Tuệ nhìn đồng hồ:15 phút nữa, tàu khởi hành. Sân ga lố nhố người đi kẻ lại. Anh phóng tầm mắt xa hơn một chút: những hành khách đến với xách, giỏ, kẻ ít người nhiều, lách qua những chiếc cyclo vội vã vào sân ga. Vài chiếc cyclo chở hàng cao ngất đến không nhìn thấy người ngồi phía sau, tiếng kêu í ới lẫn tiếng loa phóng thanh thông báo chuyến tàu sắp đến và sắp đi. Trong lòng nhà ga, người đông hẳn, những người phụ trách quầy giải khát không ngớt đi lại, trả lời bên này, gật đầu với bên kia. Có tiếng đàn bà nóng nảy:

- Lẹ lên cô, có chai nước ngọt nãy giờ mà chưa có, tàu chạy tới nơi rồi.

- Có ngay, có ngay.

- Có... con mẹ họ. Thằng nhỏ khát nước khóc khô cả họng.

- Chị chửi ai? Đừng ỷ có đồng tiền bỏ ra muốn nói gì cũng được nghe. - Tiếng cô bán giải khát quát lên. Bà khách không vừa:

- Cô bán nước cho khách hay chỉ giành cho đàn ông thôi hả?

- Chị nói gì?

Tiếng gằn dữ dội kèm theo đôi mắt long lên của người bán hàng. Chị đàn bà không nao núng:

- Tôi nói cô đó. Cứ thấy đàn ông kêu nước là tới liền, cười toe toét, còn mẹ góa con côi như tôi thì chỉ phớt đi. Bộ tôi mua không trả tiền sao chứ?

Nhiều tiếng xì xào bình phẩm, có cả tiếng cười. Cô bán giải khát mất bình tĩnh, hét tướng lên:

- Ngữ chị có tiền tôi cũng không bán, được không?

Người đàn bà xốc con lên tay, đứng vụt dậy khỏi ghế:

- Mày nói gì hả? Ngon nói lại coi?

Hai bên đều có người can nên càng huyên náo. Tiếng loa phóng thanh lặp lại chuyến tàu đi Phan Thiết sắp rời bến. Tuệ cầm ly nước ngọt mới rót đưa cho người đàn bà:

- Chị cho cháu uống đi, tàu sắp chạy rồi đó.

- Tôi phải cho con quỷ cái này một trận - Bà ta nói nhưng vẫn cầm ly nước đưa lên miệng con. Thằng bé uống ngon lành.

Tuệ nhỏ nhẹ:

- Thôi bỏ đi chị, người ta sơ ý.

- Sơ ý gì, rõ ràng nó chỉ bán cho đàn ông - thứ nó, đàn ông nào thèm... quỷ dạ xoa.

Tuệ rời ghế bước dọc nhà ga. Những đoàn tàu đậu dài theo đường rầy. Nhiều năm nay, anh đã là khách của chuyến tàu Sài Gòn - Phan Thiết. Anh đến một nơi không có người quen bởi vì nấm mộ thì không thể trò chuyện dù cho người trong mộ có là tâm giao tri kỷ. Lần nào cũng vậy, câu chuyện thương tâm trở lại trong anh, rõ ràng từng chi tiết như mới hôm qua...

... Một buổi chiều, khi Tuệ dừng xe để bấm chuông một ngôi nhà lớn ở đường Nguyễn Cảnh Chân, em trai chàng ra mở cửa. Gương mặt Trí có vẻ ngạc nhiên khi nói nhỏ với anh.

- Có khách kiếm, cô ta tên Trầm.

- Trầm? Ai vậy?

Vừa nói Tuệ vừa dẫn xe vô nhà. Trí chỉ về phía phòng khách. Anh cất xe rồi đi vào. Cô gái ngồi khép nép dưới nền gạch bên cạnh salon ngước nhìn Tuệ. Anh hơi nhíu mày rồi nhận ra:

- A, cô Trầm.

Cô gái nở nụ cười mà cô nghĩ là xinh đẹp nhất, gật đầu:

- Vâng, em vào thăm anh... Gớm, nhà anh to quá làm em ngợp cả lên.

Tuệ cười. Một quãng đời lưu đày thoáng qua trong trí anh, và Trầm, cô giáo một trường huyện. Anh chỉ ghế:

- Cô ngồi ghế đi, ai lại ngồi dưới đất.

Trầm chất phát:

- Em chả dám đâu... quần áo em đi tàu bụi bậm thế này, làm bẩn hết.

- Không sao mà, mua ghế để ngồi, bụi thì lau. Cô ngồi lên đi.

Trầm vẫn từ chối:

- Được anh ạ, ngồi gạch hoa sạch chán, lại mát.

Tuệ nói lần nữa, cô gái mới chịu để cái xách vải vào cái nón lá, lấy tay phủi quần rồi ngồi thật nhanh vào một góc bộ salon nệm lớn màu kem lộng lẫy. Cô để hai bàn tay vào giữa gối như là chúng thừa thãi không biết để đâu.

Tuệ vui vẻ:

- Trầm vào thăm người thân ở Sài Gòn phải không? Ở đường nào, tôi sẽ tìm dùm cho, lạ nước lạ cái, khó tìm nhà lắm.

- Vâng, em... em có ông chú họ trong này. Rồi sẽ nhờ anh đi tìm hộ. Hôm nay em ghé thăm anh.

- Hay lắm. Chúng tôi sẽ mời cô ở đây vài hôm, giới thiệu Sài Gòn của người miền Nam sau đó sẽ đưa cô tới nhà người quen cũng chưa muộn. Trầm đồng ý chứ?

Cô gái chớp mắt:

- Vâng, cám ơn anh.

Tuệ như chợt nhớ ra điều gì quay sang hỏi:

- Mà sao Trầm biết nhà tôi hay vậy?

- Anh có nhớ lần anh đưa thư lén gởi về nhà không? Em đã ghi lại địa chỉ.

Cô nhìn xuống cái áo sơ mi màu xanh và chiếc quần đen ngắn tới mắt cá chân đang mặc trên người, có vẻ ngượng nghịu. Nó chỏi lại với vẻ sang trọng của những đồ vật trong nhà. Tuệ như hiểu ý:

- Đừng ngại gì cả Trầm ạ. Cứ coi như ở nhà cô. Tôi rất vui được cô tới thăm. Thời gian tôi cải tạo, cô đã giúp đỡ tôi rất nhiều.

- Có gì đâu anh. Con người với nhau mà - Trầm buồn giọng như có lỗi.

Vẻ nhu hòa của người con gái khiến Tuệ động lòng. Anh nắm lấy cánh tay cô:

- Thôi, chuyện qua rồi đừng nhắc nữa. Nào bây giờ cô tắm rửa thay quần áo cho mát nhé, để tôi xem có gì rồi chúng ta ăn cơm - cô biết không, chúng tôi chỉ có hai anh em và một chị vú lo việc nhà, ít khi chúng tôi ăn cơm nhà lắm, thường tiện đâu ăn đó cho đỡ khổ bà vú. Nhưng hôm nay đặt biệt có khách... cô vào đây...

Anh chỉ toa-let và cách sử dụng vòi nước rồi lên nhà trên. Trí chờ anh ngay cửa phòng ngủ:

- Ai vậy? Anh quen thật à?

- Cô giáo Trầm mà anh có nói với chú dạo nọ. Anh nhờ cô ta nhiều lắm.

- Cô ta vô thăm anh à?

Tuệ lắc đầu:

- Đi tìm bà con. Ngoài đó có nhiều bà con trong Nam, một triệu người Bắc di cư mà.

- Nhìn cô ta mệt quá. Nói gì em chẳng hiểu.

- Giọng địa phương Vĩnh Phú hơi nặng. Lúc đầu anh cũng không hiểu, nghe rồi quen. Anh mời cô ta ở nhà mình vài ngày. Lúc hoạn nạn, họ giúp mình, giờ phải biết điều chứ. Không có cô ta thuốc thang, chăm sóc lúc anh bị kiết lỵ thì chắc đã ngủm rồi.

Trí im lặng không nói gì nhưng Tuệ biết rằng em mình không hài lòng với sự hiện diện của cô gái Bắc quê mùa. Nó có nhiều ấn tượng không hay về những gì dính dáng đến mất mát của gia đình. Trí thường đi thu nhặt những chuyện tiếu lâm về những bộ đội miền Bắc để làm trò cười. Có lần Tuệ đã nghiêm mặt bảo em:

- Chú không nên lấy những sự ngô nghê của họ làm điều đắc ý. Đó chẳng qua là người ta chưa có hoàn cảnh để sống như mình. Cái gì chưa biết đương nhiên là làm sai rồi, khó có thể tránh được. Cười lại càng không nên. Hồi trước bạn bè anh đi du học, lúc đó mới qua Mỹ nên cũng lớ ngớ, lóng ngóng, nếu lúc đó có ai cười họ chắc là họ cũng đau khổ lắm. Người ta cũng vậy.

Trí nheo mắt, giọng nói có vẻ thương hại:

- Anh mới đi cải tạo về nên cái gì cũng sợ, cười cũng không dám cười. Mình có nói gì phản Tổ Quốc đâu. Hèn gì, mấy thằng bạn em có ông già đi học tập về cũng vậy.

Tuệ gằn:

- Vậy là sao?

Trí vẫn bướng:

- Là nhũn như con chi chi. Là mất hết phong độ chứ còn gì nữa.

Tuệ thở ra:

- Chú nghĩ vậy à?

- Ai cũng thấy như thế. Hình như cái gì cũng làm cho anh sợ... Ngày xưa anh gan lỳ bao nhiêu. Dân an ninh mà... bây giờ anh làm em chán quá. Ngày xưa em coi anh như thần tượng.

Đứa em trai không nói tiếp, như cảm thấy đã đủ làm ông anh nhói tim. Trí đủng đỉnh bỏ đi trong khi Tuệ cắn chặt hai hàm răng, quai hàm anh bạnh ra, nhưng rồi Tuệ nuốt tất cả những tự ái đó xuống, như những nhẫn nhục mà anh đã gặp trong những năm tháng đọa đày.

Có lẽ Trí đã có lý, không tất cả thì cũng có một phần, đó là Tuệ bỗng dưng muốn an phận. Cái gì chờ đợi trước mặt anh không biết nhưng hiện tại cần sự bình yên. Có thể anh vẫn chưa hồi phục sau khoảng thơì gian khổ nhục. Anh đã trưởng thành rất nhiều, không phải tuổi tác mà là suy nghĩ. Bây giờ anh mới thấu cảm được người xưa khi họ nhẫn nhục chờ cả một đời để đạt được những điều họ muốn. Nhưng không dễ dàng để thản nhiên mà nhẫn nhục. Phải kinh qua đoạn trường mới tìm được tĩnh lặng của tâm hồn.

Thời gian Trí cũng cảm thông được anh, không khích bác nữa nhưng Tuệ hiểu đã có sự ngăn cách giữa hai anh em. Có lẽ là do sự chênh lệch về tuổi tác. Hay chính sự khổ đau làm anh già dặn trước thời gian.

Hôm nay, nhìn ánh mắt Trí, Tuệ hiểu. Nhưng anh không thể không tiếp đãi cô gái có tâm hồn đôn hậu này cho xứng đáng. Thời gian ở Vĩnh Phú, cô vừa là người bạn, vừa là ân nhân trong những trường hợp mà những người bạn cùng nếm trải vinh quang lẫn khổ đau không làm được.

Tuệ bảo chị vú sắp đặt cho Trầm ngủ trong phòng dành cho khách sát cửa sổ nhìn ra vườn hoa, nhưng bây giờ không còn nhiều hoa nữa. Chỉ là một khóm hồng chơ vơ. Anh đã mua hai bụi hồng, mấy cây hoa hướng dương để tạo ra chút màu sắc cho khoảng vườn hoang trống, nhưng hình như những khả năng gầy dựng của anh cũng không nhiều, những cây hướng dương tàn úa và hai bụi hồng cũng mệt mỏi với những cánh cằn không đủ để lôi cuốn bướm ong.

Hôm sau, Tuệ đưa Trầm đi chợ Bến Thành mua sắm cho cô mấy bộ quần áo thích hợp hơn. Tuệ thấy Trầm cười ngượng nghịu trong bộ cánh mới nhưng anh không nghĩ ra đó là sự bẽn lẽn của cô gái đang yêu. Cô đón nhận sự săn sóc của Tuệ với ánh mắt sung sướng. Cô nhìn quanh ngôi nhà, nhìn những kệ sách bày đầy những bộ sách quý giá rồi nói với Tuệ:

- Nhớ đến lúc ở Vĩnh Phú, em hỏi anh có biết đọc chữ không, thấy ngượng ghê. Hình như ở Sài Gòn này, ai cũng có học và phần nhiều rất giỏi.

Tuệ lắc đầu:

- Không phải tất cả, có nhiều người phải chịu cảnh nghèo dốt.

Đúng là họ quen nhau khá ngộ nghĩnh. Nơi Tuệ lao động có một cây bàng lớn. Một lần đến nghỉ chân, anh nhìn thấy cô gái đang ngồi học tiếng Anh. Cô ta đánh vần sai và đọc cũng sai. Chẳng hiểu sao anh sửa lại. Cô gái giật mình ngước lên, ngạc nhiên thấy anh lính tù cải tạo. Cô ta hỏi gằn:

- Anh vừa đọc đấy à?

Tuệ gật đầu. Cô gái vẫn không tin:

- Anh biết tiếng Anh cơ à?

- Biết chút đỉnh.

- Anh đọc câu này tôi xem - giọng cô ta như là của cô giáo nói với học trò. Tuệ đọc, suông sẽ và rất dễ nghe. Cô ta lắp bắp:

- Lạ nhỉ. Lính Sài Gòn biết đọc chữ, mà lại là chữ Anh cơ đấy.

Tuệ cười thầm, bỏ đi. Mấy hôm sau vẫn cô gái ấy. Lần này, cô dịu dàng hơn. Và họ quen nhau. Anh biết Trầm dạy trường huyện, cô nghỉ hè về chơi. Thân nhau, Trầm hỏi Tuệ tất cả những gì cô muốn biết và thấy anh biết tất cả, cô khâm phục con người mà lần đầu tiên họ đến vùng này cô coi như kẻ thù. Cô giúp anh tất cả những gì có thể được, đôi khi là những việc ngoài khả năng như mang thư ra thành phố để gửi về Sài Gòn. Tuệ đã mở cho cô một chân trời khác và cô thấy mình thật kém cỏi. Rồi Tuệ được thả về. Anh trở về với tổ ấm thời thơ ấu, nơi mà từ lâu chỉ có hai anh em sống với người cô đã già và chị vú nuôi Trí từ bé. Cha mẹ họ đã qua đời trong một tai nạn khi chạy từ Buôn Mê Thuộc về trong hỗn loạn.  Chưa được bao lâu, anh phải để Trí lại cho bà cô để trình diện học tập, tám năm đi qua với bao nhục nhằn khổ ải, anh trở về, nhìn lại mái nhà xưa với bao ngậm ngùi.
*
*    *


Những chiếc cyclo trĩu hàng chạy ra cổng ga. Khách bộ hành cũng tay xách tay mang rời khỏi con tàu vừa đưa họ đến. Người phụ nữ mang hai xách lớn, bước đi có vẻ mệt nhọc. Cạnh chị là 2, 3 chiếc cyclo đang mời chào tới tấp:

- Chị đi đâu?

- Lên đây đi.

- Rẻ thôi mà.

- Ê, xe đó đi không được đâu. Tụi tôi bao bến này rồi... Chị chờ cũng vậy thôi hà.

Người khách ngó tới ngó lui rồi để cho chiếc xe khác bến chạy qua. Nhưng chị vẫn không lên xe nào cả. Hai cái xách nặng trĩu tay vẫn không làm cho chị chùn bước. Có tiếng văng tục:

- Đ.M tiếc tiền - cho xách chết luôn.

- Mẹ kiếp, sáng đi ra gặp chó đen hay sao mà ế dữ - gặp con mẹ khó gặm quá.

Tiếng chửi rủa lạc vào tiếng huyên náo trong sân ga. Mấy gã cyclo quay xe ra để tìm mối khác. Thỉnh thoảng các vụ ẩu đã vẫn thường xảy ra. Bao nhiêu nguyên nhân trong cuộc sống phức tạp. Dân xóm ga coi chuyện giành giật, đánh lộn nhau như cơm bữa, đôi khi không buồn để mắt tới.

Quỳnh ngồi đong đưa trên ghế trước chiếc bàn nhỏ, mắt nhìn theo đám con buôn ra sau cùng. Họ thường ra sau khách, vì hàng hoá, đôi khi là những thanh toán tế nhị hơn. Mắt con nhỏ sáng lên khi nhìn thấy một thanh niên mặc bộ Jean mặc dù Sài Gòn nóng như đổ lửa. Anh ta xách cặp táp, dáng ung dung chứ không có vẻ tất bật như những bạn hàng khác. Bộ ria con kiến làm gương mặt của người thanh niên có vẻ đểu đểu, nhưng phong trần hơn. Nụ cười trên môi Quỳnh rất tươi như anh ta là điều cô chờ đợi.

- Thế nào, cưng? Có chờ anh không?

Anh ta nói, vừa đưa tay vuốt nhẹ má Quỳnh. Con bé chớp mắt:

- Nhớ muốn chết. Sao anh mất mặt lâu vậy?

- Công việc. Em không thể biết anh bận như thế nào. Thu xếp mãi mới ổn.

- Dữ. Tưởng biệt luôn.

- Còn em bỏ cho ai?

- Ăn nhằm gì? Anh đâu có thiếu.

- Nhưng cũng không đủ, đúng không nào?

Anh ta rút trong túi ra một cái hộp nhỏ dứ dứ trước mắt Quỳnh:

- Biết gì đây không?

- Em làm sao biết được.

Quỳnh trả lời giọng tự dưng nhỏ laị, mắt dán vào cái hộp đẹp, nó đập tay lên tay anh ta:

- Quà của em hả, Nhơn?

- Ừ.

- Cho coi đi.

Quỳnh háo hức, rất tham lam, rất trẻ con. Nhơn cười:

- Đây là chứng tỏ nỗi nhớ của anh.

Nắp hộp mở, chiếc đồng hồ nhỏ xinh xắn, Quỳnh reo lên:

- Đẹp hết xẩy.

Cô nhìn nhơn:

- Em đeo nghe.

- Có quyền. Từ giờ phút này nó thuộc về em.

Quỳnh hướng về phía Miên, giơ cao tay:

- Miên, Miên... coi đẹp không?

Miên gật đầu, cười với bạn. Nhơn hỏi:

- Ai vậy?

- Cháu bác Tám. Mới về mấy tháng nay.

Anh ta nheo mắt nhìn kỹ hơn:

Coi được quá hả?

- Mê đi.

- Còn lâu. Em là nhất.

(còn tiếp)

 Lý Thuỵ Ý
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.