Xin gởi đến Hà Quang lời cảm ơn về những góp ý và giúp đỡ kỹ thuật của bạn trong tất cả các bài viết của Thiên Thuỷ.

Nhi dốt toán khi còn học trung học, có phải vì thế mà Nhi không biết tính toán cho đời mình, cứ sống như đi dạo chơi gặp vui thì cười gặp buồn thì khóc. Vì thế mà NHI có bầu em bé cùng thời gian với chị hai của NHI và cả mẹ NHI. Mẹ hai mươi năm không sinh nở gì nữa, bỗng nhiên lại có bầu ! ơ, dù sao mẹ vẫn trẻ lắm, và cũng muốn có một đứa con trai.

Thế là một loạt em bé được chào đời sít soát nhau, có đứa cách nhau chỉ mười ngày, cứ gọi là những em bé đã cùng ra núp dưới dãy số một ngàn chín trăm bảy mươi lăm không hẹn ước. Giây phút ban đầu NHI lúng túng với em bé, Nhi thấy lạ lạ làm sao ! cũng may nhờ có cô THU cùng chỗ làm việc với chồng NHI đến thăm và chỉ vẽ, ai cũng hỏi cô bạn của chồng ấy là ai, thì là bạn chứ ai !



Bây giờ NHI nằm chèo queo không có ai rảnh để chăm sóc NHI, mẹ con NHI như hai con chó nhỏ ốm đói, nhìn buồn như chưa được ăn điểm tâm sáng. Buổi sáng chồng NHI đặt nồi cơm lên bếp dầu hôi rồi đi làm, NHI không thích bếp dầu hôi vì NHI ngửi thấy mùi dầu trong cơm, nhưng cũng còn hơn đã có lần NHI ngồi ôm cây củi mà khóc vì không biết làm sao cho củi cháy lên. Một tuần lễ trong nhà bảo sanh NHI có đủ sữa cho em bé bú vì NHI được ăn cơm canh đầy đủ, bây giờ NHI một mình với nồi cơm cứng queo, nguội ngắt, nấu một lần ăn một ngày và chẳng có gì để ăn với cơm, thức ăn chính là trứng đủ kiểu và trái dưa leo. Bây giờ NHI không còn sữa thì em bé phải bú bình với sữa đặc có đường.

Thế cũng tạm ổn, NHI còn một ít tiền đã mua hết sữa để dành cho con, NHI không quan tâm đến tiền, tiền nằm ở chỗ hàng hoá của NHI, vài tháng nữa NHI ra chợ bán thì lại có tiền. Chồng của NHI không thích làm kỹ sư luyện kim nữa, anh thích thể thao nên chuyển hẳn sang làm ngành thể thao, anh đi làm như đi chơi, mà đi chơi thì đâu có ra tiền ! cũng không sao vì có NHI lo hết. Anh hay đi chơi với cô THU, NHI biết cô ấy rồi, cô THU da đen hay mặc áo quần thể thao nhiều màu.

Sáng hôm ấy ông tổ trưởng tổ dân phố đứng trong con hẻm nói to cho mọi người nghe: ai mua nhu yếu phẩm thì đóng năm ngàn đồng. Đã gọi là nhu yếu phẩm thì cần lắm, những thứ dùng hàng ngày như đường sữa bột ngọt xà bông kem đánh răng. NHI chợt nhớ ra nhà đã hết tiền rồi, bây giờ mới thấy NHI dốt làm toán tai hại thế nào, không chỉ hôm nay mà còn những ngày tháng sắp đến NHI và gia đình nhỏ của cô sẽ làm sao ? NHI không nghĩ nữa, cùng lắm là NHI đi ra chợ bán hàng, nhưng không biết đứa con còn đỏ hỏn thế kia NHI bỏ vào đâu !?

Nhi lại nghe tiếng ông tổ trưởng dân phố gọi đóng tiền mua nhu yếu phẩm, ông không cần đến từng nhà, cứ đứng giữa con hẻm nhỏ vừa lọt chiếc xích lô mà gọi thì mọi người đều nghe rõ. Khu dân cư này nhà san sát nhau, nếu NHI mở cửa sổ bên hông nhà thì có thể nói chuyện với nhà bên kia, ơ ! hay là để NHI mượn nhà bên kia năm ngàn đồng đóng tiền mua nhu yếu phẩm nhỉ ? như thế thì xấu hổ lắm vì từ bé đến giờ NHI chưa từng như thế, thôi quên việc mua nhu yếu phẩm đi! nhưng ông tổ trưởng nói chỉ có năm ngàn mua được nhiều hàng hoá lắm, riêng một lon sữa đặc có đường, thứ mà con của NHI đang bú đã năm ngàn đồng nếu mang ra chợ bán. Đầu óc chợ búa của NHI làm một bài toán nhanh, chỉ với năm ngàn đã có một lon sữa xem như đã lấy lại vốn, các thứ còn lại là lãi, nếu NHI bỏ qua rất uổng phí. Nhưng lấy đâu ra tiền vốn bây giờ ?

NHI quyết định không xấu hổ, cô phải vay nhà hàng xóm năm ngàn. NHI mở cửa sổ bên hông nhà, nhìn sang nhà bên cạnh, chị hàng xóm cũng có em bé, chị đang cho em bé bú sữa mẹ, NHI thấy lòng buồn rã rượi vì NHI đã bị cạn nguồn sữa mẹ rồi. Chị hàng xóm ngước nhìn NHI : có chuyện gì không thím ? Nhi thấy rối bời trong lòng, lắc đầu nói không có chi. NHI đóng cửa sổ, lên giường nằm trùm chăn, khóc. Trong lúc khóc NHI nghe tiếng chị hàng xóm ru con, ù ơ... gió lạnh lùng lấy cái mùng đắp đỡ... để áo cho chàng mặc ở mùa thi... NHI nghĩ đến chàng của NHI, chẳng biết anh đang làm gì với những môn thể thao của anh, những thứ mà chẳng nên cơm gạo gì cho vợ con ! Tiếng ông tổ trưởng gọi đóng tiền lại vang lên ra rả, sao ông cứ gọi mãi thế nhỉ ? chắc vì còn thiếu NHI ? Đầu óc dốt toán của NHI hôm nay thông minh lạ ! cứ tính nhanh mãi bài toán năm ngàn đồng- lon sữa- và các thứ còn lại. NHI lại quyết định mở cửa sổ nhìn chị hàng xóm lần thứ hai, NHI vẫn thấy xấu hổ lắm, lại đóng cửa sổ vào, rồi lại mở cửa sổ ra lần thứ ba, thứ tư... đáp số của bài toán năm ngàn là NHI ngồi khóc. NHI cần khóc thêm cho sự khờ dại đến mức thánh thiện của mình khi bước chân vào cuộc sống gia đình.

NHI nghĩ ra đáp án khác cho bài toán năm ngàn, NHI sẽ mang một lon sữa của con ra chợ bán, thì ra NHI vẫn thông minh lắm ! nhưng làm thế nào NHI đi chợ được khi đang vướng em bé ? NHI quyết định bế con đi chợ. Em bé rất xinh, da trắng ngần, môi đỏ, những sợi tóc đen viền quanh khuôn mặt thiên thần, em bé nằm ngủ yên trong tay NHI, NHI lấy thêm khăn lông quấn cho em bé mới được hơn mười ngày tuổi. NHI mặc áo len, mang vớ, lấy bông gòn nhét lỗ tai và trùm khăn voan lên đầu, NHI bế con trên tay kẹp theo cái nón lá che nắng cho em bé. NHI bế con đi ra cửa mà cảm thấy có gì đó rất lỏng lẻo bất ổn, cô lại đi trở vào nhà. Người ta nói phụ nữ sau khi sinh còn non ngày tháng khác nào con cua mới lột vỏ, lỏng lẻo và yếu ớt mong manh chẳng có gì để bảo vệ mình.

NHI buồn quá ôm con hát ru à ơi... con cò bay lả bay la... từ xưa người ta đã ví phụ nữ là một cánh cò chăm chỉ lặn lôi kiếm ăn và cô đơn. NHI nghĩ mãi về việc đi bán lon sữa, cô cho em bé ngủ yên và rón rén cầm nón đi một mình. NHI đi ra đầu ngõ, tần ngần đứng lại rồi đi trở về nhà, cô suy nghĩ lan man, cô sợ mình đi rồi nhỡ có... cháy nhà (!) thì ai bế con cô ra ? Bước vào nhà một lúc cô lại muốn đi ra chợ, NHI mặc áo len đội khăn đội nón bước ra ngõ, ra ngõ lại tần ngần đứng nghĩ vẩn vơ, sợ em bé nằm một mình sẽ khóc thì ai bế bé lên ? Ra ngõ và vào nhà mấy lần như thế, NHI thấy mình như đang độc diễn một vở kịch câm, nội dung chỉ có mở và đóng cửa sổ, bế con lên đặt con xuống, đi ra ngõ và đi vào nhà, một vở kịch rất tốn thời gian tốn nước mắt và phung phí nỗi buồn mà không có khán giả. Nghĩ đến thời gian NHI tự trách mình, nếu cứ cương quyết đi ra chợ thì đã xong việc rồi, từ sáng đến giờ em bé vẫn ngủ yên không khóc, và không có vụ cháy nhà nào.

Thế thì NHI lại đội nón đi ra ngõ, lần này cô cương quyết đi ra chợ, NHI cố bước nhanh và lẩm bẩm: sẽ chẳng có vụ cháy nhà nào, chẳng có em bé nào khóc khi mẹ vắng nhà. Trưa nắng cháy vàng hoe dòn tan từng góc phố, mới mươi ngày không ra đường NHI đã hấp háy nhìn thấy cái gì cũng lạ, con dốc đi lên cầu BÔNG như cao hơn, NHI đi hụt hơi thở hổn hển vẫn chưa qua hết con dốc, hay tại NHI đang là con cua lột mong manh lỏng lẻo không có gì chở che ? NHI cố đi nhanh còn mau về với con, có những giọt mồ hôi tuôn ra từ cơ thể, cô thấy mình như đang chảy hết nước trong người mà sao vẫn thấy lạnh, dù thế nào NHI cũng phải đi qua cầu, xuống dốc cầu và đến chợ ĐAKAO.

Ở ngay đầu chợ, người đàn ông bán hàng nhu yếu phẩm nhìn NHI và ấn cô ngồi xuống ghế, ông ta tuôn ra một hơi HUẾ dài nghe ngọt lịm : "trời ơi ! con cái nhà ai răng thả đi như ri ? O cần cái chi ? bán cái chi ? cần bao nhiêu tiền ? đẻ được mấy bữa rồi ? thôi đi về nhà đi đừng đi lung tung nữa hỉ ! ngó mặt xanh lè tề ! "

NHI lại đi như mơ, leo qua con dốc, lên cầu, xuống dốc, về nhà. Có người trong xóm cỡ tuổi NHI đi theo NHI vào nhà, cô này nói giọng nam : "chèng đéc ơi! hôm bửa tui đi ngang thấy cửa ngỏ nhà bà không khoá, tui tưởng bà đi đẻ dìa rồi, tui đi dô kêu tên bà mà té ngửa luôn! tui thấy thằng chồng bà nó ngồi sa-lông ôm con nào da đen mặc đồ thể thao màu mè..." Thật lạ quá! NHI nghe mà trong lòng không có cảm giác gì, NHI ờ ờ... mấy người đó chắc là bạn bè nhau. NHI vừa mới vất vả giải xong bài toán năm ngàn đồng, giờ đây lại có một bài toán da đen tên THU, nhưng sao NHI thấy bình tĩnh đến lạ lùng. Bài toán tên THU coi vậy mà NHI giải quá dễ, không băn khoăn không nức nở, không mở cửa sổ ra đóng cửa sổ vào, không thả xuống bưng lên, không đi ra ngõ tần ngần lại đi vào nhà, không sợ cháy nhà, không có ai phải khóc.

Vài tháng sau đó NHI nhận được một lá thư chồng viết để trên gối NHI nằm, nội dung thư: anh thấy NHI vất vả, cho anh mang cô THU về nhà chia sẻ gánh nặng cơm áo và con cái của NHI. NHI bỏ lá thư vào bao gối, cô sẽ cất thư này cho con mình xem khi nó lớn khôn. Bài toán tên THU là một dòng điện cao thế chạy ngang cơ thể NHI, NHI không chết chỉ cứng đơ khô cạn không ra giọt nước mắt nào. NHI chỉ còn hai chữ buông và đi.

NHI đã cố gắng đi, đi vào trong bóng đêm hãi hùng không định hướng đâu bến đâu bờ, đã ngồi ôm con trên mặt đất nhão sâm sấp nước lắng nghe tiếng vọng từ tương lai, nhưng chỉ có tiếng côn trùng tỉ tê một điệu nhạc nền cho con thú hoang thảng thốt kêu trong sương khuya. Đã có buổi hoàng hôn rất nhạt, NHI cõng con xuôi về phía biển, NHI đã ngập ngụa trong đám lau sậy sình lầy, lúc ấy NHI hiểu không chỉ có đêm đen làm con người cảm thấy cô đơn sợ hãi, mà giữa hoàng hôn màu nhập nhoạng đêm với đứa con cõng trên lưng NHI, nỗi cô đơn và sợ hãi còn gấp nhiều lần hơn.

Cuối cùng NHI đã bế con đi khỏi một nơi không bình yên một thời NHI và con đụt mưa đụt nắng. NHI có một con đường đi là con đường trước mặt, NHI đã bỏ lại tất cả và nhất quyết không buồn phiền, NHI biết buông những bài toán khó làm vướng víu đầu óc và bước chân NHI. Những sửa chữa và làm lại từ những đau thương quá khứ không phải là không hay không đẹp, NHI tin trong đời còn nhiều bài toán đố đến với NHI, không chỉ có vị đắng cay mà sẽ có nhẹ nhàng dịu ngọt chờ NHI. Có cả những bài toán đố kèm theo những bài thơ dành cho người dốt toán, những bài thơ màu tím.

THIÊN THUỶ

Tháng 1/2015
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.