Ngày nay, hình như chỉ còn một điều tuyệt đối: đó là chủ nghĩa tương đối.
J. Goebbels, Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã

Chủ nghĩa tương đối (relativism) – hay còn gọi là thuyết tương đối1 – nhấn mạnh rằng mọi chân lý (sự thật) trên cõi đời này đều tương đối. Nếu chú tâm, ai cũng nhận ra câu nói này mâu thuẫn về mặt lý luận. Vì một khi khẳng định “mọi chân lý đều tương đối,” thì ngay cả câu khẳng định “mọi chân lý đều tương đối” cũng không thể là tuyệt đối, nhưng chỉ có tính tương đối.

Chủ nghĩa tương đối rất nguy hiểm, vì nó ảnh hưởng đến tư duy của con người và gây tác hại trầm trọng lên các sinh hoạt xã hội. Chính học thuyết này cũng len lỏi vào giáo hội, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên nếp suy nghĩ của các giáo dân. Các quan niệm cổ truyền về giá trị cốt lõi bị đem ra mổ xẻ, và bị thẳng tay lược bỏ cũng vì chủ nghĩa tương đối.

Điểm cốt lõi của học thuyết tương đối chính là không có gì tuyệt đối trên cõi đời này. Các chân lý, vẻ đẹp, và đạo đức không có giá trị phổ quát mà chỉ có giá trị đối với một số người hoặc một số đoàn thể tuân giữ giá trị đó mà thôi. Một số người đương thời tự xưng là những người theo chủ nghĩa giải tỏa cấu trúc2 , hoặc theo chủ nghĩa hậu hiện đại nhưng hầu hết những kẻ này không biết rằng chủ trương của họ chính là bản sao của thuyết tương đối đạo đức. Sự nguy hiểm của học thuyết tương đối ở chỗ không có tiêu chuẩn tuyệt đối để phán xét điều tốt điều xấu, vì họ cho rằng sự tốt xấu thay đổi tùy theo địa phương, tùy vào điều kiện lịch sử, nền văn hóa, và xã hội.


I. ẢNH HƯỞNG TRÊN XÃ HỘI


Quan niệm mọi sự đều tương đối xâm nhập vào mọi lãnh vực của đời sống và tác động mạnh mẽ đến não trạng của mọi người, nhất là giới trẻ. Cả ba chủ nghĩa trên – chủ nghĩa giải tỏa cấu trúc, chủ nghĩa hậu hiện đại, và chủ nghĩa tương đối – khuynh loát suy nghĩ của hầu hết mọi người trong thời đại ngày nay, và gây nguy hiểm khôn lường cho sự sống còn của thế giới. Tại sao thế?

Thưa, vì nếu sự thật chỉ là tương đối thì không ai có thể dựa vào thực tế được nữa, và nếu không ai có thể có thể dựa vào thực tế để phán đoán thì thế giới sẽ rơi xuống hố sâu của hỗn loạn.

Nếu sự thật trở nên tương đối, chúng ta không có cách nào đo lường được điều gì thật và điều gì giả, vì vậy chúng ta không thể dựa vào luật pháp để điều hành xã hội. Con người không thể sử dụng khoa học để tìm hiểu về thế giới đang sống. Nguyên tắc căn bản trong bất cứ cuộc tranh luận nào là hai bên phải dựa vào một số tiêu chuẩn (sự thật tuyệt đối) để bàn cãi. Như thế, chúng ta không thể tranh luận với nhau để tìm ra điểm chung vì thuyết tương đối xem cả hai bên là hoàn toàn đúng và hoàn toàn sai dựa trên những quan điểm khác nhau.

Tất nhiên, đối với những người tin vào sự thật tuyệt đối và tính khách quan đều biết những điều này không đúng, nhưng thuyết tương đối không cho phép họ lên tiếng phản đối. Sự thật khách quan, với thuyết tương đối, trở thành ý kiến của mỗi cá nhân. Vì là ý kiến cá nhân nên người khác có thể cho là sai, cho dù đó là sự thật.

Và đây là điểm quan trọng. Người ta đánh đồng giữa sự thật (fact) với ý kiến (opinion) và ngược lại. Thậm chí tuyết tương đối không muốn thừa nhận bất cứ một sự thật nào, vì nếu nhìn nhận một sự thật thì phải nhìn nhận những sự thật khác; và nếu làm như thế nó tự mâu thuẫn với bản chất của chính nó: tất cả đều là tương đối, tất cả đều là ý kiến cá nhân. Trong một vài trường hợp, họ thẳng thắn bác bỏ sự thật khách quan và đề cao ý kiến cá nhân và xem đó chính là sự thật.

- Các Hình thái của Thuyết Tương đối

Thuyết tương đối biểu hiện dưới một vài hình thức. Đôi khi nó tự xưng là chủ nghĩa duy tâm, cho rằng mọi thứ đều bắt nguồn từ “trong đầu chúng ta,” nghĩa là không có gì thực sự có thật, mọi thứ chỉ là vấn đề của nhận thức, phỏng đoán và diễn giải. Tất cả gom lại thành một chữ: tương đối.

Đôi lúc, thuyết tương đối tự cho là chủ nghĩa giải cấu trúc, cho rằng mọi thứ đều là một dạng văn bản và do đó mọi thứ đều là vấn đề giải thích chủ quan (nói cách khác: ý kiến riêng) bao gồm cả sự thật khách quan.

Suy nghĩ của họ quy về một điểm chủ yếu: chúng ta sử dụng ngôn ngữ để mô tả thực tế và vì ngôn ngữ đa dạng, nên thực tế tùy theo cách diễn giải của mỗi người; do đó, thực tế được mở rộng tùy theo cách giải thích của từng người.

Điều này bỏ qua một sự thật là thực tế có trước ngôn ngữ và ngôn ngữ đó dùng để mô tả thực tế một cách khách quan. Ví dụ: tôi nói, “Tôi cần đi vệ sinh” hoặc “I need to go to the bathroom”, nhưng cả hai câu, mặc dù sử dụng ngôn ngữ khác nhau, đều mô tả một thực tế khách quan: đây là phòng vệ sinh và tôi cần đến đó để giải quyết nhu cầu cá nhân.

Và cuối cùng, thuyết tương đối xuất hiện dưới một hình thức mà nhiều người đã từng nghe: chủ nghĩa hậu hiện đại. Chủ nghĩa này nổi lên như một phong trào vào cuối thế kỷ 20, cổ xúy sự hoài nghi về các lãnh vực lịch sử, khoa học, kể cả tôn giáo. Chủ nghĩa hậu hiện đại nghi ngờ các giá trị chung về lý trí; đề cao chủ nghĩa chủ quan và đồng hóa với thuyết tương đối. Nó tin sự thật chẳng qua chỉ là lời giải thích, và chính sự diễn đạt của mỗi người là sự thật. Nói tóm lại, sự thật chỉ là cảm xúc của mỗi cá nhân.

Chủ nghĩa hậu hiện đại còn đi xa hơn nữa khi khẳng định con người không tự mình xác định được căn tính nhưng phải nhờ những người chung quanh xác định dùm. Và họ xác định dùm dựa trên những đặc điểm bất biến như chủng tộc, giới tính, tình dục, quốc tịch…v..v.

Theo chủ nghĩa này, sự thật đến từ căn tính chứ không phải ngược lại. Vấn đề càng phức tạp và rối ren hơn khi nó cho rằng sự thật thậm chí không dựa trên quan điểm cá nhân, nó dựa trên căn tính tập thể được nhận thức bởi những căn tính tập thể khác.

Sở dĩ nó khoác chiếc áo “tập thể” của cộng sản là do chủ nghĩa hậu hiện đại chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Freud. Chủ nghĩa Mác, đặc biệt khi triết gia hậu hiện đại người Pháp Michel Foucault hồi sinh chủ nghĩa Mác dưới một hình thức khác4 , khiến những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại xem mọi tương tác xã hội là một cuộc đấu tranh về quyền lực. Hãy quên đi tình thương, tình yêu, nghĩa vụ, sự hợp tác và nhiều động lực khác trong cuộc sống của một con người; đối với những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại, tất cả đều quy về quyền lực – làm thế nào để đoạt được quyền lực. Có quyền lực là có tất cả.

Những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại đã trộn lẫn điều này với các yếu tố của “vô thức” theo trường phái Freud. Vì vậy, không chỉ mọi người bị nhốt vào các cuộc đấu tranh liên tục giữa các nhóm để giành quyền lực, mà động lực và thành kiến của họ cũng nằm trong “vô thức”.

Tất cả những điều đó dẫn chúng ta đến đạo đức.

- Thuyết Tương đối Hủy diệt Hòa bình, Công lý, và Đức hạnh

Nếu sự thật chỉ là tương đối thì những khái niệm về thiện và ác, đúng và sai, tội và vô tội giống như nhau. Ngay cả những tội ác tàn bạo nhất cũng được biện minh dễ dàng chỉ vì quan điểm khác biệt. Nếu những hành động tàn bạo tồi tệ nhất đột nhiên trở nên chính đáng, thì nhân loại có thể tự do để cho cái ác bên trong mình cai trị, thống trị lương tâm và từ chối trách nhiệm. Thử tưởng tượng những tội ác tầy trời như Holocaust ở Âu châu, Nạn đói Diệt chủng Ukraine ở Sô-viết, Cách mạng Văn hóa ở Trung quốc, Cánh đồng Chết ở Cao Miên, Cuộc Diệt chủng Tutsi ở Rwanda… được thuyết tương đối biện minh và bào chữa qua lăng kính “sự thật chỉ là tương đối” thì thế giới này sẽ hỗn loạn đến chừng nào.

Rõ ràng thuyết tương đối không dẫn tới điều gì tốt đẹp.

Thật thế, một khi sự thật và đạo đức chỉ là tương đối thì bất cứ chuyện gì cũng có thể biện minh được. Xã hội chắc chắn suy tàn. Nếu không có một tiêu chuẩn đạo đức dẫn đường, con người sẽ héo mòn, lạc lối và dẫn đến diệt vong.

Nếu không có đạo đức thì không còn sự hướng dẫn để giúp cuộc sống có ý nghĩa. Tại sao lại trở thành bác sĩ thay vì sát thủ? Tại sao trở thành một cán sự xã hội thay vì một tên trộm? Tại sao cần giúp người nghiện ma túy phục hồi thay vì ruồng bỏ họ?

Mỗi con đường của cuộc đời như thế đều gồng gánh trên vai một sức nặng đạo đức riêng. Nên hiểu điều đó bởi vì, mặc dù đạo đức rất phức tạp và có lẽ không bao giờ tìm được một quan niệm hoàn hảo về nó, nhưng đạo đức (sự thật) không thể nào là một khái niệm tương đối.

Nếu đạo đức chỉ mang tính tương đối, bạn có thể phản biện với bất kỳ ai không đồng ý với những lựa chọn (xấu, tiêu cực) trong cuộc sống của bạn, rằng chỉ vì quan niệm về cuộc sống khác nhau. Một khi không có sự thật tuyệt đối thì mọi người có thể đổ lỗi cho nhau. Không cần phải cùng nhau hành động, không cần chung sức biến đổi thế giới tốt đẹp hơn hoặc ngay cả chẳng cần biến bản thân trở thành một người tốt hơn. Không có động lực để trau dồi đức tính và thực hành sự thiện hảo. Thậm chí không có một khuôn khổ nào để hướng dẫn con người hướng tới những điều thiện.

Vì tất cả đều mang tính tương đối nên xã hội chắc chắn sẽ hỗn loạn. Cuộc sống sẽ vô nghĩa và không có một tia hy vọng nào cả.

Đó có thực sự là thế giới mà chúng ta muốn sống không?

 

II. ẢNH HƯỞNG TRÊN GIÁO HỘI


Thuyết Tương đối xâm nhập vào Giáo hội Công giáo từ nhiều thập niên trước. Giáo dân cấp tiến nghi ngờ tất cả. Họ muốn xét lại bản chất của Kinh Thánh, vốn là Lời Chúa. Ngay cả Kinh Tin Kính họ cũng thẳng tay lược bỏ và chỉ để lại những gì phù hợp với nếp sống của họ.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thường nhắc đến “văn hóa sự chết,” một liều độc dược bơm vào thân thể của Đức Kitô, làm ảnh hưởng đến nếp suy nghĩ của giáo dân. Trong Thông điệp Fides Et Ratio – Đức Tin Và Lý Trí, ban hành ngày 14/9/1998, Ngài cũng chỉ trích thuyết tương đối vì "không công nhận bất cứ điều gì là chắc chắn… trong mọi hình thức của thuyết bất khả tri và thuyết tương đối nằm trong tư tưởng thời đại, sự đa dạng chính đáng của các lập trường đã nhường bước cho một sự đa dạng bất phân biệt, xây dựng trên sự khẳng định rằng tất cả các lập trường đều có giá trị như nhau: Đó chính là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của sự nghi ngờ đối với chân lý mà người ta có thể nhận thấy trong bối cảnh hiện nay”5 .

Đặc biệt trong triều đại của Đức Cố Giáo hoàng Bênêdictô, ngài luôn cảnh báo thế giới về trào lưu của thuyết tương đối. Đối với ngài, có lẽ thuyết tương đối gây nguy hiểm nhất trong thời đại ngày nay vì nó len lỏi một cách khéo léo vào tâm khảm và não trạng của tầng lớp giáo dân như cỏ lùng (x. kẻ thù gieo cỏ lùng, Mt. 13:36-43), gây nghi ngờ về tín lý, thúc đẩy các giáo dân lên tiếng đòi hỏi giới thẩm quyền phải xét lại giá trị cốt lõi của Kinh Thánh, Lời của Chúa, biểu hiện cho Sự thật Tuyệt đối.

Bài giảng trong Thánh Lễ khai mạc Mật nghị bầu giáo hoàng, Hồng y Joseph Ratzinger nói: “Ngày nay, việc có một đức tin rõ ràng dựa trên Kinh Tin Kính của Hội Thánh lại thường bị dán nhãn hiệu là bảo thủ. Đang khi đó, chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để mình ‘bị sóng đánh trôi dạt theo mọi chiều gió đạo lý’ (Ep. 4:14), xem ra lại được coi là thái độ phù hợp nhất với thời đại. Người ta đang xây dựng thứ độc tài của chủ nghĩa tương đối vốn không nhìn nhận bất cứ điều gì là vững vàng, chỉ giữ lại như biện pháp cuối cùng là cái tôi với những ham muốn của nó.”

Ngày 6/6/2006, cuộc công du đầu tiên với cương vị giáo hoàng, trong thánh lễ ngoài trời cho hơn 250 nghìn giáo dân Ba Lan tại Warsaw, ĐGH Bênêđictô cảnh báo các giáo dân về sự cám dỗ của thuyết tương đối: “Họ cố gắng tạo ấn tượng rằng mọi thứ đều tương đối: ngay cả những chân lý của đức tin cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh con người và sự đánh giá của con người. Chúng ta không bao giờ nhượng bộ trước sự cám dỗ của chủ nghĩa tương đối hoặc cách giải thích Kinh Thánh theo chủ quan và chọn lọc. Chỉ có toàn bộ sự thật mới có thể giúp chúng ta gắn bó với Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại để được cứu độ.”6

Trong cuốn “Benedict XVI: Light of the World” ghi lại cuộc trò chuyện với nhà báo người Đức Peter Seewald, trong đó ngài dành nguyên chương 5 – nhan đề Sự Độc tài của Chủ nghĩa Tương đối – để khuyến cáo về sự nguy hiểm của thuyết tương đối . Nhà báo Seewald hỏi: “Trên thực tế, ngày nay, sự thật được coi là một khái niệm quá chủ quan nên chúng ta khó có thể tìm thấy một tiêu chuẩn có giá trị phổ quát. Sự phân biệt giữa thật và giả dường như bị xóa bỏ. Mọi thứ đều có thể thương lượng được ở một mức độ nào đó. Đó có phải là chủ nghĩa tương đối mà Ngài khẩn cấp cảnh báo không?
Đức Bênêdictô, một lần nữa, khẳng định: “Không ai có thể phủ nhận rằng người ta phải cẩn trọng khi khẳng định sự thật. Nhưng nếu cho rằng con người không bao giờ tìm thấy sự thật thì quả thật rất nguy hiểm. Lập luận như thế chỉ đem đến sự diệt vong… Trên thực tế, phần lớn các triết học đương thời đều nói rằng con người không có khả năng hiểu được sự thật. Nhưng nhìn theo cách đó, con người cũng sẽ không có khả năng đạt được các giá trị đạo đức. Thế thì con người sẽ không có tiêu chuẩn nào cả… Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh đầy đủ mức độ tàn phá của nhóm đa số, chẳng hạn như trong hệ thống như chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa Marx, tất cả đều chống lại sự thật một cách trắng trợn.”

“…Sự thật để cai trị không phải bằng bạo lực mà bằng sức mạnh của chính sự thật; đây là chủ đề lõi cốt của Tin Mừng Thánh Gioan: Khi bị đưa ra trước Philatô, Chúa Giêsu tuyên xưng rằng chính Người là Sự Thật và là nhân chứng cho sự thật. Ngài không bảo vệ sự thật bằng các quân lính vũ trang nhưng dùng Cuộc Khổ Nạn của chính Ngài để chứng tỏ sự thật.”

Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui của Tin Mừng, ban hành ngày 24/11/2013, là tông huấn đầu tiên của Đức Phanxicô trên cương vị giáo hoàng. Ngài cũng thẳng thắn phê phán thuyết tương đối7: “Tiến trình tục hoá có khuynh hướng giản lược đức tin và Hội Thánh vào lãnh vực cá nhân và riêng tư. Hơn nữa, bằng việc phủ nhận chiều kích siêu việt, nó làm cho đạo đức ngày càng xuống cấp, ý thức của cá nhân và tập thể về tội lỗi suy yếu dần, và chủ nghĩa tương đối ngày càng gia tăng đều đặn. Tình trạng này dẫn đến một sự mất phương hướng chung, đặc biệt ở lứa tuổi thiếu niên và thanh niên vốn là tuổi rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi như thế… trong khi Hội Thánh nhấn mạnh sự tồn tại của các qui tắc đạo đức khách quan có giá trị cho mọi người, thì một số người cho rằng giáo huấn như thế không đúng, nghĩa là chống lại các quyền cơ bản của con người. Những tuyên bố loại này rập khuôn chủ nghĩa tương đối về đạo đức…”8

- Hệ Quả của Thuyết Tương Đối Trên Giáo Dân

Ở cương vị cai quản Giáo hội, cả 3 vị Giáo hoàng này thấy trước nguy cơ về hấp lực của chủ nghĩa tương đối. Một khi để nó nhiễm vào người, con vi khuẩn của thuyết tương đối sẽ lan ra khắp cơ thể, và bắt đầu tiến trình tàn phá mọi bộ phận, hủy diệt mọi tế bào tư duy khiến tư tưởng bị lệch lạc, và dẫn đến những hành động quái gở, bất thường.

Sai lầm lớn nhất của thuyết tương đối – bác bỏ sự thật tuyệt đối – là mọi thứ đều đúng, và mọi thứ đều sai. Nó gây ra những thảm họa sau.

1. Thứ nhất, thuyết tương đối khuyến khích sự vô đạo đức. Suy cho cùng, nếu không có sự thật tuyệt đối thì tại sao mọi hoạt động tình dục lại không được phép? Ai nói rằng hiếp dâm trẻ em là sai? Rồi ngoại tình, thông dâm, loạn luân, đa thê… tất cả đều không được phép trong bất cứ xã hội văn minh nào. Có người sẽ trả lời rằng một xã hội lành mạnh vẫn có khả năng kiến tạo một niềm tin về sự thật, và từ niềm tin trung thực đặt ra luật lệ cấm ép buộc quan hệ tình dục với một đứa trẻ. Nên nhớ thời bán khai, quan hệ tình dục như thế vẫn không sai. Tội ấu dâm chỉ đúng ở thời điểm hiện tại, và nếu không có sự thật tuyệt đối thì tại sao xã hội không thể thay đổi quan điểm về tội ấu dâm? Chỉ khoảng 40 năm trước, Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ xem đồng tính luyến ái là một rối loạn tâm lý, chưa kể nói đến kê gian (tình dục đồng tính). Nhìn lại xã hội hiện nay xem đồng tính còn xác nhận là một chứng rối loạn tâm lý nữa không? Không những không mà tất cả mọi hành vi tình dục đồng tính đều được phép.
Đó là hệ quả khi con người dựa vào thuyết tương đối: mọi thứ đều đúng, và mọi thứ đều sai. Và cũng vì thuyết tương đối, tương lai 40 năm nữa không chừng thế giới sẽ cho phép quan hệ tình dục với trẻ em? Những gì bị xem là tội bây giờ (ngoại tình, thông dâm, loạn luân, đa thê…) có thể sẽ được hợp thức hóa trong thời gian tới. Nếu quý vị cho rằng nghĩ như thế thì quá cực đoan, thật phi lý, và ngớ ngẩn thì nên xem lại bản chất của thuyết tương đối. Một thế giới không có sự thật tuyệt đối thì bất cứ điều gì cũng (dần dần) được phép.

2. Thứ hai, thuyết tương đối không khuyến khích việc rao giảng Tin Mừng. Trong một chương trình trò chuyện nổi tiếng với chủ đề “Có phải chỉ có một con đường lên thiên đàng?” Đám đông nhao nhao cho rằng thật thiển cận và mù quáng khi nói rằng chỉ có một con đường duy nhất lên thiên đàng. Sau đó, một phụ nữ đứng lên và dõng dạc nói: “Đấng Cứu Chuộc tôi, Đức Giêsu, nói rằng, Ngài là đường đi, lẽ thật và sự sống; không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Người. Đức Giêsu là con đường duy nhất để đến thiên đàng.” Và người dẫn chương trình, quay sang bà và nói với giọng trịch thượng: “Nếu bà tin điều đó cũng chẳng sao. Nhưng bà không có quyền ép buộc tôi phải tin như bà.” Câu nói của người dẫn chương trình mang hàm ý gì? Thưa là khi bạn đưa ra một lời tuyên bố tuyệt đối, bạn đang ép buộc người khác. Nếu có quyền, vị tất người phụ nữ ép buộc được ai. Thật ra người phụ nữ chẳng ép buộc ai cả, bà chỉ tuyên bố một sự thật tuyệt đối. Và chính lời của bà gây sự phản kháng mạnh mẽ từ những kẻ chung quanh.

Nói cách khác, lời tuyên bố về sự thật tuyệt đối bị kết án là phát ngôn thù hận (hate speech) với mục đích gieo rắc sự căm ghét, kêu gọi bạo lực. Một khi bị kết án như thế, công việc rao giảng Tin Mừng sẽ gặp nhiều khó khăn.

3. Từ sự kết án phát ngôn thù hận trên, dẫn đến mối nguy hiểm thứ ba, đó là: thuyết tương đối thúc đẩy sự ngược đãi, hoặc tệ hơn, sự bách hại. Trong một xã hội bác bỏ sự thật tuyệt đối, lỗi lầm duy nhất không thể dung thứ là sự bất khoan dung. Thời đại ngày nay, đâu đâu cũng nói đến lòng bao dung, nhất là khi người ta thường viện đến câu nói của ĐGH Phanxicô, “Tôi là ai mà dám phán xét?” Chính vì lòng bao dung, người ta đòi hỏi phải cởi mở với mọi niềm tin. Đó là lý do tại sao khi bạn cho rằng Chúa Giêsu là con đường duy nhất để được cứu rỗi, hay tình dục đồng tính là một sự đồi trụy, chắc chắn bạn sẽ gặp phải một sự phản kháng mạnh mẽ. Người theo thuyết tương đối nói rằng bạn ngụ ý khinh khi, ám chỉ một người đồng tính luyến ái là thấp kém và như thế là phát ngôn gây thù hận; do đó, bạn phải rút lại lời nói hoặc im lặng.

Tùy theo cường độ của cuộc nói chuyện, bạn có thể bị tẩy chay, bị cô lập, hoặc bị ảnh hưởng đến công ăn việc làm.

- Sự Thật Tuyệt Đối (Chân Lý Khách Quan) của Đạo Công Giáo

Đạo Công giáo được xây dựng trên tiền đề rằng sự thật là tuyệt đối và những lời dạy của Kinh Thánh là phổ quát. Vậy, sự thật tuyệt đối của đạo Công giáo là gì? Hay nói các khác, đâu là chân lý khách quan?

Một lần Ðức Giêsu trả lời ông Tôma: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga. 14:6). Người cũng nói với dân Do-thái: “Sự thật sẽ giải phóng các ông.” (Ga. 8:32). Câu nói này cần được hiểu thêm là: Sự thật sẽ giải phóng các ông “khỏi tội lỗi để hưởng được ơn cứu chuộc.”

Tất cả những người có niềm tin đều thừa nhận rằng phải có một thước đo tuyệt đối để đánh giá một điều là đúng hay sai. Trong quá khứ, tiêu chuẩn đó được gọi là “quy tắc của đức tin” hay “nền tảng của sự thật”, nghĩa là thước đo để biết được sự thật. Nguyên tắc được thể hiện rõ ràng trong cả Cựu Ước và Tân Ước, đó là chính lời của Đức Giêsu Kitô, là nền tảng của sự thật. Ngoài Thánh Kinh, sự thật còn được biểu hiện qua Thánh Truyền (tradition), là Lời truyền khẩu, hoặc Lời không được ghi chép thành văn tự.

Thánh Kinh – Cựu Ước và Tân Ước – cùng với lý luận và kinh nghiệm của con người ủng hộ quan điểm cho rằng sự thật là tuyệt đối chứ không phải tương đối. Sự thật thì khó chấp nhận vì nó bác bỏ mọi lý luận đối lập. Sự thật là phổ quát, không thay đổi và có thể nhận thức được. Sự thật tuyệt đối tìm thấy nguồn gốc từ Thiên Chúa, Đấng vĩnh cửu, bất biến và có quyền tối cao trên mọi tạo vật. Thiên Chúa là sự thật, truyền đạt sự thật cho những sinh vật được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài.

Một khi đặt Kinh Thánh là nền tảng của sự thật tuyệt đối thì những vấn nạn trong giáo hội ngày nay hầu như không còn là vấn nạn nữa. Sau đây là một vài ví dụ:

1. Ly dị. “Sự gì Thiên Chúa phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt. 19:6)

2. Hôn nhân đồng tính. Một sự biến thái tính dục gây ra cơn phẫn nộ của Đức Chúa. Bắt đầu chương mười chín của sách Sáng thế ký, khi hai sứ thần đến thành Sô-đôm thăm ông Lót, người cháu của ông Áp-ra-ham. Ăn uống xong định nghỉ ngơi thì một đám người dâm ô – vừa già vừa trẻ – đập cửa: "Những người vào nhà ông đêm nay đâu rồi? Hãy đưa họ ra cho chúng tôi chơi." (Stk. 19:5). Thú vui đồi bại của đám người dâm dục này là bày trò cưỡng hiếp tập thể. Một loại tính dục đầy bạo lực, vô luân, vị kỷ, và vô sinh hoàn toàn trái ngược hẳn với ý định của Thiên Chúa về món quà tình dục Ngài ban cho con người.

Kết quả là cơn thịnh nộ của Đức Chúa giáng xuống Sô-đôm và Gô-mô-ra bằng một trận mưa diêm sinh và lửa thiêu hủy cả hai thành.

3. Linh mục lập gia đình. Luật độc thân bắt buộc từ Công đồng Latênarô I năm 1123 và tái khẳng định trong Công đồng Latênarô II năm 1139. Trước đó, tuy có luật độc thân nhưng gần như tùy nghi, không bó buộc.

Như thế, luật linh mục độc thân là do Giáo hội đặt ra chứ không phải luật của Chúa Giêsu, vì các thánh Tông đồ hầu hết ai cũng lập gia đình. Hơn nữa, các linh mục thuộc Giáo hội Đông phương đều lấy vợ, sinh con cái như các giáo dân bình thường, chỉ riêng Giám mục thì bắt buộc phải độc thân. Ngoài ra còn các linh mục thuộc Anh giáo, cải đạo Công giáo và được chuẩn phong linh mục; lúc đó các ngài đã có gia đình. Thêm một chi tiết cần biết là lúc thụ phong linh mục Anh giáo, nếu đã độc thân thì phải giữ độc thân như thế suốt đời. Qua những hình ảnh linh mục có vợ con từ các giáo phái khác, có người đề nghị các linh mục Công giáo cũng nên lập gia đình.

Độc thân hay lập gia đình? Thư của thánh Phaolô gửi cộng đoàn Cô-rin-tô đề cập đến đời sống độc thân: “Về vấn đề độc thân, tôi không có chỉ thị nào của Chúa… Ðàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi.” (1 Cr. 7:25, 32-34). Sách Giáo lý Công giáo điều 1579 xác định: “Tất cả các thừa tác viên được truyền chức của Giáo hội La tinh, trừ các phó tế vĩnh viễn, thường được tuyển chọn từ những nam tín hữu, những người đang sống độc thân và muốn giữ mình độc thân… Được kêu gọi tận hiến cho Chúa một cách không chia sẻ, để lo các việc của Ngài, họ dấn thân trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho con người. Sự độc thân là dấu chỉ của đời sống mới mà thừa tác viên của Hội Thánh được thánh hiến để phục vụ.”

Như thế, tuy không bắt buộc nhưng Kinh Thánh xem độc thân là một hy sinh cần thiết trong đời tận hiến. Còn nếu Giáo hội cho phép linh mục lập gia đình, có những điểm cần cân nhắc như sau.

• Các mục sư Tin Lành thường không có đủ thì giờ vừa lo cho cộng đoàn vừa lo cho gia đình. Chuck Swindoll, mục sư Tin Lành nổi tiếng, nhận định: “Trách nhiệm lãnh đạo cộng đoàn có thể ảnh hưởng đến mái ấm gia đình và sau đó nhiệm vụ được Chúa giao phó cũng bị ảnh hưởng lây.” Một khảo cứu khác của Ts. Richard J. Krejcir, mục sư và nhà thần học tại Học viện Church Leadership Development , cho thấy tình trạng bi thảm của các mục sư có gia đình. 88% gia đình không hạnh phúc, 89% quyết định bỏ cộng đoàn ít nhất 1 lần, 38% ly dị…

Thiên chức linh mục là một ơn gọi, chứ không phải là một nghề nghiệp. Nghề nghiệp cho phép một người nghỉ ngơi sau giờ làm việc, nhưng linh mục thì không. Nửa khuya phải đi xức dầu cho bệnh nhân, linh hướng cho một cặp vợ chồng đang gặp rắc rối… là những công việc ngoài giờ mà các linh mục phải hoàn thành. Nếu có gia đình, chắc chắn linh mục khó chu toàn. Trái tim của linh mục chắc chắn bị xẻ làm đôi và hai chữ tận hiến không còn ý nghĩa thánh thiêng nữa.

• Các giáo phụ Eusibius, Augustine, Tertullian, Origen, St. Cyril of Jerusalem, St. Jerome…v..v. vào 4 thế kỷ đầu của Giáo hội cổ võ các linh mục sống độc thân để lo cho cộng đoàn của Chúa được trọn vẹn. Thánh Epiphanius thành Salamis cho rằng “…phẩm giá của chức linh mục được tôn trọng đến mức Giáo Hội không thừa nhận chức phó tế, linh mục, giám mục, thậm chí cả chức phó tế, bất cứ ai còn sống trong hôn nhân và sinh con cái.”

• Một số người cho rằng các vụ bê bối linh mục lạm dụng tình dục có thể tránh nếu cho phép linh mục được lập gia đình. Một nghiên cứu năm 2018 của ba nhà tội phạm học (A. Denny, K. Kerley, N. Gross) tiết lộ rằng các mục sư Tin lành (hầu hết lập gia đình) liên quan đến hàng trăm cáo buộc lạm dụng tình dục hằng năm. Theo cuộc khảo cứu: “Ba công ty cung cấp bảo hiểm cho 165.500 nhà thờ – hầu hết là các nhà thờ Tin lành và 5500 tổ chức tôn giáo khác – cho biết có khoảng 7.095 cáo buộc lạm dụng tình dục bởi mục sư, nhân viên và thành viên cộng đoàn, hoặc tình nguyện viên từ năm 1987 đến năm 2007. Trung bình có 260 đơn khiếu nại về cáo buộc lạm dụng tình dục mỗi năm, dẫn đến tổng số tiền đòi bồi thường là 87,8 triệu USD.”

Theo “Focus on the Family” , 21% các mục sư có quan hệ tình dục trái phép với các thành viên trong cộng đoàn của họ; 60% mục sư Tin Lành – hầu hết đã kết hôn – nghiện sách báo khiêu dâm. Trong một nghiên cứu năm 1984, 76% mục sư biết một mục sư Tin Lành khác có quan hệ tình dục với một giáo hữu.

Như thế, thách đố không phải là đời sống độc thân, mà là đức khiết tịnh, và điều đó đúng với mọi giáo phái cũng như Giáo hội Công giáo.

• Vì không được phép lập gia đình, ngày càng ít người dâng hiến theo ơn gọi tu trì, dẫn đến tình trạng thiếu linh mục. Thật ra, trong xã hội Tây phương ngày nay, Thiên Chúa giáo có khuynh hướng suy thoái dần và dẫn đến tình trạng thiếu hụt linh mục chứ không phải vì luật đòi hỏi phải sống độc thân. Trong một nền văn hóa lành mạnh, nơi Thiên Chúa giáo hy sinh phục vụ lợi ích của xã hội, vẫn luôn có những người sẵn sàng dâng hiến theo ơn gọi tu trì để rao giảng Tin Mừng. Vị tất cho phép linh mục lập gia đình thì sẽ có nhiều người tận hiến làm linh mục, và giải quyết được tình trạng thiếu hụt. Có thể Giáo hội trong tương lai sẽ nhỏ hơn, nhưng điều đó không phải vì thiếu linh mục, mà là vì giáo dân thiếu đức tin.

Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô nói chẳng thà có ít linh mục tốt lành hơn là có nhiều linh mục thiếu đạo đức. Ý ngài nói đến phẩm hạnh và phẩm chất của linh mục. Ngài cũng tiên đoán Giáo hội tương lai sẽ thu nhỏ lại nhưng gồm những giáo dân trung kiên, đức hạnh và đạo đức.

4. Đồng tính làm linh mục. Chiếu theo Sắc lệnh Optatam totius (đào luyện linh mục), căn cứ vào các văn kiện của Thánh Bộ về Giáo Dục Công Giáo ban hành, và theo Tông Huấn Hậu Thượng Nghị “Pastores dabo vobis” được ban hành bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì không bao giờ nhận một ứng viên đồng tính vào chủng viện.

Các huấn dụ này nêu các điểm rất cụ thể. Cần phân biệt “hành vi đồng tính” và “khuynh hướng đồng tính”. Đối với các hành vi đồng tính, sách Giáo Lý dạy rằng Thánh Kinh coi là những trọng tội. Truyền Thống luôn xem chúng tự bản chất là những gì vô luân và nghịch với luật tự nhiên. Bởi thế, không thể chấp nhận vào chủng viện hay lãnh chức thánh những ai có hành vi đồng tính luyến ái.

5. Phụ nữ làm phó tế, làm linh mục. Vì linh mục toàn là nam nên Giáo hội thường bị lên án là kỳ thị giới tính. Cần thấy là ngày nay phụ nữ giỏi giang trong ngành Thần học, kể cả lối ăn nói hoạt bát, có sức thu hút cử tọa. Nói chung, về tài năng, phụ nữ không thua kém gì các linh mục, nhưng có những điểm sau:

• Chúa Giêsu chỉ chọn các tông đồ nam; có bà Mađalêna và nhiều phụ nữ khác là những môn đệ trung kiên, nhưng Chúa không chọn các bà đi rao giảng. Bí tích Truyền Chức – trao phó chức vụ giảng dạy, thánh hóa và cai trị – luôn được dành cho nam giới, phù hợp với gương Chúa Kitô và tông truyền. Cũng như người nam ban sự sống tự nhiên cho người nữ trong giao ước hôn nhân, linh mục ban sự sống siêu nhiên trong các bí tích Giao Ước Mới. (Stk. 3:15, Lc. 1:26-55, Ga. 19:26, Kh. 12:1)

• Phụ nữ làm linh mục sẽ giải quyết được sự thiếu hụt trầm trọng linh mục. Không hẳn vậy. Ơn gọi giảm sút từ đầu thiên niên kỷ là vì xã hội ngày càng tục hóa, sự cám dỗ vật chất, sự thoái hóa của Thiên Chúa giáo… ảnh hưởng mạnh lên thế giới quan của giới trẻ, gồm cả nam lẫn nữ. Các dòng nữ hiện nay cũng thiếu ơn gọi trầm trọng. Vì thế, không hẳn sẽ có nhiều thanh nữ dâng mình làm linh mục.

• Một số phụ nữ thời Giáo hội sơ khai là các trinh nữ, góa phụ và nữ phó tế… tất cả đều là tiền thân của các nữ tu thời nay. Tuy nhiên, không có chức vụ nào trong số này được truyền chức linh mục.

• Danh xưng “cha” và “linh mục” gần gũi hơn. “Xin ở lại đây với tôi, để làm cha và làm tư tế cho tôi.” (Tp. 17:10). Điều này phản ảnh Thiên Chúa là Cha, Đấng ban sự sống ân sủng qua thiên chức linh mục của Con Thiên Chúa, và là Mẹ Giáo hội đón nhận đời sống ân sủng để nuôi dưỡng con cái.

• Chỉ một mình linh mục nhân danh Chúa Kitô trong thánh lễ và chính linh mục là lễ vật dâng lên Chúa Cha như xưa Chúa Giêsu hiến mình trên cây thập giá dâng lên Chúa Cha, nên linh mục không thể là phụ nữ. (Mt. 26:26, Mc. 14:12, Lc. 22:19)

• Chúa Giêsu chỉ thổi hơi trên các tông đồ nam, các giám mục đầu tiên, ban cho họ quyền tha tội và cầm giữ tội lỗi. Trên thực tế, chức tư tế nam của Công giáo là một sự khác biệt với các nữ tư tế của dân ngoại hiện hữu trong thời sơ khai. Chức nữ linh mục giống như sự rập khuôn theo tục lệ phi Kitô giáo. Truyền thống thiêng liêng về chức linh mục nam đã kiên định và tồn tại bền bỉ trong Giáo hội suốt 2.000 năm. (Ga. 20:22)

• Thánh Phaolô không cho phép phụ nữ quyền giảng dạy trong Giáo hội. Thời nay, có nhiều nữ thần học uyên bác, nhưng họ vẫn không được bổ nhiệm vào việc giảng dạy cho các chủng sinh trong các đại chủng viện. (1 Tm. 2:12)

Và còn nhiều lý do nữa giải thích tại sao chức linh mục chỉ dành cho phái nam, phù hợp với Thánh Kinh. Rõ ràng đây là ý muốn của Thiên Chúa. Ngoài ra, Tông Thư "Ordinatio Sacerdotalis" năm 1994 của Thánh Gioan Phaolô II khẳng định việc truyền chức linh mục chỉ cho nam giới mà thôi. Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Giáo hoàng Phanxicô tái khẳng định rằng “chức linh mục là dành cho nam giới, như dấu chỉ của Chúa Kitô Phu Quân hiến mình trong Thánh Thể.” Khẳng định này không cho phép bàn cãi nữa.

Thượng Hội Đồng (THĐ) nhóm họp tại Rôma hơn tháng nay vừa chấm dứt và tiếp tục nhóm họp vào tháng 10/24. Sau đó, THĐ sẽ công bố những cải tổ cho phù hợp với tình hình thế giới. Cải tổ thế nào đi nữa, chúng ta tin chắc là quyết định của THĐ sẽ không đi ngược lại Thánh Kinh, đối nghịch với Thánh Truyền.

Vì cả hai đều phản ảnh Sự Thật Tuyệt Đối.

 Hạ Ngôn

1Khác với thuyết tương đối (theory of relativity) của Albert Einstein, với công thức nổi tiếng E = mc2.
2Deconstructivism: Giải (hủy) cấu trúc, hình thức phân tích triết học và văn học, bắt nguồn từ triết gia người Pháp Jacques Derrida (1930-2004), đặt câu hỏi về những khác biệt căn bản về khái niệm. Nói chung, deconstructivism phá bỏ các phương thức tư duy truyền thống.
3Post-modernism: Hậu hiện đại, chủ trương chối bỏ sự thật khách quan.
4https://areomagazine.com/2019/08/29/marx-vs-foucault-reflections-on-history-and-power/
5https://catechesis.net/thong-diep-fides-et-ratio-duc-tin-va-ly-tri-cua-dgh-gioan-phaolo-ii-ngay-14-09-1998-1/ (đoạn 5)
6https://www.irishtimes.com/news/pope-warns-catholics-against-moral-relativism-1.1008687
Peter Seewald. Light of the World: The Pope, the Church, and the Signs of the Times. Ignatius Press, San Francisco, 2010. Ph. I: Signs of the Times, Ch 5: Dictatorship of Relativism, tr. 27-30.
7https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/TongHuan/Evangelii-Gaudium/05UBLBTMdich.htm, (câu 64)
8http://www.churchleadership.org/apps/articles/default.asp?articleid=42347
9https://www.mdpi.com/2077-1444/9/1/27
10https://www.focusonthefamily.com/episodes/broadcast/hope-and-renewal-for-our-pastors/
11http://www.thoidiemmaria.net/GIAOHOI/Ban%20HD%20Tuyen%20Phong%20LM/banhuongdantuyenphongLinhMuc.htm

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.