CÔNG GIÁO VÀ TỤC ĂN THỊT NGƯỜI
Hạ Ngôn
https://www.catholic.com/magazine/online-edition/catholic-cannibals
Suốt 2000 năm lịch sử, đạo Công giáo La Mã phải đối phó với nhiều vụ bê bối, những vấn nạn từ bên trong – từ linh mục và giám mục đến hồng y – cho đến các tà giáo bên ngoài muốn đánh đổ nền tảng đạo đức lõi cốt do Đức Kitô truyền lại. Kết quả là Giáo hội Công giáo đôi lúc lao đao hầu như gục ngã, nhưng cuối cùng vẫn đứng vững. Mỗi lần gượng dậy là mỗi lần vững vàng hơn bao giờ hết. Riêng một sự kiện vĩ đại khác Giáo hội Công giáo duy trì trong suốt chiều dài lịch sử mà bất cứ xã hội – nếu hiểu ra – đều nghiêm khắc lên án: tục ăn thịt người.

Đó là khi các giáo dân Công giáo rước lễ.

Chỉ có ma cà rồng trong phim ảnh Hồ-ly-vọng mới uống máu từ chiếc cốc vàng hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Nếu các xã hội văn minh hiểu ra thì chắc chắn họ phải điều tra, và nghiêm cấm tục lệ quái đản này.

Theo một cuộc khảo sát năm 2019 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 31% người Công giáo ở Mỹ tin rằng một mẩu bánh nhỏ sẽ biến thành thịt người trước khi ăn. Tôi xin lập lại, biến thành thịt người trước khi ăn. Nhiều nhà thần học Công giáo nói về con số “đáng báo động” là 69% giáo dân Công giáo không đồng ý – cho rằng bánh và rượu chỉ là biểu tượng – nhưng tôi muốn dành bài viết này để nói về 31% những kẻ điên rồ này giả dạng làm người bình thường. Tại sao họ lại tin vào truyền thuyết cổ xưa như vậy? Làm sao họ có thể mạnh dạn đứng vững vàng trước tập tục này, ngay cả trong thời đại công nghệ văn minh của thế kỷ 21? Chúng ta nên làm gì trước mối nguy hiểm này đối với xã hội khi chúng ta đang sống trong thời đại văn minh tiên tiến?


Megan Faries, một giáo dân với căn bản thần học, chia sẻ những lý giải như sau.


Lý giải theo Kinh Thánh 


Giáo dân Công giáo có thễ dẫn chứng đoạn Kinh Thánh sau: “Anh em cầm lấy mà ăn,  đây là mình Thầy.” (Mt. 26:26). Nhưng để nghiền ngẫm kỹ hơn, bất cứ người Công giáo nào đều nên mở chương 6 của Thánh Gioan nói về “Bánh Hằng Sống” để thấy một biện minh sâu sắc hơn cho cảm nghiệm Thánh Thể của mỗi người.

Mệnh lệnh nhận lấy thịt và máu của Chúa Giêsu đưa ra thật rõ ràng, nếu chúng ta cảm thấy thoải mái khi cho rằng Chúa Giêsu chỉ muốn gợi ý theo nghĩa đen. Mặt khác, nếu tất cả lời nói của Chúa Giêsu được hiểu theo nghĩa đen thì chúng ta sẽ tìm thấy đâu đó một số câu trích dẫn xem ra kỳ quặc, nếu không nói là tối nghĩa, ngay cả mâu thuẫn.

Vì vậy, không thể là nghĩa đen, nếu chỉ là mệnh lệnh mà thôi thì không xác nhận được cách giải thích theo nghĩa đen về cảm nghiệm Rước Mình Thánh Chúa của đạo Công giáo. Nhưng chính là những gì xảy ra sau lời truyền phép. Trong bài giảng Bánh Hằng Sống của Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với những kẻ theo Người: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống đời đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.  Vì thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống” (Gn. 6:54-55).
Nếu ai nói nguyên câu văn như thế vào thời điểm này, quý vị có thể cho rằng người đó mắc bệnh điên, hoặc ít nhất tâm trí không bình thường. Phản ứng của dân Do Thái vào thế kỷ thứ nhất cũng gần như vậy: “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui,  không còn đi với Người nữa.” (Gn. 6:66). Không phải những người chỉ trích mà chính những kẻ theo Người đã quay lưng khi nghe mệnh lệnh kỳ quặc này.

Ngơ ngác, hoặc bị rối trí trước câu nói lạ lùng đó, một người am hiểu bình thường có thể cho rằng Chúa Giêsu thực sự có ý như những gì Người nói nhưng lại cho phép hiểu sai ý nghĩa của từ ngữ “thân thể.” Xét cho cùng, “cơ thể” (body) có thể ám chỉ nhiều thứ: một cơ thể của nước, một cơ thể của con người, một xác chết, một cá nhân, một tập hợp các bài viết, các lời nói. Có lẽ khi Chúa Giêsu nói: “Hãy lấy mình Thầy mà ăn,” Chúa muốn nói đến việc tiếp nhận những lời giảng dạy của Người và đem ra thực hành, hoặc học những câu kinh điển của Người để làm giàu kiến thức.
Và đây là điểm trắc trở về dịch thuật.

Phúc âm Gioan ban đầu được viết bằng tiếng Hy Lạp. Trong tiếng Hy Lạp, có hai chữ ám chỉ thân xác. Chữ soma (body) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “thân thể, cơ thể” và được sử dụng ở một vài trường hợp trong Tân Ước để chỉ một tập hợp của các tín hữu hoặc cộng đồng Giáo hội. Nhưng trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu dùng chữ sarx (flesh), có nghĩa như “xác thịt.” Trong khi soma có thể đề cập đến một cơ thể theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng, sarx đặc biệt đề cập đến thịt động vật hoặc thịt người1 . Chúng ta đều biết ăn thịt động vật (thức ăn) được chấp nhận nhưng ăn thịt người thì chắc chắn bị xã hội lên án. Hiểu được sarx thì hiểu rõ Chúa Giêsu thực sự muốn các môn đệ ăn thịt của Người chứ không chỉ tiếp nhận những lời dạy của Người mà thôi.


Lý giải theo Triết học 


Nhà triết học vĩ đại Plato có cả một hệ tư tưởng về hình dạng và vật chất. Ông tin rằng “hình thức” của một sự vật là bản chất của nó. “Vật chất” chỉ đơn thuần là cách chúng ta hiểu về hình thức hoặc bản chất của một sự vật. (Hình có ba cạnh là hình dạng hoặc ý tưởng của một hình tam giác; hình vẽ của một tam giác là hình ảnh đại diện hữu hình, hoặc vật chất, qua đó chúng ta hiểu được hình dạng.)

Aristotle giải thích bản thể học (ontology) thông qua thực thể (substance) và các phụ thể    (accidents). Thực thể của một sự vật là điều cần thiết cho định nghĩa của nó; các phụ thể của góp phần tạo nên bản chất nhưng không cần thiết cho sự hiện hữu của sự vật. Các cạnh phẳng là một phần bản chất (định nghĩa) của cái hộp vuông hoặc hộp chữ nhật (mặt phẳng nên không thể gọi là hộp tròn; nếu có mặt cong thì gọi là hộp hình cầu), nhưng chất liệu của hộp (bìa cứng, gỗ, kim loại) là phụ thể.

Áp dụng những ý tưởng đó vào việc Rước Lễ, có một điều bất thường xảy ra trong Bí tích Thánh Thể, ở đó các phụ thể không ăn khớp với bản chất của thực thể. Thông thường chúng ta nghĩ: “Nếu nó trông giống con chim và hót như chim thì chắc chắn nó là con chim.” Trong trường hợp Bí tích Thánh Thể, nó trông giống như mẩu bánh, có cảm giác như bánh và có mùi vị như bánh, nhưng thực ra nó là thịt của Chúa Giêsu Kitô. Khi vị linh mục đưa mẩu bánh lên, mọi người đều thấy miếng bánh chứa đựng những phụ thể của bánh, nhưng đức tin cho người Công giáo biết rằng thực chất, hay bản chất của mẩu bánh, là Thiên Chúa.
Vì vậy, người Công giáo không loạn trí hoặc ảo giác về một hình ảnh thiêng liêng của mẩu thịt khi họ lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Mọi người đều hiểu rằng những thứ đang ăn và uống có hình dáng và mùi vị giống như bánh và rượu vang. Tuy nhiên, về mặt tâm linh, người Công giáo tin rằng ngay chính thời điểm biến thể, khi lời nguyện của linh mục xin Thiên Chúa ngự xuống và hiện diện trong bánh, bánh và rượu biến đổi về bản chất, từ bình thường đến thiêng liêng, trong khi phụ thể vẫn không thay đổi, kể cả đặc tính vật lý cũng không.


Lý giải theo tính Hợp Lý


Giáo dân Công giáo, cũng như các tôn giáo khác, tin rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn tri và đầy yêu thương. Giáo dân Công giáo cũng tin rằng Thiên Chúa là một đấng thiêng liêng, nghĩa là Ngài không có thể xác và không được tạo thành từ vật chất. Đấng toàn năng mang các đặc tính của vật chất trong thời gian Nhập Thể – khi Thiên Chúa mang lấy xác phàm của con người – nhưng Thiên Chúa đã tồn tại trước thời điểm đó và Ngài hoàn toàn là đấng thiêng liêng, không có vật chất.

Tuy nhiên, con người vừa là sinh vật tinh thần vừa là sinh vật thể xác. Chúng ta có cơ thể – vật chất. Người Công giáo tin rằng con người cũng có linh hồn, bao gồm bản tính tâm linh. Khi người Công giáo cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích hoặc các nghi thức phụng tự khác, họ tin rằng họ đang kết nối tinh thần với Thiên Chúa, duy trì mối quan hệ tâm linh. Vấn đề là trong mọi sự quan hệ khác của con người, chúng ta đều liên hệ với những người khác bằng cách sử dụng các bộ phận trên thân thể của mình. Nét mặt, ngôn ngữ cơ thể, sự đụng chạm – tất cả các phương cách này giúp chúng ta giao tiếp và tạo ra những kết nối có ý nghĩa với người khác.

Nếu Chúa là Đấng đầy yêu thương, tại sao Ngài không liên hệ với những tạo vật theo cách như người với người đề cập trên? Thưa không thể, vì Ngài không còn mang hình hài của loài người như lúc Nhập Thể.

Điều này đưa chúng ta trở lại với Bí tích Thánh Thể. Người Công giáo tin rằng trong Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa ban cho một kinh nghiệm siêu nhiên, trong đó, bất chấp tính hợp lý, Ngài mặc lấy hình dạng vật lý, trong sự đơn sơ và khiêm nhường của bánh và rượu thông thường, để con người có thể gặp Ngài một cách thể lý, thường xuyên, trong Thánh Lễ hoặc thậm chí trong lúc Chầu Thánh Thể.

Chúa Giêsu của lịch sử không thể gần gũi với con người mãi mãi qua xác phàm Người đã chấp nhận mặc lấy hai nghìn năm trước. Vì vậy, người Công giáo có thể hiểu Bí tích Thánh Thể như một giải pháp sáng tạo, huyền bí, thánh thiêng, mang lại sự kết nối thể lý giữa Thiên Chúa với dân của Người.


Lý giải theo Phép Lạ


Nói đến phép lạ Thánh Thể thì vô vàn2 . Những người hoài nghi cho rằng vào thời xa xưa con người dùng tôn giáo để giải thích các hiện tượng trong thiên nhiên ngoài tầm hiểu biết và ngày nay khoa học hiện đại đều có câu trả lời thỏa đáng. Họ còn cho rằng những câu chuyện lý thú theo thời gian có thể trở thành truyền thuyết, cường điệu hóa và không chính xác vì tam sao thất bổn. Trên thực tế, các phép lạ về Thánh Thể được ghi chép cẩn thận, và được nhìn nhận từ lâu. Xin ghi lại một vài phép lạ tiêu biểu.

Cổ xưa nhất có lẽ là phép lạ xảy ra tại Ivorra, Tây-ban-nha vào năm 1010. Cha Bernat Oliver, thuộc giáo xứ Ivorra, trong lúc dâng lễ nghi ngờ sự Hiện Diện Thật Sự Chúa Giêsu trong hình bánh, lập tức rượu hóa thành Máu Thánh và đổ tràn sang khăn thánh, chảy xuống đất3 . Các chứng tích được lưu giữ tại nhà thờ Thánh Cugat, và hàng năm giáo dân hành hương về Ivorra vào Chủ nhật thứ hai Phục Sinh để tôn kính phép lạ cả thể này.

Phép lạ xảy ra tại làng Bettbrunn, nước Đức vào năm 11254. Chủ nông trại Viehbrunn rất kính yêu Thánh Thể. Trang trại của ông cách nhà thờ vùng Tholling quá xa nên ông không thể tham dự thánh lễ hàng ngày được. Ông bèn nghĩ cách đánh cắp Mình Thánh mang về nhà để chiêm ngưỡng. Ông khoét lõm đầu chiếc gậy cầm tay, vừa vặn giấu Mình Thánh bên trong, và có nắp đậy bên trên. Mỗi ngày ông cắm chiếc gậy xuống đất và quỳ cầu nguyện. Một ngày kia, khi cầm gậy lùa vài con vật tách khỏi bầy, ông lỡ tay ném chiếc gậy xuống đất. Nắp bật ra và Mình Thánh rơi xuống đất. Chỉ là miếng bánh nhỏ, thế mà ông không tài nào cầm lên được. Quá hoảng hốt, ông cho mời một cha trong vùng Tholling và vị linh mục cũng không thể nào nhặt lên được. Đến lượt Đức Giám mục (ĐGM) Hartwich giáo phận Regensburg đến chứng kiến sự kiện lạ lùng này. ĐGM cũng không tài nào cầm Mình Thánh lên. Cho đến khi ĐGM hứa sẽ xây một nhà nguyện ngay tại chỗ Mình Thánh rơi và cuối cùng Ngài nhặt lên được. Nhà thờ Thánh Salvatore được xây dựng tại Bettbrunn để tôn vinh phép lạ này.

Ngay trong thời đại văn minh tân tiến hiện nay, phép lạ Thánh Thể vẫn xảy ra để thuyết phục những ai còn hoài nghi. Có bốn phép lạ Thánh Thể nổi tiếng được ghi nhận chỉ trong 23 năm qua. Cho đến nay, khoa học hiện đại vẫn chưa thể đưa ra lời giải thích thỏa đáng, khiến các Giám mục Công giáo xem những sự kiện này mang tính siêu nhiên.

- Vào năm 2014, tại Legnica, Ba Lan, một Mình Thánh được xét nghiệm có chứa cơ tim, bao gồm các dấu hiệu cho thấy nghẽn mạch máu tim5 .

- Năm 2008, tại Sokólka, Ba Lan, một Mình Thánh khác bị hòa tan trong nước và biến thành máu. Cấu trúc phân tử của mô tim đan xen xung quanh vết máu theo cách mà các nhà khoa học không thể tái tạo được6 .

- Năm 2006, tại Tixtla, Mexico, một Mình Thánh được khảo nghiệm ba tháng sau khi xuất hiện các vết đỏ. Các xét nghiệm xác nhận sự hiện diện của mô tim sống7 .

- Năm 2001, tại Chirattakonam, Ấn Độ, sau khi chầu Thánh Thể, một linh mục và những người khác trong phòng nhận thấy ba chấm đỏ. Trong tuần tiếp theo, các chấm đỏ lan rộng thành một hình ảnh – hình trông rất giống khuôn mặt Chúa Kitô8 .

Tất cả những hiện tượng này xảy ra gần đây, gần hơn sự ra đời của điện thoại di động và gần đây hơn khi “google” trở thành một động từ. Đây không phải là những câu chuyện hay truyền thuyết của những bà vợ ngồi kháo chuyện với nhau, nhưng là những tình huống được ghi chép đầy đủ với các dữ kiện và bằng chứng thể lý có thể kiểm chứng được. Các hiện tượng Thánh Thể này được xét nghiệm kỹ lưỡng, bằng công nghệ tiên tiến và qua các cuộc điều tra khách quan (trong đó các nhà khoa học phân tích mẫu vật không biết mẫu vật là gì hoặc nó đến từ đâu).

Trong mỗi tình huống nói trên (và trong những tình huống khác trước đó cũng được xét nghiệm), các nhà khoa học phát hiện các mẫu vật chứa DNA của con người, máu người (nhóm máu AB như mọi người) và mô tim từ tâm thất trái của một người bị viêm, trái tim của một người đau khổ. Nghe thật khó tin, phải không quý vị? Nhưng đó là sự thật.

Ăn thịt đồng loại chắc chắn không thể nào chấp nhận được, nhưng bây giờ có vẻ như người Công giáo đang làm một điều gì đó đáng kinh ngạc hơn nhiều: cuộc gặp gỡ thần linh qua hình dạng thể lý.
Trong mùa Chay này, một lần nữa, chúng ta cần xác tín sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Khi cảm nhận được Thiên Chúa hạ mình đến với loài người trong hình Bánh và Rượu, chúng ta tham dự thánh lễ sốt sáng hơn, rước lễ kính cẩn hơn, cầu nguyện tha thiết hơn, vì chính Chúa đang chờ chúng ta. Ít nhất, trong tuần Thánh sắp đến, ngày Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu, chúng ta đến an ủi trước ngày Người bị treo trên cây thập tự để cứu chuộc nhân loại.

Để hiểu rõ hơn về sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, xin giới thiệu đến quý vị tập sách mỏng do chính ĐGM Robert Barron soạn9 . Vỏn vẹn trong 3 chương, ngài phân tích và biện giáo dựa trên Kinh Thánh về Mình Thánh Chúa Kitô. Ngài cũng dẫn chứng kiệt tác Summa Theologiae của thánh tiến sĩ giáo hội Thomas Aquina; trong Phần 3 bàn về các Bí tích, và Bí tích Thánh Thể là một, đặc biệt câu hỏi 75 bàn về sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Một cuốn sách rất đáng nghiền ngẫm trong mùa Chay này.

 

 Hạ Ngôn 

 

1https://thecontentauthority.com/blog/meat-vs-flesh

https://www.therealpresence.org/eucharst/mir/engl_mir.htm

http://www.miracolieucaristici.org/en/download/ivorra.pdf

https://www.deepertruthcatholics.com/single-post/2016/12/14/The-Guardian-Angel

https://www.ncregister.com/news/polish-eucharistic-miracle-in-legnica

https://aleteia.org/2017/09/23/the-eucharistic-miracle-of-sokolka-the-host-is-tissue-from-heart-of-a-dying-man/

https://www.ncregister.com/features/three-eucharistic-miracles-which-cases-have-undergone-the-most-extensive-scientific-analysis

https://therealpresence.org/eucharst/mir/english_pdf/Chirattakonam.pdf

https://bookstore.wordonfire.org/products/this-is-my-body

 

 

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.