Chỉ mục bài viết

Đến thời điểm chúng tôi phải đến trường, ngoại tôi coi được một ngày tương đối tốt... Sáng sớm dì tôi gọi chúng tôi dậy sớm hơn mọi ngày; bảo chúng tôi đi rửa mặt. Dì thắt cho tôi hai cái bím tóc nhỏ xíu và thay cho tôi bộ áo có in hoa đỏ; dì phát cho chúng tôi mỗi đứa một cái bánh tráng dày để trên chiếc mâm đồng có sẵn một dĩa nước cá kho. Ba anh em tôi ngồi chồm hổm trên nền gạch, chờ bánh dẻo, tôi dùng tay xé ra từng miếng nhỏ, đặt trên đùi gối cuộn tròn, chấm vào đĩa nước cá kho. Trong lúc ăn chúng tôi cứ lén nhìn vào phần bánh của đứa kia, xem chừng phần của đứa nào mau hết trước.

Dì tôi đi trước, ba chúng tôi lẽo đẽo theo sau... lòng tôi buồn man mác. Đi qua chiếc cầu nhỏ, băng qua khoảng mười đám ruộng thì gặp một đường rày xe lửa,chúng tôi leo lên cái dốc cao để qua bên kia đường rày, thêm vài chục thửa ruộng nữa... (những thửa ruộng quê tôi chỉ to bằng 5, 6 chiếc chiếu trải liền nhau, không giống với những mảnh ruộng của miền Nam mà sau này tôi đã được nhìn thấy).

Trước mắt chúng tôi lố nhố một đám người đang tắm gội và giặt giũ, bên một mương nước màu vàng đục. Đó là Mương Ông Giáo Chín. Đứng chỗ mương nước chúng tôi có thể nhìn thấy một ngôi nhà gạch, mái lợp tranh, quét vôi trắng, viền chân tường màu xanh.

Một đám con nít hơn vài chục đứa đang chơi đùa rộn rã. Dì tôi đưa chúng tôi vào gian đầu của ngôi nhà, giữa nhà kê một dãy bàn thờ, cái dọc cái ngang liền nhau, trước dãy bàn thờ kê một cái bàn phủ khăn nylon in hình hoa quả xanh đỏ, bên cánh trái bàn thờ có một phản gỗ, đen mun, bóng loáng.

Đây là nơi làm việc hằng ngày của thầy Giáo Chín, Thủ tục nhập môn của chúng tôi cũng chỉ ngắn gọn: Dì tôi chỉ cần nói rõ ý định Xin giúp chúng tôi học lớp vỡ lòng trước khi vào trường công. Thầy xoa đầu chúng tôi một cách ân cần . Sau khi đã biết tên thường gọi của từng đứa. Tiễn dì tôi ra về, rồi đưa chúng tôi đi qua dãy nhà ngang, một cánh cửa bằng ván ép sơn đen ngăn lớp học với căn buồng này.

Một quang cảnh hỗn loạn hiện ra trước mắt tôi, một đám con nít lố nhố, xấp xỉ tuổi tôi, trai có, gái có... chúng đang ê a... với tập vở nhăn nheo trước mặt... Tiếng hít mũi sồn sột, tiếng xì xèo to nhỏ... tạo thành một âm thanh hỗn loạn.

Sau khi tìm chỗ ngồi cho chúng tôi, thầy nhịp cây thước trên cánh cửa liên hồi, nhắc bọn trẻ giữ yên lặng.

Bàn học chúng tôi gồm hai tấm phản bằng gỗ xấu, loang lổ mực tím, mực xanh, mấy chiếc bảng gỗ đóng tạm bợ làm ghế ngồi cho lũ nhỏ học trò. Ngày đầu tiên thầy ghi cho chúng tôi mỗi đứa năm chữ đầu tiên của 24 chữ cái. Bỗng thầy hô to:
- Ra chơi.

Bọn học trò túa ra sân như đàn ong vỡ tổ. Tôi ngồi nhìn mấy đứa con gái chơi nhảy dây, đánh thẻ... Hai anh tôi thì nhập cuộc nhanh hơn, họ theo đám con trai len lỏi vào các ngôi mả đá ong cạnh vườn nhà thầy tôi, tìm kiếm những trái hoang... Chim chim, dú dẻ và những trái sim, các loại trái mọc len vào các lùm cây hoang dại trên khắp các làng quê... trái chim chim có hình dài ,từng chùm dính lại như bàn chân của một con chim, khi chín có màu đỏ,còn trái dú dẻ thì có màu vàng như trái chuối chín và cũng từng chùm vài ba quả liền nhau, còn trái Sim thì màu tím sẫm và cả ba bên trong cũng nhiều hột lắm ...

Đó chính là món quà không tốn kém của các trẻ em nơi thôn dã. chúng tôi phải tự cải thiện đời sống không quà bánh mỗi ngày, đối với những đứa trẻ cùng trang lứa tôi ngày ấy , thật là tội nghiệp... vì thế chúng tôi rất thèm ăn, và thèm tất cả mọi thứ...

Những ngày kế tiếp chúng tôi đã quen dần với lớp học và những khuôn mặt xung quanh. Đang mơ màng trước mấy chữ mới chưa thuộc bỗng nghe tiếng hô to của một trò cuối lớp:

- "Thằng Cu Ỉa Thả Bom!"

Cả đám con nít túa ra sân, đứa nào tay cũng bịt mũi chạy tứ tán. Một thằng bé còn lại nơi cuối lớp với nước da xanh tái, cặp mắt sâu hoắm, nó đang bẽn lẽn đứng nép vào cạnh bàn, nó chỉ mặc vỏn vẹn chiếc áo cánh nâu phủ gối, dưới chân nó đang có một đống lá chuối khô đầy nước vàng hôi thối.

Sau này tôi được biết nó có tên thằng "Cu ỉa". Vì nó bị tiêu chảy nhiều ngày và không được chữa trị đúng mức nên thành mãn tính, thỉnh thoảng nó hay cho ra ngoài một cách tự nhiên. Vì thế nên nó không cần phải mặc quần khi đi học. Khi sự cố xảy ra sẽ có một đứa lập tức chạy về báo tin cho người nhà nó, mẹ nó đến thu dọn tàn cuộc, thay lại lớp lá chuối khô khác, bỏ thêm mớ tro lên nền nhà. Những lần như thế, chúng tôi lại được dịp chơi đùa thỏa thích, bọn trẻ túa ra mương nước tập bơi, tắm gội.đám con gái lại chơi nhảy dây, u mọi....

Thầy tôi không hề than phiền, thầy chậm rãi đến nằm sấp trên phản gỗ chấm bài, hay viết hộ những thư từ, hay thảo dùm những đơn từ thưa kiện của những người trong thôn xóm đến nhờ thầy giúp.

Thầy tôi rất vui vẻ, nụ cười hiền lành luôn nở trên môi. Thỉnh thoảng cũng có người đến biếu thầy con gà mái tơ, vài nải chuối hay một vài thứ hoa quả có được trong vườn nhà. Thầy thường đặt hết lên bàn thờ, thắp nhang nghi ngút. Ngược lại với thầy, đó là BÀ THẦY: chúng tôi gọi là bà thầy vì là vợ của thầy, bà rất ít cười, khuôn mặt bà ốm nhóc, choắt cheo, hai con mắt bé tí, nằm hai bên chiếc mũi ngắn, hầu như chỉ thấy hai cái lỗ sâu hoắm, miệng bà nhọn không có môi chỉ độc những răng, đưa cả ra ngoài, đại khái là bà không được đẹp, tính tình bà lại không hiền hòa như thầy tôi, bà luôn chỉ trích lũ học trò, đôi lúc còn mắng mỏ cả thầy tôi trước đám học trò nhỏ.

Sau này tôi mới hiểu và thông cảm cho nỗi bực tức của bà. Chỉ vì thầy tôi ra công dạy học mà không thấy thu về đồng học phí nào từ đám học trò.

Lúc bấy giờ làng tôi còn nghèo lắm, cuộc sống chỉ trông cậy vào số ruộng vườn rất ư là khiêm tốn. Mỗi ngày chạy cho đủ hai bữa ăn là quí lắm rồi, thậm chí một chén gạo, người dân làng tôi phải ghé độn năm ba chén mì, lang. Một chén mắm, trộn thêm vài chén muối hột để ăn dần. Việc học hành cũng chỉ là thứ yếu. Nếu thầy tôi đòi tiền học phí thì có lẽ họ sẽ dắt con về cho nó đi chăn bò, chăn vịt... Bản chất thầy tôi rất nhân từ lại yêu nghề dạy học nên đã làm đúng câu: "Thi công, bất cần báo". Vì thế mọi sinh hoạt trong gia đình chỉ nhờ vào một tay bà thầy gánh vác. Cứ giáp năm ngày đến phiên chợ Gò Chàm, bà đội trên đầu một mạng vải Ta, từ lúc trời còn tối mịt, đi bộ hơn 6, 7 cây số để kịp phiên chợ. Đến xế chiều mới chở về bằng xe ngựa, nếu ngày hôm đó bán được hàng và ngược lại.

Đó cũng chính là nguồn gốc của sự chì chiết... hằng ngày của người đàn bà gian khổ.

 

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.