- Đăng ngày 23 Tháng 1 2011
- Lượt xem: 2651
Những ngày cuối năm trời San Jose nhuốm mây mù, rét căm căm. Ở nhà tôi phải mặc hai lớp áo, chưa kể áo khoác ngoài mới không bị cảm lạnh. Tôi nhận thấy năm nay lạnh hơn những năm trước. Có người bảo vì global warming nên thời tiết thay đổi bất thường. Tôi lại nghĩ không chừng vì tuổi đã lớn, sức khỏe yếu dần nên cảm thấy lạnh hơn mọi năm. Tôi không chú ý nhiều đến hiện tượng khoa học giải thích nóng lạnh, tôi chỉ thấy lòng ấm hẳn khi nhìn vào trang TVQN, nơi mà bạn bè Lasan cũ gặp gỡ qua hình ảnh và những bài viết để ôn lại một thời ngây ngô, thật dễ thương của tuổi học trò.
Những ngày trước Noel, Lâm ở Đức sôi nổi muốn nối kết lại bạn bè. Lý ở VN cũng háo hức không kém. Hai người bạn này có với tôi một thời gian dài ở trung học, cả đại học nữa. Ngày ấy hình như đã lâu lắm rồi, bốn mươi năm rồi còn gì. Ôi! Nếu được sống trên cõi đời này đến tám mươi thì quãng thời gian đó đã là nửa đời người. Cho dù thời gian dài đăng đẵng đến thế, vậy mà khi chuyện trò tôi chợt nhớ lại hết những kỷ niệm vui buồn thuở ấy. Nhờ Lâm năng nổ gọi phôn cho bạn bè ở bốn phương, tôi biết thêm Minh, người bạn chỉ học có 4 năm ở Lasan, vậy mà tôi nhớ ngay, nhớ đến khuôn mặt và dáng mảnh khảnh, vẻ thư sinh ở tuổi thiếu niên của Minh. Rồi thật tình cờ tôi liên lạc được với Thanh Bình, cô bạn học lớp 12 thuở nào. Cái dáng cao cao, tóc xõa lưng ấy thì khó có thể quên được. Và nhất là câu nói đùa của Bình, “B. mà đi guốc cao gót sẽ xoa đầu hết bạn bè…”. Qua Noel, tôi cũng nối kết thêm mấy người bạn, ở lớp dưới, bây giờ cũng đã bước sang tuổi năm mươi. Mới hơn tháng mà biết thêm từng ấy người thì còn mong gì hơn. Kiến tha lâu đầy tổ, thế nào rồi cũng nắm tay hết bạn bè, tôi nghĩ thế.
Trong niềm vui nối kết được những người bạn cũ, nào Khuôn, nào Chiến, Thường, Cảnh, Hưng, T.Bình… tôi chạnh lòng chợt nhớ đến một vài người bạn đã ra đi. Trong trí nhớ bàng bạc của tôi, những khuôn mặt nhạt nhòa của Phạm công Thuận, của Trần ngọc Hà, của Nguyễn Huế hiện rõ dần, từ quá khứ bước về hiện tại với những nét hồn nhiên của tuổi học sinh đầy ắp những chọc phá, vui cười. Hoàn cảnh đất nước nghiệt ngã khi chúng tôi lớn lên đã phân hóa bạn bè mỗi đứa một phương. Có đứa đi du học, có thằng đăng lính, có đứa tiếp tục học lên. Rồi vận nước nổi trôi để chúng tôi phân tán thêm một lần nữa. Lần này đau đớn hơn, tàn nhẫn hơn để mãi đến 40 năm sau mới biết lại từng ấy đứa. Và đếm mãi cũng chỉ đủ trên đầu mấy ngón tay.
Nhà Phạm công Thuận cách nhà tôi không xa; cuối đường Lê Lợi. Nhà tôi ở khoảng giữa. Vậy mà cũng chẳng mấy khi gặp nhau ngoài những giờ học ở trường. Tôi còn nhớ người Thuận thấp, to ngang trông khá cục mịch, tướng đi lạch bạch như vịt bầu. Nó vui tính, ít chọc phá bạn bè. Thuận chơi thân với Minh, cùng học ban Anh văn. Giờ ra chơi hai đứa chuyên bá vai, bá cổ, nắm tay. Gặp frère Ernest lại vội vàng thả nhau ra. Luật ở trường rất nghiêm nhặt, cấm bá vai, bá cổ, nhất là những trò chơi có đụng chạm tay chân (jeux de main). Các frère có luật của mấy frère, chúng tôi có luật của chúng tôi. Bạn bè thân thiết thì nắm tay nhau, thế thôi. Tôi còn nhớ lúc còn ở đại học, mỗi khi đi dạo phố Lê Lợi, tôi và mấy thằng bạn cứ nắm tay nhau, bá vai, bá cổ thoải mái, chẳng thấy ngượng ngùng gì sốt. Mặc dù chuyện đồng tính cũng khá phổ biến ở xã hội VN thời bấy giờ nhưng chúng tôi chẳng hề nghĩ ngợi gì. Cứ nhớ lại rạp Vĩnh Lợi gần quán Thanh Bạch trên đường Lê Lợi thì biết. Thuận ít chọc phá ai nhưng không hiểu sao lại ưa chọc Minh. Có lẽ vì hai đứa thân thiết nên Thuận khoái chọc Minh chăng? Theo lời Minh kể, có lần nó đem gốc Tàu (Minh Hương) ra chọc làm Minh nổi giận rượt đánh. Bị đánh đau thế mà Thuận vẫn không “sờn lòng”, cứ chọc và để cho Minh đấm. Những cú đấm trong cơn giận phải mạnh chứ, nhưng có lẽ tướng to ngang nên nó chịu được. Thế rồi ngay sau đó, hai đứa lại bá vai, bá cổ, vui đùa với nhau như không có gì xảy ra. Năm đó là năm nào nhỉ? Lớp đệ Lục, đệ Ngũ gì đó. Tuổi thơ là thế, mau quên, chơi thân với đứa nào là chơi với nhau chết bỏ.
Có một chi tiết mà tôi lầm về Thuận. Tôi và một người bạn nữa đoan chắc Thuận rớt TT1 nên phải đăng lính. Nhưng khi Kỳ (ở Dallas) phóng tấm hình chụp cả lớp năm 71-72 thì lại thấy Thuận nhỏ thó đứng ở hàng thứ hai. Hóa ra tôi lầm. Tôi nhớ hình dáng của Thuận lúc ở những lớp nhỏ hơn là lúc học lớp 12. Nhà Thuận nghèo, một mái nhà đơn sơ ở cuối đường Lê Lợi. Theo lời kể của Khuôn, căn nhà tuy nghèo nhưng ngăn nắp, sạch sẽ. Mẹ của Thuận mắc bệnh tiểu đường, gần như nằm một chỗ. Bố của Thuận có lẽ đã mất từ lâu. Người anh tốt nghiệp Mỹ thuật cũng bị cụt cả hai chân, giải ngũ. Không biết những bức tranh anh vẽ có bán được tiền để giúp ích cho gia đình nhưng hình như mọi chi tiêu đều nhờ vào bàn tay tần tảo của người chị kế Thuận. Khuôn đến nhà chơi, bà mẹ hiền từ, quý bạn của con như con mình vậy. Lâu lâu, Thuận dẫn Khuôn đến đầu đình chợ, tạt vào xe nước mía của chị Thuận, uống một ly đến mát cả ruột gan. Ly nước mía uống từ hơn 40 năm trước thế mà Khuôn vẫn uống mãi cho đến giờ này để nhớ hương vị của người bạn, mường tượng Thuận đang đứng đâu đó mỉm cười, cả nét hiền từ trên khuôn mặt của bà mẹ, và sức chịu đựng phi thường của người chị. Thuận phải giúp chị sau những giờ học, chở từng cây mía đã được róc và chặt ra từng khúc đến chợ để chị cán kiếm tiền nuôi sống gia đình. Vất vả như thế mà Thuận đỗ được TT1 kể là một kỳ công.
Sau biến cố “Mùa Hè Đỏ Lửa”, chúng tôi vội vàng thi TT2 và rồi tôi quên bẵng Thuận. Mãi gần đây tôi được biết Thuận đi lính rồi mất. Mất như thế nào tôi không biết. Chết trận? chết bệnh? Vợ con gì chưa? Biết bao câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu, rồi một lần nữa, tôi quên hẳn Thuận vì miệt mài chạy theo cuộc sống. Biết bao trách nhiệm trước mặt để rồi tôi quên mất một người bạn đã vĩnh viễn nằm xuống. Vậy mà trước Noel, tôi lại nhớ đến Thuận mới lạ kỳ. Tư Kèn. Hỗn danh bạn bè đặt cho Thuận sau một lần đua nhau cuốn lá thổi kèn. Kèn của Thuận thổi to nhất. Và từ đó chết tên. Cái dáng đi lạch bạch của Thuận tôi không thể quên được, nhất là mỗi khi nó chơi rượt đuổi. Thế ai đã rượt đuổi Thuận chạy mất khỏi cõi đời này trước chúng tôi? Tôi thở hắt ra trước màn hình của máy tính, ngồi thừ người và chập chờn trong tâm trí hình ảnh những lần chơi bắn bi với Thuận ngay trên sân bóng chuyền, dưới tàng cây me tây phủ bóng mát rợp sân. Bây giờ ngồi đây tôi chợt thấy những đốm nắng rơi rớt trên sân làm óng ánh những viên bi lăn tròn trên nền đất. Và Thuận đã lăn khỏi cuộc đời, vội vã như những viên bi bỏ vội vào túi khi tiếng chuông trường báo hiệu hết giờ chơi.
Trần ngọc Hà lại khác. Siêng văn nghệ nhưng nhác việc học. Nhà Hà lúc đầu ở đường Tăng Bạt Hổ, ngay trước chợ QN. Kế sinh nhai của gia đình Hà là mở những đêm nhạc sống cho lính Mỹ vui chơi trong những ngày phép. Có lẽ vì đó mà máu văn nghệ, hát hò đã nhiễm vào người Hà ngay từ khi bước chân lên trung học. Sau này gia đình Hà dọn về góc đường Hai Bà Trưng và Lê Thánh Tôn, nơi đó căn gác lửng của Hà cũng ít khi vắng tiếng nhạc rập rình. Hà đánh trống giỏi. Mỗi lần trường Lasan có văn nghệ, người ngồi trước bộ trống với cây chập chã cao vượt đầu không ai khác hơn là Hà. Khẽ gõ hai cây vào nhau ra hiệu, Hà đập hai cây xuống mặt trống, bắt đầu một bản nhạc. Tiếng đờn, tiếng trống và lời ca trộn lẫn tạo một bầu khí thật hứng khởi. Chúng tôi nghe lòng rộn rã và ước mơ biết gõ trống để có dịp trình diễn trước mấy trăm học sinh như Hà. Những lúc đó, Hà trông oai phong lắm. Nó chiễm chệ ngối trên chiếc ghế cao, chân đập theo nhịp vào chiếc trống đứng, hai tay múa lượn trên mặt trống, như một vị tướng cầm quân khiển tướng. Hai tay, hai chân múa lượn nhịp nhàng trên mặt trống tạo một âm thanh thật kích động. Nhất là những lúc Hà rouler, gõ liên tiếp vào ba chiếc trống nằm, tạo một âm thanh rào rào như mưa đập vào khung cửa kiếng và chấm dứt bằng một tiếng chập chã. Chúng tôi chỉ biết há hốc miệng, nhìn khâm phục.
Thuở ấy, nơi nào có văn nghệ là hầu như Hà đều có mặt. Ở chùa Long Khánh, đôi lúc gia đình Phật tử cũng tổ chức văn nghệ ủy lạo các chiến sĩ. Hà có mặt tập dượt cho các cô. Thật đúng là hoa lạc giữa rừng gươm, không… không… phải nói là gươm lạc giữa rừng hoa mới đúng. Hà mê mẩn với tiếng trống, với lời ca, và bóng dáng những cô gái (tuy mới 15, 16 nhưng đã duyên dáng mặn mà) quanh quẩn bên Hà suốt những năm trung học. Bài ca trù: Hồng Hồng Tuyết Tuyết, Hà thường hát biểu diễn cho chúng tôi nghe. Sao lúc đó Hà có thể hát hay đến thế cho dù ca trù là một loại khó hát. Ngày ấy, Hà độ chừng 13, 14 tuổi, học đệ Ngũ.
Như lời khuyên của ông bà trong ca dao, Gió đưa kẽo kẹt cành tre, Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu… hầu tránh sự mê hoặc của tiếng đàn. Hà lại mê hoặc chúng tôi, và nhất là đám con gái ở các trường trung học qua tiếng trống rộn ràng, và giọng hát ngọt ngào. Trên căn gác lửng của Hà không bao giờ thiếu bóng trai gái tập tành văn nghệ. Và thực tại phũ phàng của chiến tranh đối diện khi Hà rớt TT1. Nghe đâu Hà lên đường nhập ngũ, bỏ lại sau lưng đám con gái đẹp thướt tha trong chiếc áo dài trắng nuốt. Ra trường Hạ sĩ quan, Hà đi hành quân một đôi lần rồi mất tích ở Dakto. Tôi nhẩm lại ngày Hà mất có lẽ Hà chưa đến hai mươi.
Hai chữ mất tích nuôi nhiều hy vọng, cho gia đình, cho bạn bè. Cho dù là hy vọng nhỏ nhoi. Tôi khá bi quan vì từ ngày ấy đến nay đã gần 40 năm. Cho dù ước mong Hà đang lưu lạc đâu đó trên quê hương, từng ấy năm đủ để bào mòn một hy vọng. Cũng không ai biết gia đình Hà bây giờ ở đâu để hỏi thăm tin tức. Biết bao lính chiến, kể cả hai bên đều có những con số mất tích không nhỏ, nghĩa là không tìm thấy xác, hoặc được chôn vội vàng ở ven đê, bên vệ đường, hoặc trong rừng sâu núi thẳm trên đường hành quân rồi quên bẵng. Bạn tôi, Lý, vẫn lạc quan tin tưởng Hà đang miệt mài sống trên một vùng đất xa xôi nào đó. Thôi, cứ thắp lên một nén hương mà nuôi hy vọng.
Trường hợp Nguyễn Huế khá đặc biệt. Tôi biết Huế qua phong trào Thanh Sinh Công. Lúc đó, chúng tôi mới học đệ Lục, mười một, mười hai tuổi. Thường ngày Chủ nhật họp bên hông nhà thờ, sau thánh lễ. Hình như Huế học Lasan chỉ năm đó, rồi bỏ sang trường khác. Bẵng đi mấy năm, Huế lù lù xuất hiện ở lớp 12 Lasan, lớp đầu tiên và cũng là cuối cùng có nữ sinh từ Trinh Vương (TV) chuyển sang học. Đúng ra, tôi chỉ chơi với Tín, em ruột của Huế. Hai anh em Huế cách nhau 1 tuổi, nhưng lại học chung lớp. Tướng Huế cao, thân hình vạm vỡ. Giỏi võ ta, Huế là võ sĩ nhà nghề, đã từng thượng đài. Học lớp 12 với Huế nhưng chúng tôi không thân nhau lắm. Có thể Huế hơn tôi chừng một tuổi nhưng trông Huế chững chạc hẳn từ cách đi đến lối nói chuyện. Thường thì chúng tôi chậm rãi bách bộ từ cổng vào đến sân trường mỗi buổi sáng. Tình cờ gặp nhau tại cổng trường, thế nào cũng đi chầm chậm để chờ nhau. Những lúc ấy, chúng tôi trông lớn hẳn ra khi sánh đôi bước với các cô TV, vì trường chưa bao giờ có nữ sinh, trừ niên khóa năm đó. Nhìn chúng tôi bước bên nhau trông lạ mắt vì truyền thống Lasan là trường nam sinh. Từ lạ mắt đến ngứa mắt cũng chỉ là một gạch ngắn. Vì thế, có một vài học sinh lớp 11 ba gai chọc quê Huế. Những học sinh này nhà ở xóm Hòa ninh, tuy cũng học Lasan nhưng lại chuyên chận đường các học sinh Lasan để gây sự, đánh lộn, từ cổng trường kéo về mãi xóm đạo. Những học sinh muốn tránh bọn này thường phải về nhà bằng đường khu Sáu, tuy xa hơn nhưng an toàn. Huế bước thẳng đến bọn này và nói một vài câu dằn mặt. Có lẽ thấy tướng Huế to cao, và cũng có thể nghe tiếng giỏi võ nên bọn này ngậm miệng. Chuyện chỉ có thế và tôi tưởng yên. Nhưng không, ngày hôm sau, bọn này kéo theo một số thanh niên mặc quần áo rằn ri tụ tập trước cổng trường. Chúng tôi báo cho nhau biết, và dĩ nhiên Huế biết. Tôi còn nhớ, giờ học buổi sáng hôm đó về Tâm lý, frère Raymond đang giảng. Huế đứng dậy xin phép đi tiểu và bước thẳng về phía cổng trường. Bọn chúng tôi trong lớp dõi mắt nhìn theo. Không biết chuyện gì xảy ra vì từ lớp nhìn ra cổng trường quá xa, tôi chỉ thấy loáng thoáng Huế đứng giữa đám đông, có xô đẩy gì đó, rồi cả đám giải tán. Huế bình thản bước vào trường, vào lớp, ngồi xuống ghế, chăm chú nghe lời giảng như mọi người. Giờ ra chơi, chúng tôi xúm lại hỏi, Huế chỉ cười trừ, nói dám thách bọn nó kiếm một chỗ khác để giải quyết vấn đề, chứ không thể ở cổng trường được. Rồi chuyện quên bẵng đi, chẳng biết cả đám có đứa nào dám đứng ra thách đấu với Huế không. Nhưng từ biến cố đó, chúng tôi phục hẳn Huế. Từ phong cách đến lối giải quyết. Đẹp, và êm thắm.
Cuộc đời trôi nổi được vài năm, tôi lại biết Huế đăng lính. Sau ngày tan hàng rã đám, Huế lên đường đi học tập. Vào một ngày cuối năm 79, tôi tình cờ gặp Tín ở bến xe xa cảng miền Tây, và biết thêm Huế trốn trại tù và gia đình không nghe tin tức gì nữa. Tôi nghe tin một cách dửng dưng. Tuy lòng nao nao, thêm chút thở dài nhưng cũng chỉ có vậy vì thời gian đó gia đình tôi thật chật vật mới kiếm đủ miếng ăn. Cái nợ áo cơm khiến lòng tôi chai đá. Quay đi quẩn lại cũng chỉ vì cái bao tử. Nỗi u hoài sống dậy khi ngồi viết những dòng chữ này về Huế, một người bạn tuy không thân thiết nhưng đã có chung một mái trường.
Lại còn Nguyễn duy Phương. Một người bạn, theo lời Minh kể, lớn tuổi hơn chúng tôi. Phương cao lớn, điển trai với mái tóc bồng bềnh như nghệ sĩ. Riêng tôi không nhớ Phương học chung những năm nào. Chỉ biết thêm Phương vào trường Thiếu Sinh Quân, rồi cũng tử trận.
Cái chết của những người bạn tôi tình cờ biết đến thật bất ngờ, thảng thốt như một lời trăn trối chưa kịp thốt ra. Tôi cũng không biết trên nấm mộ của những người bạn tôi có còn ai nhang khói vào dịp Thanh Minh, hoặc vào dịp lễ Các Đẳng Linh hồn. Với một niềm tin linh thiêng cột chặt vào cõi vô hình, tôi cầu xin ở phía bên kia cõi sống, họ bình an nằm xuống, thanh thản tung mình vào một cuộc viễn du mới, hoặc sẽ an vui trên nước Thiên đàng, hay Niết bàn. Ở bên này, chúng tôi, những người bạn cũ, cố níu kéo một chút kỷ niệm, không nhiều nhưng đủ hân hoan để nhớ đến mái trường xưa, và thân ái nắm tay nhau trong quãng đời còn lại.
Trong một cuốn sách nào đó của Albert Camus mà tôi quên mất tên, ông viết, “Ne marche pas derrière moi, je ne peut pas conduire. Ne marche pas devant moi, je ne peut pas suivre. Il suffit de marcher à côté de moi et sois mon ami.” (Xin đừng đi sau tôi vì tôi không thể dẫn đường. Xin đừng đi trước tôi vì tôi không thể theo sau. Nhưng xin bước đi bên tôi và là bạn của tôi). Trong tiết trời lành lạnh ở ngoài kia chuẩn bị đón Xuân sang, xin hãy nhớ đến bạn bè đã nằm xuống và tưởng tượng nào Thuận, nào Hà, nào Huế, nào Phương… đang đồng hành với chúng ta. Họ không đi trước, họ cũng chẳng đi sau nhưng đang sánh bước với chúng ta từng ngày trong cuộc sống. Khi thở dài chiêm niệm bạn bè bây giờ đã nằm yên trong lòng đất, tôi càng trân quý những người bạn thật sự đồng hành với tôi, cho dù họ đang ở một nơi nào đó trên cõi đời này. Sự hiện hữu của tình bạn sẽ là niềm an ủi cho tôi khi tuổi đã luống, tóc bắt đầu phai. Chắt chiu và giữ cho chặt những ai còn lại bên chúng ta, vì đó là chiếc gối làm êm giấc ngủ dài.
Xưa Bá Nha trước nấm mồ chưa xanh cỏ của Tử Kỳ đã đập vỡ cây Dao cầm chỉ vì không còn tri âm nữa. Tôi không có cây đàn để đập trước nấm mộ của những người bạn đang nằm yên nghỉ đâu đó trên quê hương nhưng xin thắp một nén hương lòng để ngậm ngùi nhớ đến bạn bè cũ.
Và hơn bao giờ tôi thấm thía câu nói của Lord Byron: Tình bạn là tình yêu không có cánh.
Sơn Nghị