Phóng tác theo bài giảng cuả một linh mục

Xinh nghiến răng nuốt trôi những giọt nước mắt tủi hờn và cố nén không bật lên tiếng nấc phẫn uất. Nhìn quanh, Xinh chỉ thấy lòng quạnh hiu với nỗi cô đơn cùng cực. Xinh đang chết dần mòn vì bà mẹ chồng bẳn tính, hay gắt gỏng đang sống chung với vợ chồng nàng. Thật đúng là bà già trời đánh thánh… đỡ. Nàng nghĩ thánh phải đỡ cho bà vì nếu trời đánh thánh đâm thì bà già mắc dịch đã chết ngắc từ lâu rồi. Qua Mỹ chưa đến một năm, bà mẹ chồng đã vào bệnh viện cấp cứu đến ba bốn lần; trong đó có một lần mổ vì chứng nhồi máu cơ tim. Vậy mà sau mỗi lần xuất viện, bà Tốt – tên bà mẹ chồng – lại khoẻ hẳn ra, ăn ngon ngủ kỹ thấy rõ và nhất là giỏi đay nghiến nàng hơn trước. Trời ơi! Nam tào sao không gạch tên bà ra khỏi sổ đoạn trường cho rồi, để bà sống làm gì mà khổ thân tôi thế này? Xinh cứ lẩm nhẩm than thân trách phận, thở vắn thở dài hỏi mãi một câu mà chẳng ai trả lời dùm nàng được.

Vì chồng, Xinh phải cố chịu đựng. Nàng biết Tạ rất yêu thương mẹ. Chẳng gì chàng là con út. Gia đình có sáu người con, năm bà chị mà theo lời chàng, hàng xóm thường gọi là ngũ long công chúa. Gia đình nào mà đẻ một hơi năm đứa con gái đều có phước lắm, gia đạo yên vui, làm ăn thịnh vượng. Ngũ long đâu không biết, chỉ biết ông Tốt thấp tha thấp thỏm vì không có một đứa con trai nối dõi. Con gái là con người ta, ông thường than thở với vợ. Bà Tốt cũng không biết làm thế nào để vừa lòng chồng. Đẻ thì đẻ bà đâu có ngán, đẻ năm đứa chứ đẻ chẵn chục mười hai bà vẫn đẻ như thường, đẻ thoải mái. Đẻ quen dạ nên chưa bao giờ bà tiếc… đẻ cả. Cỡ hơn năm mà bụng chưa thấy lớn là bà đã cảm thấy thiếu thiếu thế nào ấy. Có điều đẻ mãi vẫn ra con gái thì bà cũng sốt ruột. Đứa con đầu lòng thì không kể, trai hay gái cũng được. Đứa thứ hai vẫn còn hy vọng, đến đứa thứ ba nghe tin cái hĩm thì ông Tốt thở hắt ra một hơi cứ như sắp chết. Lần bà Tốt sanh đứa thứ tư, ông đứng lên ngồi xuống không yên ở cửa phòng sanh. Khi cô y tá ra cửa chúc mừng ông có thêm một đứa con gái nữa, đang đứng ông ngã ngồi xuống ghế cứ như bị trúng gió. Bà Tốt biết chồng thèm con trai, nên bà nóng lòng mang bầu từng hai năm một, cố sinh cho nhà chồng một đứa con nối dõi. Mỗi lần mang bầu bà lại hy vọng và mỗi lần sinh bà lại thất vọng. Mặc dù thất vọng nhưng bà vẫn tiếp tục thử thời vận, quyết không chịu thua số mạng. Khi bà mang bầu lần thứ năm, ông Tốt nghĩ cho dù con trai hay con gái đều tốt cả. Ông tính nếu là con gái thì ông có ngũ long, còn nếu là con trai thì nói sao cho hết nỗi vui mừng của ông, thoả nguyện niềm mơ ước và làm tròn bổn phận đối với tổ tiên. Vậy mà từ khi đứa con gái thứ năm ra đời, nhà ông đã có ngũ long, ông lại mắc chứng hay thở dài. Nghe tiếng thở dài của chồng, bà Tốt buồn não nuột. Bà ăn chay nhiều hơn trong tháng, thường bố thí cho kẻ nghèo, chăm cúng kiến ở các đền thờ, chùa chiền, ngay cả các nhà thờ bên Công giáo bà cũng không quản ngại niềm tin; tất cả không ngoài mục đích xin một đứa con trai thừa tự.

Ông Trời khá cay nghiệt với bà vì mãi đến hơn năm năm sau, bà Tốt mới mang thai và lần này, may mắn ông bà có con trai. Cuối cùng, lòng thành của bà được Trời Phật chứng giám. Thật không bõ công đặt niềm tin vào Đấng Tối cao. Ông Tốt đặt tên Tạ cho thằng bé, ngụ ý tạ ơn Trời Phật, đã ghé mắt nhìn đến gia đình ông. Từ ngày có Tạ, ngũ long đi chỗ khác chơi. Thật ra ông cũng thương năm đứa con gái nhưng lại không tha thiết lắm với truyền thống ngũ long. Ngũ long mà không có con nối dõi thì cũng bằng thừa, ông nghĩ thầm. Dù sao đi nữa, gia đình ông thế là tốt số, vừa có năm cô công chúa lại vừa có con trai. Thằng Tạ lớn lên, tất nhiên, hưởng được mọi sự chiều chuộng của cha mẹ. Ông Tốt cưng Tạ một, bà cưng gấp mười. Bà càng có lý do để cưng chiều Tạ vì từ đó bà không còn sinh đẻ gì nữa. Bà lo cho thằng con từng tí một, dặn dò người làm từng chi tiết ăn uống, chỉ sợ lỡ nó chết yểu thì uổng công khó mang nặng đẻ đau.

Làm sao bà Tốt quên được cái ngày bà gạt nước mắt để Tạ theo gia đình ông anh chồng vượt biên. Gia đình ông Tốt sa sút hẳn sau ngày mất nước, gom góp mãi mới có tí vàng đưa cho người ta để con ra đi. Nhìn đứa con cầu tự bước lên xe đò với ông bác xuống miền Tây, bà Tốt nghe cơ hồ có ai cắt ruột mình đứt rời từng khúc. Bụng bà lên cơn đau quặn. Cả tháng trời không thấy mặt Tạ, bà buồn thẫn thờ câm nín cho dù có tin thằng con đã đến trại tỵ nạn bình an. Rồi cuộc sống cơ cực làm bà tất bật nên niềm thương nhớ đứa con trai cũng ít còn dịp hành hạ bà. Dòng đời khắc nghiệt lừ đừ trôi dần theo năm tháng, ông bà Tốt lần lượt gả chồng cho hết cô con gái thứ năm. Xong được một gánh nặng, ông bà xoa tay chờ tin Tạ công thành danh toại.

Ngày Tạ gửi về cho cha mẹ tấm ảnh của Xinh, bà Tốt trố mắt nhìn tấm hình, miệng lẩm bẩm: tên Xinh mà nhìn không được xinh. Bà chê Xinh đuôi mắt hơi xếch, trông dữ quá. Cái miệng nó cười đo đúng một gang tay. Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà, bà nghĩ thầm. Miệng ngoác rộng đến thế chỉ giỏi chưởi chồng và giỏi ăn vặt. Nhìn khuôn mặt tròn vành vạnh của nàng, bà ngân nga đọc: mặt tròn như cái mặt mâm, tao cầm cái đũa tao đâm mặt mày. Nghe bà chê Xinh đủ điều, ông Tốt bảo:

- Bà cứ nói thế. Nhìn hình thì ăn thua gì, phải gặp mặt mới biết được.

Bà Tốt chỉ chỉ ngón tay vào tấm hình:

- Hình với người thì khác gì. Người làm sao chiêm bao làm vậy. Nó lộ ra từ khuôn mặt trở đi. Cái mặt nó dữ trông rõ thế mà ông không thấy. Tôi đã nói thì chẳng bao giờ sai.

- Chuyện của thằng Tạ cứ để nó lo. Bà thấy con nhỏ dữ chắc thằng Tạ không thấy sao? Nó đã 30 mà bà cứ làm như còn nhỏ lắm. Nó biết con Xinh dữ mà vẫn yêu thì chứng tỏ nó chịu đựng được. Vả lại, mình ở đây, chúng nó ở bên đó, bà không thích cũng chẳng làm gì được.

Bà Tốt quày quả đi xuống bếp không thèm nói chuyện với chồng nữa. Đàn ông không thể hiểu hết nỗi lòng của người mẹ. Thằng con ba mươi tuổi chứ đến sáu mươi bà vẫn xem như thằng bé Tạ thuở nào. Bà chặc lưỡi nghĩ thầm giá nó ở bên này bà sẽ chọn cho một đứa vừa đẹp lại vừa buôn bán giỏi và nhất là vừa ý… bà. Đứa con dâu do bà chọn sẽ không ai chê vào đâu được. Bà Tốt ngồi nấu cơm mà tâm trí nghĩ lan man đến thời thơ ấu của Tạ, những ngày nó còn đỏ hỏn trong tay bà, rồi thằng bé chợt lớn vụt lên như thổi; ngày Tạ vượt biên theo ông bác và mẹ con xa cách hơn chục năm trường. Bà thở dài và chợt thấy nhớ thằng con quay quắt.

Cuối cùng, ông bà Tốt cũng nhận được thiệp báo tin ngày cưới của Tạ. Ông bác đứng làm chủ hôn cho hai đứa. Cầm tấm thiệp trong tay, bà Tốt thấy xốn xang trong lòng. Vui buồn lẫn lộn tạo thành một thứ tình cảm lạ lùng làm bà đứng ngẩn người. Thật ra bà cũng mừng cho Tạ cưới được vợ. Tuổi ba mươi mới lấy vợ xem như đã trễ. Ông Tốt ba mươi đã có năm đứa con gái rồi kia mà. Trong niềm vui của đứa con, bà chợt cảm thấy mình vừa mất mát một điều gì không rõ nét. Sự mất mát hiện ra lờ mờ, lãng đãng rồi chập chờn biến mất. Bà loáng thoáng nhận ra rằng bây giờ đã có một người đàn bà khác – không phải bà – bước hẳn vào cuộc đời của đứa con thừa tự; chăm chút cho nó từng miếng cơm manh áo như bà thuở xưa. Trong lòng bà chợt nhúm lên chút buồn tủi vì bà có cảm giác Tạ từ nay sẽ không cần đến tình thương của bà nữa. Bà không ngờ có ngày thằng con yêu quý cựa mình thoát khỏi vòng tay yêu thương của bà để rơi vào một vòng tay của đứa con gái có cái mồm rộng toang hoác. Hàng ngày nó lại gần gũi bên Tạ còn bà thì ở quá xa. Cái gì cũng không bằng gần. Bán anh em xa mua láng giềng gần. Máu mủ ở xa quá thì tình nghĩa cũng nhạt dần. Trong thâm tâm, bà biết rõ đến một lúc nào đó, đứa con trai phải rời bỏ cha mẹ mình để gắn bó với một người đàn bà khác như ông Tốt đã làm với bà trước đây. Bà có nhiệm vụ với Tạ từ lúc sinh ra cho đến khi lớn khôn và giai đoạn này, bà phải nhường chỗ cho một người đàn bà khác đồng hành với đứa con. Cái truyền thống và quy luật tự nhiên đã như thế tự muôn đời. Bà hiểu điều đó chứ nhưng con tim của bà vẫn ngấm ngầm phản đối một cách mãnh liệt. Bà chỉ biết rằng vai trò người mẹ của bà bị đạp ngược vào hậu trường và con nhỏ có đôi mắt xếch ngang nhiên chiếm chỗ đứng của bà trên sân khấu đời một cách danh chính ngôn thuận.

Cái cảm giác nguồn tình thương của đứa con trai bị chiếm đoạt làm bà đứng lặng người. Trời ơi! con của mẹ, bà than thầm trong miệng. Cái ngày thằng con ra đi, bà nghe từng khúc ruột bị cắt ra từng khúc; còn ngày hôm nay khi nhận được thiệp cưới của Tạ bà lại nghe lòng mình chết hẳn đi một nửa. Bà Tốt bỗng thấy tủi thân như đứa trẻ bị giựt mất chiếc bánh đang cầm trên tay. Bà bật khóc. Nhìn những giọt nước mắt rơi lã chã trên gò má nhăn nheo của vợ, ông Tốt cứ tưởng bà vui mừng vì có đứa con dâu. Ông ôm lấy vai bà, vỗ về:

- Tôi cũng mừng như bà vậy. Tiếc là vợ chồng mình không có mặt trong ngày vui của thằng Tạ.

Ngày tháng trôi qua với tiếng thở dài trong niềm thương nhớ đứa con. Lần lượt ông bà Tốt nhận được hình mấy đứa cháu. Trông chúng thật kháu khỉnh, dễ thương. Bà mong Tạ dẫn cháu về thăm nhà một bữa, nhưng chàng lại than công việc đa đoan không rảnh được vài tuần. Chàng cứ khất lần mãi. Sau cùng, Tạ bàn với vợ bảo lãnh cha mẹ sang sống chung với gia đình. Đề nghị của chồng làm Xinh suy nghĩ không ít. Nàng thấy ông bà Tốt không cần phải sang Mỹ sống, cứ ở Việt nam rồi nàng sẵn sàng chu cấp hàng tháng suôn sẻ. Xinh đã làm như thế từ nhiều năm nay. Thật ra Xinh không sốt sắng lắm trong việc cưu mang đùm bọc ông bà Tốt nhưng Xinh bằng lòng bỏ tiền giúp cha mẹ chồng như cái giá nàng phải mua để cố giữ một cuộc sống riêng tư, trọn vẹn với chồng con. Nếu ông bà Tốt sang Mỹ, nàng mơ hồ thấy những trục trặc có thể xảy ra trong cuộc sống chung đụng; và chắc chắn nó ảnh hưởng đến hạnh phúc mà nàng đã vun xới từ bao nhiêu năm. Nhưng khi nhìn mặt chồng rầu rầu, nàng thấy rằng nếu không hạ bút ký vào giấy bảo lãnh, hạnh phúc ngay bây giờ có thể bị gãy đổ. Vì chồng, vì hạnh phúc gia đình Xinh đành cắn răng chấp nhận đưa ông bà Tốt sang Mỹ sống chung.

Ngày đoàn tụ với con cháu cuối cùng cũng đến, duy khác một điều là chỉ mỗi bà Tốt mà thôi vì ông Tốt bạo bệnh qua đời hơn năm nay. Ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ, Tạ dẫn vợ con ra đón bà nội tại phi trường. Làm sao nói hết nỗi vui sướng nhìn lại đứa con thân yêu sau gần 20 năm xa cách. Bà bật khóc khi thấy con cháu. Bà ôm lấy Tạ, siết chặt mấy đứa cháu vào lòng, vuốt má đứa con dâu mà bà có ác cảm kể từ ngày nhìn tấm hình đầu tiên. Nếp sống đơn giản của bà ở quê nhà được tiếp nối trong căn nhà 4 phòng; 4 đứa con chia nhau 2 phòng, còn lại một cho bà Tốt và một cho vợ chồng Tạ.

Ban đầu, gia đình ồn ào tiếng nói; ít nhất có lời kể lể của bà Tốt về quãng thời gian dâu bể. Tiếng của bà sôi nổi, vang lên rõ mồn một cả tháng trường. Tạ chăm chú nghe, đôi khi phụ hoạ với mẹ làm bà thêm hứng khởi. Về sau, phần bận rộn công ăn việc làm, phần bà Tốt kể cũng dần hết chuyện, Tạ chỉ ừ hử lơ đãng cho xong. Đối với mấy đứa con của Tạ, tình nghĩa bà cháu hời hợt. Bà thương cháu chứ nhưng chúng lại tránh mặt bà, nhất là khi mẹ chúng to nhỏ với chúng về những phiền toái do bà nội gây ra. Đứa con dâu nói chuyện với bà nhạt nhẽo; nó không vồn vã tình mẹ con nhưng cũng không tỏ thái độ lãnh đạm quá. Bà đoán Xinh không muốn chồng biết những gì nó nghĩ trong đầu về bà nhưng lại cố ý tỏ lộ cho bà biết. Đúng như bà dự đoán, người với hình không khác nhau gì hết.

Chỉ sau mấy tháng đến Mỹ, bà Tốt sống cô đơn giữa căn nhà rộng. Càng ngày bà càng thấy đứa con dâu không thể thương được. Thành kiến của bà đối với đứa con dâu dần dần rõ nét trong tâm trí. Tao mà đoán thì chạy đi đâu được, bà nghĩ thầm. Mặc dù bà chưa bao giờ thấy Xinh trợn mắt đôi mắt xếch nhìn chồng và cũng chưa bao giờ thấy nàng ăn vặt quên cơm hoặc ngoác cái miệng rộng chưởi chồng con. Bà không cần thấy vì bà tin chắc những điều bà nghĩ về Xinh khi cầm tấm ảnh của nàng là đúng.

Còn Xinh, nàng cứ băn khoăn tự hỏi có bà mẹ chồng nào trên thế gian này yêu thương đứa con dâu không? Nàng tin chắc là không! Sống đến từng này tuổi, lấy chồng từ thuở 25, ăn ở với nhau đã có 4 mặt con, nàng biết khó có bà mẹ chồng nào thông cảm với con dâu. Thông cảm thôi chứ chưa nói đến thương yêu. Đối với Xinh, tình cảm liên hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu nhạt như nước ốc, hoặc bạc như vôi. Nếu có chắc chắn cũng chỉ là mối tình cảm gượng ép, không muốn phật lòng một nhân vật thứ ba, đó là đứa con trai, chồng của đứa con dâu. Những tháng đầu bà Tốt dành lấy việc nấu cơm. Bữa ăn dọn ra có món mặn món nhạt không vừa miệng nàng, và nhất là không vừa ý mấy đứa con. Riêng Tạ thì không nói, ăn cơm khê mà bà Tốt nấu chàng cũng không dám nói một câu làm mẹ buồn lòng. Xinh nghĩ thôi thì sao cũng được cho vui cửa vui nhà nhưng một hôm đứa con trai lớn nói nhỏ với mẹ bà nội nấu cơm con không ăn được thì nàng quyết định phải vùng đứng dậy dành lại chủ quyền giang san nhà bếp. Xinh thỏ thẻ với chồng bảo mẹ nghỉ ngơi, em đi làm về nấu cơm cũng được; hơn nữa mẹ nên dưỡng sức sống an nhàn tuổi già; bảo đảm cơm bưng nước rót đến tận miệng. Tạ nghe bùi tai bảo mẹ thôi nghỉ ngơi, để bếp núc Xinh lo. Bà Tốt biết rõ đứa con dâu xúi bảo Tạ cho bà ngồi chơi xơi nước. Thật sự bà chỉ muốn tận tay nấu món ăn săn sóc cho sức khoẻ của Tạ mà thôi, còn Xinh lo cho mấy đứa con thế nào cũng được, bà không thiết tha lắm. Mặc dù không còn nấu nướng nhưng từ đó bà Tốt hay xía mũi vào công việc bếp núc của Xinh. Có lần bà Tốt nói trong bữa cơm:

- Tôi thấy chị nên mua thêm rau để cả nhà ăn cho nhuận trường.

Rau thì lúc nào mà không có. Người chứ heo hay sao mà bữa nào cũng ăn rau, Xinh nghĩ thầm. Nàng thay đổi bữa rau bữa cá cho hợp với khẩu vị của mấy đứa con chứ. Mà mua rau chỉ đủ ăn một lần, để lâu úng thối nên nàng không muốn mua nhiều. Nếu chiều bà mẹ chồng thì ngày nào đi làm về đều phải tạt ngang chợ mua rau. Xinh không có thì giờ làm chuyện đó. Đi làm về là tất bật chạy về nhà với biết bao nhiêu việc đang chờ nàng. Trước mặt chồng, Xinh không muốn cãi lời bà sợ mang tiếng hỗn mặc dù trong thâm tâm nàng chỉ muốn hét lên: bà muốn ăn thì đi chợ mua lấy mà ăn. Còn bà Tốt thấy con dâu không nói tiếng nào thì cho rằng nó khinh người, không xem bà ra gì. Tạ phá tan bầu khí căng thẳng:

- Thôi, ăn tạm một bữa đi mẹ, ngày mai con ghé chợ mua cũng được.

Lại vô lý. Xinh thấy chồng phí công vô ích. Chuyện nhà cần đến tay của chồng thì không giúp, đi làm về trễ còn ghé chợ mua rau thì thật hết chỗ nói. Tuy bực mình nhưng nàng vẫn im lặng. Xinh thương chồng, nàng không muốn vì mình để gây to tiếng trong nhà đặt Tạ vào thế khó xử; bên mẹ bên vợ biết theo bên nào.

Những xung khắc cứ xảy ra mỗi ngày một chút do quan niệm sống của hai người đàn bà khác hẳn nhau. Ngay cái việc ăn cơm xong uống nước trà, bà Tốt muốn đứa con dâu bưng đến cho bà ly nước, nói mời mẹ rồi muốn làm gì thì làm. Đằng này, nó chỉ biết chúi mũi vào đống chén bát để Tạ phải nấu nước sôi pha trà mời mẹ. Chuyện đàn bà, thằng con bà đâu đến nỗi phải làm những công việc tầm thường đó. Riêng Xinh lại nghĩ khác, đã nấu cơm, rửa bát rồi còn phải hầu bà mẹ chồng thì đến sức voi cũng quỵ nữa là sức người. Mà nàng thấy Tạ không cần phải bưng trà mời (chàng làm là vì tình thương); đúng ra nàng mới là người cần được giúp hơn. Cả một chậu bát đĩa nàng phải đánh vật với nó, Tạ nên đến phụ với nàng tráng để úp vào giá. Còn chuyện uống trà, muốn uống thì rót lấy mà uống. Thời buổi này, có ai phải hầu ai. Cứ nhìn cảnh bà Tốt ngồi bảnh chọe trên bàn, đợi Tạ bưng ly trà lại mời, miệng phán một câu: phải, anh để đấy tôi, Xinh thấy ngứa con mắt. Ngứa mắt nhưng Xinh phải cắn răng chịu đựng. Một lần nữa, cũng vì chồng.

Ngay đến việc ăn mặc của Xinh cũng là chuyện làm bà bực mình. Khách đến nhà, bưng nước ra mời, Xinh cứ mặc chiếc quần đùi cũn cỡn. Đàn bà con gái phải biết che kín thân thể, có đâu phơi bày ra như đứa con dâu của bà. Ngồi nói chuyện với khách, thấy Xinh bưng khay nước trà ra phòng khách với chiếc quần cụt phơi nguyên hai chiếc đùi trắng hếu, bà chỉ muốn độn thổ. Đẹp khoe xấu che. Nếu hai chiếc đùi của nó thuôn thuôn như người ta thì may ra còn tha thứ được, đằng này cặp đùi vừa tròn trùng trục, vừa nung núc mỡ; chưa kể gân xanh chạy chằng chịt như màng nhện, thế mà nó cứ vênh vênh cái mặt biểu diễn cả đống thịt trước mặt khách. Thật con này không còn biết sĩ diện là gì! Bà nhớ lại lần mua cả cặp đùi heo nhân bữa giỗ 49 ngày cho ông Tốt, sao nó giống hai cái đùi của đứa con dâu thế không biết. Cả đời bà không bao giờ dám để hở một phần da thịt cho ai thấy. Thời bây giờ có văn minh đến mấy cũng một vừa hai phải thôi chứ, có đâu như cái con thổ tả nhà mình. Trời ơi! quần đùi là của đàn ông mặc, đàn bà con gái mặc vào đã không biết xấu hổ lại còn đem khoe với khách nữa thì thật là hết chỗ nói. Bà nghĩ đứa con dâu cố ý mặc quần đùi tiếp khách để làm nhục bà. Thằng Tạ thật có mắt cũng như mù, chọn ngay con mặt tròn thân béo này làm điếm nhục cả gia phong. Nếu để cho bà chọn thì làm gì nên nỗi. Chắc chắn đứa con dâu bà chọn phải nết na đằm thắm chứ không như con chết đâm này. Nhìn nét mặt sa sầm của bà mẹ chồng, Xinh không biết mình đã làm gì khiến bà phật lòng. Thấy bà Tốt nhìn chằm chằm vào phần dưới của thân thể mình, nàng đoán ra ngay nguyên do. Xinh mặc quần đùi vì trời nóng, nhà không có máy lạnh. Biết thế, nàng lại chọc tức bằng cách nhởn nhơ vào ra như chỗ không người làm bà càng lộn tiết. Tối hôm đó, bà Tốt nói nhỏ với Tạ và bảo chàng nên dạy cho con vợ bài học kín đáo lịch sự. Nghe mẹ con rù rì với nhau, Xinh chỉ muốn la toáng lên cho hả giận nhưng khi thấy nét mặt rầu rĩ của Tạ, nàng lại thấy tội nghiệp và chỉ biết giận căm gan bà mẹ chồng. Còn Tạ đứng giữa, chàng thấy vợ mặc quần đùi chả sao cả nhưng lại không muốn làm mẹ buồn lòng. Chàng hứa sẽ bảo vợ nhưng lại không dám nói, e rằng vợ sẽ có ác cảm với bà mẹ. Tạ đâu biết rằng ở giữa vợ và mẹ đã có một cái hố ngăn cách, sâu và rộng như miệng vực đen ngòm sẵn sàng nuốt chửng lấy hai người đàn bà.

Một hôm, đang bận rửa bát Xinh lên tiếng nhờ Tạ bỏ mớ quần áo cũ vào máy giặt. Nghe Xinh sai chồng, bà Tốt đang ngồi xỉa răng thảng thốt đứng bật dậy, lúng búng không kịp nuốt ngụm nước trà, lập bập nói:

- Để… để tôi làm…

Tạ định đi vào phòng tắm lấy đống quần áo dơ nghe mẹ gọi giật chàng dừng chân ngay nơi hành lang, lưỡng lự không biết quay lại hay đi thẳng vào trong. Bà Tốt đi về phía thằng con đang đứng tần ngần, nói khá to nên Xinh nghe rõ mồn một:

- Anh ngồi đi, để tôi làm. Đàn ông ai lại đi giặt quần áo cho đàn bà bao giờ.

Rồi bà ngoe nguẩy đi vào trong. Trời ơi, thế đàn ông ở nhà này là cái giống gì, Xinh than thầm trong trí. Nàng là người đã làm được thì chồng cũng phải làm được. Hay là bà già khó ưa cho con mình là cành vàng lá ngọc. Xinh giận tái xanh mặt khi nghe bà mẹ chồng cản Tạ giặt đồ cho cả nhà. Cơn tức dâng lên chận ngang cổ làm nàng phải rướn người để hớp lấy dưỡng khí. Xinh có cảm giác mình đang bị ai bóp cổ. Bây giờ thì khuôn mặt nàng đã chuyển sang màu đỏ. Xinh chỉ muốn ném nguyên chồng bát đĩa vào bồn rửa rồi muốn ra sao thì ra. Ông Trời nhìn xuống mà xem, có phải tôi đang rảnh tay đâu, Xinh ngiến răng than. Những công việc đó nàng đều làm cả, năm thì mười họa Tạ mới đụng đến. Con dân giã mà cứ làm như con tổng thống không bằng. Vừa thôi chứ, nàng cũng phải đi làm như chồng vậy, lại còn chuyện bếp núc, rồi còn biết bao chuyện khác phải nhờ đến tay Xinh. Quăng mấy bộ quần áo bẩn vào trong máy giặt, bỏ chút xà-bông, nhất nút; từng ấy công việc có khó gì cho cam. Tại sao bà Tốt lại ngăn cản không cho Tạ giúp nàng?
Tạ biết ngay Xinh giận, chàng chạy lại ngay về phía vợ, vỗ về:

- Thôi! Bỏ qua đi em, anh làm hay mẹ làm cũng thế thôi. Mẹ thích thì để mẹ làm, anh làm chuyện khác cho em.

- Không dám đâu. Anh lại đàng sôfa ngồi đi, không thì em lại bị chửi nữa.

Tạ xoa xoa lưng vợ rồi bỏ đi vì không muốn bà Tốt trở ra thấy cảnh vợ chồng to nhỏ. Bà Tốt vùng vằng bước vào nhà trong lôi đống quần áo ra giặt. Làm gì thì làm, thằng con bà không thể mó tay đến mấy cái quần lót của Xinh. Đồ lót đàn bà là một việc hết sức kín đáo, không thể để cho ai thấy ngoài mình, ngay cả đến chồng cũng vậy. Chỉ mới tượng tượng bàn tay Tạ sờ đụng đến mấy cái quần lót đủ màu bà đã thấy rùng mình, lờm lợm ở cuống họng. Mà cái con này cũng lạ lắm, quần lót nó mua đủ kiểu, nhiều màu. Có lần thấy nó đổ tung toé đống quần áo ngay giữa phòng khách để xếp rồi cầm cái quần lót nhỏ xíu bằng cái bàn tay lên ngắm nghía, mặt bà đỏ bừng như người uống rượu. Một điều nữa bà vẫn không hiểu tại sao Xinh rất chuộng màu đỏ. Thì giặt quần áo cho nó mấy lần bà mới khám phá ra Xinh thích màu đỏ lòm như máu, mới nhìn đã xây xẩm mặt mày. Thứ quần lót nằm bên trong, kiểu cọ màu mè làm gì, thế mà đứa con dâu sẵn sàng bỏ tiền thật nhiều để mua sắm. Thật không ngờ nó lại… đĩ tính đến thế. Bà lẩn thẩn nghĩ con Xinh ma mãnh mặc đồ lót màu đỏ cũng là để mồi chài thằng con của bà. Thằng con cầm tinh con trâu nên hễ thấy màu đỏ là húc vào (như bò) mà không chịu giữ gìn sức khoẻ. Vừa nghĩ đến đó bà vỗ hai tay vào nhau nghe đánh chát. Đúng rồi, độ rày bà thấy nó xanh quá, ngồi đâu ngáp đó. Trời ơi! mình mà không ngăn cản thằng con có ngày kiệt sức chết như chơi. Cả ngày bà cứ nhấp nha nhấp nhổm rình cơ hội nói chuyện riêng với Tạ. Mãi đến mấy ngày sau bà mới có dịp gọi con vào phòng trong thầm thì:

- Con à! Độ rày mẹ thấy con xanh yếu lắm. Mẹ nghĩ là con nên ngủ riêng ra, tránh vợ một thời gian để dưỡng sức đi con. Hay là mẹ ra ngoài nằm nhường phòng mẹ cho con nhé.

Tạ thấy mẹ vô lý nhưng một lần nữa chàng không dám phản đối. Chàng trấn an:

- Xanh xao gì đâu mẹ, con thấy trong người khoẻ lắm. Hơi mất ngủ vì việc trong hãng nhiều quá. Hết tháng này thì công việc lại đỡ. Không sao đâu mẹ.

Thật tình cờ Xinh bước về phòng chợt nghe lời khuyên ngủ riêng của bà Tốt. Mặt đanh cứng, nàng đưa tay đè lên ngực ngăn hơi thở dồn dập. Đôi mắt Xinh quắc lên nhìn trừng trừng mà nếu bà Tốt nhìn thấy có lẽ phải ngất xỉu vì sợ hãi. Cơn giận trong người Xinh dâng lên đến độ tột cùng. Nó kéo đến ào ạt làm nàng không kịp chuẩn bị phản ứng. Nếu là người yếu tim, với cơn giận như thế có thể làm tim ngưng đập luôn nhưng Xinh lại khác, vốn là người ương ngạnh, nàng không bao giờ chịu thua số phận. Xinh cố giữ bước chân thật nhẹ quay ngược lại nhà bếp. Ra đến nơi, Xinh đột nhiên muốn dẫn 4 đứa con đi ngay, không thể ở thêm một giây phút nào trong căn nhà khốn nạn này nữa. Với cơn tức nổi lên cuồn cuộn như nước lũ, nàng có thể dẫn con đi chẳng cần bao giờ gặp lại Tạ, để cho hai mẹ con ở lại tha hồ sống thoải mái.

Xinh lại nghĩ nếu mình bước chân ra khỏi nhà tức là nhìn nhận sự thua cuộc. Nhà này là nhà của mình, nàng nhủ thầm. Không ai có quyền đuổi mẹ con nàng ra khỏi nơi đây. Còn nếu ở lại sống chung thì nàng cũng sẽ chết dần mòn với tính nết của bà già khắc nghiệt. Trong hai người đàn bà, người ra đi phải là bà Tốt. Nhưng làm thế nào để bà ra đi vĩnh viễn. Nói bà trở lại Việt nam chắc chắn bà không chịu, mà chắc gì Tạ nghe theo. Ôi! Làm thế nào để bà Tốt đi mà không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình? Xinh đứng bóp trán mải suy nghĩ không để ý đến đứa con đang níu áo mẹ. Nàng nhíu mày và chợt bắt được một tia sáng thoáng qua trong trí. Nàng nhắm mắt tập trung tư tưởng. À! Đúng rồi, chỉ còn cách đó. Bảo đảm bà Tốt sẽ ra đi yên thắm. Xinh thấy không còn một phương cách nào khác ổn thoả hơn, cho dù… nhưng không sao, kín đáo một tí thì chẳng một ai biết. Nàng nghiến răng lẩm bẩm, lần này thì phải xong. Và Xinh quyết định ngày mai phải đi gặp ngay ông Dưỡng An, chú ruột của nàng.

* * *

Ông Dưỡng An làm cái nghề tương đối lạc lõng nơi xứ người; nghề bắt mạch hốt thuốc bắc. Cái nghề cha truyền con nối đã đến mấy chục đời. Nghe đâu ông cụ tổ của ông được một ông thầy Tàu lưu lạc sang xứ An-nam truyền nghề. Dòng họ ông thầy Tàu lại có dây mơ rễ má với Hoa-Đà, Biển Thước giữ được một vài trang sách thuốc của hai vị danh y nên nổi tiếng nhiều đời ở đất Quảng-đông. Đến đời vua Khang-Hy, gia đình ông nằm trong bang hội “phản Thanh phục Minh” nên bị triều đình tru di tam tộc. Rất may mắn ông thoát được và đành phải bỏ xứ trôi giạt sang đất An-nam. Chẳng ai hay biết hư thực thế nào, bà con lối xóm chỉ biết rằng nghề thuốc truyền qua biết bao nhiêu đời, đến đời ông Dưỡng An thì danh tiếng nổi như cồn. Ông chữa rất mát tay. Những bệnh như trĩ, tiểu đường, nhức đầu kinh niên ông đều chữa cả, chữa hết tiệt. Có điều phải uống thuốc cỡ… 100 thang mới khỏi, có khi lâu hơn nhưng chẳng ai thắc mắc làm gì, cứ hết bệnh là được. Có người xấu miệng bảo ông nuôi bệnh nhưng không phải thế – phải ở trong nghề mới biết – thuốc Bắc cần phải uống lâu để thấm từ từ vào lục phủ ngũ tạng. Như thế căn bệnh sẽ bị diệt tận căn nguyên; chậm nhưng chắc. Cả đời ông Dưỡng An luôn cứu người. Tiếng của ông đồn khắp mười mấy quận Sàigòn. Ông muốn truyền nghề cho con, ngặt một nỗi không có đứa nào chịu theo nghề ông cả; chúng nó chuộng Tây y hơn và không mấy tin vào sự kỳ diệu của mấy cây cỏ, thảo mộc mà chữa được những căn bệnh trầm kha.

Thật sự muốn học phải có tâm mới học được. Cha của Xinh – anh ruột của ông – chẳng hề bao giờ mó tay động chân đến mấy vị thuốc. Hễ nói đến thuốc là ông kiếm chuyện lảng đi chỗ khác. Còn ông Dưỡng An, say mê tên mấy vị thuốc từ nhỏ; nào là cam-thảo, quế-chi, thạch-nhũ, trần-bì, qui-thân, liên-nhục. Thấy bố đong-cắt-tán-cân-gói mấy vị thuốc cho khách, ông cũng bắt chước tập làm. Còn ông bố thấy thằng con chăm chỉ, trong lòng cũng mừng vì có người truyền nghề thuốc, không bị mai một. Ngoài những môn thuốc căn bản truyền từ ông thầy Tàu đến những bài thuốc gia truyền do ông tổ sáng chế ra, ông đều dốc lòng truyền thụ cho đứa con. Từ yêu nghề, ông Dưỡng An cố tâm học hỏi nên chữa được nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt, ông Dưỡng An rất thương người. Thì tâm niệm của các vị lương y nào chả vậy nhưng ông Dưỡng An nổi tiếng về lòng từ tâm. Những gia đình nghèo khổ, ông cắt thuốc tặng không, đôi khi còn cho thêm tiền nữa. Còn những căn bệnh kinh niên, ông chẳng bao giờ eo sách để lấy tiền thêm. Có lẽ vì vậy mà gia đình ông quanh năm chỉ dư dả chút đỉnh.

Xinh là cháu ruột của ông. Tội nghiệp cho nó, ngay từ nhỏ đã gặp cảnh trái ngang. Mẹ của Xinh sinh mấy đứa con đều sẩy; có đứa mới mấy tháng rồi trụy, có đứa vừa mới lọt lòng đã chết. Đến khi có Xinh, cha của nàng quyết định giao cho người em vì ông tin đứa con gái ở với mình rồi cũng bị ông bà bắt. Chẳng biết điều ông tin đúng hay sai nhưng Xinh cứ thế lớn lên bên gia đình ông Dưỡng An. Con bé Xinh tính tình ương ngạnh, cứng cỏi chứ không nhu mì như những đứa con gái đồng trang lứa. Nó chỉ chơi đùa rượt đuổi với đám con trai; mấy trò chơi ô hàng, búp bê đều không có Xinh. Ông bà Dưỡng An yêu thương Xinh như con ruột. Mãi đến lúc Xinh năm tuổi, cha mẹ mới đến xin con bé về. Xinh còn nhỏ nào biết gì, chỉ thấy người lạ đến bắt phải rời bỏ những người thân, nó dãy chân đành đạch. Nhìn khuôn mặt ràn rụa nước mắt của con bé, ông bà Dưỡng An thấy lòng đau như cắt. Sau này lớn lên, Xinh biết rõ chuyện lúc còn nhỏ nên không còn buồn sầu nữa nhưng nàng vẫn quen miệng gọi chú thím của mình là ba má. Đôi khi Xinh cảm thấy mình là người may mắn vì có thêm cha mẹ, những người hết lòng thương yêu nàng. Từ khi cha mẹ nàng vượt biển mất tích với mấy đứa em, Xinh càng yêu kính ông Dưỡng An như cha ruột của nàng. Còn ông Dưỡng An không sinh được một đứa con gái nên từ ngày vợ mất, ông hết mực yêu thương nàng như chính con gái của ông. Hơn nữa, ông còn mang một hoài bão là sẽ truyền nghề thuốc cho Xinh chứ trông cậy vào mấy thằng con thì chẳng nên cơm cháo gì.

Vừa vào đến nhà Xinh ngồi phịch xuống chiếc ghế ở phòng khách. Đang mải bốc thuốc, nghe tiếng động nhìn lên, ông Dưỡng An giật mình khi thấy con cháu ngồi sừng sững ngay trước mặt, nét mặt buồn rười rượi. Ngưng tay, ông hỏi:

- Ủa! Ai mở cửa cho con vậy?

Cúi gầm mặt, giọng Xinh đều đều:

- Thằng Bin mở cửa cho con rồi lái xe đi luôn. Nó nhắn lại với ba là tối mới về, đừng để cơm.

Xinh vẫn quen miệng gọi ông bằng ba. Sẩy cha còn chú. Mỗi lần nghe nàng gọi bằng ba, ông đều thấy lòng bồi hồi cảm động. Hôm nay ông không có thì giờ thưởng thức tiếng ba ngọt ngào của Xinh chỉ vì tâm trí bực bội mấy thằng con. Tiếng ông gừ gừ trong miệng:

- Cái thằng vô tích sự. Ngơi ra là đi, nói ở nhà học thuốc thì không bao giờ chịu nghe. Con với cái, chẳng đứa nào ra hồn. Còn con có chuyện gì mà mặt buồn xo vậy?

Khoanh hai tay trước ngực, Xinh trầm hẳn giọng:

- Con chán đời.

Ông Dưỡng An bước đến chiếc bàn con, rót ly nước trà:

- Chán đời cái gì! Thằng Tạ mèo mỡ hả?

- Không ba ơi! nhưng con không thể sống trong căn nhà đó thêm một giờ nào nữa.

Nói đến đó, Xinh không còn kìm giữ được nỗi uất ức bật lên tiếng khóc. Nức nở, nàng kể lể hết mọi chuyện; từ chuyện bà Tốt xía mũi vào chuyện bếp núc đến chuyện ngăn cản Tạ làm việc giúp nàng. Bầu khí trong căn nhà ngột ngạt chỉ vì bản tính hay bẳn gắt của bà. Ngay cả chuyện riêng trong phòng ngủ vợ chồng mà bà cũng xen vào thì trên đời chỉ có bà là một. Cuối cùng, Xinh kết luận nàng không thể sống chung với bà già ó đâm đó nữa. Một trong hai người đàn bà phải ra đi, ra đi vĩnh viễn. Xinh nhìn thẳng vào mắt ông Dưỡng An, mím môi hỏi:

- Ba giúp con giải quyết chuyện đó được không?

Ông chú vẫn nhâm nhi ly trà, chậm rãi:

- Thế con muốn chú giúp sao?

Xinh nói gằn từng tiếng:

- Cho bà ấy chết!

Đang ngồi, ông Dưỡng An giật thót người suýt làm rơi ly nước:

- Cái gì? Con nói cái gì?

- Ba nghe con rồi. Con muốn bà ấy chết cho khuất mắt.

- Trời ơi! sao con xúi chú làm việc ác đức vậy Xinh?

Xinh sụt sùi:

- Con không còn cách nào nữa ba ơi. Một là con, hai là bả, không còn sự lựa chọn nào khác.

Ông Dưỡng An lại kêu trời:

- Trời ơi! còn thiếu gì cách, để từ từ rồi tính chứ sao lại giết người ta. Mạng người chứ phải con giun con kiến gì đâu. Phải tội chết con ơi. Mà chuyện giết người đâu có dễ. Trước sau đều phải đền mạng hết con à…

Rồi ông thở dài:

- … mà chú giúp được gì cho con?

- Con biết ba giỏi nghề thuốc, đã bốc được thuốc cứu người thì cũng chế được thuốc làm chết người. Ba giúp con cho bà già một liều về chầu Diêm vương cho rảnh nợ.

Ông chú nhăn mặt phân trần:

- Xinh, con biết chú mà. Từ bao lâu nay chú chưa bao giờ chế thuốc hại người hết. Nay con lại bảo chú chế ra thì làm sao chú chế được.

Xinh vùng vằng đứng lên, đổi cách xưng hô:

- Thôi được rồi, chú không giúp cháu thì đành vậy. Cháu về nhà để con mẹ già hành hạ chết cho xong việc. Còn cái nghề thuốc của chú kiếm người khác mà truyền thụ chứ cháu chết mất đất nên không thể học được đâu.

Ông Dưỡng An biết Xinh đang bắt chẹt mình. Trước đây nàng có hứa sẽ học nghề nơi ông để nghề thuốc không mai một. Bây giờ Xinh đem chuyện truyền nghề đẩy ông vào ngõ bí. Hơn nữa, ông thương Xinh hết lòng. Từ nhỏ ông đã ẵm bồng nuôi nấng nàng cả mấy năm trường. Ông thương Xinh còn hơn mấy đứa con ruột vô tích sự nhà ông. Thấy Xinh than thở, ông mủi lòng nhưng nàng bắt ông làm cái công việc giết người thất đức thì làm sao ông nghe theo được. Nghề thuốc của tổ tiên nhà ông gia truyền cả mấy trăm năm chỉ chuyên cứu người chứ chưa bao giờ dám hại ai. Nhìn thái độ quyết liệt của Xinh, ông biết rằng không giúp nàng không xong. Với cơn giận bừng bừng, nàng có thể không bao giờ gặp mặt ông nữa và thế là ông mất đứa con. Ông Dưỡng An ngồi lặng yên bóp trán suy nghĩ lung lắm. Xinh đứng chờ một lúc không thấy người chú lên tiếng, nàng quay lưng:

- Thôi cháu về, chào chú.

Ông Dưỡng An nhướng mày gọi giật:

- Khoan đã Xinh. Được rồi, chú sẽ giúp con…

Rồi ông thở dài não nuột:

- … hai ngày nữa con đến lấy thuốc.

Khuôn mặt Xinh rạng rỡ hẳn ra. Nàng ôm lấy người chú, giọng hứng khởi hơn bao giờ:

- Con biết mà, thế nào ba cũng giúp con. Thôi con về, hai ngày nữa con đến nhé.

Ông Dưỡng An ngồi yên không thèm đứng dậy đưa Xinh ra cửa. Ngồi lại một mình, ông thở dài sườn sượt. Nếp nhăn trên trán đào thêm những đường rãnh sâu hun hút. Đêm hôm đó, ông nằm trăn trở suy nghĩ về quyết định giết người giúp Xinh và mãi gần đến sáng ông vẫn chưa chợp mắt đi được. Chưa bao giờ trong cuộc đời lương y ông Dưỡng An trải qua một đêm gần như thức trắng.


* * *

Hai ngày sau, Xinh y hẹn đến lấy thuốc. Nhà vắng hoe, ông Dưỡng An kéo nàng vào phòng gia đình. Ông ân cần bảo nàng ngồi xuống, lôi dưới gầm tủ ra một gói giấy to cỡ bằng bàn tay, nhỏ nhẹ:

- Con ngồi xuống đây. Đây là gói thuốc chú bốc theo như ý con. Đây là loại thuốc độc không sắc, không mùi vị nhưng chú phải dặn con một vài điều cần thiết. Con phải nhớ làm cho đúng, nếu không hai chú cháu sẽ ngồi tù rục xương, con ạ!

Mặt ông trở nên nghiêm nghị:

- Ở thế kỷ này, kỹ thuật điều tra mỗi ngày một tinh vi sắc sảo hơn trước nhiều lắm. Chỉ cần sơ hở một chút là không qua mặt được luật pháp. Thuốc của chú không làm chết ngay nhưng thuốc độc ngấm từ từ vào tạng phủ rồi sau một thời gian mới chết…

Xinh ngắt lời:

- Thời gian bao lâu hả ba?

- Cỡ nửa năm hoặc lâu hơn…

Thấy Xinh định lên tiếng, ông đưa tay chặn nàng lại:

- Khoan, để chú nói cho con rõ hơn. Chú có thể chế loại thuốc làm chết người ngay ngày mai, nhưng nếu một bà lão đang sống bình thường bỗng dưng lăn ra chết, nhà chức trách không khỏi nghi ngờ và giảo nghiệm tử thi. Với kỹ thuật bây giờ, chất độc còn sót lại khoảng 1 phần triệu trong lượng máu họ cũng khám phá ra được. Một khi đã khám phá ra, người bị nghi ngờ đầu tiên chính là con và từ con người ta phăng ra chú. Tội cố sát bị kêu án từ 25 năm đến chung thân, chưa kể án tử hình. Tội tòng phạm như chú cũng ít nhất bị kêu án 10 đến 15 năm. Chú có chết già trong tù thì không nói, còn con bị kêu án thì gia đình chắc chắn tan nát, con cái bơ vơ không ai chăm sóc. Bởi vậy con tuyệt đối phải theo lời chỉ dẫn của chú. Làm sao mà cái chết của bà không một ai nghi ngờ, cứ xem như chết già là hay nhất.

Hớp một ngụm nước trà, ông tiếp tục:

- Người đầu tiên con không muốn bị nghi ngờ gì hết là bà mẹ chồng. Con nên biết là thuốc của chú không chết ngay nhưng làm cho người ta yếu dần, đến một lúc nào đó thì bệnh trở nặng rồi đi luôn. Cho nên lúc trong người yếu dần mà bà nghi nghi một chút thì cũng đủ chết, vì chỉ cần bà Tốt nói với bác sĩ gia đình hoặc tỉ tê với thằng Tạ là hỏng việc. Bởi thế con phải làm thế nào để bà ta không mảy may nghi ngờ gì con hết. Cách duy nhất để bà không nghi ngờ gì hết là con phải chiếm được cảm tình của bả, nghe con. Chú đề nghị với con nhé, từ đây cho đến ngày bà Tốt nằm xuống con cố yêu thương bà ta, tỏ sự kính trọng cũng như lòng yêu mến của một đứa con dâu. Làm thế là để cứu lấy cái mạng con và chú. Làm sao mà bà Tốt xem con là người trong nhà chứ bây giờ theo chú đoán bà ta ghét cay ghét đắng con, phải không? Cái hay của ta ở chỗ xuống tay mà địch thủ không hề biết. Thường người ta nghi ngờ những người thù ghét chứ không ai nghi ngờ những người thân tình, tỏ lòng hết mực yêu thương nạn nhân. Dĩ nhiên tuỳ con nhưng nếu không muốn chuốc lấy họa vào thân thì chú nghĩ con nên nghe lời chú…

* * *

Đã mấy ngày Xinh cứ suy nghĩ về lời khuyên của ông Dưỡng An. Trong thâm tâm, nàng biết chỉ còn cách đó mới qua mặt được bà Tốt và pháp luật. Nghĩ đến cái án tù chung thân, xa chồng con gia đình phân ly, Xinh rùng mình không dám nghĩ xa hơn. Thân nàng bước vào tù thì coi như xong. Mấy đứa con ở bên ngoài với Tạ trước sau gì cũng biết chuyện mẹ chúng đầu độc bà nội và chắc chắn chúng sẽ khinh bỉ nàng. Không chừng Tạ lại không muốn mấy đứa con đi thăm nuôi nàng ở trong tù. Nếu thế thì đời Xinh sống cũng cầm bằng chết. Nàng tự nhủ hay là bỏ kế hoạch giết bà mẹ chồng, cắn răng sống cho qua ngày. Xinh lại thấy độ rày bà Tốt ăn được cơm trông hồng hào khoẻ mạnh hẳn ra. Mà nếu khoẻ mạnh đến vậy thì lúc nào bà mới chết cho đời Xinh đỡ khổ đây? Chỉ chưa đầy một năm sống chung mà tinh thần Xinh đã bạc nhược, người nàng cũng xác xơ như cành mềm trước cơn bão. Bà Tốt sống độ hơn năm nữa không khéo Xinh lại ngã đùng ra chết trước khi bà mẹ chồng ác nghiệt bị Nam tào gạch tên ra khỏi sổ đoạn trường. Thôi! đành vậy. Giữa hai người đàn bà, người đáng chết phải là bà Tốt. Phải thi hành kế hoạch đầu độc. Và nhất là phải đóng kịch thương yêu bà mẹ chồng thì mới mong thoát khỏi kỹ thuật điều tra tinh vi của cơ quan pháp luật.

Trước hết, Xinh dành lấy công việc pha trà mời bà Tốt. Nàng làm cốt để tỏ lòng kính trọng bà mẹ chồng, sau nữa để dễ thi hành ý định đầu độc. Cái gói thuốc độc, Xinh đổ dần vào một lọ tiêu cất giấu sâu tận góc tủ đựng đồ ăn khô. Nàng cứ sợ lỡ ai tưởng tiêu lại rắc lên thức ăn thì chết cả nút. Ngoại trừ bà già chết thì không nói chứ bất cứ ai khác trong nhà này chết thì uổng mạng quá. May mà bà Tốt không hề để tâm đến việc nấu nướng nên chuyện đó không lo. Mỗi lần pha trà, Xinh lén rắc lên mặt một chút chất bột, khoắng cho tan rồi bưng ra mời bà Tốt. Lần đầu tiên bưng chén trà, tay nàng run run nhưng cố giữ bình tĩnh mở miệng nói mời mẹ. Bà Tốt hơi giật mình khi thấy đứa con dâu pha trà, lại bưng đến tận nơi lễ phép mời. Đúng là cơm bưng nước rót. Bình thường thằng con bà phải làm việc đó, chẳng biết hôm nay ông trời đi vắng hay sao mà đứa con dâu lại tử tế với bà đến vậy. Bà ngạc nhiên quá. Lạ thật, bà lẩm bẩm trong miệng. Tuy sửng sốt nhưng bà vẫn nói cám ơn. Còn Xinh khi mời cố tạo một bộ mặt thật vui tươi cho bà Tốt thấy nàng thật lòng chứ không phải đóng kịch. Có thế bà mới yên tâm uống để chết sớm cho đời nàng đỡ khổ. Qua được lần đầu, lần thứ hai nàng cảm thấy bớt run hơn. Từ đó, mỗi ngày Xinh cố vun xới tình cảm vào từng lời nói, từng tiếng thưa gởi để đánh tan sự nghi ngờ nhen nhúm trong trí – nếu có – của bà mẹ chồng.

Mỗi khi nhà có khách, Xinh ý tứ khi ra vào, không mặc chiếc quần đùi cũn cỡn nữa. Mặc dù trời nóng bức, nàng vẫn chịu khó mặc chiếc quần dài cho bà Tốt vừa lòng. Dần dần bà nhận thấy một cái gì khác lạ nơi đứa con dâu. Cách ăn ở, cách đi đứng của nó có thay đổi thấy rõ. Hình như nó biết cái mình không thích và cố tránh. Mà cách ăn nói rõ ràng lễ phép hơn, trong giọng nói của Xinh có đượm tình cảm thiết tha chứ không lạnh nhạt như người dưng khác họ. Việc giặt giũ trong nhà Xinh cũng cố để ý làm, ít khi “lộng quyền” sai chồng như trước đây. Bà không hiểu đứa con dâu tính giở quẻ gì đây nhưng độ hơn tuần bà thấy nó thật lòng quá. Xem cái lối nó bưng nước mời bà cứ in hệt lúc bà bưng nước mời ông bà nội thằng Tạ thuở mới về làm dâu. Cũng rón rén, lễ phép, có trên có dưới xem được quá đi chứ! Lần đầu tiên từ lúc đặt chân đến Mỹ, bà Tốt thấy tự ái được vuốt ve mát gan mát ruột vô cùng. Tiếng “mẹ” nghe từ cái miệng rộng ngoác của Xinh bây giờ bà lại thấy êm tai lắm. Đã có lúc bà nhủ thầm, miệng nó rộng nhưng lại ăn nói ngọt ngào ra phết.

Riêng Tạ cũng nhận thấy vợ không còn phàn nàn với chàng những chuyện về mẹ. Những chuyện phàn nàn mà nghe mãi cũng đến bực mình. Đành rằng mẹ chàng đôi lúc cũng quá quắt nhưng phận làm con chàng không dám nghe vợ mở lời khuyên mẹ. Xinh có lý khi phàn nàn nhưng nếu rộng lượng bỏ qua thì chuyện lại không sao; đằng này vợ chàng xét nét từng tí một. Một khi người ta cố ý chẻ sợi tóc làm tư thì trước sau gì cũng thấy người kia có lỗi. Tạ lại không dám khuyên vợ, vì chàng biết mẹ có điều không phải. Chàng chỉ biết mẹ đã già rồi, không còn sống bao lâu nữa, thôi thì tỏ lòng hiếu thảo để báo hiếu công dưỡng dục một phần. Khổ nỗi bà Tốt là mẹ chàng, nói thêm thì Xinh cho là chàng bênh mẹ không còn biết đến vợ con. Tạ khổ cực sống giữa sự giằng co dai dẳng của mẹ và vợ. Đôi lúc chàng đã có ý định bỏ đi thật xa, tránh cảnh “trên đe dưới búa”. Sự thay đổi của Xinh làm Tạ hứng khởi không ít. Chẳng biết vì lý do gì mà vợ chàng lại “ngoan” đến thế. Tạ không cần biết lý do; chỉ biết cảnh nhà độ rày ấm cúng lắm. Ra sở là chàng chạy ngay về nhà để tận hưởng những giây phút hạnh phúc bên mẹ già và vợ con. Và chàng tuyệt nhiên không hề biết ý định đầu độc của Xinh.

Một hôm, Xinh bảo bà:

- Mẹ có muốn đi shopping với con không?

Bà cười giả lả:

- Bày vẽ! Tôi có gì mà mua với sắm. Thôi chị đi đi.

Xinh cố nài:

- Con muốn mua cho anh Tạ cái quần mà không biết chọn màu gì.

Bà Tốt nghĩ nếu chọn màu quần cho đứa con trai thừa tự thì bà nên đi. Để bà chọn màu thì còn trật đi đâu nữa. Hôm đó Xinh còn mua cho bà một chiếc khăn trùm đầu, nói là mùa đông sắp tới để mẹ quấn cho ấm. Bà Tốt tỏ vẻ cảm động về cử chỉ của Xinh. Đành rằng từ ngày qua Mỹ quần áo bà không thiếu nhưng chưa bao giờ Xinh biếu bà một món gì gọi là tình mẹ con. Thật ra bà không cần cái khăn quàng lắm nhưng chính từ tay đứa con dâu mua trao nên bà quý và cử chỉ đó làm bà cảm động. Bà nghĩ có thương nó mới mua cho bà chứ. Không những thế, mỗi tuần Xinh đều hỏi bà Tốt muốn đi đâu để nàng chở đi; lúc thì lên chùa ngoạn cảnh viếng Phật, khi thì đi thăm người quen, hoặc đến nhà ông anh chồng trò chuyện cả ngày. Đi chợ, nàng cũng đưa bà đi theo và hỏi mẹ muốn ăn món gì để con mua. Còn Tạ mỗi lần thấy vợ chở mẹ đi đâu đó chàng vui vẻ ra mặt. Ôi! Hạnh phúc là đây, Tạ nhủ thầm. Tạ bỗng thấy cuộc đời này đáng sống quá. Mẹ, vợ và con cái; những người thân yêu của chàng quấn quýt bên nhau. Nhìn mẹ và Xinh bước ra ngoài thấy thân tình cứ như mẹ con ruột.

Có lần, bà Tốt gặp một người quen ở chợ hỏi:

- Con gái bác đấy à?

Bà Tốt cười cười:

- Không, con dâu nhà tôi đấy!

- Bác có cô con dâu tốt quá.

- Vâng, cảm ơn bà.

Giọng nói chắc nịch của bà có pha chút hãnh diện. Bà gần như muốn giới thiệu với bà bạn một nàng dâu đảm đang, biết quán xuyến mọi việc trong nhà và lo lắng cho bà từng chút một. Câu trả lời của bà mẹ chồng Xinh nghe rõ mồn một. Nếu Xinh đưa mắt nhìn có lẽ nàng sẽ đọc được thêm một câu nói trong ánh mắt của bà: không phải ai cũng may mắn có đứa con dâu như thế đâu! Chỉ một câu nói của bà Tốt, nàng chợt thấy lòng mình ấm hẳn. Ra đến bãi đậu, Xinh không cho bà Tốt bưng xách một thứ gì. Nàng hối hả đẩy bà vào xe, và tự mình chuyển hết những bao thức ăn vào cốp. Tối hôm đó, sau hơn tháng kể từ ngày Xinh bắt đầu kế hoạch giết người, lần đầu tiên nàng bưng đến cho bà mẹ chồng một ly nước trà tinh khiết không pha độc dược.

Xinh bắt đầu nhận thấy con người nàng thay đổi. Thay đổi từ lúc nào thì nàng không biết, Xinh chỉ nhớ rõ ràng kế hoạch đầu độc bà mẹ chồng. Chính nàng đã vạch ra từng bước dè dặt để qua mắt mọi người. Xinh nhớ mang máng là nàng có chút thiện cảm với bà Tốt kể từ khi nàng nghe những lời khen của bà về nàng. Loáng thoáng Xinh nghe bà nói riêng với Tạ; đại khái như mẹ thấy con Xinh bây giờ được lắm nghe con; hoặc con làm giúp vợ cho nó nghỉ ngơi một chút đi con… Tạ cũng thấy Xinh thay đổi và chàng thủ thỉ tạ ơn nàng đã vun xới cho cuộc sống gia đình thật nhiều ý nghĩa. Nghe mát ruột thật nhưng Xinh vẫn ngậm miệng ừ hử cho qua chuyện vì kế hoạch trừ khử bà Tốt vẫn nằm kín trong tâm tư. Nàng chỉ cười nói có gì đâu anh để chồng khỏi nghi. Mãi đến lần đi chợ nghe chính miệng bà Tốt khen nàng thành thật trước mặt người lạ, nàng mới thấy thật hả dạ. Xinh tự nhủ hoá ra bà mẹ chồng có khó gì đâu, mà trái lại bà dễ thương quá đi chứ!

Bà Tốt ban đầu không tin đứa con dâu yêu thương bà. Loại người như con Xinh mồm loa mép dải nhiều thủ đoạn, không thể tin nó được. Nhưng dần dần bà thấy nó đối xử thật tình lắm, lại tỏ vẻ yêu thương bà chân tình. Bà mẹ chồng nhận thấy tình thương qua cử chỉ, qua cách cư xử mà không một chút nghi ngờ là bởi Xinh đóng kịch rất khéo. Nàng cố trau chuốt lời nói, dè dặt từng hành động để cốt chiếm cảm tình của bà Tốt. Vì tưởng thật nên bà đối xử lại với đứa con dâu bằng tình thương không kém đậm đà và ngay lúc đó cái nhìn về Xinh cũng hoàn toàn biến đổi. Với khuôn mặt tròn vành vạnh của Xinh, khuôn mặt mà bà chỉ chực “cầm cái đũa để đâm” thế mà bây giờ bà lại thấy phúc hậu lắm. Khuôn mặt nhìn phúc hậu vậy thì về già số nó phải an nhàn, bà nghĩ thầm. Bà thường chê nàng béo nhưng khi yêu thương bà lại thấy dáng Xinh chỉ… đẫy đà một tí; trông có da có thịt chứ không ốm tỏng ốm teo như mấy đứa con gái nhà bà, nhìn phát khiếp. Nghe những lời êm đềm từ cái miệng “đo đúng một gang tay” của Xinh bà không còn nghĩ “tan hoang cửa nhà” nữa nhưng lại gật gù nghĩ đến câu ca dao thời trang mà có lần tình cờ bà đọc được trên mặt báo: “đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng lại càng… sang hơn”. Rõ ràng bà Tốt thay đổi quan niệm về đứa con dâu. Những thành kiến “chết người” về Xinh phai nhạt dần theo ngày tháng. Khi rũ bỏ hết mọi thành kiến trong đầu, bà dễ dàng yêu thương Xinh hơn. Xinh cũng nhận ra tình thương đó nên nàng bắt đầu đối xử với bà thật lòng chứ không giả dối như lần đầu pha trà rón rén bưng nước mời. Và cứ như thế, tình thương đã dần dần cảm hoá hai người đàn bà, từ cảm giác muốn “ăn tươi nuốt sống nhau” đến yêu thương nhau thật lòng như mẹ con.

Một bữa, Xinh nhận được điện thoại của Hiền – chị họ của Tạ, con ông bác. Ngày đám cưới của vợ chồng nàng, Hiền làm phù dâu. Ngoài sự liên hệ họ hàng với chồng, kể từ khi biết nhau Hiền chơi thân với Xinh. Chị em thường có những tâm sự khó chia sẻ với người khác mà chỉ biết thủ thỉ với nhau. Giọng Hiền như reo trên điện thoại:

- Xinh, khoẻ không bà?

- Vẫn bình thường chị. Còn chị sao, có gì lạ không?

Hiền nhanh nhẩu:

- Có chuyện lạ mới gọi đến cho bà chứ!

- Chuyện gì vậy?

- Chuyện của bà chứ của ai?

- Chuyện của em?

- Mình muốn hỏi bà làm gì mà thím Tốt qua bên nhà khen bà quá sức. Trời ơi! Thím khen nức nở cứ như mẹ quảng cáo kiếm chồng cho đứa con gái không bằng. Bà làm sao hay vậy bà, chỉ mình “vài chiêu” được không?

Xinh giật thót người. Nàng chợt nhớ Hiền cũng nằm trong một gia cảnh khốn khổ như nàng. Cũng sống chung với bà mẹ chồng khắc nghiệt như bà Tốt. Mỗi lần chị em gặp nhau riêng, cả hai tha hồ tố khổ hai bà mẹ chồng. Dĩ nhiên, kế hoạch đầu độc Xinh không thổ lộ với Hiền nên nàng không hay biết một tí gì về sự biến chuyển xảy ra trong tâm hồn Xinh. Bây giờ Hiền gọi đến nhờ nàng mách nước. Xinh hỏi gặng:

- Thế mẹ em nói sao?

- Thì thím nói về bà những điều trước đây không hề nói. Thím còn khen thằng Tạ có mắt mới chọn được người như bà. Mình biết tỏng là thím ghét bà lắm lắm thế mà giờ lại khen không tiếc lời. Bà phải làm gì đó nên thím mới khoe không biết ngượng, phải không?

Xinh đắn đo từng chữ:

- Chị Hiền à! Thật ra em có làm gì đâu. Chị nghĩ xem, nếu kéo dài tình trạng đó thì có lẽ chị em mình chết trước mấy bả như không. Vì thế nên em muốn lấy lòng mẹ chồng chút đỉnh. Chị nghe em đi, bà nào cũng thế, cũng muốn đứa con dâu pha cho ly trà, cũng muốn chị em mình làm vừa lòng mấy bả. Chị cứ để ý những gì bả không thích, những gì bả thích. Bả thích thì mình làm, không thích thì tránh. Rồi chị xem, cỡ tháng là thấy khác liền.

Xinh nói trơn tru một hơi. Nàng giấu tiệt ý nghĩ đầu độc lúc ban đầu. Thật ra, nàng đã ngưng rắc thuốc vào tách trà từ lâu. Mà nếu muốn bây giờ cũng khó ra vì bà Tốt không để nàng đun nước pha trà nữa nhưng bà lại sai Tạ làm giúp. Gói thuốc độc, ông chú dặn cho uống liên tiếp trong 3 tháng; độ hơn tháng thì nàng ngưng với hy vọng thuốc chưa ngấm sâu vào tạng phủ. Nàng cũng không thổ lộ chuyện đó với ông Dưỡng An để xin thuốc giải. Xinh cũng biết đôi chút về thuốc Bắc, nói uống 3 tháng mới công hiệu thì phải đúng 3 tháng; không đúng liều lượng và thời gian thì xem như bỏ. Đành rằng, nguyên nhân không tốt nhưng phương tiện tốt nên kết quả vượt ngoài ý muốn của mọi người, nhất là Xinh. Nói chuyện với Hiền xong, Xinh càng thương mến bà Tốt hơn. Một người tốt với Xinh như thế mà nàng lại quá nhẫn tâm… Đêm đó, Xinh suy nghĩ nhiều về hành động độc ác của nàng. Lần đầu tiên, Xinh chợt cảm thấy hối hận.

Gia đình Tạ sống hạnh phúc được đến mấy tháng thì một buổi sáng, bà Tốt bỗng lên cơn đau dồn dập ở ngực. Mặt bà đỏ bừng, hơi thở gấp gáp như người lên cơn suyễn. Từng ấy cơn đau ghim chặt tấm thân còm cõi xuống mặt giường làm bà không chỗi dậy được. Tạ vội vàng chở thẳng mẹ vào nhà thương. Xinh chở mấy đứa con đến trường rồi tất tả chạy vào phòng cấp cứu. Trên đường lái xe, nàng cầu Trời khấn Phật cho bà Tốt qua được cơn nguy hiểm. Nàng đột nhiên nhớ đến gói thuốc độc. Xinh không dám nghĩ vì nàng mà bà Tốt trở bệnh. Nàng nhớ lời ông chú dặn dò cỡ 6 tháng trở đi thì bệnh mới chuyển. Tính nhẩm ra từ ngày bà Tốt uống chén trà pha thuốc độc đến nay đã hơn nửa năm rồi. Xinh run rẩy, lắc đầu xua đuổi hình ảnh đen tối của một cái chết mà không ai biết thủ phạm ngoài nàng và ông Dưỡng An. Xinh phải trực diện với lương tâm kết quả hành vi độc ác của nàng. Trên đường lái xe đến bệnh viện, nàng hối hả dùng phôn tay gọi cho ông chú. Vừa mới nghe tiếng ông ở bên kia đầu dây, Xinh bật khóc:

- Ba ơi, mẹ con vào phòng cấp cứu rồi…

Ông ngắt lời nàng:

- Bả làm sao, từ từ nói chú nghe.

Xinh kể sơ sơ về bệnh trạng. Ông an ủi:

- Có gì đâu, bệnh tim của bả tái phát đó mà. Cái gì chứ tim thì nó vật bất cứ lúc nào con ơi!

Xinh hạ thấp giọng:

- Ba có chắc không? chắc là tim hay là thuốc độc?

Ông Dưỡng An tỉnh bơ:

- Tim là tim chứ có thuốc độc nào!

- Thế gói thuốc độc ba đưa cho con trước đây thì sao? Con có rắc vào ly trà nhưng chừng hơn tháng là con ngưng.

- Ồ! gói thuốc đó hả. Độc đâu mà độc, thuốc trợ tim đấy con. Chú muốn giúp mẹ con đấy mà! Con cứ cho bả uống hết rồi đến chú lấy tiếp.

Xinh chưng hửng. Nàng trợn mắt kinh ngạc. Rõ ràng nàng xin ông chú thuốc độc để khử bà Tốt mà sao bây giờ lại hoá ra thuốc trợ tim. Xinh lắp bắp:

- Ba… ba nói… nói sao?

Giọng ông Dưỡng An đầy hứng khởi:

- Thì chú đã nói rồi. Con xin thuốc độc nhưng chú lại cho thuốc bổ. Đó là cái cớ để chú muốn con thay đổi. Con hạ mình đi nước cờ trước nhưng lại có lợi cho cả gia đình. Một khi đã có tình thương thì cái nhìn về mọi người chung quanh và sự việc bên ngoài khác hẳn. Ý chú muốn nói cả bà mẹ chồng chứ không riêng gì con. Con thấy không? Bây giờ gia đình hạnh phúc chỉ vì yêu thương. Chỉ có tình thương mới hoán cải được tâm hồn người khác thôi con ạ! Nhân đây chú cũng muốn xin lỗi vì đã đánh lừa con.

Xinh không tin ở tai mình. Tim nàng đập thình thịch khi nghe ông chú thổ lộ bí mật của gói thuốc. Cảm ơn ba, nàng thì thầm trong máy. Tạ ơn Trời Phật. Nàng gạt nước mắt rồi chạy vội vào trong. Bà Tốt đang nằm mơ màng trên giường bệnh. Tạ đang nói chuyện với viên y tá trực để gọi bác sĩ. Xinh tiến đến đứng bên cạnh giường. Trong cơn đau tim làm bà choáng váng, mơ màng bà thấy đứa con dâu đứng gần. Xinh ân cần nắm lấy tay mẹ. Nước mắt ràn rụa, giọng nàng nức nở:

- Mẹ… mẹ tha lỗi cho con.

Tuy trần trí không được tỉnh hoàn toàn nhưng bà Tốt nghe loáng thoáng Xinh nói xin lỗi gì đó. Bà không biết Xinh xin lỗi chuyện gì nhưng nghe giọng nói đầy thân tình của nàng bà cảm động đến rưng rưng nước mắt. Ôi! Đứa con dâu của bà. Con ơi! mẹ thương con lắm. Bà muốn nói nhưng cơn đau chỉ cho phép bà mấp máy môi. Níu chặt lấy tay Xinh, bà khe khẽ gật đầu. Bàn tay bà nói nhiều hơn ánh mắt, mà bây giờ đang mất dần thần sắc. Bà Tốt muốn ra dấu Xinh cúi xuống cho bà vuốt tóc nàng nhưng cơn đau thình lình đánh thốc lên óc. Bà cảm thấy nhói ở tim rồi ngất đi. Trước khi bà Tốt chìm vào cơn mê, Xinh thấy rõ ràng những giọt nước rịn ra làm đầy trũng mắt người mẹ rồi đổ qua sống mũi thấm ướt một khoảnh gối. Ngay lúc đó, nàng cảm thấy cánh tay bà Tốt nặng trĩu trong bàn tay của nàng. Xinh rú lên mẹ ơi rồi thân hình nàng đổ ập lên người bà Tốt…

Bên ngoài bệnh viện mặt trời đã lên ngang tầm mắt, chiếu dãi ánh nắng chan hoà trên muôn vật. Bầu trời xanh ngắt một màu, hứa hẹn một ngày thật đẹp.

 Hải Ngữ
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Lời Bàn Mới

Hình Mới