Đây là một trích đoạn trong cuốn bút ký về chuyến đi vô cùng nguy hiểm, liều lĩnh dọc suốt Xa Lộ Hồ Chí Minh của vợ chồng tác gỉa. Câu chuyện xảy ra tại chợ A Lưới, nằm trong thung lũng A  Sau-A Lưới, cách Huế khỏang 50 Cây số.

… Sau khi đổ đầy bình xăng, mua thêm ít cuộn phim, chúng tôi ghé vào một quán cơm bình dân. Chủ quán là một người đàn bà Huế trung niên, gương mặt sáng sủa, ăn nói hoạt bát, giọng Huế dễ thương. Chúng tôi gợi chuyện và được bà ta cho biết ngày trước là nữ sinh Đồng khánh, nhưng sau tết Mậu Thân theo chồng lên công tác tại đây rồi ở lại lập nghiệp luôn…  

alt

 
Chúng tôi đều gọi bún bò vì nghĩ rằng người Huế thì chắc là nấu bún bò Huế phải ngon. Đặc biệt, khi mấy tô bún vừa được bưng lên, tôi nhận ra ngay đây là những cái tô rất đặc biệt nên đã buột miệng nói lớn:

–  Cái bát chiết yêu.

Từ ngày lên tầu há mồm ra biển vào Nam, bây giờ tôi mới thấy lại cái bát chiết yêu này. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, bà xã tôi mới được nghe thấy danh từ “cái bát chiết yêu”, vừa lạ tai, vừa kỳ kỳ, nên cặp mắt nai vàng của golden girl (gái thu) lại thấy ngơ ngác, nhìn tô bún, nhìn bà chủ quán rồi lại nhìn ông xã. Tôi phải nói khẽ:

–  Ăn xong đi rồi anh nói cho mà nghe, chuyện cái bát chiết yêu ngộ lắm.

Không biết vì bún bò ngon, vì đói bụng hay là vì cái bát chiết yêu mà mọi người đều thu dọn chiến trường rất nhanh gọn. Nói riêng với quí vị về kiến thức của tôi trong vụ cái bát chiết yêu này, riêng với quí vị thôi, chứ ngu gì mà tiết lộ cho bả biết, xưa nay bả vẫn lầm tưởng rằng mình là một nhà thông thái mà. Số là cách đây khoảng hai năm, đang lái xe, tình cờ mở radio, gặp chương trình hội thoại du lịch. Hướng dẫn viên du lịch này là người có kiến thức rộng và có một giọng nói hấp dẫn, nên khá nổi tiếng trong cộng đồng tại khu Little Saigon. Người Hướng dẫn viên cho biết, trong một chuyến đưa đoàn du lịch ra Bắc, đoàn dừng lại tại một bến đò và gặp một cô bán bún riêu bằng bát chiết yêu. Cô xướng ngôn viên hôm đó, gốc người miền Nam, vừa nghe thấy danh từ cái bát chiết yêu, cũng thấy lạ tai, nên đã vặn hỏi tới tấp. Anh Hướng dẫn viên đã cố gắng hết sức để giảng giải. Như là cái bát chiết yêu giống hình cái nón lá để ngửa, nhưng ở giữa bát thì bóp nhỏ lại. Vì thì giờ “on air” quí báu, nên mặc dầu anh HDV đã cố gắng hết sức, nhưng hình như cô XNV tuy chưa thấy được cái bát chiết yêu hình thù nó ra làm sao, nhưng cũng đành phải ừ ào cho xong chuyện. Tôi ngứa tai quá, và cũng vì sẵn đã có cảm tình với cả hai người từ lâu, dù chưa một lần gặp mặt, nên tôi đã về tra cứu tự điển và nhớ lại hình ảnh cái bát chiết yêu mà mình đã biết hồi chưa “zô vào Nam”, tính bữa nào rảnh rỗi sẽ email cho họ. May quá chưa kịp làm thì hôm nay, chính mình lại gặp cái bát chiết yêu ở giữa nơi rừng núi hoang vu này và lại có dịp để dựt le với... hai người đẹp.

Tôi cầm cái bát, trịnh trọng giảng nghĩa cho bà xã, dĩ nhiên là cũng cố ý nói to to để bà chủ quán nghe luôn:

–  Trước hết, phải gọi ngay nó là cái TÔ, cái tô chiết yêu, vì đối với người miền Nam, cái tô thì to, cái bát thì nhỏ, to như thế này phải gọi là cái tô, không được gọi là cái bát. Thứ hai, chiết nghĩa là tiết, là làm nhỏ lại, như tiết kiệm đó. Yêu là ở giữa, ở lưng chừng, chứ không phải là yêu đương quấn quít gì đâu, như là làm thơ lục bát đó, vần gieo ở cuối câu thì gọi là Cước vận... Còn gieo vần ở giữa câu thì gọi là...là...

Cả hai bà cùng nói nho nhỏ, gần như đồng thời:

–  Là Yêu vận.

Tôi vừa gật đầu, cười cười, nói lớn tiếng hơn:

–  Như vậy yêu ở đây là...cái eo.

Có cái gì hích vào bên hông nhè nhẹ, tôi nghiêm mặt nhìn bà xã:

–  Chứ còn gì nữa...như vậy, cái bát chiết yêu là cái tô chít eo.

Tôi cầm cái bát chiết yêu lên, vừa xoay xoay, vừa chỉ tay vào chỗ chít eo vừa nói:

–  Thấy chưa, rõ ràng chưa, giống cái eo chưa. Nó không to luôn từ miệng tới đáy như cái tô trong miền Nam, mà to ở phần miệng, chít lại ở phần giữa, rồi nhỏ hẳn lại ở dưới đáy.

Cả hai bà cùng tủm tỉm cười, chả hiểu cười như vậy nghĩa là làm sao.

Bây giờ nghĩ lại, tôi mới chợt nghiệm ra rằng cái bát chiết yêu là một hiện tượng rất vĩ đại, vì không những nó có liên quan đến văn học nghệ thuật, mà còn phản ảnh cả nếp sống và phong cách người dân hai miền của nước ta nữa. “Người Bắc chúng tôi” thường hãnh diện tự hào rằng Hà Nội là chốn ngàn năm văn vật, tiếng Bắc thì nào là trong sáng, nào là rõ ràng minh bạch, nào là văn chương thơ mộng hơn tiếng Nam.

Ở đâu thì tôi không biết, chứ trong vụ cái bát chiết yêu này, tiếng Nam trong sáng, chính xác, thơ mộng và... gợi hình hơn tiếng Bắc rất nhiều.

Trước nhất là tiếng BÁT, to nhỏ gì, ngoài đó cũng gọi là bát hết, bát phở, bát bún riêu, bát canh, bát cơm, bát nước mắm... Trong khi trong này người ta có chữ CHÉN và chữ TÔ, phân minh rõ ràng. Cái gì to là TÔ, tô phở, tô canh. Cái gì bé là chén, chén cơm, chén cháo...

Rồi đến chữ EO. Ngàn năm văn vật, nhưng trong kho tàng văn chương lại không hề có chữ EO, chỉ có chữ LƯNG. Này nhé:

Những người thắt đáy LƯNG ong
Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con.


Hay là:

Thắt LƯNG, buộc bụng.
Nhưng mà cũng lại là Lưng:
Ai ơi chớ lấy học trò
Dài LƯNG tốn vải, ăn no lại nằm.


Hay là:

Lưng còng, ngay lưng, đau lưng ...

Tóm lại, theo như mấy ông mấy bà ngoài đó thì phía sau, từ cổ tới mông, chỗ nào cũng là LƯNG hết.

Trong khi trong Nam người ta có chữ EO thật tuyệt vời, không những nó “pin point” được, định vị được chính xác tọa độ của nó trên cơ thể người phụ nữ, mà còn sống động và... gợi hình nữa. Đọc lên âm EO, là như thấy được một đường cong tuyệt mỹ, như nhìn rõ được một phần của tòa thiên nhiên. (Chả vậy mà mới vừa nói tới chữ EO là đã thấy bị hích nhẹ mấy cái rồi).

Bàn thêm với quí vị điều này nữa, chơi cho vui thôi, đừng ai buồn hết nghe. Hình như cái Bát chiết yêu và cái Tô, nó còn phản ảnh cả phong tục tập quán của hai miền nữa đấy. Này nhé, cái Tô thì nó to từ miệng tới đáy, trên bao nhiêu thì dưới cũng bấy nhiêu, có sao nói vậy người ơi. Nhưng mà cái Bát chiết yêu thì khác ạ, trên mặt thì to, nhưng dưới đáy thì bé tí à, thấy vậy mà không phải vậy. Thảo nào, ngày xưa thấy mấy cô em gái tôi cứ bị bạn bè mắng yêu hoài là “Bắc Kỳ làm bộ”.

Em nhớ giữ tính tình con gái bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
Nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang
Nhớ duyên dáng ngây thơ mà...quỉ quyệt


Ấy chết, ấy chết… từ từ, tôi xin các ông các bà, đâu còn có đó… Không phải sản phẩm của tôi là cái chắc rồi…, tôi đâu có ba đầu sáu tay, sức mấy mà dám to gan lớn mật như vậy.

Câu kế tiếp, ổng lại còn viết thế này:

Nghe nói em vừa thi rớt Luật
Môi trâm anh tàn héo nụ-xa-vời
Mắt công nương thầm khép mộng-chân-trời
(Dù thật sự, cũng đáng đời em lắm
Rớt đi Duyên, rớt để biết thương người)


Thì ai biểu, đã là cô em nho nhỏ, đã có mái tóc đờ mi gác xông, rồi lại còn có nụ cười ngây thơ, có đôi mắt như trời bao dung ... thế mà đang khi không thì giữa đường lại nín gió, không có gió, lấy gì cho ông ấy lang thang, lấy gì cho tình ổng độ ấy là ngơ ngẩn nhìn. Cho nên ổng đành phải lủi thủi vào giường sớm:

Nhà người, tôi quyết chẳng sang
Thù người, tôi những đêm nằm nghiến răng.
Tóm lại, ai biểu giống ... cái bát chiết yêu làm chi.
Có hai bài ca dao mà tôi rất thích.
Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về.(dzìa)


Một câu khác:

Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười tủm tỉm rằng anh giận gì
Thưa rằng anh giận em chi?
Muốn lấy vợ bé, em thì lo cho.


– Từ từ nghe không mấy...cha. Nói vậy mà không biết có phải vậy không à nha. Giường Lèo hay là chuồng heo, muốn cái nào?

–  Muốn cả hai!

–  Trời đất quỉ thần ơi, đúng là gan cùng mình, có sao nói vậy người ơi.

Thầy Vũ Linh Châu
   
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.