Thượng Hội Đồng Giám mục (THĐGM) (Synod on Synodality) sẽ nhóm họp vào cuối tháng 9/2023 và kéo dài đến giữa tháng 11. THĐ sẽ bàn về nhiều vấn đề quan trọng nhằm : (1) truyền chức phó tế cho phụ nữ, và (2) linh mục lập gia đình, và (3) hôn nhân đồng tính.

THĐGM quy tụ hơn 450 người, gồm hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ. Hơn ¼ số người tham dự không phải là giám mục (trước đây chỉ toàn giám mục) và có quyền bỏ phiếu, trong đó có 54 phụ nữ. Cả ba vấn nạn đều nan giải và không biết kết quả sẽ ra sao. Xin phó thác vào thần khí của Chúa Thánh Linh soi sáng và hướng dẫn để họ đưa ra một quyết định đúng đắn.

Riêng vấn đề truyền chức phó tế cho phụ nữ, chúng ta nên điểm qua lịch sử của chức vụ NỮ PHÓ TẾ trong Kinh thánh.

 

Nếu ai am tường lịch sử Giáo hội (GH) thường thắc mắc thời GH sơ khai đã có chức Phó tế cho phụ nữ và bỗng nhiên chấm dứt vào thế kỷ 2, rồi bây giờ lại nổi lên như một vấn nạn trong GH.

ĐGH Phanxicô cho phép một ủy ban mổ xẻ vấn đề này. Thật ra, chuyện nữ phó tế bắt đầu bàn bạc từ năm 2002, bởi Ủy ban Thần học Quốc tế qua văn bản: From the Diakonia of Christ to the Diakonia of the Apostles1. (Từ Chức Phó tế của Chúa Kitô đến Chức Phó tế của Các Tông đồ). Quý vị có thể đọc toàn văn bản theo link trên, nhưng xin tóm tắt vài nét đại cương như sau.

Thời các tông đồ, một vài hình thức phó tế do phụ nữ dấn thân nhằm trợ giúp các tông đồ và cộng đoàn. Vì thế, thánh Phaolô giới thiệu với cộng đoàn Rôma: Tôi xin giới thiệu với anh em chị Phêbê, người chị em của chúng tôi, là nữ trợ tá Hội Thánh Kenkhơrê. (Rm. 16:1-4). Trong văn bản tiếng Hy lạp diakonos dịch ra tiếng Việt là “trợ tá” (thêm chữ nữ đàng trước vì Phêbê là phụ nữ), trong khi tiếng Anh lại dịch thành ‘minister’ (kẻ phục vụ). Nhiều người cho rằng diakonos chính là phó tế, nhưng thật ra chữ được dùng theo nghĩa ‘trợ tá’ chung chung; và hiểu Phêbê được nhìn nhận là người phục vụ trong cộng đoàn sơ khai dưới quyền các tông đồ.

Các nhà chú giải Kinh thánh bất đồng ý kiến trong chương 3 của thư 1 gửi ông Timôthê (1 Tm. 3:11), trong đó có nói đến các bà với chức trợ tá. Từ câu 8 đến 10 là nói đến các ông trợ tá (hiểu là phó tế), và câu 11: Các bà cũng vậy, phải là người đàng hoàng, không nói xấu, nhưng tiết độ, đáng tin cậy mọi bề. Chính câu này vẫn đang còn tranh luận. Một số người cho rằng phần trên nói các ông phó tế (câu 8-10), câu 11 mở đầu bằng các bà cũng vậy; thì phải hiểu là các bà phó tế. Nhưng một số khác lại cho rằng nếu hiểu theo ngữ cảnh, thì chữ ‘các bà’ ở đây có thể hiểu là vợ các phó tế, như ta thuờng nói ‘bà bác sĩ’ nghĩa là bà vợ của ông bác sĩ chứ bản thân bà đó không phải là bác sĩ.

Ngoài ra, trong thư gửi ông Timôthê trên, chức năng của phó tế không nói đến nhưng chỉ nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong thời GH sơ khai. Cũng hiểu thêm rằng phụ nữ không được giảng dạy hay thống trị đàn ông (1 Tm. 2:8-15). Trong mọi trường hợp, các chức năng điều hành và giảng dạy đều dành riêng cho giám mục (1 Tm. 3:5) và cho các linh mục (1 Tm. 5:17), chứ không phải cho các phó tế. GH nhìn nhận vai trò của phụ nữ (góa phụ) rất sớm, từ thời sơ khai; họ được nhìn nhận trong cộng đoàn, và đổi lại họ cam kết giữ một đời sống tiết dục và cầu nguyện.

Chương 5 gửi ông Timôthê nói đến các điều kiện các bà góa đạo đức, thánh thiện nhận được sự trợ giúp từ cộng đoàn, chứ không nói gì đến các chức năng họ phải giữ. Sau này họ chính thức là một phần tử trong cộng đoàn nhưng ‘không hề được truyền chức’ (ordained); họ trở thành một ‘hàng ngũ’ trong Giáo hội, và không bao giờ có bất kỳ sứ mệnh nào khác ngoài việc làm gương tốt và cầu nguyện.

Mãi đến thế kỷ 3, chữ diaconissa hoặc diaconal mới xuất hiện. (Nên mở ngoặc một chút để nói rõ. Chữ diaconissa dịch ra là nữ phó tế, nhưng cũng không đúng hẳn, vì chữ ‘tế’ hoàn toàn không liên quan gì đến việc ‘tế lễ’ trên bàn thờ. Nói cách khác, diaconissa không được phép dâng Thánh Thể với các linh mục trên bàn thờ.)

Từ thế kỷ 3 trở đi, tại một số khu vực (Đông Syria và Constantinople) của Giáo hội (một số thôi, không phải toàn bộ khu vực), một thừa tác viên cụ thể được công nhận trong giới phụ nữ và gọi là nữ phó tế. Đến năm 240, xuất hiện một bộ sách phụng vụ mang tên Didascalia Apostolorum2 (Di huấn Tông Đồ, DHTĐ), mô tả tổ chức lễ nghi, kỷ luật…v..v của Giáo hội. DHTĐ nêu những nét đặc trưng của các giám mục như một tộc trưởng toàn năng trong Kinh thánh. Ngài đứng đầu và điều hành một cộng đoàn với sự giúp đỡ của các phó tế và nữ phó tế. Đây là lần đầu tiên các nữ phó tế xuất hiện trong một tài liệu của giáo hội. Theo cách diễn đạt của thánh I-nha-si-ô Antioch, thì giám mục giữ vị trí của Thiên Chúa Cha, phó tế thay cho Chúa Kitô, và nữ phó tế thay cho Chúa Thánh Thần (từ 'Thánh Thần' là giống cái trong các ngôn ngữ Semitic), trong khi các linh mục đại diện cho các Tông đồ, và các góa phụ đại diện cho bàn thờ (DHTĐ, Ch. 26). Trong DHTĐ, tuyệt nhiên không hề nói về việc truyền chức cho các thừa tác viên này.

DHTĐ nhấn mạnh đến vai trò bác ái của phó tế và nữ phó tế. Các phó tế được giám mục chọn để ‘trợ giúp nhiều việc cần thiết’, còn các nữ phó tế chỉ ‘phục vụ phụ nữ’ (DHTĐ, Ch. 16). Số lượng phó tế có tỷ lệ tương xứng với số lượng giáo dân trong cộng đoàn của Giáo hội. Các phó tế quản lý tài sản của cộng đoàn nhân danh giám mục. Các phó tế được gọi là tai và miệng của giám mục (DHTĐ, Ch. 11). Tín hữu nam giới phải thông qua các phó tế trước khi gặp giám mục, cũng như phụ nữ phải thông qua các nữ phó tế.

Các nữ phó tế nên thực hiện việc xức dầu cho phụ nữ theo nghi thức rửa tội, hướng dẫn các nữ tân tòng và thăm viếng các nữ giáo dân, đặc biệt là người bệnh, tại nhà của họ. Họ không được phép rửa tội hoặc tham gia vào việc dâng Thánh Thể. Nhiệm vụ của các góa phụ trước đây nay được giao cho các nữ phó tế. Giám mục vẫn có thể phong chức cho các góa phụ, nhưng họ vẫn không được dạy hoặc cử hành rửa tội (cho phụ nữ), mà chỉ cầu nguyện.

Khoảng năm 380, xuất hiện Constitutiones Apostolorum (Hiến pháp Tông đồ), trong đó tóm tắt vai trò của các nữ phó tế như sau: Nữ phó tế không ban phép lành, và không làm bất cứ điều gì mà các linh mục và phó tế làm, nhưng trông coi cửa ra vào và phụ giúp các linh mục trong lễ rửa tội cho phụ nữ, vì lý do đoan chính. Ngay cả vào thế kỷ thứ tư, lối sống của các nữ phó tế cũng rất giống với lối sống của các nữ tu. Vào thời điểm đó, người phụ nữ phụ trách một cộng đồng nữ tu viện được gọi là nữ phó tế. Cho đến thế kỷ thứ sáu, họ vẫn tham dự lễ rửa tội và xức dầu cho phụ nữ. Mặc dù họ không đồng tế trên bàn thờ, nhưng họ đưa Mình Thánh cho các nữ bệnh nhân. Khi nghi thức rửa tội toàn thân bãi bỏ, các nữ phó tế chỉ đơn giản là những trinh nữ thánh hiến đã tuyên khấn đức khiết tịnh. Họ sống trong tu viện hoặc ở nhà. Điều kiện là thiếu nữ (trinh tiết) hoặc góa bụa và hoạt động của họ gồm các công tác từ thiện và chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ.

Trải qua nhiều thế kỷ, các nữ phó tế trở thành nữ tu. Họ sống trong các tu viện và không còn làm các công việc của nữ phó tế trước đây ngoại trừ trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc y tế hoặc phục vụ giáo xứ.

Về việc truyền chức phó tế cho phụ nữ, cần lưu ý rằng có hai điểm quan trọng:

1. Các diaconissa được đề cập trong truyền thống của Giáo hội cổ xưa – qua nghi thức thiết lập và các chức năng được giao phó – không tương đương với các phó tế nam;

2. Sự hiệp nhất của bí tích Truyền Chức, qua sự phân biệt rõ ràng giữa một bên là thừa tác vụ của giám mục và linh mục và bên kia là thừa tác vụ của phó tế, được truyền thống Giáo Hội nhấn mạnh rất mạnh mẽ, nhất là trong các giáo huấn của Huấn Quyền.

Thói quen, tập quán, phong tục, và truyền thống là những bước trong tiến trình hoạt động của con người trong xã hội. Từ thói quen sẽ dẫn đến tập quán (trên bình diện nhỏ) và phong tục (trên bình diện lớn hơn), và cuối cùng là truyền thống. Một khi nói đến truyền thống, tức là nhìn nhận giá trị cổ truyền được đúc kết (và được gìn giữ bảo tồn) qua rất nhiều thế hệ. Phong tục có thể lược bỏ, như hủ tục vì không còn hợp thời, nhưng truyền thống, theo thiển ý, thì không thay đổi được.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Hồng Y và mọi người có quyền bỏ phiếu trong Thượng Hội Đồng vào tháng 10/23 luôn sáng suốt để đưa ra những quyết định theo đúng thánh ý Chúa.

  Hạ Ngôn

 

1 https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_con_cfaith_pro_05072004_diaconate_en.html

2 https://earlychristianwritings.com/text/didascalia.html

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.