Nói đến Bình Định dễ thường ai cũng nghĩ đến một vùng đất võ “Ai về Bình Định mà coi...” với truyền thống anh hùng từ thuở Quang Trung - Nguyễn Huệ, hay đến một thi đàn từng khuấy động một thời, nơi khơi nguồn cho thơ Mới. Và từ xa xưa, Bình Định còn là đất nổi tiếng với nhiều sản vật cho đến tận bây giờ.

Mảng vui Hương Thủy, Ngự Bình
Ai vô Bình Định với mình thì vô
Chẳng lịch bằng Kinh đô
Bình Định không đồng khô cỏ cháy



Năm dòng sông chảy
Sáu dãy non cao
Biển Đông sóng vỗ dạt dào...


Sống với phong cảnh sơn thủy hữu tình, sông chảy, núi cao, biển dào dạt sóng vỗ, con người Bình Định chẳng dám sánh với người Kinh đô thanh lịch “ăn Bắc, mặc Kinh”. Nhưng với vốn đặc sản của riêng mình cũng đủ cho người dân ở đây tự hào.

  Người Bình Định có biệt tài làm bánh ít lá gai. Ai đã từng thưởng thức bánh ít Bình Định thì khó quên cái dẻo dai, ngon ngọt của nó. Thế mới có câu ca: “Muốn ăn bánh ít lá gai. Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”. Ngoài bánh ít lá gai còn có bánh ít nhân tôm, bánh ít nhân mè nữa. Mỗi thứ với cách thức chế biến riêng, bằng những kinh nghiệm riêng đã tạo nên cái ngon miệng.

Muốn ăn bánh ít nhân mè
Lấy chồng Hòa Đại đạp chè thâu đêm
Muốn ăn bánh ít nhân tôm
Lấy chồng Hòa Đại ăn cơm củ mì...


Chẳng những thế mà người dân cũng thật dân dã khi đặt tên cho một ngọn tháp Chàm là tháp Bánh ít.

Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di
Sông xanh núi cũng xanh rì
Vào Nam ra Bắc cũng đi đường này...

Liên quan đến tháp Chàm và đặc sản của Bình Định phải nói đến nem chợ Huyện - Tuy Phước.

Ai về Tuy Phước ăn nem
Ghé qua Hưng Thạnh mà xem tháp Chàm


Người Bình Định rất có lý khi đặt nem chợ Huyện bên cạnh tháp Chàm. Điều đó nói rằng: nem chợ Huyện là đặc sản “có cỡ”. Vào quán, gọi món nem chua nhâm nhi chút rượu chờ tiếp món nem nướng để thưởng thức. Và một lần như thế sẽ không bao giờ quên...

Bình Định có dừa Tam Quan nổi tiếng “Dừa Tam Quan, mỳ Phù Mỹ, mũ nỉ Bình Định”. Những hàng dừa râm mát, những cô gái ở đây da trắng nõn nà vì không một giọt nắng nào rơi xuống. Nhiều cô gái đẹp lạ lùng:

Tam Quan ít mít nhiều dừa
Nhiều cô gái đẹp mà chưa có chồng.


Và các cô cũng đa tình không kém, dám chấp nhận tất cả cho tình yêu:

Tam Quan ngọt nước dừa xiêm
Cha từ, mẹ bỏ vẫn tìm theo anh


Dừa cho nhiều sản phẩm. Và những thi tứ cũng khởi nguồn từ đấy:

Cạo dừa, đạp cám cho nhanh
Ép dầu mà chải tóc anh, tóc nàng.

Bình Định cạnh biển Đông, có đầm Thị Nại, cá tôm phong phú. Câu ca vùng này đã nói:

Cá nục gai bằng hai cá nục vọng
Vợ chồng nghĩa trọng
Nhơn nghĩa tình thâm
Xa nhau muôn dặm cũng tầm
Gặp nhau hớn hở tay cầm lời cao

Nghề làm nước mắm cũng theo đó mà phát triển. Tuy không như nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết... nhưng nước mắm Vạn Gò Bồi cũng mặn mà không kém:

Gò Bồi có nước mắm thơm
Ai đi cũng nhớ cá tôm Gò Bồi


“Nước mắm Gò Bồi, trã nồi An Thái” - đó là hai đặc sản mà người dân Bình Định đã so sánh với nhau. Chính nước mắm Gò Bồi đã làm nên cái duyên mặn mà, kết nguyền tình nghĩa của các đôi nam nữ:

Ai về dưới Vạn Gò Bồi
Bán mắm, bán cá lần hồi rậm em


Xuân Diệu khi hồi tưởng nhớ về quê ngoại cũng không thể nào quên được:

Từ lúc má tôi đẻ tôi ra ở Vạn Gò Bồi làm nước mắm
Một hạt muối trong tim để mặn với tất cả những gì đằm thắm


Tình nghĩa người miền ngược với người miền xuôi càng thêm thắt chặt qua những sản phẩm của biển cả, đầm hồ này:

Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên

Đó là những cái ăn, dẫu không bằng “ăn Bắc, mặc Kinh” nhưng cũng lắm điều thú vị, phong phú mà ở đây không thể kể ra hết. Đến cái mặc cũng thế. Nếu người con gái xứ Huế gắn bó đời mình với màu tím và chiếc nón bài thơ thanh thoát thì người Bình Định cũng có quyền tự hào với chiếc nón Gò Găng của mình:

Gò Găng có nón chung tình
Ở đây có thiếp một dạ với mình, mình ơi


Nón Gò Găng như biểu trưng cho tình nghĩa thủy chung không rời xa của đôi bạn tình. “Hình chàng bóng thiếp” cũng ẩn hiện trong chiếc nón hư thực như thế, chẳng khác nào chiếc nón bài thơ xứ Huế mà các cô nghiêng nghiêng làm duyên:

Chàng đi đường dẫu gặp khó khăn
Cũng sao ghé lại Gò Găng quê mình
Vào đây em tặng nón chung tình
Hình chàng bóng thiếp in hình đôi ta


Nón ngựa Gò Găng thành đặc sản của An Nhơn sánh cùng với những sản vật khác của vùng này:

Nón ngựa Gò Găng
Bún song thằn An Thái
Lụa đậu tư An Ngãi
Xoài tượng chín Hưng Long


hay trong giao lưu buôn bán với các vùng khác:

Em về mua vải chợ Gồm
Gò Găng mua nón, phiên Chàm anh vô


Chợ Gồm ở Phù Cát, Gò Găng thuộc An Nhơn, phiên chợ Chàm nhóm ở Bình Định - trên cùng một trục đường giao lưu hàng hóa cả.

Ở mỗi vùng, mỗi địa phương, lại có những sản vật riêng. Nếu ở Hoài Nhơn ngoài dừa Tam Quan, còn có chiếu, cói, vải vóc:

- Anh về Bồ Địch, Giếng Vuông
Chiếu treo bốn vách còn buồn nỗi chi
- Ngó lên chợ Lũy cây Da
Thấy em bán vải áo đà, áo xanh


thì đi vào Phù Mỹ phong phú hơn nhiều:

- Anh về Phù Mỹ nhắn nhe
Nhắn chị bán chè, sao vậy chẳng lên?
- Anh về dưới vạn thăm nhà
Ghé vô em gửi lạng trà Ô Long
- Rủ nhau mua tép Trà Ô
Sẵn bờ cá trắng phơi khô đem về

Và còn nhiều, nhiều nữa... Rồi vào đến Phù Cát với:

Chợ Gồm đồ gốm
Phú Hội đồ đan
Tiện đường ghé lại Cảnh An
Mua thêm chiếc võng cho nàng ru em


Đến Tuy Phước, bạn sẽ thưởng thức nem chợ Huyện, nước mắm Vạn Gò Bồi, và cả dưa Luật Lễ nữa chứ:

Muốn về Luật Lễ ăn dưa
Sợ e nước lớn đò đưa không đều


Thật là vô vàn. Vì thế mà ca dao Bình Định đã khuyên:

Muốn ăn đi xuống
Muốn uống đi lên
Dạo khắp bốn bên
Chợ Thành, chợ Giã
Chợ Dinh bán chả
Chợ Huyện bán nem...


Quả thật là thế. Núi rừng Tây Sơn cũng có sản vật ngon để khoe với các vùng khác nữa là. Chẳng hạn, chà viên là thức trái cây ngon lành ở đây:

Quảng Nam nổi tiếng bòn bon
Chà viên Bình Định vừa ngon, vừa lành
Chín muồi da vẫn tươi xanh
Mùi thơm cơm nếp, vị thanh đường phèn

Và nhất là bắp nếp chín vàng của vùng đất này làm bồi hồi những ai đi xa.

Ta về ta nhớ bến Giang
Nhớ soi bắp nếp chín vàng bên sông

Quê hương Bình Định lắm sản vật, bốn mùa hoa quả, cây trái ngọt lành, trù phú vật chất nên con người Bình Định xưa cũng phong phú về tinh thần.

Và đất lành chim đậu...

 Trần Xuân Toàn
Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.