13. VÌ TÔI MUỐN TIN KINH THÁNH VỚI LÝ DO VỮNG MẠNH NHẤT
Thánh Augustinô nói: “Tôi không tin Kinh thánh nếu thẩm quyền của Giáo hội không thúc đẩy tôi tin như thế.” (trả lời lá thư của Mani mang tên “Nền Tảng”)
Giáo hội đã viết Kinh thánh và xác định (liệt kê vào quy điển) Kinh thánh. Nghĩa là, Giáo hội là nguyên nhân chính thức và hiệu dụng của Kinh thánh. Thế thì, làm thế nào mà một nguyên nhân (Giáo hội) sai lầm lại dẫn đến một kết quả (Kinh thánh) không thể sai lầm?
Lịch sử chứng minh rằng tất cả những ai phủ nhận thẩm quyền không thể sai lầm của Giáo hội cuối cùng cũng phủ nhận thẩm quyền không thể sai lầm của Kinh thánh. Khoảng một nửa số người Tin lành đã đi theo con đường đó và trở thành những kẻ theo chủ nghĩa hiện đại. Nửa còn lại cuối cùng cũng đi theo con đường đó. Kinh thánh và Giáo hội là một “kết hợp tuyệt vời”, bởi vì cả hai là phạm trù nhân quả, như cha với con hoặc con gà và quả trứng.
12. BỞI VÌ TÔI MUỐN TIN NHỮNG ĐIỀU MÀ CHÚA GIÊSU DẠY, KỂ CẢ CÁC TÔNG ĐỒ VÀ NHỮNG NGƯỜI KẾ VỊ CŨNG NHƯ MỌI GIÁO DÂN THIÊN CHÚA GIÁO TRÊN TRẦN GIAN TIN TRONG MỘT NGHÌN NĂM TRĂM NĂM QUA.
Tôi muốn tin những điều tất cả các giáo dân đã tin cho đến khi “những người cải cách” Tin lành bắt đầu chặt bỏ các nhánh của cây Đức tin Công giáo – những lẽ thật mà tất cả các giáo dân đã tin trong hơn năm mươi thế hệ:
• Quyền năng giảng dạy thiêng liêng, vì thiêng liêng nên Giáo hội không thể sai lầm khi tuân theo Truyền thống tông truyền, kho Ký thác Đức tin được truyền lại từ Đức Kitô; nghĩa là, khi Giáo hội dạy thần học hoặc đạo đức từ ngai giáo hoàng (từ ghế Phêrô) luôn tuân theo những gì giáo dân đã tin từ thuở ban đầu (không phải sola scriptura, chỉ một mình Kinh thánh có thẩm quyền tối hậu, theo tín lý Tin lành)
11. VÌ NHỮNG DANH TỪ
Trong văn chương, thật dễ dàng dùng các động từ và tính từ và động tính từ. Nhưng khi dùng danh từ thì phải luôn đi kèm với sự thật.
Hãy mường tượng kích thước và trọng lượng của những danh từ dùng trong thần học của Giáo hội Công giáo: Cha, Con, Thánh Thần, Thiên Chúa, Con Người, Bất Diệt, Thời Gian, Thiện, Ác, Vua, Nước Trời, Quyền Năng, Vinh Quang, Thiên Đàng, Hỏa Ngục, Luyện Ngục, Thân Xác, Máu, Linh Hồn, Bất Tử, Thiên Thần, Ma Quỷ, Đức Tin, Hy Vọng, Bác Ái, Cứu Độ, Tội Lỗi, Sự Sống, Cái Chết, Thánh, Đấng Cứu Thế, Chúa.
Ai? Ai dám đưa ra những danh từ như vậy?
10. VÌ CHỈ CÓ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO MỚI CÓ THỂ CỨU NỀN VĂN MINH NHÂN LOẠI KHỎI SỰ HỦY DIỆT VỀ TINH THẦN VÀ VẬT CHẤT
Thân xác – kể cả các nền văn minh nhân loại – sẽ theo linh hồn đến bất cứ nơi nào con người đến, cả đời này và đời sau, Thiên đàng hay Hỏa ngục. Bất cứ điều gì tốt trong nền văn minh sẽ được biến đổi và lưu lại trên Thiên đàng. Bất cứ điều gì không tốt, sẽ bị loại bỏ.
• Giáo hội Công giáo là Giáo hội chắc chắn duy nhất trong lịch sử, ngoại trừ dân tộc Do-thái, mà chúng ta biết vẫn tồn tại khi Chúa Giêsu giáng lâm lần thứ hai và lịch sử kết thúc, cho dù một triệu năm kể từ bây giờ. Và khi Chúa Giêsu đến, Ngài sẽ cưới Giáo hội (Kh. 21:2); và Ngài không phải là một người đa thê: Ngài sẽ không kết hôn với một hậu cung hai mươi nghìn giáo hội, nhưng chỉ cưới mỗi Giáo hội Công giáo mà thôi.
9. VÌ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO KHÔNG PHẢI LÀ MỘT TỔ CHỨC CỦA ĐỨC KITÔ NHƯNG CHÍNH LÀ NHIỆM THỂ CỦA NGÀI
Tôi là người Công giáo vì Đức Kitô thiết lập Giáo hội và ban Giáo hội cho tôi qua mối liên hệ về lịch sử và thời gian với Ngài. Nếu không có mối liên hệ, sợi dây liên kết với sức mạnh thần thánh vô hạn, linh hồn sẽ chết. Chúng ta nhận được sự sống của Ngài, Máu Thánh của Ngài, qua giòng sữa Bí tích Thánh Thể của Giáo hội. Theo nghĩa đen, Thánh Thể kết hợp chúng ta vào nhiệm thể của Ngài.
Chúng ta cũng nhận được thần trí của Chúa Giêsu qua lời dạy của Giáo hội. Những tín điều không thể sai lầm chỉ có thể sinh ra từ tâm trí không thể sai lầm, tâm trí thánh thiêng. Nhưng giáo huấn không cứu chúng ta; giáo huấn chỉ là kim chỉ nam giúp chúng ta đi đúng hướng. Không như Plato và Đức Phật, Chúa Giêsu đã cứu chúng ta không phải bằng lời nói "Đây là tâm trí của ta" mà là, "Đây là thân xác của ta." Và không phải chỉ bằng lời nói mà bằng cả việc làm, là trao ban thân xác của Ngài cho chúng ta, trên Thập giá, và trong Bí tích Thánh Thể, và trong Giáo hội. Đó là cùng một thân xác nhưng ở ba nơi: Thập giá, Thánh Thể, và Giáo hội.
8. VÌ CÁC NGÔI THÁNH ĐƯỜNG
Ngôi Thánh đường là phép màu kỹ thuật công nghệ, đi trước thời đại hàng thế kỷ. Với những đà ngang treo lơ lửng, chúng trông giống như con tàu vũ trụ. Thánh đường nâng thần trí lên cao. Điều kỳ diệu là Thánh đường vẫn nằm yên trên mặt đất.
Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu vào một buổi sáng đẹp trời, tất cả ngôi Thánh đường chắp cánh bay về Thiên đàng. Thánh đường không chỉ đẹp; mà còn mang vẻ thánh thiêng. Thánh đường là kiến trúc gần đúng nhất với nghĩa Thiên đàng mà con người may mắn được chiêm ngắm ở trần gian.
Thánh đường tồn tại chỉ vì một lý do: là ngôi nhà không phải cho con người mà cho Thiên Chúa, cho Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa nhập thể, Đấng thực sự hiện diện ở đó trong Bí tích Thánh Thể. Những người Tin lành không xây Thánh đường, họ dựng nhà thờ, hoặc nếu có xây, cũng chỉ là bắt chước Công giáo.
7. VÌ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO LUÔN ĐÚNG VỀ TẤT CẢ MỌI ĐIỀU GIÁO HỘI KHẲNG ĐỊNH LÀ KHÔNG HỀ SAI
Tất cả những gì Giáo hội Công giáo nói không thể sai thì, đúng như thế, chắc chắn không thể sai. Nguyên lý này đúng ngay cả khi những người khác sai. Đặc biệt những điều sau đây:
• Giáo hội đúng, như thánh Augustinô biện luận, về sự liên hệ giữa Giáo hội và Thế quyền. Theo ngài, thực thể của Giáo hội và Thế quyền như hai thái cực, hai “thành trì,” một bên là những người tin vào Chúa, bên kia là những kẻ không tin. Dân chúng của hai thành trì có chung bản tính, cùng nhu cầu và giá trị, như công lý và trật tự và luật lệ cũng như của cải tự nhiên, và chính những điểm chung này đã ràng buộc Giáo hội với Thế quyền, làm nền tảng cho lòng trung thành của Giáo hội đối với Thế quyền. Nhưng hai bên lại đối nghịch về điều tốt đẹp tối hậu của con người, và như thế Giáo hội sẽ không thay đổi các chuẩn mực, cho dù phải trả bằng giá tử vì đạo. Khi Thế quyền trở thành một tôn giáo, Giáo hội sẽ lập tức đối đầu.
6. VÌ CÙNG MỘT LÝ DO NHƯ G. K. CHESTERTON: XIN ƠN THA TỘI
Hầu như các Giáo phụ đều gọi Giáo hội là “hòm bia” – hòm bia cứu độ. Gia đình Nô-ê chẳng phải gia đình thánh nhưng ông lại hiểu vật thánh quan trọng thế nào nên đưa hòm bia lên tàu.
Nhưng tại sao chúng ta cần Giáo hội để tội lỗi của chúng ta được tha? Bởi vì Đức Kitô đã hứa, không phải cho tất cả các môn đệ của Ngài mà chỉ riêng cho các tông đồ (khi phong chức cho những người kế vị qua bí tích Truyền Chức bằng “việc đặt tay”), khi các tông đồ tha tội cho ai dưới đất thì trên trời cũng sẽ tha cho người đó, (xem Ga. 20:23; Mt. 16:19).
Khi tôi vào tòa giải tội, tôi trở thành một người căn bản chính thống, hoặc ít nhất là một người bảo thủ: Tôi phải hoàn toàn chắc chắn rằng phép lành tha tội của vị linh mục, không phải nhân danh ngài nhưng nhân danh Chúa Giêsu, đúng theo nghĩa đen và được bảo đảm về mặt thánh thiêng. Nếu cảm thấy không cần điều đó, thì quý vị là một kẻ khờ dại (khi đi xưng tội) hoặc một người tốt lành hơn các vị thánh (không cần xưng tội).
5. VÌ THỰC TẾ GIÁO HỘI CHƯA BAO GIỜ HẠ THẤP CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC, CŨNG NHƯ KHÔNG HỀ THAY ĐỔI GIÁO HUẤN
Giáo lý Công giáo luôn trong sáng cho dù người rao giảng đôi khi không trong sạch. Ngay cả khi các giáo hoàng Borgia không những không yêu người nghèo mà còn lợi dụng và áp bức họ vì tham lam của cải, Giáo hội vẫn tiếp tục rao giảng luật của Chúa Giêsu là yêu người nghèo, và lời Ngài nguyền rủa những kẻ áp bức và tham lam.
Nhưng tội lỗi và ngớ ngẩn của Giáo hội là gì? Điều gì trong số những kẻ đáng khinh lợi dụng danh nghĩa Giáo hội “điều hành” công việc “kinh doanh” rất trần tục này? Một trong những giám mục đầu tiên là Giuđa Iscariốt! Và cho đến nay, vẫn có một số giám mục sẵn sàng thỏa hiệp với cái ác, những kẻ chỉ quan tâm đến danh tiếng hơn là sự đau khổ của những đứa trẻ bị lạm dụng tình dục. Hầu hết các giám mục và linh mục là những người tốt và ngay thẳng, nhưng chỉ có một số rất ít dũng cảm và là thánh nhân.
4. VÌ ĐẠO CÔNG GIÁO DO THIÊN CHÚA THIẾT LẬP, KHÔNG DO LOÀI NGƯỜI ĐẶT RA
Giáo hội Công giáo là món quà từ Thiên Chúa qua mạc khải thiêng liêng của sự thật, ban cho chúng ta với quyền năng thiêng liêng chứ không hề từ quyền lực con người. Món quà tha thứ và cứu độ cũng đi kèm với quyền năng thiêng liêng của Thiên Chúa.
Niềm tin đó cũng giống như niềm tin của người Do-thái rằng họ là “dân riêng Chúa chọn”. Có thể đúng hoặc sai. Nếu lời khẳng định đó đúng, thì giải thích được sự sống còn, tính độc đáo, thành tựu và trí tuệ của họ. Đây là cách giải thích khiêm tốn nhất về các đặc tính của dân Do-thái nhưng rõ ràng Chúa ban cho họ, không phải do họ tạo ra. Nếu hiểu cách khác – đó không phải là do Chúa ban cho mà là do chính họ – thì đây là lời nói dối kỳ thị kiêu ngạo, tự cao tự đại nhất mà chưa một dân tộc nào dám khẳng định như vậy. Đây cũng là điều phạm thánh vì toàn bộ thánh thư Cựu ước của họ các tiên tri đều nói, “Chúa phán như vậy”, hóa ra chỉ là lời nói của con người, chẳng phải của Giavê.