- Đăng ngày 27 Tháng 2 2010
- Lượt xem: 6056
Buổi họp mặt tân niên của khóa AC 73F vào ngày mùng sáu tết năm con cọp thật vui và tràn đầy xúc động, lần đâu tiên được tham dự với các niên trưởng, tôi thấy như mình đang sống lại những ngày còn thơ- Cả một đám cận kề “sáu bó” mà cứ như đám trẻ con tiểu học trên sân trường vào ngày đầu năm học
Các anh ồn ào đến nỗi “ chủ xị” phải cầm micro hét tóang lên “AC73F họp mặt hay họp chợ ?”, nhưng cuối cùng cũng đành thông cảm cười trừ vì cả mấy chục chàng trai ưu tú của quá khứ này ngày xưa đâu phải ở cùng barrack với nhau, và cũng đâu phải cùng thân thiết với nhau,mà trong đó có những người cùng nằm cạnh giường của nhau, có người cùng nhóm Huấn Nhục với nhau, có người cả hơn ba chục năm mới gặp lại nhau lần đầu tiên, dù khóa đã có nhiều lần gặp mặt, thế nên khi gặp lại cố nhân là vội vàng nhào đến nhắc nhau những kỷ niệm mà trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn những tưởng các anh đã không còn nhớ nữa.
Có nhiều anh trông vẫn còn phong độ, nụ cười vẫn còn mang dáng dấp hào hoa của một binh chủng hào hùng, nhưng cũng có những anh thật chân chất nông dân, nếu không gặp trong khung cảnh này chắc là tôi không thể nào hình dung nổi- Sự chân chất thật thà đặc trưng của người nam bộ khiến khi nhìn mình rưng rưng muốn khóc, rưng rưng thương nhớ một thưở vàng son đã thóang chốc vụt bay.
Những anh em gặp nhau hôm nay, mỗi người hẳn đã chất chứa trong lòng những nỗi niềm riêng không sao nói hết, dù có nhiều anh giờ nhà cao cửa rộng, vợ con hạnh phúc đề huề, nhưng tôi cũng đọc được đâu đó trong những đôi mắt thóang buồn nhớ về quá khứ, khi nghe các anh nhắc lại những kỷ niệm một thời ở quân trường, những ngày huấn nhục tưởng đã không còn nhớ nữa.
Nghe các anh nhắc những kỷ niệm, những ma mãnh của một thời tuổi trẻ, những anh chàng ngày xưa được cho là “ chân chỉ hạt bột”, nghe Bình nhắc chuyện nhờ anh Sơn viết thư tán gái dùm, lúc ra về nghe “ nhà mình” nói : “ anh Sơn hồi xưa cũng giống anh, không có thư bồ nên mới viết thư dùm thằng khác cho đỡ ghiền, anh cũng vậy, hồi đó mong thư em gần chết mà bà đâu có thèm viết cho tui, nghe ông Sơn nói không, huấn nhục khổ hơn con chó, nhiều khi khóc lên được, chỉ có thư người yêu để chia sẻ, vậy mà bà ở sài gòn lo chuyện gì đâu không, chờ thư bà dài cả cổ” mà mình thấy thật tội lỗi, có biết chuyện đó đâu, anh cứ có tật cái gì cũng không chịu nói, anh Sơn nói “ Thằng Tân ồn ào lắm, nó là người của đám đông chứ không phải như anh, anh thì thích những cái gì trầm lắng. . .”
Người của đám đông ơi ! anh có bao giờ nói, có bao giờ chịu chia sẻ với em đâu- Từ những ngày học cùng mái trường Nguyễn Công Trứ, những ngày yêu nhau, khi tự nguyện đi không quân anh cũng không hề nói với em, và cả bây giờ nữa, những nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh anh cững tự gánh vác một mình.. Hôm nay em mới biết một chút xíu những ngày gian khổ của anh
Những ngày hào hùng của một thời trai trẻ đã thóang bay đi , ba muơi lăm năm như một cái chớp mắt phải không anh, chúng mình già hết cả rồi, nhưng như lời hát của Ngô thụy Miên mà em muốn gửi trao anh trong buổi họp mặt tân niên đó “Dù cho mưa, em xin theo anh đến hết cuộc đời. . .,
Không chỉ mưa đâu, mà cho dù bão táp phong ba, dù cho đời ta rồi trôi dạt, dù em phải trầm luân hết kiếp này chăng nữa thì em vẫn cứ yêu anh . . yêu anh mãi mãi cho đến tân hơi thở cuối cùng của đời em, bù đáp lại những ngày huấn nhục mà em đã không hề biết đến
Cám ơn các niên trưởng, cám ơn ngày họp mặt, nhờ câu chuyện hôm nay mà em thấy yêu” nhà mình” hơn, và ước gì thời gian có thể quay trở lại để em “ Xin yêu lại từ đầu . .”
Phạm Thiên Thu