alt

“Trời mưa ướt ngọn đòng đòng
Công Chúa lấy chồng sao phải sang Chiêm
Trời mưa ướt đọt chuối xiêm
Nàng sang Chiêm để ấm êm muôn nhà”

Vũ Thanh
Khởi viết ngày 10 – 8 – 2010
Mùa Vu Lan - Canh Dần 

LỜI THƯA

Trong chuyến trở về quê hương tháng 3-2010, tôi đã cùng người bạn thân là Giáo sư Ngô Quang Hiển và một số anh em khác mở một cuộc hành trình mà chúng tôi gọi là “Tôi đi theo bước Huyền Trân” . Chúng tôi đã vừa cố gắng vừa gặp may nên đã đến được hầu hết các điạ điểm chính mà hơn 700 năm trước Huyền Trân Công chúa đã từng đặt chân tới trong chuyến vu qui sang Chiêm Quốc và cuộc hồi tôn trở lại Thăng Long.

Đến Bình Định chúng tôi ghé thăm các di tích còn sót lại của thành Đồ Bàn (sau là thành Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc).

Ra Quảng Ngãi chúng tôi được một người bạn nguyên Giám đốc Sở Thông Tin Văn Hóa  Nguyễn Đăng Vũ chỉ dẫn đến thắp nén hương tại miếu thờ Huyền Trân Công Chúa (dân địa phương gọi là miếu thờ Hoàng Hoa Công Chúa) dưới cây Bồ Đề 1000 năm tại Chùa Sắc Tứ Diệu Giác Tự ở bắc sông Trà Bồng, mà theo phả biên lịch sử của Chùa cũng như lời kể của vị Trụ Trì Đại Đức Thích Nguyên Toàn thì 700 năm trước trong chuyến hồi tôn Công Chúa Huyền Trân khi gặp nạn đã tạm trú tại đây và đã xảy ra cuộc chiến đấu với quân Chiêm làm một vị tướng quân Đại Việt phải hy sinh, nay còn di tích mộ chí sau Chùa. Sự phát hiện ra địa điểm quan trọng này thật hết sức tình cờ và may mắn vì nó nằm ngoài dự tính của chuyến đi. Chúng tôi cứ nghĩ có lẽ có một sự linh thiêng nào đó ở trên đã giúp đỡ và dìu dắt chúng tôi.

Qua đèo Hải Vân ghé lại cữa Tư Dung, nơi Huyền Trân Công Chúa từ giã mảnh đất quê hương xuống thuyền vào Nam để làm dâu Chiêm Thành (1306), và trong chuyến trở về (1308) đã từ Hóa châu lên thuyền trở lại Thăng Long. Nơi đây chúng tôi được nhà thơ lão thành Duyên Hải – Ngô Quang Toản nói cho biết tâm tình của người dân xứ Huế đối với nàng Công Chúa mà họ rất mực kính yêu và coi như là người Mẹ hiền. May mắn hơn nữa là chúng tôi đã được nhà thơ Duyên Hải tặng cho tập truyện Am Mây Ngủ của Thiền Sư Nhất Hạnh viết về cuộc đời của Huyền Trân. Chính tập truyện này là kim chỉ nam giúp chúng tôi xây dựng cốt chuyện và nội dung của trường thi Tình Sử Huyền Trân.

Ghé thăm và thắp hương tại đền Công Chúa Huyền Trân tại Huế, chúng tôi đã được người hướng dẫn viên khả ái cho biết rất nhiều chi tiết qúi giá về cuộc đời của Bà
Chỉ có tâm thức của Thiền Sư mới đọc được tâm thức của Thiền Sư.                           

Chỉ có tâm lượng Đại Bi và huệ nhãn như của Thiền Sư Nhất Hạnh mới có thể lý giải chính xác được ý nghĩa và vai trò của Công Chúa Huyền Trân trong chuyến về làm dâu Chiêm Thành khi Thiền Sư Trúc Lâm ngõ lời hứa hôn cùng Vua Chiêm Chế Mân 700 năm trước. Ý nghĩa của cuộc hôn nhân đó hoàn toàn xây dựng trên căn bản Từ Bi nhà Phật. Bỡi sau 8 tháng vân du hành hương trên khắp mọi nẻo đường đất nước Chiêm Thành, Thiền Sư Trúc Lâm đã coi hai dân tộc Việt – Chiêm như là một, bằng ánh sáng của tư tưởng “tất cả chúng sanh đều bình đẳng” và nên sống chung trong tình anh em. Cuộc hôn nhân này sẽ xóa bỏ bớt đi những thù hận trước đây giữa hai dân tộc và ngăn chận những cuộc chiến tranh gây đau thương cho cả đôi bên sau này. Cuộc hôn nhơn này cũng là sợi dây liên kết hai quốc gia lại với nhau để cùng chống đế quốc Mông Cổ từ phương bắc đang hăm he trở lại sau ba lần thảm bại. Bản thân Huyền Trân Công Chúa sau khi nghe lời giải thích của Phụ Hoàng cũng đã ý thức được vai trò cao cả về bước đi của mình trong cuộc hôn nhân ngàn dặm. Và Bà đã thực hiện nó trong thời gian ngắn ngủi làm Hoàng Hậu xứ Chiêm Thành bằng tấm lòng nhân hậu, biết yêu thương lo lắng cho dân, cho quê hương thứ hai của mình.

Trước ân nghĩa của một vị Vua đã từng giúp cho Chiêm Quốc chiến thắng Mông Cổ lúc xưa. Với lòng kính trọng đức độ của vị Thiền Sư giàu lòng từ bi cũng như vì danh tiếng của Công Chúa Huyền Trân – viên ngọc qúi của Đại Việt - Chế Mân đã không ngần ngại ngõ ý dâng hai châu Ô và Lý để làm sính lễ cầu hôn. Cho nên cuộc hôn nhân của Huyền Trân Công Chúa và Chế Mân nguyên thủy là mối tình cao cả vì hạnh phúc chung của cả hai dân tộc. Nó mang đậm tính sử thi nhưng không hề có sắc màu son phấn của sự đổi chác tính thiệt so hơn. Có chăng là sự thi vị của cuộc tình duyên cao đẹp của một trang quốc sắc thiên hương đã vì mối tình chung dân tộc mà gạt hết những ẩn tình riêng tư, thầm kín trong lòng mình. Tiếc thay sự cao cả kia đã theo chân Ngài Trúc Lâm Thiền Sư lên Đất Phật Yên Tử, để cho danh tiết của viên ngọc qúi Huyền Trân bị vấn đề chính trị quốc gia và miệng thế tạo nên một vết ố đến gần ngàn năm. Cuộc hồi tôn ngoài ý muốn đã làm bao nhiêu ước mơ của Huyền Trân bị tan vỡ. Bà phải chịu đựng cùng lúc nhiều sự đau khổ tột cùng. Chồng vừa chết, khăn tang còn vấn trên đầu lại bỏ đi. Xa lìa đứa con thơ mới tròn ba tháng tuổi để đối diện và chấp nhận cái chết trên giàn hỏa thiêu, cũng như sự cắn rức lương tâm của một người phụ nữ Việt trung trinh trước việc bội ước đối với nghĩa phu thê, tình dân tộc. Oan khiên hơn nữa là sự thêu dệt đầy thị phi vô lý trong dân gian, và ngay cả trong chính sử sau này, về việc Bà đã gian díu với quan Hành Khiển Trần Khắc Chung, người lớn hơn Bà đến khoảng 30 tuổi, trong chuyến trở về dài ngày đầy hoạn nạn với đoàn người hộ tống đông đảo  trên những chiến thuyền trang bị thô sơ thời Trung Cổ.    

Tuy nhiên, dù cho viên Huyền Ngọc có bị người đời vì vô tình hay hữu ý tạo một vết ố bên ngoài thì bản chất tinh khôi trong sáng của nó vẫn không hề thay đổi. Cho nên bên cạnh một câu chuyện thị phi ví Bà như một người phụ nữ trắc nết - chồng vừa chết, con sơ sanh mới vừa được 4 tháng lại đi gian díu với một ông già - thì nhân dân khắp mọi nơi, trên mọi miền đất nước vẫn lập đền miếu thờ phụng Bà như một người Mẹ hiền, một vì Thánh Mẫu. Và trải qua các triều đại Vua Chúa trong lịch sử đều đã truy phong Thánh Vị cho Bà để tưởng nhớ đức độ và công ơn của Bà đối với dân tộc Việt. Đó chính là minh chứng hùng hồn cho thấy chuyện dân gian chỉ là ác ý và chính sử đã có chỗ sai sót đáng tiếc nên mới gây mối oan khiên cho bà hơn 700 năm qua. Sở dĩ chúng tôi dám nghi ngờ rằng chính sử đã sai sót là vì 170 năm sau sự cố, khi viết lại bộ Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, Sử gia Ngô Sĩ Liên trong cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của mình đã có viết ở lời mở đầu: “ ..Sử trước ghi chép có chỗ chưa đủ, nghĩa lệ còn có chỗ chưa đáng, văn tự còn có chỗ chưa ổn ..” nên ông hiệu chính, biên soạn lại bằng cách: “Chỗ nào quên sót thì bổ sung thêm, lệ nào chưa thỏa đáng thì cải chính lại, văn có chỗ chưa ổn thì đổi đi, thỉnh thoảng gặp những việc thiện ác có thể khuyên răn được thì góp ý...”. Có lẽ do thời gian quá xa nên những điều quên sót kia đã bị tam sao thất bổn khiến việc bổ sung của Sử gia Ngô Sĩ Liên bị sai lạc chăng? Hơn nữa về cuối đời Trần Khắc Chung, ông đã gây một điều lầm lỗi lớn làm chết oan hơn 100 mạng người của nhà Huệ Vũ Vương Trần Quốc Chẩn. Cho nên sau khi ông chết gia nô của Thiệu Vũ Vương, con Quốc Chẩn, đã đào mả ông lên và băm vằm hài cốt. Có lẽ chính họ đã thêu dệt mọi chuyện xấu để bôi nhọ thanh danh ông trong đó có cả chuyện gian díu với Công Chúa Huyền Trân???

Căn cứ vào sử liệu cũng như thực tế, chúng tôi đã xây dựng Tình Sử Huyền Trân trên quan điểm của thuyết “nghiệp quả luân hồi” để lý giải cuộc đời vừa cao đẹp vừa đầy oan khiên của Công Chúa Huyền Trân. Nếu như trên con đường chứng được quả Bồ Tát, Đức Quán Thế Âm đã gặp phải nỗi oan Thị Mầu trong thế giới ta bà kiếp, thì mối oan tình giữa Huyền Trân Công Chúa và Trần Khắc Chung cũng chỉ là mối oan nghiệt mà Bà phải trải qua ở cõi ta bà này trên đường đạt đến cõi Niết Bàn.
Bảy trăm năm, ngàn kiếp luân trầm cũng đã là quá đủ. Ngày nay, đã đến lúc chúng ta nên trả lại sức sáng tinh khôi nguyên vẹn cho viên Huyền Ngọc, để cho mùi hương sen lại càng thơm ngát và vương tỏa khắp cõi ta bà lên đến tận cõi tịch diệt Niết Bàn.

Xin chân thành cảm tạ Đại Đức Thích Nguyên Toàn, Trụ trì Chùa Sắc Tứ Diệu Giác Tự ở Quảng Ngãi với bữa cơm chay thân mật và những tin tức, sự kiện và tài liệu bổ ích. Bạn Nguyễn Đăng Vũ Giám đốc Sở Thông Tin Văn Hóa Quảng Ngãi, người đã bỏ một ngày làm việc để chờ đón chúng tôi. Ban hướng dẫn của Đền thờ Huyền Trân Công Chúa ở Huế. Thiền Sư Nhất Hạnh người viết cuốn Am Mây Ngủ. Nhà thơ Duyên Hải – Ngô Quang Toản ở cữa Tư Dung, Giáo sư Ngô Quang Hiển và các bạn hữu đã giúp tôi thực hiện tập thơ này.

Chút lòng thành của người con xa xứ hướng vọng về quê hương dân tộc. Vì điều kiện xa xôi cách trở, trường thi chắc hẳn còn nhiều thiếu sót về nhiều phương diện mong được các bậc thức giả chỉ điểm thêm cho.

Florida – Hoa Kỳ - 2010

Cẩn bút

Vũ Thanh – Võ Thanh Quang
  
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.