alt

Tôi rời mái trường vào một buổi chiều cuối Hạ, bạn bè chia tay nhau trong quán bánh bèo trên đường Gia Long, bên kia là lối vào trường Nhân Thảo, cái quán nghèo ẩm thấp nằm đàng sau con đường chính của thành phố Quy Nhơn, nếu không có đám học trò chúng tôi, những cô cậu học trò hẹn hò nhau từng nhóm để đến đây chuyện trò, giả biệt nhau....

Giá như không có đám học trò như chúng tôi thì có lẽ quán này cũng không sống nổi vì sự nghèo nàn và quá ư là bình dân của cách bài trí và phục vụ của chủ nhân, tuy rằng với món bánh bèo, bánh ướt của quán này cũng nóng hổi, nhưng vì cách pha chế và những đồ nghề trong quán thật quá bình dân...Có lẽ vì hàng ngày có nhiều cô cậu học sinh đến quán nên chủ nhân không chú trọng đến hình thức bên ngoài giống như mấy cô gái đã lấy được chồng thì luôn xuề xòa trong trang phục và vóc dáng, đến khi chồng đi ra ....thì mới tá hỏa....Ngày mai chắc là nơi này sẽ vắng tanh vì không còn bước chân vào ra của chúng tôi nữa.

Tuy quán không có gì đặc biệt nhưng vẫn là điểm đến của chúng tôi, vì giá cả chấp nhận được với những cô cậu học sinh con nhà nghèo, túi rỗng....Trước khi đến quán chúng tôi chung nhau lại số tiền mỗi đứa đang có và "tiêu pha"theo khả năng có được.

Chúng tôi ngậm ngùi bên nhau và lặng lẽ nhai nuốt phần bánh của mình một cách vô vị ...Chúng tôi hẹn nhau mười năm sau...Mười năm với khoảng thời gian quá xa với mắt nhìn của những cô học trò bé bỏng chưa bước chân vào đời, quãng thời gian sáu năm dài ngồi trên ghế của trường Trinh Vương đã cho chúng tôi bao kỷ niệm...

Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên tôi đến sân trường Trinh Vương với tấm áo dài mới may bằng phin nõn trắng, chị tôi vào chỗ người thư ký già đeo kính trắng đóng học phí cho tôi, sau đó theo thầy vào lớp của soeur Christine (không biết tôi có viết sai tên người hay không ?) những cô bé quanh yo6i mở to mắt nhìn nhau trong lạ lẫm...Những vóc hình suông đuột trong tấm áo dài trắng mới làm quen, quần trắng quần đen pha trộn.

Giờ ra chơi chúng tôi cột hai tà áo dài vào bên hông chơi nhảy dây ở sân trước sân sau, mặt mày đỏ hồng , mồ hôi ướt áo...

Rồi chúng tôi lớn dần theo năm tháng, những đứa bé gái xinh xắn bé thơ bỗng biến thành thiếu nữ, năm chúng tôi lên lớp đệ ngũ, đệ tứ là cũng đã có vài đứa bạn tôi đã chuyền nhau những cuốn lưu bút chép cho nhau những bài thơ của Nguyên Sa, Nhất tuấn và TTKH.... Chúng tôi đã bước vào tuổi "Ô mai".

Mỗi ngày khi xếp hàng vào lớp các soeurs đã phải canh chừng chúng tôi về cách ăn mặc, tôi còn nhớ ngày ấy soeur" Mô", chúng tôi gọi người là soeur Mô, luôn đứng dưới chân cầu thang theo dõi cách ăn mặc của chúng tôi, thăm dò bên hông chúng tôi không có "chiếc áo lót che hông" là soeur nhắc nhở...Nhưng cho dù các soeurs canh giữ chúng tôi thật chặt nhưng bản chất nghịch phá, vui đùa cố hữu vẫn không thoát khỏi đám con gái chúng tôi.

Hàng năm đến ngày 8 tháng 12, trước Giáng sinh gần hai tuần, nhà trường thường tổ chức "Hội chợ triễn lãm", những trò chơi trong các hội chợ được thầy Châu gom về mở ra cho tất cả học sinh tham gia và cũng đem về cho trường tôi một món lợi nho nhỏ...Nhờ những cuộc triễn lãm này mà mọi thnh niên trong thành phố mới biết là trong mái trường kín bưng của trường tôi cũng có rất nhiều giai nhân, vì ngày đó những bông hoa đẹp được chưng bày  trước các gian hàng cho mọi người nhìn ngắm.

Sau này khi ra đời, thỉnh thoảng gặp lại một người quen nào trong thành phố ...tuy ngày tháng cũ xa mờ họ vẫn nhớ và kháo nhau rằng: những mỹ nhân ngày ấy...bây giờ ở nơi đâu???

Những người đẹp ngày xưa có bàn tay ngọc, những cô tiên múa hát, mỹ miều trong "động tiên"...bây giờ đang ở đâu???và những người thầy cô giáo cũ ngày xưa ra vào cùng đám học trò chúng tôi....

Tất cả chỉ còn là hoài niệm....xa rồi hơn bốn thập kỷ đã đi qua, chúng tôi là người sống giữa hai thế kỷ và chứng kiến hai lần thay tên hai chế độ...chế độ nào cũng muốn đào tạo những con người hữu dụng cho xã hội, thế hệ chúng tôi nhận chịu những thiệt thua quá đỗi vì chúng tôi đang sống giữa lằn ranh của sự đổi đời, chúng tôi đang miệt mài ở các trường đại học, ở những trường dạy nghề, những bằng cấp ghi dấu lại thời kỳ ở trường Trung học, chưa được thay bằng mảnh bằng cao hơn ở các đại học...thì chúng tôi đành lùi bước quay lưng...

Bạn bè tôi tứ tán phân ly, kẻ còn người mất, kẻ còn lại trong thành phố cũ, người lang bạt khắp bốn phương trời, có kẻ bơi qua đại dương, có người gởi mình trên biển lớn...

Diệu kỳ thay sau bao biến cố, sau bao thời gian vần xoay, chúng tôi vẫn liên lạc nhau cả thầy cùng bạn, gặp nhau trên trang web. này, cùng nhau tỏ bày tâm sự, nhắc nhau những kỷ niệm một thời dưới mái trường thân yêu ngày cũ.

Hôm nay nhân ngày 8 tháng 12 là ngày lễ "Bổn Mạng của trường Trinh Vương", chúng ta những học trò cũ , bạn bè xưa hãy cùng nhau gởi cho nhau một lời cầu và nhớ về nhau qua tiếng kinh cầu ngày xưa mà chị em mình cùng nhau đọc mỗi ngày của những ngày dấu yêu cũ:

"Lạy Chúa: Xin cho chúng con biết chăm chỉ học hành...rèn luyện tư cách chúng con, trau dồi chúng con bằng những đức tính tốt       
Để chúng con giúp ích cho bản thân, gia đình và tổ quốc chúng con ...

AMEN.


Những lời khấn nguyện ngày xưa...chúng ta đã lập nên trang sử vinh quang cho trường cũ, những bạn xưa bây giờ đã yên vị với chỗ ngồi vững vàng của tuổi 60...Chúng ta những cô gái xinh đẹp giỏi giang được giáo huấn thật nghiêm dưới sự dẫn dắt của các soeurs dòng Mến Thánh Giá, đã ra góp mặt với xã hôi và cũng đã sản sinh và nuôi dạy biết bao đứa con ưu tú, những đứa cháu của Trinh Vương sẽ tiếp tục các bà Mẹ chúng tạo nên trang sách mới...

Thật mừng vui khi mỗi lần gặp nhau kể cho nhau về cuộc đời nhau sau bao thập kỷ xa mờ, tất cả chúng ta đã tạo ra và giáo huấn, nuôi nấng, vun đắp cho những đứa bé mà chúng ta sinh ra...Những con người thành đạt và hưu dụng.

Chúng ta hãy cùng nhau cất cao đọc lời kinh tạ ơn trong ngày kỷ niệm này:

Tạ ơn Chúa đã cho chúng con có những ngày no đủ.

Tạ ơn đời đã cho ta qua cơn khổ nạn lầm than

Tạ ơn mái trường xưa đã cho ta bao nhiêu bè bạn

Tạ ơn đất trời đã thôi đi cơn giông bão.

Tạ ơn đời đã cho ta những đứa con.

Những thiên sứ viết nên trang sách mới

Đã lớn lên bằng sữa mẹ Trinh Vương.

Xin hãy tạ ơn



Atlanta December 7th 11

 Nguyên Hạ-Lê Nguyễn
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.