Lời nói đầu: Bill O'Reilly là nhà báo, sử gia, và là host của chương trình The O'Reilly Factor ăn khách của đài truyền hình Fox. Năm 2011, ông tung ra cuốn Killing Lincoln và nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy trên thị trường sách vở. Killing Kennedy năm 2012 lại được độc giả nồng nhiệt đón nhận. Ông phát hành Killing Jesus và cuốn sách cũng bán chạy không kém. Killing Patton (2014) là cuốn sách mới nhất trong bộ khảo cứu những nhân vật lịch sử của O'Reilly.
Killing Jesus vẽ lại khung cảnh tại Galilê 2000 năm trước khi dân Do-thái nằm dưới ách thống trị của đế quốc Rôma. O'Reilly viết về Chúa Giêsu dưới cái nhìn của một nhà báo, nhà sử học, chứ không phải với quan điểm thần học. Ngài là Con Thiên Chúa, hơn 2 tỷ người trên thế giới tin như thế, nhưng xin tạm gác thiên tính của Ngài sang bên để nhìn Ngài như một con người đang sống bình thường giữa chúng ta. Mời quý vị nhìn chàng thanh niên Giêsu ở một góc cạnh khác, để hiểu Ngài với cái nhìn hoàn toàn người.
Cần nói thêm là đài truyền hình National Geographic sẽ trình chiếu bộ phim Killing Jesus vào ngày 29/3/2015 sắp tới, đúng vào ngày lễ Lá.


(tiếp theo kỳ trước)

Dân xứ Galilê thuờng nổi loạn nên Antipas cai trị dân bằng bàn tay sắt. Antipas sinh ra tại xứ Guiđêa nhưng được gửi đi Rôma để ăn học. Chòm râu dê chỉ vừa che đủ chỏm cằm với hàng ria mép mỏng lét nên trông Antipas giống một tên vô lại hơn là quan tổng trấn uy quyền. Quan không chỉ triều cống hoàng đế Caesar Augustus hàng năm mà còn độc ác hành hình theo kiểu đóng đinh những ai dám chống đối quan.

Nhưng tại sao dân Galilê thường nổi loạn chống Antipas. Một lẽ dễ hiểu là Antipas bắt dân chúng đóng thuế để triều cống Rôma và thỏa mãn những nhu cầu xa hoa của mình. Antipas bắt dân đóng thuế để xây dựng thành phố Sepphoris. Càng tiêu pha Antipas càng bắt dân đóng thuế. Đóng thuế bằng nhiều cách; có thể trả bằng trái cây, dầu ôliu, hoặc ngũ cốc. Nông dân không cách gì trốn thuế được vì phải đến Sepphoris bán nông phẩm. Ở đó đám thu thuế của Antipas đã đứng chờ như bầy kên kên rình mồi. Đám ngư phủ cũng chẳng khá hơn. Ngoài thuế má trên số cá bắt được, họ còn phải một loại thuế vô lý là tiền thuê chỗ trên bến.

Dân Galilê khinh bỉ bọn thu thuế ra mặt. Chúng hết sức độc ác với những người thiếu thuế, hoặc không đủ tiền trả nợ. Những kẻ thiếu nợ đều phải mượn dầu và ngũ cốc từ những vựa chứa của Antipas do đám tay chân của quan làm chủ. Giá lãi mới kinh khủng, 100% nếu mượn dầu, 25% nếu là ngũ cốc. Không đủ tiền trả nợ đồng nghĩa với cái chết. Có người phải bán con làm nô lệ để trừ vào thuế. Nhà cửa, vườn tược cũng bán sạch vẫn chưa đủ để trả thuế và nợ. Biết bao gia đình tan nát vì phải làm thân ăn mày để sống qua ngày. Sự uất ức âm ỉ mãi đến một lúc nào đó thì nổi loạn. Một khi đã mất hết thì họ không còn gì để sợ nữa.

Giêsu lớn lên trong khung cảnh nghèo nàn và hỗn loạn của xứ Galilê. Thời gian trôi, chàng thanh niên Giêsu bây giờ cao lớn, mạnh mẽ, và một lòng kính trọng cha mẹ. Ông Giuse mất trong khoảng Giêsu từ 13 đến 30 tuổi, để lại cho chàng xưởng mộc. Chàng hết lòng phụng dưỡng người mẹ, và bà Maria thương yêu săn sóc chàng.

Vừa bước qua tuổi 30, Giêsu biết đã đến lúc chàng không giữ im lặng được nữa. Tiếng nói của chàng không những ảnh hưởng đến xã hội thời đó mà còn gây tiếng vang mãi hơn 2000 năm sau.

Ảnh hưởng, tiếng vang... tất cả để đổi lấy cái chết đau đớn cùng cực của chàng.

Sông Giodan, Perea, năm 26 CN, giữa trưa

Gioan Tẩy giả đứng ở mé sông, mặt nước đủ sâu ngập ngang thắt lưng. Từ bờ kéo dài đến gần ông Gioan đứng, hàng trăm người đang chờ nghi thức thanh tẩy mới lạ.
Họ phần đông là dân lao động nghèo khổ chăm chú nghe lời giảng của chàng thanh niên tóc dài phủ vai, bộ râu rậm che kín nửa mặt, sống một mình trong sa mạc, ăn chấu chấu và mật ong qua ngày. Lẫn trong đám đông là bè phái Pharisêu, đang ngầm theo dõi Gioan vì lời rao giảng của chàng lôi cuốn dân chúng ngày càng đông.

Nước Trời đang đến gần, một tân vương đến để phán xét, phải dìm mình trong nước để rửa sạch tội lỗi... là những điều Gioan khẩn khoản kêu gọi đám đông. Một người thu thuế hỏi, "Thưa thầy, tôi phải làm gì?" Gioan trả lời, "Đừng thu thuế quá mức quy định" Một người lính thắc mắc, "Còn tôi, tôi phải làm gì?", "Đừng tống tiền và đừng tố gian. Nên bằng lòng với tiền lương kiếm được." Chàng nói tiếp, "Sau tôi có người quyền lực hơn tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Tôi dùng nước để rửa sạch tội cho anh em, còn Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần" Câu ví không đáng cởi dép gợi đến hình ảnh người nô lệ cởi dép cho ông chủ và hình ảnh này gây ấn tượng mạnh mẽ nơi đám đông. Chàng thanh niên đứng sừng sững với giọng nói sang sảng và thôi thúc lòng người, thế mà chàng lại không đáng cởi dép cho Người sắp đến. Vậy Người đó là ai?

Có người lên tiếng, "Ông là ai?" Gioan nói thật to, "Tôi không phải là đấng Kitô, người anh em đang chờ". "Thế ông là ai? Có phải là Êlia không?", "Không", "Vậy ông là ai?", thầy thượng tế hỏi dồn. "Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc." Trong buổi giảng, Gioan còn nói đến tiên tri Isaia, vị tiên tri xuất hiện giữa dân Do-thái 800 năm trước, lời rao giảng cũng giống như Gioan, "Hãy sám hối vì nước Trời đang đến gần."

* * *
Tổng trấn Hêrôđê Antipas gửi người theo dõi mọi hành động của Gioan Tẩy giả. Chính lời giảng lôi cuốn đám đông của vị sứ giả làm Antipas lo sợ một ngày nào đó Gioan sẽ kêu gọi dân chúng chống lại ông. Vừa sợ, Antipas lại vừa ghét vì Gioan kết tội ông ly dị vợ để lấy chị dâu, Herodias, trái luật Maisen. Giống như vua cha, Antipas mê đắm quyền lực. Hêrôđê Cả hết lòng phục vụ hoàng đế Augustus trong khi Antipas hết lòng với Tiberius, hoàng đế Rôma kế vị 12 năm trước. Antipas làm bất cứ chuyện gì để làm vừa lòng đế quốc Rôma vì dòng họ Hêrôđê được phong vương trong hơn 70 năm, kể từ năm 46 trước CN khi hoàng đế Caesar bổ nhậm Hêrôđê làm tổng trấn xứ Guiđêa. Hêrôđê Cả cung hiến thành phố Caesarea cho Caesar còn Antipas hiến thành phố Tiberias được xây ở mạn tây hồ Galilê cho hoàng đế Tiberias. Sưu cao thuế nặng đổ lên đầu đám dân Do-thái vì những cung điện và biệt thự xây cất không ngơi. Đám nông dân làm cật lực mới đủ trả thuế cho 2 đầu, hoàng đế Rôma và giòng họ Hêrôđê.

Antipas o bế Tiberias để giữ vững quyền lực tại xứ Galilê. Vì thế, bất cứ một ai thách thức quyền lực của ông đều phải chết. Gioan Tẩy giả là một trong những kẻ xấu số đó.

* * *

Trong khi đó, vùng Giêrusalem nhận được một tin mới. Quan Phongxiô Philatô vừa nhậm chức tổng đốc. Ông là tổng đốc thứ 5 kể từ khi hoàng đế Augustus bãi quyền làm vua xứ Giuđêa của Archelau, con vua Hêrôđê Cả, hai mươi năm trước.

Philatô chẳng thân thiện gì với dân Do-thái nếu không nói là có mối thù hằn. Có lần Philatô ra lệnh đặt tượng bán thân của hoàng đế Tiebrius trong đền thờ. Đây là điều sỉ nhục vì dân Do-thái chỉ thờ Thiên Chúa, không thờ đa thần như dân Rôma. Bởi vậy, họ không chấp nhận một hình ảnh nào đặt trong đền thờ, nơi tôn nghiêm bậc nhất đối với niềm tin của dân Do-thái. Họ phản đối dữ dội và sẵn sàng chết để bảo vệ niềm tin. Sau cùng, Philatô đành chịu thua. Nhưng từ đó, quan tổng đốc hiểu thêm về lòng tin sắt đá của dân Do-thái. Vì thế lần này, Philatô khôn ngoan liên kết với thầy cả thượng phẩm Caipha, người uy quyền nhất trong đền thờ Giêrusalem về tư tế, về phụng tự liên quan đến luật Do-thái.

Guiđêa là vùng đất khó cai trị nhất, vì đền thờ Giêrusalem hiện diện trong vùng đất này, là một biểu trưng về lòng tin của toàn bộ dân Do-thái, cho dù họ ở xa mãi tận Syria hoặc Ai-cập. Lần này, liên minh Philatô-Caiaplas sẽ đem lại trật tự cho Giêrusalem.

Thầy thượng phẩm Caiaphas cũng muốn giữ Giêrusalem thật nghiêm minh, nơi đặt hòm bia Thiên Chúa. Và mọi lời rao giảng khác với luật Maisen đều không thể chấp nhận. Bởi thế, Caiaphas cũng gửi tai mắt đến Galilê để theo dõi mọi nhất cử nhất động của Gioan Tẩy giả.

Theo dõi mãi rồi cũng có lúc bắt được sự sơ hở của Gioan.

* * *

Gioan hét lớn khi thấy đám Pharisêu và Xa-đốc đặt nhiều câu hỏi để gài bẫy, "Nòi rắn độc kia, cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa." Nông dân, thợ thủ công, kẻ thu thuế, ngay cả binh lính sửng sốt khi nghe lời rủa của Gioan. Các thầy thuộc nhóm Pharisêu và Xa-đốc thuộc đền thờ Giêrusalem gần như bất khả xâm phạm. Họ thuộc giai cấp thượng lưu, ăn trên ngồi trốc. Gặp họ nơi công cộng, dân Do-thái phải cúi đầu kính cẩn. Chưa một ai dám rủa các thầy thượng tế như Gioan. Họ tự hỏi anh này là ai mà dám rủa các thầy thượng tế. Không chừng anh ta là đấng Cứu thế, vị tân vương sẽ dẫn dắt dân Do-thái thoát khỏi sự áp bức của đế quốc Rôma.

Họ là chứng nhân cho một sự kiện quan trọng vào ngày hôm sau; đồng thời giải đáp thắc mắc Gioan có phải là đấng Cứu thế hay không?

* * *
Như mọi lần, Gioan đứng ở mé sông, nước ngập ngang thắt lưng, dìm những ai sám hối vào dòng nước để rửa sạch tội lỗi. Bầu trời quang đãng, mặt trời đứng bóng chiếu ánh nắng gay gắt. Mồ hôi nhễ nhãi, đoàn người xếp hàng chờ đến lượt chịu thanh tẩy. Và kìa, một chàng thanh niên từ xa bước đến gần. Giêsu thành Nazarét.

Giống như Gioan, tóc chàng dài phủ đến vai, râu che gần nửa mặt. Giêsu mang săng-đan, áo choàng trắng giản dị. Đôi mắt chàng rực sáng, bờ vai rộng của một người lao động tay chân. Trông chàng trẻ hơn Gioan, nhưng không chênh lệch bao nhiêu.

Bỗng nhiên, một con chim bồ câu từ đâu bay đến đậu lên vai chàng. Giêsu chẳng buồn xua nó bay, và hình như con chim bằng lòng chọn vai chàng làm chỗ nghỉ chân nên cũng chẳng cất cánh bay đi. Hình ảnh con chim bồ câu làm dịu hẳn cảnh vật. Gioan không còn lớn tiếng thúc dục dân chúng. Mặt trời cũng bớt nhả cái nóng hừng hực giữa trưa. Mọi người yên lặng nhìn chàng thanh niên đang tiến đến gần Gioan. "Đây là Chiên Thiên Chúa. Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi không biết Người, nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: 'Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.' Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Con Thiên Chúa."

Tức thì mọi người phủ phục xuống, cúi mặt sát đất. Giêsu không để ý đến những gì đang xảy ra, chàng bước hẳn xuống nước, tiến đến đứng sát bên Gioan. Chàng lắp bắp, "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!" Giêsu nói, ""Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính."

Gioan đặt tay lên lưng Giêsu, và từ từ dìm đầu chàng xuống dòng nước, "Tôi rửa anh trong nước cho sự sám hối." Gioan cất lớn tiếng, "Tôi đã thấy, và xin chứng thực rằng đây là Con Thiên Chúa."

Tự nhận mình là Thiên Chúa là một trọng tội, một phạm thượng, một lộng ngôn, một tội đáng chết theo luật Do-thái. Giêsu chẳng nói một lời nào, chàng lững thững lên bờ và sải bước. Chẳng mấy chốc, bóng chàng thanh niên mất hút sau lùm cây. Giêsu tiến vào sa mạc, bắt đầu 40 ngày đêm ăn chay cầu nguyện.

Các thầy thượng tế và đám người của Antipas đã nghe hết lời tuyên ngôn của Gioan. Làm chứng gian là một tội nặng. Chứng nhận một người là Con Thiên Chúa lại càng nặng tội hơn, ngang với tội lộng ngôn. Cuối cùng, họ đã tìm được bằng chứng để kết tội Gioan.

Còn Gioan Tẩy giả, đối với chàng sứ điệp đã gửi đi. Sứ mệnh đã làm xong. Nhiệm vụ của sứ giả đã hoàn tất. Số phận của chàng cũng vừa được định đoạt xong.

* * *

Đám người rình rập mãi và tìm được cơ hội để kết tội Gioan. Họ trói chân tay chàng bằng xích và điệu chàng bước 24km từ vùng sa mạc đến pháo đài Machaerus, nơi Antipas đang sống ẩn dật vì sợ quân thù ám sát. Chàng phải leo lên độ cao hơn 900m mới bước vào thành lũy kiên cố Machaerus, đến thẳng cung điện của Antipas. Người đàn bà, chị dâu thì đúng hơn – Herodias – ngồi bên cạnh Antipas bĩu môi nhìn chàng bằng nửa con mắt. Herodias biết rõ Antipas tuy ghét Gioan nhưng vẫn còn nể sợ chàng. Antipas nể Gioan vì chàng là người của đám đông, sợ vì nếu giết chàng có thể gây làn sóng phẫn nộ trong đám dân nghèo, gây ra một cuộc nổi loạn không chừng. Đó là điều Antipas không muốn. Galilê phải được sống an bình, sống để mà đóng thuế cho dòng họ Hêrôđê và hoàng đế Rôma.

Vì thế, Herodias phải tìm cách trừ khử Gioan, người cả gan dám kết tội nàng gian dâm. Herodias thừa kiên nhẫn để chờ thời cơ. Cái chết của Gioan kể từ bây giờ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Giêrusalem, tháng Tư, năm 27 AD, ban ngày

Giêsu leo từng bậc thang bước vào đền thờ. Hàng trăm nghìn người từ nơi xa đổ về, từ Galilê, Syria, Ai-cập, ngay cả từ Rôma trong dịp lễ Vượt qua. Không viếng đền thờ trong dịp này là một trong 36 trọng tội theo luật Do-thái, người vi phạm sẽ bị "cắt đứt" mối liên hệ thiêng liêng với Thiên Chúa. Trước khi vào Thành Thánh Giêrusalem, người Do-thái không được sờ tay vào mồ mả, phải thanh tẩy bằng cách trầm mình vào giếng nước, hoặc hồ nước gọi là mikvot.

Vừa bước vào đền thờ, chàng thấy ngay cảnh mua bán tấp nập bày ra trên lối đi ngay tại Khu Dân Ngoại. Quầy hàng bán súc vật để sát tế ngồn ngộn chiên, bò, cừu, và lồng bồ câu treo nhan nhản ngang tầm mắt. Tiếng lục lạc treo trên cổ những con vật đong đưa theo nhịp ăn, tiếng trả giá thêm bớt kỳ kèo một vài shekels (đồng tiền Do-thái), tiếng gọi nhau ơi ới từ cửa hàng đổi tiền, từng ấy tạo thành một âm thanh hỗn độn. Chàng mường tượng đến giọng hát của nhóm Lêvi chuyên về tế tự vang lên từ sân sát tế và tiếng kêu thất thanh của con vật bị cắt cổ, một thầy tư tế vội hứng lấy máu rồi vẩy lên khắp bàn thờ, và con vật bị treo lên lột da, sau cùng là thiêu chết trên đống củi cháy ngùn ngụt, mùi thịt khét quyện với khói bay lên cao là lời cầu xin Giavê xót thương tha tội. Đó là cách người Do-thái nài xin ơn tha thứ từ Thiên Chúa đã kéo dài hơn nghìn năm nay.

Khu vực đổi tiền nằm riêng biệt, những bàn con kê sát tường, trên mặt bày la liệt đồng shekels, loại tiền đặc biệt lưu hành ở Giêrusalem. Ai cũng phải đổi tiền Rôma thành shekels từ những tay shulhanim (kẻ đổi tiền). Dân Do-thái dùng shekels để đóng thuế và mua súc vật để sát tế. Những kẻ này thường bóp chẹt dân với tỷ giá không cân xứng. Các thầy tư tế và đám quan lại Rôma cũng ăn chận vào đó làm thu nhập cho riêng mình. Nếu người nghèo quá không có đủ tiền thì vay mượn với lãi suất cắt cổ. Vay để đóng thuế, vay để mua súc vật sát tế. Vay xong, có người mất luôn gia súc, ruộng vườn, và nhà cửa vì làm lụng quần quật cả năm vẫn không đủ trả tiền lời chứ đừng nói đến số tiền nợ. Xóm nhà lụp sụp ở mạn dưới Giêrusalem toàn những gia đình xấu số mất hết nhà cửa vì không đủ tiền trả nợ cho các thầy tư tế.

Theo luật Do-thái, hàng năm mọi người phải về Giêrusalem vào 3 dịp lễ lớn, lễ Vượt qua (Passover, Maisen đưa dân ra khỏi Ai-cập), lễ Ngũ Tuần (Shavu'ot, ăn mừng mùa màng), và lễ Lều (Sukkot, ngủ lều tạm bợ 40 năm trong sa mạc). Ba lần trong năm phải đóng thuế, phải sát tế, người dân kiệt quệ hẳn. Nếu các thầy "bới lông tìm vết" trên thân thể con vật hiến tế và tìm thấy bất kỳ một khiếm khuyết nào, người dân phải bỏ tiền mua con vật khác. Tính ra có đến 4 triệu người Do-thái từ khắp nơi đổ về Giêrusalem hàng năm, và nguồn lợi bóc lột từ những người dân chảy vào túi bọn quan lại và các thầy thượng phẩm hầu như vô tận. Rất nhiều người dân căm thù đám thượng tế, phẫn uất với bọn thu thuế, bọn đổi tiền, và thù hận bọn quan lại Rôma.

Nhìn quang cảnh mua bán lừa lọc hỗn độn diễn ra trước mắt, Giêsu bỗng thấy xót xa trong lòng. Là nơi thờ phượng tôn nghiêm bậc nhất, thế mà người ta lợi dụng để trục lợi, bóc lột dân nghèo. Trong tay không có một tấc sắt, không của cải, không một đạo binh nào hổ trợ, chàng cũng chẳng có một căn cứ hậu thuẫn nào làm bàn đạp cho một cuộc cách mạng. Giêsu không hề muốn làm cách mạng bằng bạo lực, chàng cũng chưa hề nổi giận khi thấy sự bất bình; trái lại, lòng chàng thanh thản hơn bao giờ nhưng cần phải làm một cái gì đó ngay bây giờ.

Nghĩ đến đó, chàng làm ngay.

Giêsu tiến lại bàn đổi tiền. Chiếc bàn gỗ chắc nịch, mặt sần sùi, lõm sâu vì hàng nghìn đồng tiền cà xát lâu ngày. Vừa nhìn thấy đôi mắt quắc sáng của Giêsu, kẻ đổi tiền hiểu ngay có biến. Hai tay nắm chặt lấy cạnh bàn, chàng nhấc bổng và hất ngược về phía trước. Người chủ bàn nhảy bắn sang bên, hàng trăm đồng tiền đủ cỡ bắn tung tóe nằm la liệt trên sàn đền thờ. Giêsu bước nhanh lại bàn kế bên, đồng tiền lại rơi loảng xoảng. Cứ thế, chàng hất tung hết những bàn đổi tiền. Tiếng người la hét, tiếng đồng kẽm rơi rớt vang động cả một góc đền thờ.

Chưa hết, Giêsu lấy dây thắt lưng làm roi. Chàng quay lại phía những quầy bán súc vật, vừa đi vừa quật ngang quật dọc. Sức roi không gây đau đớn nhưng nhìn dáng giận dữ của Giêsu, mọi người sợ hãi dạt sang bên tránh né. Súc vật kêu la chạy toán loạn khắp Khu Dân Ngoại. Giêsu hét vào tai bọn đổi tiền và bán súc vật, "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." Đám dân Do-thái cả đời chưa hề chứng kiến cảnh đánh đuổi hỗn loạn trong đền thờ như thế bao giờ. Mà anh này là ai mà dám xưng là Con Thiên Chúa? Thì anh nói đền thờ là nhà của Cha anh ta đấy thôi. Họ kinh ngạc nhưng lòng thật hả dạ khi nhìn thấy nét mặt sợ hãi của bọn đổi tiền và đám thu thuế. Họ đứng vòng trong vòng ngoài chờ xem sự việc sẽ kết thúc ra sao.

Các viên chức của đền thờ hớt hải chạy đến vây quanh lấy Giêsu. Nhìn quanh cảnh hỗn loạn, họ biết ngay chàng là người gây rối. Một người trong bọn họ lên tiếng, "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?" Chàng quắc mắt, "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại." Một người khác cất giọng chế giễu, "Phải mất 46 năm mới xây xong đền thờ mà ông chỉ cần 3 ngày?" Trong đám Pharisêu đứng ở vòng ngoài có ông Nicôđêmô sốt ruột chờ câu trả lời của chàng.

Nhưng Giêsu biết rằng lời nói của chàng không thể lay chuyển được lòng của những kẻ này. Chàng bỏ đi.

* * *

Đồi Oliu, bên kia thung lũng Kidron, nằm ở phía nam của đền thờ. Đám dân theo Giêsu trải khăn nằm nghỉ dưới tàn cây, giữa bầu trời đêm lốm đốm các vì sao. Chàng quanh quẩn ở khu vực Giêrusalem trong suốt thời gian lễ Vượt qua. Từ ngày Giêsu đánh đuổi bọn buôn bán ra khỏi đền thờ, dân chúng theo chàng ngày mỗi đông. Giêsu nói về nước Trời, về lòng sám hối qua những dụ ngôn và những câu chuyện dễ hiểu. Chàng có tài kể chuyện, cái lối nói chuyện từ từ, gần như kể lể hấp dẫn người nghe. Nhưng cũng từ ngày đó, khi dám tự tuyên bố là Con Thiên Chúa, đám viên chức đền thờ bắt đầu theo dõi chàng gắt gao, đặc biệt nhóm Pharisêu.

Nicôđêmô cũng thuộc nhóm Pharisêu, người giữ chức vụ quan trọng trong hội đồng Do-thái, đêm nay mầy mò lên đồi Oliu để tìm gặp Giêsu. Ông muốn gặp chàng ban đêm vì muốn giữ bí mật những điều ông sắp hỏi. "Thưa thầy," ông ngập ngừng, rồi bạo dạn hỏi một hơi, "chúng tôi biết thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến." Giêsu không ngạc nhiên khi thấy ông và câu hỏi của ông cũng là dịp để chàng rao giảng, "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên." Nicôđêmô thắc mắc, "Chuyện ấy làm sao được thưa thầy?" Giêsu từ tốn, "Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên." Ông hỏi gặng, "Làm sao được thưa thầy?" Giêsu vẫn kiên nhẫn, "Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy ư? Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Đúng vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ."

Nicôđêmô nhíu mày khó hiểu. Đối với ông, Thiên Chúa là tượng trưng cho luật lệ nay Giêsu lại bảo Thiên Chúa là Tình Yêu vì Ngài đã hiến tế chính Con Một của Ngài cho thế gian. Giêsu kết luận, "Kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng." Quay xuống đồi, Nicôđêmô đắm mình trong suy nghĩ. Cả một đoạn đường dài từ đồi Ôliu đến thành Giêrusalem, ông vừa đi vừa trầm tư về lời giảng của Giêsu. Vừa bước đến cổng thành Giêrusalem ông bàng hoàng đến lặng người phải đứng dựa vào tường vì chợt hiểu ra Thiên Chúa đã thương yêu ông đến thế nào qua lời giảng của Giêsu.

* * *

Giêsu bước vào hội đường tại Nazarét sau những ngày rong ruổi ở Giêrusalem. Hội đường vuông vắn, hàng ghế dài kê sát tường. Dân chúng đọc kinh nguyện Shema, hát vang Thánh vịnh. Hội đường đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của dân Do-thái. Ước lượng có khoảng 400 hội đường như thế tại Giêrusalem. Mặc dù Đền thờ là trung tâm điểm của đời sống nhưng hội đường là mạch sống của niềm tin, một nơi gặp gỡ thân tình, nơi mà mọi người thay phiên nhau đọc và giảng giải Kinh thánh, nơi không có sự hiện diện của các thầy tư tế, không có mua súc vật để sát tế, và điều quan trọng nhất là không có những bàn để đổi tiền đóng thuế.

Chàng hòa nhập với dân làng Nazarét hát ca những bài Thánh vịnh. Họ là những người quen biết trong 30 năm lớn lên tại ngôi làng nhỏ bé này; đây là những chàng thanh niên đồng tuổi, lúc nhỏ nô đùa với nhau, kia là những ông bà cụ, bạn bè với cha mẹ chàng. Ông Giuse từng giúp họ sửa lại cái bàn xộc xệch, hoặc thay cái chân ghế long ốc. Và hôm nay, đến lượt chàng đọc Thánh kinh.

Một người trao cuộn da ghi chép lời các vị tiên tri cho chàng. Giêsu đứng lên, nghiêm trang đọc bằng tiếng Do-thái, "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa." Rồi chàng dịch sang Aramaic, một cổ ngữ cho một những người không am hiểu tiếng Hebrew. Khoan thai ngồi xuống, dựa lưng vào tường, Giêsu đưa mắt nhìn mọi người, "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Những lời trong Kinh thánh vừa nghe đã được đọc nhiều lần trong hội đường, nhưng hôm nay Giêsu tuyên bố "tôi" trong đoạn Kinh thánh này chính là chàng, Con Thiên Chúa, và Giêsu mạnh mẽ khẳng định như vậy.

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, "Ủa, con ông Giuse phải không?" Bà con họ hàng nội ngoại cũng ngạc nhiên không kém, "Sao hôm nay anh ta lại nói năng gì lạ vậy?" Nhưng chàng vẫn bình tĩnh, "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình." Giêsu chứng dẫn Êlia và Êlisa, hai tiên tri lớn bị dân tộc Do-thái gạt bỏ. Vì thế Thiên Chúa đã quay lưng lại với quý vị. Rồi Giêsu nói đến những tai ương như nạn đói, bà góa, và phung cùi đến nỗi có người phẫn nộ muốn tấn công chàng. Nhưng Giêsu thoát đi khi họ muốn xô chàng xuống vực.

* * *

Tính đến thời điểm này, Giêsu đã xác nhận căn tính của mình 3 lần, chàng là Con Thiên Chúa. Lần đầu tại Giêrusalem khi đánh đuổi bọn buôn bán ra khỏi nhà Cha của chàng. Lần hai với Nicôđêmô. Và lần này, tại hội đường Nazarét. Chỉ cần có người làm chứng một trong ba lần này, chàng sẽ bị ghép tội lộng ngôn, báng bổ Thiên Chúa, và chắc chắn sẽ bị ném đá theo luật Do-thái, hoặc bị đóng đinh theo luật Rôma. Nhưng đã đến lúc Giêsu phải ra mặt công khai, danh tính của chàng phải được công bố. Con đường chông gai trước mặt đang chờ đợi Giêsu, nhưng phải tiến bước, chàng tự nhủ.

Nazarét sẽ không còn gọi là nhà nữa và Giêsu cũng không còn là con bác thợ mộc tầm thường như thuở nào. Chàng thoát xác để trở thành một cái gì đó, phi thường. Giêsu chưa hề viết một cuốn sách, chưa từng phổ nhạc một bài hát, cũng chẳng bao giờ vẽ tranh. Thế mà 2000 năm về sau, sứ điệp thương yêu của chàng lan rộng đến con tim hàng tỷ người, nhiều sách viết về cuộc đời của chàng hơn bất cứ tác phẩm nào, nhiều bài ca được sáng tác và hát lên để vinh danh chàng, và nhiều công trình nghệ thuật vĩ đại được sáng tạo lấy niềm cảm hứng từ chàng hơn bất cứ một nhân vật nào trong lịch sử nhân loại.

Nhưng bọn Pharisêu, các thầy thượng phẩm, và các quan lại Rôma không nghĩ như vậy. Họ đang săn đuổi chàng như một con thú.

Capharnaum, Galilê, mùa Hè, năm 27 CN, xế trưa

Ngư phủ xứ Galilê chia số cá vừa bắt được thành từng hạng để đóng thuế. Mátthêu, cẩn thận đếm từng đống cá để ghi vào sổ. Số cá tươi sẽ được chở đến Magdala để phơi khô và ướp muối, đóng thành kiện để gửi đến cung thành Rôma.

Nguồn thu nhập chính của ngư dân là số cá bắt được hàng ngày từ hồ Galilê. Số ngư phủ không nhiều nên lượng cá bắt được đủ nuôi sống những gia đình sống chung quanh hồ nhưng vẫn có lúc cơ cực vì lưới trống. Hôm nay cũng thế, thuyền bè neo bến, nét mặt các ngư phủ buồn hiu, vì chẳng con cá nào vướng lưới. Giêsu tiến về phía cầu gỗ, chia thành từng bến để thuyền vào. Ngồi buồn trên thuyền bập bềnh là Simon, chàng ngư phủ mới ngoài hai mươi, thất học, nhưng thân thể lực lưỡng, tính khá bộp chộp. Mấy tháng trước, Simon đã gặp chàng ở mạn dưới, gần Tabgha. Lần đó, Giêsu gọi Simon và người anh Anrê nhập nhóm để đi "lưới người". Simon muốn lắm nhưng còn vợ và bà mẹ vợ cần phải săn sóc nên chưa quyết định dứt khoát. Bất chợt, hôm nay Simon thấy Giêsu đứng sừng sững trước mặt.

Giêsu bảo Simon đẩy thuyền ra mạn hồ. Chàng muốn ngồi trên thuyền để thuyết giảng. Giữa sóng nước bồng bềnh, lời giảng bay lượn theo làn gió nhẹ thổi vào tai mọi người như tiếng mẹ ru. Riêng Simon quá mệt mỏi và thất vọng, suốt một ngày đánh vật với chiếc lưới mà chẳng bắt được một con cá nào. Rồi đây tiền đâu mà đóng thuế, gia đình lại không có miếng ăn, từng ấy thứ lẩn quẩn trong đầu Simon làm chàng kiệt lực. Nhưng từ Giêsu toát ra một cái gì đó đủ thuyết phục Simon gỡ dây, kéo neo và đẩy thuyền khỏi bến. Đã mấy lần Giêsu ngồi trên thuyền của Simon, giọng chàng dõng dạc, vang vọng giữa sóng nước, trên bờ đám đông đứng ngồi chăm chú nghe lời chàng.

Nhưng lần này Giêsu lại bảo đẩy ra giữa hồ, chỗ sâu nhất và thả lưới. Simon chán nản, "Thầy ơi, chúng tôi thức suốt đêm mà chẳng được một con nào." Một cái gì tiềm tàng trong giọng nói của Giêsu, một lần nữa, đủ thuyết phục Simon thả lưới. Chỉ một lúc sau, Simon kinh ngạc đến run rẩy người vì cơ man cá dính lưới. Cá nhiều đến nỗi những sợi lưới bị dãn căng đến muốn rách tung. Thuyền không còn chỗ chứa lớp cá chép, cá thu, cá rô đến nỗi Simon phải gọi những bạn thuyền đến chở giúp.

Nhìn lớp cá nằm ngổn ngang trên thuyền, người Simon run lên không phải vì sung sướng mà là sợ. Chàng đã nghe Giêsu nói về lòng sám hối, sự quyết tâm rũ bỏ tội lỗi. Hôm nay, sau sự kiện bắt đầy cá, Simon thấy lòng thôi thúc hơn, tâm trí mạnh mẽ hơn. Chàng quỳ xuống giữa lớp cá chồng chất, "Lạy thầy, đừng đến gần tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi." Nhưng Giêsu ôn tồn bảo, "Đừng sợ! từ nay anh sẽ lưới người."

Và Simon trở thành môn đệ đầu tiên của Giêsu. Chàng đổi tên cho Simon là Phêrô, nghĩa là "đá". Phêrô không hiểu sao chàng lại được chọn, trong khi các học giả, thông thái khác chẳng thiếu gì quanh vùng Capharnaum. Ngoài Phêrô, còn có Mátthêu, một kẻ thu thuế, nghề mà dân Do-thái thường nguyền rủa công khai.

Tính ra khoảng đầu năm 28 CN, Giêsu đã chọn lựa được 12 người theo học giáo huấn mới, hầu sau này thay chàng đi truyền bá khắp nơi trên thế giới. Bốn trong số nhóm Mười Hai, Phêrô, An-rê, Giacôbê, và Gioan, là ngư phủ. Giêsu chọn lựa kỹ càng những môn đệ thạo các ngôn ngữ Aramaic, Do-thái, Hy-lạp, và một chút La-tinh. Tất cả môn đệ đều dân xứ Galilê, ngoại trừ một người tên gọi là Giuđa. Giuđa nói lưu loát giọng miền nam xứ Giuđêa và có tài quản lý tiền bạc cho cả nhóm. Vì thế Giêsu chọn Giuđa chứ không chọn Mátthêu, một kẻ thu thuế cũng rất khéo léo giữ gìn tiền bạc.

Diện tích của Galilê chừng hơn 3000km vuông. Thị trấn, thành phố, và làng mạc nối liền nhau bằng những con lộ có từ xa xưa, thêm vào đường sá do đế quốc Rôma đắp chằng chịt. Thị trấn Capharnaum buôn bán khá sầm uất nhờ ngư nghiệp từ hồ Galilê. Chọn Capharnaum làm bàn đạp để bung ra khắp nơi rao giảng là một chọn lựa khôn ngoan, vì thuyền bè, khách thập phương, thương gia, nhà buôn... đều đổ dồn về buôn bán. Từ đó, với những kiện cá đã ướp muối, họ lại trẩy đi đến các nơi, xa tận Tyre hoặc xa mãi đến Giêrusalem, mang theo lời giảng của Giêsu và truyền miệng. Phần lớn thời gian rao giảng của chàng đều quanh quẩn vùng Capharnaum nhưng chẳng bao lâu tiếng tăm Giêsu đã vang dội khắp vùng Galilê, đến tận Giêrusalem. Số người theo chàng ngày càng đông. Đôi lúc họ bỏ bê công việc để ngồi hàng giờ lắng nghe Giêsu nói đến tình yêu Thiên Chúa và niềm hy vọng.

Chính đám đông theo chàng là nguyên nhân khiến nhà cầm quyền lo sợ. Mặc dù Giêsu không hề kêu gọi đám đông nổi dậy lật đổ Roma, nhưng tổng đốc Philatô, đang nghỉ mát tại Caesarea, chỉ cách Capharnaum một ngày đường, vẫn sai quân lính giả dạng thường dân theo dõi và báo cáo hàng tuần. Tổng trấn Antipas ở xứ Guiđêa cũng lo sợ không kém, sai quân theo sát Giêsu để rình rập. Đám thượng tế Pharisêu luôn có người lẩn quẩn trong đám đông, tìm cách bắt bẻ Giêsu về luật Maisen, và tìm bằng chứng về tội lộng ngôn.

Xem ra Giêsu có quá nhiều kẻ thù.

* * *
"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao."
Đám đông ngồi bó gối lắng nghe bài giảng lạ lùng của Giêsu, trong đó có đám Pharisêu. Chàng khuyên đám đông hãy thi hành ý Thiên Chúa trước hết, tất cả mọi vấn đề khác đều thứ yếu. Lời của chàng cấy niềm hy vọng vào tâm hồn những người Galilê, những người luôn bị áp bức và vô vọng. Giêsu tiếp tục, "Anh em nên cầu nguyện như thế này, 'Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.'"

Lời cầu nguyện xoay quanh cuộc sống của những người dân dưới ách đế quốc Rôma: sự cần thiết trông cậy vào Thiên Chúa, sự lo lắng về miếng cơm manh áo, sự ưu tư về nợ nần... tất cả những bận rộn của cuộc sống sẽ dẫn con người đến dối trá, lừa đảo, ăn cắp, ngoại tình và dần dần xa rời Thiên Chúa.

Giêsu dứt lời, mọi người vẫn còn bàng hoàng sửng sốt. Bài giảng không quá hai nghìn từ thế mà sức mạnh của nó thật vô song. "Bài Giảng Trên Núi," sau này được truyền tụng và hầu như là một bài giảng quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại.

* * *

Ba tháng sau "Bài Giảng Trên Núi", Giêsu được mời đến nhà một người biệt phái Pharisêu, tên Simon. Ông mời Giêsu đến để thảo luận về những điều chàng giảng dạy nhưng thật tâm là để gài bẫy. Mặc dù Giêsu cuốc bộ gần 7km từ Capharnaum đến Magdala trên con đường đất, Simon cố ý không để chum nước phía ngoài cửa cho chàng rửa chân, theo đúng phong tục của Do-thái. Ông cũng không hôn lên má Giêsu, cũng chẳng xức dầu thơm lên đầu khi chàng bước qua ngưỡng cửa.

Nhóm Pharisêu mang tên "biệt phái" (separated ones). Đúng như tên gọi, họ tự tách biệt, đứng riêng và tự cho mình ở một vị trí cao hơn những người Do-thái gồm nông dân, thợ thủ công, thương gia thuộc giai cấp thấp trong xã hội. Nhóm này chuyên lo việc giảng giải Kinh thánh trong hội đường và lời của họ là tuyệt đối, bất di bất dịch. Giêsu giải thích Kinh thánh theo lối của chàng, và thường đi ngược lại khuôn mẫu của nhóm biệt phái. Vì thế, họ ghét. Simon mời chàng đến để giương bẫy hầu bắt nọn chàng vào tội lộng ngôn.

Trong nhà chật ních nhóm Pharisêu. Vừa nằm duỗi chân, một phụ nữ lặng lẽ bước đến gần Giêsu. Cô hành nghề mại dâm và đôi lần nghe chàng giảng thuyết. Sự hiện diện của cô đã được tính toán trước, Simon mời cô đến để gài bẫy Giêsu. Tên cô là Maria thành Magdala, sau này được biết đến là Maria Mađalêna. Hầu như mọi người ở làng mạc và các thị trấn chung quanh đều biết rõ nghề mạt hạng của cô. Hiếm có một phụ nữ làm một nghề tội lỗi lại có mặt giữa những người tự cho mình là thánh thiện. Đứng đàng sau Giêsu, trên tay cô nâng một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.

Và cô quỳ xuống ngay dưới chân, nước mắt đoanh tròng, cô mím môi kềm giữ cảm xúc, rồi rưới cả bình dầu thơm lên đôi chân còn lấm bụi đường của chàng. Mùi thơm xông lên nức mũi, ngào ngạt cả phòng. Đặt bình dầu sang bên, ôm lấy bàn chân, đột nhiên cô bật khóc. Không còn gì kìm giữ được cảm xúc nữa, cô khóc như chưa từng bao giờ khóc. Nước mắt rơi lã chã, ướt đẫm đôi chân của chàng.

Từ khi thấy Maria đến lúc cô khóc, Giêsu vẫn lặng yên, không nói một lời, để cô nức nở với hai dòng nước mắt tuôn. Maria xõa tóc phủ kín đôi bàn chân Giêsu. Hai tay cầm lấy lọn tóc xõa Maria lau khô đôi bàn chân chàng. Simon, chủ nhà, nhóm Pharisêu, thầm nghĩ, "Nếu ông này là tiên tri thì phải biết phụ nữ đang đụng vào người là một kẻ tội lỗi." Giêsu lên tiếng, "Này ông Simon, ông thấy phụ nữ này chứ gì. Khi tôi đến nhà, ông chẳng cho một chút nước rửa chân, nhưng cô đã rửa chân tôi bằng nước mắt và lau khô bằng mái tóc. Vì thế, tôi bảo ông, tội lỗi ngút trời của cô đã được tha vì cô yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít." Rồi Giêsu quay lại nhìn Maria, "Tội của cô đã được tha."

Nếu Simon muốn kiếm chứng cớ để kết tội lộng ngôn thì chính là lúc này đây. Luật Maisen bảo tội chỉ được tha khi thiêu chết một con vật làm của lễ hiến tế. Theo nhóm Pharisêu, ngay cả khi lấy nước làm phép rửa tại sông Giodan tội cũng chưa được tha. Thế mà... thế mà ông này lại dám tha tội cho kẻ khác. Có khác nào tự nhận mình là Thiên Chúa. Đã liên hệ với người tội lỗi, lại vừa lộng ngôn.

Những người Pharisêu có mặt tại bữa tiệc cũng kinh ngạc đến ngẩn người. Họ tự hỏi, "Ủa, thế ông này là ai mà dám tha tội cho người khác?" Giêsu ân cần nói, "Lòng tin đã cứu cô. Hãy đi bình an."

Maria ra đi, nhưng chẳng bao lâu, cô nhập nhóm theo chân Giêsu. Cô không được chọn như 12 môn đệ kia nhưng cô theo sát nhóm 12 và mãi về sau, chính cô là nhân chứng hùng hồn vào những ngày cuối của Giêsu ở trần gian.

* * *
Gioan Tẩy giả bước vào những ngày cuối ở trần gian. Antipas giam cầm ông trong ngục tối ở Machaerus đã hơn 2 năm. Nói là ngục tối hưng thật sự là cái hang được khoét sâu vào vách núi. Chung quanh Gioan toàn là vách đá. Ánh sáng chiếu le lói qua cánh cửa gỗ to bản không che hết miệng hang, trên đó một lỗ hình chữ nhật được khoét để đưa thức ăn. Nước da của chàng xanh tái vì lâu ngày thiếu ánh mặt trời. Quan tổng trấn vùng Galilê vẫn không dám giết Gioan vì sợ châm ngòi một cuộc nổi loạn trong dân Do-thái. Còn chàng, sống mỏi mòn trong ngục tối, đôi lúc Gioan đâm ra tự nghi ngờ không biết Giêsu có phải là đấng Cứu thế như chàng đã từng tuyên bố với dân Do-thái. Chàng bảo hai môn đệ đến gặp Giêsu và phải hỏi cho bằng được, "Ông là người được sai đến, hay là chúng tôi phải mong đợi một người khác?"

Từ Machaerus đến Galilê chỉ mất bốn ngày đường, Gioan cầu xin 2 môn đệ đi chóng về. Chàng kiên nhẫn chờ đợi trong ngục tối. Tuổi chưa đến 40, nhưng chàng đoán biết thời gian chẳng còn bao lâu nữa. Antipas độc ác không thua gì Hêrôđê, vua cha. Trước sau gì chàng cũng bị xử tử.

Mấy tuần trôi qua, và cuối cùng Gioan nghe tiếng 2 môn đệ ngoài cửa ngục, "Ông Giêsu nói với chúng tôi, 'Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.'" Gioan thở dài như trút được một gánh nặng ngàn cân. Niềm hy vọng của chàng dâng trào, cấy vào niềm tin vươn lên cao. Giêsu đúng thật là đấng Cứu thế.

Hai môn đệ nói thêm, Giêsu nói với đám đông về thầy như thế này, "Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến. Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả."

* * *

Thấm thoát mà một năm đã trôi qua, Gioan vẫn mỏi mòn trong ngục tối, chỉ có niềm tin của chàng ngày càng lớn mạnh. Chàng tin vào Thiên Chúa, vào Giêsu, đấng Cứu thế. Một đêm, Gioan nghe tiếng nhạc rập rình vọng lại từ cung điện của Antipas. Chàng đoán lại một dạ tiệc Antipas đãi các quan lớn, các bậc vị vọng, và bạn bè giàu có. Gioan đoán đúng, Antipas mừng sinh nhật.

Cả một đại sảnh ê hề thức ăn, rượu uống không ngơi, khách khứa ra vào nườm nượp. Thình lình, Salome xuất hiện với mảnh voan che mặt. Trên người nàng khoác một tấm vảỉ mỏng dính màu đỏ nhìn thấu cả da thịt. Salome là con riêng của Herodias. Chân trần, Salome quay cuồng trong một vũ điệu gợi dục trước mắt thực khách, đang ngồi ngẩn người thưởng thức. Thân hình uốn éo, đôi mông của nàng nhún nhẩy theo nhịp trống dồn dập quyện với tiếng não bạt rộn rã tạo thành một khung cảnh đầy mộng mị. Thực khách nén hơi và thở ra nhè nhẹ. Hình như Salome có ma lực khiến người ta quên thở. Cả đại sảnh bừng lên tiếng nhạc dâm dật khiến mọi người đờ đẫn. Vũ điệu khiêu dâm chấm dứt bằng cái chụm chân thật gọn, cùng một lúc tiếng nhạc ngưng bặt, thế mà mọi người vẫn chưa hết bàng hoàng. Tâm trí thực khách, kể cả Antipas vẫn còn đắm chìm trong vũ điệu ma quái. Chỉ khi Salome cúi chào, cả đại sảnh nổ ra tiếng vỗ tay khen ngợi không dứt.

Antipas xoa tay thỏa mãn. Salome đã làm quan tổng trấn hãnh diện trước mặt bá tánh. Quá vui, Antipas nói, "Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con." Đưa mắt làm một vòng cử tọa đang lắng nghe lời hứa, Antipas dõng dạc, "Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa giang sơn của ta cũng được." Salome trẻ nhưng dạ rất khôn ngoan. Cô đi hỏi mẹ. Herodias không chần chừ, "Cái đầu của Gioan." Cô tất tả chạy ra đại sảnh nói với Antipas, "Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm."
Antipas giật bắn người. Chỉ vì một lời hứa trong lúc phấn kích, quan đã thua trí một người đàn bà ở ngay trong cung điện này, người vợ trái phép. Antipas biết Herodias luôn tìm cách giết Gioan nhưng giết vị tiên tri bây giờ quả lợi bất cập hại. Cái chết của Gioan là nguyên cớ để dân Do-thái nổi loạn là điều cần phải tránh. Hơn bao giờ Antipas phải giữ xứ Galilê an bình dưới mắt của quan tổng đốc Philatô. Hêrôđê Antipas dầu sao cũng có nửa giòng máu Do-thái trong người nên vẫn sợ sự trừng phạt của Thiên Chúa khi ngài nổi giận. Trên thực tế, theo sử gia Josephus, chẳng bao lâu sau khi giết Gioan, Antipas mất nguyên cả giang sơn chính là sự trừng phạt nhãn tiền của Thiên Chúa. Nhưng đó là chuyện về sau, còn bây giờ lời hứa trước mặt cử tọa nặng ngàn cân, Antipas bắt buộc phải giữ lời vì thể diện.

Gioan nghe tiếng cửa mở. Tên đồ tể bước vào, một tay cầm đèn dầu, tay kia cầm lưỡi gươm bóng loáng, sắc lẻm. Chàng hiểu ngay thời điểm đã đến, thời hạn ở cõi trần đã chấm dứt. Dưới ánh trăng chiếu qua cửa, hắn bắt Gioan quỳ, kề cổ lên tảng đá. Lưỡi gươm từ trên cao phập xuống chênh chếch. Mặt gươm lấp lóe ánh trăng nên đường gươm nhoáng lên như ánh chớp. Nhanh và gọn.

Tiếng kêu trong sa mạc hôm nào nay đã hoàn toàn thinh lặng. Tên đồ tể túm lấy mớ tóc, đặt đầu Gioan còn bê bết máu lên chiếc đĩa bạc và mang đến tận cung trao cho Salome và Herodias.

* * *

Herodia trả thù xong và nhổ đi một cái gai cho cuộc hôn nhân trái luật. Bà, không chừng cả Antipas, đều tin rằng cơn sốt về lòng tin của dân chúng sẽ nguội dần rồi chết hẳn. Nhưng không, họ lầm, lầm lớn. Vì Giêsu đang đứng sững sững trước mặt quan tổng trấn dám thách thức về quyền lực và quyền hạn của Antipas.

Chàng chỉ còn sống thêm 1 năm nữa trên cõi đời.

(còn tiếp)

Hạ Ngôn

Thêm bình luận