Năm 1970, trường La San Bình Lợi Qui nhơn mừng kỷ niệm 50 năm thành lập và trong đêm văn nghệ diễn ra tại sân trường khán thính giả bất ngờ thưởng thức một giọng hát tuyệt vời của một nữ sinh trường Nữ Trung học. Bài "Giết Người Trong Mộng" được trình bày tại sân trường La San đêm hôm đó đã để lại nhiều âm vang trong lòng mọi người, nhất là bọn nam sinh chúng tôi, đứng chết sững trên sân trường sau khi nghe câu đầu tiên, "làm sao... giết được người trong mộng, để trả thù duyên... kiếp bẽ bàng..."

Đầu thập niên 70, những ca khúc của Phạm Duy rất ăn khách, được các ca sĩ thành danh trình bày trên truyền hình, băng nhạc, thu thanh... nghe hầu như khắp hang cùng ngõ hẻm cả miền Nam. Chúng tôi nghe đi nghe lại nhiều lần những bản tình ca, kể cả bài Giết Người Trong Mộng, nhưng phải là một nam sinh, tuổi chập chững vào đời, đêm hôm đó đứng chen chúc nhìn lên sân khấu được trang hoàng thô sơ và nghe giọng một nữ sinh (mãi sau này chúng tôi mới biết tên) cùng lứa tuổi trình bày xuất thần bản nhạc, rồi mới thấm hết nỗi cảm xúc của cậu con trai đang lớn, thầm ươm một ước mơ nào đó vào tiếng hát và chợt thở dài vì nhận ra ngay niềm mơ ước đó sẽ trở nên vô vọng. Mấy mươi năm sau, khi tóc đã bạc màu hơn nửa, bạn tôi vẫn còn giữ nguyên một cảm xúc trắng tinh như thế.

Cũng mấy mươi năm sau, nỗi cảm xúc của tôi lại là bài "Giấc Mơ Trưa".

Tôi không kén nghe nhạc. Tùy lúc, tôi mở một loại nhạc nào đó cho phù hợp. Nhớ lúc học thi, tôi thường mở nhạc nhẹ và đặc biệt không lời. Lúc tập thể dục, tôi nghe nhạc kích động cho đúng nhịp bước chân. Khi nằm đọc một đoạn sách, tôi thường nghe nhạc hòa tấu. Nếu cắt cỏ làm vườn, tôi lại nghe bất cứ loại nhạc nào, gọi là để nghe mà làm việc. Xong việc, tôi nhớ lõm bõm những điệu nhạc tôi vừa nghe rồi quên bẵng. Vậy mà tôi nhớ như in giọng hát của Đỗ Quyên, vì "Giấc Mơ Trưa" đã để lại trong tôi thật nhiều thinh lặng của hồn và đầy trầm lắng của tâm tư.

Tĩnh. Tâm tư tôi trầm hẳn xuống khi tiếng chuông chùa buông. Người con gái mơ màng trong giấc ngủ trưa, hồn trôi về dĩ vãng, gặp lại cảnh cũ người xưa và chợt tỉnh giấc khi nghe tiếng chuông chùa vọng lại từ xa. Bài hát bắt đầu bằng tiếng chuông chùa và giọng của Đỗ Quyên nhỏ dần khi tiếng chuông chùa buông. Và tôi cũng buông tất cả tị hiềm, ghen ghét, đố kỵ, hờn giận, cùng nỗi ưu tư và lo lắng của đời sống. Buông hẳn. Hồn tôi bỗng trong suốt như giọng hát của Đỗ Quyên để tôi nhìn thấy tâm tư tôi tràn ngập dòng suối tinh khiết của tình yêu, của tình người, và của lòng vị tha. Từng ấy mối tình khuấy động hồn tôi tạo nên một nỗi cảm xúc u hoài. Tiếng dương cầm còn váng vất trong trí, lời kể tha thiết của người con gái có sức mạnh đẩy tôi ngã ngồi trên ghế, nhắm đôi mắt để tiếng chuông chùa tràn ngập hồn tôi và chợt thấy lòng mình thanh thản hơn bao giờ. Tâm hồn tôi bồi hồi khi tiếng chuông ngân xa rồi mất hẳn và để lại trong tôi một chút tiếc nuối, một chút buồn vô cớ. Không phải buồn của nỗi đau, nhưng là buồn của niềm hạnh phúc lãng đãng nào đó khiến hồn tôi lâng lâng. Tôi thấy lòng mình nhẹ tênh, tưởng có thể chắp cánh bay về một thế giới khác lạ không còn bụi bặm trần gian. Tôi ngồi đó, đắm mình trong từng lời của điệu nhạc dịu và êm. Tác giả viết lời nhạc đơn giản, không một chút cầu kỳ trau chuốt, và từng nốt nhạc đặt vào từng con chữ là một chọn lựa kỹ càng để âm thanh thánh thót đủ mạnh đánh tan hết mọi vẩn đục của cuộc sống. Tôi "nghiện" giọng hát của Đỗ Quyên, nhưng chỉ mỗi bài Giấc Mơ Trưa.

Mỗi khi ưu tư, bực dọc, tôi lại nghe Giấc Mơ Trưa và chỉ mỗi Đỗ Quyên hát để thoát bụi trần. Như tôi đã thưa, tôi không kén nghe nhạc nhưng một khi đã yêu bản nhạc nào tôi chỉ thích mỗi ca sĩ duy nhất, người đã cho tôi cái cảm giác ban đầu khó quên ấy. Sau này tôi có nghe một vài ca sĩ khác trình bày cùng bản nhạc, cũng tha thiết như thế nhưng những giọng hát đó vẫn không thể nào đem đến cho tôi cái cảm giác kỳ diệu như giọng hát của Đỗ Quyên.

Ngoài Giấc Mơ Trưa, giọng Đỗ Quyên cũng bình thường như những ca sĩ thời thượng khác. Có thể tôi khó tính, nhưng đấy là cảm nhận của tôi về Đỗ Quyên. Tháng trước tôi nghe ca sĩ Lệ Quyên đến San Jose trình diễn. Lại một Quyên nữa. Giọng Lệ Quyên hao hao Đỗ Quyên nhưng tôi chưa nghe Lệ Quyên hát Giấc Mơ Trưa bao giờ. Tôi đã định đến nghe Lệ Quyên hát nhưng lại tự hỏi chẳng biết trong suốt mấy tiếng đồng hồ trình diễn, cô có hát Giấc Mơ Trưa không. Suy đi tính lại, tôi quyết định không đi. Mà cho dù Lệ Quyên có hát Giấc Mơ Trưa đi nữa, đứng giữa sân khấu tràn ngập ánh sáng, với áo quần là lượt bắt buộc cần khi trình diễn, ý nghĩa của Giấc Mơ Trưa sẽ mất hẳn. Ở sân khấu, ca sĩ cần tiếng vỗ tay vang rền khắp rạp, và nếu tiếng vỗ tay ồn ào đến thế, làm sao tôi có thể nghe tiếng chuông ngân. Giấc Mơ Trưa phải được thưởng thức trong thinh lặng, trong trạng thái tĩnh, và nếu cần, phải trong ánh sáng mờ ảo của mông lung chứ không thể là ánh đèn màu. Tôi không đi nghe Lệ Quyên là vì thế.

Tôi cũng không đi nghe bạn tôi hát nhân dịp hội ngộ ở Qui nhơn vừa qua. Bình, người bạn có giọng hát thật nồng nàn, sôi nổi. Không đi nghe Lệ Quyên hát tôi không tiếc, nhưng tôi lại tiếc vì không được ngồi một bên nghe Bình hát "Vũng Lầy Của Chúng Ta"; nghe như thế vẫn thật hơn, vẫn thú hơn một vài clip Bình hát gửi ra cho cả nhóm. Tên của bạn tôi thoáng nghe như con trai, Bình. Nhưng nếu gọi Thanh Bình thì lại khác. Thanh Bình là một trong 14 cô sang học lớp 12 ở La San niên khóa 71-72. Thời của tôi, con gái cao cỡ một mét rưỡi là đủ "Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời" rồi; đằng này Bình cao trên 1m6 nên thường "...nhìn tôi xuống thấp". Mặc dù nghe tên tưởng lầm con trai nhưng người Bình lại thấm đẫm nữ tính với dáng mảnh như lá, mái tóc mượt mà đen nhánh dài phủ gần nửa lưng, chân bước nhẹ như mây, thấp thoáng gót chân hồng ẩn hiện dưới ống quần rộng phất phơ. Tà áo trắng của Bình nổi bật trên sân trường với chiều cao hiếm có. Trong số bạn bè, may ra có một vài đứa có chiều cao ăn ý với Bình. Nguyễn Huế, người bạn đã khuất, dáng cao to, một võ sĩ có hạng ở đất Bình định. Có lần trời mưa, Huế cầm dù che cho Bình bước từ cổng trường vào lớp. Đứng ở hành lang, dưới làn mưa nhẹ lất phất của buổi sớm mai, hình ảnh Huế che dù cho Bình hôm đó đối với tôi đẹp nhất. Buổi sáng đó, Huế và Bình trông như hai diễn viên màn bạc, đang đóng một xen trong cuốn phim tình cảm. Tôi biết cả trường đang nín thở trố mắt nhìn Huế và Bình, trong đó có tôi đang thở dài thầm mơ giá tôi cao thêm chừng một tấc nữa. Sân trường những năm trước khô khan nhưng buổi sáng hôm đấy tôi cảm thấy sân trường đầy ướt át của hồn nhiên trong Trống Mái, và ngập lụt lãng mạn của Hồn Bướm Mơ Tiên.

Hồn Bướm Mơ Tiên của bạn tôi không thành như hai nhân vật trong truyện. Nàng trở thành Góa Phụ Ngây Thơ sau khi chồng nằm xuống. Tôi nói Bình không ngây thơ nữa, nhưng nên đổi lại là góa phụ nửa chừng xuân. Tuổi đời đã cao nhưng Bình vẫn còn giữ được đường nét như mới đi được nửa đường. Nửa chừng xuân là thế. Quả thật tôi nói không ngoa, nếu Bình "về điểm phấn tô son lại," chắc chắn rất dễ "ngạo với nhân gian một nụ cười," như 2 câu thơ của Thái Can, một nhà thơ tiền chiến.

Thơ và văn là tài mọn của Bình. Một cô bạn khác – Thu – bảo tôi những năm ở trung học, cả đám học văn với thầy Nguyễn Mộng Giác. Sau mỗi bài thi, bài luận văn của Bình đều được giữ lại sau cùng, và thầy bảo Bình đọc cho cả lớp nghe. Bình còn biết ngâm thơ và tôi nghe âm hưởng của nữ nghệ sĩ Hồ Điệp trong giọng ngâm của nàng. Nhớ những năm xa nhà vào Sàigòn học, đêm khuya vô tình vặn lạc đài nghe giọng ngâm của bà trên chương trình Tao Đàn khiến lòng tôi nao nao và chợt thấy nhớ nhà kinh khủng. Nghe Bình ngâm, lòng tôi cũng nao nao nhớ đến những đêm chong đèn ở cư xá học thi, và hồn trùng hẳn xuống.

Hát hò, văn chương, thơ phú, ngâm thơ là những tài mọn của Bình. Bạn tôi đang ở Lộc Châu, Phan Khối viết một đoạn trên vi-thư, "...cũng là chuyện vặt thôi, mà là chuyện vặt khác thường, hạng tầm thường sao làm nổi" Tôi cho rằng những tài mọn này cũng chỉ là chuyện vặt đối với Bình, nhưng là chuyện vặt khác thường, hiếm người làm nổi. Người ta bảo, hát hay không bằng hay hát. Nghĩ cũng phải, gọi là hát cho vơi buồn, hát để yêu thêm cuộc đời. Nhưng nếu Bình hay hát và hát hay thì mới là chuyện vặt khác thường. Thuở lớp 5 ở bậc tiểu học, Bình đã hát trong ban hợp ca thiếu nhi trên đài phát thanh Qui nhơn nên cô bạn tôi hát hay là điều dễ hiểu.

Cũng là tiếng hát nhưng khán thính giả lại nhíu mày khó hiểu khi thấy một thí sinh trình diễn trên sân khấu vào tháng 3/2014 vừa qua. Thí sinh đó là một nữ tu thuộc dòng Các Nữ tu Ursuline Thánh gia (Ursuline Sisters of the Holy Family) trong một cuộc thử giọng của chương trình "The Voice" và cả nước Ý lên cơn sốt.

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, các đài truyền hình đẻ ra một chương trình thi tài năng về ca hát, nhảy múa, ảo thuật, diễn hài, và những màn biểu diễn nghệ thuật khác để câu khách. Ban đầu là American Idols vào năm 2002, The X-Factor (2004), rồi đến America's Got Talent (2006), và sau cùng là The Voice (2010) dựng nên bởi John de Mol Jr., một tỷ phú về truyền thông người Hà-lan. Chương trình The Voice cạnh tranh mạnh mẽ với The X-factor và nhanh chóng lan ra các nước ở Châu Âu & Á. Nước Ý bắt đầu tuyển lựa tài năng về ca hát vào năm 2013, đến nay đã được 2 mùa thi. Và năm 2014 với sự xuất hiện của Sơ Cristina Scuccia trên sân khấu đã làm khán thính giả thật sự kinh ngạc.

The Voice khác với những chương trình tuyển lựa khác ở chỗ các vị giám khảo không nhìn thấy mặt của thí sinh dự thi. Những chương trình kia, khi bước ra sân khấu rộng mênh mông trước cử tọa lên đến hàng nghìn, thí sinh phải trả lời một số câu hỏi của các vị giám khảo đã. Còn The Voice lại khác, thí sinh bước ra sân khấu lúc các vị giám khảo đã ngồi xoay lưng lại. Lưng ghế to bản, đủ che hết thân hình bất cứ vị giám khảo nào, cho dù nặng cân nhất. Chỉ một mình thí sinh với hàng nghìn khán thính giả mà thôi. Bước ra thì nhạc trổi lên ngay, và hát; không cần phải giới thiệu danh tính.

Các vị giám khảo chỉ nghe giọng hát chứ không hề thấy mặt cũng như cung cách trình diễn của thí sinh, và nếu thích, vị giám khảo đó đập mạnh xuống một nút đỏ ngay trước mặt. Lập tức chiếc ghế to bản xoay lại, đưa vị giám khảo đối diện với thí sinh. Điều kiện để tiến qua vòng trong và mãi cho đến bán kết, rồi chung kết... là thí sinh phải được sự đồng ý của tất cả các vị giám khảo. The Voice thể hiện sự tán thành qua hành động bấm nút đỏ để quay lại đối diện với thí sinh. Bởi vậy, khi cả 4 vị giám khảo quay lại, điều này có nghĩa là thí sinh đã được chấp thuận tiến vào vòng hai.

The Voice lại có thêm một điểm đặc biệt nữa. Đó là thí sinh có quyền chọn một trong 3 vị giám khảo làm người cố vấn (mentor) trong những vòng sau. Nhưng đến vòng chung kết, cũng giống như các chương trình tuyển lựa tài năng khác, sự lựa chọn hoàn toàn tùy thuộc vào khán thính giả. Nếu đoạt giải vô địch, từ thí sinh đến vị cố vấn thật hãnh diện, vì cả năm chỉ có một giải duy nhất. Giải thưởng gồm tiền mặt lên đến cả triệu và một hợp đồng từ các nhà sản xuất đĩa nhạc. Nhưng phần thưởng lớn nhất là thí sinh trở thành một người nổi tiếng của riêng quốc gia đó đã đành, và đôi khi trở thành một nhân vật quốc tế, trong vòng một thời gian chỉ vài tháng. Trường hợp của Susan Boyle trong Britain's Got Talent năm 2012 là một ví dụ điển hình. Một người đàn bà 47 tuổi, ngoại hình không lấy gì hấp dẫn, đã làm toàn thể khán thính giả ngạc nhiên tột độ khi cô vừa cất giọng hát (https://www.youtube.com/watch?v=K38tWC8POyE). Chỉ qua một lần thử giọng, Susan nổi tiếng cả nước Anh và trong các quốc gia nói tiếng Anh. Phóng viên báo chí, ký giả tạp chí, đài truyền hình, truyền thanh...v..v.. đứng tấp nập trước căn nhà nhỏ của cô để xin một phút phỏng vấn. Nếu giấc mộng Nam Kha thời xưa "bừng con mắt dậy thấy mình tay không" thì với The Voice, thí sinh bừng mắt dậy bỗng thấy mình có tất cả. Từ tiền đến danh.

Vòng loại, được gọi là thử giọng (audition) sơ Cristina trình bày bản No One của Alicia Keys. Ngay từ câu đầu tiên, giọng hát của sơ đã được ít nhất là 1 vị giám khảo, J-Ax – tên thật là Alessandro, nhíu mày lắng nghe. Chỉ cần nghe hát thêm vài câu sau đó, J-Ax không còn chần chờ gì nữa, đập mạnh vào nút đỏ ngay trước mặt để ghế xoay lại. Miệng anh tròn vo khi thấy thí sinh trong trang phục của một nữ tu. J-Ax thật sự kinh ngạc. Anh há hốc miệng không tin ở đôi mắt của anh, nhưng rõ ràng là một nữ tu đang say sưa trình bày bản nhạc, không hề chú ý gì đến anh và những vị giám khảo khác. Sơ Cristina hát đến đoạn "no one... no one... no one", J-Ax quẫy người trên ghế như con cá mắc cạn trong một trạng thái hứng khởi chưa từng có. Câu kết mới ngoạn mục, "no one can get in the way of what I feel for... you.", ở chữ you cuối bài, tiếng hát bật ra ở một cung bậc cao vút, dũng mãnh như sóng cuồn cuộn dâng, nhưng âm giọng vẫn tròn trịa, trong suốt như pha lê không chút vẩn đục. J-Ax đưa hay tay ôm lấy đầu biểu lộ sự kinh ngạc. Anh và toàn thể khán giả hầu như không tin ở tai mình vừa thưởng thức một giọng hát tưởng như từ một ca sĩ đã thành danh. Alicia Keys chăng? Không, không phải. Rõ ràng giọng hát của người con gái đang đứng trên sân khấu trong trang phục nữ tu.

Tiếng vỗ tay vang rền, J-Ax vẫn còn bàng hoàng. Anh chưa thoát khỏi vùng trời âm thanh đầy mê hoặc của sơ Cristina. Mà có thật là nữ tu không hay là một người con gái muốn chơi nổi, gây sự chú ý của các vị giám khảo. Vị giám khảo Carrà hỏi cô có phải nữ tu thật không. Sơ Cristina khẳng định cô là một nữ tu thật sự. Bà hỏi động lực nào thúc đẩy sơ lên sân khấu, sơ Cristine bảo tôi đến đây vì tôi có món quà muốn chia sẻ cùng quý vị. Sơ nói thêm, Đức giáo hoàng Phanxicô khuyến khích chúng ta nên bung ra ngoài, dùng tài năng của mình để phục vụ tha nhân và rao giảng Tin Mừng, tôi đến đây với mục đích như thế. Mấy ngày sau, Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Bộ Văn hóa Tòa thánh trích một câu trong Kinh thánh trên trang Twitter của ngài, "Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác (1 Peter 4:10)" bày tỏ sự hổ trợ việc thi hát của sơ Cristine. Cuối buổi thử giọng, sơ Cristina chọn ca sĩ nhạc rap J-Ax làm cố vấn. Những vòng thi tiếp theo, sơ Cristine lần lượt loại dần các địch thủ. Sau hơn tháng thi đấu, cuối cùng sơ Cristina đoạt giải "The Voice" năm 2014. Ngày nhận giải, trước hàng nghìn cử tọa, sơ Cristina xin mọi người cùng đọc với sơ một kinh Lạy cha để cảm tạ Thiên Chúa, (https://www.youtube.com/watch?v=TpaQYSd75Ak).

Hiện tượng sơ Cristina làm tôi nhớ đến một giọng hát của một sơ khác, Sœur Sourire (Sister Smile), một nữ tu thuộc dòng Đôminicô cũng là một hiện tượng xảy ra vào năm 1963. Sơ nổi danh qua bài hát "Dominique" do chính sơ sáng tác và trình bày.

Cơ duyên tôi biết bản nhạc này khá đặc biệt. Năm đệ Ngũ, chúng tôi gồm có Bích, Lạc, Sơn, Tín, và tôi từ La San Bình lợi Qui nhơn lên học ở La San Ban-mê-thuột. Đây là lần đầu tiên tôi học nhạc, làm quen với các nốt đồ rê mi, dấu đơn, dấu kép... và cũng lần đầu tiên tôi đứng hát trong một đoàn hợp ca, bài Ngựa Phi Đường Xa, bốn bè và dĩ nhiên tôi thuộc nhóm bè chính (tôi luôn hát lạc sang bè chính, nên frère xếp tôi vào bè chính luôn). Thầy dạy nhạc là frère Bertrand Nguyễn dục Đức, một sư huynh mà theo nhận xét của riêng tôi, là người thầy uyên bác nhất trong suốt cuộc đời học sinh của tôi ở La San. Mỗi lần đến giờ nhạc là tôi run, vì tôi biết tôi không có một năng khiếu nào về âm nhạc. Tôi còn nhớ, giữa năm đệ Ngũ, frère dạy chúng tôi đánh nhịp ¾, chát chát chình, chát chát chình. Frère bảo phải lắng nghe tiếng nhạc để phân biệt khi nào chát, khi nào chình; cứ chình là đập tay xuống, cọng với hai chát kia thì vẽ thành một hình tam giác, tay đưa lên để chuẩn bị tiếng chình lại đập tay xuống, bắt đầu một nhịp mới. Tai tôi nghe tất cả đều chình chình, chả nghe một tiếng chát nào cả.
Ngoài âm nhạc, frère còn dạy chúng tôi môn Việt văn và Anh văn. Giờ Việt văn, tôi còn nhớ frère giảng một đoạn văn trong cuốn Con Trâu của Trần Tiêu, em ruột của Khái Hưng và có chân trong nhóm Tự Lực Văn đoàn. Đoạn văn tả người mẹ ở quê lên thăm đứa con gái đang ở đợ cho một gia đình giàu có. Ông chủ tử tế hỏi thăm bà tình cảnh gia đình. Bà thản nhiên kể đứa con trai 8, 9 tuổi của bà bị sừng trâu đâm lòi ruột. Frère hỏi thế tại sao bà lại kể với một giọng ráo hoảnh như thế, giống như bà đang kể về một cái chết của một con vật chứ không phải con của bà. Frère giải thích là đau khổ triền miên đã làm cho con người mất hết cảm xúc. Đối diện với khổ đau từ nhiều năm tháng, bà xem chuyện một đứa bé bị lòi ruột là chuyện thường tình. Lòng người mẹ hết đau, tim người mẹ hết nhói. Gia đình bà đứa thì ở đợ, đứa bị trâu đâm lòi ruột, tuy khổ thế nhưng vì quá quen nên bà không nhỏ một giọt nước mắt. Hoặc không chừng, dòng nước mắt của người mẹ đã cạn khô nên bà chẳng còn một giọt nước mắt nào để rơi. Mãi về sau, khi học môn Tâm lý với frère Raymond Hinh, tôi hiểu rõ thêm đau khổ là một tình trạng tâm lý và chợt nhớ đến những lời frère Bertrand giải thích ở lớp đệ Ngũ.

Riêng giờ Anh văn thì chúng tôi, những học sinh La San Bình lợi Qui nhơn, mở tròn mắt chịu thua. Frère một tay cầm cuốn sách Anh văn (hình như L'Anglais Sans Peine thì phải), tay kia vòng sau lưng, bước thong dong, đọc dõng dạc. Đọc một câu tiếng Anh, frère bắt từng đứa đứng lên dịch ra tiếng Pháp, ngay tại chỗ. Vốn tiếng Pháp của tôi cũng không đến nỗi tệ, nhưng đọc và dịch tức khắc thì thú thật vốn liếng Pháp văn của tôi không đủ, chưa kể đến văn phạm câu cú cần phải chính xác nữa. Tôi còn nhớ buổi học đầu tiên frère bảo tôi dịch mấy câu đầu bài, my name is George; tôi dịch ra, je m'appelle George... rồi đứng đực mặt vì những câu tiếp theo tôi hiểu không hết, chưa kể không đủ ngữ vựng Pháp để dịch. Frère đọc tiếng Anh và Pháp nhuần nhuyễn, nói trơn tru không hề vấp váp. Sau này tôi biết thêm lối học song ngữ Anh-Pháp như thế đã bắt đầu từ năm đệ Thất. Học sinh phải học 2 sinh ngữ từ khi bước lên trung học, chứ không phải chờ đến đệ Tam như chúng tôi. Học sinh La San Bình lợi đành phải chào thua những học sinh La San từ Sàigòn lên học. Khi viết những giòng chữ này, Frère đã về với Chúa được gần năm (tạ thế 31/12/2013 tại Napa, Cali) và tôi xin dài dòng một chút về thầy dạy của tôi cũng là một cách để cảm tạ người đã dẫn tôi vào thế giới âm nhạc tuyệt diệu và bầu trời văn chương bao la. Xin cầu cho thầy sớm về nước Thiên đàng.

Xin trở lại Sœur Sourire. Bài hát của sơ nổi tiếng từ năm 1963 nhưng phải đợi đến năm 1967, lúc tôi học ở La San Ban-mê-thuột, frère Bertrand cho tôi nghe bài "Dominique" do chính sơ Sourire trình bày. Frère chụp headphone lên đầu, bảo tôi nghe hết bản nhạc rồi nói cho frère biết cảm tưởng. Nghe xong, tôi chẳng hiểu hết lời Pháp, lấy đâu mà bàn đến cảm tưởng và cảm nghĩ. Tôi chỉ gật gù cho có lệ, đầu óc trống rỗng tuy cũng đủ trí khôn để nhận ra âm hưởng của bản nhạc nghe líu lo như chim hót. Đôi lúc, frère còn cho tôi nghe những bản giao hưởng mà lúc đó tai tôi nghe như vịt nghe sấm. Khi giải thích về dòng nhạc, frère đắm hồn vào từng chữ mà lúc đó lời frère diễn tả quá sức với trí hiểu biết về âm nhạc của tôi. Về sau khi lớn lên tôi biết thêm sơ đi tu, sáng tác nhạc, ôm đàn guitar hát, mẹ bề trên thấy hay nên khuyến khích sơ hát cho cả dòng nghe. Dần dà giọng hát của sơ được mọi người biết tiếng và hãng dĩa Philips ký hợp đồng với nhà dòng phát hành bản Dominique do chính sơ hát với nghệ danh Sœur Sourire. Và sơ nổi tiếng.

Thời đó, năm 1963, ban nhạc The Beatles nổi tiếng, làm mưa làm gió trên vùng trời âm nhạc. Ngay trong khối Sô-viết, thanh niên thanh nữ Nga chuyền tay nhau những đĩa nhạc của Beatles nhập lậu từ Âu-châu và nghe mê mẩn. Suốt cả năm, người ta bàn tán về hiện tượng Beatles, giới trẻ thuộc nằm lòng những bài John Lennon và Paul McCartney hát, thế mà bản Dominique của Sœur Sourire lại giữ đầu bảng (billboard) âm nhạc tại Âu-châu và ngay cả nước Mỹ trong suốt 2 tuần. Đó là một kỷ lục, (https://www.youtube.com/watch?v=n295hjktHD0).

Hai hiện tượng, hai nữ tu, hai giọng hát gây chấn vang trong giới âm nhạc cách nhau hơn nửa thế kỷ. Tuy thế, cuộc đời của sơ Sourire lại kết cục bi thảm. Vài năm sau khi nổi tiếng với bản nhạc Dominique, sơ bỏ tu viện ra sống ngoài đời. Rồi chính phủ Bỉ níu áo sơ về số tiền thuế qua dĩa nhạc Dominique. Sơ ra đi tay trắng nên không có tiền đóng thuế. Sở thuế đeo dai dẳng đến nỗi sơ suy sụp tinh thần sinh ra trầm cảm. Cuối cùng sơ tự tử với người bạn gái Annie Pécher. Hiện hai ngôi mộ của họ tại nghĩa trang Cheremont, nước Bỉ thỉnh thoảng vẫn có những bó hoa của những người hâm mộ đặt nằm chơ vơ trên nền đá trông hiu hắt như cuộc đời cô đơn của sơ. Tôi vẫn cầu mong sơ Cristina luôn giữ tinh thần tu trì, dùng giọng hát của sơ để đem niềm vui đến cho tha nhân. Giọng hát và chiếc áo chùng thâm của sơ mãi mãi là một hiện tượng độc đáo trong bầu trời âm nhạc.

Người ta bảo âm nhạc là ngôn ngữ phổ quát (universal language), nghĩa là một loại ngôn ngữ mà hầu hết 7.5 tỉ người trên trái đất này đều hiểu được. Nghe một bản nhạc ngoại quốc, tuy không hiểu lời nhưng qua tiết tấu của bản nhạc, thêm vào âm thanh trầm bổng, giọng hát và cách trình bày của ca sĩ, ai ai cũng thấm được ý nghĩa của bài hát. Những thí sinh đứng một mình giữa sân khấu rộng bao la chợt thấy mình nhỏ bé hẳn, tim đập rộn rã trước những con mắt xoi mói của các vị giám khảo và họ nén hơi đặt hết cả tâm, cả hồn lẫn tim óc và bật ra tiếng hát.

Ngôn ngữ của âm nhạc chỉ có 7 chữ (nốt) nhưng sao nhạc sĩ lại sắp xếp một cách tài tình và chờ đến lúc một ca sĩ trình bày thì bản nhạc thoát thai trở thành một biểu tượng lộng lẫy của nghệ thuật. Cứ xem những chương trình tuyển lựa tài năng của American Idols, X-Factor, hoặc America's Got Talent mỗi tiếng hát là một giọt nước mắt của niềm vui choáng ngợp khi hàng nghìn cử tọa đứng dậy vỗ tay vang rền khắp rạp. Đó cũng là giọt nước mắt của một mảnh đời gắn liền với sự cố gắng cùng cực để vươn lên từ đổ nát. Không hiếm vị giám khảo cũng rơi lệ vì họ đã lịm hồn trong tiếng hát của thí sinh, và khẳng khái cám ơn thí sinh đã đem giọng ca đến với chương trình.

Giọng ca và tiếng hát ngọt ngào của Thu Dung, của Đỗ Quyên, của Thanh Bình, của sơ Cristina, và sơ Sourire đã cống hiến cho đời những giây phút tuyệt vời nhất. Đời ca hát ngày tháng... cho người mua vui. Khi những tiếng hát này cất lên, tôi biết cảm tạ Thượng đế đã cho đôi tai để nghe, còn thính giác để biết rung động trước vẻ đẹp trau chuốt của âm thanh. Họ, có cả Thanh Bình bạn tôi, đứng hát giữa đời thênh thang để rồi ngồi xuống giữa muôn muôn người, không phân biệt sắc tộc màu da, cùng nắm tay nhau lấy âm nhạc làm ngôn ngữ để cảm thông, để xóa hết hận thù và thương yêu nhau.

Tôi ước mơ như thế, Thanh Bình, cô bạn học thân mến của tôi ơi!

  Hà Ngân
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.