Hai gò má tôi không cao, cổ không đến ba ngấn, giọng nói tôi không khàn khàn như vịt đực – cái kiểu “nữ đới nam thanh” – cũng chẳng có đôi mắt lá răm, thế mà lão thầy bói ngồi bên hông chợ tỉnh sau khi sờ nắn, ghé sát mắt vào mấy đường gạch ngang gạch dọc trên bàn tay phải của tôi lại dõng dạc phán rằng tôi cao số.

Lão bảo số tôi khó lấy chồng.

Năm đó, tôi chớm mười sáu. Mười sáu ở các vùng quê đã có người cưới hỏi, thường là do cha mẹ đôi bên xếp đặt mọi chuyện qua môi giới các bà mai; những kẻ mát tay trong các cuộc lương duyên gán ghép chờ ăn được cái đầu heo của nhà trai. Ở thị xã nơi bố mẹ tôi sinh cơ lập nghiệp chuyện cưới hỏi cũng chẳng trễ hơn mấy, cùng lắm là đến mười tám. Trên 18 kể như quá thì, xem như ế, chuẩn bị thở dài trở thành gái già qua những đêm đông nằm trằn trọc mường tượng đến hương vị tình yêu thì thầm bên gối. May mắn mới có người đàn ông goá vợ đến rước ra khỏi nhà cha mẹ, về làm tôi cho bầy con của người vợ trước.

Dù vậy, tôi chưa hề nghĩ đến chuyện lấy chồng. Mười sáu đối với tôi vẫn còn nhỏ lắm, ngực mới nhu nhú quả chanh, thân hình chưa nẩy nở những đường cong như người con Thìn. Đúng ra, hôm đó chúng tôi ra chợ tỉnh để mua sắm thêm một vài thứ chuẩn bị cho ngày cưới của nó. Thìn đã 16, hơn tôi nửa năm tuổi nhưng đôi má nó hồng tươi, cặp mắt lẳng với đuôi mắt dài thườn thượt, dáng đi nhún nhẩy như chim, ngửa mặt cười rổn rảng như một đấng trượng phu. Thế mà lão thầy bói lại bảo tướng nó tốt, “vượng phu ích tử” gì gì đó tôi nghe chẳng hiểu. Có thể vì thế mà mấy bà mai tuôn đến nhà nó nườm nượp. Mẹ nó – một bà Phán – ngồi chiễm chệ trên chiếc sập gụ màu nâu bóng lưỡng, có con hầu đứng phe phẩy quạt một bên, ung dung chọn một đám và khoan thai xem lịch bốc ra một ngày; từ chạm đến cưới chưa đầy sáu tháng.

Con Thìn nghe lão thầy bói phán xong cười rú lên, phát vào vai tôi một cái rõ đau:

- Cho mày nằm chổng mông chờ chàng đến chết nhé.

Con quỷ, ăn nói không một chút ý tứ gì cả, tôi rủa thầm. Tôi chẳng hề giận đến lời đùa sống sượng của con nhỏ bạn, vì lẽ tôi chưa hề nghĩ thế nào là cao số. Lão thầy bói ngập ngừng rồi phán tiếp một câu, giọng quả quyết:

- Nói ra chỉ sợ cô giận chứ quẻ gieo và đường chỉ tay nói rõ ràng lắm, cô ạ! Nếu có lấy được chồng thì chồng cũng chết, sinh con thì con cũng yểu mạng. Đại khái số sát phu sát tử.

Tôi có cảm giác như lão thầy bói thù ghét trù ếm lời nguyền lên cuộc đời của tôi chứ chẳng phải tướng số gì cả. Tôi đứng lặng người, mắt trừng trừng nhìn lão thầy bói, không nói được gì. Lòng tôi chợt trùng xuống với nỗi buồn xót xa, không ngờ mấy gạch ngang gạch dọc trên lòng bàn tay lại xô tôi vào chuyện tình duyên long đong nhiều nước mắt; nếu lão nói đúng. Thấy mắt tôi rưng rưng, con Thìn và mấy đứa bạn bĩu môi xỉa tiền rồi ngoe nguẩy kéo tôi đi. Thìn xoa xoa lưng tôi, vỗ về bảo:

- Đừng nghe lão. Lão chỉ nói phét ăn tiền. Mấy lời lão khen tao, tao cũng chẳng tin. Mày đừng buồn.

Rồi nó phá lên cười:

- Để tao làm mai cho mày anh phù rể nhé, cũng đẹp trai ra phết. Mày cứ lấy chồng xong rồi ra đây đập guốc vào mặt cho lão biết thân. Đồ điêu!

Ước mơ đập guốc vào mặt lão thầy bói không thành vì mãi đến gần 20 tuổi tôi mới lấy được tấm chồng, một anh thầy giáo làng. Giá lấy được chồng năm 17 thì tôi cũng theo con Thìn ra chợ tỉnh một lần nữa để hạch hỏi lão thầy bói cho ra lẽ. Lão phán thế mà đúng, hai mươi kể như quá lứa. Tôi cao số thật. Quay qua quay lại mấy đứa bạn đều có chàng đến hỏi, còn tôi tủi phận ôm gối khóc ròng. May có anh thầy giáo đến ở trọ nhà tôi, mỗi ngày hai buổi đi dạy, cơm nước đều nhờ mẹ tôi lo liệu. Mẹ tôi thấy đứa con gái duy nhất đứng ngấp nghé ở cuối ngưỡng cửa xuân thì nên bà không dám so đo ốm chê ngỏng béo chê phì. Anh thầy giáo làng cũng không mơ ước nhiều nên tôi trở thành vợ chàng từ đó. Ở với nhau hơn 4 năm được hai mặt con thì chiến trận xảy ra.

Năm đó là năm 1954. Chồng tôi theo Việt Minh chống Pháp và chàng chết mất xác khi dùng xe đạp thồ súng đạn và lương thực vào trận địa Điện biên Phủ. Một người quen làm nhiệm vụ giao liên đi đi về về giữa vùng lửa đạn và thành phố cho tôi biết tin. Thế là tôi trở thành góa phụ ở tuổi 24, hai nách cặp hai đứa con trai; một đứa chớm bốn tuổi và đứa nữa lên hai. Chưa hoàn hồn khi nghe tin chồng chết thì xảy ra chuyện di cư vào Nam. Cha mẹ tôi tiếc của nên dứt khoát không đi nhưng bắt đứa con gái dẫn con ra Hải phòng bước lên tàu há mõm. Đến nay tôi vẫn không hiểu tại sao tôi đành lòng dẫn con vào Nam bỏ lại hai đấng sinh thành. Có lẽ vì lời khuyên của cha tôi. Ông nói gia đình nhà ta là gia đình cách mạng, có công giúp đỡ bộ đội du kích trong cao trào chống thực dân Pháp. Nhưng ông lại bảo với Việt Minh thì không biết thế nào, lành dữ ra sao họa là Trời mới biết. Tôi còn hai đứa con nên phải lo cho tương lai của chúng, cha mẹ đã luống tuổi, có chút công với cách mạng cũng là lá bùa để phòng thân. Thế là tôi quẳng gánh, hai đứa con ngồi hai bên thúng, theo đoàn người lũ lượt lên ga ra Hải phòng.

Vào Nam, cả đoàn người di cư ở tạm trú trong những căn lều làm bằng bạt nhà binh, chờ đợi thủ tục lên cao nguyên, hoặc xuống miền Tây lập nghiệp. Tôi bơ vơ ôm hai đứa con nơi vùng đất lạ, ngơ ngác từ cách sinh hoạt đến giọng nói của người địa phương. Nếp sống gần như khác biệt so với nề nếp ở ngoài Bắc. Cũng may Ủy ban Tiếp đón người di cư thật tốt bụng, họ giúp đỡ chỉ bảo tận tình nên tôi an tâm thích nghi nhanh chóng đời sống tạm bợ trong trại định cư. Đời sống vừa mới tương đối ổn định thì nỗi nhớ nhung bùng lên quay quắt. Nỗi nhớ bám da diết lấy thân xác tôi vào mỗi tối nằm ôm con trong giấc ngủ trằn trọc có tiếng gió thổi vờn qua cửa lều nghe như than van ai oán. Tôi thổn thức nhớ đến những năm hương lửa mặn nồng, ấm áp trong vòng tay chồng quên đi cái lạnh cắt da của đêm trường. Hạnh phúc nếm chưa tròn bốn năm thì chồng tôi từ giã vợ con lên đường đi diệt giặc. Ở nhà, tôi ngóng tin chàng bằn bặt được gần năm mới hay chồng rơi tỏm xuống vực khi chuyển đạn dược qua các triền núi cheo leo vào mặt trận Điện biên. Lẫn trong hình ảnh của chồng là nỗi nhớ nhà ray rứt; nhớ đến căn nhà ngói nơi tôi lớn lên, không biết cha mẹ tôi giờ này ra sao? Cây bông sứ trước nhà còn thở hơi thơm mỗi đêm thoang thoảng? Con Thìn vẫn còn rộn ràng như ngày nào? Bạn bè đứa còn đứa mất? Vội vã ra đi chứ nào ngờ chuyến đi của tôi đánh dấu một chia lìa vĩnh viễn, mảnh quá khứ đột ngột rơi rụng như chiếc lá vàng bay vèo trước gió.

Nỗi nhớ chưa nguôi ngoai được một ngày thì tai họa xảy đến. Đứa con trai 2 tuổi mải chơi chạy lăng quăng thế nào mà bị xe Hồng thập tự cán chết tươi ngay trong trại tiếp cư. Tôi ôm choàng lấy xác con, khóc ngất. Thằng lớn đứng bên cạnh ngơ ngác khóc theo. Mọi người đứng chung quanh chép miệng mủi lòng thương cho số phận mẹ con tôi, mới chân ướt chân ráo đã vướng lấy thương đau. Những ngày ngắn ngủi còn lại ở trại tiếp cư, tôi chợt nhớ đến lời lão thầy bói năm nào. Lời nguyền của lão – tôi cho là lời trù ếm – ban đầu chỉ là mơ hồ, bàng bạc thoáng qua trong ý nghĩ nhưng nay đã hiện rõ dần từng chữ. Tôi thật có số sát phu sát tử sao? Từng ấy thương đau cọng với lời nguyền làm lòng tôi bỗng chai cứng, trái tim trở nên sắt đá lúc nào không ngờ. Tôi sống câm nín, ngậm ngùi với nỗi buồn và cắn răng dập tắt lửa lòng.  

Cần nói thêm là từ ngày con tôi bị xe cán chết, ai ai cũng thương số phận hẩm hiu của tôi;  thân đàn bà giữa cảnh chợ đời, gánh vác con cái. Trong số những đàn ông lạc bước vào miền Nam, có một người thường năng lui tới trại định cư để hỏi thăm tin tức người thân. Hôm tai nạn xảy ra cho cháu bé, anh cũng có mặt tại hiện trường. Hiểu được hoàn cảnh côi cút, anh hỏi han và giúp đỡ tận tình. Qua lại hơn tuần tôi được biết anh để vợ và hai đứa con ngoài Bắc, vào Nam buôn bán làm ăn. Cứ vài tháng anh lại mang tiền về cho vợ con. Hơn mấy tháng nay tin tức chiến trận đổ dồn về hậu phương nên tâm hồn anh bấn loạn. Những chuyến xe ra Bắc ngày càng hiếm vì người ta lũ lượt chạy vào Nam chứ không ai hoài công trở ra Bắc. Anh đang bối rối, bần thần, lo âu, xuôi ngược tìm cách về quê thì bất ngờ hiệp định chia đôi đất nước có hiệu lực. Và thế là anh kẹt lại miền Nam ngẩn ngơ với ý nghĩ không biết đến khi nào mới gặp lại vợ con. Đồng bệnh tương lân. Thấy tình cảnh goá bụa, bơ vơ nơi đất khách quê người của hai mẹ con, nhất là đứa út chết đau đớn, anh nâng đỡ ủi an tôi thật nhiều. Trong muôn vàn tai họa đổ dồn dập lên đầu, sự hiện diện của anh giúp tôi chống đỡ được nghịch cảnh và tôi đứng thẳng người bước tới.

Ngày bước ra khỏi trại định cư, tôi dẫn con về nhà trọ anh thuê dùm hai mẹ con. Những ngày đầu ở đất Sàigòn đỡ vất vả cũng nhờ anh lo toan mọi chuyện. Tôi vào làm thư ký ở một hãng thầu anh quen biết gởi gắm. Tài chánh tằn tiện cũng đủ trả tiền nhà, cơm nước và lo cho thằng con lớn vụt như thổi. Ngày ngày anh lại thăm tôi, nẩy nở tình thân và dẫn dần đến tình yêu. Tôi yêu anh cũng dễ hiểu, thân mẹ goá con côi, sống gần như nương tựa vào một người đàn ông. Từng cử chỉ săn sóc, những lời nói ngọt bùi thấm dần vào tim và một lúc nào đó, trái tim sắt đá bỗng mềm nhũn như gặp phải chất cường toan.

Giữ trọn tang chồng ba năm, tôi bằng lòng lấy anh với tấm lòng của kẻ thụ ơn. Tôi nghĩ thân đàn bà con dại sống một mình không tiện; hơn nữa anh cũng một thân một mình không ai chăm sóc. Thôi thì gộp chung lại thổi cơm cho tiện. Về với anh ngoài tình yêu còn có chút nghĩa trả ơn. Thế là chúng tôi trở thành một gia đình từ đó. Anh đăng lính còn tôi vẫn giữ chân thư ký, sống chờ những ngày phép quyến rũ. Tôi tạm sống yên lành bên người chồng mới và đứa con trai lớn dần. Lời lão thầy bói tôi cố quên không bận tâm nhớ đến. Đôi lúc tôi tự biện hộ về cái chết của người chồng là do hoàn cảnh chiến tranh, đứa con 2 tuổi chết là do thằng anh bất cẩn, chứ chẳng phải tại số tôi sát phu sát tử. Tôi yên tâm với lời giải thích đó và sống tận hưởng tuổi xuân bằng đôi môi hớn hở thoa son đỏ thắm, cặp má hây hây lớp phấn hồng. Mỗi lần về phép anh ghì chặt lấy tôi trong vòng tay tham lam, và tôi ngấy ngây với những hơi thở rướn cong mệt nhoài.

Cứ tưởng cuộc đời trôi như thế cho đến lúc tuổi già bóng xế, nào ngờ người chồng thứ hai của tôi lại cũng chết trận. Năm đó là năm 1960, tôi mới chớm bước vào tuổi ba mươi. Đó cũng là năm thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam,Việt cọng xua quân vượt ranh giới đánh phá khắp toàn cõi miền Nam. Lần đi hành quân bảo vệ xóm làng, toán của chồng tôi bị phục kích, cả đại đội bị chết mất mấy người lính, trong đó có chồng tôi. Ngày nhận xác chồng, khuôn mặt tôi nhuốm chút buồn nhưng không thấy một giọt nước mắt rơi rớt trên gò má căng da mơn mởn. Hạnh phúc – một lần nữa –  chỉ đếm được trên đầu ngón tay như đời chồng trước. Đầu tôi lại chít khăn tang lần thứ hai, cả đứa con cũng sụt sùi bám lấy vạt áo sô, khóc người cha ghẻ thương nó như con ruột.

Đến bây giờ thì tôi tin lời lão thầy bói lắm rồi. Tôi đúng là có số sát phu. Mỗi đêm tôi đều cầu xin Trời Phật gìn giữ đứa con duy nhất, đừng để tôi phải mang tiếng sát tử lần nữa. Công việc ở hãng thầu giúp tôi có đủ tài chánh để lo cho nó ăn học thành tài. Ngặt một cái, sau khi đậu Tù tài một, nó cứ năn nỉ tôi xin nhập ngũ vào trường Bộ binh Thủ đức, mặc dù con tôi có đủ điều kiện hoãn dịch vì là con một. Hai người chồng đều chết trận nên tôi không muốn nó vướng nợ lính, lành ít dữ nhiều. Cuối cùng tôi phải chịu thua tính cương nghị của thằng con. Nó bảo không thể an tâm học hành khi đất nước điêu linh. Người chồng thầy giáo của tôi chết vì giặc Pháp, người chồng thứ hai chết vì Việt cọng và bây giờ tôi rùng mình thấp thỏm mỗi khi nghe tin tức chiến sự sôi bỏng gửi về từ vùng lửa đạn.

Trong thời gian đứa con thụ huấn quân trường, tôi quen Bill. Chả là hãng thầu nơi tôi làm việc cho nhận một vài công việc từ hãng thầu Mỹ. Bill đại diện cho hãng đến giao dịch và chàng gặp tôi. Tiếng Anh tôi không biết mấy nhưng tôi lại hiểu ánh mắt chàng. Bill ngoài bốn mươi, hơn tôi vài tuổi. Chúng tôi quen nhau, tôi học dần tiếng Anh để nói chuyện. Trái tim tôi tưởng chai cứng theo thời gian, nhất là qua cái chết của hai người chồng nhưng không ngờ lại bừng sống dậy qua ánh mắt nồng nàn của Bill. Đứa con về phép biết chuyện ông Bill tỏ ý tán thành. Nó còn xúi tôi bước đi bước nữa. Tôi lắc đầu trả lời cho con và cho chàng. Lý do tôi từ chối là vì tôi yêu Bill thật tình, tôi không muốn Bill uổng mạng vì một cuộc hôn nhân dị chủng chẳng đáng gì. Dĩ nhiên tôi không thể thổ lộ lời lão thấy bói nói hơn hai mươi năm về trước. Nói ra số sát phu, Bill và thằng con chắc chắn sẽ cười chế nhạo tôi không tiếc lời. Nhưng mặc ai cười nói thế nào, tôi không thể đánh đu số mạng của một người đàn ông tôi yêu tha thiết với tướng sát phu tàn nhẫn, đã nghiệm đúng hai lần.

Bill vẫn đến thăm tôi, kiên nhẫn đợi chờ một cái gật đầu. Tôi vẫn nhì nhằng giữa yêu và lấy. Và trận chiến khốc liệt xảy ra năm 1972, mùa hè đỏ lửa. Đúng như tôi phập phồng hằng đêm, tin dữ cuối cùng cũng đến. Đứa con bị mấy viên đạn nát bấy ngực khi tiểu đoàn của nó xung phong tái chiếm cổ thành Quảng trị. Cầm giấy báo tử trên tay, tôi bỗng oà khóc như đứa trẻ bị giật mất miếng kẹo ngon. Tạo hoá đã giật đứa con ra khỏi đời sống khốn khổ của tôi, cắt đứt vĩnh viễn một hình hài phải cưu mang chín tháng mười ngày, cắt thịt xẻ da mới nghe tiếng khóc chào đời. Ngày đưa con đến mộ huyệt, Bill dìu tôi một bên. Thân hình tôi mềm rũ như cây tầm gửi, phải dựa hẳn vào người Bill. Đêm đó, ý định tự tử chợt loé lên trong đầu. Ngồi ôn lại dĩ vãng, tôi chợt cảm thấy bơ vơ lạc lõng như thuở mới di cư vào Nam. Những người thân lần lượt bỏ tôi ra đi, không bao giờ nghe được một lời trăn trối. Bất đắc kỳ tử. Cha mẹ tôi bị đấu tố chết vài tháng sau khi tôi rời đất Bắc, hai đời chồng, đứa con dại chết rũ trên cánh tay, nay lại đến giọt máu cuối cùng. Cái mắt xích nối liền sự sống của tôi trên dương thế đã đứt phựt, nên tôi thật chẳng còn gì để luyến tiếc cõi đời này cả.

Vậy mà tôi vẫn sống nhăn, không sao thực hiện ý định tự kết liễu đời mình. Một phần cũng vì Bill, chàng hiểu hoàn cảnh của tôi nên túc trực ngày đêm an ủi. Đến khi nỗi buồn nguôi ngoai thì tôi lại không có đủ can đảm bước sang bên kia thế giới để gặp lại những người thân. Rồi còn tình yêu của Bill nữa. Mỗi lần nghĩ đến công Bill đeo đuổi cả mấy năm tôi thấy trái tim đau nhói. Rũ sạch nợ trần ra đi bỏ lại Bill thì thật bất công cho chàng quá. Vậy mà tôi vẫn khăng khăng ý định không thể lấy chàng. Theo đuổi tôi thêm được một năm thì Bill bỏ cuộc, chàng về nước. Tôi không trách chàng, nếu phải trách kẻ đáng trách là tôi. Nhưng tôi có lý do riêng, không dám phạm vào lời nguyền vốn đã đem lại nhiều tang tóc.

Tôi sống âm thầm như một cái bóng, lặng lẽ mỗi ngày hai buổi đi làm, mặt trơn trợt không son phấn để tránh người theo đuổi. Mỗi đêm thở dài nhớ đến Bill rồi tự trách mình quá vô tình không dám thách thức với số kiếp thêm một lần nữa. Đến khi lòng tôi nguôi ngoai dần tình yêu với người đàn ông khác màu da thì Bill thình lình xuất hiện. Chàng hối hả báo tin cho tôi biết tình hình chiến sự đã đến lúc quyết liệt, và Bill ép buộc tôi ra đi.

Lúc ấy vào cuối tháng ba năm 1975.

Tôi không đành lòng để mộ bia những người thân không nhang khói nhưng Bill bảo có ở lại cũng không xong, phải cố giữ lấy mạng sống. Chàng nói thêm có sống mới lo hương khói cho người chết được. Tình hình Sàigòn lúc ấy khá chộn rộn, mọi người nhốn nháo vì những tin đồn. Tinh thần tôi bấn loạn. Băn khoăn chưa đến một ngày thì tôi quyết định ra đi với Bill.

Ở Mỹ, nghe tin tức dồn dập trên truyền hình về Sàigòn thất thủ, tôi bật khóc tức tưởi. Lần di cư không biết lúc nào mới trở lại quê nhà để thăm mộ phần cha mẹ, lần này tôi cũng không biết đến bao giờ mới trở lại quê hương để thắp nén hương cho chồng con. Và tôi bắt đầu nếp sống mới ở nơi đất khách quê người từ đó, dĩ nhiên với Bill.

Căn nhà chúng tôi ở tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải, có cánh đồng cỏ bao quanh, phía sau là một khu rừng nhỏ. Đêm về, ngồi ngoài hiên cửa, nhìn lên bầu trời đầy sao, dựa đầu vào vai Bill, nhâm nhi ly rượu, ngửa mặt đón nhận nụ hôn say đắm của chàng, tôi nghe thấy tình yêu cháy bỏng ở đầu môi.

Sống hạnh phúc với Bill được vài năm thì số mệnh lại giáng xuống đầu tôi thêm một đòn chí tử, đòn cuối cùng. Chàng bị ung thư đường ruột, ăn lan ra đến lục phủ ngũ tạng. Từ lúc phát đến lúc chết chỉ vọn vẻn chưa đầy ba tháng. Bill chưa đến năm mươi, quá trẻ so với tuổi trung bình ở Mỹ. Khuôn mặt tôi vẫn ráo hoảnh, không nặn được một giọt nước mắt. Số kiếp tôi chỉ có nước mắt cho con, chưa bao giờ nhỏ được một giọt nước mắt cho chồng. Người chồng đầu tiên của tôi tuy lòng thổn thức nhưng tình hình chia đôi đất nước lúc đó không cho phép tôi đứng thương ngồi tiếc; vả lại tôi không thấy xác nên vẫn còn hy vọng tin tức sai lạc và sẽ có ngày đón chồng về ở ngay ngưỡng cửa. Thế nên không có một giọt nước mắt rơi. Cái chết của người chồng thứ hai cũng không vắt được một giọt lệ và bây giờ đến Bill, hai gò má tôi vẫn khô ran. Chỉ có đôi mắt thất thần, lờ đờ như mắt của người mất trí.

Tôi bán căn nhà, cố chôn vùi kỷ niệm gió trăng. Hai đời chồng trước tuy hạnh phúc nhưng là một thứ hạnh phúc bình dị: lấy chồng, sinh con, gia đình an vui. Hạnh phúc với Bill là thứ hạnh phúc có hương vị; đêm vọc ánh trăng vương vãi cả hiên nhà, buổi chiều tản bộ vào rừng nghe cỏ cây thầm thì trong gió hoặc trườn người đùa với nắng trên vạt cỏ xanh rì. Đó là thứ hạnh phúc ưỡn người hưởng thụ, mãi hoài không bao giờ chán. Tôi có cảm giác ông Trời ghen với tôi, không muốn cho tôi hưởng hạnh phúc lâu dài. Từ ghen đến ghét chỉ là một bước ngắn và thật không ngờ ông Trời ghét tôi đến nỗi nghiến răng cướp đi hết nguồn sống của tôi một cách nhẫn tâm đến vậy.

Tôi hận Trời, nhưng Trời lại ở quá xa chưởi không nghe. Tôi chỉ nhớ đến lời trù ếm của lão thầy bói và tôi nghiến răng rủa lão. Tuổi của lão đã cao, giờ này chắc đã chết mất xác ở đâu đó rồi, thế mà tôi vẫn rủa lão không tiếc lời. Rủa trong lòng, rủa thành lời. Nếu lão còn sống thì chắc chắn sẽ phải chết vì bị vướng vào một trong những lời thề độc miệng của tôi. Gia tài Bill để lại tôi dư sức sống an nhàn cho đến già nhưng tôi nào thiết tha gì đến tiền bạc. Dọn về ở một chung cư, tôi vẫn đi làm cho khuây khoả để tránh tư tưởng chán sống. Nhiều lúc ý tưởng tự tử trở về mãnh liệt. Những người thân của tôi đều đứng ở phía bên kia bờ sinh tử vẫy gọi. Họ chờ đợi tôi một lần thanh thản bước qua. Thế mà tôi vẫn sống, sống dai, sống khoẻ hơn bao giờ.

Tuổi già sức ai cũng yếu dần, bệnh tật, thuốc men rồi chết. Còn tôi, mỗi năm trừ một ngày đi khám bệnh tổng quát, còn lại 364 ngày kia không hề biết đến viên thuốc cảm chứ đừng nói đến những chứng nan y như tiểu đường, cao máu, ung thư… Không dám tự tử nên tôi mong có bệnh để chết, chết cách nào cũng được để xong một kiếp người. Lái xe tôi cứ mong có tên say rượu nào đó đâm thẳng vào xe tôi cho xong chuyện. Vậy mà chẳng bao giờ gặp. Nghe tin tức mỗi năm nước Mỹ có hàng nghìn người chết vì mấy thằng say rượu lái xe, tôi bỗng thấy… thèm. Thèm thì thèm vậy những tôi vẫn sống dật dờ như một bóng ma.

Tuổi đến sáu mươi, tôi quyết định nghỉ hưu. Mấy năm nay, nếp sống hưu lại càng nhàn hạ; mỗi ngày đi bộ cho dãn gân dãn cốt, về nhà đọc sách chữ được chữ mất, nấu nướng giản tiện, ăn qua loa, tối hững hờ xem TV, rồi chìm vào giấc ngủ có nhiều giấc mơ dĩ vãng với đôi mắt thâm quầng. Thật nhàm nhưng vẫn phải sống. Đôi lúc tôi nghĩ có thể Nam tào sót tên tôi trong sổ tử vong. Ông Trời biết vậy lại không bảo cho Nam tào một tiếng, cứ cay nghiệt bắt tôi phải sống đến bao giờ?

Cứ thế, đến cái Tết này là hơn ba mươi năm trôi qua nơi xứ người. Ước muốn không được toại nguyện mãi đến một lúc nào đó rồi tôi cũng bất cần, mặc kệ chuyện đến đâu hay đến đó, nản lòng không nghĩ đến nữa. Đúng lúc tôi quên bẵng đã có thời gian thật dài chẳng còn thiết sống trên cõi đời này thì tôi bỗng đạt được ước nguyện.

Tôi chết. Đúng ra, tôi bị giết chết.

Chuyện xảy ra trong một buổi chiều tháng Chín, trời chớm Thu lành lạnh. Cứ chiều xuống, tôi có thói quen đi tản bộ cho dãn gân cốt. Vừa bước khỏi ngõ, bà hàng xóm đã cất tiếng chào rồi chép miệng: trời đẹp quá phải không bà? Tôi gật đầu nhìn lên bầu trời xanh ngắt không một gợn mây, vài ngôi sao lấp lánh mãi trên cao. Buổi chiều Thu thật đẹp, mang theo chút hơi lạnh sắt se để đôi tình nhân âu yếm đi sát vào nhau tìm hơi ấm. Tôi gật đầu lần nữa:

- Chào Esther.

Rồi quay sang con chó đang nằm ghếch mõm một bên:
- Ê! Captain.

Cứ mỗi lần nhìn con chó cuả bà hàng xóm, tôi cứ rợn rợn người. Loại chó Labrador rất khoẻ. Con Captain trông lực lưỡng với bộ lông vàng, lốm đốm ngả sang nâu. Esther nắm chặt sợi dây buộc vào cổ con chó nhưng cỡ nó muốn chồm lên ngoạm người nào thì đến sức thanh niên còn khó giữ chứ đừng nói đến một bà già ốm yếu, hom hem như người mắc bệnh lao. Bởi vậy hễ gặp con Captain tôi luôn kiếm cách lảng xa xa. Esther vẫy tay khi tôi bước ra đường:

- Cẩn thận nghe Josie. Nhớ kiếm đường sáng mà đi nghe. Cứ cẩn thận vẫn hơn.

Tên tôi là Josie, Bill đặt cho tôi khi nhập tịch. Esther là người bạn tốt. Bà cũng về hưu như tôi, sống ở chung cư này đến mấy năm nên quen nhau rất thân. Cứ hễ thấy tôi bước ra khỏi ngõ thế nào bà cũng dặn dò đôi lời. Khu chung cư tôi ở tương đối an ninh, lâu lâu mới có vụ đánh lộn, đâm chém của mấy băng đảng chọn khu chung cư để thanh toán chuyện gái, chuyện nợ nần giang hồ. Năm ngoái, bọn đầu nậu sai mấy thằng nhỏ mang “thuốc trắng” mầy mò đến khu này bán dạo, bị cảnh sát rượt đuổi chạy có cờ. Vậy mà lâu lâu vẫn thấy mấy thằng nhỏ điếc không sợ súng đứng bán lén cho khách qua đường. Bao nhiêu năm nay, cứ chiều chiều là tôi tản bộ, chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi cũng an tâm vì nếu không thấy tôi về, chắc chắn Esther sẽ là người đầu tiên báo cho cảnh sát.

Chiều hôm đó không hiểu sao đầu tôi nặng chình chịch. Chắc trái gió trở trời gì đây, tôi nghĩ thầm. Vai tôi cũng hơi nhức mỏi, có lẽ tại cố khiêng thùng nước nắm sáng nay xếp sang góc tủ, loạng choạng thế nào suýt quăng luôn cả thùng. Cúi gầm mặt đếm bước chân, tôi thanh thản tạt sang khu chợ có mấy tiệm bán lẻ. Tôi chợt nhớ đến lời viên cảnh sát tuần trước:

- Bà đừng bước sang phía khu chợ. Mấy thằng lỏi tụ năm tụ bảy bên đó nổi cơn điên không biết lúc nào. Còn bà tản bộ quái gì mà cứ cúi gầm cái mặt xuống chẳng chú ý đến một ai. Tôi không trù ếm nhưng đi đứng cái kiểu đó rồi cũng có ngày bà mang họa vào thân.

Tôi lại có tật lúc nào cũng mang theo cái bóp nhỏ, đựng tí tiền lẻ. Đôi khi trên đường về tôi tạt ngang tiệm kem làm một ly cho mát bụng, nhất là vào những buổi chiều hè nóng nực. Thấy tôi kè kè cái bóp trên vai, ông luật sư của tôi có lần khuyên bảo:

- Này bà, đừng dại mà cầm theo bóp. Chẳng biết có tiền hay không nhưng mấy thằng đứng đường đang túng không nghĩ ngợi gì nhiều đâu. Đang cơn đói thuốc, gặp được bà là chúng vồ ngay.

Tôi gật đầu ừ hử nhưng chẳng màng gì đến lời khuyên, hễ bước ra khỏi nhà là cầm theo cái bóp. Đang khi tôi cười tủm tỉm nhớ lại những lời vàng ngọc của các vị bảo vệ luật pháp hay lo xa thì chuyện bất ngờ xảy ra. Bình thường mọi việc cứ lừ đừ trôi như một ngày uể oải bước qua trong tuổi già bóng xế, vậy mà khi có biến động, chuyện xảy ra chỉ trong nháy mắt, nhanh như ánh chớp nhoáng lên trong màn đêm, thoắt bầu trời vụt tối sầm như hũ nút.

Một thằng nhóc ở trong hẻm nhảy xổ ra, và nhanh như cơn gió lốc, nó giật ngay cái bóp tôi đang khoác trên vai. Sức giật phải mạnh lắm, vì tôi có cảm giác như cánh tay cũng bị đứt lìa khỏi bả vai. Khi thấy đau tôi mới biết cái bóp đã bị giật mất. Nhưng tôi không có thì giờ suy nghĩ vì cả thân hình tôi ngã chúi theo sức giật của thằng nhỏ. Trước khi đập đầu xuống nền đất, tôi thấy rõ những viên sỏi nho nhỏ đủ màu trộn lẫn với chất xi măng tráng sần sùi trên mặt đường. Tôi nghe đánh bốp một cái, đầu tôi nổ lửa rồi một màn đen đặc thình lình bao chụp lấy tôi.

Tôi chẳng thấy đau đớn gì cả. Thằng nhỏ đã giết chết tôi.

Ngay sau khi đầu tôi đập xuống mặt đường, tôi nghe có tiếng hút thật mạnh. Âm thanh nghe rõ mồn một, giống như tôi bị hút ra khỏi thân thể, lơ lửng trên không. Quý độc giả đọc sách báo nhiều, nghe nói lúc linh hồn lìa khỏi xác, chắc hiểu tôi muốn nói gì. Tôi không muốn nói dài dòng chi tiết về một sự kiện mà quý vị đã biết, chỉ xin minh xác rằng những điều quý vị đọc trong sách vở là đúng. Tôi dám nói thế vì nó đang xảy ra cho tôi ngay bây giờ. Và tôi đang lơ lửng trên cao nhìn xuống, thấy rõ mọi người chạy dồn về phía thân thể tôi đang nằm sóng sượt trên mặt đường. Họ tụm lại, đứng lố nhố vòng trong vòng ngoài, nhiều người cố nghển cổ nhìn cho rõ. Tôi thấy rõ ót của từng người và tôi thấy mặt tôi với đôi mắt nhắm nghiền, máu chảy loang thành vũng một bên trán.

Ồ! Tội cho tôi quá, tôi nghĩ thầm. Tôi thấy chiếc xe cứu thương hú còi inh ỏi, đậu xịch bên lề đường. Hai ba người đàn ông chạy bổ đến, khiêng xác tôi lên chiếc băng-ca, miệng không ngớt la lớn:

- Tránh ra, tránh ra.

Mấy anh cứu thương thật tận tâm với nhiệm vụ, tôi thấy thương họ quá. Họ nhiệt tình muốn cứu tôi nhưng tôi chỉ muốn nói cám ơn, chuyện đã xảy ra đến vậy thì cứ để nó tự nhiên. Ai mà chả một lần phải chết. Riêng tôi thèm… chết từ lâu lắm rồi, xem nào… từ lúc thằng con lớn tôi chết trận kia, mãi đến nay mới được toại nguyện. Thôi, cứ để cái xác tôi yên, cho tôi một lần thoả ước nguyện bước đi gặp lại những người thân.

Tôi còn nghe người đàn ông gầy cao lêu khêu – người hàng xóm – đứng bên lắc lắc đầu chép miệng:

- Coi bộ không xong, máu ra thế kia chắc phải vỡ sọ. Tội cho Josie quá!

Tôi muốn an ủi anh đã thương tiếc tôi. Thôi, đừng buồn! Cứ để tôi đi nhé. Vươn mình lên cao hơn, tôi thấy rõ thằng nhỏ giật chiếc bóp của tôi chạy vội sang xóm bên kia đường, sau lưng có ít nhất mấy anh thanh niên vừa chạy vừa la, bắt nó… bắt nó… thằng ăn cướp. Dù sao tôi cũng cám ơn nó đã giúp tôi đạt được ước nguyện. Tôi theo họ phía trên cao để xem họ có bắt được thằng nhỏ trời đánh thánh đâm không. Nhưng tôi không có thì giờ vì thình lình tôi bị hút lên cao hơn, vút lên chín tầng mây. Cảnh vật và mọi người thoáng chốc nhỏ hẳn lại rồi biến mất. Bỗng tôi rơi vào một đường hầm tối đen, sâu hun hút. Tôi thấy người mình hụt hẫng vì tốc độ rơi nhanh đến chóng mặt. Đột nhiên, tôi rơi chậm lại, và rơi tõm vào một vùng ánh sáng trắng, trắng tinh, trắng nõn. Chung quanh tôi cảnh vật đều phủ một màu trắng tươi, trắng mát, trắng kỳ diệu; một màu trắng cả đời tôi chưa hề thấy. Chợt một cảm giác êm đềm, bình an, thanh thản lạ lùng ôm choàng lấy tôi, thấm vào da, len sâu đến tận xương tuỷ. Thú thật cả đời người tôi chưa một lần nếm được cái cảm giác bình an thư thái đến vậy. Tôi cười hể hả. Có ai ngờ chết mà… sướng vậy đâu!

Thế là xong! Người tôi nhẹ như bông, lâng lâng múa lượn tận hưởng cái cảm giác thú vị chưa một lần tận hưởng trong đời. Bỗng tôi có cảm giác một sức kéo nào đó tác động lên người. Tôi vũng vẫy chống cự nhưng sức kéo ngày càng mạnh, cuốn hút tôi ra khỏi vùng mây trắng nõn. Tôi chợt hiểu, họ bắt tôi trở lại. Trời ơi! xin thương tôi… xin thương tôi, cho tôi ở lại đây, đừng… đừng bắt tôi quay về.

Ông Trời vẫn còn ghét tôi nhiều lắm nên bắt tôi trở lại lượn chập chờn phía trên thân thể đang nằm bất động, chung quanh dây nhợ chằng chịt. Nào là bình nước biển, nào là ống thở, máy móc theo dõi nhịp tim chạy rì rì, lâu lâu lại kêu tít một cái. Hai ông bác sĩ và mấy cô y tá trông bận rộn với các dụng cụ y khoa. Họ đang cố cứu sống tôi.

Tôi muốn la lên thật to:

- Đừng… xin các ông các bà đừng làm gì nữa, cứ để tôi đi… xin thương tôi…

Nhưng tôi không cưỡng lại được sức hút của hiện hữu. Nó trì kéo tôi cho bằng được vào phía bên trong thân thể. Tôi thấy người tôi động đậy và rồi tôi lọt hẳn vào trong. Lúc nãy tôi ở trên nhìn xuống, bây giờ tôi lại mở mắt nhìn lên và thấy rõ từng khuôn mặt của bác sĩ, y tá. Ánh mắt họ rạng rỡ khi thấy tôi cựa người và mở mắt nhìn. Họ đồng thanh reo hò, mừng rỡ:

- Bà cụ tỉnh lại rồi… tỉnh lại rồi.

Trời ơi! mừng… mừng cái con khỉ, tôi rủa thầm. Họ hớn hở cứ như làm được một việc gì vĩ đại lắm. Quý vị có biết đã làm hại tôi không? Đang chết… ngon lành các ông các bà lại chữa cho tôi làm gì? Bây giờ tôi phải cắn răng sống đến bao giờ đây?

Vậy là tôi sống, sống thoải mái như chưa bao giờ nếm phải cái chết. Sau ngày xuất viện, tôi khóc vật vã đến cả tuần.

Tôi phải làm cho ra lẽ. Thằng nhỏ đã giết chết tôi. Chết nửa chừng sống lại thì cũng xem như đã chết rồi. Viên cảnh sát cười nửa miệng khi nghe tôi khiếu nại:

- Bà nói gì? Thằng nhỏ giết bà chết? Bà nghĩ xem có buồn cười không, nếu nó giết bà chết tại sao bà còn đứng đây để khiếu nại?

Luật sư của tôi gật gù thêm vào:

- Thằng nhỏ không thể bị kết tội sát nhân vì một lý do đơn giản là bà đang đứng sờ sờ trước mắt tôi đây, bà hiểu chứ?

Viên chánh án tỏ vẻ thương xót nhưng giọng cộc lốc:

- Trước sau gì thằng nhỏ cũng vào tù nhưng không thể kết án tội sát nhân được. Hình phạt sẽ căn cứ trên tội hành hung và cướp giật. Toà sẽ đại diện bà để truy tố cho đúng tội danh.

Đại diện cho tôi mà không nghe lời tôi khiếu nại thì đại diện làm gì? Thế công lý và sự thật đâu? Nhưng tôi sẽ có cách của tôi. Thằng nhỏ sẽ bị truy tố như người lớn vì tội giết người. Tiểu bang này có án tử hình cho tội sát nhân. Tiếng viên luật sư vẳng bên tai:

- Cho dù tôi muốn truy tố bị cáo để làm vừa lòng bà thì cũng không biết dựa vào đâu để trình toà. Sách vở không hề có vụ kiện về tội sát nhân mà nạn nhân vẫn còn đứng trước toà, kể cả án lệ.

À, ra thế! Vì tôi còn đứng trước toà nên không thể cải tội danh thành sát nhân được. Nếu tôi không có mặt ở đây thì sự việc phải khác chứ gì. Tôi chợt thấy bất công cho cả tôi lẫn thằng nhỏ. Nếu không xử theo tội sát  nhân thì lại bất công cho tôi vì tôi đã chết rồi (có ai để ý điểm này không? tôi đã chết rồi, nghe rõ chưa?). Nó đã giết chết tôi… nửa chừng rồi tôi sống lại. Còn nếu toà nghe tôi cải tội danh thành sát nhân thì bất công cho thằng nhỏ vì chiếu theo luật lệ hiện hành không có xác chết thì chưa thành tội. Tôi nghĩ thầm, thì tôi có muốn đứng đây đâu, tôi đã bước sang bên kia thế giới rồi chứ, các ông bắt tôi trở lại dương thế chứ tôi nào muốn đâu; nói thẳng ra tôi rất muốn chết lần nữa, để tôi ở lại cái thế giới màu trắng đầy an bình mà tôi may mắn nếm được.

Những người chết nửa vời sống lại thường có một sứ mạng nào đó, như viết sách kể lại cái cảm giác an bình, tả cái thế giới toàn màu trắng, hoặc loan truyền rằng thật sự có thế giới bên kia… Riêng tôi cũng có một sứ mạng.

Sứ mạng này thật đặc biệt và tôi phải thực hiện càng sớm càng tốt.

Thằng nhỏ được tại ngoại hầu tra. Thì mấy thằng đầu nậu bỏ tiền ra chứ còn ai nữa! Loáng thoáng tôi thấy bóng nó lại xuất hiện ở khu chợ, cười nói tỉnh bơ cứ như không có chuyện gì quan trọng cả. Nó đứng khoa tay múa chân, ba hoa khoác lác chuyện gì đó, rồi cúi gập người cười rũ rượi. Chưa bao giờ tôi lại ghét cái dáng điệu của nó đến thế.

Tôi sẽ dành riêng cho nó một bất ngờ. Ngay tối nay. Thằng nhỏ phải đi một mình. Trời phải thật tối, hoặc lựa chỗ nào có ánh đèn mờ mờ thôi. Và chắc chắn không có ai lảng vảng chung quanh.

Tôi sẽ đứng chận đầu thằng nhỏ, cầm trong tay khẩu súng nhỏ chĩa thẳng về phía nó. Lỡ có chuyện gì thì tôi còn một khẩu nữa để trong xắc tay. Nhưng chắc không có gì bất trắc xảy ra vì tôi chủ động mọi chuyện. Cả hai khẩu súng cần được sử dụng ngay.

Thằng nhỏ chắc chắn nhận ra tôi, nó sẽ cười khinh khỉnh, hất đầu chỉ ngón tay về phía tôi:

- Hê! bà già kia, chết hụt một lần chưa sợ sao?

Khi nhận ra khẩu súng tôi cầm trên tay, nụ cười trên môi bỗng méo xệch, nó đưa hai tay ra phía trước, phân trần:

- Này này, có gì thì nói chuyện giải quyết với nhau nghen. Coi chừng ngón tay bà cướp cò…

Tôi sẽ ra lệnh bằng một giọng rắn rỏi, vẻ mặt đanh cứng lại để cho nó biết tôi không đùa:

- Đứng yên nghe con. Nghe tao nói đây…

Rồi tôi moi trong xắc ra một khẩu súng nữa, trao cho nó:

- Cầm lấy.

Chắc chắn nó không ngờ chuyện xảy ra kỳ cục đến vậy. Cặp chân mày thằng nhỏ khẽ cau lại, vẻ mặt nhăn nhó nhưng tôi tin chắc là nó sẽ cầm lấy khẩu súng. Cướp cạn như nó có thêm khẩu súng việc làm ăn càng thêm khấm khá. Tôi khuyến cáo:

- Đạn có đủ sáu viên trong đó. Cũng như khẩu tao đang cầm trên tay, đạn đã sẵn sàng. Chỉ cần bóp cò là xong.

Nghe nói đến đạn khuôn mặt thằng nhỏ rạng rỡ hẳn ra. Hoá ra nó đang cầm trong tay đồ chơi thật. Nhưng thế nào nó cũng mở miệng hỏi:

- Để làm quái gì? Bà có súng, tôi cũng có súng là thế nào?

- Tao muốn mày giết… tao, nghe rõ chưa? Tao sẽ đếm đến năm, nếu mày không bắn tao sau năm tiếng đếm, tao sẽ bắn mày. Tao lập lại lần nữa, mày không bắn tao thì mày chết. Nào, bắt đầu… một… hai…

Mũi súng chĩa thẳng vào tim nó, tôi dõng dạc đếm. Trong vòng mười bộ trở lại, tôi chưa bao giờ bắn hụt. Bill tập cho tôi bắn từ thuở mới sang, chàng phải khen tôi có khiếu bắn. Đã bắn là trúng ngay giữa hồng tâm, không trệch một ly. Mặt thằng nhỏ bối rối thấy rõ:

- Bà có điên không? Bộ bà muốn chết lắm hả?

- Im miệng! Hai… ba…

Đến tiếng thứ tư chắc chắn nó bắn tôi. Thằng nhỏ không thể không bắn vì lẽ dễ hiểu là nó không muốn chết, còn tôi thì muốn chết. Tôi ngã xuống, khẩu súng văng ra một bên. Dĩ nhiên nó bỏ chạy, nhưng chẳng ăn nhằm gì đến tôi. Mọi người biết ai đã giết tôi, và sẽ tìm ra nó. Có kể lại chuyện tôi ra lệnh nó phải bắn tôi cũng chẳng ai tin. Và công tố viện sẽ nghiêm nghị kết tội thằng nhỏ như thế này:

- Bà già biết thân yếu đuối nên mang theo khẩu súng để phòng thân. Còn mày, mày giết bà già để bịt miệng, không muốn bả ra toà làm chứng về tội hành hung và cướp giật.

Lần này, chắc chắn nó sẽ bị truy tố vì tội sát nhân. Mặc dù chưa đến 18, nhưng nó sẽ bị xử như người lớn. Nó sẽ chết rũ trong tù, hoặc lên ghế điện. Cả cuộc đời niên thiếu của nó đầy dẫy tội ác; bàn tay nó đã nhuốm máu đôi lần. Thằng nhỏ sống chỉ gây tai họa cho người khác chứ chẳng lợi ích gì cho xã hội.  Mà dám nó chết cả xóm lại ăn mừng vì đỡ được một mối lo. Còn nó không chừng lại cám ơn tôi vì được sống ở một thế giới bình an không vướng chết chóc hận thù. Nhưng chuyện đó là chuyện nhỏ, chuyện lớn nhất là tôi đạt được ước nguyện. Tôi nằm chết thoải mái. Lần chết hụt trước hơi bất ngờ nên tôi không chuẩn bị gì. Lần này thì khác, tôi thanh thản bước sang vùng trời đầy mây trắng, và an tâm ở lại tận hưởng một cuộc sống mới.

Ôi chao! thật không ngờ ông Trời vẫn còn ghét tôi. Kế hoạch tôi suy tính kỹ càng đến thế vậy mà trục trặc vẫn xảy ra.

Tối nay, khi tôi trao khẩu súng cho thằng nhỏ, nó ngơ ngác, tay run run cầm lấy. Khuôn mặt nó nhuốm chút sợ hãi nhưng lấy lại vẻ tự tin khi rờ được chất thép lạnh. Tôi nói, tao sẽ đếm đến năm…

Thì ngay lúc đó, một con chó có bộ lông vàng từ trong bóng tối nhảy xổ ra ngoạm lấy chân tôi. Trời ơi! con Captain. Cha tiên nhân con chó, ở đâu lại đến phá đám không đúng lúc thế này? Còn Esther nữa, có chó phải giữ sao để nó chạy lăng nhăng cắn người? Những câu hỏi thoáng nhanh trong óc và tôi cũng không có thì giờ tìm câu trả lời vì con chó kéo người tôi ngã chúi về phía thằng nhỏ. Đang đà chúi, ngón tay tôi mấp máy và khẩu súng cướp cò, viên đạn vụt thoát khỏi nòng súng, xé gió đâm thẳng vào lồng ngực thằng nhỏ, để lại một lỗ phía sau lưng. Khoảng cách khá gần nên sức công phá của viên đạn mở toang lồng ngực, máu trào ướt đẫm cả vạt áo. Tôi nghĩ sự việc xảy ra chưa đến một giây; thằng nhỏ vừa thấy con chó, ngơ ngác chưa kịp phản ứng thì bị ngay viên đạn cắt đứt tĩnh mạch dẫn máu lên óc. Thằng nhỏ ngã bật ra sau, chết liền, chết tốt ngay tại hiện trường, trên tay vẫn còn nắm khẩu súng. Còn tôi ngã đè lên người nó.
…Viên cảnh sát sau khi quan sát hiện trường trấn an tôi:

- Đúng là thằng nhỏ muốn giết bà để bịt miệng. Còn bà hoàn toàn có lý do để tự vệ.

Thế là tôi vẫn sống còn thằng nhỏ lại chết. Coi vậy nó may mắn hơn tôi nhiều lắm. Khi bước qua thế giới đầy hoa trắng tươi mát kia, chắc chắn nó sẽ cám ơn tôi. Thế giới mà nếu lỡ biết một lần người ta sẽ không thiết tha gì với chốn hồng trần nữa, nơi vốn gây nhiều sầu não.

Tôi lỡ một lần biết đến thế giới đó, thèm bước sang vĩnh viễn nhưng không được vì số mệnh, số kiếp, số trời, số đen số đỏ… gì gì đó. Kế hoạch của tôi thật hoàn hảo, trừ con chó chết tiệt không nằm trong dự tính. Lỡ hết mọi chuyện nhưng tôi sẽ không bao giờ tuyệt vọng. Thua keo này bày keo khác.

Thế nào có ngày tôi cũng kiếm được một thằng nhỏ trời đánh khác để thực hiện kế hoạch tuyệt hảo một lần nữa. Cầu mong sẽ không có con chó nào chạy rông vào phút cuối.

Quý vị đọc những dòng chữ này cũng xin cầu chúc tôi sớm đạt được ước nguyện nhé. Cám ơn quý vị nhiều lắm.

 Hải Ngữ ( phóng tác)
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Lời Bàn Mới

Hình Mới