Chỉ mục bài viết

Thư Thứ Nhất

Anh thương yêu,

Hôm nay là ba mươi tháng tư và em đang ở Melbourne.  Lần đầu tiên sau hơn ba mươi năm em đã không đón cái ngày tháng tư định mệnh ấy tại quê nhà.  Cũng chẳng biết nên vui hay nên buồn, cảm giác hiện giờ của em như thế nào em cũng không rõ nữa, hình như em chưa hết bàng hoàng, em thấy mình giống như người lần đầu tiên đi biển, mà lại gặp lúc biển động nên khi lên bờ rồi vẫn còn thấy nôn nao và lâng lâng thế nào ấy, cái cảm giác em mà em đã trải qua lần đầu cách đây gần 40 năm khi theo ông anh họ cùng mấy đứa bạn lên chiếc tầu hải quân to đùng đi từ QN ra đảo.

Tối hôm qua khi ngồi một mình ở departure lounge của phi trường TSN, em thấy lòng nao nao thế nào ấy anh ạ! - lần đầu tiên phải đi công tác một mình (những lần trước đều đi cả group)- lại đi sang tận xứ sở Kangkaroo lạ hoắc, với một trọng trách trên vai là đại diện duy nhất của VN- bỗng dưng em chợt nhớ đến anh, không hiểu lần đầu tiên anh bỏ nước ra đi một cách bất đắc dĩ như thế thì cảm tưởng của anh ra sao?  Lòng anh có thấy buồn như em bây giờ không?  Em nghĩ hẳn là anh rất đau lòng, dù mắt không thể khóc nhưng làm sao lòng không khỏi ứa lệ, phải thế không anh?   Em nhớ một câu văn tiếng pháp em đã đọc từ hồi học lớp 12 "Bất cứ một sự thay đổi nào, cho dù đó là điều thay đổi mà ta mong muốn nhất cũng luôn để lại trong lòng ta một chút bâng khuâng tiếc nuối" - Em chắc không chỉ anh mà rất nhiều người VN lúc đó đã thấy lòng rất đớn đau và tột cùng hoang mang, vì rất nhiều người đã ra đi mà trong lòng còn nhiều lo toan vướng bận cha mẹ, vợ con…..

Anh thương yêu,

Bây giờ mới chỉ là mùa thu của melbourne, nhưng đối với một người đang được "ủ" trong nhiệt độ 39 như em thì quả thật là quá sức khi buổi chiều của melbourne xuống chỉ còn 5 độ, em bật lò sưởi đến max mà vẫn thấy như chưa đủ ấm, ngồi viết cho anh mà em co ro như con mèo ốm, em cũng chẳng hiểu tại sao tự dưng em lại thấy nhớ anh lạ lùng, đầu óc em cứ quẩn quanh nghĩ mãi về anh.   Hơn ba mươi năm, em không viết lách gì, cũng chẳng muốn hoài niệm chút nào dù lòng em vẫn nhớ, có nhiều lúc gặp mấy đứa bạn thân thời trung học, nhiều đứa biết mối quan hệ của chúng mình và nhắc đến anh em cũng vờ như không nghe để khỏi phải trả lời bởi mỗi người đều đã có một đời riêng, lại nữa chỉ có kẻ hữu tình mới vướng bận, chứ kẻ vô tình thì có nhớ chi đâu.  Em có viết cho anh chắc cũng chỉ để lòng em tự an ủi lấy mình chứ không phải trách móc hay làm phiền anh đâu, anh cũng chẳng phải bận tâm, nếu tình cờ đọc được những dòng thư này.  Anh cứ vui và bình an đi nhé.

Thương yêu

Phạm Thiên Thu



Thư Thứ Hai

Anh thương yêu,

Mãi đến 17 giờ mới khai mạc conference nên buổi sáng bà chị rủ đi chợ Footscray ở cách nhà không xa lắm để xem những sinh họat của nguời VN, truớc khi đi nhỏ bạn thân dặn dò qua bên đó nhớ ngó coi có khuôn mặt nào quen hay không, em thấy con nhỏ thật lẩm cẩm, vậy mà khi vào chợ em cung ráng ngó xem thử có ai quen không, nghi thấy mình còn khùng hon nó nữa... đi loanh quanh khắp khu footscray, thấy cung vui vui, khu này cung đủ sắc tộc… mà sao vô chợ thấy cung nhiều dân VN made in Hn quá chừng… Chiều tối, sau buổi khai mạc có conference dinner- nguời Úc làm cái gì cung nhiều và cung lớn, em không tài nào nuốt nổi… bỗng nhiên nhớ đến những công nhân ở các khu chế xuất của VN, giờ này không biết trong bữa com của các em ấy có được miếng thịt mỡ nào hay không? với tình trạng thất nghiệp và con bão giá cả nhu hiện nay, sao thấy thương dân mình quá chừng anh ạ!

Conference được tổ chức tại BellCity, có đủ các quốc gia của cả năm châu lục, nuớc nào cung có ít nhất là ba nguời, chỉ duy nhất VN là có mỗi mình em, may mà có chị Bác Si mà em đang ở nhờ trong những ngày ở bên này nên em cũng đỡ cảm thấy cô độc, anh chị thật tốt, em thật may khi ở với một gia đình đã xa VN hon ba chục năm mà vẫn còn giữ được bản chất gần gui và thân thiện của nguời Việt. Anh bảo chị đưa em đi qua khu nguời VN ở đường Victoria ăn phở (em từ chối vì so giá cả ở VN thấy mắc quá, nhung anh chị bảo không sao đi ăn cho biết phở VN ở Úc nhu thế nào?) Khu này là của nguời VN nên bảng hiệu toàn mang tên nguời Việt, quán phở em ăn là có tên phở Dung, nguời Úc ăn nhiều hon nguời Việt mới lạ chứ. Em thật buồn cuời phải không anh toàn kể những chuyện nhảm nhí.

À, có một chuyện rất tức cuời em muốn kể cho anh nghe, Anh cung biết em là con nhỏ nhút nhát nhung luôn khẳng định là mình không hề sợ ma và cả lu bạn em đều tin nhu thế, nhung thật tình mấy hôm nay em sợ ma quá chừng anh ạ! Buổi tối sau khi mở chăn điện độ chừng hai tiếng thì em tắt và chui vào nằm đọc sách, khi nghiêng nguời qua, em cứ nghe nhu có tiếng tim ai đang đập, và nhu là ai đang thở chứ không phải hoi thở của chính em, em vội vàng ngồi bật dậy lắng nghe- chung quanh em hoàn toàn yên lặng, tự dung em nghe lạnh ở sống lung, em thức gần nhu cả đêm vì sợ ma…. mấy hôm sau em phải uống thuốc ngủ đó anh. Thôi em đi ngủ đây, Chúc anh mọi điều an lành.

Nhỏ ngày xưa của anh.

Phạm Thiên Thu



Thư Thứ Ba


Anh thương yêu,

Chiều nay chị Joan, người đã sang Việt Nam trong những chuyến công tác giảng dạy trước, và em đã phụ giảng cùng với chị, mời chị bác sĩ On cùng với em và chị Gillian đến nhà dùng bữa tối.  Trong lúc ngồi uống trà, chờ đông đủ các thành viên trong gia đình chị về, em chợt nhìn thấy cuốn biên niên sử 10 năm tham chiến của Úc tại Việt Nam.  Em thật sự muốn khóc khi nhìn lại trong đó hình ảnh của những người lính cộng hòa,nhìn lại lá cờ, nhìn lại những khuôn mặt các tướng lĩnh của một thời, nhìn lại cả những cô thiếu nữ và chiếc áo dài của thời đã xa- Mười năm từ 1962 đến 1972, em từ một đứa bé học tiểu học, bước vào thời thiếu nữ, biết yêu màu áo trận và biết nhắc đến những trận chiến vang danh Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả, rồi Bình Long ,An lộc- Mùa hè đỏ lửa, rồi tái chiếm cổ thành …. và cả những trận hải chiến của  chúng ta với quân tàu cộng….. Lúc đó em không chỉ nhớ đến một mình anh…em thật lòng nhớ thương tất cả bạn bè, những người anh , những người chú, những người lính mà em tình cờ gặp khi vào bệnh viện Lê hữu Sanh, và cả một số thương phế binh hiện đang khổ sở kiếm sống ở quê nhà, em thấy thương quá chừng và lòng em bùi ngùi quá đỗi anh ạ.

Anh thương yêu- Đêm nay em không tài nào ngủ nổi vì những hình ảnh lúc ban chiều trong cuốn biên niên sử đó, em nhớ đến cái chết của anh Hạnh, người con nuôi của ba má em, em không chứng kiến cái chết của anh ấy, em chỉ nghe kể lại, anh không chết vào mùa hè đỏ lửa, mà lại chết sau ngày ký kết hiệp định Paris, khi trung đòan của anh vượt sông thi hành nhiệm vụ gì đó (anh là thiếu tá thuộc sư đoan22bộ binh )để lại vợ và ba đứa con thơ- Và anh Lê hằng Minh, được bạn của anh Phúc em kể lại như một tượng đài, và em yêu cái tên đó dù chưa một lần biết mặt, thật ra em chỉ được “biết” anh Minh khi anh đã không còn trên cõi đời này, nhiều đứa bạn ngày xưa cứ mắng mỏ em là vớ vẩn, chỉ khéo thương vay khóc mướn cho những kẻ không quen- có một điều mà chắc là anh không biết (bởi vì em không dám nói, sợ anh giận, nhưng bây giờ thì chẳng có gì phải sợ, nên em sẽ nói cho anh nghe, anh đừng có mà cười em đó nha) hồi đó em quen và sau đó thấy thích và yêu anh bởi vì anh là lính cùng binh chủng với anh Lê hằng Minh, người mà em không biết mặt, nhưng thấy cảm phục và yêu thương dù chỉ qua lời kể- Nhiều khi em cũng thấy mình không được bình thường , thế nhưng em không sao ngăn mình đừng nhớ về quá khứ,có lẽ với em quá khứ luôn là một khúc quanh khó quên anh ạ, và trong đó,anh cũng là một khúc quanh trong quá khứ vàng son của một thời thiếu nữ….

Chiều nay, buổi hội thảo có nhiều bài tham luận hay nhưng cũng dài khiến em thấy mỏi cả đầu óc, ăn tối ở nhà chị Joan về cũng đã khá khuya( bởi vì chị Joan và chị On ở hai khu vực khá xa nhau), về đến nhà chỉ muốn lăn ra ngủ, nhưng cuối cùng em cũng không tài nào ngủ được vì những hình ảnh của một thời xưa cũ cứ chen nhau ập về, nhưng thôi, em phải đi ngủ để sáng mai còn dự khóa training nữa.

Chúc anh bình an và hạnh phúc.

Nhỏ của anh


Phạm Thiên Thu



Thư Thứ Bốn

Anh thương yêu,

Thế là khóa special training của em đã kết thúc, Sáng nay em đã nhận giấy chứng nhận tham gia khóa học, sửa bài test, chụp hình lưu niệm- cũng vui lắm anh ạ, có ông bác sĩ người Chile tặng em cái mũ lưỡi trai có thêu chữ Chile màu đỏ chót, chụp hình lưu niệm chung, cho em địa chỉ e-mail, nhưng khổ một nỗi ông ấy chỉ nói võ vẽ tiếng Anh, còn thì nói tiếng Spanish, mà em thì mù tịt cái thứ tiếng này, Khối Nam Mỹ có nhiều nước, và nhiều người tham dự nên họ ưu tiên được dịch tài liệu và bài test sang ngôn ngữ của khối các nước nói tiếng TBN.

Có lẽ vì em mặc áo dài lụa Hà Đông nên cái chất VN đó đã khiến nhiều người kéo em chụp hình chung với họ, có mấy anh chàng Philippines (chắc chắn là nhỏ tuổi hơn em nhiều) là giảng viên các trường đại học bên đó, hôm đầu tiên gặp,hỏi em  “Where are you from?” khi nghe trả lời “I’m from Vietnam”, mắt người nào cũng tròn xoe thú vị và ôm chầm lấy mình cứ như là “ vật quý hiếm” em thấy cũng buồn cười- Ngay cả ban giám đốc của tổ chức, ngoại trừ chị Joan ra, các chị khác cũng biết VN có một thành viên tham gia, họ có biết tên, nhưng chưa hề gặp mặt nên khi chị On đưa em đến giới thiệu “đây là Thu thì chị nào cũng ôm và hôn vào má em, họ thật dễ thương anh ạ. 

Malaysia cũng có nhiều thành viên là các đôi vợ chồng bác sĩ tham dự, có một anh chàng tên là David, còn khá trẻ, trưa nào xếp hàng lấy thức ăn cũng nhìn em cười, em cũng cười lại và có lúc em đã giật mình vì cậu ta khá là giống anh lúc trẻ,có lúc em nghĩ, hay là con trai anh, nhưng rồi em lại bật cười cho ý nghĩ vẩn vơ đó của mình , anh đâu có phải là Christian, mà conference này, dù không phân chia tôn giáo nhưng thực ra của riêng tổ chức giáo hội công giáo - Lần đầu tiên khi nhìn em cười và hỏi em ở đâu ,khi nghe trả lời VN, cậu ta cười coi bộ thích thú lắm,và nói  “I like VN “sau khi dùng bữa trưa, tụi em có một chút giờ nghỉ ngắn,nên ngồi uống trà ở tiền sảnh khách sạn, cậu ta tới nhờ người chụp ảnh chung với tụi em (em và chị On, hai người VN duy nhất của conference), và sau đó còn hứa hẹn sẽ sang thăm VN- Sáng nay, em mặc áo dài và không mặc manteau để tà áo VN được bay thỏa thích trước giờ chia tay- Thực ra khóa học cũng không có gì khó, nhưng tất cả mọi người đều khá căng thẳng vì sợ làm bài test sai thì quê, thế nên sau khi nhận giấy chứng nhận sáng nay ai cũng thở phào nhẹ nhõm, dĩ nhiên là em cũng vậy.

Sau giờ ăn trưa  chúng em chia tay, hai chị em không về nhà, mà chở nhau ra khu Preston gần Bellcity để mua quà và để chi On chuyển tiền cho tổ chức đi hành hương  vào tháng Sáu, trong lúc chị vào ngân hàng, em lang thang vào các shop, tìm mua quà về VN, thấy có mây tấm khăn trải bàn khá đẹp, giá cả cũng phải chăng, đang định mua thì sực nhớ cái giỏ đựng tiền để trong xe,thế nên lại lang thang vào cửa hàng khác, các chủ tiệm ở đây đa số là người tàu và ấn độ, vậy mà hên anh ạ, khi em trở lại cửa hàng bán khăn trải bàn em thấy treo giá khác, down xuống còn phân nửa- khi trả tiền cho cửa hàng mua đồ lưu niệm hai vợ chồng người ấn hỏi em ở khu nào, Khi nghe nói VN, ông ta đòi bán cho em một cái giỏ to đùng màu trắng và bớt cho em ba đô, ông ta nói còn một cái duy nhất, và hân hoan cầm ngay cây kéo cắt sợi dây treo để đưa cho em, em nhăn mặt thì chị On nói để mình mua cho Thu, thật tình em thấy ngại vì anh chị cho em nhiều thứ quá, với lại em cũng thấy sợ người bán hàng, nghi ngờ không biết thậ giả thế nào- Nhìn thùng đồ to đùng, với đủ thứ vừa mua về làm quà vừa được anh chị cho, cũng như gửi về làm quà cho người khác, em lại nhớ đến một định nghĩa thật mỉa mai cay đắng sau ngày 30/4/1975- Lúc đó khu cư xá nơi gia đình em ở được chia làm từng khóm, và tụi em buộc phải tham gia phong trào thanh niên, lúc đó em còn biết làm gì hơn khi buổi sáng ba em vừa có lệnh “tập trung học tập cải tạo” thì buổi tối đã có hàng chục du kích, mà trước đây có tên từng làm công cho gia đình mình, tay đeo băng đỏ và súng ống ập đến nhà “ hỏi thăm”, buổi sáng leo xe đò lên giảng đường, nếu không chịu đeo băng đỏ ra đứng đường làm công tác điều khiển giao thông( thường là nam sinh viên dành hết), thì đi hốt rác, (vì những ngày đó, nhiều người bận đi hôi của, nên rác ngập ngụa đường phố Sàigòn)hoặc phải tập trung vào giảng đường để ra rả “giải phóng miền nam chúng ta cùng quyết tiến bước, diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước……”Ba đi học tập, anh thì không tin tức, và biết bao bạn bè em, những ngày trước đã rã ngũ, lòng nào em hát được những ca từ đó chứ, thế nên em đành nghỉ học, ở nhà cũng không thoát được, khóm em thanh niên toàn là lính vừa tan hàng, chỉ có em là sinh viên, thế nên em phải làm chi hội trưởng thanh niên ở đó, mỗi khóm họ lại phân công cho một anh bộ đội phụ trách, lúc đó họ phân cho bộ đội đến ở trong nhà những người dân, nhà nào bỏ trống thì họ làm chỗ tập trung sinh họat và ăn uống với nhau.

Nhà em rộng nên cả bộ chỉ huy của đơn vị đến đóng bản doanh ở đó- mẹ em lấy cớ nhà chúng tôi không có đàn ông , con gái tôi đang thời thiếu nữ, ở như vậy là không tiện thế nhưng… cuối cùng họ bảo, đây toàn là sĩ quan cao cấp nên sẽ không có chuyện gì xảy ra, “chúng tôi đảm bảo với gia đình là như thế”( nguyên văn câu nói đến giờ em vẫn nhớ )- Trong số các sĩ quan ở đó có một người tên Giang, cùng quê Nam Định với gia đình em, anh chàng này coi bộ cũng bất mãn chế độ, nên suốt ngày cứ nói với em”sao không chịu giải phóng miền bắc rồi về quê chơi mà để chúng tớ vào đây giải phóng vậy?…” Lúc đó em chỉ biết cười trừ chứ nói gì, biết có phải hắn ta thiệt tình hay gài bẫy mình, mà anh biết tính em rồi đó, khi đã tranh luận thì em không hề khuất phục, tính em cho đến giờ vẫn vậy, nhiều khi bạn bè em cứ nói hoài, bà làm ơn bớt thẳng lưng một chút cho tui nhờ- già rồi sao lưng không gù đi một chút chứ- Nhưng em là vậy đó, mỗi lần tụi nó nói, em lại hỏi  tụi nó có biết nhà thơ Phùng Quán hay không- Tao là người yêu của ổng đó- Anh biết tại sao em trả lời điên khùng như vậy hay không- Anh cứ đọc thử mây câu thơ này thì rõ.


Yêu ai cứ  bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai cầm dao dọa giết….
Cũng không nói ghét thành yêu…



Chính vì thế nên có lần, sau khi nói chuyện linh tinh, em mới hỏi anh ta rằng  “ bộ đội là gì ?”  Sau khi giải thích vòng vo, và nói đủ thứ chuyện em hỏi anh ta có muốn nghe một định nghĩa của người miền nam về hai chữ bộ đội không, anh ta bảo em nói thử xem, và sau khi anh ta cam đoan với em là nghe và không tự ái, không kết tội em là phản động,em bật mí cho anh ta là: “ bộ đội là người đi bộ từ bắc vào nam và đội hàng từ nam ra bắc “- Em kể chuyện này cho anh  vì khi nhìn thùng hàng mà mình sắp đưa về VN trong vài tuần nữa em thấy mình sao giống cái định nghĩa hồi đó quá, mặc dù em không vơ vét, nhưng sao ai cũng cứ cho quà để mang về, em chợt nhớ cái trường em đang dạy, trước khi đi, bên sứ quán Úc bắt phải bổ túc giấy nghỉ phép nên khi trường vừa đưa giấy phép, trong khoa đã có người đòi “ chiêu đãi trước khi đi chứ chị Thu “, dĩ nhiên là em cười trừ- Chưa làm đã ăn, nghe phát chán.

Anh chị On nói với em ngày mai sẽ đưa em đi vòng quanh city bằng xe lửa và xe tram, vì có như thế mới biết rõ những sinh họat phố phường cũng như một  chút phong cách Úc- Em nghĩ tối mai chắc sẽ có nhiều chuyện kể cho anh nghe- Chúc anh ngủ ngon nhen!

Thương yêu
Nhỏ của anh,

Phạm Thiên Thu


 

Thư Thứ Năm

Anh thương yêu,

Sáng nay tiếng trực thăng bay ngang qua nhà đã đánh thức em dậy sớm hơn thuờng lệ.  Lâu lắm rồi hôm nay em mới lại nghe tiếng máy bay, nghe cứ tuởng như đang ở VN những năm truớc 1975, mấy anh chàng phi công trực thăng hồ đó cũng phá phách nhu quỷ, em còn nhớ có những buổi chiều đi tắm ở bãi biển QN, gần khu MacV, cả bọn con gái tụi em đang cởi áo để nhảy xuống biển thì trực thăng bay là là trên đầu làm bay cả váy áo, cả bọn em hét toáng và giơ nắm đấm lên.  Anh cũng biết đó, bọn em ngày xưa đi học, chỉ hiền thục khi đi một mình, khi có cái đuôi nào theo sau hát bài: "em tan trường về, anh theo Ngọ về…" mà lúc đó chỉ có một mình thì mới làm thinh, chứ khi tụi em đi cả bọn thì có sợ ai, khốn khổ cho anh chàng nào dám léng phéng… Tiếng trực thăng lại làm em nhớ đến cả một thờ đã xa, hồ đó em cũng có mấy anh chàng Phi công "theo sát ván", nhưng lúc đó em lại chả thích chút nào, dù trông các chàng khi mặc áo bay cũng đẹp, thực ra lúc đó em sợ cái nết hào hoa của các chàng, mấy đứa bạn em thì khác, bọn nó thích phi công, tụi nó bồ với mấy ông ở phi đoàn 114, em hay trêu là bồ tụi bay lái máy bay bà già, chán chết (L19 đó anh), mỗi lần như thế tụi nó lại bảo "còn hơn cái ông già mũ xanh của mày một năm chưa thấy mặt một lần" và cứ như thế là tụi em lại nhào vào cấu xé nhau, xong rồi em lại khóc nhè vì nhớ anh.

Anh thương yêu,
Sáng nay anh chị và em đi bộ từ nhà ra ga Ascot Vale, mua vé xe lửa, qua mấy ga thì xuống đến phố, đi vào xem parliament của Úc xong lại đi bộ một đoạn, lên xe tram đi vòng vo một lát lại xuống đi xem Cathedral và một số các nhà thờ khác.  Ở đây nhiều nhà thờ của nhiều cộng đoàn khác nhau, như Anh Giáo, Tin Lành, Chính Thống, chứ không chỉ có nhà thờ Công Giáo, Hôm tham dự hội nghị, chiều chủ nhật, cả hội nghị tham dự thánh lễ tại nhà thờ Sacred Coeur, trên Cung Thánh có cờ của nhiều quốc gia, ở đó em nhìn thấy lá cờ của một thời xưa thân ái, lòng em lại nhói đau, cũng chẳng hiểu tại sao nữa….

Ngày hôm nay đii nhiều nơi, vào cả casino lẫn art gallery, ăn trưa ở khu China town, nhưng có lẽ nơi để lại ấn tượng cho em nhiều nhất và khiến lòng em bùi ngùi nhất là khu memorial monument, tuởng nhớ các chiến si trận vong, khu đất thật rộng lớn với một tháp cao và cạnh bên là một hồ có ngọn lửa không bao giờ tắt, buớc lên trên những bậc thang cao và rộng, là vào đến cửa, từ dưới các bậc thang đi lên có những trụ cột ghi tên những quốc gia, những trận chiến mà nguời Úc tham dự.  Có một trụ có tên VN- em đã chụp một tấm ảnh ở đó để kỷ niệm.  Vào cửa là gặp ngay một khuôn mộ xây chìm bên dưới, quanh đó là những vòng hoa tươi thắm, họ đang trổi nhạc truy điệu những anh linh các chiến si trận vong- mọi nguời thinh lặng cúi đầu, em cũng hòa vào dòng nguời truy điệu đó, em nghĩ, dù là màu da nào, dân tộc nào thì máu của những nguời lính cũng đỏ như nhau, và hy sinh nào cho đất nuớc, cho tự do cũng mang ý nghĩa cao cả nhũ nhau.  Sau đó, khi đi vào sâu bên trong, có tuợng đồng hai cha con cùng là lính đứng bên nhau, và những căn phòng ở đó ghi tên tuổi những nguời đã hy sinh và những nơi tham chiến tiêu biểu, em lên thêm một tầng lầu, đứng nhìn về huớng city, bầu trời bỗng nhiên như thấp xuống, những đám mây tụ trên những mái nhà cao tầng, lãng đãng khói sương, mưa phùn nhẹ rơi, tụi em xuống tầng hầm, bên duới trưng bày cả ngàn huy chương trong các khung kính, họ cũng bán những hình ảnh và sách cũng như các vật dụng mô hình các kỷ vật chiến tranh, trong đó trận chiến Anzac là trận chiến tiêu biểu của nguời Úc, thế nên có cả loại bánh làm từ thời chiến tranh đó vẫn còn được bán, và rất đượcc yêu thích, mang tên Anzac, đây là loại bánh mà những người vợ, nguời mẹ của lính đã làm ra trong thời chiến tranh gửi ra chiến trường cho chồng con mình, bánh làm không có trứng , vì thời chiến tranh, trứng khan hiếm, và bây giờ loại bánh này vẫn giữ nguyên công thức y như thời bấy giờ, khi trở lên, em lại nghe họ đang cử hành một lễ truy điệu nữa, hình như cứ nửa tiêng họ lại truy điệu một lần- Lòng em bùi ngùi khi nhớ đến những chiến sĩ của mình quá chừng anh ạ, theo em biết thì những ngôi mộ ở nghĩa trang quân đội ngày xưa, mới được mở cửa cho nguời nhà thăm viếng mộ vài tháng gần đây, nhưng theo một số người thì có lẽ họ lại sắp giải tỏa để chia lô bán đất nên mới mở cửa cho nguời nhà vào thăm mộ và làm cỏ, em không rõ lắm, nhưng cứ mỗi lần đến ngày thương binh liệt sĩ của họ, em lại ngậm ngùi thương nhớ những nguời đã nằm xuống, giờ này chẳng biết có còn ai nhớ đến, có nhiều lúc em tự thì thầm trong lòng mình, câu thơ của Vũ Đình Liên:
"những nguời muôn năm trước
Hồn ở đâu bây giờ"

Buồn quá anh ạ, thôi em chẳng muốn viết nữa đâu, càng nghi càng thấy buồn- Chúc anh bình an trong tâm hồn.

Nhỏ của anh

Phạm thiên Thu



Thư Cuối


Anh thương yêu,

Thời gian qua thật nhanh, đêm nay là đêm cuối cùng em còn được hít thở không khí mát mẻ, không gian thanh tịnh và bình an của xứ sở Kangaroo, ngày mai là em  phải trở về  lại với bao nhiêu  công việc,và  bổn phận cùng với những phức tạp vốn dĩ của nó.

Mấy hôm nay em không viết gì cho anh dù em rất muốn viết và có nhiều chuyện để kể, nhưng quỹ thời gian của em quá ngắn mà anh chị thì cứ muốn đưa em đi khắp mọi nơi, tối vê hai chị em lại phải soạn thảo chương trình cho chuyến công tác sắp tới của chị cùng phái đoàn Úc sang VN, tài liệu học tập, số lượng đĩa cho học viên và giảng viên…. còn thiếu, đủ như thế nào, giá cả làm sao cho đừng cao quá, báo cho tổ chức thế nào để xin Budget, nhóm cộng tác của tụi em phải đi chuyến bay nào để có thể gặp nhau đúng giờ hẹn tại Hà Nội, sau đó  cùng đi ra Hải Phòng, cố gắng tìm interpreter là người địa phương, có ít vốn liếng về ngành y để có thể giúp các học viên ngoài Bắc hiểu được bài, em là dân Bắc… mất gốc nên chắc cũng không phù hợp với vai trò này, etc…..Nói tóm lại là cả một núi công việc cần làm, thế nên khi về đến phòng mình là em chỉ muốn lăn ra…. đôi khi thức giấc giữa khuya, cũng muốn viết cho anh, nhưng rồi em cứ thấy lòng mình như đang vướng mắc một cái gì đó nên lại thôi.
Read More Anh thương yêu,

Hai hôm trước, anh Trung xin nghỉ phép một ngày để cùng chị đưa em đi Ballarat ( thành phố khai thác vàng ), buổi tôi chị đã chuẫn bị sẵn cho buổi picnic, sáng dậy sớm, ăn qua loa chén soup và  miếng bánh mì nướng trét vegemite (một loại thức ăn đặc biệt của người Úc mà không phải người ngoại quốc nào cũng có thể  chấp nhận, vậy mà em lại thích mới chết chứ- giống như mắm tôm của người VN mình) nấu nước sôi cho vào bình thủy xong là lên đường-

Khoảng cách từ chỗ em ở đến đó cũng khá xa(*), em nghĩ chắc cũng phải bằng SG ra Phan Thiết là ít, trước khi đi thăm mỏ khai thác vàng của Ballarat, tụi em ghé thăm Botanical Garden, trước khi vào Garden, tụi em lại ghé qua công viên ở kế bên, vì ở đó có khu tưởng niệm bằng hai hàng đá cẩm thạch xám, trên đó có ghi tên tuổi các chiến sĩ  vị quốc vong thân. Chẳng hiểu sao mỗi lần ngang qua những khu tưởng niệm của họ em lai nhớ đến "Nghĩa Trang Quân Đội" của VN, pho tượng huyền thoại ngày nào đã bị kéo ngã, khu nghĩa trang bị phong tỏa không ai được vào thăm viếng mộ người thân- Chiến tranh đã đi qua nhiều năm mà sao lòng em vẫn cứ nhói đau mỗi khi chợt nhớ về những ngày tháng cũ, những người thân yêu, bạn bè, và cả một thời thiếu nữ đã xa….

Botanical Garden có khu tượng của các vị thủ tướng Úc từ những ngày đầu cho đến hiện tại, sau khi chụp ảnh và mua vài chậu hoa ưa thích, anh chị và em kéo nhau qua khu  đất dành cho camping phía trước hồ, đối diện với  khu Botanical Garden để dùng bữa trưa, khi ngồi xuống bãi cỏ, cạnh gốc cây cổ thụ, em chợt nhớ tới khu “Đường sơn quán” ở Thủ Đức mà hai đứa chúng mình cùng đi với nhau vào một ngày tháng tư năm 1974- Biết bao nhiêu kỷ niệm ào ạt đổ về khiến lòng em bùi ngùi muốn khóc….Thấy em chợt buồn anh chị hỏi em nhớ nhà hay sao buồn vậy, em cười nói đùa “ nhớ…bồ thì có chứ nhà thì không nhớ “ anh chị cứ tưởng em nói đùa,  thật ra …  “nhớ bồ thiệt đó bồ ơi ! ”

Anh thương yêu,

Thư viết cho anh chưa xong thì đã đến ngày ra phi trường để về VN rồi, em sẽ viết tiếp thư này khi về VN anh nhé, Chúc anh mọi điều may mắn.

Anh thương yêu,

Vậy là em đã về lại quê nhà, về lại với cái nóng oi nồng của những tháng ngày chớm hạ, Sài gòn bây giờ dường như khác xưa nhiều anh ạ, những cơn mưa bóng mây của SG xưa dường như không còn nữa,mà thay vào đó là những cơn mưa tầm tã, dầm dề giống những cơn mưa của miền trung , trời cũng lạ, huống chi con người…phải thế không anh ?!... Và em nữa, chắc rồi em cũng phải quyết định quên đi chuyện chúng mình, có thể đây sẽ là lá thư cuối cùng em viết cho anh, vì có một vài người bạn bày tỏ với em cảm tình, và sự cảm thông của họ khi đọc được những lá thư tình gửi cho người tình xa của em, thật tâm em không muốn đem chuyện chúng mình rao bán, chẳng qua trong một phút yếu lòng em đã nói lên những gì thật tâm chất chứa trong lòng mà thôi, em nghĩ như vậy cũng đã đủ cho một chuyện tình , có lẽ ta nên quên đi thì hơn, em không muốn vì những giòng thư này mà  có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của ai, em cũng chẳng ước mong gặp lại anh … dù kiếp này hay kiếp khác… Thế nên nếu anh có tình cờ đọc được những lá thư này thì cũng cứ xem như chuyện của người nào đó xa lạ chứ không phải chuyện chúng mình , hãy để cho dòng đời cuốn trôi hết đi anh ạ, mặc dù khi viết đến đây ,dù không muốn nhưng nước mắt em cũng chợt ứa ra- Nói như thế thôi chứ ai lại không tiếc thương một quá khứ tràn đầy yêu thương và kỷ niệm, nhưng …có những quá khứ mà ta buộc lòng phải quên đi anh ạ- Cũng may là chuyện chúng mình chỉ có nỗi đau vì xa cách chứ không có những tiếc nuối của một thời tuổi trẻ ngu ngơ cho dù ngày đó em vô tư đến khờ dại , giống như nhà thơ tiền chiến nào đó đã viết

Tôi khờ khạo lắm ngu ngơ lắm
Chỉ biết Yêu thôi, chả biết gì


Và ngay cả bây giờ cũng vẫn thế, em luôn lấy tấm lòng chân thật để đối với cuộc đời, em thật sự cầu mong cho anh hạnh phúc và bình an trong tâm hồn- Em tha thứ cho anh tất cả những dối lừa trong tình yêu ( dối lừa gì thì em tin chắc anh hiểu rõ hơn em )

Vĩnh biệt tình ta

Nhỏ một thời yêu dấu của anh

Phạm Thiên Thu


(*) Chú thích của tòa soan: từ Melbourne tới Ballarat là 120 KM đường xe hơi


Nguồn: http://dactrung.net

Thêm bình luận

Bài vở và hình ảnh xin gởi về This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.