nhà báo lão luyện, bài tường trình của anh đụng chạm đến những ngọn núi Thái Sơn trong ngành sinh học, các giáo sư với học vị tiến sĩ, nhất là vị hiệu trưởng của ngôi trường anh đang theo học. Cuộc điều tra của Baker – sinh viên năm thứ nhất, rất trẻ – tưởng như chuyện đội đá vá trời, nhưng cuối cùng anh đã thành công đưa sự thật ra ánh sáng.
Dĩ nhiên, còn các vụ gian dối khác chưa được đưa ra ánh sáng. Ngành khoa học còn cần nhiều người can đảm như Theo Baker và Elisabeth Bik, sẵn sàng làm sạch môi trường khảo cứu, nêu cao bản chất trung thực của nền khoa học. Một khi các khảo cứu gian dối đem áp dụng vào cuộc sống của người sẽ gây một tai họa vô lường.
HỆ QUẢ CỦA SỰ GIAN DỐI
Gs. Stuart Ritchie, nhà tâm lý, trong cuốn Science Fiction, ông vạch trần sự gian dối, thiên vị, cẩu thả, và khoa trương trong nền khảo cứu khoa học hiện nay. Ritchie nêu ra hệ quả của sự gian trá:
1. Tác hại tinh thần của các nhà khoa học chân chính và gây lãng phí thời gian và tiền bạc.
2. Con người mất tin tưởng vào các tài liệu khoa học.
3. Gây tác động tiêu cực đến việc điều trị. Bệnh nhân có thể chết vì những khảo cứu gian dối.
Gs. Ritchie cho biết mức độ gian dối trong các khảo cứu. Ví dụ, phân tích các khảo cứu từ một tạp chí sinh học tế bào cho thấy 6,1% hình ảnh24 – giống như những hình mẫu được sử dụng trong nghiên cứu của Tessier-Lavigne – đều nhận ra có sửa đổi. Thêm nữa, phân tích này tiết lộ rằng các nhà khảo cứu đều sửa đổi hình ảnh trong 40% các nghiên cứu của họ. Chỉ riêng lãnh vực sinh học tế bào cho thấy có hàng nghìn khảo cứu có hình mẫu gian dối như thế.
Theo Ts. Bik, nếu nhìn nhận những sai sót của các hình mẫu thí nghiệm như trên thì có 35.000 bài khảo cứu phải rút ra khỏi thư khố để cập nhật sửa sai. Dĩ nhiên, phải nhìn nhận có những sai sót do sơ suất, vô ý khi đem các dữ liệu vào máy vi tính để phân tích. Các nhà khoa học phát hiện những con số không đúng sau khi khảo cứu được công bố. Đây là những sai sót không cố ý và thường được sửa trong một thời gian ngắn nhất. Còn những bài khảo cứu được nêu trong bài viết này thì khác hẳn. Chúng vẫn chường mặt ra trước công chúng trong một thời gian dài, mãi cho đến khi có một cuộc điều tra mới được rút ra khỏi thư khố. Rõ ràng, đây là một sự gian dối cố ý.
Trong một cuộc khảo sát không nêu tên các nhà khoa học, gần 2% nhà khoa học thừa nhận làm giả dữ liệu của họ ít nhất một lần. Và trong một cuộc khảo sát khác, khi hỏi các nhà khảo cứu có biết ai cố ý sửa đổi dữ liệu không, con số này tăng lên 14,1%25 . Đây là một con số thú vị theo tâm lý xã hội, vì nhìn nhận lỗi của chính mình thì chỉ có 2% nhưng thấy lỗi của người khác thì tỷ lệ tăng vọt lên 14,1%. Chúng ta tạm lấy mức độ gian dối trong các khảo cứu xê dịch từ 2% đến 14,1%. Ngay 2% đã thấy nhiều rồi, chứ đừng nói đến 14,1%. Tại sao lại có nhiều gian lận như vậy?
Trước hết là áp lực từ xã hội, từ đồng nghiệp, từ các nhà tài trợ đè nặng lên vai các nhà nghiên cứu. Các khảo cứu một khi được công bố sẽ bảo đảm một việc làm lâu dài trong chương trình hậu tiến sĩ, lương bổng cao, lại thêm tiếng tăm khi được đăng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng. Chỉ cần thay đổi một vài dữ liệu, sửa đổi một vài con số để đạt được những điều trên thì ít ai cưỡng được sự cám dỗ.
Nếu đã gian dối một lần trót lọt thì những lần sau hầu như các nhà khảo cứu không còn suy nghĩ nữa, chỉ vì những thành quả vật chất đang hưởng, đang nằm trong tay. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các trường đại học với ngôi vị đứng đầu số lượng khảo cứu của ban giảng huấn. Người có nhiều công trình khảo cứu mang lại danh dự và danh tiếng cho tổ chức và trường đại học nơi họ đang làm việc. Họ dễ dàng được thăng chức, được vị nể hơn. Từ chức vụ cao, họ có nhiều quyền lực hơn, nhiều tiền hơn, và nhiều ảnh hưởng hơn. Vì thế, sự cám dỗ để lừa dối vẫn luôn ám ảnh các nhà khoa học. Điều này xảy ra trong kinh doanh, chính trị, thể thao và nghệ thuật. Tại sao điều đó lại không xảy ra trong khoa học?
Một trang nhà rất hữu ích cho độc giả để tìm hiểu về sự trung thực của các khảo cứu26 (xem chú thích số 26). Vào trang này, phần ‘search’, đánh tên tác giả chúng ta nghi ngờ, và tin tức về các bài khảo cứu bị rút ra (retract) khỏi thư khố của tác giả này sẽ hiện ra. Số lượng khảo cứu bị rút khỏi thư khố tỷ lệ nghịch với mức độ trung thực của tác giả. Ví du, đánh tên Marc Tessier-Lavigne vào phần ‘search’, chúng ta thấy tin tức của các khảo cứu về tế bào sinh học của ông bị rút ra khỏi tạp chí Science và Nature.
Đây là cuốn sách nên đọc để thấy tình trạng tệ hại thế nào trong ngành khoa học hiện nay, vì sự giả trá và gian dối gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân, thậm chí thiệt mạng. Gs. Ritchie nêu ra những chuyện gian dối ghê tởm từ y đến dược, từ tâm lý đến xã hội, từ trời Âu đến đất Á, từ Mỹ đến Úc châu… nghĩa là khắp nơi, nhiều lãnh vực… để thấy một số nhà khoa học dễ dàng bán rẻ lương tâm. Những bệnh nhân vô tội phải trả giá bằng tính mạng của họ cho hư danh của một vài nhà khoa học bẩn thỉu. Đọc xong sách, niềm tin của con người vào tính nhân bản trong nền khoa học hầu như không còn nữa.
NGĂN NGỪA CÁC VỤ GIAN DỐI
Nguyên nhân dẫn đến sự gian dối trong các khảo cứu chỉ vì (1) danh tiếng, và (2) tư lợi. Có người sẵn sàng gian dối để được nổi tiếng, dù sau một thời gian ngắn, tăm tiếng biến thành tai tiếng. Thêm nữa, hầu hết các vụ bê bối đều liên quan đến tiền bạc, không biển thủ thì cũng lấy tiền từ ngân quỹ để dùng vào việc riêng.
Ngoài vấn đề tư lợi, giới hữu trách thường quan tâm đến một yếu tố kỹ thuật quan trọng để sàng lọc những khảo cứu vô giá trị.
- Tính tái tạo (replication, reproducibility)
Các hãng xưởng luôn có một bộ phận kiểm tra phẩm chất trước khi xuất hàng. Bộ phận mang tên Quality Assurance (QA). Các chi tiết như kiểu, mẫu mã, chức năng phải đạt tiêu chuẩn đã thỏa thuận trước với khách hàng. Phần mềm trong các bộ máy điện tử cũng có một nhóm người thử nghiệm sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Đôi khi, họ phải siết chặt các điều kiện (stress test) để mong đưa đến cùng một kết quả.
Lãnh vực khoa học cũng thế. Tất cả các thí nghiệm trong cuộc khảo cứu phải có tính năng tái tạo, khả năng lập lại; nghĩa là nếu thiết lập lại các thí nghiệm, cùng một điều kiện và môi trường, thì phải đưa đến cùng một kết quả. Lãnh vực khoa học lại đòi hỏi một kết quả chính xác, với sai số nhỏ nhất. Nhất là lãnh vực y khoa, các thí nghiệm liên quan đến đời sống con người. Nếu không, cần nghi ngờ mức độ trung thực của cuộc khảo cứu đó.
Tác giả cuộc khảo cứu, cần lập đi lập lại các thí nghiệm, và kỳ vọng dẫn đến cùng một kết quả27 . Trong bài khảo cứu, liệt kê chi tiết từng bước của mẫu thí nghiệm, để giới hữu trách có thể thử nghiệm và chứng thực giá trị cuộc khảo cứu. Dĩ nhiên, không dễ lập lại các thí nghiệm, đặc biệt các thử nghiệm về y khoa, và đòi hỏi một ngân quỹ dồi dào nhằm đáp ứng phí tổn. Khó, nhưng không phải là không thể28 .
- Nguồn tài trợ (funding)
Thành ngữ xuất phát từ cuốn phim All the President’s Men, theo dấu vết tiền bạc để tìm ra sự thối nát29 . Chính tiền bạc, lợi ích cá nhân, là động lực thúc đẩy một số nhà khoa học bán rẻ lương tâm. Họ sẵn sàng dối trá để thu lợi về cho chính họ. Vì thế, cần xem xét các nguồn tài trợ từ đâu đến. Những nghiên cứu khoa học có liên quan đến lợi ích của người tài trợ không? Đôi khi chính nguồn tài trợ là sự áp lực lên nhà khoa học khiến họ phải gian dối. Chỉ vì một lý do đơn giản, nếu các thí nghiệm không dẫn đến kết quả, nguồn tài trợ sẽ bị cắt giảm, thậm chí cắt đứt.
Kinh thánh viết, “Của cải của các ngươi ở đâu, thì lòng các ngươi cũng ở đó”, (Mt. 6:21). Đức Phật cảnh báo con người về Tam Độc: Tham, Sân, và Si; trong đó Tham đứng hàng đầu. Chính lòng tham điều khiển lương tri một số nhà khoa học, và họ sẵn sàng ngụy tạo các dữ kiện của nghiên cứu. Như Bs. Andrew Wakefield, cố ý tạo dựng và giả mạo các chi tiết bệnh tật của 12 trẻ em mắc bệnh tự kỷ để chứng minh thuốc chủng bệnh sởi và quai bị gây ra chứng tự kỷ30 . Brian Deer, một nhà báo điều tra, vạch trần sự gian dối của Wakefield. Deer phát hiện tổ hợp luật sư Legal Aid Board (LAB) – đại diện cho 12 trẻ em kiện các nhà sản xuất thuốc chủng bệnh sởi và quai bị một số tiền lên đến hàng chục triệu – trả cho Wakefield $435.643 bảng Anh31 để ông chứng minh nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ nơi trẻ em là do thuốc chủng. Rõ ràng “nghiên cứu” của Wakefield liên quan đến lợi ích của các nhà tài trợ, tổ hợp luật sư Legal Aid Board, và cả Wakefield.
Dược sĩ Trương văn Dân, du học 1971 và tốt nghiệp Dược khoa tại Ý. Sau bao nhiêu năm làm việc trong các công ty bào chế thuốc, ông chia sẻ hiểu biết về ngành dược phẩm như sau: “Lãnh vực này hiện nay nằm trong tay các tài phiệt. Và họ bỏ rất nhiều tiền để tiếp thị hơn là nghiên cứu... Chỉ trong năm 2016 công ty Pfizer đã chi 1,2 tỷ USD, theo sau là công ty Bristol-Mayer Squibb chi 460 triệu USD để quảng cáo và tiếp thị thuốc32.” Ông cho biết:
- Bệnh tiểu đường loại II, trước đây được xác định là đường huyết phải trên mức 140mg/dL. Năm 1997, ngạch mức trên bị Cơ quan y tế thế giới OMS rút xuống còn 126 mg/dL (7mmol/L)... Lập tức có thêm 1.700.000 người Mỹ được xếp vào danh sách bệnh nhân tiểu đường.
- Mỡ trong máu (cholesterol): năm 1998, ngạch mức từ 240mg/dL bị rút xuống còn 200mg/dL. Lập tức xã hội Hoa Kỳ có thêm 42.600.000 bệnh nhân có cholesterol cao trong máu... Các nhà bào chế có thêm được 86% “khách hàng” mới.
Một khi đã uống những loại thuốc này thì phải uống suốt đời. Các hãng bào chế bỏ tiền quảng cáo thuốc men do họ bào chế, chào thuốc cho các bác sĩ, vận động hành lang để các tổ chức y tế trên thế giới đồng lòng hạ mức tiêu chuẩn được xem là bệnh. Cứ tưởng tượng các hãng bào chế bán thêm thuốc cho hàng chục triệu người, suốt đời. Chỉ cần mỗi người chi khoảng $100/năm, các hãng thuốc thu về bạc tỷ… mãi mãi cho đến khi các bệnh nhân này chết. Đây chỉ là một hai loại thuốc, còn nhiều loại thuốc khác cũng với cách tiếp thị như trên để thu vén lợi nhuận.
Chúng ta không vơ đũa cả nắm, vì có nhiều hãng dược phẩm nghiên cứu trung thực và bào chế thuốc men giúp bệnh nhân chữa khỏi bệnh. Nhưng vẫn có công ty dược phẩm sẵn sàng tài trợ cho các nhà khoa học – như Ts. Marc Tessier-Lavigne và nhiều người khác – để họ giả mạo các mẫu nghiên cứu và đi đến kết luận có lợi cho tập đoàn bào chế thuốc. Như Pfizer, bỏ ra hơn tỷ bạc để chỉ quảng cáo, tiếp thị, thúc đẩy các bác sĩ dùng loại thuốc mới. May mắn cho người dân là không (chưa) có sự toa rập giữa Cơ quan Kiểm Dược và Thực phẩm (FDA) và các hãng dược phẩm để tung thuốc ra thị trường kiếm lợi nhuận. Riêng Tessier-Lavigne làm giám đốc nhiều hãng nghiên cứu và bào chế thuốc men (vừa nghiên cứu vừa bào chế thuốc cũng giống như vừa đá banh vừa thổi còi) như Delani, Juno, Agios, Renereron, Genentech… và thu về hàng chục triệu tiền bán cổ phiếu. Tài sản của Tessier-Lavigne lên đến gần 2 tỷ bạc34 , thế mà ông vẫn gian dối trong các khảo cứu để làm giàu.
Thật hết hiểu nổi lòng tham của con người.
KẾT LUẬN
Trong tương lai, liệu còn các khảo cứu gian dối nữa không. Thưa chắc chắn vẫn còn. Ngày nào danh tiếng, tiền bạc, và quyền lực còn là những thứ quyến rũ nhất đối với con người thì ngày đó vẫn còn những kẻ sẵn sàng gian dối để chiếm đoạt những thứ phù du đó. Như thế, câu hỏi đặt ra là người ta còn tin vào sự trung thực của nền khoa học hiện nay nữa không? Thật ra, vẫn còn rất nhiều nhà khoa học hiến thân cả đời cho nhân loại. Họ nghiên cứu kỹ lưỡng các thí nghiệm với tấm lòng trung thực, đặt tiêu chuẩn đạo đức khoa học lên trên hết. Những Newton, Marie Curie ngoài kia vẫn khổ công tìm kiếm, sáng chế, và phát minh những sản phẩm giúp ích cho đời sống của con người. Còn Marc Tessier-Lavigne, Francesca Gino chỉ là những hạt bụi. Họ nổi danh một thời gian ngắn, rồi lụn bại, vì không còn ai tin tưởng họ nữa. Tuy vậy, cần luôn tỉnh táo vì những hạt bụi Marc Tessier-Lavigne và Francesca Gino vẫn làm chúng ta cay mắt.
Denzel Washington, một tài tử nổi tiếng, trả lời báo chí khi được hỏi về tình trạng trung thực của truyền thông xã hội ngày nay: “Nếu không đọc báo, bạn không biết gì. Nếu đọc báo, bạn sẽ bị hướng dẫn sai lạc35.”
Đúng thế. Thời buổi vàng thau lẫn lộn, và hình như thau nhiều hơn vàng, nên chúng ta phải luôn cẩn trọng. Kết quả của các nghiên cứu, khảo cứu về mọi lãnh vực chúng ta cần dùng lý trí, kiến thức, và kinh nghiệm để phán đoán, chọn lọc những tin tức đáng tin cậy. Đức Giêsu nói, “Anh em phải khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu”, (Mt. 10:16).
Trong thời đại đầy dẫy sự gian dối bây giờ, chúng ta cần khôn ngoan hơn bao giờ hết.
Sơn Nghị
1Fraud and falsehood only dread examination. Truth invites it.
2https://www.science.org/doi/10.1126/science.1201068
3Tiêu biểu như: ‘Chaos Promotes Stereotyping’, ‘Where There’s Rubbish There’s Racism’, ‘Coping with Chaos’.
4Về khoa tâm lý xã hội, dữ kiện thường là kết quả của các câu hỏi gửi đến cho hàng trăm người, thậm chí nghìn người. Từ kết quả của các câu hỏi sẽ rút ra một kết luận.
5Diederik Stapel. Derailment: Faking Science. Nicholas J. L. Brown dịch (Strasbourg, France, 2014, 2016): tr. 118; http://nick.brown.free.fr/stapel
6Như (5) trên; tr. 124.
7https://www.science.org/content/article/final-report-stapel-affair-points-bigger-problems-social-psychology
8https://www.popsci.com/science/article/2013-03/investigators-discover-50th-fake-study-disgraced-dutch-psychologist/
9Các đại học thuộc nhóm Ivy League miền đông Hoa Kỳ gồm: Harvard, Princeton, Yale, Columbia, Pennsylvania, Cornell, Brown, và Dartmouth.
10Behavioral Science. Ngành khoa học rất mới, nhằm nghiên cứu hành vi của con người đối với kinh tế, xã hội.
11https://www.theguardian.com/education/2023/jun/25/harvard-professor-data-fraud
12 https://datacolada.org/109
13Một nhu liệu tiện dụng của Microsoft, dùng để ghi nhận các dữ kiện và tạo dựng các biểu đồ. Từ biểu đồ, dễ dàng rút ra kết luận.
14Ngày 5 tháng 7 năm 1996, hai nhà khoa học Tô cách lan, Ian Wilmut và Alan Trounson, chế tạo thành công bản sao vô sinh (clone) loài cừu đầu tiên của nhân loại. Con cừu đặt tên là Dolly, lấy theo tên của ca sĩ nhạc đồng quê nổi tiếng Dolly Parton. Hiện nay, hầu hết các nước tiên tiến đều cấm tiến hành bản sao vô sinh, ngay cả trên thú vật, vì hậu quả khó lường, vì vi phạm đạo đức sinh học (bioethics).
15 https://www.scientificamerican.com/article/20-years-after-dolly-the-sheep-led-the-way-where-is-cloning-now/
https://www.britannica.com/biography/Hwang-Woo-Suk
16Mang dòng máu báo chí trong người. Mẹ là Susan Glasser, phụ trách một chuyên mục cho tờ New Yorker. Cha là Peter Baker, trưởng ký giả Tòa Bạch Ốc của tờ New York Times.
17Tờ Stanford Daily ban đầu trực thuộc trường Đh. Stanford, nhưng sau tách ra đứng độc lập từ 50 năm nay.
18https://pubpeer.com/search?q=marc+tessier-lavigne+papers
19 https://www.newyorker.com/science/elements/how-a-sharp-eyed-scientist-became-biologys-image-detective
20https://www.statnews.com/2022/11/30/stanford-president-altered-images/
21 https://www.youtube.com/watch?v=3zV5YEjadUE
22 https://boardoftrustees.stanford.edu/wp-content/uploads/sites/5/2023/07/Scientific-Panel-Final-Report.pdf
23https://stanforddaily.com/2023/07/19/stanford-president-resigns-over-manipulated-research-will-retract-at-least-3-papers/
24Stuart Ritchie, Science Fictions: How Fraud, Bias, Negligence, and Hype Undermine the Search for Truth. Metropolitan Books, Henry Holt and Company, New York 2020. Ph. II: Faults and Flaws; Ch. 3: Fraud, tr. 62.
25Stuart Ritchie, Science Fictions: How Fraud, Bias, Negligence, and Hype Undermine the Search for Truth. Metropolitan Books, Henry Holt and Company, New York 2020. Ph. II: Faults and Flaws; Ch. 3: Fraud, tr. 69.
26 https://retractionwatch.com/
27 https://undsci.berkeley.edu/understanding-science-101/how-science-works/copycats-in-science-the-role-of-replication/
28https://www.nature.com/articles/d41586-021-03736-4
29‘Follow the money’ là phương cách hữu hiệu nhất giúp các nhà điều tra đưa các vụ tham nhũng của các chính trị gia ra ánh sáng. Chỉ cần kiểm tra nguồn tiền từ đâu đến, và chuyển cho ai.
30https://www.livescience.com/35341-mmr-vaccine-linked-autism-study-was-elaborate-fraud.html
31Brian Deer, The Doctor Who Fooled The World. Scribe Publications, London, United Kingdom 2020. Ch. Mười Bảy: Unblinded, tr. 73.
32Trương văn Dân. Trò Chuyện Với Thiên Thần - Những Tai Họa Thế Giới Và Giấc Mơ Việt Nam. Nhà Xuất bản Tổng hợp Tp. HCM, 2020. Ch. 37.
33 https://research.secdatabase.com/Insider/PersonalPage/1437435/Tessier-Lavigne_Marc
34https://wallmine.com/people/839/marc-tessier-lavigne
35If you don't read the newspaper, you're uninformed. If you do read it, you're misinformed.